Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Chuyện đi lại

Có những thứ, những điều tưởng đã được đào sâu chôn chặt trong ký ức, bỗng hôm nào đó tự dưng bị ai cầm cái mai cái thuổng phóng một nhát thật mạnh vào, thế là chúng lại bật văng lên. Tôi từng bị rất nhiều lần như vậy. Cũng tại cái số mình vất vả, không thể dễ quên đi như người ta.

Hôm nay, 30 tháng 4 dương lịch, nhà nước bây giờ coi là ngày lễ trọng. Chính quyền cho dân chúng nghỉ một mạch những 5 hôm liền để đi chơi, tiêu xài, mua sắm. Họ giải thích, bảo đó là biện pháp kích cầu. Phải kích mạnh cho dân móc túi ăn chơi. Làm “nhiều tiền để làm gì”. Nghe nói trong dân còn giấu cất hơn 500 tấn vàng cơ. Có mà ăn chơi nhòe cũng không hết. Và thế là những con đường trở nên nhộn nhịp. Máy bay rợp trời, nhà ga sân bay đông như cái chợ chứa đủ mọi thành phần, từ ông com lê ca vát bệ vệ đi đứng khoan thai, tới anh nông phu quần xắn móng lợn diện dép lê ôm điếu thuốc lào, bất kể chỗ nào cũng khạc, nhổ cái toẹt. Tàu hỏa chẳng chịu kém, băng băng trên đường sắt “đưa ta đến một ngày mai thật đẹp/ôi buổi bình minh dậy dọc đường/mướt xanh bờ liễu vút hàng dương”, chỉ còn thiếu “trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết” bởi cừu dê ở Ninh Thuận, Bình Thuận đang chết khát, phơi xương. Xe ô tô mới khiếp, đủ mọi hãng Phương Trang, Thành Bưởi, Mai Linh… chạy như mắc cửi, đón rước khách chu đáo chả khác gì đón Kim Jong-un ở ga Đồng Đăng bữa nọ. Lại còn những Grab, Uber, Goviet, ta chỉ bấm điện thoại nhoáy một nhát, là chúng phóng tới rước tận nhà. Thật đúng thời hoàng kim của đi lại, giao thông.

Tôi cứ bồi hồi nhớ lại những năm xa, mà thật ra chưa xa lắm, mới cách vài chục năm, trong cái hồi mà ta quen gọi thời bao cấp. Nhát mai nhát thuổng ấy, chả là hôm qua trên tivi, đài tỉnh lẻ Tiền Giang, chiếu lại bộ phim cũ xì “Chuyến xe bão táp”. Bây giờ, coi nó cũng như đọc lại chuyện cổ tích, chỉ có những ai, thế hệ sống vào những năm tháng ấy mới thấy rợn người.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Tôi cũng từng đánh tư sản

Bây giờ mấy chú tư sản đỏ hoặc hơi đo đỏ như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương, Trịnh Văn Quyết, Thản điếu cày... đang là idol của xứ này, chẳng ai nghĩ tới việc chê một câu chứ nói gì đánh. Đánh họ là phải tội, có khi đi tù.

Nhưng ngày xưa, mà nào có xa xôi gì cho cam, mới hơn 4 chục năm, ai dính tí tư sản thì lên bờ xuống ruộng, nhà nước đánh cho không còn đường sống. Thiếu gì cách kết tội. Ngay cả dạng như Tăng Minh Phụng về sau cũng chết bởi "ai biểu giàu quá", dám làm tư sản, nhà nước kiếm vài cái cớ là toi cả đời lẫn sự nghiệp. Bài học gần nhất là Trịnh Vĩnh Bình. Bây giờ đi trên đường Trần Hưng Đạo quận 1, ngay sát "Sở Công an" vẫn còn cái tòa nhà thi hành án xây dở dang cao chục tầng gạch đã rêu phong của Bình Hà Lan, như một thứ chứng tích khốn nạn của công cuộc đánh tư sản.

Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc đánh tư sản, kìm hãm xã hội này, góp phần để nó vất vưởng đến tận bây giờ. Giờ kể ra, giống như tự chuyển hóa, tự diễn biến. Chả là hồi từ năm 1977 tôi vào Sài Gòn, suốt mấy năm các giáo viên chúng tôi từ miền Bắc vào được huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở đất) đánh tư sản. Cứ làm theo miệng cán bộ tuyên truyền, chúng tôi hăng hái lên án kịch liệt bọn "tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ" Lý Long Thân, Mã Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên..., tham gia phong trào đấu tố "bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế". Chúng tôi cả tin rằng lưới thép do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng ngăn đạn B40, gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ yếu đúc súng đạn... Kết quả từ một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế đánh tư sản đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức "mua cái đinh cũng phải giấy", miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nàn, thủ công, thiếu thốn, bao cấp ở miền Bắc.

Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi không cần chờ đợi lâu, cũng phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm trời.

Chính vì thế, tôi rất ghét cái câu được coi là kinh điển "nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác". Nó chỉ để nhà cai trị lợi dụng nhằm giấu diếm, che đậy những tàn bạo của họ thôi.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Chuyện hát chèo

Tối mùng 2 Tết Kỷ Hợi 2019, chen giữa bao nhiêu kênh tivi thời sự, văn nghệ, thể thao, giải trí, phim ảnh, gameshow, đủ cả hàng nội hàng ngoại, bất chợt rà chiếc rờ mốt vào kênh truyền hình quốc hội thấy ngân lên một điệu chèo. Vừa may, đang bắt đầu mở màn vở chèo kinh điển: Lưu Bình Dương Lễ.

Nói thế nào nhỉ. Chỉ biết cảm ơn các nghệ sĩ Nhà hát chèo Trung ương đã đem lại một đêm xuân thật đẹp. Cái đêm xuân giản dị, ấm áp từng xa lắc xa lơ trôi vào quá khứ. Đã từ lâu, đứa con xa quê vùng đồng bằng Bắc Bộ như tôi, chèo thấm vào từng tế bào, từng thớ thời gian, như một phần không thể thiếu trong ký ức.

Hồi còn ở Bắc, những năm chiến tranh và thuở đầu bao cấp, sống khó khăn, thiếu thốn, cực nhọc, vất vả, đời sống tinh thần nghèo nàn, nhưng đám trẻ nông thôn chúng tôi vẫn ít nhiều được nghe danh những đoàn chèo nổi tiếng. Khi ấy chưa gọi là nhà hát, chỉ gọi là đoàn. Có đoàn chèo Trung ương, đoàn chèo Thái Bình, đoàn chèo Tổng cục hậu cần, đoàn chèo Hải Phòng… Hầu như tỉnh đồng bằng nào cũng có đoàn chèo. Đài tiếng nói Việt Nam có riêng đoàn chèo diễn viên được tuyển chọn từ khắp nơi, để hát chèo phát sóng trên đài, một số nghệ sĩ thì khi nào dựng tiết mục được đài gọi về tập, còn bình thường lại về hát đoàn địa phương. Tất nhiên sân khấu không chỉ có chèo, còn có các đoàn cải lương như cải lương Nam Bộ, cải lương Chuông vàng, đoàn kịch nói Trung ương, đoàn quan họ Bắc Ninh, đoàn tuồng Trung ương, đoàn ca nhạc đài tiếng nói Việt Nam, đoàn văn công Tổng cục Chính trị… Văn nghệ sĩ thời ấy danh giá lắm, đi tới đâu cũng được người dân “kính nhi viễn chi” trọng như ông hoàng bà chúa. Chèo cũng vậy.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Thành ngữ Lầm đường lạc lối

Câu thành ngữ này không phải mới mà chắc có từ lâu lắm rồi. Bằng chứng là trong kho dân ca vùng Nghệ Tĩnh có bài ví dặm “Giận mà thương” kể về tâm sự của chị chàng có chồng không chịu nghe lời cha mẹ và… vợ. Hồi tôi còn nhỏ tí, đầu thập niên 1960 đã nghe từ cái loa kim bằng gỗ gắn trên tường phát bài này. Mỗi tuần, đài tiếng nói Việt Nam lại phát đôi lần chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền”, bữa thì chèo, bữa quan họ, hôm thì dân ca đồng bằng Bắc Bộ, dân ca Nghệ Tĩnh, hát bài chòi xứ Quảng… Nhờ cái đài rẻ tiền ấy mà chỉ ngồi ở nhà cũng biết được ối thứ.

