Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Chuyện cụ Kwan nhân ngày nhà báo

Bạn bè tếu táo thường gọi y là Kwan, Chun Do Kwan, hoặc Kwan Do Chun, hệt người gốc Hàn. Nhà cháu học đòi cái thói hư hỏng của thiên hạ (điều hay chả học, chỉ tuyền học điều dở) gọi cụ ấy là y, bởi một phần đồng tuế, phần khác đàn đúm với nhau khá lâu, chứ đã U70 cả rồi.

Nhân đây, nói thêm chuyện này, liên quan tới chữ “tuế” vừa nhắc ở trên. Để chỉ những năm mà con người ta sống, năm của đời người, tức là tuổi, thì dùng chữ tuế. Cùng tuổi với nhau gọi là đồng tuế. Nói hai người hoặc những người cùng tuổi thì dùng chữ đồng tuế chứ không phải đồng niên. Niên tức là năm, thứ thời gian vật lý, có tính khách quan, nằm ngoài con người, không nhất thiết gắn với người. Kim niên là năm nay, khứ niên là năm trước (khứ niên kim nhật thử môn trung, ngày này năm trước ở ngay trong cửa này), niên lịch là lịch năm, niên biểu là chép lại những chuyện xảy ra các năm, niên hạn là thời hạn tính bằng năm, thiếu niên là số năm còn non (để chỉ người ít tuổi), lão niên là năm già/nhiều (cho người nhiều tuổi). Vì vậy, nói người cùng tuổi dùng đồng tuế chứ không phải đồng niên, dù tuế và niên đều có nghĩa là năm.

Lại quành về cụ Kwan. Cụ í tên tục là Đỗ Trung Quân. Á à, tưởng ai, ông ni thì choa lạ chi. Sẽ nhiều người bảo thế. Vâng, cũng thuộc dạng người của công chúng, như Ngọc Trinh, Mỹ Linh, Trấn Thành chả hạn. Chỉ có điều, cụ Quân khác mấy người ấy, cụ là nhà thơ. Chính do đầu thai thành nhà thơ nên mới sinh chuyện.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Rắn xi moong lỗ

Thiên hạ đang chú mục vào công trình thế kỷ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Trung. Và họ chỉ càu nhàu chuyện nó chạy, nó lỗ, càng chạy càng lỗ. Rồi tiếc tiền, lại còn bảo tiền chứ đâu phải vỏ hến, v.v..

Tất nhiên cũng có người bênh sự lỗ ấy. Đời xưa nay vốn vậy. Đến bọn Nga rành rành xâm lược nước bạn cũ Ukraine của nó, mà vẫn có người nói chỉ đứng về phía... chính nghĩa kia kìa. Rắn xi moong lỗ đã là cái đinh gì.

Họ lý sự đường sắt trên cao Cát Hà lỗ là chuyện đương nhiên bởi mới được đưa vào khai thác, vốn đầu tư quá lớn (nhưng lờ đi chuyện bị đội vốn mấy lần), chỉ nhặt bạc cắc, nhà nước không trợ giá cho hoạt động giao thông công cộng này, cứ bắt phải bán vé giá quy định như xe buýt, lỗ cả trăm tỉ là còn ít đấy, nhẽ ra phải lỗ nữa... Lý sự chốt lại, vấn đề là con đường cao cao ấy được xây lên để phục vụ nhân dân, cho nhân dân đi lại thuận tiện (đúng vậy, đâu phải cho cán bộ dùng, bởi cán bộ đâu có thèm ngự lưng rắn), sao bọn phản động chúng bay không nói tới. Phục vụ dân, vì dân mà cũng bị chửi là sao...

Khiếp, đến chịu các bố. Cái gì cũng vịn vào dân, đổ cho dân. Cứ như chính dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lỗ lã này. Kiểu như nếu dân không đi thì người ta xây rắn xi mong làm gì, nay lại nói nọ nói kia, không ai chiều được chúng mày...

Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo đến tờ báo riêng của đảng mà họ còn đặt tên là báo Nhân Dân thì "đường sắt lỗ nhân dân" đâu có ảnh hưởng tới hòa bình thế giới.

Nguyễn Thông

Ảnh: Báo Giao thông



Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Xảo đại nhân

Vẫn biết Khổng Minh Gia Cát Lượng giỏi nhất nhì thời Tam quốc nhưng hậu sinh học cái thói "gạt lệ chém Mã Tốc" của ông ta chỉ khiến thiên hạ chê cười.

Làm mất Nhai Đình, từ đó dần dẫn tới mất cơ nghiệp nhà Thục Hán, mất nước, đâu phải do Mã Tốc mà chính là tội Khổng Minh. Biết Tốc dở, thậm chí xấu, nhưng cứ giao cho Tốc giữ cổ họng chiến lược Nhai Đình, ấy là lỗi của Khổng Minh.

Kỷ luật Tốc, đưa Tốc vào lò, chém Tốc, rồi lại còn ra vẻ tiếc thương, nghẹn ngào, than khóc sụt sùi, đau lòng lắm, xót xa lắm, chỉ lộ thứ bụng dạ tiểu nhân chứ hay ho gì. Đó là vết nhơ trong hình ảnh khá toàn vẹn Gia Cát Lượng.

Cứ cho là Tốc có tội, gây tổn thất không thể cứu vãn, thì chém Tốc vẫn còn nhẹ, đau lòng cái nỗi gì mà đau.

Thời đó, may chưa có báo chí truyền thông tivi, chỉ có Tam quốc diễn nghĩa, nên ít người biết xảo đại nhân.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Xương gà Thủ Thiêm

Vụ Thủ Thiêm chính thực là cái xương gà mắc ở cổ, “khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” chứ không phải miếng gân gà. Gân còn có thể ăn được, đằng này xương thì chịu.

Hôm qua 17.6, người ta lại tổ chức cuộc gặp giữa đại diện Thanh tra chính phủ (cùng ông nọ bà kia liên quan) với dân Thủ Thiêm bị mất đất. Cả ngàn người bị mất đất nhưng chỉ cho 20 người tham dự, riêng điều này đã báo trước sự thất bại của sự kiện rồi. Người trong cuộc không được nói ra những phẫn uất của mình và gia đình mình, dù có tổ chức vạn cuộc đối mặt nữa cũng chả đi đến đâu. Xương gà vẫn hóc ở cổ, đừng hòng khạc ra.

Nói thẳng, tất cả những “cuộc gặp Thủ Thiêm” từ trước tới nay đều thất bại khi hai bên, nhất là phía nhà nước, giữ nguyên quan điểm và thái độ bề trên ban đầu. Đã bao nhiêu cuộc gặp, không đếm hết được, chỉ còn lại những Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đặng Công Huẩn, Phan Nguyễn Như Khuê, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Phong… với những lời hứa gió bay “tôi không lừa bà con đâu” và sự ê chề, bị khinh bỉ. Và tất nhiên còn cả hàng ngàn dân Thủ Thiêm sống trong nỗi bất bình ngày càng tăng và lòng tin cạn dần.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Chính phủ thuế (kỳ 6)

Phải nói ngay rằng, bàn về thuế ở xứ ta thời nay có nói cả ngày cũng chả hết. Xưa kia, người cộng sản lôi kéo quần chúng nhân dân, nhất là nông dân (đông nhất, đội quân chủ lực của cách mạng) chỉ cần dụ đi xóa sưu cao thuế nặng là đảm bảo họ sẽ cùng nhau đi hồng binh liều thân rồi.

Thời nào cũng vậy, phong kiến thực dân cũng như cộng sản, thuế luôn là tai ách đối với dân chúng, càng ngày càng nhiều, càng nặng.

