Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Hạt muối xưa còn mặn đến bây giờ

Tôi chả biết người ở nước khác thế nào, có được đi đâu mà biết, nhưng người dân nước mình, như tôi chứng kiến, thì hiểu có tính lo xa.

Thì đấy, mấy bữa nay, thiên hạ nháo nhào chuyện nước biển bị nhiễm độc, cá chết tràn bờ. Những người thông minh chợt hiểu rằng biển không chỉ cung cấp cá mà còn nhiều thứ khác, trong đó có muối. Thiếu cá thiếu tôm thì còn chịu được, chứ thiếu muối một thời gian thử xem, chỉ có nước bị phù thũng. Mặt cứ bủng ra, vàng vọt, lại chả cuống lên, coi hạt muối bằng giời.

Báo chí hôm nay 28.4.2016 viết dân tình đang nhao nhác đi mua muối. Bình thường, mua một vài ký là cùng, để nấu nướng, để pha loãng rửa rau, có người còn cẩn thận nước rửa chim cho em bé cũng bỏ vài hạt muối. Thấy bảo lúc này, người ta đang khuân về nhà cả chục ký, phòng khi biển Đông không chỉ bị ngộ độc. Khiếp, cả yến muối trong nhà, quá thời chiến tranh.

Mà cũng phải, dân ta có tính lo xa, biết tích cốc phòng cơ (trữ lương thực phòng khi đói kém, mất mùa). Điều này rõ nhất ở người miền Bắc, trong nhà lúc nào cũng như cái kho dự trữ, đủ các món; chẳng như người Nam Bộ mà tôi biết, sống khá phóng khoáng, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, chả nghĩ ngợi nhiều, lúc nào cũng cười hơ hớ. Nói như thế không phải để phân biệt vùng miền, chê chỗ này khen chỗ nọ, mà để ghi nhận cái đặc điểm xứ sở tạo ra tính cách con người. Miền Bắc đất chật người đông, bão gió nhiều, thời tiết khắc nghiệt, cuộc mưu sinh đầy những bất trắc nên phải lo xa. Miền Nam thì ngược lại. Vậy thôi.

Nói chuyện tích trữ muối, lại nhớ thời chiến tranh. Hải Phòng quê tôi tuy là vùng biển nhưng những năm 60-70 cũng thiếu muối. Phòng mà còn thiếu muối thì ở vùng Việt Bắc, Tây Bắc muối là hạt vàng. Một nhà thơ viết “Muối lên rừng tay bưng tay đặt” để thấy sự trân trọng, quý giá hạt muối đến thế nào. Có những nơi, cả năm thương nghiệp không đưa lên được chuyến muối nào, dân phải ăn tạm bằng nước tro, có chút vị mằn mặn. Có tỉnh vùng cao, muối được coi là một trong những thứ hàng phân phối tết. Trong gói hàng tết gồm mứt, trà, vài bao thuốc lá, chai rượu mùi…, có cả ký muối.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Chặn kịp án oan

Những dư luận ồn ào xung quanh chuyện cơ quan công quyền, cụ thể là công an và viện kiểm sát ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) kiểm tra, xử phạt, khởi tố ông chủ quán cà phê Xin Chào rồi cũng dần lắng xuống. Nhưng ai dám đoan chắc rằng sau vụ này sẽ không còn những vụ mới tương tự. Những người có liên quan như ông Lê Thanh Tòng, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND huyện; đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện… đều đã sớm bị kiểm điểm, ngưng chức, chờ nhận kỷ luật. Nhìn chung dư luận đồng tình với sự xử lý nhanh chóng, nghiêm túc, nghiêm minh của các cấp lãnh đạo, của các ngành liên quan.

Cũng có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về phát ngôn của thiếu tướng, Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh khi ông cho rằng vụ việc này “nhỏ như cái móng tay”. Nhưng tôi nhìn nhận ra khía cạnh tích cực của sự so sánh này. Một việc đáng lẽ không thể xảy ra, một việc đáng lẽ chỉ cần những người có trách nhiệm ở cấp thấp (cấp xã hoặc huyện) là có thể giải quyết được một cách tử tế, đàng hoàng, vừa đúng pháp luật vừa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân, vậy mà cứ càng thêm rắc rối, phức tạp. Lãnh đạo thành phố phải vào cuộc, vẫn chưa xong, lên đến trung ương, rồi lên đến thủ tướng. Việc nhỏ như vậy mà dần dà kéo theo sự quan tâm tham gia của những cấp cao nhất như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, rồi Chính phủ, Viện KSND tối cao, Bộ Công an… (may mà chưa dính tới tòa án), tất cả phải xúm lại lo giải quyết chỉ vì một “cái móng tay”. Nhẽ ra bao nhiêu công sức, trí tuệ, trách nhiệm ấy để dành vào những việc quan trọng hơn chứ không phải chỉ để dẹp chuyện khởi tố sai trái một ông chủ quán cà phê. Buồn là buồn ở chỗ đó.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Viết lại chuyện ông Choi

