Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Ông bình vôi

Sinh thời, cụ Phan Khôi là người cương trực, thấy gì không nên không phải, trái tai gai mắt, cụ phê thẳng thừng. Chứng kiến đám quan chức, lãnh đạo ăn hại, chỉ ồn ào màu mè nhưng rỗng tuếch, cụ gọi họ là ông bình vôi. Cụ viết “Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho Ông Bình ăn”. Và lâu lâu lại tắp thêm vào cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra… Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng “Ông”. (Giai phẩm mùa thu, 1956). Thực ra, cụm từ “ông bình vôi” này bắt nguồn từ nhà thơ Lê Đạt, một trong những yếu nhân của Nhân văn giai phẩm. Thi sĩ bực bội mà rằng “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/Y như một cái bình vôi/Càng sống càng tồi/Càng sống càng bé lại”.

Mấy ngày qua, chứng kiến quá nhiều ông bình vôi, không thể không theo gương tiền nhân, cụ Phan và ông Lê, mà nói đôi nhời.

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng (kỳ 6, cuối)

Súng trường CKC, K44, sau này cả súng tiểu liên AK47 ngoài phần bắn đều có chỗ lắp lưỡi lê. Tùy mỗi loại súng mà có lưỡi lê khác nhau. Lưỡi lê của K44 dài và nhọn như cái dùi có cạnh, cứng bén vô cùng. Tôi có lần đâm thử vào gốc cây dầu ở cổng trường Dự bị đại học trong phiên trực đêm cuối tháng 2.1979 sau khi xảy ra Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc. Thầy hiệu trưởng đi họp về bảo phải tăng cường cảnh giác bởi trường ta đóng trên địa bàn phường 9 quận 5, nơi tập trung đông người Hoa nhất. Mỗi thầy giáo trong đội tự vệ được phát một khẩu K44. Thử lưỡi lê, cắm sâu tít vào thân cây, loay hoay mãi mới rút ra được. Như đã kể, khẩu súng ấy, với kẹp đạn rời 12 viên, tôi đem về căn hộ tự bảo quản, đến tối lại vác xuống đi rảo một vòng trong sân ký túc xá 43-45 Nguyễn Chí Thanh, kể ra có nó cũng yên tâm.

Sẽ có lúc lịch sử tỉnh táo và khách quan nhìn nhận, đánh giá lại “sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”, giải phóng miền Nam. Điều thấy rõ nhất là suốt thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70, lũ lượt trai tráng cả triệu lượt người từ Bắc kéo vào Nam để “giải phóng 14 triệu đồng bào miền Nam rên xiết dưới ách đè nén áp bức của Mỹ ngụy”, và gần như không có đoàn quân nào từ trong Nam ngược ra giải phóng miền Bắc cứu đồng bào miền Bắc đang bị tiến lên CNXH. Miền Bắc cấp người, còn súng đạn đã có 12 nước anh em phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, lo cho. Không nói ra thì ai cũng rõ, phe “thiên đường” này quyết đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng, cũng là một kiểu “Việt Nam hóa chiến tranh”, chứ đâu phải chỉ có tổng thống Mỹ R.Nixon chủ trương như thế.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng (kỳ 5)

Nói tới súng, nhất là súng trường, những người đã sống thời chiến tranh, dù trôi qua gần nửa thế kỷ, vẫn còn nhiều ám ảnh. Lứa thiếu nhi miền Bắc chúng tôi hồi thập niên 60 biết khẩu súng trường qua cả thực tế lẫn văn chương, sách trích giảng văn học. Ông Tố Hữu làm thơ ca ngợi các dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa, Kpa Klơng, cao chưa bằng khẩu súng, nhưng “tay em một khẩu súng trường/mà như có cả quê hương đánh cùng”, bởi “tuổi mười bốn những ước ao/buổi đầu cầm súng biết bao là mừng…/súng này càng đánh càng hay/một tay em chấp mười tay quân thù”. Ngay cả đứa bé tí, theo mẹ đi chợ xuân, “mẹ mua cho bức tranh màu/yêu súng hơn bé chỉ lắc đầu/a, mẹ ơi cái súng xinh xinh/súng cầm tay bé bước nhanh nhanh”… Cứ như thế, đám chúng tôi chỉ say súng, chả cần biết giời đất. Nếu ai hỏi lớn lên ước mơ gì, phần lớn chỉ giả nhời được cầm súng.

Tôi đã từng quản một khẩu K44 hơn chục năm. Lại nhớ khu ký túc xá 43-45 Nguyễn Chí Thanh cuối thập niên 70, đầu 80. Nó được chia làm 2 khu, phía ngoài, mặt tiền đường lúc đầu thuộc trường Dự bị đại học, vài năm sau bàn giao cho Bộ Đại học và THCN. Phía trong là khu tập thể giáo viên công nhân viên của trường. Chung nhà ăn, chung sân, chung lối đi lại, chung cổng. Hôm tôi mới nhận phòng ở, cuối tháng 4.1977, tức là 2 năm sau ngày “giải phóng” vẫn thấy dưới sân chất đầy những thứ mà bộ đội quân quản phá bỏ, như giường tủ bàn ghế, chưa được dọn. Không được dùng, phải bàn giao thì phá thôi. Tòa nhà vốn là khách sạn, trước tháng 4.1975 cho sĩ quan Đại Hàn thuê, nên gọi là khách sạn Đại Hàn, nằm trên đường Trần Hoàng Quân, với 2 hàng cây dầu (họ cây sao) thẳng tắp cao vút. Ông này là đại tá quân đội VNCH tử trận, được chính quyền đặt tên đường. Chính quyền mới thay bằng tên một võ quan khác, cao hơn hẳn, cho biết thế nào là tầm cỡ cách mạng, đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Đề nghị một cách nghiêm túc, chứ không đùa