Quay trở lại chuyện giá xăng, bởi nó điển hình cho thuế phí hiện nay. 14 kỳ tăng liên tiếp, dân chúng cắn răng chịu bởi không chịu cũng chẳng làm gì được nhà nước, vả lại còn nghĩ cả thế giới tăng, bán xăng giá cao, đâu riêng xứ mình. Kiểu như “đau mắt bởi tại hướng đình/cả làng đều thế phải mình chi em”, tự an ủi để mà sống. Công nhận bộ máy tuyên truyền của nhà nước quá siêu, luôn làm cho dân chúng hiểu xăng tăng giá là chuyện chẳng đặng đừng, chứ chính phủ không muốn thế. Cả thế giới bán xăng dầu giá cao, mình đâu thể đứng ngoài. Ngay cả dân Mỹ cũng lao đao bởi giá xăng, nói chi ta. Báo còn thương cảm dân Đức bị đứt bữa kia kìa. Cần thông cảm với chính phủ, cùng chính phủ vượt khó, ráng qua cái đận này, v.v.. Phải công nhận dân mình hiền, cả tin, tăng thế chứ tăng nữa vẫn chấp nhận đau thương.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Hiếu chiến ngôn từ

Hôm trước, nhà cháu đọc được câu (cũng là lời khuyên) của nhà báo chuẩn (nhiều người thường đùa là đoàn chuẩn), giàu thâm niên và đầy kinh nghiệm, một bậc đàn anh kính mến, bác Đoàn Khắc Xuyên. Bác ấy nhắc các bạn phóng viên trẻ (trẻ thì thường non, ít kiến thức, và khá… tùy tiện) rằng đừng dùng mấy từ “ra quân, chiến dịch” trong những thông tin chả có gì quân với chiến. Lại nhớ mình từng viết về thứ này, giờ xin nhắc lại.

Trong lời rất nhiều vị quan chức, nhất là khi họ làm long trọng viên buổi lễ lạt, trong hằng hà sa số bài báo của các nhà báo, kể cả “cây đa cây đề”, “đại nhà báo”, trong các phong trào đình đám của đoàn thanh niên mà nhân vật chính là mấy anh bí thư trung ương đoàn… ta thường thấy họ khoái dùng những từ “chiến dịch”, “ra quân”, “chiến sĩ”, “mặt trận”. Nghe ùng oàng sắt máu như đang thời chiến tranh chứ không phải hòa bình đã gần nửa thế kỷ.

Cách nói ấy, dùng chữ kiểu ấy thực ra không mới. Năm 1948, trong thư gửi giới họa sĩ nhân một cuộc triển lãm tranh, cụ Hồ đã từng khơi mào “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (thời tôi học cấp 3, học trò phải làm bài luận phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận, bình giảng câu này ít ra dăm bảy lần). Cụ trùm đã dạy thế thì cứ thế mà thực hiện. Chỉ hơi lăn tăn, văn nghệ mà cũng là mặt trận, quả thật ghê. Vậy nên cũng dễ hiểu thời đó và sau sau một tí, anh nào văn nghệ sĩ thuần túy, đòi tách văn nghệ khỏi chính trị thì chết không kịp ngáp. Vụ “Nhân văn giai phẩm” còn sờ sờ ra đó.

Trùm cuối

Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo dư luận chỉ bố láo bố toét, vớ va vớ vẩn. Làm đếch gì có thằng nào trùm cuối để mà tìm, mà kết thúc đánh án.

Xứ này, đảng lãnh đạo toàn diện, đảng chịu trách nhiệm về mọi chuyện, chứ đâu chỉ liên quan tới "mọi thắng lợi của cách mạng".

Làm gì cũng có hay có dở, có thành công - thất bại, được mùa - mất mùa, sự đời xưa nay vậy. Chỉ nhận công lao phần thành công được mùa, vậy phần thất bại đổ cho dân à. Trời sẽ bảo cái đếch gì chúng mày cũng đổ cho tao, tao đâu phải hố rác. Vậy chỉ còn dân là thủ phạm. Cãi đằng... giời.