Thế cái cô vợ xứ Nghệ kia than thở điều gì? Cô kể lể “Anh cứ nhủ rằng em không thương/Em đo lường thì rất cặn kẽ/Chính thương anh nên em bàn với mẹ/Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường/Giận thì giận mà thương thì thương/Giận thì giận mà thương thì thương/Anh sai đường thì em không chịu nổi/Anh yêu ơi xin đừng có giận vội/Mà trước tiên anh phải tự trách mình”, đại loại vậy.

Chị chàng rất khôn, lúc nào cũng “anh yêu”, “anh yêu”, có yêu không còn phải xem lại, chứ sự coi chồng là kẻ nông nổi, dại dột thì rất rõ. Mấy bà vợ dù thời nào, ở đâu cũng vậy. Chỉ mình đúng, còn người khác, dù chồng, đều sai. Đây mới chỉ là chuyến “ngược Lường” (lên vùng núi xa xôi để làm ăn), chỉ “sai đường” nên mới có sự nhẹ nhàng khuyên răn, “bàn với mẹ”, chứ nếu tòm tem cô nọ cô kia thì “mày cứ chết với bà”, ở đó mà khuyên, nhá.

Câu thành ngữ này chia làm 2 cặp, dùng từ tương ứng: Lầm đường - lạc lối. Đáng nhẽ chỉ một vế là đủ, nhưng người ta muốn nhấn mạnh. Đã lầm lại còn lạc. Đã đường lại còn lối. Lầm lạc cả đường lối thì sai quá, nặng quá rồi. Sắp hết thuốc chữa rồi.

Trong đời sống xã hội và sinh hoạt bình thường, thành ngữ “Lầm đường lạc lối” ít được dùng. Con cái làm điều gì sai, bố mẹ tìm cách dạy bảo, tệ quá thì nọc ra đánh. Học trò trốn học, lười học, không chịu làm bài thì thầy cô giáo trị bằng điểm kém, báo lên ban giám hiệu. Chả bố mẹ, thầy cô nào bảo đó là lầm đường lạc lối. Vậy ai dùng? Chỉ có những người làm chính trị, những đảng phái mới hay sử dụng câu này.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Đơn và độc

Điều rất hay xảy ra và cũng dễ nhận thấy là trong khá nhiều bài viết báo chí hoặc văn chương hiện nay, những tác giả trẻ dùng từ Hán Việt thường bị sai, có sự nhầm lẫn rất đáng tiếc. Đành rằng ngôn ngữ luôn vận động, thay đổi, phát triển, từ ngữ được bổ sung những nghĩa mới, nhưng với không ít từ Hán Việt, nếu ta không nắm chắc nghĩa gốc của nó sẽ gây nên sự diễn đạt ngô nghê, vô nghĩa.

Trong bài này, chúng tôi xin trao đổi về hai từ “đơn” và “độc”.

Lật giở những trang báo, không khó để bắt gặp cụm từ được coi là thành ngữ chỉ sự một mình, “đơn thân độc mã”, hiểu nôm na là “một mình một ngựa”. Bảo rằng sai thì cũng không hẳn sai, nhưng đúng cũng chưa phải đúng.

“Đơn” là từ Hán Việt, nghĩa là một, một đơn vị, một mình. Bản thân “đơn” đã là một mình rồi, nên không cần phải “đơn thân” để chỉ sự một mình. Đơn cử có nghĩa là lấy một việc gì đó, một người nào đó, một chuyện chi đó để trình ra (cử) cho người khác thấy, nắm được, hiểu được. Đơn chiếc là người sống một mình, chả có ai bên cạnh. Người đàn bà đơn chiếc là người sống không chồng không con, không có người thân. Trong các cuộc thi đấu thể thao, khi mỗi bên chỉ có một người đấu thì gọi là giải đơn nam hoặc đơn nữ, nhằm phân biệt với các hình thức đấu nhiều người hơn, chẳng hạn đôi nam, đôi nữ, đồng đội. Một cô gái nào đó không lập gia đình, không cưới chồng mà tự nuôi con thì gọi là bà mẹ đơn thân. Để chỉ tình trạng ai đó một mình làm việc, không có người nào giúp sức, hỗ trợ, ta hay dùng thành ngữ “đơn thương độc mã” (chứ không phải đơn thân độc mã như nói ở trên). Nguyên nghĩa thành ngữ này chỉ về người ra trận một mình, tay cầm một cây thương (vũ khí), cưỡi trên một con ngựa (vật vận chuyển), cái gì cũng một, ngoài ra không còn gì khác. Dường như thành ngữ này có liên quan tới tích Triệu Tử Long một ngựa một giáo xông vào giữa đám vạn quân Tào ở Đương Dương để cứu ấu chúa.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Nhân chuyện ông Mạnh vừa ra tuyển tập

Ai còn chưa tin các sản phẩm sử hoặc có liên quan tới lịch sử ở xứ ta thời này là giả dối thì tôi cho ví dụ nè:

Hầu như ai cũng biết, những bài phát biểu, đít cua, huấn thị này nọ của mấy ông bà cầm đầu đảng hoặc chế độ là do bọn trợ lý (thư ký, tham mưu, mưu sĩ) viết, cả nội dung cũng như lời văn, từ ngữ, cách diễn đạt... là của chúng nó, vậy nhưng cuối cùng các ông bà lớn, ông bà nào cũng ra sách. Mà tinh sách dày, tuyển tập, toàn tập, công trình lý luận, v.v.. để làm sách gối đầu giường cho đám không đọc bao giờ.

Người ta cố tình coi đấy như một thứ sử, một phần lịch sử. Những tuyển tập, toàn tập Trường Chinh, Lê Duẩn, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... nói cho cùng, là sự giả dối, báng bổ lịch sử, coi thường những người hiểu biết về chế độ. Sau này, đám sử nịnh lại dựa vào đấy để bịa sử, xem như lời vàng ý ngọc của ông này bà nọ khiến sử càng trở nên giả dối, khó tin.

Chả nói đâu xa, chính bộ máy cai trị này đã từng công khai chuyện ai là người viết điếu văn cụ Hồ, nhưng cuối cùng cứ quy tác giả là ông Lê Duẩn. Ông Duẩn chỉ có công đọc duyệt, góp ý, thêm bớt, và đọc diễn cảm, chứ không thể coi là tác giả của bản điếu văn đó được. Ông Nông Đức Mạnh cũng chỉ có thể nhận bản quyền tác giả cụm từ "trồng cây gì, nuôi con gì" chứ làm sao đòi giành bản quyền tác phẩm với những trợ lý.