Chả hiểu sao, bao năm nay, cứ gần ngày 30.4 là tôi lại nhớ ông Choi.
Tôi đã có lần nhắc đến ông Choi. Đời tôi lận đận, chẳng được lên voi nhưng xuống chó xuống mèo nhiều lần. Lúc làm chủ (thực ra làm thuê cho nhà nước, bán cháo phổi, chả chủ với ai, chỉ chủ với chính mình, còn nói theo cách của ông Lê Duẩn hồi ấy thì làm chủ tập thể, rất mơ hồ), khi làm thuê, lao động chân tay trí óc đủ cả. Cái dạo làm thuê đó, ông Choi là ông chủ của tôi.
Chả là năm 1992, đang làm giáo học, lương chết đói sống khổ quá, tôi xin nghỉ một cục rồi đi làm thuê cho một công ty của Hồng Kông chuyên về may mặc. Chủ công ty Việt Thái này là người Hoa ở Hồng Kông, thông thạo cả tiếng Anh, Hoa, Việt, Pháp, nói tiếng Việt còn giỏi hơn tôi. Ông Choi Wan Hoi (tên ông ấy), mấy người Hoa ở Chợ Lớn đến xin việc gọi là ông Thái (phiên âm từ chữ Choi) thường rủ tôi đi cà phê cà pháo bất cứ lúc nào rảnh, ông ấy đùa, bảo để "xâm nhập thực tế".
Ông ấy giỏi, khá nghiêm với cấp dưới nhưng sống có tình, trọng ơn nghĩa, có trước có sau. Dạo ông kêu tôi về làm, ông bảo anh ạ, tôi cần anh gánh cho tôi cái công việc tổ chức nhân sự, giống như việc của ông Lê Đức Thọ. Anh được toàn quyền chọn người, nhưng tôi nói trước, đám bên vợ tôi nó hay gây sự lắm, anh đừng để bụng. Tôi bảo vâng vâng, ông biết tính tôi rồi, làm thì làm, không làm thì nghỉ, có gì đâu. Ông xua tay, chết chết, thế thì còn nói làm gì.
Cần nói thêm, vợ ông cũng người Phòng quê tôi. Ông vốn dân phố Khách (phố Quang Trung, Hải Phòng bây giờ), lấy nhau rồi đến năm 1970 kéo cả nhà về Hồng Kông. Bà này chảnh chọe, ưa làm phách trước nhân viên của chồng. Thấy ông ấy tin cậy tôi, bả ức lắm, phá bằng được, để đưa con cháu vào. Ông Choi thấy vậy khá phiền lòng. Tôi chủ động gặp ông, thưa ông, mai tôi nghỉ để ông đỡ khó xử. Ông rằng, anh ơi, anh ráng giúp tôi, nhưng lúc này tạm lui một chút, anh chịu khó lui về coi kho dưới X28 Gò Vấp nhé. Rồi mình sẽ tính lại. Anh có vợ, anh biết rồi đấy, chấp gì đám đàn bà. Tôi thông cảm với ông, về ở ẩn dưới Gò Vấp suốt 3 năm trời.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Điểm tin 24.4.2016

Bạn Tàu khoe bẻ thành công 3 chiếc đũa
Brunei, Lào, Campuchia dửng dưng trước biển Đông
Thế trận bao vây nó giăng nó đặt
Các lão nhà ta còn mải trông chừng
Không trông nó mà trông ông đồng chí
Ghế này của tôi, ghế kia cho anh.

Cá chết tơi bời, thì cho nó chết
Có gì đâu mà rộn, hả nhân dân
Đã có rau thuốc sâu, thịt heo tạo nạc
Cứ làm như mèo, quen ăn cá không bằng

Chú cứ bán cà phê, anh chỉ đùa một tí
Bằng cái móng tay, đã vội um lên
Dân như thế, chả trách nghèo là phải
Làm khổ chúng anh, ngưng cuộc nhậu mấy lần.

Nguyễn Thông


Lỗ hổng

Trong tiếng Việt có từ "thể chế". Đó là từ Hán - Việt, thể nghĩa gốc là cái cơ thể con người, còn có nghĩa là cách thức. Thể chế để chỉ những điều cốt yếu tạo dựng nên một bộ máy nào đó, có thể là chế độ, là kinh tế, là chính trị...

Ở nước ta, những người mạnh mồm nhất cũng chỉ dám bàn đến thể chế kinh tế, tuy nhiên cũng chả dám đụng vào cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa; tuyệt nhiên không mấy ai dám đặt vấn đề thắc mắc về thể chế chính trị, bởi chưa kịp mở miệng đã toi thì ai dám nói. 

Tôi thì tôi nói, ở xứ này bao nhiêu năm nay, nguyên do của sự nghèo đói, tụt hậu, thua kém nước khác chính là thể chế chính trị, là cái bộ máy chính trị lỗi thời, cực kỳ vô lý mà những người cai trị đã áp đặt, đã cố duy trì. Đấy mới là thứ cần cải cách.


Vụ quán cà phê ở Bình Chánh, xét dưới góc độ nào đó, đúng như thiếu tướng công an Minh nói, là nhỏ xíu, nhưng lại phát lộ cái lỗ hổng cực kỳ lớn. Đó là nhà cầm quyền bấy lâu duy trì, dung túng một bộ máy công quyền địa phương rất hư hỏng, để nó mặc sức tác oai tác quái, muốn hành dân thế nào cũng được. Một chế độ cai trị được dựa trên nền tảng như vậy, không chóng thì chầy sẽ nhận được sự phản kháng của nhân dân.

Vấn đề với nhà cầm quyền là không phải nhận thấy cấp dưới sai thì nhận lỗi và xử lý cấp dưới mà phải tìm ra căn nguyên của sự lăng loàn ấy và triệt tiêu nó đi, thay bằng cái khác tốt hơn. Nếu nhà cầm quyền cố tình không chịu làm thì lúc ấy người dân sẽ làm. Một cuộc cải cách, thực sự đổi mới dẫu sao cũng tốt hơn là bắt buộc phải tiến hành một cuộc cách mạng.


Nguyễn Thông

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Chuyện cậu bán hàng rong

Dư luận đang eo sèo về vụ một anh chàng bán hàng rong ở khu Chợ Lớn, Sài Gòn bị công an tẩn, suýt mất mạng. Rồi chuyện cũng qua đi, chỉ mong cho anh ta mau lành, có sức khỏe mà tiếp tục đi bán, nuôi vợ nuôi con.

Chuyện tôi kể ở đây là về một anh hàng rong khác, mắt thấy tai nghe lòng cảm. Đã lâu lắm tôi không gặp nó, chả biết nó về quê hay lưu lạc đâu rồi. Biết đâu cũng đã có vợ có con, rồi tiếp tục bán hàng rong để nuôi vợ nuôi con. Nghề như cái anh bị tẩn kia, nhưng không bị tẩn.

