Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Oái oăm

- Sau khi nhà phê bình văn học Đặng Tiến, một Việt kiều ở Pháp qua đời, thế giới mạng đưa tin rất nóng sốt, kéo theo nhiều báo mậu dịch cũng có bài có tin có ảnh. Chuyện này không lạ bởi ông Đặng Tiến là người rất nổi tiếng, cây đa cây đề trong làng văn Việt, được đông đảo nhà văn nhà thơ trong nước nể phục, kính trọng.

Chẳng hiểu sao, đám cai trị ở TP.HCM không ưa sự này. Họ chỉ thị cho các báo quốc doanh phải hạ bài, cấm hó hé gì về Đặng Tiến nữa. Tôi từng làm báo mấy chục năm nên biết, chỉ một cuộc điện thoại hoặc cái tin nhắn lúc... nửa đêm là bọn báo chí tuân chỉ răm rắp. Sau này nếu phanh phui ra không có bằng cớ để quy kết "tội", khẩu thiệt vô bằng, cũng như những vụ đánh Hoàng Cát "Cây táo ông Lành", Việt Phương "Cửa mở" hồi trước, chúng cứ cãi lem lẻm, tao đâu có thế này, tao đâu có thế nọ, đổ cho tao lấy gì làm bằng chứng, v.v..

Việc hạ bài về Đặng Tiến xét đúng quy trình thì đó là sản phẩm của bọn tuyên giáo, nhưng tôi đồ rằng chúng không thể qua mặt ông Nên. Người đứng đầu thành phố chả nhẽ lại vô can? Ông đừng để "danh tiếng" phải chôn vùi trong những vụ tào lao thế này.

Vấn đề là, những đứa làm điều đó lại chính là những kẻ kêu gào hòa giải hòa hợp to mồm nhất. Ai không tin, cứ để ý từ nay tới ngày 30.4 thì rõ.

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Chuyện nồm (kỳ 5)

Chỉ có điều, thời buổi nhìn lên, thấy người ta có nhà xây, nền xi măng, sân gạch thì ai cũng ao ước. Nói đâu xa, nhà thày bu tôi cũng vậy.


Năm 1976, sau bao năm dành dụm, chắt bóp từng đồng, tích tiểu thành đại, nhặt nhạnh từng viên gạch viên ngói, từng cây gỗ, thày bu tôi cũng hoàn thành được “dự án của cả đời” là căn nhà 2 gian tường xây mái ngói nền xi măng. Chỉ có điều, vào những năm tháng đỉnh điểm thiếu thốn thời bao cấp, vữa xây cả căn nhà chủ yếu bằng vôi cát trộn, bởi mua được dăm bao xi măng thì dồn cho móng và mấy trụ cột. Dẫu sao cũng còn hơn nhà cậu Thê trước đó chỉ hết có 2 bao.


Có ngôi nhà mới hướng nam, thày bu tôi và mấy chị em tôi hài lòng lắm. Mát mẻ, cao ráo, dễ quét nhà. Khi ấy tôi chưa tốt nghiệp, chưa vào Nam, về quê chỉ mải ngắm nghía “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang khi tới cữ nồm. Lúc đầu cũng kệ, mày ẩm mày ướt mặc mày, rồi cũng phải khô ráo chứ có ẩm được mãi khối.

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Chuyện nồm (kỳ 4)

Vừa rồi nhà cháu biên cái thực tế rằng ở nhà đất sướng nhất khi trời nồm. Tường đất nền đất hút hết hơi ẩm, nước lặn sâu vào trong đất nên mình không bị cái cảm giác nhớp nháp khó chịu. Nhưng như thế không có nghĩa chẳng bị khổ bởi nồm.


Lứa chúng tôi, thời cả miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong cái không khí “tôi chạy trên miền Bắc/hớn hở giữa mùa xuân/rạo rực muôn màu sắc/náo nức muôn bàn chân” mà sau này mới biết nó chỉ là ảo, mình bị lừa, đã chịu khổ cực thiếu thốn trăm bề. Đói ăn quanh năm, nhưng đói không liên quan đến nồm, không phải do nồm, nên không bàn ở đây. Sự mặc dính tới nồm nhiều nhất, có những chuyện giờ nghĩ lại vẫn kinh.