Và có một điều nữa cũng nên quan tâm: Loại sách ấy là sự phí phạm vô bổ ngân sách quốc gia, do một cái nhà xuất bản rất vô bổ thực hiện. Đồng tiền thuế của dân đã được ném vào những thứ tào lao, giời ơi đất hỡi đã hơn nửa thế kỷ nay rồi.

Tôi vẫn biết, đòi phải chân thật trong một xã hội giả dối với những kẻ cầm quyền giả dối, bộ máy cai trị giả dối là điều không tưởng, dù vậy tôi vẫn thấy có trách nhiệm phải phăng ra.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ (kỳ 3)

Các đảng chính trị như đảng Dân chủ và đảng Xã hội, do gặp buổi nhiễu nhương, lại trúng lúc đảng cộng sản chỉ muốn độc quyền lãnh đạo, muốn là lực lượng chính trị duy nhất nên bị ép phải ra tuyên bố “tự nguyện” giải tán, sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ”, là điều không tránh khỏi. Trong 2 kỳ trước của loạt bài “Tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ”, tôi đã đề cập tới 2 chính đảng từng tồn tại trong đời sống chính trị-xã hội nước này và cuối cùng bị buộc phải “tự nguyện” giải tán sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Bao nhiêu công lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng khi hươu nai đã hết, thỏ không còn thì cung bị bẻ, chim ưng bị giết, thứ quy luật tàn bạo ấy tưởng bị chôn vùi theo mồ ma phong kiến, ai ngờ nó vẫn duy trì trong một xã hội được coi là dân chủ, tự do. Thôi thì lịch sử sau này nếu có cuộc thay đổi “bãi bể nương dâu” sẽ ghi nhận lại những công tích của hai đảng ấy, chứ không phải chỉ được nhắc tới như một cánh tay nối dài, một thứ vệ tinh, một trò mưu mẹo nhất thời của người cộng sản như người ta đang ghi trong “chính sử” hiện thời.

Không phải cộng sản thì bị giải tán đã đi một nhẽ, nhưng ngay trong tổ chức cộng sản, có những lực lượng được chính họ lập ra, đóng vai trò nhất định, vậy khi cuộc chơi kết thúc cũng chịu cảnh phụ bạc phũ phàng. Trong bài này, tôi không nhắc tới những “cá nhân tiêu biểu” như tướng Chu Văn Tấn, tướng Trần Văn Trà, ông Ung Văn Khiêm, ông Nguyễn Văn Trấn, ông Trịnh Đình Thảo, ông Trần Độ, ông Nguyễn Hữu Đang, ông Vũ Đình Huỳnh… mà chỉ đề cập tới một tổ chức từng lừng lẫy kéo dài hơn chục năm tới khi cuộc chiến kết thúc. Đó là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, những con đẻ của đảng cộng sản, cánh tay nối dài của đảng vào tận miền Nam, cuối cùng cũng chịu chung số phận, kết thúc với công thức bi kịch giống như hai đảng trên. Nó đã biến mất khỏi đời sống xã hội Việt Nam lúc nào, rất nhiều người không biết. Người xưa có câu “lai vô ảnh, khứ vô hình” (đến và đi không để lại hình ảnh, hình dáng gì), nhưng với mặt trận và chính phủ lâm thời, khi “lai” chẳng những không hề vô ảnh mà rất ồn ào, chỉ đúng vế sau “khứ vô hình”, sau khi nó “tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ”, tức là chết bất đắc kỳ tử, không còn ai nhắc tới nữa, may ra chỉ có ít dòng trong sách giáo khoa lịch sử.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Tin giả

Tối qua (20.4.2019) mấy ông bà được mời lên tivi VTV đã hùng hồn cảnh báo về tác hại của tin giả trên mạng xã hội. Theo các ông bà nói cho sướng miệng ấy, thì mạng xã hội, phây búc... nguy hiểm lắm, nói chung là cần tránh xa, càng đừng dính vào nó bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Một ông thượng tá công an cục phó cục an ninh mạng còn hung hăng đòi xử lý nghiêm khắc (ý là khởi tố, bắt giam, cho đi tù) những người "vi phạm", những ai đưa thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng. Ối giời. Đợi các vị kiểm chứng xong thì nó tròn như viên bi bọc đường rồi. Hồi xưa thứ bi ngọt ấy người ta gọi là kẹo trứng chim, trứng dái, chuyên để dụ ngon ngọt đám trẻ con.

Các vị ấy nói vòng vo mãi, cuối cùng cũng lộn lèo tới việc đang có thông tin bịa đặt về sức khỏe của lãnh đạo. Lại còn dẫn ra chuyện năm kia có tin đồn một ông lãnh đạo bị bệnh, chết, nhưng cuối cùng ông ấy có chết đâu, thậm chí bây giờ vẫn khỏe (chắc là họ muốn nhắc tới viên đại tướng họ Phùng). Thế sao không thấy họ ví dụ thêm một ông tứ trụ dính tin đồn sức khỏe, hôm trước còn tiếp khách, hôm sau lăn ra chết luôn. Cũng tin đồn đó.

Thôi thì, không để tin đồn tin giả có đất sống, cứ dìu ông cụ ra thều thào vài ba tiếng cho phải nhẽ, chứ ai đời nguyên thủ quốc gia tự dưng vắng bặt vô tăm tích. Các vị lúc nào cũng bảo rằng các vị là người lãnh đạo chúng tôi, do chúng tôi bầu ra, vậy thì đừng trốn chúng tôi mãi như thế. Có muốn làm lãnh đạo tiếp không thì bảo.

Nguyễn Thông

Chép sử

Tháng 3 Kỷ Hợi triều đại cộng sản thứ 74, niên hiệu Nguyễn Phú Trọng, mặc dù mới cuối xuân nhưng trời nóng đã lên tới 35 - 40 độ khắp cả Bắc - Trung - Nam. Những người duy vật không tin vào cơ trời thì đổ tại biến đổi khí hậu. Dân chúng đồn rằng hoàng thượng tuần du phương nam bị cảm nắng, các quan ngự y chạy chữa mãi không bớt. Triều đình cấm tiệt mọi lời ra tiếng vào. Có sứ đoàn từ nước Mỹ Lợi Kiên qua trình quốc thư và bàn việc hệ trọng của hai quốc gia nhưng vẫn không thấy ngài ra tiếp, phải nhờ thái sư Trần thay mặt.

Ở Đà thành các nhà giàu tự ý lấp hẳn một đoạn sông Hàn làm chỗ xây dinh thự. Vùng đảo phương nam một đứa tiện dân không chỉ giết rùa thiêng để ăn nhậu, mà còn chiếu điện ảnh khoe khắp bàn dân thiên hạ.

Chỗ nào cũng thấy bàn luận về chuyện quan chức mấy tỉnh biên cương giáp Trung Hoa gian lận điểm cho con cái nhưng triều đình cứ bỏ lơ không dám xử, sợ không còn cán bộ làm việc. Có đứa con quan đi thi, làm 3 bài chỉ được 1 điểm nhưng các quan phúc khảo nâng thành 29 điểm, đậu thủ khoa. Dân kinh thành lẫn khắp chợ cùng quê đều chép miệng ngán ngẩm, than chưa khi nào sự học xứ này thối nát khốn nạn đến thế.

