Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Liên minh ma quỷ

Hôm 29.12, còn 2 ngày nữa là hết năm, chuẩn bị đón năm mới, báo chí đăng tin Thanh tra chính phủ đã chỉ ra sự câu kết giữa Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục về "tham nhũng" sách giáo khoa. Giờ mới vạch trần, lôi cổ chúng nó ra là đã khí muộn, quá muộn. Đó là thứ liên minh ma quỷ tồn tại, công khai tác oai tác quái cả nửa thế kỷ, bóc lột bóp nhặt từng xu của người đi học.
Khốn nạn nhất là sự bóc lột này lại có sự bảo kê của nhà cầm quyền (đảng, quốc hội, chính phủ, bộ GD-ĐT) nên mặc dù dân chúng kêu la than thở rầm rĩ, năm nào cũng như năm nào, nhưng bề trên đều bỏ ngoài tai, mặc kệ.

Nói thẳng ra, đối với cái khối ung nhọt Nhà xuất bản Giáo dục, và sách giáo khoa, nếu chỉ vạch trần bọn Bộ GD-ĐT thì chưa đủ, mà phải cả "hệ thống chính trị", chúng đều hưởng lợi, dây máu ăn phần. Nếu không phải vậy, sao nó lại dám ngang nhiên tác quái suốt mấy chục năm trời.

Cách nay 10 năm, cụ thể là ngày 7.6.2012, nhà cháu đã viết khi mới có phây búc thế này:

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi (kỳ 3, cuối)

Về sau, từ lời kể những người trong cuộc, từ con cháu Chu công, nhiều sự đã được phơi bày. Sau khi cách tuột hết cả chức vụ của ông Chu Văn Tấn, người ta ngầm lệnh cho báo chí truyền thông phải “quên” ông (cũng như sau này suốt gần chục năm người ta áp dụng triệt để đối với ông Giáp). Nếu bị cách làm thứ dân thì đã là may, đằng này người ta triệu tập ông tới “làm việc”, rồi an trí ông trong bệnh viện (Việt Xô, nơi dành riêng cho cán bộ cao cấp), như một dạng giam lỏng. 4 năm ròng rã bị cách ly với gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội, chỉ thỉnh thoảng con cái được vào trò chuyện đôi ba câu. Năm 1984, thượng tướng Chu Văn Tấn qua đời tại cái nhà tù không tên ấy, không một người thân nào bên cạnh khi hữu sự, giây phút cuối. Thật thê thảm. “Khi sao ong bướm rủ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.

Từ trường hợp thượng tướng Chu Văn Tấn, thấy cứ na ná số phận bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài bên Tàu, Trosky, Bukharin bên Liên Xô. Bi kịch cộng sản, những vết bùn khó rửa trên thượng tầng.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi (kỳ 2)

Sau năm 1975, đất nước thống nhất nhưng lòng người phân chia. Không phải chỉ giữa người Nam với người Bắc mà ngay trong nội bộ “bên thắng cuộc” đã nẩy sinh sự tranh giành, cướp công, trả thù cá nhân. Sự chia rẽ, bè phái, đố kỵ, ganh ghét, hãm hại nhau ngày càng nhiều trong bộ máy cai trị. Không còn ông Hồ, không còn gì để ngại ngần nữa, mà thực ra khi cụ Hồ còn sống, đám bề tôi đã lăng loàn coi thường, qua mặt, điều này ai sống trong thời ấy đều biết cả. Không hiểu Chu công đã làm chi để họ ghét, hay bởi tại danh tiếng ông quá lớn, nên tai họa chực chờ. Ngẫm câu thơ xưa của Ức Trai Nguyễn Trãi “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (họa phúc đều có duyên cớ chứ đâu phải chỉ một ngày/anh hùng để lại mối hận nghìn năm), vận chính xác vào con người Chu Văn Tấn.

Tập đoàn thống trị cộng sản ở những nước phe xã hội chủ nghĩa thường tự khoe, tự ca ngợi rằng họ luôn đoàn kết nhất trí, chia bùi sẻ ngọt, “thương nhau chia củ sắn lùi/bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”, “chết còn trút áo cho nhau” nhưng thực tế thì tàn bạo với nhau hơn cả thực dân phong kiến. Làm quái gì có cái gọi là tình đồng chí. Cứ nhìn cách đám cầm quyền cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc đối xử với nhau từ bấy tới nay thì biết. 

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Thời mạt

Khi một xã hội đã loạn chuẩn, vật chất đi lên, nhân cách đi xuống, thì những chuyện nọ kia trên đời là điều không tránh khỏi.