Chống dịch vừa rồi, cứ tạm cho là có chút thành công, thế là họ cứ rối rít vơ nhận về mình (ấy là tôi đang nói tới đảng), còn khi lòi cái thất bại trong vụ Việt Á, chả thấy ông bà nào dũng cảm đứng ra nhận. Đảng lại càng mất hút con mẹ hàng lươn.

Một đoàn thể - tổ chức chính trị luôn tự nhận quyền lãnh đạo mọi mặt mọi hoạt động thì nó chính là trùm đầu trùm cuối, chứ làm gì có đứa nào trùm cuối ở đây.

An Nam độc đảng chứ có phải xứ đa đảng như Anh Pháp Mỹ Nhật đâu mà đổ cho đảng này đảng nọ.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Cung Tiến và Hoài cảm (kỳ 2)

Tôi biết những chuyện ấy (về Cung Đình Vận) qua lời kể của một đồng nghiệp cùng trường, thầy Cung Bỉnh Duyệt. Thầy là cháu gọi quan tuần Cung bằng bác, sau cơn gia biến, cả nhà phải trôi giạt vào Sài Gòn. Thầy từng học trường dòng nhưng không theo đến đầu đến đũa, người nửa chừng như vậy ta quen gọi là thầy tu xuất. Thầy xuất Duyệt học Đại học Khoa học Sài Gòn và thành giáo viên dạy vật lý. Một người giỏi chuyên môn, thạo tiếng Pháp tiếng Anh, làu tiếng Latinh. 

Những năm 80 Sài Gòn đói rài đói rạc, phòng thầy Duyệt ở tầng 5, phòng tôi ở tầng 4 ký túc xá lúc nào cũng quang quác tiếng gà. Chả là chúng tôi mỗi nhà nuôi gần chục con gà công nghiệp đẻ, lấy trứng đem ra chợ An Đông bán cho người Tàu, thêm chút ít tiền lời lãi vào đồng lương chết đói. Cám cảnh nhau, hễ có gì ngon, thầy lại lấy cọc màn dộng xuống nền nhà rủ tôi lên nhắm. Nhớ lần đàn gà của thầy chẳng biết trúng phải thứ chi đó bị động kinh, cứ đi giật lùi trong chuồng rồi lăn quay ra ngáp ngáp. Thầy tu xuất lo lắm. Một đứa học trò mách cho nó ăn thịt bò thì khỏi. Thầy ra ngã sáu mua 2 lạng thịt bò, thái nhỏ, bóp mỏ gà há ra nhét vào họng. Nhưng rồi thịt bò mất, đàn gà vẫn toi. Thầy Duyệt than với tôi, khổ, người bao nhiêu năm không dám ăn miếng thịt bò, nhường cho gà mà nó cũng không thương mình.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Cung Tiến và “Hoài cảm”

Nhạc sĩ danh tiếng ở miền Nam trước biến cố năm 1975 Cung Tiến, tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, vừa qua đời tại Mỹ. Nhắc tới ông, tôi nhớ ngay mấy câu trong bài hát “Hoài cảm”, nghe bảo ông viết khi mới 14 - 15 tuổi. Ở tuổi ấy, tôi gần như chửa biết gì ngoài đi học và chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng. Khôn chả ra khôn, dại thì đầy dại. Nhưng với Cung Thúc Tiến thì “chờ nhau hoài cố nhân ơi/sương buồn che kín nguồn đời/cố nhân xa rồi có ai về lối xưa”…