Vài sử quan chuyên ăn lộc triều đình thì thào với nhau rằng xứ Nga la tư xã hội chủ nghĩa khi xưa cũng chỉ tồn tại được 74 năm thì mất.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

Chuyện ăn phở (kỳ 2)

Ẩm thực (ăn uống) được những người có học coi là một thứ văn hóa, nghệ thuật, chẳng hạn người ta thường nói về văn hóa ẩm thực, nghệ thuật ẩm thực. Tôi có mấy lần được nghe giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê lúc sinh thời nói về cách ăn cách uống, có hôm ngồi nguyên cả buổi sáng ngó ông tán về chuyện ăn mà vẫn không chán, tan buổi còn thòm thèm. Tiện đây cũng phải bày tỏ sự biết ơn chị bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, người phát hiện ra cái tài thuyết trình, hùng biện cũng như kiến văn của Giáo sư Khê, cứ vài ba tháng lại tổ chức cho giáo sư một buổi hùng biện trước đông đảo khán thính giả thèm ăn chứ không phải thèm nhạc. Tiếc rằng cấp trên ghen ghét cái tài của chị Hưng, bật chị đi chỗ khác, từ đó vị giáo sư già cũng không tới nữa cho đến ngày ông qua đời. Có lần lúc nghỉ giải lao, tôi đánh bạo lại gần giáo sư, hỏi bác ơi, bác nói về đủ món ăn, vậy bác có thể đề cập sâu hơn một tí về phở được không. Cụ Khê cười, anh ạ, tôi cũng thích phở nhưng để nói được về thứ mà người ta phong là “quốc hồn quốc túy” ấy thì tôi không dám bởi hiểu biết của tôi về nó còn cạn lắm. Ấy, những bậc trí giả vẫn thường biết điều và khiêm tốn như vậy.

Cụ Khê còn không dám nói, thì tôi càng không. Phân tích về cái hay, cái tuyệt, cái ngon, cái hấp dẫn… của phở đã có các nhà… văn, như các cụ Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, ai muốn biết cứ tìm đọc. Phải công nhận, thời xưa, cái thời mà ta gọi là tiền chiến ấy, đám văn nghệ sĩ rành ăn chơi nhất hạng. Cũng phải thôi, nghề nghiệp văn chương cho họ đồng ra đồng vào dễ hơn những hạng dân thường khác, vả lại ngoài tiền thì họ lại sẵn máu nghệ sĩ, “trăm nghìn đổ một trận cười như không” nên các cụ nhà ta thông thạo các ngón ăn chơi là phải rồi.

Tôi chỉ kể lại những chuyện phở ngoài phở. Miền Bắc thời chiến tranh và bao cấp, phở phải tự động rút vào tình trạng nửa bí mật, nửa công khai. Phở là thứ ăn chơi, mà ăn chơi thì không hợp với công cuộc sản xuất và chiến đấu. Thương nghiệp nhà nước quán xuyến hết, cả chuyện ăn uống. Các cửa hàng ăn uống đều mang mác quốc doanh. Bán phở, bán chè đỗ đen, bán kem, bánh mì, bánh rán… đều quốc doanh. Chỉ cửa hàng của nhà nước mới được cung cấp nguyên liệu gạo, bột mì, đỗ, đường, thịt, mì chính, còn quán tư nhân muốn có mấy thứ đó đều phải ra ngoài chợ, mua giá cao. Thực khách muốn ăn rẻ thì vào cửa hàng ăn uống quốc doanh, muốn ngon thì chọn quán tư nhân.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Chuyện đặc công (phần 3)

Một ông bạn tôi cười bảo mày không đi lính, càng không phải đặc công, biết đếch gì về đặc công mà kể lắm thế. Tôi chỉ còn nước cười trừ, thôi thì mình sống vào cái thời ấy, cũng chỉ do may mắn mà không bị xếp vào diện “hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực” nhưng chứng kiến nhiều, nghe nhiều, giờ tua cuộn băng ký ức lại mà biên ra, kẻo quên mất. Vả lại cũng lẩn thẩn nghĩ, bây giờ có biết bao nhiêu ông bà chẳng hề biết mặt mũi cụ Hồ mà vẫn đi thi “Học tập và làm theo” kể vanh vách bác như thế này, bác như thế nọ đó sao.

Lại nhớ hồi còn bé, tầm học lớp 6 lớp 7 gì đấy (khoảng năm 68 - 69) đội chiếu phim lưu động của huyện về sân hợp tác chiếu bộ phim “Biển lửa”. Loa oang oang thông báo “A lô, a lô, tối nay đội chiếu bóng số 2 sẽ phục vụ bà con bộ phim đặc sắc về chiến công bộ đội ta đánh sân bay Cát Bi, đốt cháy mấy chục máy bay của thực dân Pháp, mời bà con tới mua vé xem phim, a lô, a lô”. Vé giá 1 hào, ai tới sớm thì được ngồi gần màn ảnh, bệt xuống sân gạch. Không may cho đội chiếu, sẩm tối thì mưa to, đành phải hoãn sang tối hôm sau, chiếu tháo khoán, ai cũng vào được. Tôi còn nhớ, ông anh tôi và anh Tân con bác Ỷ thấy đội chiếu bóng bị hoãn thì khoái lắm, hai ông còn làm thơ tức cảnh, ông này đọc một câu trước, ông kia lại đọc tiếp một câu. Thơ rằng “Trời làm một trận mưa rào/Mấy thằng chiếu bóng xô vào dọn phim/Mưa trôi cả cây gỗ lim/Mấy thằng chiếu bóng dọn phim về chuồng”, đọc xong cười ha hả. Các ông ngâm đi ngâm lại mãi nên tôi cũng thuộc, thuộc tới bây giờ. Buồn cười nhất là câu thứ 3 của ông Tân. Thày tôi bảo thơ vớ thơ vẩn, mưa nào trôi được cả cây gỗ lim, gỗ lim ở đâu ra mà trôi. Anh Tân sau đi bộ đội, vào lính cao xạ, bị sức ép bom, về nhà một thời gian thì mất.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Đúng và không đúng

Dân gian có câu: Còn cha gót đỏ như son/Một mai cha mất gót con đen sì.

Câu này có nhẽ đúng với các trường hợp của cha con nhà Nguyễn Bá Thanh - Nguyễn Bá Cảnh (đen sì), Lê Thanh Hải - Lê Trương Hải Hiếu (son), Nông Đức Mạnh - Nông Quốc Tuấn (hơi son), Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết (son), Trần Đức Lương - Trần Tuấn Anh (son)...

Nhưng vận kỹ thì không chính xác với các trường hợp Lê Đức Anh - Lê Mạnh Hà, Nguyễn Văn Chi - Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Giới - Trịnh Xuân Thanh (đen sì)...

À, các cụ có còn nhớ, Nguyễn Bắc Son cựu bộ trưởng 4T chính là trợ lý, thư ký, kẻ bầy tôi thận cận của chủ tịch nước Lê Đức Anh. Chính ông Anh đã nâng đỡ, bao bọc, cất nhắc Son một cách công khai, trắng trợn. Ông Anh một thời thét ra lửa, nắm trong tay Tổng cục 2 nên dù lúc tại chức hay khi đã thôi chức vẫn cực kỳ oai vệ. Chỉ có điều, giờ sức tàn lực kiệt, nằm thở còn không xong, sống thực vật nên chả đứa nào sợ nữa, chúng không vào bệnh viện rút cái ống thở ra là may. Đến con đẻ còn không bảo vệ được thì Son siếc chả là cái đinh gì.