- Người ta đang chê cười chế nhạo một bà tự xưng là nhà thơ thế giới. Bị chê là phải, thậm chí chê nữa cũng chưa đủ. Cái thói háo danh, không cần biết mình là ai, ở đâu, thế nào. Tuy nhiên, bà thơ này tự xưng tự nhận, như bao kẻ trong đám thường dân háo danh. Còn có thứ háo danh kinh khủng hơn được nhà nước, chính quyền công khai bảo kê, ví dụ cả một lũ một lĩ tiến sĩ về cầu lông, bóng bàn, về thống kê thực hiện nghị quyết của đảng ở xã phường huyện quận. Cũng có người hướng dẫn, người phản biện, hội đồng chấm luận án cấp trường cấp viện. Tất cả diễn ra công khai, có khác gì nhà thơ thế giới kia đâu, mà bên trọng bên khinh. Đó là chưa nói có những kẻ ăn cắp luận văn nhưng vẫn chễm chệ làm ông nọ bà kia.

- Vụ tổ chức Gala tôn vinh nhà thơ thế giới nói lên điều gì? Đó là thời nay sự rởm đời được công khai lôi ra khoe, không cần giấu diếm, đẹp khoe xấu che nữa. Họ tổ chức rùm beng như thế, hoành tráng như thế, đương nhiên phải có sự đồng ý của bộ máy chính quyền, của nhà chức việc. Giờ bị bung bét ra, lại quay ngoắt chối bai bải, rằng không thế này, rằng chưa thế nọ. Cứ tung vài cái video quan khách, long trọng viên ngồi hàng đầu là thấy ngay, có mà chối đằng giời. Khi nhận vi thiềng (tiền đút, tiền “bồi dưỡng”) của nó, sao không chối, giờ lại bai bải bai bải em chã em chã.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi

Không phải thứ gì được phát trên tivi mậu dịch đều “bỏ qua”, nói như ngôn ngữ chơi trò trên tivi. Có những thứ quái gở vẫn được thiên hạ quan tâm, chú mục vào, thậm chí săm soi, như vụ cô á hậu vừa xuất hiện trong veo vậy. Nhưng, trong đống rác tivi, vẫn có những cái không thể "bỏ qua", tạo được sự chú ý của người tử tế.

Tôi nói thế, bởi hôm 23.12 vừa rồi, trong chương trình buổi tối, kênh Truyền hình quốc hội phát bộ phim tài liệu về nhân vật lịch sử, ông Chu Văn Tấn.

Người xứ này, ở miền Bắc, thế hệ sinh vào thập niên 50 - 60 không mấy ai không biết tên tuổi ông Chu Văn Tấn. Lẽ đơn giản, học môn lịch sử quốc doanh, phần về thời kỳ trước cách mạng tháng 8, cả phần biên chép về lịch sử quân đội nữa, cái tên Chu Văn Tấn luôn nổi bật, có nhẽ chỉ sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Rồi 3 cuộc khởi nghĩa tiền cách mạng là Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, đáng chú ý nhất là khởi nghĩa Bắc Sơn do ông Chu Văn Tấn cầm đầu. Rồi bài hát “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao được phát thường xuyên trên đài tiếng nói Việt Nam tới mức nghe riết ai nấy đều thuộc, “Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/còn vang khe núi tiếng quân oai hùng”... Tất cả đều gắn với ông Chu Văn Tấn. Ông Tấn hiện diện lừng lững bên hình ảnh ông Hồ ông Giáp, là một thứ tên tuổi, idol, biểu tượng, thậm chí bạt mờ cả những Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, nói gì tới những Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Lê Trọng Tấn…

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Chuyện bộ đội

Khi ta lớn lên bộ đội đã có rồi. Ấy là tôi nhại câu thơ của thi sĩ chính trị Nguyễn Khoa Điềm người Huế. Hồi đi học (cấp 3 và đại học) đám lứa chúng tôi đã trầm trồ cái tên Nguyễn Khoa Điềm qua những “Đất ngoại ô”, “Mặt đường khát vọng”, về sau lại càng nắc nỏm hơn khi biết đó là con giai cụ Nguyễn Khoa Văn, tức Hải Triều, người đã cãi nhau kịch liệt với nhóm Nghệ thuật vị nghệ thuật cầm đầu là Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư (cha của phây búc cơ nổi tiếng Lưu Trọng Văn). Ở Sài Gòn hiện có đường/phố Hải Triều tại quận 1, nơi ăn chơi nổi tiếng, sinh thời trùm Năm Cam và đàn em thường tụ tập ở đây.

