Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Đôi dòng

 Nhà cháu bị người ta (là ai thì các cụ biết cả rồi) chặn không vào trang được từ hôm 25.1 tới giờ.

Trưa nay, cực chẳng đã, dùng cái "vượt tường lửa", nhà cháu mới bẻ khóa vào lại được nhà mình. Mong những ai thường xuyên vào đây đọc hãy thông cảm, đại xá cho sự bất khả kháng này.

Chút nữa nhà cháu sẽ lần lượt đăng lại những bài đã viết từ hôm 25 ấy tới nay.

Chào cả nhà. Chúc mọi người đón xuân mới, tết cổ truyền nồng ấm, vui vẻ, an lành

Nguyễn Thông


Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Trâu và người (kỳ 2)

Lại nói chuyện con trâu ở sân bay Nội Bài. Lúc 11 giờ 30, trưa 22.1, nhằm ngày 12 tháng chạp Quý Mão, tức trước Tết hơn 2 tuần, nghĩa là thời điểm này sân bay rất đông người, đồng chí trâu đã nghênh ngang đủng đỉnh theo đường ô tô vốn lắp đầy camera theo dõi, lên tới tận tầng 2 nhà ga. Ai đã từng tới sân bay Nội Bài đều biết lối lên ấy không hề ngắn, rất nhộn nhịp, chỉ ô tô được mò lên. Sự kiểm soát an ninh cực kỳ chặt chẽ. Xe vừa dừng đã có người tới nhắc nhở. Nhưng đồng chí trâu leo tới tận nơi thì những nhà chức việc, nhất là lực lương canh gác, bảo vệ mới biết có kẻ xâm nhập.

Sau khi dư luận báo chí và mạng xã hội ồn ào, chủ yếu là ngạc nhiên và chê cười, đại diện sân bay quốc tế Nội Bài đã thừa nhận có “event trâu”, nhưng vớt vát rằng sau khi phát hiện thì một nam nhân viên an ninh hàng không đã nhanh chóng đuổi con trâu ra khỏi khu vực này, “vụ việc không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, di chuyển của các phương tiện tiếp cận cảng hàng không quốc tế Nội Bài".

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Trâu và người

Tôi cực dốt tiếng Anh nhưng cũng lơ mơ biết trong ngôn ngữ toàn cầu này có từ “trend” nghĩa là xu hướng, phương hướng, khuynh hướng, chiều hướng, đại loại là hướng, chạy theo một cái gì đó. Vừa rồi có ông em đồng nghiệp cùng cơ quan cũ ra cuốn sách đặt cái tên ngồ ngộ “Đu trend với người nổi tiếng” bán chạy phết.

Từ chiều qua 22.1 tới giờ, trend, đu trend là bàn về, nói về… trâu. Con trâu làm vẻ vang sân bay Nội Bài, chứ không phải trâu trong “con trâu là đầu cơ nghiệp”, “trâu ơi ta bảo trâu này/trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”, “nó coi mình như trâu như chó/nó coi mình như cỏ như rơm”, “trâu ơi, ta nhất định sẽ thắng/quân thù nhất định thua”.

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Hoàng Sa

Đến hôm nay 19.1, tròn 50 năm (1974 - 2024) ngày Việt Nam bị mất quần đảo Hoàng Sa, mà kẻ xâm chiếm không phải ai khác, chính là Trung cộng, bạn 4 tốt, 16 chữ vàng của cộng sản Việt Nam

Cứ phải nói hẳn thế này: Nỗi đau bị mất Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa là nỗi đau mất nước. Cứ kiểu "đấu tranh" như này, có khi mất vĩnh viễn.

Thời nào cũng vậy, tổ quốc là quê hương, "nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc" là nỗi đau của người tử tế. Không được cầm thanh gươm nghìn cân ra trận để đòi vùng đất vùng biển bị mất về thì chí ít cũng bày tỏ niềm đau ấy, tỏ thái độ rõ ràng.

Nhưng người dân chỉ làm được thế thôi, chứ có muốn đòi, quyết đòi, quyết giành lại hay không thì phải do nhà cầm quyền. Những văn mẫu phát ngôn hết sức chung chung mơ hồ của người phát ngôn, nói thẳng ra, đối với kẻ xâm lược, không có giá trị gì cả.

