Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Những vị tướng làng tôi

Nhà nước đang lôi một loạt tướng lĩnh cao cấp, có cả thượng tướng, trung tướng, ném vào lò chống tham nhũng. Leo lên đến tướng mà còn hư hỏng, thật quá thể. Sực nhớ về những vị “tướng” của làng.

Làng tôi là làng (thôn) Trà Phương thuộc xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Xã có 3 thôn làng, hai thôn kia là Quế Lâm và Phương Đôi, thôn Trà Phương nằm chính giữa, hai bạn kẹp hai bên. Hầu như mọi trụ sở của “bộ máy trung ương xã” như ủy ban, trường học, trạm xá, nhà văn hóa… đều đặt tại làng Trà. Ngày xưa giữa làng còn có cái đình rất to, nghe kể dựng từ thời nhà Mạc, được tu sửa thời nhà Nguyễn, hàng chục cột lim cả vòng tay người ôm, hành lang bao quanh bằng đá xanh núi Nhồi (Thanh Hóa) mỗi tảng nặng vài tấn, nhưng hồi năm 1964 bị hợp tác xã dỡ lấy gỗ đá xây trại chăn nuôi. Nơi đặt cái đình chính là trung tâm của xã, nay trường cấp 2 ngự trên nền đó.

Làng tôi từng được nhà nước thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19 chọn làm nơi đặt phủ Kiến Thụy với tòa thành phủ rất hoành tráng. Vị thế đắc địa, rất đẹp, trên bến dưới thuyền. Năm 1945 nổ ra cách mạng, phủ Kiến Thụy bị quân cách mạng đánh chiếm, sau đó bỏ hoang, qua thời kháng chiến 9 năm cứ hoang hóa tàn tạ đổ nát dần. Hồi tôi trẻ con, thấy tòa thành cũ bằng đất vẫn cao ngất mấy mét, chân rộng cả chục mét, giống như con trăn khổng lồ. Người dân tự động san lấp, phá từng đoạn trồng sắn, trồng tre, làm nhà ở trên mặt thành, còn hợp tác xã thì chọn những chỗ thuận tiện nhất xây trại chăn nuôi, làm lò gạch. Cứ việc cuốc đất thành phủ ra mà trộn đều đóng gạch bỏ vào lò nung, chẳng cần đào bới gì sất. Sau những buổi đi học, tôi thường mò ra thành phủ kiếm củi, đánh trận giả, lội xuống đầm Phương Đôi phía sau thành đánh dậm kiếm mớ tôm tép, có hôm tối mịt mới về.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Chống tham nhũng

Tôi để ý thấy, trên mạng xã hội khi có ai đó tỏ ý không tin tưởng vào "công cuộc chống tham nhũng" của đảng và nhà nước, tức thời có ngay ý kiến "phản biện", kiểu rằng "không chống cũng nói, chống cũng nói", "không chống thì để mặc tệ nạn tham nhũng hay sao", v.v...

Khác nhau quan điểm, chỏi nhau ý kiến, đó là chuyện bình thường trong xã hội, cụ thể trên mạng xã hội. Chúng ta cần tôn trọng cả hai phía, bởi đó là quyền tự do cá nhân. 

Tôi cho rằng những người "phản biện lại phản biện" kia không hẳn là dư luận viên hoặc biên chế của sư đoàn 47. Họ có thể là đảng viên nhưng là người tử tế, họ bảo vệ cho công cuộc mà đảng họ đang tiến hành. Ăn cây nào phải rào cây ấy.

Tôi không tham gia vào những cuộc tranh luận của hai bên bởi hiểu rằng có nói thêm vào đó cũng bằng thừa, thậm chí vô ích, bởi con người ta mang đặc tính ngoan cố, ít khi tự nhận mình sai. Nói với hai ông, ông nào cũng cho mình đúng, há chẳng vô nghĩa lắm ru.

