Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Bác cả Năng (kỳ 2) dành cho K17

Tôi có cái vinh dự mà không phải ai ở K17 (trừ khá đông các vị Thúy, Cúc, Tăng Hải, Lan) cũng có được, là đồng hương đồng khói với bác cả Năng. Nhiều khi ngấm ngầm tự hào và công khai dựa dẫm, chẳng khác gì những lúc Bá Tân vuốt râu khoe nó là người huyện Nam Đàn quê cụ Nguyễn Sinh Cung. Thậm chí tôi còn hãnh diện hơn cả mấy ông bà đất Phòng kia ở chỗ còn được làm đồng hương huyện, chỉ khác xã, cách nhà nhau khoảng 6 cây số. Hồi tháng giêng Kỷ Hợi vừa rồi, cả đám gần hai chục người đàn đúm tại nhà tôi ở làng Trà, xã Thụy Hương, lúc gần đi ngủ, bác cả Năng bảo, thôi, vợ chồng ông Giang ải lậc cậc qua nhà tôi, vừa rộng rãi, vừa để biết nhà, tối nằm gác chân lên nhau trò chuyện, chứ ở đây ầm quá loạn quá, ngủ thế đếch nào được. Tôi chân tay còn vưng vững, mắt cũng hơi tinh, lại thuộc đường, từ nhà tôi sang thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân vào nhà bác Năng, tôi nhắm tịt mắt cũng đi được, nên lĩnh chức đèo bác Giang trai, còn bác cả chở bác Giang gái. Lên xe, hai anh em vừa phóng vừa trò chuyện, nhoáng cái đã tới nơi. Cụ Ải lậc cậc vỗ vai tôi, bảo nhanh nhẩy, thế mà tao cứ tưởng xa, thương mày quay về rét. Chả biết đêm tương phùng ấy cụ Năng cụ Giang trò chuyện những gì nhưng sáng hôm sau tôi tới đón, nhìn mặt cụ Giang tươi hơn hớn. Tình cảm bạn bè của người đã chạm ngưỡng già, như liều thuốc tiên vậy.

Ở đây, cũng mở cái ngoặc đơn, trong lớp mình, có 3 người chơi thân với cụ Giang nhất, phía đám đàn ông, chứ đờn bà thì tôi không biết, là cụ Năng, cụ Hồng, cụ Thuận. Tình bạn keo sơn mãi tận bây giờ. Trong bài kỳ 1, khi nhắc về những vị trưởng lão, tôi không nhắc tên cụ Trần Hồng bởi lúc ấy đang nói về những cụ đã trải qua thời chinh chiến, mặc áo lính, còn cụ Hồng thì mặc áo công tử xứ Nghệ nên bị loại khỏi đội cựu binh.

Bệnh coi nhẹ hình thức

Trong ảnh (kèm), là những người quan trọng nhất thế giới, những siêu nhân. Họ đang làm gì? Đang tụ hội quần anh quyết định đường đi nước bước của nhân loại. 

Vậy mà, hãy nhìn kỹ căn phòng, chiếc bàn, chiếc ghế, đồ dùng phục vụ siêu nhân... Tất cả đều hết sức bình thường, thậm chí còn kém đồ nội thất của một gia đình thu nhập tầm tầm xứ này. Cái ghế mà họ ngồi chẳng hạn, bán đầy lề đường Ngô Gia Tự quận 10 Sài Gòn, chỉ hạng dân nghèo như tôi mới mua.

Nước giàu mà "keo kiệt, hà tiện". Không có bàn gỗ quý dày cả gang tay. Không có ghế chạm trổ rồng phượng, lưng ghế cao ngang đầu cho người tọa lim dim. Không băng rôn khẩu hiệu "nhiệt liệt chào mừng". Và đặc biệt, không có lấy một bó hoa, một lọ hoa để không gian được sặc sỡ, thiêng liêng, ra vẻ văn hóa. Và càng không có tượng ông này bà nọ.

Điều mà các siêu nhân hướng tới là thực chất. Mọi hình thức đều không cần thiết, khiến hình thức bị trở thành khoe mẽ, rẻ tiền, cờ đèn kèn trống hoa hoét vớ vẩn. So với những đại siêu nhân ở xứ An Nam, thì các siêu nhân G7 đã mắc bệnh nặng - bệnh coi nhẹ hình thức, vô phương cứu chữa.

Có tiền mà không biết xài cho nổi bật, chả bù cho người khác, đi ăn xin ăn đong ăn vay nhưng rực rỡ đến trời. 

Đúng là đồ tư bản giãy chết. Coi nhẹ hình thức. Không thể so với chủ nghĩa xã hội được.

Lại nhớ câu của ông Lê Khả Phiêu khi ông cảnh cáo ngài B.Clinton hồi cuối năm 2000, lúc vị tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm VN, tới chào ông Phiêu. Cụ tổng Phiêu bảo "chủ nghĩa xã hội không những tồn tại mà ngày càng lớn mạnh, tiếp tục phát triển thắng lợi, mãi mãi trường tồn", khiến ông trẻ Lin Tơn tái mặt. Hồi ấy, tôi còn làm báo TN, bộ phận trực tin, đã trực tiếp lấy tin về cuộc đón tiếp của ông Phiêu từ TTXVN làm tin vơ đét nên vẫn nhớ rõ.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Chống chế

Sau khi tổ chức phật giáo có sự tiếp tay của chính quyền thực hiện thả 30.000 cái đèn nhựa và mảnh mút xốp trên biển Cát Bà, sát di sản thế giới Hạ Long, dư luận phản đối rất dữ, coi đó là hành vi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Thả đèn hôm 10.8, mãi tới tối 11.8 xác đèn vẫn trôi nổi khắp nơi, dạt vào nhiều bờ bãi như những đống rác lớn. Đó là chưa kể có những chiếc bị sóng gió đánh tơi tả, rơi ra khỏi phao mút xốp chìm xuống biển, lẫn trong nước.

Làm một việc cứ tạm coi là thành tâm đi (cúng lễ Vu lan, thu hút khách du lịch) nhưng phương cách thì hoàn toàn ngốc dở, xì xằng. Đáng tiếc là rất nhiều quan chức từ trung ương tới cấp huyện đã tham gia vào sự phản cảm này. Hình như họ không hề nghĩ tới tác hại của việc họ tham gia, chỉ cần được làm long trọng viên cũng đủ hỉ hả sung sướng rồi.

Bị dư luận chê trách gắt gao, một sư ông yếu nhân của hội Phật giáo lại còn chống chế thế nọ thế chai, rằng sau đó đã đi nhặt nhạnh hết rác, thu gom về rồi, tới cuối ngày 11.8 là gần sạch rồi...

Bạch thầy, dư luận mà không lên tiếng, chắc các thầy bỏ mặc cho nó chìm xuống biển luôn, chứ ở đó mà nhặt nhạnh thu gom.

Đi tu, lấy cái sự chân thật làm đầu, chứ ai lại quanh co chống chế như thế. Chùa chả ra chùa, sư chả ra sư. Đúng ra thầy phải xin lỗi, chẳng hạn chúng tôi sơ ý, chúng tôi xử lý chậm chạp, sẽ rút kinh nghiệm, đằng này các thầy cứ nhố nhăng như chính quyền, chả thấy tu chút nào. lại còn quanh co chống chế.