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Báo hại

Hầu như toàn thế giới, báo chí hoạt động trên cơ sở tuân thủ pháp luật, lấy pháp luật làm tiêu chuẩn, thước đo. Cứ thế mà làm. Sai thì ráng chịu phạt. Báo không có cơ quan chủ quản đè đầu cưỡi cổ, bẻ hành bẻ tỏi. Nhà nước, chính quyền không can thiệp, chỉ đạo thô bạo báo chí, nhưng pháp luật không để nó vi phạm quy định mà cộng đồng đã nhất trí và tuân thủ. Đó chính là tự do báo chí.

Xứ này thì khác. Cả gần nghìn tờ báo, tạp chí, cơ quan truyền thông (tivi, đài, thông tấn...) đều do nhà nước, chính quyền, bộ máy cai trị nắm. Báo không có tiếng nói riêng, độc lập, nó chỉ hót theo giọng của chủ. Hót giọng khác, chết ngay. Đó là thực chất nền tự do báo chí ở xứ này.

Nói thế để thấy, đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào, nó hoạt động, hót, thể hiện quan điểm, thái độ, chính kiến... ra sao, cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm. Ví dụ báo Nhân Dân viết gì nói gì thì đảng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ cho hội nông dân, hội nuôi ong; đài tivi Nghệ An (NTV) phát gì thì tỉnh ủy, ủy ban tỉnh Nghệ An phải chịu chứ không thể đổ cho tỉnh Hà Tĩnh; cả nền báo chí này nói năng gì thì tuyên giáo, bộ 4T, chính phủ xứ này chịu chứ không thể đổ cho Lào, v.v..

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Mạnh thường quân

Phiên dọn vườn, góp ý lần này, nhà cháu nêu trường hợp từ dùng sai “Mạnh thường quân”, không chỉ đối với nhà báo mà còn các nhà (quản lý, lãnh đạo, mặt trận tổ quốc).
 
Rất nhiều ông bà lớn (kể cả chủ tịch nước, thủ tướng), lãnh đạo mặt trận tổ quốc, khi cảm ơn những đơn vị, cá nhân có đóng góp tiền bạc, vật chất giúp người nghèo đã gọi họ là mạnh thường quân, nói kiểu quen mồm chứ hoàn toàn không hiểu mạnh thường quân là gì. Dân gian gọi đó là “dốt hay nói chữ”.

Trước hết nói về từ “mạnh thường quân”. Đây là tước hiệu riêng của Điền Văn, một viên quan lớn nước Tề thời Chiến quốc, làm tới chức tể tướng. Điền Văn dòng dõi quý tộc, tôn thất, tài giỏi, rất giàu có, biết chiêu hiền đãi sĩ, trọng người tài, cửa nhà luôn rộng mở đón khách, thực chất để chiêu nạp người tài giỏi. Nhà ông ta lúc thịnh thường có hàng nghìn khách ăn, gọi là thực khách (khách ăn) hoặc môn khách (khách trong nhà), bất kể giàu nghèo, sang hèn.

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Chuyện uống chè (kỳ 7, cuối, bởi chè châm nước mãi cũng nhạt)

Sinh thời thày (cha) tôi rất thích uống chè. Sở thích này có lẽ hình thành từ hồi trẻ làm thư lại (một dạng thư ký) ở phủ Kiến Thụy tỉnh Kiến An. Tỉnh này về sau được chính quyền mới sáp nhập vào Hải Phòng, giờ thị xã Kiến An cũ chỉ là một quận. Nói gì thì nói, tôi vẫn thích cái địa danh “thị xã” để gọi những đô thị các tỉnh, chả hạn thị xã Lạng Sơn, thị xã Hồng Gai, thị xã Tây Ninh, thị xã Vĩnh Yên… giản dị, hiền lành, chứa đầy yêu thương. Đạo diễn Đặng Nhật Minh con giai cụ Đặng Văn Ngữ nổi tiếng với bộ phim “Thị xã trong tầm tay” về Lạng Sơn thời đánh nhau với cộng sản Tàu năm 1979. Cứ thử nghĩ, nếu là “Thành phố trong tầm tay” thì nó chuồi chuội thế nào ấy, chắc chả được người đời yêu thích mấy.