Trên quả địa cầu này, chỉ trừ Vatican, còn nước nào cũng có đảng chính trị cầm quyền. Đảng càng tử tế, dân và nước càng được nhờ cậy.

Suốt cả năm nay, ở nước này, ngoài cuộc mưu sinh miếng cơm manh áo bắt buộc, người ta đã dành quá nhiều thời gian, sức lực, vật chất, tinh thần vào việc tổ chức đại hội đảng. Dù nó chỉ là một đoàn thể, một lực lượng chính trị nhưng nó đã làm cả xã hội bận bịu, tốn kém, mất thì giờ.

Tôi nhận thấy, không có thể chế nào thích họp hành như thể chế của những người cộng sản. Những năm 1920, nhà thơ cộng sản nổi tiếng V.Maiacovski của nước cộng sản khởi thủy Liên Xô (nay chỉ còn cái bóng) cũng phải thừa nhận cộng sản là “những người loạn họp”. Không ở trong chăn sao biết chăn có rận.

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Chuyện loanh quanh một bộ phim (kỳ 3)

Chuyện kể rằng khi làm phim “Vợ chồng A Phủ”, đạo diễn Mai Lộc mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết nhạc. Ông Thương lúc này đã khá nổi tiếng trong làng nhạc, nhất là bài “Bình Trị Thiên khói lửa” thời chống Pháp. Trong nhạc tiền chiến (tức trước cuộc chiến 9 năm, 1945 - 1954), dòng nhạc mà cách mạng quy kết là ủy mị, tiểu tư sản trụy lạc, ông có vài bài được yêu thích, như “Đêm đông”. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bài “Đêm đông” bị cấm tiệt, người ta chỉ dám hát lén với nhau. Có nghe truyền tai, chính ông Thương cũng không dám nhắc lại đứa con tinh thần ấy bởi sợ ảnh hưởng tới đường công danh.

Mà chả phải chỉ riêng nhạc sĩ Thương, tình trạng đó rất phổ biến trong giới văn nghệ. Ông Hoài Thanh trút hết cả tinh hoa để có cuốn “Thi nhân Việt Nam” (một cuốn sách chân dung, phê bình văn học, theo tôi cho tới nay chưa cuốn nào qua mặt được), vậy nhưng hồi 9 năm phải công khai lên tiếng từ bỏ nó. Những ông Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Phạm Văn Khoa, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi… đều na ná vậy. Miệng thì nói “nhận đường”, “cuộc hồi sinh kỳ diệu” (Chế Lan Viên), “cuộc lột xác rớm máu” (Nguyễn Tuân), “hôm nay học hết kỳ chỉnh đảng/thấy bốn phương ánh sáng lùa vào” (Xuân Diệu) nhưng có nhẽ cũng cay đắng lắm.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Hai ông Phương

Giữa trưa nay, bão số 5 đã nhạt dần thành áp thấp nhiệt đới, dù nó chỉ thọc vào miền Trung làm gẫy đổ cơ man cột điện, cây cối, tốc bao nhiêu mái nhà, nhưng cũng lan ra gây mưa gần khắp cả nước. Khi tôi đang lách cách mấy chữ này, Sài Gòn u ám sụt sùi suốt, định có tí việc chạy ra ngoài mà đành chịu. Thấy đứa cháu gọi vào bảo ở ngoải cũng mưa. Hà Nội đang tắm mưa, và chuyển lạnh. Tiết trọng thu sao cứ buồn buồn. Lật giở mấy trang báo điện tử, có cái tin buồn, nhạc sĩ Phó Đức Phương vừa mất. Trưa 19.9 tây lịch, tức mùng 3 tháng 8, mùa thu Canh Tý 2020.

Thế hệ sinh giữa thập niên 50 chúng tôi hầu như ai cũng biết tên tuổi hai ông Phương. Thực ra thì biết nhiều ông Phương lắm. 

Có ông Trần Phương trợ lý cho ông Lê Duẩn, làm tới phó thủ tướng thời bao cấp, đồng tác giả của “đặc sản” giá lương tiền. Những năm ấy có câu đồng dao “Thằng Phương thằng Truyến thằng Quỳnh/Ba đứa đồng tình bóp cổ nhân dân”. Truyến là ông Đoàn Trọng Truyến, Quỳnh là ông Trần Quỳnh. Tinh những đệ tử của ông Lê Duẩn nghìn nến. Ông Trần Phương còn được biết tới khi ông có cuốn sách tự kể chuyện đi tìm mộ người em gái họ Vũ bị quân Pháp giết hồi kháng chiến 9 năm (thực ra ông Phương họ Vũ chứ không phải họ Trần). Thế giới tâm linh, thần giao cách cảm, ly kỳ và éo le phết.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Tăng trưởng âm

Vốn biết thời nay việc sử dụng ẩu tả tiếng Việt đã như thứ bệnh mạn tính (lưu ý mạn chứ không phải mãn, tức là bệnh càng ngày càng nặng), nhất là ở các nhà báo (phóng viên, biên tập viên), đáng nhẽ kệ họ bởi có nói ra cũng chả chữa được, nhưng không nói thì lại thương tiếng Việt, giữ sự ấm ức trong lòng.

