Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Tội ác chưa bị trừng phạt (phần 2)

Có dịch bệnh thì phải chống dịch. Nó là thứ thiên tai địch họa, muốn tránh cũng chả được. Phòng chống ngăn ngừa dịch là chủ trương lớn của nhà nước, của cả hệ thống từ trung ương tới địa phương. Những chỉ đạo của chính phủ và các bộ, nhất là từ những người cầm đầu như thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng… được xem như pháp lệnh, khi đã ban ra dân chúng nhất nhất phải thực hiện. Vấn đề đáng nói là chủ trương như thế nào.

Đã từng diễn ra cảnh dở khóc dở cười khi chính phủ đẻ hết chỉ thị này tới chỉ thị khác, theo đầu óc chủ quan, tư duy mệnh lệnh, tạo nên kiểu ngăn sông cấm chợ mới. Chẳng hạn cấm dân ra đường từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng không khác chi thiết quân luật; lập tràn lan các trạm xét hỏi đòi đủ thứ giấy tờ, gây ra đủ thứ phiền hà; cấm tuyệt đối cả những nhu cầu tối thiểu của con người, nên mới có chuyện dở khóc dở cười coi bánh mì không phải là lương thực, sữa không phải hàng hóa. Chống dịch nhẽ ra phải bằng tư duy và biện pháp khoa học, bằng chuyên môn, thì người ta lại dựa vào chính trị, vào thứ thói quen chính trị cổ hủ từng tồn tại quá lâu ở xứ này. Ví dụ việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi, nhất là cho trẻ em, cũng phải chờ bộ chính trị duyệt. Nếu chỉ là chuyện khôi hài đã đi một nhẽ. Đằng này cười ra nước mắt.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Hỏng vô phương cứu chữa

Phải nói thẳng, chỉ có thời loạn, suy đồi thì mới đẻ ra những chuyện thế này:

- Tòa án xử vụ gian dối bán bằng thật cho người học giả, người mua bằng của Trường đại học Đông Đô. Tòa trắng trợn phán quyết không thể xử lý hình sự người mua bằng (những người này báo chí đã thông tin rất rõ phần lớn là cán bộ nhà nước). Trong hơn 400 người mua bằng, công an cũng ráo hoảnh nói rằng có 221 người có tên trong danh sách nhưng hiện không biết là ai, làm gì, ở đâu, không điều tra ra được.

Tòa án và công an thực thi pháp luật kiểu vô thiên vô pháp như thế đã đi một nhẽ, nhưng những kẻ cao hơn, cầm đầu, lãnh đạo toàn diện cũng mặc nhiên chấp nhận sự chà đạp pháp luật thì đúng là cả hệ thống cai trị dột từ nóc, mục ruỗng, công khai thách thức dân chúng.

Lời bàn: Tòa mà như vậy thì dẹp m.ẹ tòa đi.

- Bộ Khoa học - Công nghệ, chắc sau thời gian ủ mưu tính toán dữ lắm, không còn cách nào khác, không thể im lặng mãi, không còn chỗ trốn, nên tối qua 27.12 đã phải chường mặt ra làm trò,

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

Đêm Giáng sinh

Nhà cháu là đứa vô đạo, lại thiếu đức tin, lại được học tập và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa nên kết quả là hư hỏng nặng, lếu láo khó dạy. Hồi còn bé tí đã biết ra chùa vặt trộm nhãn, có hôm còn lấy cả oản đang cúng trên tam bảo, đem về bị bu mắng cho phải lén mang trả. May mà sư cụ không thấy, mà có khi biết cũng lờ đi. Người tu hành nhìn chung cao thượng, không chấp nhặt những ô trọc của đời. Cứ giả dụ bữa đó sư cụ túm cổ thằng giặc, dắt ra gọi ngõ thầy nó kể tội đạo chích khi phật chưa ban lộc thì đời mình toi, ít nhất là trong lý lịch cá nhân có dòng ghi ngày ấy tháng ấy vạch bờ chùa vào trộm cắp, dù chỉ là thó oản, do đói. Tiền án tiền sự rành rành, chối đằng giời, có khi chỉ học hết lớp 4 rồi bị đuổi học, cấp 2 cũng quyết đóng cửa không nhận, chứ nói chi đại học.