Hồi ở miền Bắc, tất nhiên trước năm 1975, đám chúng tôi bị phong tỏa trong vòng kim cô văn nghệ cách mạng, gần như rất ít biết những gì xảy ra trong đời sống văn học nghệ thuật ở miền Nam. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên thuộc làu, nhạc Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Xuân Giao hát suốt ngày, nhưng lại rất xa lạ, mơ hồ, nhợt nhạt với những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, những Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trịnh Công Sơn. Và gần như kiến thức cực mỏng về Cung Tiến. Thời chuyên chính nó thế, nếu tò mò tìm hiểu về văn nghệ “bên kia vĩ tuyến” có thể bị bắt, bị đi tù. Nghĩ mà thương cho những ca sĩ kiểu Lộc vàng, chỉ vì biết sớm quá mà lụy đến thân. Mọi thứ chỉ bị vỡ òa sau tháng 4.1975.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Vạch tổ tò vò

Nói thẳng, xứ này dân chúng cũng như dư luận trong luồng ngoài luồng hơi bị mất nhiều thì giờ vào việc theo dõi trừng trị đám cán bộ hư hỏng. Nhốn nháo như cái chợ vỡ, khen chê, hả hê, bực bội... đủ kiểu. Đó là chưa nói cuộc sống lúc nào cũng như cái nồi áp suất sôi sùng sục bị dồn nén chỉ chực nổ bung ra. Sống thời hòa bình mà quá đang trải qua chiến tranh.

Ông hàng xóm nhà tôi chua chát bảo những cuộc bão phím, bão nước bọt ngày này lân sang ngày khác, kiểu ấy chỉ có ở An Nam. Nếu chuyện xảy ra trên đất khác, những quốc gia văn minh, dân chủ thực sự, không có đảng độc quyền độc tài cầm cương, thì nó chỉ làm cái một, thậm chí dân không kịp biết thằng ABC kia bị tống cổ bắt giam bởi tội gì. Pháp luật được tạo ra để phục vụ bộ máy vì dân nên nó không có thời gian làm chuyện tào lao, rề rà kéo ngày này qua đêm khác. Ở những xứ như thế, đám Long, Anh, Tạc lại chả đếm kiến hoặc xanh cỏ lâu rồi, chứ ở đó mà khen nhanh mí chả nhanh.

Ai đó ca ngợi lò chống tham nhũng, chứ tôi coi thường nó. Nó không thể làm thay đổi được bản chất hư hỏng hết thuốc chữa của hệ thống cai trị nước này. Bắt một vạn thằng rồi thay bằng một vạn thằng phẩy cùng loại cũng chỉ là ném đá ao bèo, đánh bùn sang ao. Có khi còn tệ hơn.

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Dẹp BOT đểu

Đó là cách duy nhất để bảo vệ quyền lợi và đem lại sự công bằng cho người dân đang hằng ngày nộp tiền vào ngân sách.

Đó cũng là biện pháp tử tế duy nhất để nhà nước chứng minh những lời họ nói ‘vì dân” là thực lòng chứ không phải nói một đằng làm một nẻo.

Hôm 6.6 vừa rồi (cách nay 3 ngày), ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đăng đàn trước quốc hội để báo cáo về những hoạt động của ngành, tình trạng giao thông vận tải trên cả nước. Tất nhiên, như mọi lần, mọi nơi, mọi người trong những vụ việc tương tự ở xứ ta, ông ta vẫn áp dụng công thức báo cáo “đã đạt thế này, đã đạt thế kia, tuy nhiên…”, nghe mãi phát nhàm. Chả biết quốc hội có thích nghe tự khen tự sướng không, chứ dân ngán hơn cơm nếp nát. Tôi để ý thấy, qua coi tivi và đọc báo, ông ta vẫn muốn bảo vệ những cái BOT trấn lột đầy tai tiếng, chẳng hạn gợi ý nhà nước bỏ tiền mua lại đám của nợ đó. Thưa ông thượng thư lục lộ, tiền do dân đóng thuế chứ không phải vỏ hến nhé. Cứ đùa.