Nếu thỉnh thoảng coi tivi hoặc đọc báo mậu dịch, mọi người sẽ thấy họ (nhà báo) nói và viết rằng “nền kinh tế tăng trưởng âm”. Chả đâu xa, hôm qua tôi nghe trên tivi mậu dịch VTV1 nó ra rả mấy lần về tăng trưởng âm của kinh tế nhiều nước do đại dịch vi rút Vũ Hán (tôi cứ nói toẹt ra là vi rút Vũ Hán chứ không uốn éo nịnh Tàu như tay tổng giám đốc WHO). Còn trên báo thì đầy. Bác nào muốn biết, chỉ cần vào gu gồ (Google) gõ 3 chữ “tăng trưởng âm” thì ra ngay. Tinh báo tiếng Việt quốc doanh mậu dịch.

Tôi chẳng biết họ lôi từ đâu, dịch từ đâu ra cái cụm từ ấy. Chỉ biết là sai toét.

Đã nói tới tăng trưởng thì chỉ nhấn tới sự đi lên, phát triển, đạt được thành tựu, càng về sau càng mạnh hơn trước. “Tăng” nghĩa là thêm, thêm lên. Tăng tiến là thêm vào và hướng về phía trước. “Trưởng” là phát triển, trở nên vững mạnh.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Súng nào chẳng là súng, nhưng cần biết phân biệt (kỳ 4)

Những năm đầu chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, hầu như già trẻ lớn bé quân dân chính đảng ai cũng biết chuyện các cụ lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh dùng súng bộ binh bắn rơi tàu bay Mỹ. Cứ tạm lược bỏ những tô vẽ thêm, những huyền thoại được người ta gắn kết thêm vào để cho rực rỡ thì việc ấy là có thật.

Nói ai cũng biết bởi sau khi sự việc xảy ra, báo chí và đài tiếng nói Việt Nam phát liên tục những bài ca ngợi, đến nỗi đám trẻ con nhỉnh hơn chục tuổi chúng tôi ở tít tận Hải Phòng cũng nắm rõ mồn một. Cụ Hồ gửi thư khen, báo chí ca ngợi, văn nghệ sĩ chụp ảnh, sáng tác bài hát. Cái loa kim vỏ gỗ màu xanh da trời to bằng cục gạch treo trên tường phát liên tục bài “Hát mừng các cụ dân quân” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nghe riết cũng thuộc làu.

Chả là xã Hoằng Trường nằm gần cửa Lạch Trường chảy ra biển. Chỗ này bọn tàu bay Mỹ thường lợi dụng bay tầm thấp để tránh bị phát hiện, tới đất liền mới vọt lên vào thả bom. Các cụ nhà ta thành lập hẳn trung đội lão dân quân (hồi ấy chỉ ngoài 50 đã được lên lão), trang bị súng 12 ly 7 và súng trường K44, CKC trèo lên mỏm núi chờ. Mấy thằng Mỹ khờ chủ quan, mắc mưu các cụ, ngày 14.10.1967 bị các cụ xơi tái một chiếc F4 phản lực hiện đại (còn có tên Con ma), 10 ngày sau bắn góp vào với bộ đội cao xạ hạ thêm chiếc cánh quạt khu trục AD6 nữa. Cả nước sướng, nhất là xứ Thanh.

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Già và trẻ

Phàm đã là người lãnh đạo, thế nào cũng nói nhiều. Càng làm to càng nói nhiều, tới mức lải nhải điếc tai.

Chả riêng gì xứ An Nam ta, đâu đâu cũng thế.

Các ông bà ấy, nhất là mấy cụ cộng sản, lúc nào cũng ra rả đề cao tuổi trẻ, tuổi thanh niên sôi nổi, tuổi trẻ là tương lai đất nước, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội... Chỉ thiếu điều họ bảo tuổi trẻ là giời, thánh thần phật tiên.

Theo họ, tuổi trẻ làm được đủ mọi thứ, nhưng chỉ không được làm lãnh đạo, bởi non, yếu, không có kinh nghiệm, thiếu chín chắn, và đặc biệt thiếu thứ quan trọng nhất là... tuổi già.

Cứ phục vụ cống hiến cho tốt đi, bao giờ già, cho làm lãnh đạo.

Chuyện giếng làng (kỳ 2)

Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi những năm xa ngái ấy, thập niên 1960 - 1970. Nói nhại câu thơ của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm, khi ta lớn lên cái giếng đã có rồi.