Hồi bé còn quần đùi cửi trần đánh dậm, nghe người làng nhắc tới bộ đội là lũ trẻ con kính nể lắm. Những năm đầu thập niên 60, làng Trà quê tôi có bao nhiêu bộ đội, người xóm nào, con nhà ai, bọn đánh dậm đều biết. Chẳng hạn bà cụ bếp Thoái (cụ Thoái ông từng làm đầu bếp dưới tàu Pháp, đi Pháp như đi chợ, dân làng căn vào nghề bếp để phong hàm cho cụ) có 3 người con giai, ông Chức, ông Khoái, ông Sức, ai nấy đều đẹp trai lừng lững, đều nhập ngũ. Ông Khoái vào Vệ quốc quân từ năm 1950. Ông Chức đăng lính muộn hơn, hy sinh khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trở nên ác liệt, máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Ngay sát vườn bà cụ bếp qua cái ngõ duối là nhà cụ Chút. Cụ Chút người nhỏ tí nhưng đẻ tinh con giai, ai cũng như tây, các chú thậm chí còn cao to hơn con cụ bếp, tôi nhớ có chú Bịch sau đổi thành Bích), chú Bồ, chú Khiên, chú Khiến, chú nào cũng râu quai nón, vào bộ đội tất. Làng xóm rất nể trong hai gia đình này, ngầm tôn làm gia đình quân nhân tiêu biểu.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Vụ bay giải cứu

Cái ác nhất của những kẻ trong bộ máy cai trị cầm quyền là khi người dân bị rơi vào sự khốn cùng bế tắc tận đáy thì chúng vẫn nghĩ vẫn tìm đủ mọi cách để móc đồng xu cuối cùng trong túi dân, bất cần biết dân sau khi được chúng "cứu" sẽ sống dở chết dở thế nào. Chúng sung sướng phè phỡn trên sự đau khổ của dân.

Ác nhì là đám lãnh đạo cấp cao "có mắt như mù có tai như điếc có mồm như câm" để đàn em hoành hành tác oai tác quái kéo dài, nếu người dân phàn nàn thắc mắc chê cười chủ trương bóc lột ăn cướp ấy thì lại quy kết người ta là thế lực thù địch dám bịa đặt xuyên tạc lòng tốt của nhà nước.

Ác ba là đám báo chí mậu dịch tung hô sự giải cứu bóc lột, coi những thằng móc túi như những anh hùng, tới khi sự việc vỡ lở, trắng đen phơi bày thì quay ngoắt làm như mình vô tội.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Bênh

Lão hàng xóm nhà tôi bảo nếu tao là Bùi Thanh Sơn, tao sẽ cãi, tội giải cứu có phải riêng tao đéo đâu, mãi tới tháng 4.2021 mới ngồi ghế bộ trưởng, mà cứu kiếc ăn tiền dân thì đã diễn ra từ đời tám hoánh rồi, ít nhất cũng từ tháng 9.2020.
 
Ăn thì thằng nào cũng ăn, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì thằng nào cũng vô trách nhiệm, sao lại chỉ gọi tên tao. Đèo mẹ, tối nay ông làm cái đơn xin thôi việc lại chả nát đám cỏ gà với nhau, lại năn nỉ ông bằng chết để giữ tiếng thơm cho thể chế, chứ ở đó mà kỷ với luật...

Tôi nói với lão, đừng lấy tình đồng hương mà bênh thằng Sơn (gọi bằng thằng bởi hai đứa tôi đều hơn nó cả giáp), thằng Sơn đầy tội, mà những thằng kia cũng đầy tội, bênh đéo gì.

Còn cả cái thằng trên phây búc ca ngợi bay giải cứu ngạo nghễ VN, "tự hào quá VN ơi" nữa, cả cái đám nhà báo tán tụng bay giải cứu nữa, lôi chúng ra mà tẩn cho bằng chết chứ để nó ngạo nghễ trong bóng tối là không công bằng với thằng Sơn.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

Quá kinh

Hôm qua (19.12), giả nhời dư luận, ông giám đốc Công an Hà Nội, trung tướng Nguyễn Hải Trung “vô tình” lộ ra con số đáng kinh ngạc: Hiện công an Hà Nội có 20.000 cán bộ, chiến sĩ.
 
Nếu kể cả những người vừa bị thải loại hoặc tự xin nghỉ thì có lúc tới 23 - 24 nghìn người, con số khuyết đó cũng tướng Trung gián tiếp thừa nhận chứ không phải tôi bịa.

Mới nghe qua thấy bình thường. Đã lâu nay người xứ này thờ ơ với các con số bởi nó ít tính chân thực, khi được thổi phồng, lúc bị giảm bớt. Công bố số liệu là cả một nghệ thuật của người cộng sản, nhất là họ có thứ tư duy “ta thắng địch thua”, “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Đành rằng thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập Hà Tây vào đã khá rộng nhưng một địa phương cấp tỉnh thành mà có tới 20.000 công an thì quả thật choáng. Theo biên chế phổ biến lâu nay của quân đội, bằng 2 sư đoàn. Một thủ đô hòa bình mà có tới 2 sư đoàn cảnh sát công an, không biết đông như thế để làm gì, nhưng nuôi số ấy quả thật rất tốn kém.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Lộn xộn địa danh (kỳ 2)

Thôi, không cãi về cái tên Vĩnh Mốc, địa đạo Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh đã đi vào lịch sử nữa, chỉ nói thêm tí ti rằng một số người cho rằng Vĩnh hay Vịnh do phát âm theo âm sắc địa phương, chả phải, bởi đây là ghi trên văn bản chứ không phải văn nói; lại có bác bảo đã có sự xác định lại tên gọi gốc (là Vịnh) và công bố, cũng chẳng thuyết phục bởi chỉ nói chung chung, còn ai xác định, ai công bố thì không thấy chỉ ra.