Nhà tôi ở khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Từ nhà ra chợ xã Bình Hưng hoặc ra chợ Nhị Thiên Đường bên quận 8 cũng chả xa lắm, nhưng cái thói người thời nay, lười, ít chịu vận động. Muốn món ngon thì phóng xe máy đi siêu thị, còn không thì cứ dựa vào đám hàng rong. Đủ cả bách hóa. Lão Maddox hàng xóm nhà tôi bảo: mình sống thì cũng phải cho người ta sống với chứ. Ai cũng như mấy ông bà thượng lưu thì người nghèo chết hết. Nghĩ cũng phải.

Hồi mấy năm trước, ngày nào cũng có cậu trai tầm mười tám đôi mươi đạp chiếc xe ba gác lần mò hết mọi con đường khu nhà tôi. Hôm thì bán chuối, hôm bí đao, hôm khoai, hôm cả trái cây lẫn củ quả. Mà giá cả cũng phải chăng. Lúc đầu tôi chả quan tâm, có hôm còn mua bí đao ở siêu thị, đắt hơn cả bí của nó. Bà xã tôi bảo những thứ ấy thì mua của nó, đừng mua siêu thị nữa. Thế là nhà tôi và một số nhà nữa thành khách hàng quen của cu cậu. Hỏi quê ở đâu? Nhà cháu ở Trà Vinh. Sao không ở nhà làm mà mò lên thành phố để vất vả dãi nắng dầm mưa thế này? Làm ăn khó quá, trồng lúa chả nuôi nổi người nên mấy anh em cháu lên thành phố mưu sinh, dành dụm tiền gửi về nuôi ba má, chú ạ. Sao không kiếm việc gì khác, làm thợ chẳng hạn? Chúng cháu đã mỏi miệng xin việc khắp nơi rồi, chả đâu nhận, đành thuê trọ và đi bán rong.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Sao nỡ để cơn khát kéo dài

Hai trận mưa hiếm hoi mỗi trận chỉ kéo dài vài chục phút đổ xuống vùng đất Tây Nguyên khô hạn 2 ngày qua dù chả thấm tháp gì nhưng được báo chí, dư luận và người dân xem như trận mưa vàng. Chúng chưa thỏa mãn được cơn khát của đất đai, con người, sinh vật nhưng tạm thời đem lại niềm hy vọng, rằng sẽ có mưa. Chỉ còn biết trông vào… trời.

Thời tiết mỗi ngày một diễn biến bất thường. Năm nay khô hạn nặng. Dường như cứ năm sau lại nặng hơn năm trước. Ngồi trong nhà, nhìn ra ngoài thấy nắng nóng kinh khủng. Con chó con gà cũng trốn vào gốc cây thè lưỡi thở. Thành phố mà còn thế này, nghĩ càng thương người và con vật vùng khô hạn.

Bạn tôi ở Tây Nguyên điện về bảo thương lắm anh ạ. Người còn có thể mua thùng nước uống dè dặt chống chọi qua cơn khát, nhưng con trâu con bò con dê con lợn... thì không biết tìm nước ở đâu. Sông suối ao hồ khô cạn hết rồi. Có người dắt con bò đi cả mấy cây số vẫn không tìm được nước cho nó uống, chưa đến nơi nó kiệt sức khuỵu xuống, mắt đờ đẫn nhìn chủ cầu cứu. Người cũng khát vẫn ráng nhịn, đành vội vào tiệm tạp hóa mua chịu chai nước lọc ra cứu bò. Có chủ trại bò than rằng đã xoay xở hết cách nhưng khô hạn kéo dài quá, cây cối chết khô, cỏ không mọc được trên đất nóng rãy, bò không còn gì ăn, không có nước uống, vừa đói vừa khát, lăn ra chết cả rồi, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Nói xong khóc hu hu. Kêu trời. Tang thương không thể tả.

Nhìn trời xanh ngăn ngắt thế kia, hiểu rằng nắng nóng còn kéo dài.


Tây Nguyên đang trong cơn khát chưa từng thấy. Một vùng đất lâu nay được đánh giá có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt về tất cả các mặt, một yết hầu của cơ thể sống nước nhà, đang thở dốc thoi thóp. Mà không chỉ Tây Nguyên, bao nhiêu vùng đất có “tiềm năng khô hạn” như Ninh Thuận, Bình Thuận cũng trong cảnh tương tự. Mà ngay cả đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa vựa nước ngọt, những người lo xa nhất cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện thiếu nước, thì cũng đang đối mặt với hạn hán. Đồng ruộng từng một thời vàng son màu mỡ giờ nứt nẻ, khô cháy, cỗi cằn bởi không có nước. Người dân đồng bằng từng làm chơi ăn thật đang dần phát tán ly hương, ra tứ xứ kiếm kế sinh nhai. Cứ cái đà này, tương lai của Tây Nguyên, của Ninh Thuận, Binh Thuận, của miền Tây Nam Bộ đâu phải trong xanh như cái bầu trời xanh ngăn ngắt kia. Thật đáng lo ngại.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Chả nhẽ lại có cả chết khát