Nhưng nếu phải lên tiếng thì sẽ nói thế nào? Tôi sẽ bảo, xã hội nào cũng có tham nhũng, không nhiều thì ít. Có thì phải chống, nên ủng hộ việc chống tham nhũng. Tuy nhiên một chế độ mà để cho tham nhũng hoành hành tới mức nghiêm trọng như ở xứ ta, càng chống càng tòi ra tham nhũng, dột từ trên xuống dưới, dột khắp mọi nơi, to ăn kiểu to, nhỏ ăn kiểu nhỏ, tham nhũng công khai, vô quân vô pháp... thì việc chống cũng chỉ như muối bỏ bể, đánh rắn khúc đuôi, ném đá ao bèo. 

Điều quan trọng là phải xem lại cái thể chế, cái bộ máy đã sinh ra tham nhũng, nuôi tham nhũng, che giấu nó, bảo vệ nó. Nó còn tồn tại thì tham nhũng còn. Muốn chống tham nhũng triệt để phải coi lại cái bộ máy ấy chứ chỉ lôi một vài viên quan tham, lôi đám tướng lĩnh hư hỏng ra trừng trị, cũng chỉ như đuổi ruồi mà thôi.

Cái cây đã thối gốc thì dù có tỉa cành, vặt lá cũng chả cứu được cây. Chỉ nên đào vứt gốc thối đi và trồng cây khỏe mạnh xanh tốt khác.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Thành ngữ mới: Bơ thừa sữa cặn

Gọi là thành ngữ mới bởi nó được dùng khá nhiều và khá lâu, rất phổ biến, trong một thời gian dài. Tất nhiên tác giả của nó là những người cộng sản ở miền Bắc.

Nhớ hồi những năm 60 - 70 ở miền Bắc, khoai còn chả đủ ăn, lấy đâu ra bơ sữa. Tôi sinh năm 1955, một năm sau khi miền Bắc được giải phóng khỏi người Pháp, thú thực mãi đến hơn 20 năm sau mới biết mặt mũi miếng bơ. Còn sữa, cũng chỉ nghe nói thì nhiều chứ chả mấy khi được uống. Với nông dân đặc sệt như tôi, bơ sữa là cái gì đó rất cao sang, mà cũng chả mơ được ăn uống nó bởi vì hiểu phận mình chỉ có khoai sắn làm bạn.

Nhưng đài báo nhà nước thì cho dân “ăn” bơ sữa thường xuyên, nhất là khi lên tiếng tố cáo chính quyền “ngụy” Sài Gòn. Họ gọi đó là bọn tay sai của đế quốc Mỹ, cam phận ăn “bơ thừa sữa cặn” để áp bức bóc lột đồng bào miền Nam, gây chiến tranh chia cắt đất nước. Theo cán bộ hồi đó giải thích, cũng như đọc trên báo Nhân Dân, ăn “bơ thừa sữa cặn” là ăn thứ người ta đổ đi, ăn hèn ăn nhục, bám đít đứa khác, chả khác gì con chó ăn sít. Thà đói khổ mà làm người cách mạng còn hơn sống kiếp “bơ thừa sữa cặn”. Nghe giải thích vậy, tự dưng thấy không thèm bơ sữa nữa. Đói cũng vinh quang.

Nhưng nếu chỉ cho kẻ thù ăn bơ thừa sữa cặn nhằm khinh bỉ nó thì cũng dễ hiểu, đằng này mấy bác lý luận cách mạng nhà ta gán cho dân chúng miền Nam luôn. Thời đó ai cũng biết đời sống của người dân miền Nam cao hơn hẳn ở miền Bắc, lương thực dư thừa, hàng hóa dồi dào, nông thôn cũng như thành thị đại đa số dân chúng không bị đẩy vào cảnh đói kém, thiếu thốn, khốn cùng. Gia đình vợ tôi ở nông thôn, trên một cù lao sông Tiền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dù giao thông cách trở, đi lại khó khăn, vùng xôi đỗ (ngày thì chính quyền cộng hòa, đêm thì cộng sản), chiến tranh ác liệt như thế, nhưng ông anh vợ tôi bảo những năm tháng ấy chưa hề bị đói bao giờ. Tôm cá thịt thà chả bao giờ thiếu. Hàng hóa nhập khẩu ê hề, cứ thế giới có thứ gì thì miền Nam có thứ ấy.

