Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Thế lực thù địch

Trong mồm nhưng người cai trị (cầm quyền, lãnh đạo) xứ này lúc nào cũng có sẵn cụm lời "thế lực thù địch", họ có thể văng ra khi không thích ai đó.

Tôi cũng chả hiểu cái thế lực thù địch ấy là để chỉ đối tượng nào. Trung Quốc thì rõ ràng bạn vàng rồi, "mối tình hữu nghị Việt Hoa/vừa là đồng chí vừa là anh em" nên không thể thù địch được. Mỹ đang là đối tác đáng tin cậy, cũng bị loại khỏi danh sách đen. Nga dù không còn là thành trì vững chắc của cách mạng thế giới thì cũng là vẫn chỗ thậm thụt ra vào, nên chả phải thù địch. Campuchia mặc dù lá mặt lá trái, tuy nhiên như AQ bảo "thứ mày không xứng" chưa thể đạt tầm thù địch. Bọn IS hoặc bin Laden thì ở quá xa, noại nuôn. 

Việt tân việt tiếc là thế lực thù địch nhưng chẳng ai biết nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Nó như thứ nhân vật của một trí tưởng tượng phong phú, vậy thôi.

Vậy thế lực thù địch là ai, chả nhẽ nhân dân, đám quần chúng đông đảo từng "đào hầm từ thuở tóc còn xanh" "lòng dân yêu đảng như là yêu con" lại biến thành thù địch. Không chơi với dân, không sống với dân, thì làm sao tồn tại. Nên nếu bảo dân là thế lực thù địch thì rất vớ vẩn.

Hay là cán bộ? Cũng không phải, chúng có hư hỏng thì cũng chỉ kiểm điểm nghiêm khắc, bắt đi tù là xong, chứ thù địch quái gì.

Vậy là không có thế lực thù địch. Cứ ngồi một chỗ tưởng tượng ra thế thôi, vẽ ra ma, tự nhát mình, họ tự dọa chính mình.

Trong gần hai trăm quốc gia trên quả địa cầu, hầu hết không tự vẽ ra thế lực thù địch, lại càng không có ý coi dân là thế lực thù địch, nên họ cứ ung dung phát triển, ấm no, hạnh phúc, yêu nhau, đi chơi...

Chỉ vài anh loay hoay sợ sệt, đối phó với ma nên đắm mãi trong luẩn quẩn, đói nghèo. Các cụ nhỉ.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Chuyện bút chuyện mực (kỳ 3, cuối)

Nhắc tới bút máy lại nhớ chuyện khắc bút. Hình như có một thời, những năm 1960 – 1970, đó là thứ nghề kiếm sống gắn liền với cây bút, cũng như hồi thập niên 80 - 90 người ta sống bằng nghề bơm mực bút bi.

Khắc bút trước hết phải là người có hoa tay, khéo léo, chất nghệ sĩ. Nghề khắc bút như nghề kim hoàn vậy, rất tỉ mỉ, chính xác tới từng chi tiết. Cây bút thời ấy hiếm, là đồ quý giá, nhất là những bút đắt tiền như Parker, Kim tinh, Anh hùng, nên thợ khắc phải thật cẩn thận, lỡ làm sai làm hỏng thì đền nhọc. Khách hàng khắc bút để tặng nhau, để làm kỷ niệm, cũng có khi thấy người ta có bút khắc thì mình cũng khắc. Chủ cây bút yêu cầu khắc gì, thợ khắc cũng chiều. Khắc tên, khắc hình ảnh, khắc các biểu tượng…, thợ khắc làm tất, cứ theo thứ được thể hiện trên cây bút mà quy ra tiền. Những hình ảnh phổ biến nhất là chim hòa bình (hồi đó người ta gọi chim câu, chim bồ câu là chim hòa bình), hai con sóng đôi, biểu tượng cho hạnh phúc; rồi cây dừa rủ những tàu lá xuống như mái tóc; rồi cảnh hồ Gươm-tháp Rùa… Phần chữ thì thường là Kính tặng, thân tặng ai đó, cũng có khi là Anh yêu em (hoặc Em yêu anh) mãi mãi, cũng có khi chỉ nhắc lại một kỷ niệm, chẳng hạn Kỷ niệm ngày ra trường, v.v..