May mà đã trả oản, ngoan ngoãn nghe lời bu nên từ đó dần biết làm người. May mà gặp vị trụ trì một bậc chân tu, tình thương người rộng như đầm làng, không những xóa cho án tích mà còn thỉnh thoảng vào chơi với thày mình, khen thằng bé hiền lành, thật thà (ý nói nó đã đem trả oản). Cụ sư ấy là hòa thượng Thích Quảng Mẫn, một nhà sư danh tiếng lẫy lững ở miền Bắc. Cụ là bạn thân của cụ hòa thượng Thích Phổ Tuệ, người vừa mất hồi tháng 10 tây. Cụ Tuệ cũng từng có thời gian ngắn tu ở chùa Trà Phương làng mình, rồi lúc sư Mẫn thay thế về trụ trì thì sư Tuệ sang chùa Kim Đới cách đó vài cây số đường vòng.

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Tội ác chưa bị trừng phạt

Vụ “Việt Á kit test” đã cứa một nhát chí tử, phun máu vào đời sống xã hội nước ta. Dư luận phẫn nộ về những kẻ gây tội ác, chỉ có điều chưa chỉ ra căn nguyên và kẻ cầm đầu. Thủ phạm giấu mặt còn ẩn khuất và chưa bị điểm mặt chỉ tên, chưa bị trừng phạt.

Báo chí và cộng đồng mạng xã hội đã nêu rõ nhiều chi tiết sửng sốt về Công ty Việt Á, chả hạn nhà xưởng chỉ có mươi mét vuông, trụ sở công ty xập xệ như nhà cấp 4 cấp 5, nhân công lèo tèo hơn chục người, máy móc phương tiện sản xuất không bằng đồ dùng nhà bếp… Có nghĩa là, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy sự lừa đảo dối trá. Vậy nhưng không biết bằng cách nào, ma quỷ âm binh nào đứng sau nó, mà chỉ trong thời gian rất ngắn chưa đầy năm, nó đã thu về món lợi khổng lồ 4.000 tỉ đồng. Chỉ bán bộ dụng cụ y tế mà người ta gọi là kit test, nói đơn giản gồm mấy cái que, cái ống nhựa, chút dung dịch, chọc que vào mũi hoặc họng dân chúng để lấy mẫu thử, bỏ vào dung dịch trong ống, đưa vào máy xét nghiệm, một lúc sau ra kết quả có bị vi rút hay không, ta quen gọi là dương tính, âm tính. Dụng cụ ấy, sản xuất khi nào, ở đâu, bằng máy móc gì, sản lượng ra sao, v.v.., không ai biết. Nhưng nó đã thu về tiền tươi thóc thật, hàng nghìn tỉ đồng trong thời gian ngắn.

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Văn hóa (kỳ 4)

Chốt lại những ý ở các phần bài trước, rằng không phải cứ cái gì của phong kiến cũng là xấu, là phải bỏ và thay bằng cái mới. Có những giá trị đã được thử thách, chịu cuộc dâu bể và tồn tại mãi tới ngày nay. Lễ chính là thứ giá trị ấy, thành thứ chuẩn mực đạo đức, lối sống, văn hóa, đã là con người thì phải có nó, không thể bỏ được.

Tuy nhiên, gìn giữ ngàn đời nhưng có thể phá trong phút chốc. Thể chế nhân danh cách mạng đã hủy hoại biết bao nhiêu điều tốt đẹp mà cha ông từng gìn giữ bảo vệ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó có lễ. Không ai phá lễ, hủy lễ “giỏi” bằng bộ máy cai trị. Trên ngồi chẳng chính ngôi, nên bề tôi, kẻ dưới mới lăng loàn. Trên thì hống hách, cao ngạo, khinh rẻ người như rơm rác, dưới thì hèn hạ, rạp mình, mất tư cách, không ra thể thống gì. Chả bao giờ như thời nay, nên chính những kẻ vô lễ ấy đã đúc rút ra thứ lễ “tiến lên ta quyết tiến lên/tiến lên ta gọi cấp trên bằng thằng”. Quan lớn quan nhỏ đều mất lễ, bảo sao dân chúng không coi khinh xem thường. Vụ cái vòng hoa viếng nạn nhân tử vong do Covid-19 là biểu hiện “vô lễ” thiếu văn hóa rõ nhất.