Kẻ cầm đuốc

Xứ ta có những điều cực kỳ vô lý nhưng người dân dù thấy chướng tai gai mắt vẫn phải "xơi" bởi bộ máy tuyên truyền thuộc về kẻ có quyền.

Tô phở "kỷ lục Guinness" chứa 1,3 tấn phở, ngay cả nếu ngon theo kiểu phở Lệ, phở Hùng, phở Bát Đàn, phở Lò Đúc, phở Lý Quốc Sư... cũng chả ai thèm đụng đũa bởi người chứ có phải heo đâu mà ăn kiểu thế, huống hồ lại là thứ phở ăn liền Vifon, ném vào nước sôi 2.000 gói trộn lên thành phở chỉ để lấy tiếng. Gói phở ăn liền Vifon thì để người ăn, nhưng phở kỷ lục kiểu ấy thì chỉ nên dành cho heo. Vậy mà người ta cũng trao kỷ lục, cũng xuýt xoa ca ngợi. 

Ngã ba Đồng Lộc là nơi chứng kiến biết bao nhiêu đau thương, tang tóc, chết chóc, sự tàn bạo của chiến tranh, sự hy sinh tổn thất của con người. Không ai phủ nhận xương máu của người đã ngã xuống, của những cô gái TNXP hy sinh ở ngã ba này, nhưng bộ máy tuyên truyền cứ ra rả gọi là "kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc" thì quả thật khó nghe. Ngay cả ông thủ tướng cũng đọc văn mẫu do thư ký viết mang giọng điệu như thế. Không có gì gọi là chiến thắng cả. Đường bị phá, người bị chết, cha mẹ mất con, tuổi xuân bị cắt đứt, đầy bi kịch... mà lại chiến thắng ư? Có thể kỷ niệm tưởng nhớ, biết ơn những người đã ngã xuống tại ngã ba này, nhưng chiến thắng thì hoàn toàn không phải. Xưa nay, bộ máy cai trị cứ cả vú lấp miệng em, bắt mọi người phải tin theo điều họ nói. Vụ "Đồng Lộc" cũng thế.

Tự xưng là lực lượng lãnh đạo, là Đankô cầm đuốc dẫn đường thì phải xứng đáng là người cầm đuốc chứ không thể lôi cả xã hội đâm quàng bụi rậm như vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Cách mạng

Theo tôi, nhà cai trị xứ này cần sớm bỏ cái từ mà họ rất hay dùng, họ tôn thờ, coi là cương lĩnh, mục đích, phương châm, hành động, lý tưởng... Đó là từ "cách mạng".

Phải nói thẳng rằng, ngay cả những ông trùm lý luận của chế độ đương thời lẫn những người dân ít học, ít quan tâm đến chính trị chính em, khi dùng từ “cách mạng” chỉ nghĩ tới sự hay ho, tốt đẹp, tích cực, chứ không cần biết nó có còn hợp hay không. Họ không bao giờ nghĩ họ sai. Người đã liên quan tới cách mạng (dù chỉ phát âm từ này) thì có bao giờ sai. Cách mạng không bao giờ sai. Quan điểm xưa nay là vậy.

Trong vốn từ tiếng Việt mà chúng ta đang dùng có rất nhiều từ gốc Hán, ta quen gọi là từ Hán Việt. Nghĩa của từ Hán Việt thường được tạo ra từ những từ đơn lẻ hợp thành. Từ “cách mạng” cũng vậy, gồm 2 thành tố, “cách” và “mạng”.