Điều không may nhất cho ông Mười Anh là ông phải chứng kiến quyền bính lọt hết vào tay giới sĩ phu Bắc Hà do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu. Nếu ngày nào đó ông tỉnh lại được, trời ban đặc ân cho ông nói một câu trước khi chết, chắc ông sẽ nói "Trời đã sinh ra Anh, sao lại còn sinh ra Trọng".

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Chuyện đặc công (phần 2)

Những năm chiến tranh, bộ đội đặc công được huấn luyện ở miền Bắc nhưng lại chủ yếu chiến đấu ở miền Nam. Chiến trường miền Bắc chỉ dành cho lính phòng không (cao xạ, tên lửa) và hải quân. Cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt kéo dài ngốn biết bao nhiêu sinh mạng. Lính bộ binh bình thường, được huấn luyện vài tháng ở vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh) hoặc Bắc Giang (Hà Bắc)... là được lệnh hành quân vào Nam. Ông anh ruột tôi cũng vậy, tháng 10.1969 nhập ngũ, sau tết ta Kỷ Dậu đã đánh thư nhắn về báo rằng sắp lên đường ra trận. Cả nhà non chục người đèo nhau xe đạp vượt gần 7 chục cây số từ Hải Phòng lên Yên Tử, gặp gỡ trò chuyện được chưa đầy tiếng đồng hồ lại lếch thếch đèo nhau về để anh tôi vào nghỉ ngơi, sáng mai hành quân sớm. Một ông anh họ, ông Ngô Duy Điệng hành quân vào Nam sau 3 tháng tập tành, mới tới Hà Tĩnh đã bị đánh bom và hy sinh. Nhưng đặc công thì khác, luyện tập, rèn giũa, thử thách rất kinh. Thạo sử dụng các loại vũ khí, súng đạn, dao găm, mìn, kìm cắt dây thép gai, hóa trang, bơi lặn, và đặc biệt võ nghệ cao cường. Ấy là tôi được nghe chú Xích cắt tóc kể vậy. Chú vào bộ đội đặc công được mấy năm nhưng bị yếu sức thế nào nên bị trả về. Hình như để có một chiến binh đặc công ra trò, thời gian huấn luyện và sự công phu chỉ kém đào tạo phi công lái Mig 17, Mig 21.

Thời thập niên 60 – 70, những bản tin chiến thắng thỉnh thoảng nhắc đến các trận đánh vào cứ điểm, kho tàng, trại lính của quân đội Mỹ hoặc Sài Gòn, chủ yếu là bằng đánh kiểu đặc công. Kể từ trận đánh căn cứ Núi Thành của quân đội Mỹ năm 1965, danh tiếng bộ đội đặc công ngày càng vang dội. Báo Nhân Dân, rồi đài Tiếng nói Việt Nam nhắc đi nhắc lại trận Núi Thành. Tôi còn nhớ có bài thơ, “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành”, hình như của ông Phạm Hổ (anh trai nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ), được đưa vào sách Trích giảng văn học lớp 10, viết ca ngợi ghê lắm, đại loại “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành/Mắt tìm thù sao bay rực rỡ/Rượt đuổi thù chân như chiến mã/Đâm chết thù sức núi dồn tay”… Thời ấy, thơ văn sắt máu như vậy được tuyên giáo của ông Tố Hữu xếp vào hạng 1, bởi ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tôi đọc nó từ năm 1970, nhớ mãi tới bây giờ. Cũng kinh. Thì còn cái gì cho mình đọc nữa đâu. Rặt một món, ngán cũng phải nuốt.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

Cảm nắng

Vẫn biết có những thứ không phải lúc nào cũng có thể cập nhật công khai, ví dụ tình trạng sức khỏe của nguyên thủ quốc gia. Các hoàng đế, vua chúa Trung Hoa ngày xưa, nhiều khi giả ốm mà giải quyết được ối việc hệ trọng, chứ nếu chỉ khỏe bình thường thì sẽ không đi đến đâu.

Nhưng khổ nỗi thời buổi bây giờ những sự đồn đoán rất tai hại, có thể đẩy tới nhiều chuyện không ngờ. Để chấm dứt sự tò mò tọc mạch thóc mách nghi ngờ phán đoán..., cách tốt nhất là cứ nên công khai ra, càng sớm càng tốt. Dân yên lòng đã đi một nhẽ, ngay cả kẻ thù cũng không lợi dụng được.
Càng giấu diếm, càng phải che chắn, bất an, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.

Lại nhớ hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1969, dân tình cứ xao xác cả lên, người ta thì thào, ghé vào tai nhau, nói chỉ vừa đủ con kiến nghe, trông ai cũng cứ như quân phản động, gián điệp đang âm mưu gì bậy bạ. Tới trưa 3.9, sau khi sự thực được công khai, tỏ tường, biết tin cụ qua đời, thế là hết nửa kín nửa hở, ai khóc cứ khóc, ai đi làm cứ đi làm, không còn cảnh thì thào vào tai nhau nữa.
Vậy nên, tình trạng sức khỏe cụ chủ tịch hiện nay, cứ cử ông bà nào đó lên tivi thông báo, khỏe thì bảo rằng khỏe, yếu thì nói rằng yếu, nguy thì cho là nguy, an thì bảo là an. Thế là xong, chả sợ đứa thù địch nào lợi dụng, mạng miếc bớt eo sèo.

Trong lúc chưa được coi tivi, lão Maddox hàng xóm nhà tôi mò sang thì thào hỏi một câu rất vô duyên, này, liệu có xây lăng không. Tôi bảo lăng cái đầu ông ấy, vớ vẩn, cảm nắng thì có gì mà lăng. Hồi xưa còn bé tôi đi đày nắng, mỗi năm chả bị cảm mấy lần, thày tôi mắng cho chứ ở đó mà đòi xông lá hương nhu hay uống thuốc cảm Xê đa.

Còn bọn con trai con gái bi giờ, chúng mà nói "cảm nắng, say nắng" thì coi chừng, chúng đòi cưới nhau đấy, chứ chả đùa.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Chuyện đặc công

Lời ngỏ: Hơn 1 tuần qua, chả biết thế lực hắc ám nào chặn ngang chặn dọc, chặn đường truyền, chặn cả trang blog cá nhân, nên nhà cháu chịu chết, đành cứ đứng ngoài ngõ nhà mình mà không thể vào được.
Hôm nay sực nhớ, sao mình hiền thế, không thử vượt tường lửa coi có vô được không. Và kết quả là đang gõ mấy dòng này.
Thôi thì "giặc phá ta cứ đi", các bậc tiền bối cách mạng từng có nhời như vậy.