Trên vỏ nhựa cây bút bé tí, chứa bao nhiêu tâm tư tình cảm, người ta muốn trút hết lên đó. Từ một dụng cụ đơn thuần để viết, cây bút thành một thứ kỷ vật, một thứ “xú vơ nia” vừa mang dấu ấn cá nhân, vừa đặc trưng thời đại. Chả thế, những người lính miền Bắc khi ra trận, nhất là vào chiến trường miền Nam xa xôi, trong ba lô thường có cuốn sổ tay bìa nhựa và cây bút máy. Do điều kiện chiến trường, lính không thể đem theo lọ mực nước Trường Sơn như lúc đi học nên họ gói những gói mực khô, giống như hạt mì chính (bột ngọt), khi nào cần viết lại hòa vài hột, bơm đầy ruột bút. Chàng lính sinh viên Nguyễn Văn Thạc đã cần mẫn ghi nhật ký chiến tranh bằng cách ấy, để lại cho đời những trang viết nồng nàn “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Sau chiến tranh, những đội đi tìm mộ liệt sĩ, quy tập hài cốt thường bắt gặp trong số những di vật còn sót lại có những cây bút máy khắc tên, hình ảnh, đơn vị, quê hương, và đó trở thành đầu mối quan trọng để xác minh lai lịch người đã khuất.

Hầu như các thị trấn, huyện lỵ nào cũng có người làm nghề khắc bút. Ở thị xã, thành phố lại càng nhiều. Và nhiều nhất ven bờ hồ Gươm chốn kinh kỳ. Tôi còn nhớ, những năm đầu thập niên 1970, ngay khu cổng đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc có tới mấy thợ khắc bút. Trong số ấy, đáng chú ý nhất một ông gầy gò, tóc bạc trắng, khắc rất khéo rất đẹp. Đám sinh viên hầu như đứa nào cũng đem bút cho ông lão ấy khắc. Khắc xong, ông dùng chiếc khăn bông nhỏ lau thật kỹ, xoa phấn trắng lên, cây bút vụt biến thành một tác phẩm nghệ thuật, ai cũng xuýt xoa thích thú. Chỉ có điều hơi đắt, tiền công những gần 1 đồng.

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Một lịch sử hãi hùng bị giấu kín và phanh phui (kỳ 2)

Nhớ hôm được người bạn tặng cho cuốn “Kiến, chuột và ruồi”, đang phấn khích thì nhận cú điện thoại của ông bạn nữa. Nhà văn Nguyễn Một (cái tên nghe rất Hy Mã Lạp Sơn), đương đóng chức giám đốc truyền thông của Tập đoàn Trường Hải, gọi bảo có món dồi lợn mán ngon lắm, thích thì mò tới, chứ không ai hơi đâu chiều chuộng đưa đón rước xách được. Đang dở chút việc, định không đi, lại nghe tay Một mở lượng khoan hồng cho tí thông tin nữa, có cả bọ Lập và một số “đối tượng chính sách” thèm dồi. Thế là dẹp tất, đi. Bọ Lập náu tận Củ Chi, mấy khi gặp được lão. Cuốn sách kỳ thư như thế không thể thiếu chữ ký tác giả. Vừa được nhai dồi lợn mán, vừa có vài dòng “lạc khoản”, còn gì bằng.

Sau khi đã làm đầy đủ thủ tục viết viếc ký kiếc trang trọng rồi, tôi hỏi thẳng bọ, sách này chẳng phải dâm thư, cũng không việt tân việt tiếc gì, sao không in nhà in nhà (ấy là lúc đó tôi nhớ cái vế đối ai đó phát ra hồi Tự lực văn đoàn, về sách của nhà xuất bản Thời nay: “Thời nay thời nay in nhà in nhà”, có nghĩa sách của nhà xuất bản Thời nay bây giờ được in ở nhà in của chính nhà chứ không phải nhà in nơi khác). Bọ Lập cười, có chứ, đưa mấy nơi, họ ngại họ sợ, họ có chịu đâu. Cũng có nhà xuất bản “liều” hơn, đã biên tập hoàn chỉnh, đã lên khuôn, chỉ còn cho máy chạy nữa là xong, vậy nhưng tới phút cuối bị ách lại. Không tin cứ hỏi cô Trang đây (bọ chỉ vào cô gái ngồi cùng bàn, cô gật đầu xác nhận). Nào có phải không muốn ta tắm ao ta, cực chẳng đã mà chịu thế thôi.