Ngồi trong nhà, nhìn ra ngoài thấy nắng nóng kinh khủng. Con chó con gà cũng trốn vào gốc cây thè lưỡi thở. Thành phố mà còn thế này, nghĩ thương người và con vật vùng khô hạn. 
Bạn tôi ở Tây Nguyên điện bảo thương lắm anh ạ. Người còn có thể mua thùng nước uống dè dặt chống chọi qua cơn khát, nhưng con trâu con bò con dê con lợn... thì không biết tìm nước ở đâu. Sông suối ao hồ khô cạn hết rồi. Có người dắt con bò đi cả mấy cây số vẫn không tìm được nước cho nó uống, chưa đến nơi nó kiệt sức khuỵu xuống, mắt đờ đẫn nhìn chủ cầu cứu. Người cũng khát, đành vội vào tiệm tạp hóa mua chịu chai nước lọc ra cứu bò. Tang thương không thể tả.
Nhìn trời xanh ngăn ngắt thế kia, hiểu rằng nắng nóng còn kéo dài.
Còn chần chừ gì nữa, chính phủ nên ban bố ngay tình trạng khẩn cấp thảm họa thiên tai, dồn mọi sức lực vào để cứu dân, cứu vùng bị hạn. Thủ tướng và các phó thủ tướng, các bộ trưởng tỏa ngay về vùng hạn mà làm việc. Tài năng và trách nhiệm chính là lúc này chứ không phải lúc nào khác. Đừng bám phòng lạnh ở Hà Nội nữa. Dân đang từng giây từng phút chờ các vị.
Lẩn thẩn nghĩ, các ông bà ấy đang chuẩn bị rùm beng cho hội thảo, tổng kết thành tựu của 30 năm đổi mới thì phải thấy ngượng chứ. Cứ tạm bỏ qua cái chuyện đổi mới thứ gì (thực chất là sửa sai chính những điều do các vị gây ra khiến tàn hại dân và nước này), chỉ riêng để dân để nước ngày càng rơi vào khốn khó, lệ thuộc vào thiên nhiên, là đã đáng bị lên án lắm rồi. Nếu mà thực sự biết lo cho dân thì chừng ấy năm phải xây dựng được phương sách, kế hoạch phòng tránh hạn hán, lũ lụt, thiên tai, chứ đâu để đến mức tàn tệ như hiện nay.
Tôi sức lực, tiền bạc có hạn, thương dân mình khổ mà chả biết giúp cách nào, chỉ biết gióng giả lên tiếng nói đau đời xin các nhà cai trị "phụ mẫu chi dân" lưu tâm.
Nguyễn Thông


Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Bài hát tặng bạn chủ nhật: Tình khúc chiều mưa

Hôm qua thứ bảy, hôm nay chủ nhật, trúng vào ngày giỗ tổ của dân Việt, nhà nước cho mọi người nghỉ bù nên ăn chơi thoải mái, vấn đề là có tiền để tung tẩy hay không thôi.
Bác nào ở nhà, chả đi đâu, nghe bài này cho mau hết vòng nhật nguyệt.
“Tình khúc chiều mưa”, theo tôi, là một trong những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Thú thực lúc đầu tôi cũng chả biết mấy về ông. Đám Bắc kỳ di cư sau 75 chúng tôi không có vốn liếng bao nhiêu về văn nghệ miền Nam trước đó bởi có ai cho nghe đâu mà biết. Vào Sài Gòn, mới dần dà tìm hiểu Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Thúy, Lệ Thu, Duy Khánh, Miên Đức Thắng… và hiểu rằng có cả một nền văn nghệ, âm nhạc đầy bản sắc mà suốt bao năm, do chiến tranh, mình như kẻ điếc, đui mù.
Năm 1982, dành dụm tích cóp mãi đồng lương còm dạy học, tôi đánh liều mua chiếc máy cassette Sharp 2 băng stereo trên phố điện tử Hùng Vương (Q.5), quy ra vàng khoảng 6 chỉ, mà nhà đất hồi ấy chỉ cần vài cây là có chỗ chui ra chui vào. Ông anh cọc chèo khai trương đồ trân bảo ấy bằng việc tặng cho cuộn băng cassette thu giọng hát Kim Anh, trong đó có bài “Tình khúc chiều mưa” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Tôi cứ thắc mắc, sao không phải Nguyễn Ánh mà lại còn đèo thêm 9 vào làm chi. Thắc mắc vậy thôi chứ cũng phải gần 2 chục năm sau mới có dịp tỏ tường, bởi chả cần hỏi ai, chỉ cần tra khảo ông Gu gồ là có câu giả nhời chính xác.
Từ bấy mê Nguyễn Ánh 9. Cái ấn tượng đầu tiên kỳ lạ lắm. Tự dưng có cảm giác không ai hát bài này hay bằng ca sĩ Kim Anh, dù là Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương… đi chăng nữa. Cũng như ta từng bồi hồi với ánh mắt đầu tiên mà người con gái thuở đó trao cho ta lúc đầu đời biết yêu, cứ theo mãi, theo mãi chả thể nào tắt được.
Giờ thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã xa cây đàn, bỏ lại 76 năm theo dấu chân loài người, nhưng ông còn nằm ngủ đó, ngày mai 18.4 mới chính thức lên đường. Cầu cho ông nhẹ bẫng bước chân xa cái cõi tạm này, và đâu đó ta lại vẳng nghe “Tình khúc chiều mưa” như một lời chia tay người hiền ấy.
Sài Gòn mấy hôm nay thật nóng. Nóng dữ dội. Cả thời tiết và lòng người. Tự dưng tôi thầm mong có những cơn mưa chiều để làm dịu lại. Và để mát mẻ tiễn Nguyễn Ánh 9 lên đường.
Nguyễn Thông

Những hàng rào

Những hàng rào sắt
Tua tủa dây thép gai trong lễ hội đền Hùng
Làm tôi sực nhớ
Cũng dây thép gai gắn trên hàng rào sắt
Chỗ nọ chỗ kia đường phố Sài Gòn
Khi người dân xuống đường đòi chủ quyền biển đảo.
Hàng rào sắt kia ơi
Mi làm nhiệm vụ
Ngăn nhân dân, chặn đứng nhân dân
Chỉ có điều, chỗ nào mi cũng lố.
Đi cúng tổ mà cũng bị chặn
Mâm lễ thẻ hương run rẩy trước rào
(chẳng có cách nào hay hơn thế hay sao?).
Dân xuống đường đấu tranh đòi chủ quyền biển đảo
Phản đối quân xâm lăng Tàu cưỡng chiếm Trường Sa
Không khuyến kích thì thôi, cớ sao lại chặn
Rào sắt dây thép gai ơi, có yêu nước yêu nhà?
Những hàng rào sắt
Những hàng rào sắt
Của ai?
Của ai?
Từ khi nào xuất hiện hàng rào sắt
Chen giữa dân và thể chế này?
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Văn hóa, phận mỏng mong manh

Cứ mỗi ngày trôi đi lại thêm những chuyện mới. Giá như được nghe, được thấy toàn chuyện vui thì tốt biết bao. Mong vậy, chứ chúng ta hằng ngày phải chứng kiến không ít điều buồn, thậm chí rất buồn.