Mà theo tôi, nhà Phật nên dẹp bớt mấy trò hình thức lòe loẹt này đi, khó coi lắm. Một tiếng chuông chiều vang giữa thinh không giúp cởi bỏ những vướng víu trong lòng còn có giá trị hơn vạn lần đèn hoa mút xốp, xe cộ diễu hành, các thầy ạ.

Nguyễn Thông

Hồng Kông

Báo xứ Việt có vẻ phấn khởi (qua cách đưa tin) khi phong trào biểu tình của người dân đòi quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông bị đàn áp bằng vòi rồng, có bắt bớ và đổ máu.

Ông hàng xóm nhà tôi thắc mắc, chả nhẽ cảnh sát Hồng Kông vốn phần lớn là người Hồng Kông từng thấm vào huyết quản về tự do dân chủ mà sao lại đàn áp "đồng bào" mình, chắc phải có nguyên nhân phạm luật từ người biểu tình. Nghi thế, mới nghe cũng có lý.

Tôi nói với ông ấy, cảnh sát dù là người gốc Hồng Kông nhưng nay đã ăn phải bả của Trung Quốc đại lục, tự biến mình thành "còn Tàu cộng còn mình" rồi, thì cũng không phải người Hồng Kông chuẩn nữa. Đã là hạng bán mình thì cứ có tiền là nó phun vòi rồng thôi, không cần căn cứ vào luật, sai đúng thế nào.

Người dân Hồng Kông suốt thời gian qua biểu tình ôn hòa thế nào, thế giới đều biết cả. Nếu xảy ra bạo lực, thì xuất phát từ cảnh sát "còn Tàu cộng còn mình", từ chỉ đạo của Bắc Kinh, từ đám côn đồ được tung vào phá rối, gây sự để lấy cớ đàn áp, chứ không phải từ người dân. Cách nói "biểu tình biến thành bạo lực" của báo chí Việt là cách ỡm ờ đổ vấy cho người biểu tình, nịnh bọn phát xít.

Xe vòi rồng có thể thổi bạt được người trên phố, cảnh sát của bà Lâm có thể bắt giam người này người nọ, nhưng cũng có tác dụng thổi thêm ngọn lửa cho nó cháy to hơn.

Những kẻ từng hưởng giá trị dân chủ của Hồng Kông nhưng nay quay ra thờ bọn cộng sản Tàu thì có thể nói không ngu nào ngu hơn. Thối nát và đáng khinh bỉ.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Bác cả Năng (dành cho K17)

Mình chưa già (tự phong vậy) nhưng phải công nhận nhiều lúc lẩn thẩn. Chả hạn mình nghĩ K17 cũng như… quả chuông, có ai gõ vào một nhát là sau đó dồn dập binh boong, binh boong, vui lắm. Hôm nay cũng vậy, mọi người náo nức phấn khởi chúc mừng sinh nhật một vị trưởng lão của khóa ta, bác cả Năng. Binh boong, binh boong, rộn ràng hơn cả dân tỉnh Kiến An năm 1960 đón cụ Hồ về thăm. Bác Năng hồi ấy đã thanh niên 16 tuổi, học trường cấp 3 Kiến An (cả tỉnh chỉ có mỗi một trường cấp 3), biết đâu được nhìn thấy mặt cụ Hồ không chừng.

K17 là khóa bản lề giữa chiến tranh và hòa bình nên có nhiều trưởng lão. Nếu như từ khóa 16 về trước, sinh viên liên tục đăng lính kéo nhau ra trận, thì từ K17 trở về sau, các cựu sinh viên lại lục tục phục viên. Phải công nhận, nhờ có các bác lính hồi môn mà K17, nhất là 2 lớp văn, vui và chững chạc hẳn lên. Đám thò lò mũi xanh như mình, Bá Tân, Đại, Đồng, Nghiệu, Viết, Xuân Ba, Bính… tự dưng lép hẳn, đố dám nhốn nháo vô phép như vốn láo. Còn bọn con gái cũng quên phắt mấy thằng trẻ ranh, chỉ chú mục quấn quít vào các ông anh. Đúng là phúc với người này thì họa cho kẻ kia. Đôi khi tặc lưỡi, kiểu AQ, mình chịu thiệt một tí để bù cho những người từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông.

Đội quân “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” ấy có nhẽ gần hai chục vị. Giờ trí nhớ nhạt rồi, nhưng mình có thể làm cái lít (list) gồm các bác: Bùi Trọng Cường, Lê Xuân Sang, Lê Quốc Lập, Phạm Văn Sĩ, Nguyễn Doãn Tấn, Đặng Quốc Khánh, Lê Văn Sơn, Trần Nam Việt, Hoàng Sĩ Chiến, Lê Tài Thuận, Trần Triều Nguyệt, Ngô Đức Nguyên, Nguyễn Xuân Thụ, Ma Duy Giang, Trần Quang Thuật, Nguyễn Tuấn (lớp ngữ), Đỗ Xuân Thanh… Và tất nhiên không thể thiếu Vũ Lệnh Năng, bác cả Năng. Đó là chưa kể lớp ta còn có những bậc đàn anh đàn chị rất đáng kính nể như cụ Nguyễn Ngọc Xuân (Ninh Bình), cụ Nguyễn Huy Cờ (Hà Bắc), cụ bà Nguyễn Thị Ngụ (TNXP, Hà Tĩnh). Tinh dững cây cao bóng cả, rợp mát đàn em.

Học và làm theo di chúc

Cả bộ máy cầm quyền đang tổ chức rất rầm rộ (và tất nhiên rất tốn kém) việc học tập và làm theo cụ Hồ, nhân kỷ niệm 50 năm di chúc của cụ.

Nhiều tấm gương được đưa ra làm điển hình, nhiều vị lãnh đạo đăng đàn diễn thuyết cần phải học cụ thế này thế nọ, làm theo điều nọ điều kia.

Có thể nói, tất cả những người học và khuyến học đều chưa một lần gặp cụ, nhưng không sao, cũng như chúng ta vẫn thường đi chùa mà có thấy Phật tổ bao giờ.

Vấn đề là, người cần học gương cụ nhất, làm theo lời cụ nhất, chính là những người đang khuyến học.

Tôi đọc báo, thấy ông Vượng, ông Thưởng, ông Phúc, bà Ngân và nhiều ông bà khác, kể cả ông Hoàng Chí Bảo, ông Hồng Vinh... hăng hái lôi kéo mọi người noi theo gương Bác, làm theo lời Bác dạy, thực hiện di chúc của Bác, nhất là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nói đi đôi với làm...

Các vị nói đều đúng cả. Tôi dám đoan chắc rằng hầu hết dân chúng đều đã và đang sống như những gì cụ dặn, nên không cần vận động, không cần khuyên họ. Chẳng hạn khuyên dân tiết kiệm, đừng tham nhũng. Họ làm quái gì có tiền và chức quyền để có thể hoang phí, tham nhũng. Chính các vị mới là những người cần làm theo gương cụ, lời cụ.