Cái lỗi lớn nhất là những cấp có trách nhiệm, từ quốc hội giở xuống chính phủ, bộ ngành, ban này bệ nọ, chính quyền địa phương… biết sự lộn xộn, nhầm lẫn, sai lạc, tùm lum tà la nhưng cứ kệ, thờ ơ, không thèm quan tâm. Họ bỏ thời gian ra bàn thế nào là biển số xe đẹp, đấu giá bao nhiêu, nhưng tên gọi liên quan tới lịch sử, truyền thống, hành chính, thậm chí cả chủ quyền đất nước suốt bao năm nhì nhằng, không rõ ràng thì họ dửng dưng.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Lộn xộn địa danh

Địa danh, nôm na là tên gọi (danh) của một vùng đất (địa), nhỏ thì xóm ấp, làng xã, lớn thì huyện, tỉnh, lớn nữa thì nước, lớn nữa thì châu lục. Quê tôi làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, nước Việt Nam, châu Á (tự dưng chẳng ai khảo mà xưng lý lịch, khai báo “nơi sinh”). Đó là cái tên, nhưng không chỉ tên. Bên trong nó, đằng sau nó hàm chứa nhiều vấn đề, nhất là lịch sử, phong tục, nỗi niềm…, không thể cứ viết thế nào, nói thế nào cũng được.

Vừa rồi, trên tivi phát phóng sự về di tích lịch sử nổi tiếng ở Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Mốc. Địa đạo này, ai ở miền Bắc đã trải qua thời chiến tranh phá hoại hầu như đều biết đều nghe, bởi nó quá nổi tiếng. Một biểu tượng cho cuộc sống anh hùng và đời thường trong chiến tranh. Điều đáng nói, đáng ghi nhận, phóng sự ấy luôn gọi đúng tên đất, tên di tích là Vĩnh Mốc, địa đạo Vĩnh Mốc.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Chuyện tây chuyện ta

Chuyện tây

Không ít người đã hết sức nhầm lẫn khi đánh đồng 2 cuộc chiến tranh tại Ukraine và Việt Nam, cho rằng như nhau.

Nhầm to. Cuộc chiến do người Ukraine đang tiến hành là cuộc chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc, chính nghĩa sáng lòa. Họ không nhằm mục đích "ngày mai sẽ chiếm được cả đất nước" mà chỉ quét sạch quân xâm lược Nga đang gieo tang tóc đau thương ra khỏi đất nước mình. Dù Ukraine có được phương Tây giúp đỡ vũ khí thì đó là sự ủng hộ của quốc tế đối với chính nghĩa chứ không phải ủy nhiệm ủy nhiếc gì hết như có những kẻ cố tình xuyên tạc. Họ đổ máu không vì thứ học thuyết vớ vẩn nào mà chỉ vì nước vì dân.

Ukraine phải thắng, nhất định thắng.

Chuyện ta

Khi xưa, nhà văn Nguyễn Công Hoan có truyện ngắn Oẳn tà roằn viết về chuyện đời mà chính ông không biết gọi là gì, cho rằng nó chả ra làm sao, tiếng Việt không có tên, nên tạm gọi là oẳn tà roằn, hì hì.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Ghi lại buổi uống chè

Sáng se lạnh. Ngồi đàn đúm. Một ông bảo bọn Qatar giàu, dân nó sung sướng nhất thế giới bởi chúng nó có dầu khí, nhiều dầu khí, cứ hút lên bán đi làm chi chả giàu chả sướng.

Lão Maddox hàng xóm cười, ông nói như đám dư luận viên, đúng một mà chửa đúng hai. Thế An Nam ta không có dầu khí chắc, không hút lên bán chắc. Xin nhớ là nghiện... hút đã gần nửa thế kỷ rồi nhé. Xin nhớ thời ông Duẩn làm vua, một ông rất to (không phải ông Duẩn) từng khoe trữ lượng dầu khí của ta nhất thế giới, so với ta thì của Ả Rập Xê Út chỉ như chiếc tem dán lên con voi. Quá kinh. Còn ông Duẩn thì nổi tiếng với câu nói chỉ 10 năm nữa VN sẽ vượt Nhật Bản. Còn kinh hơn.