Thủ phạm xóa gần sạch các tên thị xã đầy gắn bó, bắt đôn lên biến thành thành phố, thành phố Lạng Sơn, thành phố Cao Bằng, thành phố Hà Tĩnh, thành phố Cà Mau… chính là Nguyễn Tấn Dũng 3X. Dưới triều ông ta, để cho máu, cho oai, cứ “thành phố hóa” hết, dù phố xá chỉ toen hoẻn, vẫn trơ ra những ruộng đất, trâu bò, đường như đường làng. Ông anh tôi có lần bảo nó (3X) không vừa đâu, đổi cái tên để tăng giá trị đất đai, buôn đất đấy. Biết bao dự án bất động sản cắm vào nông thôn khi thị xã bị lên thành phố là nguyên nhân chính gây những cưỡng chế, đền bù giải tỏa, cướp đoạt đất đai, đẩy nông dân vào cảnh mất đất, hết kế sinh nhai, tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây. Thủ đoạn ấy, lại được sự trợ giúp của luật đất đai “sở hữu toàn dân”, nông dân không còn đường thoát, thành anh Pha chị Dậu thời cộng sản.

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Nhắc các chị nhà không có đàn ông: Máy tắm nước nóng

Chứ nhà có đàn ông (chồng, con, bồ) rồi thì chả dại nhắc, kẻo "chúng" mắng cho, bảo đừng dạy khôn chúng ông, trứng khôn hơn vịt...

Giờ đây gần như nhà nào cũng có máy tắm nước nóng, kể cả những gia đình thường thường bậc trung ở nông thôn. Mùa đông như ở miền Bắc lúc này, máy tắm nước nóng càng được tín nhiệm cao, còn máy lạnh (điều hòa nhiệt độ) tín nhiệm quá thấp, thậm chí về hưu non.

Máy tắm nước nóng cho gia đình có 2 loại cơ bản, là máy đun nóng nước (bình lớn khoảng 50 lít) và máy nóng trực tiếp (nhỏ gọn, dễ lắp ráp).

Không nói về máy lớn, nhà cháu chỉ nêu chút ít về máy nhỏ. Máy này lấy nước từ nguồn, chảy qua hệ thống ống đồng được đốt nóng trong máy, ống nhỏ như thân bút chì. Cứ bật công tắc thì chỉ 5 - 10 giây sau đó đã có nước nóng phun ra, tắm rửa kỳ cọ thỏa thích, mùa đông cũng kệ.

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Vàng, ngân hàng và kinh tế thị trường có đuôi

Chờ mãi chờ mãi, chả thấy các nhà kinh tế, những đấng bậc giáo sư tiến sĩ, những chuyên gia tài chính ngân hàng lên tiếng vạch vòi bản chất của vụ giá vàng ầm ầm lên đỉnh hôm 27.12. Thực ra cũng có đôi lời phân tích này nọ nhưng chủ yếu là ve vuốt, bênh cho cách điều hành của các đương sự chịu trách nhiệm về mảng ngân hàng, tài chính, rằng thì là mà thế này, rằng thì là mà thế nọ.

Cách nay gần nửa tháng, ngày 26.12.2023, giá vàng vọt lên hơn 79 triệu đồng/lượng. Sáng hôm sau, được đà, vàng đắc chí vượt luôn mức 80 triệu, điều chưa từng thấy trong lịch sử xứ này kể từ khi có… vàng. Kẻ mua người bán tấp nập, có người còn bảo mốc 100 triệu không xa, lại thêm người nhắc có ông lớn bảo vàng trong dân còn nhiều lắm, hơn 500 tấn cơ, lại có người thủng thẳng nhà nước thiếu gì tiền mua vàng, cả tỉ mỗi lượng cũng chấp, bằng chứng là mọi giao dịch đều tinh tiền mệnh giá 500 nghìn mới cứng, in dễ ợt, v.v..

Coi mòi không ổn, ngày 27.12, người đứng đầu chính phủ chỉ thị Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá trong nước và quốc tế ở mức cao. Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến thế giới và trong nước, không chấp nhận kiểu giá chênh lệch vô lý…

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau

Câu được đặt thành tít nói trên không phải của tôi mà là một câu thơ trong bài thơ dòng chính thống nổi tiếng của thi sĩ Vũ Cao, bài “Núi đôi”. Tiện đây nói luôn, tên gọi của cuốn sách, tác phẩm văn nghệ, bài báo… phải dùng từ “tít” (titre, title) mới chuẩn, chứ không như bây giờ người ta dùng tùm lum tà la là “tựa”, “tựa đề”, đọc rất khó chịu. Nói không ngoa, cứ 100 phóng viên chuyên viết về văn hóa văn nghệ thì có tới 99 vị rưỡi sai trong vụ này, hoặc cẩu thả, hoặc dốt.