Tôi thành thật chia sẻ với bọ rằng như thế là may. Đứa con tinh thần mình phải tốn bao nhiêu lao tâm khổ tứ mới có được, rút ruột đau đớn mới đẻ ra từng chữ, nếu vào tay người chức việc, vào mấy nhà xuất bản chỉ biết ngoan ngoãn thực hiện lệnh trên, nhìn đâu cũng ra thế lực thù địch, thì họ sẽ bo cho tròn trịa, cắt tỉa thật lực biến nó thành thứ “văn hóa cao lành mạnh” ế nhan nhản trên các kệ sách kia kìa. Sẽ không còn gì là Nguyễn Quang Lập, là bọ Lập nữa, thậm chí chính con mình, mình cũng không nhận ra, không dám nhận. May quá còn gì, trong cái họa có cái phúc, các cụ xưa truyền vậy.

Điều may mắn, giờ đây chúng ta đã có được cuốn “Kiến, chuột và ruồi” nguyên bản, đúng văn bọ Lập, đúng cái chất của anh chủ trang blog Quê Choa ngày nào.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Một lịch sử hãi hùng bị giấu kín và phanh phui

Bây giờ, thời buổi này, nếu nhắc tới cụm từ “cải cách ruộng đất”, lứa U50, thậm chí U60 trở lại đây hầu như không biết, giả dụ đã từng nghe đâu đó thì cũng rất loáng thoáng láng máng lờ mờ. Nhưng với U70 trở về trước thì đó là thứ quá khứ kinh hoàng, bi kịch, đen tối, thê thảm, đầy máu và nước mắt. Sao lại có sự khác nhau thế nhỉ? Đơn giản là, quá khứ ấy, lịch sử ấy bị ém nhẹm, bưng bít, giấu kín, cố tình lờ đi, bởi nó chính là sản phẩm của chế độ xã hội chủ nghĩa, của những người cộng sản.

Mà chẳng phải chỉ “cải cách ruộng đất”, nhiều sự kiện khác, như “cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm” (1956-1958), “vụ án xét lại chống đảng” (1967-1968), “công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam” (1976-1980), “thời bao cấp” (suốt mấy thập niên từ 60 tới 80)… là những đặc sản mà nhà cai trị ngại nhắc tới. Cứ phải quán triệt quan điểm “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Vậy nên có tình trạng lịch sử, văn chương, báo chí, nhà trường… đều ngó lơ, hời hợt, xuyên tạc, bo tròn, nói chung là không được phép khai thác tỉ mỉ, đào sâu, chỉ vì mấy thứ đó là vùng cấm.

Điều may mắn là lịch sử vẫn còn những kênh thể hiện khác, vượt ngoài sự cấm đoán của cường quyền. Sự kiện cải cách ruộng đất cũng vậy. Những người đã từng tham gia trực tiếp vào “máu và nước mắt”, những người chứng kiến tấn bi kịch, những người được nghe cha mẹ, anh chị kể lại năm tháng hãi hùng… đã dũng cảm vượt khỏi bức màn sắt, làm nhiệm vụ của nhân chứng, của kẻ chịu nạn, của người có lương tri, của cây bút chép sử tử tế. Bản thân tôi từng đọc thứ tài liệu ghê người ấy của sử gia Hoàng Văn Chí, của thi sĩ Trần Dần, thi sĩ Hữu Loan, được nghe người trong cuộc kể về nạn nhân số 1 của cải cách ruộng đất - bà “địa chủ” Nguyễn Thị Năm, nghe các anh chị tôi khi còn bé từng kéo nhau lên tận đầu núi làng Trà Phương quê tôi, nơi đặt pháp trường để coi xử bắn “địa chủ” Tuần Bẳn, rồi về tới nhà vẫn phát khiếp suốt đêm không ngủ được, nghe anh rể tôi là người trong cuộc mỗi lần nhắc tới cải cách ruộng đất là mạch máu trong mắt lại vằn lên dữ dội bởi chính ông cụ thân sinh, bố anh ấy từng nuôi cách mạng, đóng góp nhiều cho kháng chiến, vốn chỉ có vài mẫu ruộng thành phần trung nông nhưng được cách mạng ưu ái đôn lên cho đủ số lượng 5% địa chủ, ép thêm tội hoạt động Quốc dân đảng, bị đấu tố và xử bắn chỉ trong nháy mắt, trước sự chứng kiến của vợ và đàn con “địa chủ”. Tôi cũng từng đọc “Ba người khác” của cụ nhà văn Tô Hoài, “Chuyện làng cuội” của nhà văn Lê Lựu, “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Đèn cù” của Trần Đĩnh…, mỗi cuốn sách, thứ ít thứ nhiều đều làm nhiệm vụ vạch trần tội ác, phanh phui sự thực đen tối bị che giấu. Nhà cai trị đừng nghĩ rằng chỉ cần một lần kéo nhau ra sân vận động Hàng Đẫy, cử vài người đứng ra sụt sịt rút khăn mùi xoa lau nước mắt, nhận lỗi, nhận sai lầm về cải cách ruộng đất là xong. Hàng vạn oan hồn, hàng triệu số phận bi kịch, nhiều thế hệ dai dẳng khổ sở bởi cải cách ruộng đất vẫn đang chờ một sự bạch hóa “cuộc cách mạng long trời lở đất” do chính người cộng sản gây ra trên đất nước mình, càn quét trên số phận dân tộc mình, đồng bào mình.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Chuyện bút chuyện mực (kỳ 2)