Maddox nói tiếp, đèo mẹ, đám Qatar ấy, từ vùng đất nghèo kiết xác, không có lấy một túp lều ra hồn, chúng biết cách hút dầu và biết cách chia tiền nên nước giàu dân sướng, nửa thế kỷ mà thay đổi hoàn toàn, từ ngoi ngóp vực sâu đến chễm chệ đỉnh cao. Đéo chủ nghĩa xã hội gì sất.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Bác đi nhé

Tối qua 15.12, nhà văn Phan Thúy Hà (có thể coi là hiện tượng của văn học xứ này những năm qua) nhắn cho tôi ngắn gọn "Bác Quang mất rồi, chú ạ".

Bác Quang mà Hà nói, là nhà văn Trần Huy Quang, người Quỳnh Lưu xứ Nghệ, từng nổi tiếng một thời, cái đận được người ta gọi là "văn học thời đổi mới", với những "Chuyện về ông vua lốp", "Lời khai của một bị can"..., và nhất là "Linh nghiệm".

Đời văn, chỉ cần viết được cái "Linh nghiệm" như bác Trần Huy Quang là đủ, thể hiện được cả tài năng, đức độ, bản lĩnh, hay nói theo kiểu xưa là tài - đức - dũng.
 
"Linh nghiệm" bị nhà cai trị cộng sản bóc ra khỏi đời sống văn nghệ nước nhà, nhưng nó lại đoạt được giải Nobel của lòng dân.

Không phải cứ giải thưởng HCM, giải thưởng nhà nước mới thành ông nọ bà kia. Tôi nói thật, càng giải đó, văn càng nhạt, càng mau chóng bị lãng quên.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Học ngay đi, còn chần chừ gì nữa

Thiên hạ đang chú mục, mồm năm miệng mười vào chuyện đánh gôn gãy gậy ở Quảng Nam, chuyện bóng đá tại Qatar sẽ ai nhất ai nhì. À, nhà cháu mắc cái tội hay thức khuya, tối qua định thức một lèo tới 2 giờ để coi chú em Messi, cứ thao láo con mắt đến gần 1 rưỡi thì nản, tặc lưỡi, đèo, còn nửa tiếng nữa, nằm chút cho khỏe, rồi dậy coi cho hưng phấn. Ai dè, chợp bà nó tới gần 4 giờ sáng, tỉnh ra bật tivi thì Mét Si về rồi, cho nên cấm dám viết nửa chữ về trận này.

Không bàn gôn, bàn bóng đá không có nghĩa chẳng có chuyện gì để nói.

Những vị cầm quyền xứ này thời gian qua dồn dập công du nước người. Ông Trọng sang Trung Quốc, ông Chính đi Nhật, hiện đi mấy nước châu Âu, ông Phúc tới Hàn Quốc, Thái Lan, ông Huệ qua Úc, Tân Tây Lan, ông Thưởng thăm Trung Quốc, Campuchia, ông… Nói túm lại, đi rất nhiều, mắt thấy tai nghe rất nhiều, thậm chí nghĩ ngợi “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” cũng rất nhiều, nhưng họ có “đi một ngày đàng học một sàng khôn” không thì chưa chắc.

Là một công dân đóng thuế nuôi các ông, là cha của những đứa con tiếp tục đóng thuế nuôi bộ máy cai trị xứ này, tôi thẳng thắn nhắc nhở rằng, các ngài tới xứ người ta, học được cái gì, tôi không rõ, nhưng phải học ngay đức tiết kiệm, giản dị, thực chất, không màu mè hoa hòe hoa sói, lòe loẹt hoa hoét, cờ đèn kèn trống của họ.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Thích thì làm

- Cái bến xe miền Đông mới ở Sài Gòn, nói toẹt, đang như cục xương mắc trong cổ, khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào. Thử hỏi, chỉ đi Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước lại phải bắt xe ôm, taxi, grab lặn lội mười mấy cây số lên bến mới, chẳng thà ở nhà hoặc đi thẳng mẹ nó xe ôm cho rồi. Xe buýt thì bất tiện, chạy rề rà, nhan nhản trộm cắp móc túi; xe đưa rước được chăng hay chớ, chuyển qua chuyển lại lích ca lích kích; xe sắt trên cao chửa thấy đâu mới chỉ có mấy cột xi moong; vậy mà đòi, bắt người dân phải mò ra bến mới, không khác gì cuộc đày ải, hành xác. Đến khổ với cách làm ăn của các ông các bà, kiểu như tao thích thì tao cứ làm đấy, ế hay không kệ mẹ tao, can gì tới chúng mày.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Một vụ mất củi tươi

Báo chí mậu dịch, và cả dư luận mạng xã hội nữa, đang chê cười tay giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khi y “ní nuận” giải thích về vụ đá lát vỉa hè kém chất lượng. Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo thằng í vừa ngu vừa thật thà, chắc nó nghĩ cứ đổ cho trời là xong, trời ở xa, ai leo lên đó mà hỏi được.