Trong từ Hán Việt có chữ “hương”, nghĩa là làng, quê. Lại có chữ “thôn” cũng có nghĩa là làng (lâu nay nhiều người cứ tưởng thôn là từ thuần Việt). Nói làng Trà Phương hay thôn Trà Phương đều chung một nghĩa. Câu thơ “Ngày mai về lại thôn hương”, tức là về làng, về quê. Khi từ “hương” để chỉ quê thì nghĩa của nó khá rộng, vượt ngoài phạm vi một làng, một thôn. Đồng hương là những người cùng quê, có khi quê là tỉnh, huyện, xã. Hội đồng hương Kiến Thụy (là của người cùng một huyện), hội đồng hương Hải Phòng (cùng một thành phố). Hồi hương là về quê. “Cố hương”, một truyện ngắn nổi tiếng của Lỗ Tấn viết về quê cũ (cố) qua ký ức đứa trẻ thơ. Hương quan là cái cổng làng. Người không sống ở quê gọi là tha hương. Tha có nghĩa là người khác, tha hương là quê người khác. Sống tha hương là sống quê người khác chứ không phải quê mình. Cũng không ít người nhầm chữ tha, tưởng đó là tha thẩn, lang thang. Bên Tàu đất rộng, một hương (thôn, làng) của nó tương đương với một huyện bên ta, một huyện bằng vài tỉnh ở ta, một tỉnh có khi bằng cả nước ta, tỉnh Tứ Xuyên chẳng hạn, rộng 485.000 cây số vuông, gần gấp đôi VN. Trưởng thôn của nó quyền hành ngang với chủ tịch huyện xứ ta. Tôi có ông bạn người bên Thủy Nguyên, ở xã Tân Dương, tên Đào Gia Thiệp, đầu thập niên 80 đang học dở nghề thầy giáo bỏ học về quê làm trưởng thôn. Tôi cũng có ông cháu họ làm trưởng thôn Trà 2 khóa liền, do dân tín nhiệm bầu trực tiếp (chứ không hình thức bầu lấy được kiểu quốc hội chả biết đâu mà lần). Gặp nhau, tôi bảo với hai tay trưởng thôn ấy, các ông oai không kém gì chủ tịch huyện, nếu ở bên Tàu. Bọn hắn cứ ngớ ra.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Người chép sử bặt đi đâu cả

Nước An Nam ta, cứ thiên hạ thế giới có cái gì thì ta cũng có thứ ấy, thậm chí còn nhiều hơn, dù chả để mần chi.

Hồi xưa, mỗi triều đại chỉ cần vài người có nhiệm vụ chép sử, gọi là thái sử công. Mọi điều xảy ra đều được biên ghi lại một cách trung thực. Không có thế lực nào, ngay cả vua, cấm được họ, bắt họ chép sai. Sử đã chép được coi là thứ thiêng liêng, vua cũng không được sửa, chứ nói gì đám cá cậy vây, cua cậy càng.

Thời Chiến Quốc, thái sử Bá chép việc Thôi Trữ giết vua, bị họ Thôi chém ngay. Hai em của Bá là thái sử Trọng, thái sử Thúc tiếp tục chép đúng như thế đều lần lượt bị chém. Người em út là thái sử Quý nối tiếp (bởi bắt buộc phải có người chép sử, không thề bỏ trống) lại biên y sì như vậy. Thôi Trữ quát ngươi không sợ chết à, Quý trả lời chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận để mà sống thì chẳng thà chết còn hơn. Thôi Trữ đành chịu thua, không phải là thua Quý mà thua người chép sử, thua bản chất của lịch sử.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Ngu dân

Thời thuộc Pháp, phe cách mạng thường tuyên truyền bọn thực dân rất thâm độc, chúng thi hành chính sách ngu dân khiến con người mất trí, cam chịu, chấp nhận sự đè nén. Để thực hiện ngu dân có kết quả, bọn đế quốc sài lang ấy ngăn cản sự học hành mở mang đầu óc, bưng bít thông tin, tăng cường trấn áp đe dọa, thậm chí dùng đến cả thuốc phiện, rượu, tôn giáo, lối sống trụy lạc… Tức là cứ có thứ gì xấu là nhét hết vào tay nó, quy cho nó gây tội ác. Mày đã thế, thì ông kêu gọi dân chúng làm cách mạng quật mày xuống, cướp chính quyền, cho chừa cái thói ngạo nghễ, ngu dân đi, Pháp ạ.

Cụ Nguyễn Trãi xưa bảo “Phúc chu thủy tín dân do thủy”, lật thuyền thì mới biết sức dân mạnh như sức nước. Nâng được thuyền, hay lật đắm thuyền, đều do dân vậy, “tải chu, phúc chu giả, dân dã”. Nhưng chứng kiến ách thống trị của bọn Pháp kéo dài, cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu phải chua chát thốt lên rằng “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên chúng nó dễ làm quan”.

Súng nào mà chẳng là súng nhưng cần biết phân biệt (kỳ 3)

Một số vị, có nhẽ từng lăn lộn đời nhà binh, kiến thức quân sự đầy mình thủng thẳng nhắc tôi, bảo ông biết gì về súng đạn mà viết. Vâng, tôi chưa trải qua nghiệp lính nhưng sống suốt thời chinh chiến, súng đạn to nhỏ đùng đoàng đinh tai nhức óc, mắt nhìn súng, tai nghe tiếng súng, tay rờ nhiều thứ súng, chứng kiến cả con người chết bởi súng, nên cứ biết tới đâu biên tới đấy thôi. Có gì sai, không nên không phải, chỉ mong nhận sự góp ý phê bình.