Nhiều vấn đề cần học cụ, tôi chỉ mạo muội thay mặt ông Hoàng Chí Bảo gợi ý thế này, một điều thôi: Kể từ nay giở đi, bất kỳ ông to bà nhớn nào, cả tam trụ, tứ trụ, hễ qua đời, thì không làm đám ma linh đình nữa, không chôn tốn đất nữa, mà hỏa táng tất, đem thiêu tất. Đó mới là học tập và làm theo gương cụ Hồ (trong di chúc cụ cũng dặn vậy). Nếu cố tình không thực hiện như thế thì rõ ngay là chỉ học giả, là giả dối, rồi mãi về sau chả ai dám tin các vị. Các vị có nói mỏi mồm, nói tới nửa đêm cũng chả ai tin.

Để chờ xem ai sẽ là người đầu tiên học tập và làm theo di chúc của cụ Hồ, chứ tới giờ chưa có ai học thật cả.

Nhớ nhé.

Nguyễn Thông

Chuyện chị chửi


Đây là mấy nhời ngắn của tôi về chị đại úy công an quận Đống Đa Lê Thị Hiền, người đã nổi tiếng về hành vi chửi bới vô văn hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua, bởi tôi không muốn mất thời gian vào những thứ tào lao.

Báo chí có nhiệm vụ thông tin nhiều chiều (lâu nay chỉ tuân theo chiều đảng), nên trong vụ nữ đại úy phú lít Hiền (dù xảy ra đã đã hơi cu cũ chứ chả thời sự gì), một số báo để cho đương sự được quyền phân trần, giãi bày cũng là sự bình thường, hợp lẽ.

Tuy nhiên, trước những ngoan cố, cãi chày cãi cối có tính bản chất của bà này, thì không nên chần chừ gì nữa, cần kỷ luật, đánh đòn ngay, thật nghiêm khắc, thật nặng. Người như bà ta khó có thể cải tạo. Những kiểu phạt hành chính 200 nghìn đồng, tạm ngưng công tác 30 ngày, đình chỉ bay 12 tháng... chỉ khiến bà ta nhếch mép cười, coi khinh mọi biện pháp xử lý đối với cá nhân mình.

Cần buộc thôi việc, tiến hành điều tra nghiêm túc và căn cứ vào những thứ quá rõ ràng có thể khởi tố về tội gây mất an ninh trật tự nơi công cộng, uy hiếp an toàn hàng không, vi phạm nghiêm trọng điều lệnh công an, hành hung và vu cáo người khác...

Cơ quan điều tra không khó gì trong việc làm rõ sự thật, nhất là thời buổi 4.0 này quá nhiều chứng cứ, tư liệu. Ít nhất cũng để làm rõ xem phía hãng hàng không và nhân viên an ninh sân bay có vi phạm gì như bà Hiền tố cáo không. Nếu có, cần công bố và cho biết kết quả xử lý vi phạm (của doanh nghiệp và nhân viên công lực, nếu có) như thế nào cho dư luận tỏ tường. Nếu không có, khép thêm cho bà Hiền tội giả dối, ngoan cố, lừa đảo.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

Thành ngữ mới: Tư bản giãy chết

Gọi là mới, nhưng thực ra cụm từ này xuất hiện từ thời cách mạng vô sản. Cũng có thể nó được khơi mào từ những ông tổ râu xồm K.Marx – F.Engels của phong trào vô sản nửa cuối thế kỷ 19, mà cũng có khi bắt đầu trong cuộc nổi dậy tháng 11.1917 ở Nga (theo lịch Nga thì là cách mạng tháng 10), lập nên nhà nước xô viết. Nhưng thôi, chả hơi đâu tìm căn nguyên, khởi thủy của nó làm gì.

Theo lý luận của những nhà lãnh đạo cách mạng vô sản, giai cấp công nhân vốn làm thuê cho chủ tư bản tự thấy mình bị thiệt thòi, bị bóc lột đã đứng lên đòi lập lại trật tự, đánh đổ giai cấp tư sản, để xây dựng một chế độ và phương thức sản xuất mới, ai cũng làm chủ, “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Ông Marx còn xúi “giai cấp vô sản làm cách mạng, nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới”. Rất kinh. Nói đơn giản, muốn sung sướng phải đi làm cách mạng, phải đánh nhau, hạ bệ, đổ máu. Mấy ông thầy dùi này còn thừa giấy vẽ ma, rằng “giai cấp tư sản để đạt được 300% lợi nhuận thì dù tự treo cổ, nó cũng làm”, thân nó, nó còn chả tiếc thì nó thương ai. Nói chung, phe tư bản, giai cấp tư sản rất xấu. Giàu là xấu.

Một thời gian khá dài, khoảng 7 chục năm, thế giới chia làm hai phe: tư sản và vô sản, tư bản và xã hội chủ nghĩa. Đấu nhau kịch liệt, cả võ mồm và súng đạn. Liên Xô, từ sau cách mạng tháng 10 tự xưng là thành trì của cách mạng thế giới, lôi cuốn được hơn chục nước vào vòng binh đao chống tư bản đế quốc. Cả bộ máy tuyên truyền suốt ngày ra rả nhét vào tai dân chúng rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu”, “chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của nhân loại”. Đồng thời với bức tranh rực rỡ ấy thì “bọn tư bản giãy chết”, “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, và dĩ nhiên, “giai cấp vô sản là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”. Với bộ máy tuyên truyền độc quyền một chiều có sự bảo kê của súng đạn, dân chúng nghe và tin sái cổ. Cũng có thể lúc đầu không tin, nhưng nó nói mãi thì cũng tin. Hăng hái làm nhiệm vụ vác thánh giá đi thánh chiến, đi đào mồ chôn bọn giãy chết, bọn nhà giàu. Bao giờ thế giới đại đồng/Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Văn nghệ khác văn gừng

Ông bạn tôi, giáo học về hưu, xưa nay nổi tiếng nghiêm cẩn và tử tế, quan tâm đến cả thời cuộc và văn học nước nhà, ghé tai tôi: này ông, bọn Tàu xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của tổ quốc (gớm, nói như đài) như thế, mà sao đéo thấy bọn văn nghệ sĩ lên tiếng gì cả.

Cái lão này bậy. Nhưng tôi hiểu, khi lão văng tức là dồn nén lắm rồi, có thể thông cảm được. Văn hóa cũng tùy. Có khi những từ không văn hóa được đặt đúng chỗ đúng lúc lại là văn hóa nhất.

Tôi giải thích, không hẳn thế ông ạ. Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường. Văn nghệ cũng vậy. Ông mà chờ sự lên tiếng của các vị Hữu Thỉnh, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thị Thu Huệ... thì chờ tới mục thất. Đó không phải văn nghệ mà là văn gừng văn tỏi. Cán bút, nốt nhạc trong tay các vị ấy còn mải véo von nịnh nọt sống cầm hơi, “kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất phương trời mà đi", kể làm gì.

Nhưng vẫn có người làm văn nghệ tử tế đấy, tôi bảo với ông bạn vậy, những Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Xuân Hưng, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Quang Long, Đỗ Hoàng Diệu, Tuấn Khanh, Bùi Chí Vinh, Phạm Xuân Nguyên, Từ Ngàn Phố, Võ Đắc Danh... lên tiếng dữ dội đó. Nhiều chứ chả ít đâu. Họ là văn nghệ thứ thiệt, thứ "cán bút làm đòn xoay chế độ", rất đáng để chúng ta khuyên cho một nét son, trân trọng.