Việc giáo sư thành viên Hội đồng lý luận trung ương Trần Ngọc Thêm đòi bớt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, xét về cơ bản là đòi bỏ lễ, nhưng nếu gạn đục khơi trong thì cũng có phần chấp nhận được. Cái được nằm ở vấn đề ông Thêm đòi bỏ khẩu hiệu. Ít nhiều ông Thêm đã dám thách thức thứ trật tự an bài, đã bày tỏ thái độ phản kháng đối với sự áp đặt vốn được coi là không thể thay đổi của nhà cai trị.

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Nhặt nhạnh

Trước khi đưa tiếp bài về "Văn hóa", nhà cháu nhặt nhạnh vài điều này đã.

-Hai ngày qua, chính quyền Sài Gòn tổ chức bán đấu giá hàng chục nghìn mét vuông đất ở Thủ Thiêm, giá mỗi mét vuông lên tới cả tỉ đồng (báo thì nói 1 tỉ, báo nói tỉ 2, báo nói 2 tỉ, thậm chí có báo khẳng định là 2 tỉ 4, nhưng chung quy lại đều trên 1 tỉ). Vẫn biết để có giá ấy, người ta đã bỏ ra nhiều tiền xây dựng hạ tầng (đường sá, điện nước...) tạo nên giá trị gia tăng, nhưng có mấy ai nhớ lại lúc người dân Thủ Thiêm bị cướp đất (mà nhà cai trị gọi bằng từ mỹ miều giải tỏa đền bù), giá bèo mỗi mét vuông chỉ vài tô phở không. Cướp của dân là lời nhất.
 
-Nguyễn Đức Chung chủ tịch Hà Nội ra tòa, tất nhiên do sai phạm của y, nhưng cần thấy rằng đó là để trả tội lỗi mà y đã gây ra, đã tham gia trong vụ Đồng Tâm (sắp 2 năm tròn). Luật nhân quả, luật trời, làm ác phải tội, phải trả giá, không kẻ nào tránh được. Chỉ hơn 1 năm sau vụ việc, trời bắt Chung đền tội ngay. Kẻ nào đó nghĩ rằng mình lọt lưới là nhầm to. Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát, không sớm thì muộn, mà chả muộn lắm đâu, không hẳn cứ phải ra tòa.

-Trước tòa, đám quan lại như Trần Vĩnh Tuyến, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Đức Chung đều thiếu tư cách, hèn hạ, không dám mình làm mình chịu, tự gánh vác hậu quả hành vi của mình. So với Vũ nhôm, hoặc thậm chí trùm ma túy Văn Kính Dương cũng còn kém xa, chứ làm sao so được với con người trượng nghĩa hiên ngang như Trương Duy Nhất.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Chính trị chính em

Kẻ đầu lĩnh Campuchia chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN năm 2022 đã quyết mời tên sát nhân Miến Điện dự, chứ không nói "không" như những lần trước.Tư cách thằng thủ Cam thế nào, ai cũng rõ, nó cũng chỉ làm theo thằng thầy T.à.u.

ASEAN như vầy, sớm muộn gì cũng giải tán, những thành viên cũ như Sing, Mã, Thái, Phi... sẽ rút bởi không thể sống chung với những kẻ phá hoại nó.

Đồng ý hay không đồng ý với quyết định của nó thì phải dứt khoát, chứ không thể nửa nạc nửa mỡ, ỡm ờ, rằng "Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi Myanmar là một thành viên quan trọng trong gia đình ASEAN, mong muốn Myanmar đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực".
 
Thái độ như thế, nói năng như thế, tất nhiên thiên hạ sẽ khinh bỉ, coi thường, coi phát ngôn quốc gia không có một li ông cụ giá trị nào. Cũng chả khác gì giọng điệu gái Quất Lâm, Đồ Sơn, thậm chí không bằng.