Hôm trước nói tới đâu rồi nhỉ. Chuyện dân quân xã tôi (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) tháng 11.1967 trực chiến trên đỉnh núi Chè, dùng súng trường góp đạn vào việc bắn rơi một chiếc tàu bay AD6 lặc lè bom bay ngang qua. Thấy ông Nam lùn trung đội phó dân quân còn kể ngồi trên đỉnh núi ngó rõ mồn một thằng phi công trong buồng lái. Bắn rơi máy bay hiện đại của Mỹ bằng súng trường, như chuyện thần thoại. AD6 vốn là loại máy bay ném bom phổ biến hồi những năm đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chính tướng phi công Nguyễn Cao Kỳ cũng từng cưỡi một chiếc AD6 bay ra thả bom xuống thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) bị trúng đạn cao xạ sém chết, may mò về lại được sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Chả biết hồi thập niên 90 ông ta được mời về nước để hòa giải hòa hợp dân tộc, có ai nhắc lại với ổng chuyện này.

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Tuyên giáo

Nếu muốn biết bộ mặt thật của Ban Tuyên giáo và tòa án xứ này, cứ đọc đoạn chỉ đạo báo chí truyền thông từ đám tuyên giáo thì rõ.

Tôi nói thật, loại như Võ Văn Thưởng tôi không chỉ khinh mà không coi là người. Thế mà cũng có những người há hốc mồm ra ngồi nghe y cao giọng dạy dỗ này nọ. Tôi thách y có giỏi thì công khai lên tivi tranh luận, mỗi bên được hỏi nhau 10 câu xem trả lời như thế nào.

Những ai còn lú lẫn, mơ hồ tin vào báo chí tivi loa đài mậu dịch thì nên xem xét lại. Cả luật pháp xã hội chủ nghĩa nữa, cũng cần mổ xẻ luôn. Dân chúng đã tốn cơm nuôi một lũ khốn.

Dưới đây là chỉ đạo của y về vụ xử Đồng Tâm khi tòa chưa xử.

Ở mục 1.8 (trang 3), văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương (trích nguyên văn):

Chuyện giếng làng

Hôm trước về quê, Nguyễn mỗ tranh thủ lúc chưa có lệnh cách ly tại chỗ, xách xe chạy lên núi Trà thăm cảnh cũ. Chỉ cảnh cũ thôi chứ không có “người xưa” bởi khi xa ấy còn thò lò mũi xanh. Núi Trà Phương không khác gì cái kho chứa cả thế giới tuổi thơ của tất tật trẻ con trong làng.

Kiến Thụy đất Hải Phòng là huyện ven biển thuần nông, sông trôi lờ lững, ruộng đồng xanh ngắt, chả hiểu sao tự dưng thò lên hai quả núi. Giá cứ như vùng Thủy Nguyên, Đá Bạch, Tràng Kênh nối vào với Đông Triều, Quảng Yên, hoặc lùi xuống Đồ Sơn, Cát Bà, Cát Hải đã đi một nhẽ. Núi có mạch, sông phải theo dòng. Đằng này, đang phẳng đang lặng, vụt lên hai ngọn đá tách ra riêng rẽ, như thách thức không gian. Núi Chè ngự trên đất làng Trà Phương nên còn gọi núi Trà, còn núi Đối hộ khẩu thường trú bên làng Đối, tên chữ là làng Xuân La, nơi có di tích Văn miếu nổi tiếng vùng duyên hải. Ông anh Vũ Lệnh Năng đồng môn người Cốc Liễn đang làm “Miếu trưởng” Văn miếu Xuân La, còn cô giáo Phạm Thị Dừa học giỏi văn khét tiếng đất Phòng có thời đóng chức hiệu phó trường cấp 3 chuyên Trần Phú, nhà chỉ cách văn miếu vài chục bước chân. Hơi văn thấm vào từng tế bào các vị ấy. Mấy chục năm nay, chính quyền và nhân dân đã trồng cây bạch đàn phủ xanh hai rặng đá Chè - Đối, ngắm thật mát mắt.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Chuyện loanh quanh một bộ phim (kỳ 2)

Kỳ 1 đã nói rồi, đó là phim “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, các vai chính A Phủ và Mỵ do Trần Phương, Đức Hoàn đóng, phim đen trắng, chiếu rộng rãi năm 1961, tới năm 1973 được giải Bông sen bạc. Nhắc lại như thế để ai chưa đọc phần đầu dễ hình dung.

Điều cốt lõi làm nên thành công của phim này là tác phẩm cùng tên, truyện vừa “Vợ chồng A Phủ” của “đại văn thụ” Tô Hoài. Chính cụ Tô là người chuyển thể sang kịch bản phim, và giời ạ, cũng là người viết lời cho bản nhạc “Bài ca trên núi” trong phim. Có lần tôi gặp chị con gái cụ vào công tác trong Sài Gòn, chị Nguyễn Sông Thao, bảo chị ạ, ông cụ nhà chị đúng là thứ núi Thái Sơn trong văn chương xứ này. Chị Thao cười bảo thì vưỡn. Tôi lại lí nhí thế mà chị chả kế thừa được cụ tí nào, chị lườm cho một phát tưởng rách mắt, hì hì.