Theo Từ điển Hán Việt của cụ học giả Đào Duy Anh cũng như từ điển của nhiều vị Hán học uyên thâm khác thì nghĩa của những từ ấy khá rõ, thống nhất. “Cách” là sự thay đổi, phế bỏ, gạt bỏ, xóa đi, giết đi. “Mạng” là mệnh, ngày xưa để chỉ ông vua. Vua là thiên tử, thay trời trị dân, đó là mệnh của vua. Mệnh vua tức là chế độ. Ngoài ra, mạng (mệnh) cũng có nghĩa là số phận, sự tồn tại của con người nói chung.

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Chuyện nghe đài (kỳ 2): Sướng khổ cũng bởi đài

Khi chưa có đài truyền hình thì cứ nhắc tới đài, người ta hiểu đó là đài phát thanh. Đài phát thanh quốc gia ở miền Bắc trước năm 1975 là Đài tiếng nói Việt Nam. Câu đài hiệu “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” đã trở nên quen thuộc gắn bó với hàng chục triệu con người, với bao nhiêu thế hệ.

Để nghe đài phải có máy thu thanh, bây giờ quen gọi là radio theo tiếng tây. Miền Bắc thời chiến tranh dồn sức người và của cho chiến trường nên cuộc sống cực kỳ khó khăn, nghèo nàn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Máy thu thanh thuộc dạng của hiếm, chơi sang, chỉ những nhà khá giả giàu có, nhà cán bộ, nhà có người đi nước ngoài thì mới sắm được đài. Phổ biến nhất là hàng của những nước phe xã hội chủ nghĩa, chủ yếu từ Hungary, Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Lưu học sinh, nghiên cứu sinh ở Liên Xô thường đem về cỗ đài Rigonda to như cái tủ lạnh con bây giờ. Vào nhà ai thấy giữa phóng khách một ngài Rigonda oai vệ, lừng lững, màu cánh gián bóng, chiếc loa phập phồng theo âm lượng to nhỏ, cứ phục lăn chủ nhà. Chơi thế mới là chơi, dạng đẳng cấp sang trọng không phải ai cũng với tới được.

Loại đài nhỏ hơn được nhiều cán bộ ưa dùng là Orionton của Hungary và Xianmao của Trung Quốc. Nói là nhỏ nhưng thực ra chiếc Orionton cũng phải to bằng 4 hòn gạch chập lại, nặng xệ vai. Đã đẳng cấp thì nặng nữa cũng chả ngại. Nhiều bác có chiếc Orionton đeo khắp nơi, đi tới đâu là trẻ con theo rần rần tới đó ngắm nghía, thán phục, nghe tin tức, nghe ca nhạc. Anh chàng nào đang kỳ tìm hiểu mà có cái đài đeo đến nhà bố mẹ người yêu, sự đảm bảo thành công thêm được vài chục phần trăm. Đợi cả nhà xong việc, quây quần túm tụm vào, chàng trịnh trọng mở đài, giương cần ăng ten, dò sóng ngắn sóng dài, vặn vô lum to nhỏ, chọn chương trình ca nhạc, tiếng thơ hoặc kể chuyện cảnh giác, cả nhà nàng cứ mê đi, đôi trai gái lỉnh xuống bếp tha hồ trò chuyện.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Buồn cười thành phố đáng sống

Xứ này rất nhiều chuyện mắc cười, kể ra có mà cả ngày chả hết. Nhưng tuần ni buồn cười nhất là chuyện bầu bán lãnh đạo ở Đà Nẵng.

Đã e hèm dặng hắng chuẩn bị suốt bao lâu rồi chứ có phải là làm đột ngột đâu mà bảo không kịp chuẩn bị. Sáng 9.7 đã lên kế hoạch, phiếu đã phát, hòm phiếu đã trưng ra, thậm chí kết quả bao nhiêu phần trăm cũng đã có sẵn như mọi cuộc bầu bán theo chỉ đạo ở xứ ta lâu nay, đánh đùng một cái ra tuyên bố trung ương chưa duyệt, chưa có ý kiến nhất trí về nhân sự nên tạm hoãn. Rồi lại đùng phát nữa, tới chiều thì công bố trung ương đã duyệt, bầu ngay trong ngày, tất nhiên là trúng, đúng người trung ương đã duyệt.