Nhưng báo chí (của chế độ) và mạng (của dân chúng) lại rất thờ ơ hoặc nhanh chóng cho qua vụ lắp camera trăm tỉ ở Bình Dương. Cũng có thể người ta ngại đụng vào “thanh kiếm và lá chắn”, mà cũng có thể họ hiểu rằng công an (chủ đầu tư) đã cãi thì ngược cũng thành xuôi, kiểu như đầu va vào gậy quơ lên (chứ không phải vụt), chân giơ quá cao (chứ không phải đá), bắn chỉ thiên không may trúng (chứ không phải cố ý)…, đôi co làm chi cho mất công dã tràng.

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Cuộc thử nghiệm tai ách (kỳ 2)

Phàm bất cứ việc gì, nếu có bước làm thử, gọi là thử nghiệm, thì sau đó sẽ tốt hơn, bởi ít nhất cũng tránh được sự dở, thậm chí bỏ luôn để tìm cách khác. Việc nhỏ đã vậy, việc lớn càng phải vậy. Biết dở sai mà vẫn cố kéo dài, chống chế; đi từ thất bại này tới thất bại khác nhưng vẫn “kiên định”, không tỉnh để thoát ra, chỉ có thể gọi là lú lẫn u mê. Một đất nước, một dân tộc vướng phải sự ấy, là đại bi kịch. Xứ này cũng như một số “anh em” của nó đang đắm chìm trong tấn đại bi kịch.

Có lẽ cần nhắc tới trước hết là Cuba. Đảo quốc nhỏ bé nằm sát nước Mỹ, theo cách nói bây giờ, có vị trí địa chính trị đặc biệt. Một thời gian khá dài, nó được phong tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa, ngọn cờ đầu chống chủ nghĩa tư bản bóc lột, chống đế quốc. Anh em nhà Fidel sau khi nắm quyền (tháng 1.1959) đã thiết lập chế độ độc tài gia đình trị còn tệ hơn cả chính quyền Batista mà họ gán cho chữ “độc tài”, được trang trí màu mè bằng “cộng hòa, dân chủ”. Họ thay nhau anh truyền em nối, già cốc đế đại vương vẫn cố giữ ghế cai trị, chẳng chịu nhường ai, xem người cả nước không ra gì. Họ bắt toàn dân phải cùng với họ tôn thờ cộng sản, thờ Liên Xô, kiên định theo chủ nghĩa xã hội, bất kể phải chịu phận chư hầu dễ bảo, phụ thuộc, đói nghèo. Họ vênh vang với thứ danh hão tiên phong chống đế quốc, bảo vệ thành trì chủ nghĩa xã hội.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Cuộc thử nghiệm tai ách

Cho tới lúc này, trên thế giới gồm hơn 200 quốc gia chỉ còn lèo tèo vài nước tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, cắm cúi nhắm mắt, bước thấp bước cao kiên định “tiến lên” trên con đường chủ nghĩa xã hội, mặc dù không biết nó ở đâu, khi nào mới tới nơi. Vô cùng mờ mịt, ảo tưởng.

Còn những “ai”? Đếm trên đầu ngón tay: Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên, Lào, Venezuela, Nicaragua, Eritrea. Bọn Tàu khôn lỏi, chúng cứ bô bô danh nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội nhưng thực ra đã lẻn theo đường khác, mà chúng láu cá gọi bằng cái tên “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc”. Tại sao phải giữ danh nghĩa ấy? Không phải để vì chúng mà là giữ cái vòng kim cô thít lên đầu những thằng ngu dại khác.

Trong danh sách trên, trừ thằng Tàu đạt được điều này điều nọ, thì bói không ra, đốt đuốc giữa ban ngày cũng chẳng tìm được nước giàu, quốc gia giàu có văn minh dân chủ. Chỉ rặt thấy nghèo bền vững, cầm cờ chạy sau trong hành trình nhân loại. Giỏi ảo tưởng, nói phét, và rất hung hăng.

Tôi nhớ hồi còn bé, thập niên 60 có đọc đâu đó truyện cổ tích với cái tên “Đi tới nơi vô tăm tích, đem về một vật vô tri”. Giờ nghiệm lại, thấy đúng y chang cuộc hành trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở xứ này và mấy nước kia. Cứ mải miết đi mãi, không biết đi tới đâu, chẳng đem về được thứ gì ngoài lạc hậu, nghèo đói, chậm phát triển, phí thời gian, nhưng cứ đi. Như dân gian cười cợt “hàng đầu không biết đi đâu/đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”.