Đạo Phật, chùa, cửa thiền, nhà sư, người tu hành, tiếng chuông chùa, cổng “tam quan”, tượng phật, kinh phật, chùa làng… từ xa xưa đã in vào tiềm thức, ký ức dân chúng kể cả người tu lẫn không tu, như niềm kính trọng, ngưỡng mộ, yêu thương. “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/Sư cụ nằm chung với khói mây”, cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã vẽ nên thật đẹp, dễ thương. Làng tôi cũng có ngôi chùa nhỏ, chùa bà Đanh - Thiên Phúc Tự, có từ thời nhà Lý, được triều Mạc xây lại hoàn chỉnh, tới cuối triều Nguyễn lại được đại trùng tu, là niềm tự hào của bất kỳ người dân nào nơi đây. Chùa, Phật, sư… có một thời thật gần gũi, dễ thương, được tôn kính.

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Cãi cùn

Trưởng phòng điều tra (Bộ Công an) Hoàng Văn Hưng cãi sống cãi chết rằng chiếc cặp khóa số xịn đặc biệt chỉ đựng 4 chai rượu vang. Tay bộ trưởng-chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh khai chiếc vali nhỏ đựng quà của Việt Á nhưng không mở ra coi nên cứ vứt lăn lóc chỗ này chỗ kia, không biết trong đó có gì.

Và cả hai cái cặp/vali ấy đều bị vứt đi, giờ chả biết nằm ở đâu, thì chúng nói thế chứ ai mà tin.

Tôi hỏi thật các ông bà: Có khi nào cặp khóa số samsonite loại đặc biệt giá lên tới cả chục triệu một cái lại đem đựng rượu vang, xong rồi vứt đi không? Chỉ những thằng coi tiền như rác mới làm vậy.

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Nhanh nhảu không đoảng (hay là Ngồi xó bếp nói chuyện thế giới)

Sau vụ đánh bom kép ở Iran khiến gần trăm người chết, khi họ đang tưởng niệm viên tướng diều hâu từng bị Mỹ tiêu diệt cách nay vài năm, dư luận ồn cả lên. Khá nhiều phản ứng, lên án, cáo buộc, ám chỉ, nói bóng nói gió về thủ phạm. “Cứ trong ý tứ mà suy” thì thủ phạm là Mỹ và Israel, chứ còn đứa nào vào đây. Iran còn khẳng định sẽ sớm cho hai đưa kia bài học nhớ đời.

Vậy thì ai nhanh nhảu làm quan tòa đứng ra kết tội? Còn ai nữa, tất nhiên Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Tàu, Venezuela, Triều Tiên, rồi cả ông bị thịt tổng thư ký L.H.Q, cả người phát ngôn… (tuy chỉ nêu chung chung nhưng qua văn mẫu thiên hạ cũng biết ám chỉ kẻ nào). Mỹ, Israel vuốt mặt chả kịp, cãi sao nổi đám tự nhận là lương tri nhân loại. Có phân trần mấy thiên hạ cũng chả tin. Còn phe chống Mỹ và Do Thái chẳng mấy khi vớ được cơ hội bôi xấu đối thủ như vậy.

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Không ai cả

Vụ cháy máy bay chở khách ở Nhật Bản rồi sẽ còn âm ỉ trong dư luận nhiều năm sau, không phải bởi "máy bay cháy" mà là "con người".

Người Nhật đã từ lâu gây ấn tượng đặc biệt với thế giới về phẩm chất đáng trân trọng của họ, nên vụ cháy này cũng chỉ góp phần khẳng định thêm thôi. Một quốc gia, một dân tộc tạo được và duy trì được đặc sản như thế quả là điều hạnh phúc, tự hào.

Tôi để ý, người Nhật, từ bình dân tới nhà lãnh đạo, rất ít khi "nổ" về thành tích của họ. Nổ hoàn toàn trái với phong cách của người Nhật.

Trong vụ cháy nói trên cũng vậy, khi thế giới hết lời khen ngợi sự xử lý sự cố thì người Nhật chỉ dùng những lời lẽ rất khiêm tốn. Theo báo chí Nhật tường thuật, Ban lãnh đạo Hãng hàng không Nhật Bản (JAL) đã "khen ngợi hành khách tuân thủ kỷ luật và hợp tác với phi hành đoàn để tất cả đều được sơ tán an toàn khỏi máy bay, trong đó có 8 trẻ em tuổi mẫu giáo. Đặc biệt là không ai trì hoãn để cố lấy hành lý của mình".