Cả miền Bắc hồi nửa cuối thập niên 50 tới thập niên 70 chỉ có mỗi nhà máy dệt Nam Định do người Pháp để lại, sau vài năm thì thêm nhà máy dệt 8 tháng 3. Hai nhà máy gánh vác chuyện quần áo vải vóc cho 17 triệu người. Tới khi xảy ra “chiến tranh phá hoại” năm 1964, phe xã hội chủ nghĩa tăng thêm viện trợ hàng hóa, trong đó có vải vóc, tuy nhiên hàng ngoại, những simili, tergal, kaki, pô pơ lin, lụa… chỉ dành phân phối cho cán bộ. Bán cho dân chúng chỉ là sản phẩm loại thường của dệt Nam Định, dệt 8.3 như diềm bâu/chúc bâu, phin/phin nõn, chéo go, chéo… Chị Xuân Quỳnh có câu “Ôi chiếc quần chéo go/Ống rộng dài quét đất/Chiếc áo trắng chúc bâu/Đi qua nghe sột soạt”. Người mặc mấy thứ này, gọi chung là dân áo vải, “chúng ta đoàn áo vải/sống cuộc đời rừng núi bấy nay”. Những thứ sang trọng như lụa, sa tanh, kaki, simili, ốc pho, pô pơ lin, va li de… tạo nên đẳng cấp, nhìn người mặc là biết ngay cán bộ, nhà giàu, không thuộc hạng dân thường.

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Trông người ngó ta

Hôm qua 21.4, các báo mậu dịch thông tin về bản dự thảo những lãnh đạo cao cấp xứ này được đề nghị “hưởng” tiêu chuẩn cảnh vệ đặc biệt. Ngoài tứ trụ còn thêm cả người của đảng cầm quyền đang giữ vị trí thường trực ban bí thư.

Dự thảo nêu, chẳng hạn tứ trụ “Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc, chỗ hoạt động; bảo đảm an toàn về đồ dùng, vật phẩm, đồ ăn uống, phương tiện đi lại. Đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường, đi tàu hỏa bằng toa riêng, đi máy bay được dùng chuyên khoang hoặc chuyên cơ.

Thường trực Ban Bí thư sẽ được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc và khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết”.

Chuyện đặc quyền đặc lợi ở xứ này, lâu nay thiên hạ chả quan tâm nữa, bởi “trên” đã quyết rồi thì không thích cũng phải chấp nhận. Riết thành thói quen, các đấng bậc đương nhiên phải được vậy.

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Chuyện nồm (kỳ 3)

Nhà đất, tường đất, nền đất, mái rạ, hình như thứ vật liệu xây dựng cổ sơ này lại kỵ nồm, không bắt nồm. Suốt mười mấy năm sống với thày bu trong ngôi nhà như thế ở quê (làng Trà, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), khi những gia đình “có điều kiện” ở nhà xây (hoặc có từ thời Pháp, hoặc nhà cán bộ huyện, cán bộ thành phố, chứ cán bộ xã phần đông vẫn ở nhà đất) kêu như vạc mỗi mùa nồm, thở than khổ nọ khổ kia, thì đám nhà đất vẫn khá ung dung, cứ mặc kệ. Tường đất, nền đất không bắt nồm, hơi nước bị nó hút hết, trả vào đất. Căn nhà 3 gian, thày bu tôi làm từ hồi Pháp chiếm đóng, cửa nẻo tuềnh toàng, ngoài che mưa che nắng thì chỉ phát huy được mỗi giá trị vào cữ nồm.

Nhưng mình sướng mà không biết sướng, lại cứ ngóc ngó thèm chỗ khác. Sự đời là vậy, cho tới khi tỉnh ra. Nông dân, một trăm anh thì 99 anh ao ước ở nhà xây. Một hôm, đang lúc nồm nặng, tôi có việc xuống nhà chú Ngân. Chú đi bộ đội thời đánh Pháp, sau hòa bình giải ngũ là cán bộ của thành phố, thời các ông Trần Kiên, Đoàn Duy Thành còn làm bí thư thành ủy. Chú công tác ở ban tổ chức chính quyền nên cũng được xếp hạng cán bộ có “máu mặt”. Thím Hoạch vợ chú y sĩ phụ trách trạm xá xã nên khi chú thím làm nhà được xã ưu tiên cho khu ruộng khá rộng ven đường, ngay cổng trường cấp 2. Cán bộ thành phố nên nhà cửa cơ ngơi không thể xo xúi như nông dân. Nhà gạch 4 gian, 2 thò 2 thụt, mái ngói, nền xi măng, sân gạch rộng, nhà bếp cũng xây, bể nước to chứa chục khối, chuồng lợn chuồng gà cũng xây tuốt. Cơ ngơi chú Ngân chưa vào hạng nhất làng nhưng cả làng đều thèm thuồng ao ước. Anh Bé khều con trai cụ Hiếm có lần bảo tao chỉ mong kiếp sau có được dinh cơ như nhà ông Ngân.