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Uôn cúp và tiền

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) là đài quốc gia, được nhà nước nuôi, cấp cho cả đống tiền ngân sách (do dân và doanh nghiệp nộp thuế đóng góp) để phục vụ nhân dân, cả về đời sống văn hóa văn nghệ, thể thao. Dân được phục vụ thỏa đáng thì dân lại còng lưng làm để trả công cho nhà nước. Chả ai cho không nhau cái gì, mà cũng chẳng ai phụ bạc công ơn. Đó là quan hệ sòng phẳng giữa dân với chính quyền.

Nay VTV lấy danh nghĩa kinh tế thị trường, bỏ tiền ra mua bản quyền phát sóng World Cup. Tiền ấy từ đâu, có phải của nhà nước không thì chưa rõ, nghe nói có doanh nghiệp mua, chuyển giao cho nó, được trả lại bằng chương trình quảng cáo. Nhưng nó bộc lộ thói con buôn, cứ phải bán-mua, tiền trao cháo mới múc, không còn chút gì cái tinh thần "vì nhân dân phục vụ" như đảng và chính phủ rao giảng lâu nay.

Người dân/khách hàng đã trót sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nào đó, nếu nhà mạng ấy không thương lượng mua bán được với VTV là bị cắt uôn cúp không thương tiếc, mà trường hợp công ty truyền hình cáp HTVC là rõ nhất. Người dân mua dịch vụ của HTVC không có tội gì, nhà nước không thể lấy cớ kinh tế thị trường thuận mua vừa bán của các cơ quan, doanh nghiệp mà bỏ mặc bỏ rơi họ.

Sảy nảy ung

Ấy là tôi muốn nói vụ “nơi sinh” liên quan đến mẫu hộ chiếu mới, được Bộ Công an trần tình giãi bày trước quốc hội, được các ông bà nghị bàn ra tán vào, mười rằm cũng ư mười tư cũng gật, rồi biểu quyết thông qua, nhất trí cao. Chẳng có ai dám mở mồm đặt lại vấn đề tại sao lại thế, tìm ra căn nguyên của lỗi hệ thống này, tìm biện pháp xử lý sai phạm cho tử tế.

Thôi, cứ nói ngắn gọn toạc móng lợn như thế này:

- Tấm hộ chiếu của nhà nước XHCN đã được dân xứ ta dùng lâu rồi, ít nhất cũng gần nửa thế kỷ, cái mẫu cũ ấy. Dù nó trải vài lần thay đổi mẫu mã, kiểu cách, màu sắc, hình dáng, nội dung… nhưng về cơ bản được cả thế giới chấp nhận, thừa nhận. Nó là con lợn lành. Nếu có gì không hay không phải về nó (mẫu cũ) thì cộm nhất ở chỗ, như đức cha Ngô Quang Kiệt nhận xét, nó bị nhiều nơi xem thường coi thường. Nhưng lỗi không phải do nó mà do cái chính thể, đất nước mà nó đại diện.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Hàng rào trong đầu mới là thứ cần dỡ bỏ

Hôm 5.12, báo chí mậu dịch thông tin việc chính quyền Hà Nội sau rất nhiều bàn tính, nâng lên đặt xuống, đã quyết định dỡ bỏ hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất. Dư luận báo chí quốc doanh coi đó là sự đổi mới, đột phá, tiến bộ, cởi mở, là điều đáng khen ngợi.

Nếu Hà thành lịch sử cổ xưa có biểu tượng nổi tiếng hồ Gươm thì thời hiện đại công viên Thống Nhất xứng đáng được coi là “logo” của Hà Nội dưới chế độ mới. Suốt một thời gian dài, tôi chứng kiến và luôn nghe nói, rằng cứ đến Hà Nội, về Hà Nội, thăm Hà Nội… là người ta quyết đi chơi công viên Thống Nhất bằng được, chứ không phải viếng lăng như sau này.

Công viên Thống Nhất có lai lịch khá hay, ai muốn biết cứ vào Gu gồ gõ mấy chữ “công viên thống nhất” thì đọc mệt nghỉ. Chỉ vắn tắt rằng nó được khởi công năm 1958, hoàn thành giữa năm 1961. Khi ấy tôi còn bé tí, đang học lớp vỡ thình, nghe người nhớn kể về nó, chỉ ao ước sau này có dịp lên Hà Nội sẽ đi chơi công viên Thống Nhất. Ao ước ấy chẳng giống văn mẫu phần kết luận các bài văn nghị luận “là thanh niên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em ước nguyện sau này sẽ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Phiếu trắng, trắng tay

Những người đang đại diện xứ này trên trường quốc tế đã bao lần bỏ phiếu trắng, hầu như ai cũng biết cả rồi, không cần nhắc lại.