Hồi đầu thập niên 60, chả hiểu ai cho hay mua, tủ sách cỏn con nhà tôi có cuốn “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài, gồm 3 truyện vừa: Mường Giơn, Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường. Truyện nào cũng hay. Không hiểu sao, chẳng riêng gì Tô Hoài, các cụ thời ấy lại tài, viết nhanh và hay đến thế. Còn nhớ cái bìa sách vẽ hoa văn hình cái cây vuông vuông, kiểu trang trí của người Thái Tây Bắc. Đọc nát cả ra, tới mức phải lấy cơm dán chằng dán đụp. Sau không biết nó bị chuyền tới fan nào của Tô Hoài rồi mất hút. Giờ mà còn, đem bán cho cô Sông Thao để bày trong cái nhà lưu niệm cụ thân sinh chắc được ối tiền.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Gieo gió gặt bão

1. Tiệc và máu

Thấy người ta đang hớn hở tổ chức đại hội đảng và mở phiên tòa xử những người dân giữ đất ở Đồng Tâm, tôi lại nhớ tới chuyện cụ Đoàn Phú Tứ, thế hệ tôi hầu như ai cũng biết.

Thời kháng chiến chống Pháp, năm 1950, đại biểu quốc hội, nhà thơ Đoàn Phú Tứ được đại tá Trần Dụ Châu cục trưởng Cục Quân nhu (tương đương trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần bây giờ) mời dự đám cưới do đích thân Châu tổ chức cho đàn em. Một đám cưới xa hoa chưa từng có.

Trong tiệc cưới, cụ Tứ khi được mời đọc thơ đã hiên ngang chửi thẳng vào mặt Châu và đồng bọn: "Bữa tiệc mà chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/Được dọn bằng máu xương chiến sĩ".

(Nói thêm: Sau đó, Trần Dụ Châu bị tử hình. Y là kẻ tham nhũng đầu tiên của chế độ này bị ra tòa, mở đường cho dòng cán bộ tham nhũng càng ngày càng đông đảo. Có nhẽ đám cán bộ đảng viên tham nhũng cần phải lập miếu thờ Châu là ông tổ của cộng sản tham nhũng.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng nhưng cần biết phân biệt (kỳ 2)

Còn có cả chuyện chị Nguyễn Thị Chiên du kích Thái Bình, thèm súng lắm nhưng chưa tìm được cơ hội. Bài học lớp 2 viết rằng “Hôm ấy giặc đi càn đông. Chị Chiên cùng trung đội du kích đã phục sẵn. Tên quan ba Pháp lò dò đi vào trận địa. Bắn nó thì lộ, bọn giặc có thể bao vây lại ta. Chị xông ra, nhanh như cắt, chạy sát tới nó giật khẩu tiểu liên chĩa vào nó bắt hàng…”. Sách giáo khoa cứ rủ rỉ kể như vậy, đám chúng tôi sướng quá, nức nở khen tài thật, tài thật. Tất nhiên tên quan hai Pháp phải đầu hàng, còn chị Chiên sau này được phong anh hùng, nữ anh hùng đầu tiên của xứ ta thời hiện đại, đợt phong anh hùng đầu tiên của chính quyền cách mạng, năm 1952, cùng với Nguyễn Quốc Trị, Cù Chính Lan, La Văn Cầu (đánh nhau), Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh (lao động). Thời bao cấp thập niên 80 sống khó quá, nghe kể bà Chiên bung ra làm ăn, nổi tiếng với việc nuôi chó cảnh Nhật, bán lời lắm. Bà Chiên mất năm 2016.

Nhắc tới súng trường, tôi đã từng nhìn tận mắt những khẩu súng cổ lỗ sĩ của dân quân xã, như mấy khẩu mút cơ tông (kiểu Pháp), trung chính (của quân Tưởng Giới Thạch), chủ yếu đem ra cho dân quân tập bắn, ngắm, bóp cò chứ không thấy nổ lần nào. Có lần chị gái tôi trong tiểu đội nữ dân quân còn khoác cả khẩu mút cơ tông về nhà, oai lắm. Thày tôi bảo đừng sờ vào đó, súng đạn vô tình, chứ hay ho gì. Khi Mỹ đưa máy bay ra ném bom miền Bắc thì dân quân các xã được trang bị súng tốt hơn, để bắn máy bay. Cũng vẫn chỉ là súng trường thôi nhưng hiện đại hơn, như CKC, K44. Súng cũ không có hộp tiếp đạn, bắn viên nào, lắp viên ấy, nhưng CKC và K44 có hộp tiếp đạn chứa khoảng 6 - 8 viên. Tôi dân ngoại đạo vũ khí nên cứ nhớ láng máng vậy (cũng như ở bài kỳ 1 có ghi đạn đại liên 12 ly 7 to gần bằng cổ tay, bởi lúc trẻ con thì thấy đạn ấy là to lắm rồi, đại cơ mà, thực ra 12 ly 7 chỉ nhỉnh hơn cây bút dầu viết bảng bây giờ, chứ cao xạ 37 ly mới cỡ cổ tay, hì hì).