Chuyện đặc công

Vừa rồi xảy ra chuyện khá bi hài kịch. Một công ty chuyên đi đòi nợ (công ty Hưng Thịnh này có giấy phép hẳn hoi) cử 5 “chiến sĩ” trông rất đầu gấu từ Sài Gòn mò ra tít tận Đông Triều, Quảng Ninh đòi nợ theo hợp đồng với khách hàng chủ nợ. 5 chàng lực lưỡng to khỏe, có cả chàng “vô tình” xắn cả tay áo lên lộ rõ những hình xăm trông rất đe dọa, hùng hổ tiến vào nhà con nợ. Thằng con chủ nhà bị túm cổ kêu oai oái, bố ơi cứu con. Dũng sĩ đòi nợ liền táng cho nó một nhát nổ đom đóm mắt, cứu này, cứu này. Ông bố tuổi gần 50 nghe tiếng con la thảm thiết liền trong nhà bước ra. Chỉ nháy mắt, 3 dũng sĩ to khỏe nằm đo ván không ngóc dậy được, lạy như tế sao, còn hai dũng sĩ đứng canh cửa vội co ba chân bốn cẳng chạy bán sống bán chết. Nghe tin có vụ đánh người, công an sở tại tới bắt tạm giam “hung thủ” để điều tra. Vụ này, nếu báo chí cứ chịu khó đeo bám, chắc còn nhiều điều hay.

Khoan hãy nói tới các “nạn nhân” hùng hổ, dữ dằn, mà nếu phân đội này vào nhà người khác, có lẽ chủ nhà phải quỳ lạy chúng hoặc khóc hết nước mắt. Sau vụ này, có thể công ty đòi nợ kia sẽ sa thải chiến sĩ của mình bởi ê mặt quá. Điều không may là công ty và đám đi đòi nợ đã gặp phải… em chị Dậu, người phụ nữ nổi tiếng từng tuyên bố “mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem”. Ông em hậu duệ ở vùng than này tên là Đỗ Đức Lân. Chả có gì đáng nói ngoài chuyện ông Lân vốn là cựu đặc công. Chính vì vậy, các tờ báo mừng rú khi biết chi tiết này. Các nhựt trình cả giấy lẫn điện tử đều hớn hở rút tít “Người đo ván nhân viên đòi nợ là cựu đặc công”, “Bắt khẩn cấp cựu đặc công đánh 3 người đòi nợ”, “Cựu đặc công ra tay, 3 người chuyên đòi nợ bị bầm dập”, v.v.. Chẳng phải khen, cũng chẳng ra chê, nhưng cũng như một dạng tuyên dương anh hùng, hì hì.

Phải vậy thôi. Đụng vào đặc công, chỉ từ chết tới bị thương, nói như ông cụ, “điều ấy cũng không có gì lạ”.

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Giả dối

Ai còn chưa tin các sản phẩm sử xứ ta thời đại này là giả dối thì tôi cho ví dụ nè:

Hầu như ai cũng biết, những bài phát biểu, đít cua, huấn thị này nọ của mấy ông bà cầm đầu đảng hoặc chế độ là do bọn trợ lý (thư ký, tham mưu, mưu sĩ) viết, cả nội dung cũng như lời văn, từ ngữ, cách diễn đạt... là của chúng nó, vậy nhưng cuối cùng các ông bà lớn, ông bà nào cũng ra sách. Mà tinh sách dày, tuyển tập, toàn tập, công trình lý luận, v.v.. để làm sách gối đầu giường cho đám không đọc bao giờ.

Người ta cố tình coi đấy như một thứ sử, một phần lịch sử. Những tuyển tập, toàn tập Trường Chinh, Lê Duẩn, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... nói cho cùng, là sự giả dối, báng bổ lịch sử, coi thường những người hiểu biết về chế độ. Sau này, đám sử nịnh lại dựa vào đấy để bịa sử, xem như lời vàng ý ngọc của ông này bà nọ khiến sử càng trở nên giả dối, khó tin.

Chả nói đâu xa, chính bộ máy cai trị này đã từng công khai chuyện ai là người viết điếu văn cụ Hồ, nhưng cuối cùng cứ quy tác giả là ông Lê Duẩn. Ông Duẩn chỉ có công đọc duyệt, góp ý, thêm bớt, và đọc diễn cảm, chứ không thể coi là tác giả của bản điếu văn đó được. Ông Nông Đức Mạnh cũng chỉ có thể nhận bản quyền tác giả cụm từ "trồng cây gì, nuôi con gì" chứ làm sao đòi giành bản quyền tác phẩm với những trợ lý.

Và có một điều nữa cũng nên quan tâm: Loại sách ấy là sự phí phạm vô bổ ngân sách quốc gia, do một cái nhà xuất bản rất vô bổ thực hiện. Đồng tiền thuế của dân đã được ném vào những thứ tào lao, giời ơi đất hỡi đã hơn nửa thế kỷ nay rồi.

Tôi vẫn biết, đòi phải chân thật trong một xã hội giả dối với những kẻ cầm quyền giả dối, bộ máy cai trị giả dối là điều không tưởng, dù vậy tôi vẫn thấy có trách nhiệm phải phăng ra.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Quá nhiều lỗ hổng

Các nhà lý luận thường bảo đừng đánh đồng hiện tượng với bản chất, đừng vội quy một sự việc hoặc hiện tượng nào đó thành bản chất, v.v.. Khuyên thế không sai, bởi lý luận không phải sinh ra từ ý chí chủ quan của con người, mà được đúc rút từ thực tiễn.

Tuy nhiên, trong cuộc sống có rất nhiều vụ việc, ban đầu tưởng chỉ là dạng cá biệt, mà thực ra khá phổ biến, giống như những đáp số của bài toán có chung mẫu số. Vụ việc dưới đây có thể coi là hiện tượng, dù không phải bản chất, nhưng cũng gần như “sự phổ biến” đáng phải cất lên những hồi chuông khẩn báo.

Chuyện là, ngày 4.4 vừa qua tại tỉnh Quảng Trị, một thanh niên mới vào ngưỡng 16 tuổi, tên Lê Văn Hoài, chạy xe máy điện chở bạn gái trên đường, gặp đèn đỏ nhưng vẫn bất chấp vượt qua suýt gây tai nạn cho người khác. Khi được nhắc nhở, kẻ vi phạm luật giao thông không những không phục thiện, nhận cái sai của mình mà còn hung hăng phản ứng, rút ngay dao nhọn thủ sẵn đâm người khác. Một mạng người lương thiện bị cướp đoạt, và kẻ gây tội ác chắc chắn phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Thật không thể hiểu nổi, một đứa còn trẻ, vừa chớm vào tuổi thành niên, chỉ vì được nhắc nhở chuyện rất bình thường (vượt đèn đỏ) mà giết người không gớm tay. Xung quanh vụ việc đau lòng và rất đáng phẫn nộ này có nhiều điều cần phải bàn.

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Chuyện ăn phở

Ở nước Nam ta, có nhẽ phở là món ăn nổi tiếng nhất. Nơi nào nước mình cũng thấy phở, hầu như ai cũng thích phở. So với thức dùng đặc sản, đặc trưng chỗ này chỗ khác, chẳng hạn thắng cố, bún chả, bánh đa cua, hủ tiếu, bánh canh, gỏi cuốn, bánh tôm… thì ta thấy những món ấy chỉ vang danh trong vùng địa giới nhất định, lôi cuốn được nhóm người nhất định. Chứ phở thì không biên giới, không phân biệt già trẻ lớn bé, đảng phái giai cấp, quân dân chính đảng, đàn ông đàn bà, vùng gần vùng xa, miền xuôi miền ngược, thành thị nông thôn. Phở bành trướng ra cả những quốc gia xa tít tận châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Dường như cứ nơi nào người Việt cư trú là xuất hiện phở. Không có thức quê Việt nào oai như nó, danh tiếng lẫy lừng như nó.