Sang đầu thế kỷ 20, khi nho học tàn lụi, Tây học chiếm ưu thế và ngày càng phổ biến thì nhiều thứ bị cuốn theo, thay đổi. Không còn giấy bản, mực tàu, nghiên mực, bút lông nữa, mà người ta dùng giấy tây, mực tây, bút sắt. Chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh thay thế chữ nho, hợp với bút sắt, mực tây. Dòng chảy cuộc sống theo lẽ tự nhiên như vậy, có cưỡng lại cũng không được.

Lứa chúng tôi, học cấp 1, cấp 2 (bây giờ gọi là tiểu học và trung học cơ sở) hệ 10 năm ở miền Bắc hồi thập niên 1960 chỉ dùng bút sắt (do có ngòi bằng sắt) và bút máy. Như đã nói ở phần trước, bút sắt gồm quản bút, ngòi bút (lá tre), chấm mực, viết rất chậm. Chỉ học sinh cấp 1 (từ lớp 1 tới lớp 4) mới dùng loại bút này. Nhưng phải nói rằng, do đặc điểm của bút sắt, nó tạo cho đứa học trò tính cẩn thận. Viết chậm, nắn nót, giữ cho đừng dây mực, lem mực ra sách vở, quần áo. Hầu hết những đứa viết bằng bút này chữ đều đẹp, dễ coi. Ở đây cũng cần nói thêm, ngày xưa, thế hệ học trong nhà trường thời Pháp, gần như chữ viết cùng một kiểu, dù học ở thành thị hay nông thôn, ở tận miền núi phía bắc hay tuốt sâu đồng bằng Nam Bộ. Cùng một kiểu chữ, kết hợp đủ cả sự rõ ràng, dứt khoát, uyển chuyển, chân phương, bay bướm. Và rất đẹp. Giờ đây, mỗi khi có dịp tìm được những văn bản viết tay thời Pháp, không khỏi kinh ngạc sao hồi ấy người ta lại có thể tổ chức được cách giáo dục nhất quán và chất lượng như thế. Đó là điều mà bây giờ chúng ta coi như không tưởng, không thể nào làm được.

Ngòi bút lá tre, dùng một thời gian sẽ bị cùn, mực tháo nhanh, chữ bị xấu, nhòe. Thời thập niên 60, giá bán cái ngòi bút chỉ 5 xu hoặc 1 hào nhưng nếu ngòi bút hỏng hoặc cùn, không phải lúc nào cũng có tiền mua thay. Anh trai tôi khéo tay, biết cách mài lại ngòi bút để nó vừa trơn đừng cào giấy, vừa chảy mực đều. Một lọ mực Cửu Long to bằng nắm tay của Xí nghiệp văn phòng phẩm Hồng Hà có thể dùng được cả học kỳ. Đó là với những đứa cẩn thận, chứ nhiều đứa, chỉ nhìn vào quần áo, sách vở cũng đủ biết chúng nó tốn mực đến thế nào. Tôi thuộc diện hậu đậu, tốn mực, nay đổ mai đổ, bị bu tôi mắng suốt, trong khi đó anh Dinh con dì Được còn biết cách chế ra cả mực để viết, không thèm mua mực Hồng Hà, thế mới tài. Khi chúng tôi hì hục nặn từng hột mùng tơi hoặc quả thèn đen để lấy mực thì tay Dinh đã biết cách đốt vỏ xe cao su lấy muội đen hòa với cồn làm mực. Sau này những năm đầu thập niên 80 tôi có nghe nói ông vua lốp Nguyễn Văn Chẩn ở Hà Nội cũng từng chế mực kiểu này. Nhờ làm lốp xe đạp có chất lượng tốt hơn cả lốp của Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất và làm mực viết mà ông thành đại gia. Ông Chẩn bị chính quyền “đánh” trong vụ Z30, tịch thu hết gia sản, bị đi tù, trong một vụ án kinh tế oan sai tai tiếng một thời.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Đúng sai tại… mồm (nhân nói về chúa Trịnh)

