Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Đền chùa chứ đâu phải trung tâm thương mại

Việc đặt hòm công đức tràn lan ở nhiều đền chùa hiện nay chẳng khác gì một kiểu tận thu, buộc người viếng đền chùa phải móc túi mà không dám kêu than. Chốn thiêng liêng vô hình trung bị biến thành trung tâm thương mại

Cứ xong Tết Nguyên đán, thiên hạ lại nô nức vào mùa lễ hội. Ấy là đang nói ở xứ ta. Một nước hằng năm có tới hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ thì dùng chữ “nô nức” vẫn còn hơi nhẹ. Nhưng lễ hội, sự cúng bái, bản thân nó không phải là cái tội. Nếu xấu, nó đã không tồn tại.

Gắn liền với lễ hội, cầu cúng là “cơ sở vật chất” - đền chùa. Những hoạt động tín ngưỡng thu hút con người phần lớn được tổ chức ở đền chùa, tức ở nơi thờ thánh, thần, phật. Từ ngàn xưa, người ta đã đi chùa, đi đền để cầu xin ơn trên phù hộ, xin những điều may mắn, tốt đẹp, cả vật chất lẫn tình cảm, tinh thần. Viếng đền chùa, cầu cúng là điều không thể thiếu trong đời sống của số đông con dân nước Việt này.

Theo thời gian, đền chùa được xây mới ngày càng nhiều, càng to, hoành tráng. Có nhiều chùa tuy mới lập hoặc tôn tạo từ nền móng cũ nhưng đã chen vào hàng kỷ lục, thu hút đông đảo khách thập phương. Nhiều chùa cũ cũng được tô điểm trung tu lại, thêm tượng thêm bát hương, mở hẳn những dịch vụ mà xưa nay chỉ lặng lẽ ngấm ngầm. Không nói ra thì ai cũng rõ, gần như có cuộc đua công khai giữa các cơ sở thờ tự để giành thật nhiều con nhang đệ tử về mình. Nhiều “khách” tức là sẽ nhiều tiền. Chả trách dư luận xã hội không ít eo xèo về chuyện “buôn thần bán thánh”, chốn linh thiêng thành trung tâm thương mại. Trong khói hương sực nức mùi tiền.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Lư hương

Tôi có đôi nhời thế này sau khi bà bí thư quận 1 trả lời dư luận rằng việc cẩu chiếc lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần tại ven sông Sài Gòn đem đi chỗ khác là chuyện bình thường (báo Tuổi Trẻ ngày 18.2.2019).

Trên bàn thờ gia tiên, thứ không thể thiếu là bát hương (hay còn gọi là bình hương). Người miền Nam gọi là bát nhang, nhưng sự kính trọng với đồ thờ cúng này thì dù Bắc dù Nam đâu cũng như nhau.

Cũng cần nói rõ một chút, người xứ ta thường có nhầm lẫn bát hương với lư hương. Lư hương cũng là đồ tế khí-linh khí, dùng để thờ cúng, còn có tên là bộ tam sự, gồm 3 món: chiếc lư và cặp chân đèn (2 chiếc). Tam sự thường được đúc bằng đồng, lư để đốt trầm hương, đặt chính giữa; chân đèn để thắp nến, đặt hai bên. Thường bàn thờ (ban thờ) luôn có cả tam sự lẫn bát hương.

Đồ để thắp hương, cắm hương (nhang) trên bàn thờ hằng ngày, hoặc khi kỵ nhật (ngày cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ), hoặc ngày lễ tết thường là bát hương. Chỉ ở những nơi đình chùa miếu mạo, chỗ đặt tượng đài, nơi thờ cúng công cộng thì đồ để cắm nhang gọi là lư hương. Có những lư hương rất to, nặng, phải mấy người, thậm chí chục người khiêng mới nổi.

Dù ở trong nhà, trong nhà thờ, trong đình chùa, hay nơi tượng đài, thì lư hương, bát hương luôn được coi trọng bậc nhất. Sự kính cẩn đối với trời đất, thánh thần, tổ tiên, tiền nhân, anh hùng… được thể hiện ở thái độ với đồ tế khí, cụ thể là với bình hương, lư hương. Ngoài vấn đề tâm linh, tôn giáo, đây còn là đạo đức, ý thức, nhân cách của con cháu đối với thánh thần, tổ tiên.