Bảo vệ BOT trấn lột, rõ ràng bộ lục lộ vẫn tìm cách móc túi dân, mà đầu têu đầu trò là ông Nguyễn Văn Thể. Hôm nay 9.6 ông ta phải trả lời chất vấn trước quốc hội, liệu có ông bà nghị nào dám chất vấn điều sau đây.

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Xung đột

Ông hàng xóm nhà tôi cau có bảo "xung đột cái con mẹ nhà nó".

Chả là trên những mặt báo hoặc chương trình thời sự hằng ngày ở xứ ta thường xuất hiện từ “xung đột” khi nói về những gì đã và đang diễn ra tại nước Ukraine. Chẳng hạn họ viết/nói “xung đột Nga - Ukraine”, cứ như đang nói về hai thằng hiếu chiến đánh nhau, cố ý xóa nhòa bản chất của phe tham gia cuộc chiến ấy.

Xung đột, theo giải nghĩa của từ điển tiếng Việt là đánh nhau giữa lực lượng đối địch, hai bên tranh giành quyền lợi. Tuy nhiên, nếu trong từng trường hợp cụ thể, cào bằng như vậy thì tốt xấu lẫn lộn, chính nghĩa phi nghĩa láo nháo, hay dở không biết đâu mà lần.

Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine mà lại chỉ là xung đột thôi sao? Vớ vẩn. Thưa các ông các bà đỉnh cao trí tuệ khôn lỏi An Nam, chỉ cần hai đứa trẻ ranh chơi bi tranh giành hòn bi cũng có thể gọi là xung đột nhé. Vợ chồng đầu gối tay ấp nhưng không đồng ý về cách dạy con cũng là xung đột. Một đất nước đang bị tàn phá bởi bom đạn của kẻ khác, con người bị giết, nhà cửa phố phường bị hủy hoại, cuộc sống bị điêu tàn do bọn xâm lược, mà chỉ là xung đột thôi sao? Các ông các bà coi rẻ mạng người đến thế.

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Khôn ranh chả lọ thật thà

Tôi rất ghét (rất ghét chứ không phải ghét nhất bởi xứ ni còn nhiều thứ đáng ghét hơn) là cái thói loanh quanh bào chữa, giả dối, không dám tự nhận mình sai. Điều ấy thấy rõ ở đội ngũ cầm quyền. Thà cứ như chú em Triệu Quân Sự kia, trốn được thì trốn, không trốn được nữa thì để bắt, cứ cười tươi như hoa, chả thèm phân trần lý do lý trấu này nọ.

Chả hạn chuyện xảy ra ở thành phố Sài Gòn. Nhiều đời bộ máy từng cai trị đô thị này, cứ hứng lên là phá, bỏ, hủy, họ nhân danh đủ thứ bắt dân phải coi sự ấy là hợp lý. Sau một thời gian, kẻ hậu sinh kế nhiệm phải còng lưng giơ đầu ra sửa chữa, sửa sai, thậm chí làm lại y như cũ, bởi nếu cứ tồn tại sự "đổi mới" vậy thì chối quá, chưa kể dân chửi.

Vừa rồi những quan đương chức Saigapore đã thực hiện việc trả lại chiếc lư hương "thiêng" của Đức Trần Hưng Đạo nơi ngài đứng ven sông Sài Gòn. Dù họ ngượng, lặng lẽ khiêng về chỗ cũ trong đêm, nhưng thôi, cũng thông cảm. Họ cũng vừa quyết việc lập lại vòng xoay (bùng binh) Cây liễu trước trụ sở tòa thị chính (UBND TP) bởi bao năm qua bọn họ đã ngấm sự tai hại của việc coi thường phong thủy. Họ, cũng như đám cầm quyền ở một số đô thị khác, trong đó có Huế, đang tính đặt lại tên đường cho một số nhân vật lịch sử thời nhà Nguyễn có công với nước, mà vua Gia Long là ví dụ cụ thể... Làm được những điều ấy, với người tử tế thì quá dễ, nhưng với họ là cực khó, nên cũng đáng được hoan nghênh. Những điều trên, xét cho cùng, là sự hối lỗi, sám hối, tỉnh thức, trở về với sự tử tế, đàng hoàng. Điều này họ không dám nói ra công khai, có lẽ sợ bị cấp trên đánh giá là suy thoái, diễn biến hòa bình. Giời ạ, mong các ông các bà cứ suy cứ diễn nhiều hơn, với chuyện lớn hơn, cho dân chúng được nhờ.