Nhiều tờ báo đang xôn xao vụ người ta cắt đất một trong những nơi “bất khả xâm phạm” nhất của TP.HCM để dùng vào việc… kiếm tiền. Cụ thể là Thư viện khoa học tổng hợp của thành phố chục triệu dân này bị chính quyền địa phương xén béng hơn 1.200m2 cho doanh nghiệp thuê dài hạn để xây cao ốc văn phòng cho thuê. Chưa biết nhà đầu tư ấy mạnh đến cỡ nào nhưng thò được chân vào đất kim cương, mà đất ấy lại chỉ dành cho văn hóa - tri thức thì cũng có thể nói là cao thủ, ghê gớm.

Tôi vừa nhắc đến “đất kim cương” bởi Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM nằm ngay trung tâm thành phố, một khu đất 4 phố mặt tiền: Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1). Từ đây, chỉ cần rảo vài bước chân là có thể vào mua sắm tại chợ Bến Thành hoặc tung tăng dạo chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, thăm thú những cảnh đẹp Nhà hát thành phố, bến Bạch Đằng… Còn quá kim cương đằng khác.

Vấn đề quan trọng ở chỗ, đó không phải đất trống, mà là thư viện tầm cỡ quốc gia, nơi hội tụ, chứa đựng tri thức của nhân loại, nơi chắp cánh cho con người trên đường học vấn, khám phá khoa học để sau này phụng sự đất nước. Có nhà báo gọi đó là biểu tượng của tri thức ở TP.HCM, thậm chí có người còn phong cho nó thành thánh địa của tri thức, kể cũng không quá đáng lắm.

Từ xưa đến nay, thuở các thời vua chúa phong kiến, trong những bộ phận của triều đình luôn có thư khố (nơi chứa sách), thư viện (chỗ nghiên cứu học vấn, tri thức). Chúng làm nhiệm vụ lưu giữ, bảo vệ, cung cấp kiến thức cho quan lại, sĩ tử để họ làm tốt công cuộc cai trị, học hành. Càng về sau, thư viện càng cần thiết, “phủ sóng” đến tận mọi người dân. Nó trở thành phần không thể thiếu trong thiết chế văn hóa, là một biểu tượng văn hóa.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Nếu không có rượu mới

HUY ĐỨC (nhà báo)
Con số cơ cấu 35-40% đại biểu chuyên trách trong Quốc hội khóa tới là một bước đi đúng. Nhưng việc những người như Nguyễn Quang A, Nguyễn Cảnh Bình... bị loại bỏ bằng những công cụ hết sức võ biền cho thấy Đảng vẫn chỉ muốn, ngay cả những người tự ứng cử, cũng phải chắc chắn là người của họ.
Cho dù cách hành xử đó là "truyền thống" hay chỉ từ các mệnh lệnh địa phương, để hệ thống ứng xử như vậy, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chưa chuẩn bị tâm thế và chưa có bước đi quan trọng nào được coi là cải cách.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại bỏ, số người vui chẳng nhiều hơn bao nhiêu số người bị hụt hẫng. Không ai nghĩ Nguyễn Tấn Dũng là một nhà lãnh đạo anh minh nhưng nhiều người hy vọng nếu ông Dũng toàn quyền, ông sẽ giải tán hoặc làm cho Đảng này sụp đổ.
Không có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy ông Dũng sẽ làm điều đó ngoài những bài viết vu vơ trên những trang mạng nặc danh.
Chỉ vì quá chán ngán cái thể chế đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc này suốt hơn 70 năm người ta sẵn sàng đặt niềm tin vào một con người đang trục lợi nhiều nhất từ thể chế cả về châu báu và chức tước.
Không có ai đáng trách.
Khát vọng thoát cộng lớn đến nỗi làm lú lẫn không chỉ những cái nicks vô danh mà còn cả với nhiều trí thức.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Tổ dân phố

Ông Nguyễn Quang A tự ứng cử đại biếu quốc hội bị mấy bà đại cử tri sồn sồn ở phường chê rằng ông này không đủ tư cách, không cho vào, bởi đơn giản là chả thấy ông ấy tham gia hoạt động của tổ dân phố gì cả.

Tổ dân phố là ông giời chắc?

-Chọn một đại biểu quốc hội mà dựa vào cái thước đo tổ dân phố thì quả là kinh, quốc hội cũng chỉ cỡ tổ dân phố là cùng, nhưng lại đảm bảo được hiệu quả mấy vị tự ứng cử trượt hết.

-Thế mấy ông bà cấp cao do đảng hoặc chính phủ giới thiệu, tôi xin cá với mấy bà đại cử tri, mấy bà có sống một trăm năm nữa cũng chả bao giờ nhìn thấy mặt họ, nói gì tham gia hoạt động ở tổ dân phố, sao lại phết cho trăm phần trăm dễ thế.

-Muốn loại thì cứ loại thôi, cần đếch gì tổ dân phố. Muốn để thì cứ để thôi, cần đéo gì tổ dân phố. Lão Maddox bảo vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Quanh chuyện anh em nhà họ Lý bên Sing

Cũng khó mà nói rằng trong cuộc "đấu lý đấu tình" giữa hai anh em nhà họ Lý ở Singapore, ai đúng ai sai. Đúng sai còn do góc nhìn của người ngoài chứ không hẳn ở họ.