Lão Maddox cười, văng tục, đèo mẹ, cả nước đang bao nhiêu là việc cần làm, lại ngồi đó diễn trò, nghe và nhìn cứ tức anh ách. Trung ương thì ấm ớ, suốt bao lâu, hoặc là vô trách nhiệm không duyệt cho nó (Đà Nẵng), hoặc là cố tình ngâm tôm kiểu như ra thông điệp chúng mày muốn làm cũng phải chờ ý tao, đừng có lôi thôi. Còn địa phương, đã biết chẳng có tí chút quyền gì vẫn giở dói bầu bán, mất thời gian.

Cái thành phố một thời được coi là điểm sáng của cả nước, suốt cả năm nay chỉ loay hoay xếp đặt, tranh giành ghế, lún sâu vào những trò cười, thật đáng tiếc.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Dịch vụ hay phục vụ

Phải nói thẳng rằng, ngay cái tên "Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ" của Bộ GTVT cũng láo toét, cũng sai, chứ không phải chỉ có chuyện lùm xùm nhố nhăng giá hay phí.

Quốc lộ (đường của nước, tức là của toàn dân) do ngân sách nhà nước làm ra và duy tu bảo dưỡng thì không đứa nào có quyền thò bàn tay lông lá vào thu thêm tiền của dân. Chính dân đã đóng tiền để có con đường ấy thì họ cứ việc đi, không dịch vụ dịch viếc gì hết. Nếu đường hư, xuống cấp, ổ gà ổ voi, cần sửa chữa... thì nhà nước có trách nhiệm làm, lấy tiền ngân sách ra sửa. Còn nếu bảo rằng cho nhà đầu tư bỏ tiền sửa chữa rồi được quyền thu phí dịch vụ (thực ra là tiền mãi lộ) thì đừng có thu thuế nữa, dân đéo đóng nữa.

Dịch có nghĩa là giúp đỡ, phục vụ; vụ là công việc. Dịch vụ là làm cái công việc phục vụ, giúp đỡ cho ai đó. Việc làm đường, bảo dưỡng đường là việc của nhà nước để phục vụ dân, phục vụ chính những người đóng thuế nuôi nhà nước, phục vụ người góp tiền làm ra con đường ấy, thu phí dịch vụ là thu thế đéo nào. Rất vớ vẩn.

Chỉ giỏi tìm cách bóp nặn dân.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Chuyện lương thực (kỳ 3): Kể thêm về khoai lang

Trong bài trước, thấy tôi viết “thời của khoai lang”, mấy ông bạn cùng độ tuổi từng sống những năm tháng ấy gật gù, ừ nhỉ, chúng mình không có khoai lang chắc đói rã họng. Một ông còn bảo tao có ý kiến, hôm nào bọn ta về quê, ra ủy ban xã thưa với chính quyền rằng xã ta chưa có tượng đài gì, vậy kiếm hòn đá hoa cương sắc đỏ to, mời nhà điêu khắc nổi tiếng về tạc một tượng củ khoai lang thật to, đặt ngay giữa sân đình làng đang xây dựng, sẽ ý nghĩa bao nhiêu.

Biết là bác ấy nói đùa nhưng thấy cũng có lý. Thời bé, chả từng nghe mãi người nhớn răn dạy nhắc nhở “được mùa chớ phụ ngô khoai/đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Nay cũng có khi từng đi nhà hàng khách sạn, được nếm mùi sơn hào hải vị, vậy mà mùi khoai nướng hoặc hình ảnh rổ khoai lang luộc bốc khói lúc bụng đói cồn cào vẫn không thể nào quên. Mà nói chi xa xôi, những năm thập niên 1980 - 1990, người ta đói vàng mắt nhưng vẫn tự trào, đùa nhau, tự nhận mình thuộc tầng lớp “khoái ăn sang”, mới nghe thì toát lên sự hãnh diện lắm, nào có mấy ai hiểu ra, lộn ngược, đảo lại thành “sáng ăn khoai”.