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Che còng, hay là che mắt thế gian?

Một khi pháp luật, tòa án, lực lượng thực thi pháp luật, cảnh sát tư pháp... còn công khai sự thiên vị, "nhất bên trọng, nhất bên khinh" thì đừng mong họ thay mặt công lý.

Ấy là tôi nói tới việc họ ra cái điều nhân đạo lấy thứ này thứ khác (báo, khăn, áo...) che còng cho bọn tội phạm. Lão hàng xóm nhà tôi bực bội bảo "đè.o mẹ, đã còng lại còn che, giả dối, nhố nhăng".

Nếu đã quy định phải còng thì cứ còng (đề phòng chúng nó trốn, cướp "pháp trường") dù cảnh sát đã tầng tầng lớp lớp con ruồi bay không lọt. Từ thằng to nhất tới đứa dân đen, nếu đã vi phạm pháp luật bị đưa ra tòa đều phải còng. Và không phải che, để chúng thấy sự ê chề nhục nhã về hành vi của mình. Còn những người ra tòa bị còng vẫn ngẩng cao đầu lại là chuyện khác, họ không cần che. Nói tóm lại là không cần gì phải che còng, đối với bất cứ bị cáo nào.

Tôi xin hỏi mấy ông bà đại diện việc thực thi pháp luật: Tại sao lại phải che còng cho chúng nó? Chúng có đáng được hưởng "đặc ân" ấy không? Sao những kẻ phạm tội khác lại không được che còng? Ngay đưa ra tòa mà cũng phân biệt phân chia đẳng cấp thì có khách quan xử được không?

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

Chuyện uống chè (kỳ 6)

Nhắc chuyện buôn chè của mấy ông sinh viên giỏi buôn hơn học, lại bần thần nhớ hồi bu tôi buôn chè, xé rào, bươn chải bằng mọi cách để sống sót trong một nền kinh tế ngày càng lụn bại những năm thập niên 70 - 80 ở miền Bắc.

Nhà tôi làm ruộng, đất đai bị trưng thu, góp hết vào hợp tác xã (thực chất là cướp, rồi mấy chục năm sau HTX tan rã vẫn không được trả lại một mét nào). Sau năm 1975 nhà nước tiếp tục áp dụng cách cướp này ở nông thôn miền Nam, với tên gọi tập đoàn sản xuất (thay cho HTX đã quá nhiều tiếng xấu) để tiến lên nền nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. May mắn thay, nông dân miền Nam không mặn mà với trò hình thức nên nó bị chết yểu.

Không còn ruộng, chỉ làm công ăn điểm rồi quy ra thóc, mỗi vụ tính đầu người được vài chục ký thóc, xay thành gạo đủ ăn 2 - 3 tháng nên đói triền miên. Bu tôi tháo vát, ngoài việc cấy hái trên đồng, thường thức khuya dậy sớm làm hàng xáo, tranh thủ buôn bán lặt vặt, mở quầy hàng nho nhỏ nép gian đầu hồi, trông ra đường, giao cho thày tôi và con cái trông nom. Thày tôi học nho vụng việc cày bừa nên nhận lĩnh trọng trách cứu nhà, vừa lo cơm nước vừa trông coi “cửa hàng”, nhưng sự mua hàng thì vẫn phải bu tôi.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Thời mạt pháp, hay là xuống dốc không phanh

Vụ "xá lị" ở chùa Ba Vàng, rất nhiều chuyện cần nói, có một số điều phải nói thẳng ra thế này:

Nó là trò nhố nhăng, nhí nhố hết mức nhưng diễn ra trong suốt thời gian tương đối dài, ầm ĩ cả lên, hầu như cả thiên hạ đều biết.

Chỉ nghe qua đã biết thực chất nhố nhăng của nó, nhưng cả một hệ thống: nhà nước, nhà chùa, nhà báo (3 nhà) đều không nhận ra, cứ án binh bất động, mũ ni che tai, không biết. Thậm chí báo chí sau đó còn đi tìm hiểu, viết bài, phản ánh nhưng thực chất là tán tụng, ca ngợi.

Vậy thì trách nhiệm của cái hệ thống "3 nhà" ấy ở chỗ nào? Nó chỉ giật mình, chữa cháy khi dư luận đã tanh bành, thiên hạ cười cợt, vạch ra thực chất trò nhố nhăng.