Cải cách ruộng đất, Đồng Tâm, và báo chí

Hôm nay 7.9, nhằm ngày 20 tháng cô hồn, mùa thu cách mạng, nhà cai trị lôi những người dân giữ đất ở xã Đồng Tâm ra xét xử. Khi quyền lực và súng đạn trong tay, xã hội vô pháp vô luân, họ muốn làm gì mà chả được.

Lại nhớ, gần 70 năm trước, xứ này chịu nạn, vướng tấn bi kịch khủng khiếp, tới giờ vẫn còn ám ảnh sau bao thế hệ. Đó là trận cuồng phong tàn phá tận gốc xã hội và con người, chính quyền gọi nó bằng cái tên cuộc cách mạng long trời lở đất, nói nôm na là cuộc cải cách ruộng đất.

Nhà cầm quyền làm gì họ cũng cho là đúng, không có sai. Khi họ tổ chức đấu tố và bắn giết, hệ thống báo chí vừa ca ngợi "chính nghĩa cách mạng", vừa a tòng a dua với súng đạn, lên án các bị cáo, góp phần không nhỏ vào sự giết người man rợ. Mỗi chữ như một đọi máu. Nhan nhản những bài kiểu "Địa chủ ác ghê". Trong hoàn cảnh ấy, không ai có thể cãi lại được chuyên chính vô sản và báo chí một giọng. Tới khi cải cách ruộng đất hiện nguyên hình là cỗ máy chém tàn bạo, phải sửa sai, người ta nhận ra rằng báo chí đã tự bôi gio trát trấu vào mặt nó, vết nhơ đầy máu không thể nào rửa sạch.

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Khen vuốt ve nhau để làm gì

Hôm qua 4.9, Bộ Chính trị làm việc với dàn lãnh đạo TP.HCM. Cứ như truyền thông báo chí quốc doanh thì khen nhau dữ lắm. Có nhẽ họ bàn nhiều chuyện nhưng không thấy báo chí nói gì đến việc giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm, miếng gân gà khó nuốt. Cũng chả nghe họ có đề cập gì tới mức Sài Gòn phải đóng góp ngân sách theo tỷ lệ bao nhiêu... Đó là những điều mà đông đảo người Sài Gòn muốn được bạch hóa.

Tôi lại quan tâm tới chuyện khác. Bộ mặt của thành phố mà chính cụ chủ tịch nước hôm qua cũng nhắc lại rằng nó từng là "hòn ngọc của Viễn Đông", nhưng giờ đây dưới sự cai quản của những vị vừa được khen, quả thật ngọc đâu chả thấy, chỉ thấy nhếch nhác, gớm ghiếc vô cùng. Đừng có dòm lên những khối nhà cao tầng để bảo rằng đã có đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống. Khoan hẵng đề cập tới những thứ này nọ, chỉ món vệ sinh môi trường và lòng lề đường lộn xộn, bẩn thỉu, bị chiếm dụng tùm lum thôi cũng đủ biết cái “tài” của mấy đương sự cai trị. Không ai bảo được ai, từ cấp thành phố tới cấp phường. Anh nào cũng nói hay nói tốt nhưng thực tế tệ hại sờ sờ trước mắt, ngay trong phạm vi quản lý của mình thì “có mắt như mù”, rất vô trách nhiệm.

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Ngồi xổm trên pháp luật

Việc đảng cử cán bộ hạt giống (mà họ là chiến lược) về các tỉnh làm bí thư, phó bí thư (giống như một dạng quan toàn quyền) là chuyện riêng của đảng. Với tư cách phó thường dân nhưng là một cử tri chính hiệu, tôi không... can thiệp vào việc riêng của tổ chức, các ông muốn làm gì thì làm.

Nhưng các ông cử hạt giống về, rồi ép địa phương phải làm thủ tục chiếu lệ, bầu họ làm chủ tịch, phó chủ tịch bên chính quyền thì đó chỉ là thứ mưu mẹo đặt địa phương vào sự đã rồi, là chuyện hết sức nhố nhăng. Các ông đã đổ khuôn, thì bố đứa nào dám làm trái, không bầu.

Từ sự vi phạm trắng trợn đó, dẫn tới chuyện bộ 4T hôm qua còn công khai biệt phái cán bộ, chả khác gì cử đặc nhiệm, về Hậu Giang làm Giám đốc sở 4T (Thông tin - Truyền thông). Rất vớ vẩn.

Đừng nói là đã có những quy định cho phép như thế. Quy định là do con người đặt ra, nhưng quy định nào cũng phải tuân theo hiến pháp và pháp luật (đó là chưa nói hiến pháp cũng còn điều nhí nhố, và đề ra một đằng, thực hiện một nẻo). Nếu cứ xé rào vậy, ông bà nào cũng có quyền ngồi xổm lên pháp luật, thì tốt nhất cứ giải tán Hội đồng nhân dân các cấp đi, thậm chí giải tán cả quốc hội cũng được, sau đó thoải mái đặt ai vào ghế thì đặt, đỡ phải mưu mẹo, mang tiếng với đời.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng nhưng cần biết phân biệt

Nhiều bản báo (in và điện tử 4.0) hôm 24.8 có cái tin về tay tổng thống độc tài ăn gian ở Bạch Nga Belarus sợ người biểu tình nên phải kè kè khẩu súng trên người. Sao chưa thấy các nhà lãnh đạo xứ ta gửi điện chúc mừng “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí, chúc đảng và nhân dân giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa” nhỉ. Hay là sợ dây với hủi.