Trong số “sĩ” của list vàng ấy, tôi cũng chơi thân với khá nhiều người. Tôi biết họ từ ngày xửa ngày xưa, hiểu tính tình, khí tiết, bản lĩnh, tâm hồn của họ nhất quán cho tới tận bây giờ. Nguyễn Việt Chiến chẳng hạn, cần được tuyên dương là anh hùng, nghệ sĩ nhân dân trong thời đại bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu đảng và nhà nước còn lấn cẩn vướng víu gì chưa chịu phong thì nhân dân phong, riêng tôi phong ông Chiến ngay từ hôm nay.

Thái độ với Hồng Kông

Cuộc biểu tình đòi dân chủ, đòi quyền tự do của dân chúng Hồng Kông ngày càng dâng cao, chưa có điểm dừng. Những ngày qua, có thể thấy khá rõ thái độ của từng bên, từng phía.

Trước hết là người Hồng Kông, những con người từng thấm đẫm và thừa hưởng nền dân chủ thực sự, nay sau hơn 20 năm trong ách kìm kẹp của Trung cộng, họ quá hiểu họ đã được gì và bị mất gì. Chính vì vậy, đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại vì ngày mai. Bây giờ hoặc không bao giờ nữa.

Với chính quyền côn đồ Trung cộng (như cách gọi của Ngoại trưởng Mỹ), chúng cũng thừa khôn ngoan mưu mẹo để xử lý vụ việc. Đe dọa, chia rẽ, gây mâu thuẫn, kiên nhẫn... đủ cả. Chúng kéo lính tráng, xe cộ, súng đạn tập trung sát Hồng Kông chủ yếu để dọa dẫm đe nẹt những người yếu bóng vía thôi, chứ không dại gì gây ra một Thiên An Môn thứ hai để bị cả thế giới cô lập. Chúng cố tình kéo dài để cho người Hồng Kông tự phân hóa, xử nhau. Và căn bản là chúng biết nếu họ biểu tình mãi mà không đạt kết quả gì, lại gián tiếp tạo sự suy sụp kinh tế, thì sẽ chán, sẽ nhạt dần và tan rã, đồng thời gây tai tiếng chính sự biểu tình đã làm Hồng Kông suy sụp. Bất chiến tự nhiên thành. Cộng sản là trùm về mưu mẹo gắp lửa bỏ tay người, đẩy lỗi về phía đối phương. Tàu cộng là bậc thầy về điều này.

Ở Việt Nam, thái độ đối với Hồng Kông cũng phân hóa rất rõ. Nhà cầm quyền im tiếng, trên danh nghĩa là không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, nhưng thực chất đồng tình với Trung cộng, chỉ mong cho cuộc biểu tình thất bại. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi ngoài lý do đàn em phục tùng, còn là tâm thế của chính quyền với chính quyền, luôn bảo vệ nhau, bởi trông người lại ngẫm đến ta, bởi thấy người nằm đó biết sau thế nào, bởi chính quyền độc tài luôn đối địch với dân. Về phe bạn chứ không thể về phe "thế lực thù địch".

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Tư bản giãy chết

Tôi có cái tật không khảo mà xưng. Đố giấu được chuyện gì.

Sáng nay có việc đi Củ Chi. Cũng chả rảnh rỗi như người ta thăm thú địa đạo hoặc ăn bò tơ, mà đi làm lại cái bia mộ cho ông anh vợ.

Đi xe thì phải trả tiền. Nhưng lãi lời ở chỗ 2 cuộc trò chuyện với hai ông tài xế Grab (một ông đi, một ông về, từ nhà lên Phú Nhuận). Ôi giời, hai "bố" sao lại giống nhau tâm trạng thế, đều bức xúc, tưởng mình là người nhà nước, là cán bộ thành ủy, là tuyên giáo, là công an... (chả nhẽ trông mặt mình ác), cứ thế mắng sa sả, rằng, này tôi nói cho ông, ông về báo cáo lại với cấp trên của ông, cứ kéo dài mãi tình trạng này thì chúng tôi đi làm cách mạng, sau này đừng có trách là không báo trước.

Một ông dù đếch biết mình hoàn cảnh thế nào, cứ khăng khăng, đám thắng cuộc các ông đểu bỏ mẹ, đòi nâng chi phí khám bệnh để dân chúng hạn chế ra nước ngoài chữa bệnh (khi chả nói tới đây, tôi ngắt nhời, cũng nắm thông tin sốt dẻo nhỉ, đọc báo nhiều ghê nhỉ, chả vênh mặt, còn phải nói), nhưng bản thân và con cái động một hắt hơi sổ mũi tí là đưa sang Nhật sang Mỹ chữa chạy, con mới nứt mắt đã làm sẵn hộ chiếu chuẩn bị cho đi du học ở tư bản giãy chết, suốt ngày chê nó chửi nó mà cứ khư khư bám nó.

Tôi cười bảo, tôi làm đéo gì có tiền đi giãy chết chữa bệnh, hoặc cho con đi học nước ngoài. Bác tài Grab nói, dân đen chúng tôi đếch tin các ông được, các ông lừa chúng tôi, phỉnh chúng tôi mãi rồi, giờ chúng tôi tỉnh ra rồi, đếch ngu nữa đâu.

Nó giãy chết, giãy mãi không chết, mà ngày càng khỏe để các bố mò sang chữa bệnh, mua đồ hiệu, dắt bồ đi chơi, cho con cái du học. Còn xứ này, các bố cứ xưng xưng hiên ngang ngẩng đứng cao đầu thì lại chết đứng. Lão tài chốt lại câu ấy để giác ngộ tôi vì cứ nghĩ tôi là cán bộ, trước khi "cán bộ" xuống xe. 

Tôi trả thêm tiền ngoài số tiền Grab báo, biếu bác tài, gọi là phí cảm ơn cuộc trò chuyện. 

Tôi khuyên các ông bà chóp bu, muốn biết dân nghĩ về mình thế nào, làm vài chuyến xe Grab, nghe họ nói, để về mà điều chỉnh. Ngồi phòng lạnh mãi, đéo nghĩ ra được cái gì ra hồn đâu.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Hồng Kông

Sau hơn 20 năm bị người Anh trao trả lại Trung Quốc theo đúng hiệp định đã ký 99 năm trước, mảnh đất Hồng Kông tuy tồn tại dưới dạng “một nước, hai chế độ” nhưng về thực chất đã bị chính quyền trung ương Trung Quốc coi như một tỉnh, tước dần quyền tự do và những giá trị cao đẹp mà nó từng có.

Hồng Kông là thứ tài sản có sẵn, do người Anh và người Hồng Kông tạo dựng, giới cầm quyền cộng sản Trung Quốc chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng, thừa hưởng. Trong chừng mực nào đó, sau năm 1997, nó đã duy trì được sự vững mạnh của kinh tế Hồng Kông, nhưng về mặt chính trị, xã hội, nhất là quyền tự do, dân chủ, thì ngày càng thụt lùi, xuống dốc thê thảm. Nhà cầm quyền Trung Quốc quyết biến Hồng Kông thành địa phương ngoan ngoãn, dễ bảo, người Hồng Kông thành cừu như người các tỉnh thành khác lâu nay trong bàn tay sắt của nó.