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Chuyện nồm (kỳ 2)

Nếu như miền Nam chỉ 2 mùa mưa nắng (mùa khô và mùa mưa, thời điểm này đang cuối mùa khô) thì miền Bắc đủ cả tứ thời xuân hạ thu đông, thời tiết khác nhau khá rõ rệt. Chen trong sự phân định 4 mùa ấy, là những mùa nho nhỏ, ví dụ mùa hanh, mùa bão, mùa nồm… Nồm thường bị ngắt quãng chứ không phải liền tù tì một mạch. Chả hạn năm nay, dạo sau tết ta đã bị nồm, bẵng đi vài tuần lại nồm nữa, lúc này có vẻ nặng nhất.

Thời tiết do ông trời, không ai cưỡng được, nhưng sự khổ vì thời tiết có liên quan tới chính thể, tới nhà cai trị. Biết bao nhiêu đường lối chính sách của người cộng sản đã khiến con người miền Bắc trở nên đáng thương trong thời tiết. Chả thế mà người ta cười cợt “bắt cửi trần phải cửi trần/cho may ô mới được phần may ô”.

Miền Bắc những năm từ nửa cuối thập niên 50 tới nửa đầu thập niên 70 là thời gian bản thân tôi trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết. Mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông giá rét tím tái người. Rồi bão cứ đến hẹn lại mò về, từ tháng 5 tháng 6 tới cuối năm ít nhất cũng phải chục cơn, có năm anh em tôi tỉ mỉ đếm 13 trận bão. Những cơn bão số 6, số 7 vào mấy năm 1965, 1967, 1969 tới giờ nghĩ tới vẫn rùng mình. Rồi hanh khô làm mặt mốc căng da, chân tay nứt nẻ tóe máu. Và nồm, khổ không biết trốn đâu cho hết khổ. Tất cả những thiên tai trời hành ấy, con người chỉ biết cắn răng chịu đựng, bởi quá nghèo, thiếu thốn.

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Nhân chuyện Campuchia miễn phí

Nếu làm trợ lý, cố vấn, quân sư, thư ký giúp việc, nói chung là người thân cận của nguyên thủ quốc gia, của chủ tịch nước, thủ tướng, (riêng tổng bí thư đảng thì tôi không bàn bởi tôi không chơi với đám đảng điếc) thì ít nhất cũng phải biết tham mưu, hiến kế, có lời bày, lời khuyên như người ta đang làm ở nước láng giềng Campuchia.

Là gì vậy? Là chuyện Cam miễn phí ăn ở cho tất cả các đoàn nước ngoài tới Cam dự, thi đấu SEA Games 32.

Cam có giàu không? Không giàu. Chỉ có điều họ có nhiều cái hơn nước láng giềng phía đông, tạm gọi là Đông Cam.

Ông em tôi đi du lịch ngả Vietravel qua đó, về bảo ngắn gọn rằng xứ này còn lâu mới bằng Cam, về nhiều mặt. Xách dép chạy theo họ.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Chuyện nồm

Sài Gòn, năm thứ 49 sau cuộc “bãi bể nương dâu” 1975. Đang cuối mùa khô, sắp vào mùa mưa. Ở miền Bắc thì sắp vào hè. Trời cũng như người, trong cơn chuyển dạ, giao mùa, thường vật vã khó chịu. Ngó bản thông tin thời tiết hằng ngày cứ tự hiện ra trên điện thoại ma phôn, giật thót cả người. Mấy hôm nay tinh dững 37 - 38 độ C. Lâu nay chỉ ở nhà, nghỉ việc rồi, không phải tới cơ quan cơ qiếc nên nhà cháu diện cởi trần từ sáng sớm tới… sáng sớm hôm sau. Đỡ tốn vải, xà bông, nước, công, điện… nhưng chả bõ với cái nóng.