Đầu năm 1977 tôi nhận được quyết định đi Nam. Đận ấy đói lắm, đất nước thống nhất rồi nhưng dân vẫn phải mê mải chống giặc đói. Ruộng đồng bỏ hoang, nông dân ly hương tứ tán kiếm ăn, kiểu “nhà giàu ở quê không bằng ngồi lê thành phố”. Thú thực, cầm tờ quyết định điều động trên tay, tôi cứ chần chừ, chỉ muốn ở quê gần thầy bu, gia đình. Tôi không muốn đi, miền Nam xa thăm thẳm, không người thân thuộc. Thày tôi hiểu lòng con, bảo cứ đi con ạ, miền Nam gạo trắng nước trong, vào đó còn có bát cơm mà ăn, chứ ở nhà ăn khoai mãi thế này mày chả chịu nổi đâu. Khoai thì tôi không sợ, từ bé tới giờ, bụng có khi nào vắng khoai, nhưng tôi vốn xưa nay luôn nghe lời thày, liền quả quyết ra bến Chùa Vẽ mua cái vé tàu khách Thống Nhất chạy đường biển làm cuộc nam tiến.

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Chuyện chung cư (kỳ 3): Buồn vui cuộc sống tập thể ký túc xá

Nếu xã hội là thế giới đa dạng, muôn vẻ thì cuộc sống chung cư là thế giới thu nhỏ, cũng đủ mọi buồn vui. Nhiều khi nghĩ lại, thấy quãng thời gian ở chung cư cứ đầy ăm ắp trong ký ức.

Tôi lần đầu làm quen với kiểu sống chung cư là thuở sinh viên ở ký túc xá. Khác các chung cư dân sự ở chỗ ký túc xá không có hộ gia đình, chỉ có đám học trò với nhau, được ban quản lý chia thành từng phòng, mỗi phòng trên dưới chục mống. Ký túc xá Mễ Trì (Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) giống như đại gia đình của đám sinh viên nghèo từ các tỉnh bởi dân Hà Nội không có suất vào ký túc xá, vả lại nếu có cho họ cũng chả thèm sống chung đụng thiếu thốn.

Hình ảnh quen thuộc nhất là giường tầng, nhường các anh nhớn tuổi nằm dưới, đám choai choai nhơ nhỡ khỏe chân khỏe tay thì bị tống lên tầng trên. Tôi ở cùng phòng với tinh dững cán bộ, bộ đội đi học, có anh lương còn cao hơn cả thầy. Tuy bị lập nghiêm, ăn nói e dè, làm gì cũng phải trông trước ngó sau, không dám lộn xộn như ở những phòng khác nhưng có cái lợi là nhiều thời gian học bài. Các “bô lão” hầu hết đem theo xe đạp nên thỉnh thoảng mình cũng năn nỉ mượn được khi vào Ngã Tư Sở nhuộm cái áo, khi tới tận phố hàng Bông đổi bánh mì…, chỉ cần lau chùi sạch sẽ lúc trả lại. Vị cán bộ đi học nào cũng có chậu thau, xô nhôm, thậm chí có anh sở hữu bàn là (ủi) riêng, chả bù cho mấy phòng bọn trẻ kia cả chục đứa chỉ mỗi cái xô, tới giờ tắm giặt chờ đợi tới lượt mình là một thứ cực hình.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Dừng

Messi, Ronaldo là những tài năng, cực giỏi
Nhưng thời đã hết rồi thì đừng có phân vân
Sân cỏ cũng như đời phải biết dừng đúng lúc
Mới là kẻ anh hùng trong con mắt nhân dân.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Tướng

Nhân chuyện thượng tướng Phương Minh Hòa bán đất quốc phòng (may mà chưa bán nước) lại giật mình về những ông tướng.