Tức nước thì vỡ bờ. Người Hồng Kông đã đứng dậy, nhiều lần đứng dậy. Lần này có vẻ “đấu tranh này là trận cuối cùng”. Thế giới tiến bộ, những người tử tế trên địa cầu đang đứng về phía họ, đồng tình với họ, ủng hộ họ. Không phải bằng quan ngại, bằng lý thuyết suông, kiểu “không can thiệp vào chủ quyền của các nước khác” mà bằng hành động, lời nói ủng hộ cụ thể, rõ ràng.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Bia đỡ đạn

Những ai làm báo quốc doanh ở xứ này, mà không phải chỉ nghề báo, hầu như cơ quan nào cũng thế, đều thừa hiểu, trong cơ quan, quyền to nhất là sếp tổng, sau đó tới các phó sếp, chứ đám sĩ quan lau nhau chả là cái đinh gì.

Nếu thành công, thắng lợi, được khen được thưởng, các sếp chia nhau đủ mâm bát đã, sau đó mới nhớ tới cấp dưới. Nếu thất bại, tai tiếng, đối diện pháp luật, thì thằng dưới đứng ra chịu trước, các sếp còn bận... lặn. Có khi lặn một hơi mất tăm mất tích. Cơ quan pháp luật cũng lờ đi, sợ rút dây động rừng. Thằng trong đống rơm có thể sẽ khai ta thằng trốn tít giữa đống rơm, xấu mặt cán bộ nhà nước.
Kiểu xử lý như trên, dân gian đúc kết là "Xẻng cuốc từ dưới lên. Đường sữa từ trên xuống", cứ theo nguyên tắc đó mà phân phối.

Kể từ khi chấm dứt "ách cai trị" của người Pháp, nhà cầm quyền mới đã áp dụng triệt để nguyên tắc này. Cấm cãi. Đó là đặc trưng, đặc sản của bộ máy cai trị cộng sản. Cứ túm thằng trọc đầu, không túm thằng có tóc. Phù thịnh chứ không phù suy. Bênh thằng to có chức quyền, có "hậu phương", có tiền, và dứt khoát không nương tay với đứa thất thế.

Hết thuốc chữa

Thiên hạ đang chú mục vào mấy bức ảnh giải bóng chuyền quốc tế VTV. Không phải coi bóng, mà coi người. Người cũng không phải là các nữ tuyển thủ bóng chuyền xinh đẹp chân dài mà là người coi. Nói màu mè là khán giả. Khán giả quan chức.

Ông bạn tôi chửi, không kìm được mồm giữa nơi đông người, đèo mẹ, chúng nó đổ đốn, nhâng nháo, vô liêm sỉ tới mức ấy thì quả thật hết thuốc chữa. 

Trước kia, trong các cuộc bù khú trò chuyện, hễ nghe điều gì không nên không phải, người ta hay đùa, chắc phải thay lại dân thôi, chứ dân tệ quá, làm khổ cả nhà nước, đảng và chính phủ. Nay, coi tấm ảnh này và nhiều tấm ảnh khác, cần suy nghĩ lại: Không cần thay dân nữa, mà thay đám lãnh đạo. Nát quá rồi.

Đúng, cứ nhìn kỹ mà xem. Đi coi bóng chuyền, đi xem thể thao mà đặc khu màn buông rèm phủ, bàn ghế phủ vải trắng tinh, hoa hoét, đăng ten sặc sỡ, biển tên mica chễm trệ vênh váo, giống như bàn xử án của các quan “đội” thời cải cách ruộng đất thời cách nay hơn nửa thế kỷ. Những kẻ ngồi vào nơi ấy đã mất hết liêm sỉ, không còn là con người, chứ nói chi làm lãnh đạo. Mà ngay cái thằng trưởng ban tổ chức giải bóng chuyền, thằng chủ VTV, khi nó bày ra sân khấu khán đài kệch cỡm nhố nhăng này, nó đã ủ mưu thừa thãi ý đồ, chỉ có điều nó thiếu thứ quan trọng nhất của con người, là nhân cách.

Lẩn thẩn nghĩ, cũng đừng trách hết, đổ hết xấu xa cho đám “khán giả quan chức” kia, bởi phần nào chúng học từ quan thầy của chúng, từ cấp trên, từ chop bu. Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn. 

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Cái bể nước (dành cho K17)

Một trong những kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng không thể nào quên đối với đám quần chúng công nông trí thức nửa mùa K17 (Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) ở ký túc xá Mễ Trì là... cái bể nước.

Sau khi lếch thếch lôi thôi kéo nhau từ nơi sơ tán 2 huyện Yên Phong và Hiệp Hòa ven sông Cầu về thủ đô, thời gian đầu năm 1973 khoa Văn, trong đó có K17 đang năm thứ nhất, về tạm trú tại nhà D1 bên trường ngoại ngữ. Khu nhà của trường Tổng hợp lúc đó vẫn còn đang bị Ban tiếp nhận viện trợ Trung ương sử dụng, họ chưa trả lại. Tới tháng 5 hoặc 6 chi đó, thầy trò khoa Văn kéo nhau sang dọn dẹp lại phòng ốc để chuẩn bị hồi khoa. Tôi còn nhớ nó tan hoang như bãi chiến trường, đầy những vỏ hòm gỗ thông, đai sắt ngổn ngang cả trong nhà lẫn ngoài sân ngoài vườn. Tuy vậy, người ta vẫn chưa chuyển hết hàng. Anh Nguyễn Đăng Thành chỉ cho tôi coi còn mấy phòng tầng 1 nhà C2 vẫn ăm ắp hàng, không người trông coi. Hai anh em mò vào, lòng tham cố hữu nổi lên. Nhưng cũng sờ sợ, nhỡ ai bắt được thì bỏ mẹ. Cuối cùng anh Thành lấy chiếc chậu thau men Trung Quốc giấu vào bụng trùm áo lên, trông như bà có chửa, còn tôi nhát chỉ dám thó mỗn cuốn sổ dày giấy trắng tinh bìa giả da, đút vào cạp quần. Thế mà thoát. Khi ấy thầy Chu Xuân Diên và các bạn đang lúi húi dọn dẹp gần bể nước.

Cái chậu của anh Thành dùng mãi tới khi ra trường mới bỏ, sau bao quăng quật. Phải công nhận đồ Trung Quốc nói chung, cụ thể là sắt tráng men, bền khủng khiếp. Còn cuốn sổ, tôi ghi chép đủ thứ, cả thơ tình Puskin, Lermontov, Heine, cả kịch Sechxpia, Molie..., khi vào Nam nhận công tác thì bỏ lại nhà, tất nhiên bi giờ chả biết nó ở chỗ nào hay bị đun từ lẩu lầu lâu rồi.