Chiều ngày này, 40 năm trước

Ngày này tức là ngày 17 tháng 2. Còn 40 năm trước, tức vào buổi chiều 17.2.1979. Khi ấy tôi dạy tại Trường dự bị đại học TP.HCM. Mới gần 2 tuổi nghề, hăng lắm, trường giao việc gì cũng nhận, thậm chí chưa giao cũng xung phong. Hồi ấy không biết, hoặc chưa có bài vè “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta lại xông lên hàng đầu”, hăng bởi đang là đoàn viên.

Sáng 17.2.1979, cả trường vẫn hoạt động bình thường, thầy trò lên lớp, học hành theo lịch, chả có gì thay đổi. Chị Nguyễn Thị Huệ, giáo viên hóa, bí thư Đoàn trường còn dặn tôi sáng mai nhớ theo xe ông Thi già tài xế xuống cơ sở 2 dưới Tiền Giang để bồi dưỡng lớp đối tượng đoàn. Thầy Nghiệp, thầy Chi, anh Dương dưới ấy đã chuẩn bị xong cả rồi, lên lớp 2 buổi trong ngày, tới chiều tối sẽ quá giang xe đưa rước giáo viên về lại Sài Gòn.

Suốt buổi sáng 17.2, không có thông tin gì. Trưa, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm thông báo họp đột xuất các trưởng bộ môn, trưởng phòng ban, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn. Hình như có chuyện chi ghê gớm lắm. Tan họp, ai cũng căng thẳng. Chú Dương Cao Thăng, chủ tịch Công đoàn trường thông báo Trung Quốc nó đánh ta rồi. Có khi nó thốc xuống tận Hà Nội. Đánh từ sáng sớm nhưng hồi đó thông tin liên lạc kém nên tới trưa nghe đài Tiếng nói Việt Nam mới biết. Đài phát liên tục những thông tin mới nhất, nào là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trở mặt, nào là quân ta đang chiến đấu anh dũng cản bước tiến của quân thù, nào là sắp có lệnh tổng động viên trên cả nước, v.v..

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

BOT thực dân

Hồi nhỏ tôi được nghe câu chuyện này, người nhớn nói với nhau. Chuyện rằng Toàn quyền Pháp Paul Doumer cho xây cầu bắc qua sông Cái (tức sông Hồng, sông Thao), đoạn chảy qua Hà Nội, nối Hà thành với các tỉnh phía đông (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng). Cầu xây xong năm 1902, cũng là lúc ngài Paul hết nhiệm kỳ trở về Pháp. Chính quyền bảo hộ lấy tên ông đặt cho cây cầu, gọi là cầu Paul Doumer. Dân gian thì gọi là cầu sông Cái, còn sau này chính quyền mới đổi là cầu Long Biên.

Đây được coi là công trình trọng điểm bậc nhất lúc bấy giờ. Hồi những năm 60, tôi còn nhớ trong sách tập đọc có bài thơ về nó, rằng "Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi". Nói gì thì nói, công trình của thực dân nhưng phục vụ quốc kế dân sinh, cho người dân chứ không phải chỉ để "phục vụ cho bọn thực dân khai thác thuộc địa" như sử của nhà nước lâu nay quy kết.

A, nói dở chuyện ông toàn quyền. Thấy bảo rằng, cầu xây xong, có nhiều quan chức cả tây lẫn ta khuyên ông Paul lập 2 cái trạm ở đầu cầu để thu tiền qua lại, bù đắp số tiền đã bỏ ra, ông Paul liền bảo, các thầy chỉ nghĩ chuyện bóp nặn dân. Cầu xây bằng ngân sách thuộc địa, do chính dân xứ này đóng góp, giờ lại đòi người ta nộp nữa, sao các thầy bất nhân thế.