Nghe nói dạo ông Barack Obama tổng thống thứ 44 của nước Mỹ thăm Việt Nam, khi làm thượng khách ngụ Hà Nội, cũng thèm phở lắm, tuy nhiên nhà báo kiêm đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain bạn thân ông đã khuyên rằng đừng dẫm vào vết của người tiền nhiệm, cần phải khác đi, hoãn cái sự thèm phở lại. Hai ông đã lần mò đi ăn bún chả Hương Liên quán ở phố Lê Văn Hưu, khiến cái quán bún này tưng bừng nổi tiếng, anh em an ninh mật vụ cả tây lẫn ta một phen mệt phờ, còn dân đứng ngóng bên ngoài chờ coi mặt tổng thống ăn bún Việt đông như hội.

Chả là ông Bourdain muốn nhắc tới chuyện ông Bill Clinton tổng thống thứ 42 hồi đột phá mở đường quan hệ Việt - Mỹ đã thưởng thức phở Việt, tấm tắc khen ngon. Tôi còn nhớ dạo đó năm 2000, rà lại gu gồ (Google) thì cụ thể ngày 19.11, ngài Clinton đã hít hà sì sụp tô phở nóng tại một nhà hàng phở có thương hiệu “Phở 2000” góc phố sát chợ Bến Thành, quận 1, Sài Gòn. Có nhẽ lần đầu ăn phở, lại là phở “đãi” tổng thống, nên ông ấy khen ngon. Tôi cho là ổng khen thực tình bởi người Mỹ rất thực dụng, thẳng thắn, không có tính đãi bôi. Nhưng riêng tôi lấy làm tiếc bởi ngài tổng thống, chả biết do những quân sư hoặc mưu sĩ nào chọn giùm, đã nhầm địa chỉ phở. Cũng có thể, từ khách sạn 4 sao New World tới nhà phở 2000 kia chỉ vài bước chân, lội bộ cũng tiện, đảm bảo được tiêu chuẩn an ninh (luôn được đặt lên hàng đầu), nhưng đi ăn phở, thưởng thức phở quốc hồn quốc túy của xứ này, không cốt chọn ngon mà chọn sự an toàn, thì chưa đạt tới tầm của phở. Trên đất Sài Gòn, lẽ ra phải cho quân hầu tới xí chỗ trước ở phở Lệ, phở Hùng (Hùng trên đường Nguyễn Trãi, gần bùng binh chợ Thái Bình quận 1 chứ không phải những Hùng khác, na ná cái biển hiệu), chí ít cũng phở Tàu Bay, phở Hòa, phở Quyền. Còn nếu đúng kiểu tay chơi cường quốc số 1 thế giới, thực sự sống chết với phở, thì phải cất cánh ngay cái tàu bay chuyên cơ Air Force One vọt ra Hà thành xếp hàng đợi bát phở Bát Đàn, hoặc phở Lò Đúc, phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, mới là sành điệu phở.

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Xung quanh vụ đập tượng

Vụ đập phá các pho tượng la hán ở ngôi chùa Khánh Long (huyện Đông Anh, Hà Nội, quê của đương kim chủ tịch nước) thể hiện những điều gì? 

Tôi chỉ dám đưa một số gạch đầu dòng ra đây chứ không nhận định, bởi sự việc rất phức tạp:

- Tổng cộng 16 trong số 18 pho tượng la hán đặt trong khuôn viên chùa, nằm bên ngoài nhà tam bảo, bị đập phá. Lần phá thứ nhất xảy ra vào ngày 26.3, phá 12 pho; lần phá thứ 2 vào ngày 2.4, tức là sau 1 tuần, phá tiếp 4 pho nữa.Không thể hiểu nổi, sau vụ việc rất nghiêm trọng lần 1 mà người ta vẫn để xảy ra lần 2 được. Nhà chùa cũng như chính quyền, phật tử đã làm gì trong khoảng thời gian giữa ấy. Dân gian có câu "Bình chân như vại" có nhẽ đúng trong trường hợp này.

- Các pho tượng đều được điêu khắc rất công phu bằng đá cẩm thạch trắng, tức là rất có giá trị. Tuy nhiên, tượng la hán (một dạng tượng phật) trong một ngôi chùa Việt nhưng mỗi pho tượng đều được ghi bằng chữ Trung Quốc, ngay cả ngôi chùa từ cổng vào tới bên trong đều thuần chữ Hán (Trung Quốc), dễ gây cảm giác đây là ngôi chùa Tàu chứ không phải chùa Việt. Sự đập phá liệu có liên quan tới chuyện này?

- Chính quyền xử lý vụ việc cực kỳ chậm trễ. Chính vì trễ nên đã xảy ra lần đập phá thứ 2. Kẻ phá hoại đã coi chính quyền không ra gì, ra vào chùa đập tượng như vào chốn không người. Nên nhớ rằng, hồi năm ngoái, chỉ cần xảy ra vụ ném mìn vào cửa trụ sở công an phường ở quận Tân Bình (TP.HCM) thì chỉ hôm trước hôm sau đã lần ra thủ phạm. Có nhẽ chùa chả là cái thá gì trong việc giữ an ninh trật tự.

- Cách giải thích của nhà chức việc rất không ổn. Thậm chí có vị lãnh đạo Sở Văn hóa HN còn nói chùa này chưa được xếp hạng, do huyện quản lý nên để huyện giải quyết. Tức là kệ, không phải việc tôi, tôi không làm.

- Lạ nhất là tượng phật trong chùa bị phá hoại hàng loạt, cả tượng lẫn chùa đều do Giáo hội Phật giáo VN quản lý, nhưng cho tới lúc này, giáo hội im như thóc, cứ như chuyện xảy ra ở Campuchia hay bên Lào.

- Xưa nay, con người trần tục có thể làm đủ mọi điều xấu xa tội lỗi, nhưng vẫn chừa nơi cửa Phật, vẫn chờn chợn trong việc xúc phạm nhà chùa, vẫn ngại ngại sẽ bị quả báo-trừng trị khi có hành vi báng bổ tượng phật. Nay thì chúng đã bất chấp tất cả, một phần do nhà chùa đi xuống, sư hỏng đằng sư, quan sư hỏng đằng quan sư, tôn giáo mất thiêng, một phần bởi con người ngày càng ác hơn hay sao ấy. 

Nếu phật có còn thiêng, hãy bẻ cổ bẻ tay những đứa ngang nhiên bẻ tượng.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Kinh tế thị trường có đuôi

Nhiều năm qua, các nghị quyết của đại hội đảng, những chính sách của nhà nước, các văn bản của chính phủ, mồm của mấy ông bà lãnh đạo... đều lặp đi lặp lại chủ trương, đường lối, nguyên tắc của nền kinh tế xứ này là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Họ nức nở tán tụng, khen rằng đó là đỉnh cao trí tuệ, là sáng suốt, là phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đời sống và xã hội Việt Nam, là lực đẩy mọi mặt, v.v..

Cái trò mèo khen mèo dài đuôi, phò mã tự khen tốt áo thì không ai lạ, chỉ có điều, nói một đằng, làm một nẻo. Kiểu cách nói-làm ấy, đúng với bản chất của họ, kể từ ông đầu bạc trắng tới thằng nhãi ranh "hồng phúc của dân tộc" tóc đen sì. Chỉ có điều, phần kinh tế thị trường thì họ hưởng, còn đuôi xã hội chủ nghĩa thì dân chịu.