Cái bể nước dùng chung cho nửa khối nhà C1 và C2, nửa phía bên kia của khoa Sử cũng có một bể như thế. Cả thầy cô (nhà C1) và trò sinh viên (nhà C2) đều trông cậy vào bể này, tất tần tật giặt giũ, tắm táp, đánh răng, rửa mặt, ăn uống. Mà nào nó có to tát gì, chỉ dài hơn 2m, ngang cỡ mét rưỡi, cao cũng chừng ấy. Vòi nước thì thường xuyên chảy ri rỉ như trẻ con đái sắp xong. Chính vì vậy, lúc nào xung quanh bể nước cũng đông như hội, 24/24, tình cảnh ôm chậu quần áo, xách cái xô, cầm chiếc ca... xuống xếp hàng chờ tới lượt yêu nước trông thật là thê thảm.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Biên thêm về "hậu lớp vỡ lòng"

Như đã nói, đám trẻ oắt làng tôi học xong lớp vỡ lòng (của cụ giáo Bạt, theo cách nói bây giờ là thầy chủ nhiệm) và lớp tập chép (cụ Mông hoặc cụ Thẫn) là đã đọc thông viết thạo. Nên khi vào lớp 1, đứa nào cũng rất tự tin, không cần phải ê a "ênh, lênh, khênh. Cái gì cao lớn lênh khênh/đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra" nữa.

Cả xã Thụy Hương (gồm 3 thôn) quê tôi những năm 1960 chỉ có mỗn trường cấp 1, còn nếu đã hết lớp 4 (tốt nghiệp cấp 1, ngày xưa thời Pháp gọi là có bằng sơ học yếu lược), muốn học cấp 2 phải sang xã Thanh Sơn láng giềng học chung với học sinh bên ấy. Thế hệ ông anh giai tôi phải học cấp 2 ở bên Thanh Sơn, tới tôi thì bắt đầu được học ở ngay xã nhà Thụy Hương. Cũng may là trường cấp 2 Thanh Sơn hơi bị gần, chỉ đi qua đầu núi Chè là tới. Thầy Giám (tôi không nhớ họ) làm hiệu trưởng Thanh Sơn suốt mấy chục năm. Thầy là hình ảnh của một vị trí thức được hấp thụ nền giáo dục ưu việt từ thời Pháp, vầng trán cao, mắt sáng, tài giỏi, nghiêm cẩn mà nhân hậu. Tôi không được học thầy nhưng thỉnh thoảng nhìn thấy thầy, còn anh tôi học giỏi toán là trò cưng của thầy, hay kể cho tôi và đứa em gái nghe về thầy; em tôi sau này theo nghề dạy học còn là lính của thầy. Thậm chí gia đình nhà nó ở hẳn trên khu nhà tập thể giáo viên trường Thanh Sơn, dãy nhà tựa lưng vào núi, có hộ khẩu tạm trú ở đó nhiều năm. Tôi ghé chơi, đùa gọi vợ chồng con cái nhà nó là đồng bào miền núi, người dân tộc thiểu số, làm sao mà văn minh bằng dân đồng bằng dưới này, cách vài trăm mét.

Quay lại chuyện trường cấp 1 Thụy Hương. Cơ sở chính của trường đặt tại đình làng, nơi thờ tự 3 vị: thành hoàng làng, bà Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà, chồng bà là đức vua Mạc Đăng Dung. Hai vị sau chính là cội nguồn của câu ngạn ngữ "Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa". Sau khi Pháp rút khỏi miền Bắc, đình bị thay đổi, chính quyền cấm tiệt không cho thờ cúng nữa để thực hiện chiến dịch đả thực bài phong. Nói thêm, năm 1955 quân Pháp vẫn ở Hải Phòng trong thời hạn 300 ngày chờ về nước, một đơn vị đóng ngay đình làng. Khi chúng rút đi, bàn giao lại đình, vẫn còn y nguyên, không phá phách, suy suyển gì, còn tặng lại cho làng cái giếng khoan, bơm nước lên bằng tay, cả xóm dùng không hết. Tôi chả chứng kiến những chuyện đó từ đầu bởi khi ấy tôi còn bé quá, bu mới đẻ tôi chưa đầy tháng. Về sau nghe nói đình bị chính quyền bỏ hoang một thời gian, rồi sử dụng làm trường cấp 1.

Bia đỡ đạn

Những ai làm báo quốc doanh ở xứ này, mà không phải chỉ nghề báo, hầu như cơ quan nào cũng thế, đều thừa hiểu, trong cơ quan, quyền to nhất là sếp tổng, thủ trưởng, sau đó tới các phó sếp, chứ đám sĩ quan lau nhau chả là cái đinh gì.

Nếu thành công, thắng lợi, được khen được thưởng, các sếp chia nhau đủ mâm bát đã, sau đó mới nhớ tới cấp dưới. Nếu thất bại, tai tiếng, đối diện pháp luật, thì thằng dưới đứng ra chịu trước, các sếp còn bận... lặn. Có khi lặn một hơi mất tăm mất tích. Cơ quan pháp luật cũng lờ đi, sợ rút dây động rừng. Thằng trong đống rơm có thể sẽ khai ta thằng trốn tít giữa đống rơm, xấu mặt cán bộ nhà nước.
Kiểu xử lý như trên, dân gian đúc kết là "Xẻng cuốc từ dưới lên. Đường sữa từ trên xuống", cứ theo nguyên tắc đó mà phân phối.

Kể từ khi chấm dứt "ách cai trị" của người Pháp, nhà cầm quyền mới đã áp dụng triệt để nguyên tắc này. Cấm cãi. Đó là đặc trưng, đặc sản của bộ máy cai trị cộng sản. Cứ túm thằng trọc đầu, không túm thằng có tóc. Phù thịnh chứ không phù suy. Bênh thằng to có chức quyền, có "hậu phương", có tiền, và dứt khoát không nương tay với đứa thất thế.

Điều đó thấy rất rõ qua việc khởi tố, định tội Trương Duy Nhất. Cơ quan điều tra và kiểm sát kết cho Nhất tội lừa dối cấp trên, lợi dụng chức quyền, tự ý bán trụ sở cơ quan ở Đà Nẵng cho Vũ nhôm. Nhất lần này sẽ lại phải đi tù, mút mùa; còn các sếp vẫn bình chân như vại, vẫn trong sạch vững mạnh.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Đối diện với "Đối diện"

Nghe những ông tướng tá, giáo sư tiến sĩ này nọ ra cái điều thông tỏ ta đây hiểu biết, lý luận rằng mạng xã hội đã bị thế lực thù địch lợi dụng, thông tin tầm bậy, đồn nhảm, fake news, v.v.., thấy mắc cười. Một ông tướng còn lấy ví dụ thời gian qua có không ít tin nhảm về sức khỏe lãnh đạo đảng nhà nước, gây hoang mang trong dân chúng, thực ra thì lãnh đạo vẫn... sống. Ông còn nói sự xuất hiện của lãnh đạo là cái tát vào mồm bọn xằng bậy.

Riêng về điều này, cần có một vài ní nuận để phản hồi lại các vị ấy.

Trước hết, các ông nêu ví dụ, mà ngay cái tên của người ốm các ông cũng còn phải né, không dám chỉ ra, còn sợ sệt ngó trước ngó sau, sợ nếu nói thẳng ra đó là "tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng" thì tai họa giáng xuống đầu mình, hoặc không phải đầu cũng phải tai, thì với thứ tư cách và bản lĩnh ấy của các ông, nói thật, mở mồm mà không biết ngượng. Chê người ta đồn nhảm, còn chính mình thì nhảm nhí.