Nhà kia có hai đứa con trai. Ông bố là người cẩn thận nên làm gì đều hỏi ý kiến con. Việc nào cũng vậy, hỏi thằng lớn, nó ậm ừ rồi bảo tùy bố, bố muốn làm thế nào cũng được, con chả ý kiến ý cò. Hỏi thằng bé, nó luôn nghĩ ngợi đôi chút rồi đề nghị bố phải làm thế này thế này, có lúc còn cãi lại chê bố sai. Ông bố ban đầu hơi phật ý, thậm chí còn mắng nó mày chỉ giỏi lý sự, dám cãi bố, chả như anh mày ngoan, tao làm gì cũng gật. Khi sắp về với ông bà, ông gọi cả hai đứa lại, nói rành rọt của cải tài sản nhà này bố trao hết cho thằng bé, bởi nó đâu ra đấy, rõ ràng đúng sai, chứ vào tay cu nhớn ba phải thì đội nón đi hết.

Nhớ chuyện xưa bởi ngẫm chuyện nay. Liên Hợp Quốc quá rành chuyện Việt Nam bỏ phiếu trắng, chả biết vừa rồi ông tổng thư ký qua chơi có nhắc nhở gì không. Mà nhắc cũng chả xi nhê gì. Những anh chống và trắng hầu hết đều dị ứng với giá trị chung của nhân loại.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Pháp luật trước khi thực hiện sự trừng trị, hãy là thứ pháp luật tử tế

Ấy là tôi muốn nhắc tới vụ việc liên quan ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên. Ổng vừa được tòa sơ thẩm “ưu ái” 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
 
Tội này, án này chỉ dành cho ông, là người thực hiện, thừa hành nghị quyết của tập thể, lệnh của cấp trên, còn những kẻ chủ mưu quyết định thì pháp luật đã cố tình không rờ tới, chỉ giao cho đảng xử lý theo cách của đảng. Người ta cứ nói luật pháp nghiêm minh, công bằng, không có vùng cấm, nhưng qua vụ xử ông Hiến hẳn không phải thế. Dân Nam Bộ có câu “dzậy mà không phải dzậy”, rất đúng với trường hợp này.

Tôi không có quan hệ gì với ông phó Hiến, cũng chả lợi ích gì ở Phú Yên. Tôi chỉ thấm cái tinh thần “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”, thấy có người bị oan sai, có kẻ gây tội được bao che, cuộc sống bất công… thì lên tiếng, cũng như từng nói về Đoàn Văn Vươn huyện Tiên Lãng, làng Hoành xã Đồng Tâm, về cướp đất ở Văn Giang, về trạm BOT trấn lột Cai Lậy… vậy.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Trường

Các bố xứ này cứ vẽ chuyện.

Thực ra, trường nào cũng là trường, chỉ khác nhau lớn hay nhỏ. Trường nhỏ thì một mình, trường lớn thì có những trường con. Vậy thôi.

Với trường hệ đại học, gọi đầy đủ thì nó là trường đại học, gọi tắt thì là đại học. Hồi tôi đi học (gớm, cũng khoe đi học), trường tôi tên đầy đủ là Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng người ta nói với nhau ngắn gọn thì chỉ cần Đại học Tổng hợp Hà Nội, thậm chí Tổng hợp Hà Nội, thậm chí gọn lỏn Tổng hợp, nhưng ai cũng hiểu, mà chả sai gì sất.
 
Ví dụ đi tán gái (tuổi trẻ đứa nào chả biết tán), ẻm hỏi anh gì ơi, anh học trường nào, bẩu, em à, anh học Tổng hợp, thế là đi được 2/3 chặng đường. Vậy đó.
 
Hồi ấy, tất nhiên ở miền Bắc, chỉ có Trường đại học Bách khoa mới dám lườm trường Tổng hợp, được cái con gái Tổng hợp xinh hơn, bởi Bách khoa đã vốn ít nữ, mà những cô xâu xấu (thì hay giỏi về công nghệ, chứ đẹp thường học dốt, do mải liếc giai), mới chọn vào Bách khoa.

Thông báo

 Đã hơn 1 tháng, nhà cháu bị đơn vị cung cấp dịch vụ mạng chặn đứng không cho truy cập blog, kể từ ngày 28.10. Trước đó họ chỉ chặn BBC hoặc Boxit... Chịu không nổi, nhà cháu đã thông báo và hủy hợp đồng với họ và chuyển sang đơn vị cung cấp dịch vụ mạng khác. Và từ trưa nay chủ nhà đã vào lại được nhà mình.

Xin thông báo để chư vị biết và thông cảm cho sự im vắng hơi bị lâu.

Bài đang rất nhiều, có những nội dung của ngày đã qua, nhưng nhà cháu sẽ lần lượt đưa lại hết lên blog.

Chào tất cả mọi người ạ.

Chim sổ lồng ký tên: Thông cào