Từ bấy giờ đi, không ai nhắc tới việc lập trạm "thu giá" cầu sông Cái nữa.

Những người kể cho tôi nghe chuyện này giờ đã khuất núi cả rồi.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Lại BOT

Từ vụ hai thằng cướp tiền của trạm thu phí BOT Long Thành - Dầu Giây hôm mùng 3 tết, lòi ra phần chìm của tảng băng gian dối.

Chuyện đám BOT gian dối, khai hụt tiền thu là chuyện đương nhiên, không có thằng BOT nào "liêm chính" cả. Nó khác hẳn các ông chồng, đi chợ mua đồ đắt bỏ mẹ, nhưng về khai với vợ chỉ có một nửa hoặc một phần ba, để đỡ bị mắng, bị... phạt.

Nó khai hụt, khai ít, thì nó kéo dài thời gian ra. Càng lâu, dân càng chết. Dân phản đối thì bị nhà nước gọi là gây rối, mất an ninh trật tự, sai công an ra xử, tóm cổ về đồn.

Vấn đề là ai cũng biết, nhà nước chính quyền cũng biết, nhưng cứ để mặc nó gian dối, đơn giản là nó chia phần cho, và nhất là nó móc từ túi dân chứ có móc nhà nước đâu. Ai đó mà thắc mắc, có khi còn bị nhà chức việc mắng cho, lý giải rằng nó làm nhiệm vụ thay mặt chính quyền bóc lột dân, trị là trị thế đéo nào.

BOT "tử tế" đã thế, huống chi BOT trấn lột. Dẹp mẹ nó BOT đi, còn không thì phải đưa nó vào diện kiểm soát đặc biệt, chứ ai lại để loạn thế bao giờ.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Kỷ niệm ấu thơ

Hồi mình be bé, cách nay nửa thế kỷ chứ có ít đâu, đứa nào trong đám trẻ con thế hệ mình, cụ thể là làng mình cũng thuộc bài hát "Đi chợ xuân".

Hồi ấy làm gì có siêu thị, chỉ có chợ làng, chợ huyện. Chợ tết vui lắm, bu cho đi theo, thể nào cũng được bu mua cho cái bánh rán nhân đỗ xanh đường đỏ. Mình chỉ ngó xem tranh tết, câu đối, hoa giấy, con tò he nặn bằng bột, và nhất là những hàng bán pháo tép pháo đùng, nhưng không bao giờ dám nài bu mua, bởi biết bu không có tiền. 

Chợ tết chợ xuân chỉ họp tới trưa 30 tháng chạp. Buổi sáng đông vui, ồn ào tấp nập là thế, sau này được đọc Truyện Kiều mình thấy đúng như cụ Nguyễn Tiên Điền tả "ngựa xe như nước, áo quần như nêm", kẻ mua người bán tíu tít, màu sắc xanh đỏ tím vàng rực rỡ một góc trời, nhưng chỉ tới gần trưa, thoắt khác hẳn. Ngẫm ra ở trên đời có những cuộc biến cải khôn lường diễn ra ngay trước mắt. Sực nghĩ rằng không có gì buồn, tang thương, đìu hiu như chợ xuân lúc vãn.

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Ác

Sáng nay 29 tết ta, gần khu mình ở, có mấy nhà dọn rác rưởi, lá cây, cành mục... quanh nhà cho sạch sẽ để đón tết chào xuân.

Nếu chỉ có vậy thì không nói làm gì. Lúc mình đi chợ, thấy một ông trung niên chất cả đống rác củi to dưới gốc cây bàng đã trồng gần 20 năm, đốt cháy phừng phừng. Cành lá trên cao tới cả chục mét cũng khô cong, gốc thì cháy đen thui. Mình dừng xe bảo, anh ơi, sao anh đốt thế, chết hết cây, anh thử nhìn kỹ xem. Phải đốt xa ra chứ. Anh ta trố mắt nhìn mình, nhưng vẫn vun tiếp cành lá vào gốc cho lửa cháy, kiểu thách thức, tao cứ đốt đấy, mắc mớ gì tới mày. Mình giận lắm, nói, nếu có ai đốt anh vậy, anh có chịu được không. Cây nóng cũng như người nóng. Anh ta vẫn nhìn mình nhơ nhơn. Mình tung "đòn" cuối cùng: Tôi nói cho anh biết, trông anh cũng có học, có hiểu biết, đừng tưởng cây cối không có hồn, không có thánh thần ẩn náu trong nó. Anh cứ đốt nó đi, rồi hồn nó vong nó chả để yên cho anh đâu. Cứ nghiệm xem năm nay thế nào nhé. Anh ta tái mặt, đợi mình quay xe chạy một đoạn mới len lén cào bớt lửa và than hồng ở gốc bàng ra.