Nhớ hồi bé, nhà cháu thường nghe cụ thân sinh sau khi kéo xong điếu thuốc lào, ngồi trong cửa sổ ngó ra sân nắng chói chang, ngâm nga “Ai xui con cuốc gọi vào hè/Cái nóng nung người nóng nóng ghê/Ngõ trước vườn sau um những cỏ/Vang phai, thắm nhạt, ngán cho huê”. Cụ rất hay ngâm mấy câu ấy, bởi nó như một lời tâm sự, không chỉ về thời tiết, mà còn về thời cuộc. Nghe mãi thì thuộc, nhưng chả biết thơ của ai. Về sau nhà cháu tìm hiểu thì biết đó là “con” của cụ cử Dương Bá Trạc, một nhân vật lẫy lừng thời bản lề cuối thế kỷ 19, đầu 20. Cụ cử Dương Bá Trạc là anh trai của danh sĩ Dương Quảng Hàm. Bài thơ nói trên được đưa vào cuốn Quốc văn giáo khoa thư, hèn chi nhiều người thuộc. Trong bài còn có câu “Ngõ tối đua bay đóm lập lòe”, rất đời thực và rất… chính trị. Thày tôi có lần bảo các cụ ấy tài lắm, nói một chứ thực ra để hiểu mười. Sau này khi vào miền Nam, tôi hay nghe người Nam nhắc câu “Dzậy mà không phải dzậy”, ý cũng gần như thế.

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Cây xanh (kỳ 3)

Suốt mấy chục năm ròng rã chế độ xã hội chủ nghĩa, ban đầu ở miền Bắc, sau tháng 4.1975 lan tiếp cả miền Nam, việc phá rừng chặt cây được coi là chủ trương kinh tế. Rừng trong con mắt và bộ óc nhà cai trị chỉ có giá trị khai thác gỗ, hoặc là đất hoang, phải biến thành đất nông nghiệp trồng lương thực, rau màu. Tất cả những cuộc vận động đi khai hoang, lập quê mới, xây vùng kinh tế mới, thực chất là đi phá rừng. Nhà cai trị chỉ chú ý đến phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên, chứ gần như không quan tâm tới vấn đề môi trường, sinh thái tự nhiên. Nếu trước kia để giành độc lập, họ sẵn sàng đốt cháy cả dãy Trường Sơn, thì giờ đây để có “củ khoai củ sắn thay cơm” họ chả ngại chi chuyện phá rừng. Có thực mới vực được đạo Mác - Lenin, đạo xã hội chủ nghĩa, thì “rừng thiêng nước độc” đâu nghĩa lý gì bởi không đem lại lúa ngô khoai sắn đỗ.

Tôi hai lần được chứng kiến sự nghiệp phá rừng theo chủ trương của nhà nước. Lần đầu là phong trào đưa dân đồng bằng đi khai hoang tại các tỉnh miền núi những năm đầu thập niên 60 ở miền Bắc, lần 2 là cuộc đưa dân miền Nam, nhất là dân các đô thị, nhất là dân Sài Gòn, nhất là các gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, tư sản vừa bị đánh trong những cuộc cải tạo kinh tế đi mở những khu “kinh tế mới”. Những cái tên, khẩu hiệu, phong trào nghe rất hay, rất cách mạng, nhưng chỉ người trong cuộc mới thấm thía. Ở miền Nam, sau này nhiều người, nhiều gia đình cứ nghe nhắc lại cụm từ “kinh tế mới” là rùng mình khiếp đảm.

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Phí bẩn

TP.Hội An, cũng như mọi vùng đất khác ở nước này, là của chung người Việt. Nó là tài sản chung do tổ tiên cha ông để lại cho con cháu truyền đời.

Không ai, dù là kẻ cầm quyền, được lấy lý do phát triển để tùy tiện thu tiền, nhất là thu của dân chúng - chủ sở hữu.

Thu tiền/phí vào một khu du lịch do nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân bỏ vốn đầu tư khác với việc định thu tiền tới một vùng đất do tiền nhân tạo dựng cho con cháu, mà vốn của tiền nhân là mồ hôi, nước mắt, máu.
Muốn phát triển, có tiền, hãy tìm cách lương thiện tử tế khác, đừng nhăm nhăm nhìn vào túi dân.