Mỗi dân tộc, đất nước đều có lịch sử. Đó là những sự kiện, con người trôi theo dòng thời gian. Biên chép lại chúng một cách khách quan, thì đó là lịch sử.

Vẫn biết vậy, nhưng xứ này kể từ khi lọt vào tay những người cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp thì lịch sử, cũng như mọi thứ khác, bị nhào nặn trong bàn tay của họ. Nhà cai trị không thèm giấu diếm quan điểm “sử phải có định hướng”, sử phải có lợi cho công cuộc cai trị.

Chính vì vậy, từ năm 1954 tới nay, lịch sử dân tộc bị lấn át bởi lịch sử đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử chế độ xã hội chủ nghĩa. Những gì mà người cộng sản không thích, dù đã là một phần lịch sử, dù tồn tại khách quan, dù xảy ra trước cả “đứa trẻ sinh nằm trên cỏ” hàng trăm năm, vài trăm năm, thì họ vẫn cứ cho nó biến mất, còn nếu có bố thí cho mươi chữ, vài dòng thì cũng chỉ là những lời miệt thị, bêu xấu, lên án, coi thường, hạ thấp.

Họ không biết rằng chính họ đã mâu thuẫn, đã đi vào vết xe đổ, đã tự vả mình, đã làm trò cười cho thiên hạ.

Chỉ nêu ra một thí dụ.

Những người học sử, tìm hiểu kỹ về sử nước nhà, chả mấy ai không biết xã hội nước ta từng tồn tại một hình thức thể chế đặc biệt: Lưỡng đầu chế. Ấy là sau khi Trịnh Kiểm phò nhà Lê thành công, đẩy được thế lực hậu duệ Nguyễn Kim vào tít trong nam, đuổi được tàn quân nhà Mạc lên tận biên giới phía bắc, thì bắt đầu hình thành bộ máy “Vua Lê chúa Trịnh”. Tới khi Trịnh Tùng lên nắm quyền, lưỡng đầu chế tồn tại rõ ràng: Nước có triều đình vua Lê, đồng thời có quyền hành phủ Chúa (Trịnh). Càng về sau, chúa càng lấn át vua. Mọi quyền hành, quyền quyết định đều tập trung vào phủ chúa, từ phủ chúa mà ra.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Tổ chức cán bộ

Lâu nay, Ban Tổ chức trung ương được ngầm coi là cơ quan quyền lực siêu hạng, giống như một thứ triều đình trong triều đình, có quyền định đoạt tất cả.

Có thời, người cầm đầu cái cơ quan siêu hạng ấy còn hơn cả vua, khiến vua cũng phải quỵ lụy, run sợ. Điển hình là ông Sáu Búa Lê Đức Thọ, quyền hành, tác oai tác quái hơn 2 chục năm trời, công với đảng rất lớn (thậm chí cực lớn) nhưng tội với dân và người lương thiện cũng quá nhiều, chặt hết trúc Lam Sơn không ghi hết tội. Tuy nhiên, phải thừa nhận đó là một người có tài thiên bẩm về tổ chức nhân sự.

Càng về sau này, công tác tổ chức cán bộ càng nhí nhố, nhố nhăng, vớ vẩn, tào lao. Nó có "công" góp phần phá nát đảng, làm cho cái đảng mà nó đại diện việc dùng người ngày càng lụn bại. Có thể nói, không ai phá đảng hiệu quả bằng bọn tổ chức và tuyên giáo.