Ông Lý Hiển Long đương kim thủ tướng, là con trai cụ Lý Quang Diệu, nếu ông muốn làm lễ giỗ đầu bố - một nhà lập quốc, người công dân số 1, tên tuổi hàng đầu của đất nước, một cách hoành tráng thì cũng không sai. Vừa là hiếu đễ, vừa là nhắc nhở dân chúng biết ơn người mở đường cho dất nước và dân tộc (chứ không phải cho cha mình). Với một nước Singapore giàu có, với một tên tuổi như Lý Quang Diệu, ai cũng thấy như vậy chấp nhận được. Miễn là đừng lợi dụng, đừng làm quá.

Nhưng bà Lý Vĩ Linh, con gái cụ Lý cha, em gái ông Lý con lại cũng rất đáng trọng. Bà là con của nhà lập quốc nhưng không hề dựa dẫm bóng cha, tự đi lên bằng sức, bằng tài năng của mình. Chỉ riêng việc bà theo đường học vấn, trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng thế giới chứ không phải là một nhà chính trị đã nói lên nhiều điều. Nếu bà muốn làm cỡ bộ trưởng trở lên, cha bà thiếu gì cách chiều con. Nhưng cả cha lẫn con đều không thế. Về mặt này, bà còn hơn cả ông anh.

Điều đáng nói nhất, bà luôn lấy dân lấy nước làm trọng. Bà cho rằng cha bà dù có công cực kỳ to lớn với đất nước nhưng cũng chỉ là một công dân, dù giỗ đầu hay kỷ niệm gì gì đi nữa thì cũng đừng để lãng phí tiền bạc của nhân dân. Bà hiểu đúng bản chất của cha mình, không muốn sau khi ông mất đi rồi lại bị mang tiếng bởi con cái. Bà phản đối việc giỗ kỵ hoành tráng bởi đó không phải là điều hợp với cha bà.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Giật mình về một số bài học thuở nhỏ

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa có những lời tâm huyết về sự nghiệp mà ông đang là người cầm trịch. Bao nhiêu năm rồi, dư luận chứa đầy bức xúc đối với giáo dục. Dân chúng đang hy vọng giáo dục sẽ có những chuyến biến cụ thể, đổi mới mạnh mẽ để xứng đáng với từ “quốc sách” mà nó được mang. Đành rằng gánh nặng dồn trên vai bộ trưởng, đường thì còn xa nhưng muốn giáo dục được như vậy, mọi công dân đều phải chung sức góp vào.

Từ chuyện mấy kẻ trộm chó vừa bị dân làng đánh chết mà không đếm xỉa gì đến pháp luật, tôi sực liên tưởng đến việc suốt hơn nửa thế kỷ nền giáo dục của chúng ta có những khe hở, hốc tối, những gồ ghề lồi lõm trong việc giáo dục nhân cách con người. Ngoài những thành tựu đã đạt được thì cũng phải nói thật đáng lo ngại khi người ta nhồi nhét vào đầu trẻ thơ, vào học trò nít trong nhà trường cả tính hung hăng, tàn nhẫn, bất chấp tình người...

Hồi tôi còn bé, lớp 1 thì phải, có học bài thuộc lòng về con cáo đuôi bông. Con cáo thật đẹp, lông hung hung nhưng bị quy tội ăn cắp "tối đến vào làng/bắt gà bắt vịt", nó bị xử tử "dân làng đã biết/rình tóm được ngay/đòn gánh cành cây/phang cho kỳ chết/thế là đáng kiếp/con cáo biếng lười". Còn khi mơ làm chú hải quân thì say với hình ảnh "cây súng chú chắc tay/quân thù mà ló mặt/biển lớn sẽ vùi thây". Được đi chợ xuân thì hoa cũng chả thích, tranh cũng không thèm, chỉ thích khẩu súng "yêu súng hơn bé chỉ lắc đầu/a, mẹ ơi cái súng xinh xinh"... Đại loại những bài như thế rất nhiều, nó cứ ngấm dần vào đầu óc, tạo nên thứ tính nết dữ dằn, coi trời bằng vung, thậm chí bất lương.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Bài hát tặng bạn chủ nhật: TIẾN VỀ HÀ NỘI

Nhạc sĩ Văn Cao viết bài này năm 1949, tức là cuộc kháng chiến chống Pháp mới diễn ra được 3 năm. Ai mà biết nó sẽ kéo dài thêm bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm nữa, nhưng Văn Cao cũng như nhiều người vẫn tin rằng sẽ có ngày ca khúc khải hoàn. Lại được về Hà Nội, đi trên những con đường xưa cũ, gặp lại người thương. Cho nên, đừng vội khen rằng nhạc sĩ có cái nhìn sáng suốt, lãng mạn cách mạng, thấy được tương lai tươi sáng trong những ngày gian nan vất vả chết chóc. Lâu nay, các nhà lý luận văn nghệ của chế độ này thích phán xét, đánh giá theo công thức ấy. Còn theo tôi, chỉ đơn giản là, đi kháng chiến thì mong có ngày chiến thắng. Xa Hà Nội thì mong có ngày về.

Đây là một trong khá nhiều bài hát về Hà Nội thời ấy, tuy nhiên số phận chúng khác nhau. Khi nhà cai trị thích tác giả nào thì bài của những người đó được phổ biến, lưu hành bằng đủ mọi cách, ví dụ: Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Sẽ về thủ đô của Huy Du... Nhưng những anh "có vấn đề", như Văn Cao (tham gia Nhân văn Giai phẩm), Lương Ngọc Trác (quá lãng mạn, không chịu phục vụ chính trị)... thì ca khúc của họ, dù hay đến mấy cũng bị xếp xó. Thế hệ chúng tôi trưởng thành những năm 60-70 hầu như không được hát những bài của Văn Cao thời kháng chiến 9 năm chứ nói gì những bài như Thiên thai, Buồn tàn thu hồi trước 1945; ngay cả những bài như Làng tôi, Ngày mùa cũng chả ai phổ biến, họa chăng chỉ biết mỗi bài Tiến quân ca (quốc ca).