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ cuối)

 Nhận xét chung về bản dịch

Tôi đã đối chiếu chỉ 46 trang - chứ không phải toàn bộ - nguyên ngữ với bản dịch và nhặt ra những ví dụ trên (chắc chắn còn sót; một số lỗi nữa sẽ được nêu ra ở bài viết riêng để đề cập đến cách dịch tên chuyên ngành). Tức là trên đây chỉ là danh sách một số lỗi dịch sai nghiêm trọng, chứ hoàn toàn không phải tất cả. Nếu thống kê tỉ mỉ và phân tích kỹ lưỡng hơn thì bản dịch còn mắc nhiều lỗi khác.

- Ví dụ việc dịch “businessman” của tiếng Anh (p. 3) thành “một nhà doanh nghiệp” (tr. 9) thì tuy không gây hiểu lầm nhưng thô lậu về tiếng Việt. Lý do bởi dịch giả lẫn lộn danh từ chỉ tổ chức, cơ quan với danh từ chỉ người. Người Việt Nam nói “doanh nghiệp” (tổ chức), và “doanh nhân”, “doanh gia”, “nhà kinh doanh” (con người), chứ không gộp chung, không trộn lẫn tổ chức với con người! Cụm từ “nhà doanh nghiệp” mà dịch giả đã dùng thì đem gộp làm một, chứ không phân biệt như vậy, và điều đó là một hạt sạn, vì nó cho thấy sự sống sượng trong chính tiếng mẹ đẻ của ông. 

- Một ví dụ nữa về sự thô lậu trong sử dụng tiếng Việt. Tiếng Anh: “Substructure” and “superstructure” are best understood if one views them as, respectively, human activity and the world produced by that activity. (p. 6)

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Nhìn thế giới nói chuyện xó bếp

Đừng nghe những gì bọn Nga (Bu tin, Lavrov, Peskov...) và đám nịnh Bu tin tuyên truyền. Chúng chỉ là đám dối trá, quân dối trá có hạng, bởi dối trá đã là nghề, đã ăn vào máu chúng, tâm địa chúng từ thời mồ ma cộng sản.

Chúng mở mồm là không tin được, dù nửa lời. Đại loại chúng phun ra thông tin "Lính tình nguyện tại Ukraine vỡ mộng", "Tổng thống Ukraine bộc lộ sự bất bình với Mỹ", "Vũ khí Ukraine nhận được có nhiều thứ dỏm, chỉ có súng mà không có đạn", "Ukraine tìm thấy vi mạch của Mỹ trong vũ khí Nga", "Thủ lĩnh tiểu đoàn Azov tại Azovstal hối hận, cảm ơn sự đối xử nhân đạo của Nga", "Ông Zelensky xuống nước, đề nghị được gặp tổng thống Putin"...
 
Chỉ cần đọc bình thường cũng thừa biết đây là thứ đòn tâm lý, tạo chia rẽ, gây nghi ngờ, có mục đích phân hóa đối phương, đánh vào đội ngũ đối phương. Nhưng bọn Nga nó làm vậy đã đi một nhẽ, đằng này đám nịnh Nga, bưng bô cho thằng Bu tin cũng hớn hở vào cuộc, ta ra trận hôm nay. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, ông còn lạ gì cái mặt trận tâm lý này của bên thắng cuộc, giờ tình xưa nghĩa cũ giúp nhau bằng thủ đoạn cũ.