Hồi nhỏ đọc sử, cứ nghe tới những tướng như thượng tướng Trần Quang Khải, tướng Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật (nhà Trần), Nguyễn Chích, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát... (nhà Lê), tướng Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Hữu Chỉnh (Tây Sơn, Nguyễn)... là mình say luôn, phục lăn. Còn bé tí, còi xương nhưng cứ mơ sau này nhớn lên làm tướng. Thày mình bảo muốn làm tướng thì trước hết phải đi học, chăm học, chứ không chịu học chỉ có về đi cày. Mình nghe lời, học thẳng một mạch, kiếm được cái bằng cử nhân nhưng giấc mơ làm tướng vẫn là mơ.

Làm tướng trên đời không khác gì ngôi sao trên trời, sáng lấp lánh. Tướng mà đạt mức "chết giữa sa trường, da ngựa bọc thây" thì được dựng tượng trong lòng nhiều thế hệ.

Nói chung, tướng hiếm lắm. Tướng đồng nghĩa với đẹp, kính nể.

Ấy là chuyện ngày xưa. Càng về sau, tướng càng nhạt, thậm chí biến thành tướng trong quân bài tam cúc, vô tác dụng, gọi là tướng đi ỉa. Hầu hết tướng thời hiện đại chết trong váy đàn bà, quẩn quanh chốn xôi thịt, không còn khái niệm sa trường lẫn da ngựa như xưa nữa.

Rồi tới cái thời mua sao bán vạch, tướng thành món hàng theo giá thị trường. Tranh nhau quyền bán tướng, thủ tướng vớ bẫm, rồi chủ tịch nước cũng vội giành, mạnh ai nấy phong, mạnh ai nấy bán. Một nước nhỏ, lại sống hòa bình nhưng tướng nhiều như lợn con. Có lúc người ta thống kê, cả công an lẫn quân đội ngót nghét nghìn ông tướng. Không phải đi đánh nhau, chỉ ngồi phòng lạnh ngắm nhau cũng đủ mệt.

Đã lắm tướng nhưng lại còn phải con gà hơn nhau tiếng gáy. Thiếu tướng chả là gì, cứ phải leo lên trung tướng, thượng tướng mới oai. Có một dạo, đại tướng nhung nhúc. Có ông chả đánh nhau trận nào, chưa qua binh nhì, chưa từng quân ngũ, thậm chí không biết bắn, nhảy một phát lên hẳn đại tướng. May mà xứ này chưa có nguyên soái chứ nếu có chắc lại phải làm khung kính cho vài chục ông. Rất kinh.

Trong cuộc đấu đá nhau, làm sạch nội bộ vốn rất bẩn (được gọi là chống tham nhũng, tự gột rửa), họ thỉnh thoảng lại lôi ra được vài ông tướng. Lâu nay, quân đội và công an là vùng cấm, đụng đến hơi ngài ngại nên các tướng nhà ta cứ tự tung tự tác, coi trời bằng vung, "anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta", "súng đẻ ra chính quyền". Nói thế để thấy rằng khi tướng cũng bị lôi ra xử có thể coi là một bước tiến. Nhưng cũng chả ăn thua gì, phần lớn mới chỉ dám mon men chạm tới "nguyên tướng", tướng về hưu hoặc tướng bét dem như Phan Văn Vĩnh, Phương Minh Hòa, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thanh Hóa, chứ loại tướng đang đeo súng lục thét ra lửa dường như vẫn ngoài vòng pháp luật.

Dưới mắt dân bây giờ, càng tướng, càng tướng to thì càng đáng khinh, không hơn gì lũ xôi thịt "cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai". Nuôi đám tướng ấy chỉ chết dân.

Nguyễn Thông