Lúc về, lại gặp một thanh niên đang vun rác đốt gốc cây me già. Cây cháy rũ rượi. Mình nói luôn, cây này có thần, nó sẽ quả báo những người hại nó. Anh ta sợ, vội cào hết đám than hồng xa gốc. Chắc cũng biết thế nào là quả báo.

Mình không mê tín, nhưng mình tin cây cối, nhất là những cây già, cổ thụ, có hồn (để lúc nào rảnh kể cho nghe chuyện thực). Nó biết vui buồn, đau đớn. Nó biết trả thù và trả ơn. Anh Ma Duy Giang người dân tộc Tày quê Thái Nguyên học cùng với mình, kể nhà anh ấy trồng một cây vải, cũng hơn 2 chục tuổi. Năm ngoái cần mở rộng cái sân, phải hạ cây. Đêm trước, cây về báo mộng rằng chẳng ở cùng nhau được nữa thì cũng nên có trước có sau. Anh Giang hôm sau phải biện cái lễ, cúng cây, xin phép hạ giải, sau đó mới dám chặt. Vậy mà ốm cả tháng giời.

Đối với một sự sống, nếu con đỉa thì ta sẽ đập chết bởi nó hút máu ta, con cá thì ta nấu nó bởi luật sinh tồn cho phép..., nhưng cái cây sống xanh lá, tươi tốt kia nó gây hại gì mà nỡ đốt nó, làm nó đau đớn. Chỉ những người ác, thiếu sự từ tâm mới làm điều thất đức, vô cảm ấy. Đừng đợi tới khi nhận "quà" của tự nhiên siêu linh thì mới hối, lúc ấy đã muộn.

Chỉ buồn là xung quanh ta người ác vẫn rất nhiều. Ác trong lòng, và ác trong hành động.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Thời sự quốc tế

Chỗ nào nữa thì chưa rõ, chứ ở Venezuela quân đội có vẻ là quân đội nhân dân. Mặc dù tay cầm quân (được ăn lộc nhiều) tuyên bố ủng hộ tên độc tài béo múp Maduro nhưng binh lính vẫn quyết không trấn áp người biểu tình, không chĩa mũi súng vào những người "cá nước" của họ.

Đã có vài chục người chết trong tổng số hàng triệu người biểu tình đòi lật đổ chế độ độc tài, nhưng họ không phải nạn nhân của quân đội, mà do đám vệ binh quốc gia ăn lộc của Maduro gây ra. Những người "hy sinh" ấy chết không uổng, họ đang bắc cầu cho dân chủ.

Và điều nữa rất đáng nói, hơn hẳn ở xứ khác, lực lượng cảnh sát (có nơi gọi là công an) tuyệt đối không tham gia đàn áp người biểu tình, chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Maduro không có tí ti quyền hành với cảnh sát, chứ nói gì chuyện chăng câu khẩu hiệu "Còn Ma còn mình", ai thèm nghe.

Người dân Venezuela sau thời gian dài là nạn nhân của đường lối mà H.Chavez và Maduro theo đuổi, giờ thực sự hiểu cái hình mẫu thối nát đã đẩy họ xuống hố bùn là thứ gì. Họ đoạn tuyệt với cái gọi là Cubazuela, hay Vinazuela, quyết trở về Venezuela "giãy chết" ngày nào.

Nghèo đói mà vẫn tỉnh táo, đó là dân trí.

Nguyễn Thông