Xứ này, để có tiền, có khi kẻ có quyền bất chấp cả đạo lý.

Chính quyền Hội An định thu phí người vào đất Hội An, cũng na ná như chuyện trung ương đã lập BOT chặn những con đường có từ bao đời để móc túi dân, mà BOT Cai Lậy là một ví dụ. Không được lấy lý do sửa đường rồi thu phí, bởi dân đã đóng thuế nộp vào ngân sách, sửa bằng tiền ấy.

Vì vậy, không thể chỉ trách một chính quyền Hội An. Nó chỉ noi gương, bắt chước bề trên làm điều sai trái.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Cái ấy ở Nha Trang

Lại nhớ đận người ta khoe nhau rằng ở bãi biển ven đường Trần Phú đẹp sầm uất bậc nhất thành phố Nha Trang sừng sững mọc cái tháp Trầm hương, tôi cứ háo hức định cưỡi tàu hỏa ra coi. Lấn bấn việc này việc nọ, tới khi ngó mấy tấm ảnh chụp, tự dưng chán ặt, không muốn mò ra ngắm tháp nữa. Tưởng gì, hóa ra cái khúc măng bê tông, trầm triếc đâu chả thấy, chỉ làm xấu bẩn cả bờ vịnh vốn đẹp đẽ nên thơ.

Sau có nhiều lần đến Nha Trang, nghĩ thầm dạo đó mình không đi là đúng. Cũng chả phải tiếc tiền vé tàu hỏa vừa đi vừa về hơn 800 cây số, 2 đêm ngủ bồng bềnh, cũng không phải đã tắt lịm ý định tới Nha Trang trời bể đẹp để rồi liên tưởng tới cái hang Pắc Bó gió lùa như người ta. Ngắm mụt măng rồi ôm về sự thất vọng thì thà ở nhà.

Mấy hôm nay, Nha Trang lại cuốn hút sự chú ý của thiên hạ, lời ra tiếng vào, khen chê loạn xì ngầu, về cái nhà hát Đó. Ngày khánh thành nó, cả quan tể tướng cũng đến chung vui với những lời có cánh. Phải công nhận người ta khéo sắp xếp. Chọn được những thời điểm “ngẫu nhiên” như vậy để PR thực không dễ. Ông em tôi cười bảo nhiều tiền làm được tất.

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Cây xanh (kỳ 2)

Có dạo ồn lên bức ảnh rất ngượng, ảnh vệ tinh chụp thực trạng rừng khu vực người ta quen gọi là “ngã ba Đông Dương”, ngã ba biên giới, nơi tiếp giáp lãnh thổ của 3 nước Việt - Lào - Campuchia. Nói ngượng, là bởi trên phần đất rừng Lào và Cam cứ xanh ngăn ngắt, còn đất An Nam ta trọc lốc như đầu thầy chùa. Sự tương phản rất rõ. Đây là ảnh vệ tinh của Gu gồ máp (Google map), khách quan, trung thực, chứ nếu do nhà nhiếp ảnh nào, có nhẽ đám tuyên giáo, tivi báo chí mậu dịch lại la lên oai oái bảo âm mưu chống phá bêu xấu của các thế lực thù địch. Xứ này, cứ cái gì ngược lại, trái lại sự ca ngợi của nhà cai trị đều là thế lực thù địch tuốt, đều là luận điệu sai trái.

Ông em họ tôi, coi xong cái ảnh, không như người ta lắc đầu quầy quậy, mà chép miệng, đèo mẹ, đó chính là kết quả của suốt bao nhiêu năm, mấy chục năm, hơn nửa thế kỷ thực hiện đường lối chủ trương phá rừng đấy. Chúng hô hào, ra quân, kêu gọi, huy động nhân lực và máy móc phá rừng không thương tiếc, khi tỉnh ra biết rừng đã bị mất thì lại đổ cho lâm tặc. Lâm tặc chính là chúng chứ ai. Trong biết bao mục đích, chỉ tiêu kế hoạch mà chúng đặt ra, thì phá rừng được hoàn thành sớm nhất…
Nghe lão em nói vậy, tôi chỉ biết chua chát. Lại nhớ mình cũng từng tham gia vào công cuộc cổ vũ phá rừng, diệt màu xanh đất nước.