Với doanh nghiệp và dân trong nước, lúc nào họ cũng ép buộc, hô hào phải nghiêm túc thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết không được trật. Nhưng khi yêu cầu thế giới, yêu cầu các nước công nhận thì họ chỉ đòi quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Cái đuôi tự rụng mất. Vẫn để đuôi, có mà đến tết công gô cũng chả ma nào nó thừa nhận.

Luôn luôn leo lẻo kinh tế thị trường nhưng khi cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì chính phủ và Bộ Giao thông vận tải dứt khoát không chịu tổ chức đấu thầu mà cứ khăng khăng chỉ định thầu, phải giao cho ACV (một doanh nghiệp nhà nước, sân sau của các đầy tớ). Không kinh tế thị trường gì sất, tao làm thế, làm gì được tao. Đơn giản, bởi vì cho ACV làm thì mới được chia chác, chứ đấu thầu thì còn chó gì mà chấm mút.

Giờ lại thêm vụ quy hoạch báo chí. Cần hiểu rằng báo chí là một phần của văn hóa nhưng thực hiện báo chí lại là một phần của kinh tế. Nó hay thì nó sống được, dở thì sẽ chết. Nó chịu sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường. Mấy bố nhà nước lại cứ đeo cho nó cái đuôi, chả giống ai, cứ muốn hà hơi thổi ngạt cho đứa này, đồng thời đòi tiêm thuốc độc với đứa khác. Cho sống thì được sống, bắt chết sẽ phải chết. Thời buổi 4 chấm 0, 5 chấm 0 mà cứ khư khư đười ươi giữ ống tư duy quản lý báo chí theo kiểu thừa tướng Lý Tư thời Tần bên Tàu cách nay đã hơn 2.000 năm thì quả thật không còn gì để nói với các bố.

Hãy để báo chí vận hành, tồn tại theo kinh tế thị trường và pháp luật. O ép hoặc hô hấp cho nó, nó đều quặt quẹo chẳng ra gì đâu.

Vứt mẹ nó cái đuôi đi, thì con khỉ mới tiến hóa thành người được.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Lần đầu lên tiếng về Khá bảnh

Tôi thú thực (ai mắng mỏ thì cứ mắng nhưng tôi nói thực), tôi không thích Khá bảnh và "anh em giang hồ" xăm trổ (tôi không có thiện cảm với xăm trổ, kể cả Tuấn Hưng...), trừ trường hợp thấy cái cậu "bác Tuyền" về thăm làng Phù Ủng giúp cháu bé bị bạo hành, cứ tếu tếu thế nào ấy. "Nó" (Tuyền) còn đáng quý hơn nghìn lần thằng tôi khi "nó" lặn lội đem tiền 30 triệu về thăm an ủi cháu bé, trong khi tôi không cho cháu được xu nào, nói gì dám về tận nơi.

Bọn trẻ ngày nay (Khá bảnh và những cháu tung hô Khá) nói cho cùng là sản phẩm của một xã hội bế tắc, nên chúng bị khủng hoảng, mất phương hướng, dẫn đến "nổi loạn", lỗi chính là do xã hội chứ không phải chúng.

Nếu cứ cỡ "tội" như Khá bảnh mà bắt thì có nhẽ phải bắt đến 2/3 người của xứ này. Ông Bộ trưởng Tô Lâm và ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn khẳng định sẽ xử lý kiên quyết vụ Khá bảnh, tôi không phản đối nếu nó sai (đánh bạc chẳng hạn) nhưng thưa hai ông và các ông chức việc nhà nước, còn hàng nghìn-vạn vụ không được xử lý kiên quyết dù nghiêm trọng hơn vụ Khá bảnh cả tỉ lần, đừng nhất bên trọng nhất bên khinh như thế.

Pháp luật nếu được tôn trọng thì trước hết là do nó đàng hoàng, không phân biệt đối xử. Xã hội không khá không bảnh lên được nếu chỉ gột rửa phần gót chân mà lơ đi những cái đầu bẩn và ác.

3.4.2019
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Hung dữ

Những đứa học trò, lại là con gái, cùng thầy cô của chúng, kể cả cô chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng, ở một ngôi trường nơi quê người anh hùng dân tộc Phạm Ngũ Lão, đã trực tiếp và gián tiếp hành hạ thể xác lẫn tinh thần một bé gái, minh chứng cho tấn bi kịch thời đại. Đó là con người thời nay trở nên hung dữ, vô giáo dục, khác hẳn cha ông ngày xưa. Nền giáo dục XHCN phải chịu trách nhiệm về điều này.

Hồi tôi còn bé đầu thập niên 60, lớp 1 thì phải, có học bài thuộc lòng về con cáo đuôi bông. Con cáo thật đẹp, lông hung hung nhưng bị quy tội ăn cắp "tối đến vào làng/bắt gà bắt vịt", nó bị xử tử "dân làng đã biết/rình tóm được ngay/đòn gánh cành cây/phang cho kỳ chết/thế là đáng kiếp/con cáo biếng lười". Còn khi mơ làm chú hải quân thì say với hình ảnh "cây súng chú chắc tay/quân thù mà ló mặt/biển lớn sẽ vùi thây". Được đi chợ xuân thì hoa cũng chả thích, tranh cũng không thèm, chỉ thích khẩu súng "yêu súng hơn bé chỉ lắc đầu/A, mẹ ơi cái súng xinh xinh"... Đại loại những bài như thế rất nhiều, nó cứ ngấm dần vào đầu óc, tạo nên thứ tính nết dữ dằn, coi trời bằng vung, thậm chí bất lương.

Cũng có thể kể thêm những bài về con vật, sâu bọ, côn trùng. Quan điểm đấu tranh giai cấp, chống bóc lột mà những người cộng sản tôn thờ, quán triệt đã ăn sâu vào cả những bài học lớp 1, lớp 2. Bây giờ chúng ta coi phim hoạt hình của Walt Disney thì thấy con sâu, con chuột, con cú... đều đáng yêu. Nhà làm phim tạo dựng, hình thành trong óc trẻ thơ niềm yêu mến loài vật, thương xót chúng, chứ những bài học ngày xưa của giáo dục XHCN thì kinh lắm. Con cóc tía mắng con cánh cam "anh chê ta bẩn hả/ta bắt sâu bắt bọ/cho rau tốt rau xanh.../còn anh chẳng làm gì/từ mờ sương đến tối/anh rong chơi mê mải/phá nát búp cây xanh", rồi cóc tía kết luận: "dù quần đẹp áo lành/anh vẫn là người xấu". Đành rằng lao động là vinh quang nhưng chả nhẽ con người ta lúc nào cũng phải “ chăm chỉ bên luống rau, bắt sâu bắt bọ”? Còn ở bài khác, "một đàn chim nhỏ/bay vào vườn nọ/làm tổng vệ sinh/chuyền đi các cành/nghiêng đầu nhòm ngó/lùng bắt sâu bọ", giá chỉ như vậy sẽ đáng yêu biết bao, nhưng để rồi có cái kết quả theo kiểu đấu tranh giai cấp "chanh bưởi mận mơ/sạch loài ăn bám"... Nếu như biết rằng, trong quy luật cân bằng sinh thái, chả con gì là hoàn toàn có hại cả, có lẽ tác giả không gán ghép thô thiển vậy. Nhìn chung, trẻ thơ bị lôi vào cuộc quá sớm cuộc đấu tranh "ai thắng ai" của người nhớn.