Nói vậy để thấy rằng, một khi văn nghệ bị chính trị đè đầu cưỡi cổ thì nó hoặc trở thành thứ công cụ thô thiển, hoặc phải biến đi khỏi đời sống. Suốt bao nhiêu năm, một nền văn nghệ bị chính trị hóa đã đối xử bất công với bao nhiêu văn nghệ sĩ chân chính và giá trị nghệ thuật.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Chuyện Lào bất tuân phục, và cương vị đăng ten

1. Tôi đọc báo Tuổi Trẻ, cái bài phóng sự về việc Lào xây đập thủy điện Xayabury. Mặc dù các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Lào (một dạng phiên bản của VN) ngon ngọt hứa đủ điều với ông Trọng, ông Dũng, ông Sang nhưng hứa thì cứ hứa, làm cứ làm. Theo PV Tuổi Trẻ, khu vực công trường thủy điện được canh giữ cực kỳ nghiêm ngặt, con ruồi cũng không lọt, đến nay nhà máy đã sắp hoàn thành. 

Mỗi nước mỗi dân tộc đều có quyền lợi riêng, Lào cũng thế và VN cũng thế, không áp đặt được. Nhưng những vị nào còn ảo tưởng rằng Lào dễ bảo, xoa đầu, coi nó như đàn em nói gì phải nghe nấy thì hãy xem Xayabury như bài học thất bại cay đắng của mình.


2. Mấy anh CS nhà mình thời hậu HCM đẻ ra cái mốt cứ phó chủ tịch nước thì phải là nữ (đàn bà). Dường như họ làm vậy để chứng tỏ với thế giới rằng họ tôn trọng phụ nữ, không phân biệt giới tính, tỷ lệ nữ làm lãnh đạo rất cao, nhiều đàn bà giữ trọng trách...

Tôi không kỳ thị nữ giới, thậm chí còn phục còn biết nhiều bà nhiều chị cực giỏi giang, mình không đáng xách dép cho các bả, nhưng riêng việc cứ phải phó chủ tịch nước là đàn bà thì theo tôi không cần thiết. Mấy khóa vừa rồi,dường như các vị phó ấy chỉ để trang trí, làm long trọng viên, chủ yếu đi gắn cờ hoa, huân chương huy hiệu, dự khánh thành động thổ, đánh trống khai trường... này nọ, không được trò trống gì nên hồn, việc chính sự, quốc kế dân sinh hệ trọng lại càng không để lại chút gì. Nếu thấy không cần thiết thì nên dẹp bỏ, âu cũng là góp phần vào thực hiện chủ trương cải cách tinh giản bộ máy để gọn gàng, hiệu quả, đỡ tốn kém.


Mà cũng cần nói thêm, chủ tịch nước (vị trưởng) còn chả có thực quyền thì bày đặt ra phó quả là cuộc chơi xa xỉ, rườm rà đăng ten.

Nguyễn Thông


Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Con giun...

Việc nhà xe Gia Bảo Linh hôm 6.4 chuyên chạy tuyến Đồ Sơn (Hải Phòng) - Yên Nghĩa (HN) dùng xe chở khách chắn ngang đường cao tốc HN-HP để phản đối việc tăng phí rõ ràng là phạm luật. Trong một xã hội văn minh, mọi người đều phải tôn trọng pháp luật. Tự ý chặn đường cũng như tự ý đánh chết kẻ trộm chó là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhưng, để người dân hành xử văn minh thì đừng đẩy người ta đến đường cùng. Nuôi chục con chó, mất cả chục con, kẻ nhẫn nhịn mấy cũng nổi khùng. Muốn không bị đánh chết, thì đừng đi ăn trộm chó.


Nhà đầu tư đường cao tốc, do bỏ vốn ra, lại được nhà nước cho phép (bảo kê) thì có quyền tăng phí (dù mới vận hành chưa được bao lâu, đã vội tăng phí thêm 25%, tính ra trong 6 tháng tăng thêm 450%, như thế là rất tùy tiện, chỉ biết có tiền). Nhà đầu tư bảo rằng chủ xe và tài xế có quyền lựa chọn đi cao tốc hay không đi, chả ai ép, nếu không đi cao tốc thì sang quốc lộ 5. 

Nhưng lý sự vậy là cùn, rất láo bởi đồng thời với việc tăng phí cao tốc thì họ cũng tăng phí quốc lộ 5 thêm 50%. Cho quyền tự do lựa chọn kiểu ấy, khác nào bảo rằng có 2 cách được chết là uống thuốc độc và thắt cổ, muốn chọn cách nào thì chọn. Một ông bạn am hiểu trò chơi domino gọi cách đó là triệt buộc, đằng nào cũng chết.

...Xéo lắm cũng quằn, đừng vội lấy quyền uy ra để khép tội giun.


Nguyễn Thông

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Chuyện trồng dưa

Hồi tôi còn bé, làng Trà Phương quê tôi nhà nào cũng trồng dưa. Dưa hấu, dưa cam. Nhà ít thì vài gốc hoặc một luống, nhà nhiều có khi cả sào hoặc vài sào. Khác với bên thôn Xuân La xã Thanh Sơn láng giềng sát núi Đối họ chỉ toàn trồng dưa chuột.

Tôi nhớ lúc đầu cũng chỉ mấy nhà trồng, trong đó thày tôi, bác Ỷ, bác In, chú Bồ, chú Mịch, cậu Thê, bác Đạm, chú Chung… là những người tiên phong. Bọn trẻ con gọi đùa đó là những An Tiêm của làng. Sau thấy trồng dưa ngon ăn, có tiền hơn trồng thứ khác nên những nhà còn lại bắt chước, vào mùa hè đi chỗ nào cũng gặp ruộng dưa.