Tiếp nữa, việc ông chủ tịch nước bị ốm là sự thực. Vì ông ấy là chủ tịch nước chứ không phải tổng thống tự phong (dù dân không bầu) nên dân có quyền quan tâm, nhất là sức khỏe. Nhưng chính quan thầy các ông (chứ các ông thì làm được cái quái gì) lại giấu diếm, bưng bít, dân gian gọi là giấu như mèo giấu cứt, trách gì thiên hạ chả xôn xao, đồn đoán. Họ không đưa lên mạng xã hội thì đưa lên đâu, tôi hỏi các ông? Tivi, đài phát thanh, báo chí quốc doanh chắc. Các ông nắm chừng ấy thứ trong tay, bịt hết cả, không đưa lên mạng thì đưa chỗ nào. Trong số thông tin họ phát ra, dĩ nhiên có tin đúng tin sai, tin thực tin ngờ, tin đồn tin đoán, chứ không phải tin nào cũng sai cũng xấu cũng thù địch. Chắc các ông còn nhớ, từ khi cụ chủ tịch cảm nắng tới khi bà Ngân nói úp mở về sức khỏe của cụ đúng một tháng nhé. Thử hỏi trong một tháng ấy có ông nào trong số các ông công khai nói với dân về điều mà dân quan tâm không, trả lời đi.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Học ngoại ngữ (kỳ 2)

Trong bài kỳ trước, tôi có nhắc tới việc Quốc hội kỳ họp thứ 7 hồi tháng 6.2019 vừa rồi không đồng tình với ý kiến của một vị đại biểu đề nghị coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Cũng có đôi ba người trên FB nhắc nhở tôi rằng đừng lẫn lộn, đừng coi sự phủ định ấy đồng nghĩa với sự coi thường việc học ngoại ngữ bởi đó là hai điều hoàn toàn khác nhau. Nào tôi có nhầm, có coi thường gì đâu, mà xứ ta bao lâu nay, người người học ngoại ngữ, nhà nhà học ngoại ngữ, có ai coi thường học ngoại ngữ đâu. Nhà nước thậm chí cũng không hẳn coi thường, bằng chứng là trong chương trình giáo dục từ cấp tiểu học tới cấp 3, tới đại học, luôn có môn ngoại ngữ, và còn có hẳn những trường chuyên về ngoại ngữ cơ mà.

Tiếng Anh là một ngoại ngữ. Dù nó có thành ngôn ngữ thứ 2 hay không thì vẫn là ngoại ngữ, bởi xứ ta đã có thứ ngôn ngữ không phải ngoại ngữ, chính là tiếng Việt, bản ngữ. Muốn nó (tiếng Anh) là ngôn ngữ thứ 2 trong đời sống, xã hội, giao tiếp thì việc đầu tiên không phải chuyện nhà nước có chính thức coi nó là thứ 2 hay không, mà là dạy nó, như một ngoài ngữ phổ cập, đại chúng. Thực ra thời Pháp, người Việt chưa hề coi tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ 2 bởi nó chưa có mặt trong tất cả mọi hoạt động của mọi người Việt. Nó chỉ được dùng phổ biến thôi, dạy phổ cập thôi. Phải như tiếng Anh ở Hồng Công, Maylaysia, Ấn Độ hoặc Phippines thì mới là ngôn ngữ thứ 2.

Muốn ngoại ngữ nào đó trở thành ngôn ngữ thứ 2, trước đó cứ phải dạy nó cho tốt đã, phổ cập đã. Để một ngoại ngữ thành ngôn ngữ thứ 2 có khi phải mất vài chục năm hoặc vài thế hệ chứ đâu chỉ quốc hội thông qua bằng nghị quyết thì có ngay được. Nếu dễ thế thì quốc hội đã có ích.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Tự do báo chí

8:20 pm, July.30.2019 (hì hì, dùng tiếng Anh cho theo kịp thời đại). Coi trên tivi, mấy cha chuyên chống diễn biến hòa bình, trong đó có một cha đầu hói chuyên gào trên truyền hình Nhân Dân, tên là Đức Dũng hay Đức... gì đó (tự dưng quên mẹ nó tên cha này), một cha nữa phó giám đốc học viện báo chí tuyên truyền, đầu cũng hói (mình đéo thèm biết tên) diễn thuyết về tự do báo chí, muốn mắc ói, phải vội tắt tivi ngay rồi lấy lọ dầu gió xanh xức lấy xức để.

Túm lại bọn hắn bảo không thể tự do báo chí, nhất là tự do báo chí không giới hạn kiểu phương tây, bởi sẽ rất lộn xộn, nguy hại. Rồi chúng lấy dẫn chứng, nào là có bài báo khích bác đạo Hồi nên dẫn đến mấy cuộc bạo loạn ở nhiều nước, nào là tòa soạn một tờ báo ở Pháp bị khủng bố do phản ánh không khách quan... Kết luận là rất nên siết chặt tự do báo chí, tự do ngôn luận, như ở VN.

Tôi chỉ muốn hỏi mấy gã đầu hói kia, thế cái được so với cái mất của tự do báo chí phương tây là bao nhiêu, sao không nêu cái được ra làm dẫn chứng. Thế cái mất so với cái được của "tự do báo chí An Nam" là gì, nói ra luôn đi, cứ tảng lờ là sao?

Nói chung, các chú là thứ quân ăn hại đái khai, đóng thuế nuôi các chú rất phí tiền, lại rước thêm cả bực mình.

Tái phím: Đừng ai trách tôi coi tivi nhà nước bởi lúc đó để nó nói cho vui nhà lúc ăn cơm.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Ngại mất lòng quân xâm lược

Cuộc sống có những điều nhạy cảm nên người ta tránh né ngại nhắc tới. Nhưng ai cũng tránh thì sự thực sẽ bị che giấu, méo mó, xuyên tạc. Tôi chỉ làm cái việc nói ra điều cần nói.

Tuy nhiên, tôi cũng có ý thức tránh nói vào ngày 27.7 bởi không muốn làm đau vong linh những người đã ngã xuống, nhưng người đã hy sinh vì đất nước, những liệt sĩ chống ngoại xâm. Nay nói ra chỉ để lọt vào tai người đang sống, người chịu ơn các liệt sĩ.

Nếu chịu khó để ý, ta sẽ thấy hầu hết mọi bài báo viết về nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) đều không có lấy một dòng cho biết các liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trước kẻ thù xâm lược nào (có lẽ chỉ duy nhất tờ Thanh Niên là chỉ đích danh). Báo chí tường thuật ông nọ bà kia tới nghĩa trang Vị Xuyên thắp hương tưởng niệm liệt sĩ (ví dụ những lần ông cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới) đều không dám chỉ ra bọn xâm lược Trung Quốc, kẻ đã gây ra cái chết cho những liệt sĩ của chúng ta. Những bài báo như thế gần như không gợi được chút xúc động nào, đọc trơn tuồi tuội, vô cảm.

Khôn khéo ở đâu không thấy, chỉ thấy nhục.