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Long trọng viên

Tôi cứ thẳng thắn đề nghị, mấy ông to bà nhớn có đi dự lễ, thăm thú đâu đó, làm long trọng viên chuyên nghiệp, nếu được mời phát biểu thì cứ lên bục nói vo vài ba điều, nói những gì mình biết. Ví dụ thăm Quảng Ninh thì khen nó lắm than, vàng đen của tổ quốc, thăm Thanh Hóa thì nhắc phát huy tiềm năng thế mạnh 5 lờ (L) là lúa, lợn, lạc, luồng, ..., thăm Điện Biên thì tự hào 'lừng lẫy, chấn động địa cầu", thăm Hà Giang thì đá, rồi hát "Hà Giang mến yêu ơi", v.v.. Biết đến đâu nói đến đấy, ngắn thôi, rồi ra hiệu lệnh "vỗ tay".

Đâu có cái thói cứ cắm đầu cắm cổ đọc những thứ đứa khác viết, khác gì làm loa cho chúng nó, thiên hạ cười cho. Mà ai thèm nghe.

Nếu dự hội nghị, đại hội, đọc báo cáo đã đi một nhẽ, còn làm long trọng viên thì nói in ít ngăn ngắn thôi, các bố ạ.

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Văn hóa (kỳ 3)

Không ít người bênh giáo sư Thêm đã về hùa với ông ta, nói rằng bỏ lễ là đúng. Họ cũng như ông Thêm, đánh đồng lễ với nho giáo, với phong kiến, với sự kìm hãm bằng tôn ti trật tự để trói buộc con người. Họ không cần biết người Việt cả nghìn đời nay đã biến lễ vốn từ sự tuân phục, cung kính giáo điều, chấp nhận sự ngoan ngoãn tẻ nhạt, thành đạo đức, văn hóa, lối sống, thái độ sống, hành vi sống tốt đẹp. Có thể nói không ngoa rằng, người Việt hiện nay còn được người nước khác yêu mến, nể trọng, thì phần rất quan trọng là nhờ thứ “lễ-đạo đức-văn hóa” ấy, chứ không phải do giỏi đánh nhau.

Lại kể chuyện hồi tôi qua Thái Lan, mọi người trong đoàn khách Việt sau cuộc chiêm quan đã có những nhận xét khác biệt về đất Thái, nhưng đều nhất trí với nhau rằng người Thái Lan rất đáng yêu dễ mến. Họ luôn đối xử với nhau và với khách nước ngoài bằng sự nhẹ nhàng, mềm mỏng, ân cần, dịu dàng, gần như chẳng thấy cau có, mặt nặng mày nhẹ, lớn tiếng, cục súc, chửi bới bao giờ. Không có bún quát cháo chửi, không hề thấy vênh mặt lườm nguýt du khách… Thái Lan không bị ảnh hưởng nho giáo nặng đậm như Việt Nam nhưng họ có thứ lễ riêng trong mọi mối quan hệ xã hội rất đáng tự hào. Đó chính là thứ tạo nên bản sắc đẹp đẽ cao quý của người Thái, chứ không phải như ai đó là vênh váo về chuyện giỏi đánh nhau, “tự hào đánh thắng ba đế quốc to” này nọ.

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Đất, tội lỗi, và sự khốn cùng

Hôm nay 6.12, Sài Gòn mở phiên tòa xử đám quan chức ăn đất. Nhân vật chính là phó chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến, cùng đám quan tham Lê Tấn Hùng em cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải...

Sắp tới, cựu phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cũng được ưu tiên nhận tội. Và còn nhiều kẻ nữa trong bộ máy cai trị phải đối mặt với pháp luật, dù dân chúng không tin vào pháp luật xứ này cho lắm.

Không chỉ Tuyến, Cang, Hùng, những Nguyễn Thành Tài, rồi thượng tướng đô đốc Nguyễn Văn Hiến, đám đầu lĩnh chính quyền ở Khánh Hòa, Đà Nẵng... đều chết nghẹn bởi đất. Đất là cái mồ chôn sự nghiệp, danh tiếng của chúng. Nhưng đất cũng đẩy dân chúng lương thiện vào sự khốn cùng. Lôi kẻ phạm tội ra vành móng ngựa thì đồng thời cũng phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân bị tước đoạt đất đai.