Khác với trồng lúa chỉ cần coi đừng để trâu bò lội vào phá, trồng dưa cực hơn nhiều. Dưa nằm lăn lóc trên ruộng trông ngon ăn lắm, lại có giá nữa nên dễ bị mất trộm. Thì chuyện xưa tích cũ thường khuyên người đàng hoàng đi ngang ruộng dưa đừng có cúi xuống sửa giày là gì. Dễ bị nghi ngờ có ý đồ không tốt.

Khi trái dưa đã lọt vào tầm mắt kẻ ẩm thực, chủ ruộng bèn lấy cành tre có nhiều gai rào kín xung quanh ruộng. Mỗi ruộng dưa trông cứ như cái ấp chiến lược của Mỹ Diệm, chỉ chừa một lối ra vào. Có nhà còn lấy lá chuối khô hoặc mảnh ni lông, giấy dầu che kín để những ai dễ nổi lòng tham khó nhìn thấy. Vậy vẫn chưa yên tâm, lỡ buổi tối thế lực thù địch nó mò vào ấp chiến lược nó ôm cho một mớ cũng gay. Lại phải dựng chiếc lều coi dưa, đặt chiếc chõng tre vào lều, tối sai đám trẻ con ra ngủ trông chừng. Có tiếng người, quân đạo chích chúng cũng e ngại.

Di cư, tị nạn theo hướng nào?

Không kể những cuộc di cư, tị nạn do chiến tranh (như ở Syria hiện nay hoặc Afganistan những năm trước) chả cần theo hướng nào, miễn cứ thoát khỏi nơi bom đạn chết chóc là được, thì có những cuộc di cư vì quyền sống, quyền làm người. Nói cho cùng, những cuộc di cư, tị nạn ấy phát sinh bởi thể chế chính trị.
 
Điều dễ thấy nhất trong lịch sử gần trăm năm trở lại đây là những dòng người tị nạn, di cư thường xê dịch theo hướng từ những nơi tự coi tốt đẹp, hạnh phúc, đỉnh cao sang những nơi bị lên án là tàn ác, bóc lột, mất quyền con người. Nói một cách văn vẻ, thì từ thiên đường sang địa ngục. Thực tế thì cũng có vài ba trường hợp ngược lại, nhưng dòng chảy thì vẫn theo chiều đã nói. Quái lạ.

Hơn 1 triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam (VN) năm 1954-1955; gần triệu người chạy từ Đông Đức sang Tây Đức, hàng vạn người chấp nhận có thể chết để trốn từ Triều Tiên sang Hàn Quốc, mấy vạn người Cuba nhào qua Mỹ, gần 3 triệu người VN tự nguyện làm thuyền nhân vượt biển đi Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Úc, Mỹ... Chả thấy nói hồi 54-55 dân miền Nam chạy tị nạn, di cư ra miền Bắc (bộ máy tuyên truyền của CS thì bảo rằng dân chúng, nhất là người theo đạo Thiên chúa bị dụ dỗ, lừa gạt vào Nam; vậy sao CS không dụ được người miền Nam nhào ra Bắc mà chỉ đưa được bộ đội, cán bộ tập kết?).


Lịch sử chứng minh rõ thế nhưng rất nhiều kẻ đui mù cứ đòi cầm đuốc dẫn đường cho quốc dân.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đảng ở nước Mỹ

BÁ TÂN
Ngày 1.4 vừa rồi, trong chuyến thăm Việt Nam, chủ tịch đảng Cộng sản Mỹ có cuộc gặp người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.

Mỹ có nhiều đảng phái nhưng thay nhau cầm quyền nước Mỹ chỉ có đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Thể chế chính trị của Mỹ không chỉ chấp thuận mà còn tạo điều kiện cho đảng Cộng sản hoạt động.

Biết đó là đảng đối lập nhưng đảng cầm quyền (Dân chủ cũng như Cộng hòa) không hề gây khó khăn, càng không phải ra tay bóp chết đảng cộng sản.

Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không bị suy yếu, càng không thể mất vị trí cầm quyền đất nước mặc dù có sự tồn tại của đảng Cộng sản.

Thừa sức loại bỏ đảng Cộng sản Mỹ nhưng đảng cầm quyền ở Mỹ không làm như vậy.

Vẫn có một số người sinh sống ở nước Mỹ gia nhập đảng Cộng sản. Đó là quyền tự do chính trị và tự do cá nhân được xã hội Mỹ tôn trọng.

Để cho đảng Cộng sản hoạt động bởi vì đảng cầm quyền ở Mỹ tôn trọng sự lựa chọn của người dân.

Đảng cầm quyền ở Mỹ hành xử với đảng đối lập rất đàng hoàng và cao thượng. 
Bá Tân

Maddox tâm sự

Cựu chiến binh Maddox tâm sự: Này ông, tôi nói riêng cho ông nghe nhé. Thấy người ta bày tỏ hy vọng, tin tưởng này nọ vào những ông bà mới được chỉ định làm nhà cai trị đất nước, tôi rất thông cảm với họ. Có lẽ họ nông nổi, nhưng cũng có lẽ họ không còn gì để bấu víu.

Riêng tôi, một khi những người trong bộ máy cầm quyền ấy vẫn chỉ là người do đảng của họ sắp xếp, đeo cho họ cái vòng kim cô để khi cần là niệm khẩn cô nhi chú thì tôi tuyệt nhiên không hy vọng, tin tưởng gì. Tôi không lãng phí niềm tin một cách vô bổ.

Nghe Maddox nói, tôi lại nhớ câu thơ của thi sĩ Huy Cận: Quanh quẩn mãi vẫn vài ba dáng điệu/Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người.

Công nhận nhạt thật. Lão ấy nói đúng.Nguyễn Thông