Các vị tuyên giáo ạ, các vị có thể yêu cầu báo chí truyền thông né tránh không nhắc tới Trung Quốc ở điều này điều khác nhưng với vấn đề tâm linh thiêng liêng liên quan tới liệt sĩ chống quân xâm lược Trung Quốc thì đừng "e ấp, rụt rè" như vậy. Không chỉ vì vong linh người đã khuất mà còn phải vì người đang sống, vì các thế hệ sau nữa. Lịch sử khiếm khuyết, nửa vời sẽ rất tai hại cho lớp trẻ. Chả trách tại sao chúng càng ngày càng chán môn lịch sử và báo chí quốc doanh.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Việc lớn việc nhỏ

Vụ "bãi Tư Chính" đang nóng bỏng, nhưng khí thế và tâm trạng trong dân đã khác rất nhiều so với những lần xâm phạm khác của Trung cộng. Chả hạn thời vụ tàu Hải Dương năm 2012 vào lãnh hải, vụ tàu nó đâm tàu kiểm ngư ta năm 2016. Chả thèm xuống đường, chả thèm biểu tình biểu tiếc gì. Dường như chán, thờ ơ, kệ đảng... Đó là mối nguy không thể xem thường.

Để chống lại bọn xâm lược, cụ thể là đám Tàu cộng, nhà cầm quyền tất nhiên phải làm rất nhiều việc. Gánh giang sơn nặng trĩu hai vai. Dân xưa nay rất thông cảm và ủng hộ nếu họ thực lòng chống giặc ngoại xâm.

Việc đầu tiên phải đoàn kết sức dân. Đừng coi dân như kẻ thù, thế lực thù địch, đối tượng trừng trị. Đừng cảnh giác với dân mà hãy cảnh giác với ngoại bang. Nước xa không cứu được lửa gần, chớ trông chờ vào sức bên ngoài mà hãy nâng sức dân, nuôi sức dân, bền sức dân mới là thượng sách.

Hãy trả lại tất cả đất đai đã cướp của dân. Thứ nào không trả được nữa thì đền bù ngay cho thỏa đáng, đừng chần chừ. Thậm chí nhà nước có thiệt một tí về tiền bạc thì cái lợi yên dân an dân được lòng dân vẫn vô cùng lớn. Mấy chục năm nay, cái gọi là công cuộc phát triển kinh tế, chạy theo phần trăm tăng trưởng đã gây ra biết bao đau thương trút lên đầu dân chúng. Hàng vạn, hàng triệu tấn bi kịch liên quan tới đất đai. Càng để kéo dài tình trạng này, dẫu có lập ra ở mỗi xã một trụ sở tiếp công dân, giải quyết khiếu kiện cũng không đủ dập tắt oán hờn.

Đó là việc lớn, vẫn biết khó, không thể làm xong một sớm một chiều. Sửa đổi cái luật đất đai hiện hành cũng còn phải chờ họp quốc hội. Nhưng có những việc nhỏ trong tầm tay có thể làm ngay nhằm vớt vát lại lòng tin yêu của dân. Tôi lấy thí dụ, mấy cái hàng rào dây thép gai để đầy các góc phố Sài Gòn kia, tất nhiên không phải để chống Tàu cộng, chống Mỹ... mà chỉ chống dân. Chúng như những chiếc dùi nhọn chọc vào mắt dân hằng ngày, chứ không phải chỉ "đâm nát trời chiều". Dẹp ngay đi, được sẽ nhiều hơn là mất, thậm chí chả mất gì, chỉ có được.

Nguyễn Thông

Chửi thề

Tôi là đứa ôn hòa, cũng ít nhiều được dạy dỗ sống phải có văn hóa, đừng nói tục chửi bậy. Nhưng bất bình mãi thì không chịu được, cũng hư người. Nói theo cách của đảng gọi là bị suy thoái, tự diễn biến, xa rời phẩm chất, hư hỏng, v.v..

Gần tháng nay, chả biết thằng ba vạ khốn nạn nào nó tìm mọi cách đóng chặn blog này của tôi, kiểm soát chặn đường truyền internet mà tôi đăng ký, hay cái con mẹ gì gì nữa không biết, khiến tôi không tài nào "vào nhà" mình được. Người khác có thể vào được nhưng tôi là chủ blog thì đành chịu. Thế mới khốn nạn. Ông bạn Đào Lê Bình của tôi tháng trước cho mấy cái gạch đầu dòng quá hay, muốn biên ra ít chữ, mà đành chịu.

Bữa nay nhờ người mách, kiếm được cái công cụ vượt tường lửa, tranh thủ vào được, bèn gõ mấy chữ ni:

Địt mẹ thằng cô hồn nào chặn blog của ông.

Ngày 3 tháng 7 âm lịch Kỷ Hợi, nhằm đúng tháng cô hồn (trùng ngày 3.8.2019 tây lịch)
Ký tên: Thông cào

Chuyện lớp vỡ lòng: Nhớ những bài học hồi bé tí

Lứa tôi (bu tôi đẻ tôi năm 1955), khi mới bắt đầu đi học, không vào hẳn lớp 1 như bây giờ, mà bắt buộc phải học lớp vỡ lòng (nửa năm) và lớp tập chép (nửa năm). Học xong 2 khóa chuyên tu ấy thì mới được vào lớp 1. Cho nên nói ở miền Bắc học hệ 10 năm tức là phải hiểu đối với hệ phổ thông thôi, chứ thực ra là 11 năm.

Lớp vỡ lòng, ngay cái tên của nó đã rất ý nghĩa, vỡ cái lòng ra, vỡ vạc khai phá trồng trọt thế giới bên trong của mỗi người. Ông Huy anh họ tôi cứ đùa bảo đó là lớp vỡ thình. Thình là cái bọng của con chim non, khi nó teo cái thình đó thì sẽ bay nhảy được.

Ở làng Trà Phương quê tôi hồi ấy, cụ giáo Bạt chuyên dạy vỡ lòng, dạy được nửa năm thì chuyển giao đám trẻ con đã được khai mở chữ cái, đánh vần, biết đọc biết viết cho lớp tập chép của cụ Mông và cụ Thẫn. Đi qua lớp vỡ lòng hoặc lớp tập chép, thấy trẻ con ê a học bài, vui lắm. Cụ Bạt khi ấy cũng đã ngoài 50 để râu dài, còn cụ Mông và cụ Thẫn ngang ngang tuổi cụ Bạt nhưng không nuôi râu. Các "thầy" đều nhân hậu, chả vụt học trò bao giờ dù cụ nào cũng sắm cái roi để dọa những đứa rất bướng hoặc... ngu. Ông Bút con cụ Điếu ngoài xóm Chợ bằng tuổi tôi nhưng học những 2 năm vẫn đúp lớp tập chép, sau ráng học hết lớp 4 thì bỏ, ở nhà đánh dậm rồi đi... bộ đội. Nghe ông Vảng con cụ Vạng nhà gần đó kể sau này ông Bút quên tiệt, không biết chữ, chỉ ký được mỗn chữ "Bút". Dữ đòn thì có thầy Phác dạy cấp 1, thầy có cái thước tay bằng gỗ lim, quật học trò như ngóe, đứa nào cũng sợ, nhưng nhờ thế mà nên người, đám trò chẳng những không giận mà vẫn biết ơn thầy.