Nhớ trong quyển sách hồi nào, cuốn "Những con đường đói khát" của nhà văn Brazil G.Amado có dẫn lại câu của nhà thơ Petofi (Hungary) "Đất hỡi, mi ăn gì mà quá khát/Sao uống nhiều nước mắt, máu tươi", rất đúng với hiện trạng đất và người ở xứ ta nhiều năm nay.

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

Văn hóa (kỳ 2)

Đang lúc “toàn đảng toàn dân phấn khởi thực hiện đường lối văn hóa mới” do tổng bí thư cầm giấy đọc/trình bày tại hội nghị văn hóa toàn quốc thì xảy ra chuyện. Như dội gáo nước lạnh. Ông Trần Ngọc Thêm giáo sư tiến sĩ, thành viên hội đồng lý luận trung ương công khai lập ngôn, bảo rằng đã đến lúc cần bỏ ngay câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, khiến xã hội nhao nhác, cãi nhau như mổ bò. Lễ hay văn là một chuyện, điều quan trọng ở chỗ nó đụng đến văn hóa.

Nếu một đứa thường dân, loại trẻ trâu, du côn du kề, kẻ lê la đầu đường xó chợ, người đầu tắt mặt tối chỉ chúi đầu vào việc kiếm miếng ăn, v.v.. mà đòi bỏ lễ, bỏ cái dòng chữ khẩu hiệu trứ danh kia, thì dễ thông cảm. Đằng này từ mồm ông có học, ông hội đồng lý luận, nên thiên hạ không thể coi là lời nói gió bay.

Trong cuộc tranh cãi sư nói sư phải vãi nói vãi hay, ông Thêm có phân trần rằng mọi người chưa hiểu hết ý tôi, chưa nghe hết điều tôi nói đã lao vào ném đá. Vâng, có thể xảy ra trường hợp như vậy. Nhưng thưa giáo sư, cũng chính ông đã nhấn mạnh chữ lễ đã kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của con người, của người đi học, “nó xuất phát từ Nho giáo, bảo vệ chế độ phong kiến, mà chế độ này chỉ cần người dân biết lễ nghĩa, biết trên dưới là đủ chứ không cần một xã hội phát triển, dân chủ và sáng tạo” (trả lời phỏng vấn của báo VTCNews ngày 27.11). Ông nhầm to. Trình độ giáo sư mà chỉ hiểu đến thế thì bị ném đá là phải.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Hạn sử dụng

Suốt một tuần qua, blog nhà cháu bị đánh phá, không vào được, không đăng được. Hôm nay chắc "nó" chán, tháo khoán nên nhà cháu lại vào được nhà mình. 

Hạn sử dụng

Nhân chuyện Bộ Y tế và mấy ông bà “giết người không dao” khẳng định vắc xin hết hạn sử dụng vẫn dùng tốt, vẫn hiệu quả, không bị ảnh hưởng đến chất lượng, tôi thấy phải có mấy dòng.

Chả biết từ năm nào, những người nhà tôi khi đi mua đồ ăn thức uống đều dặn nhau nhớ coi “đát” (date), coi cái hạn sử dụng của nó tới ngày tháng năm được nhà sản xuất ghi trên bao bì. Nhưng có lẽ đó là thói quen mới sau mốc lịch sử 1975 bởi trước đó chính tôi và những người cùng thời ở miền Bắc chả bao giờ lưu ý về điều này.

Miền Bắc những năm dài thiếu thốn, thứ gì cũng thiếu, thì quan tâm đến hạn sử dụng làm gì. Mà có lẽ không có loại sản phẩm nào ghi “đát”, bởi hình như nhà sản xuất không quan tâm, hoặc thấy không cần thiết. Hạt gạo, ký bột mì, cái bánh cái kẹo, cho tới viên thuốc cảm thuốc ho, tất tật đều do cửa hàng quốc doanh phân phối bán lẻ, nhiều thứ phải mua bằng bìa bằng sổ, có được là may, chứ ở đó mà săm soi hạn dùng. Gạo mọt thì đãi mọt, bột mì ẩm thì đem phơi, bánh mốc thì nướng lại, đường bị kiến thì hòa nước vớt ra…, không bỏ bất cứ thứ hư hỏng nào.