Khẩu súng mà y đeo là khẩu AK, của nhà chế tạo Kalashnikov, loại tiểu liên lừng danh thế giới. Khổ, súng ấy thì ai chả biết, đến đứa trẻ con nó cũng rành AK là tiểu liên, vậy nhưng các bố báo nhà ta thì cứ gọi là súng trường, súng trường AK.

Nó là thế này. Lâu nay cách gọi vũ khí súng đạn ở xứ ta phần lớn thông qua từ Hán Việt. Căn cứ vào hình dạng khẩu súng và tính năng, đặc điểm của nó mà đặt thành tên. Nào là: hỏa tiễn, đại bác, lựu pháo, cao xạ, đại liên, trung liên, tiểu liên, súng trường… Gọi là tiểu liên, trung liên… bởi căn cứ vào khả năng bắn liên tiếp và độ to của nó. Tiểu liên có băng đạn vài chục viên, bóp cò mà giữ cò thì ra xổ cả tràng. Bộ đội ta, có những anh rất giỏi, dùng được cả tiểu liên để bắn điểm xạ, trúng phát một. Trung liên to hơn một chút, có hai càng để dựng cho vững, hộp đạn tròn chứa cả trăm viên. Anh hùng Bế Văn Đàn đã “lấy thân mình làm giá súng” cầm hai càng trung liên cho anh Pù bắn (có câu hát: hoa ban chan bao nước mắt anh Pù, nhưng gần như chả ai biết anh ấy) bởi lúc ấy chiến hào không có chỗ đặt.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Chuyện loanh quanh một bộ phim

Chiều 30.8 tây, trúng tháng cô hồn, trong mưa ngâu khi khoan khi nhặt, thiên hạ thong thả lần bước bên nhau tiễn đưa một người về cõi vô cùng. Chiều tiễn biệt khi đợt dịch Cô vít vẫn còn căng nên ai nấy đeo khẩu trang. Âu cũng là đặc điểm của một đoạn khúc khuỷu trong dòng thời gian. Người ấy là diễn viên, đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Phương, trụ thế vừa tròn 90 cái tết trung nguyên, rằm tháng 7.

Nói tới Trần Phương nhiều người không biết dù ông rất nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân. Ở ta nghệ sĩ nhân dân hơi bị nhiều, đạo diễn diễn viên lại quá nhiều nên sự không biết cũng chả nên trách. Nhất là thời gian đã trôi đi cái chặng ông nổi tiếng cũng mấy chục năm rồi. Nhưng đám chúng tôi, thế hệ đẻ vào thập niên 50 và cả 60, 70 nữa thì chả mấy đứa không thấy ông. Có khi chưa rành về diễn viên Trần Phương nhưng đảm bảo nắm chắc nình nịch về anh chàng A Phủ trong bộ phim có tên “Vợ chồng A Phủ”. Nhiều lúc chúng tôi đùa nhau lứa mình là lứa A Phủ, mặc quần thủng đít đi xem A Phủ. Vì vậy, bây giờ nhiều khi thấy buồn cười và vui vui khi nghe mấy đứa con gái bảo “này, để Mỵ nói cho mà nghe”. Sức sống của nhân vật văn chương thật lâu bền. Hình như mặc nhiên những cái tên A Phủ, Mỵ đã là thứ riêng, không đụng hàng. Giả dụ giờ có đứa con gái nào bố mẹ nó đặt cho tên là Mỵ, người ta cũng cứ quy vào vợ chồng A Phủ, làm gì có Mỵ thứ 2.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Cứ nói điều mình cho là đúng

Trong xã hội dân chủ, mỗi người đều có quyền biểu đạt suy nghĩ của mình. Không nên ép buộc nhau, bởi suy nghĩ của mỗi người mỗi khác. Thấy người khác trái ngược ý mình cũng đừng lấy làm phiền, mà nên tôn trọng cách hiểu của họ. Chính vì vậy, tôi chả mấy khi chê bai các dư luận viên hoặc những người như Trần Nhật Quang (mà thiên hạ gọi là Quang lùn) khi họ có quan điểm riêng. Tất nhiên về tư cách và thái độ (chửi bới, lăng mạ) mà họ thể hiện thì không phục.

Rất nhiều điều, cứ nói ra là nhận sự phản ứng trái chiều ngay. Kệ, mình cho là đúng như mình nghĩ thì viết ra thôi.

Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã rất vô trách nhiệm khi bật đèn xanh, buông lỏng, để mặc các địa phương, các trường bắt học sinh phải tựu trường, đi học sớm ngay trong hè, ngang nhiên cướp đoạt những ngày nghỉ hè quý báu của học trò. Học chán chê rồi mới khai giảng, khai trường. Túm lại là rất vớ vẩn.