Chẳng biết đứa nào nghĩ ra trò thuyên chuyển cán bộ phạm tội, đang bị điều tra từ chỗ này sang chỗ khác, thậm chí chỗ cao hơn, ngôi vị quan trọng hơn, chức vụ lớn hơn. Chuyển xong, ngồi chưa ấm chỗ thì bắt, thì lôi ra tòa. Rất nhiều vụ như thế, điển hình là 2 trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn. Dù giải thích thế nào đi chăng nữa thì kiểu cất nhắc ấy gây mất niềm tin trầm trọng vào công tác cán bộ, coi việc bổ nhiệm nhân sự như trò đùa, biến một công việc cực kỳ nghiêm túc thành thứ để đùa vui, cười cợt.

Nay gã Triệu Tài Vinh ở Hà Giang đã thành thứ sâu mọt trong mắt và suy nghĩ của dân chúng, với biết bao điều tiếng không hay. Với những con người như thế, hoặc là cần xử lý kỷ luật ngay, hoặc là tạm ngưng mọi chức vụ để làm rõ. Đó là cách giải quyết hợp "ý đảng lòng dân". Giờ cho y làm chức phó lãnh đạo một ban thuộc diện quan trọng nhất của đảng, nếu y cải tà quy chính và làm tốt việc được giao thì cũng may cho đảng (nhưng dân thì vẫn chê cười, đảng hết người hay sao mà phải dùng ngợm), còn nếu thuyên chuyển, bổ nhiệm chỉ để thực hiện âm mưu... bắt thì không còn gì để nói nữa. Mà nếu cố nói ra một lời thì lời đó là "sao ngu gì mà ngu thế".

Gì thì gì, kiểu bổ nhiệm Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Triệu Tài Vinh nhìn phía nào cũng dở cũng thối.

Tôi còn chút thiện cảm với đôi ba người thì mới góp ý như thế, chứ không thì cứ kệ các ông các bà, muốn tan nhanh cũng mặc.

Ông Lê Đức Thọ nếu có đội mồ sống lại, nhìn đám hậu sinh, chắc phải văng câu cáu kỉnh "làm ăn như con đầu buồi".

Nguyễn Thông

Quảng Bình và Bọ Vương (phần 2, cuối)

Nói gì thì nói, dân văn thuộc diện học ít chơi nhiều. Dẫn chứng đâu xa làm chi cho mệt, cùng các dãy nhà C1, C2 khu Mễ Trì, khoa văn chiếm một nửa phía bên ngoài (ngay sát lối đi), còn khoa sử nửa phía trong. Nhà C1 dành cho các thầy cô tầng 2, còn phòng học ở tầng dưới và tầng 3 tầng 4. Nhà C2 chỉ làm ký túc xá cho sinh viên. Đêm đêm, nhìn lên các phòng học phía khoa sử đèn đuốc sáng trưng, bọn sử kéo nhau lên đó ngồi học nghiêm cẩn, ít khi cười đùa. Phòng ký túc xá của họ cũng vậy, yên lặng như trại lính, con muỗi bay qua có thể còn nghe tiếng vo ve.

Còn bên văn, ôi giời. Suốt ngày như cái chợ vỡ. Nếu ta thấy anh chị nào buổi tối sắng sở sách này tập nọ, bóng đèn điện, cuộn dây điện leo lên khu phòng học C1 thì cũng đừng vội tin họ đi học. Làm màu tí thôi, rồi anh chị gặp nhau chỗ nào, ma nó biết. Buổi tối, nhất là thứ bảy, chủ nhật, người ra vào bên khoa văn nườm nượp. Quân ta kéo nhau đi, quân các nơi kéo về. Có khi khách chẳng cần trèo lên gác, đứng dưới bể nước phát vài tín hiệu là xong. Hoặc sân thượng, hoặc chui qua cái lỗ hàng rào phía sau quán nước cô Xuyến con bà bu sang bên sân vận động trường ngoại ngữ, hoặc đường tình thơ mộng giữa cánh đồng chạy tuốt từ Mễ Trì lên Thượng Đình, hoặc nhà thờ Phùng Khoang, hoặc đầm sen gần đài phát thanh, hoặc… Gớm, chỗ chơi của dân văn có mà kể cả ngày cũng không hết. Không chơi bời, đàn đúm, tán tỉnh, yêu nhau, hạnh phúc, dỗi hờn, tan hợp, hợp tan, không phải dân văn. Thế mới hay chứ lị.

Đã chơi nhiều thì đương nhiên học ít. Mà học ít thì làng nhàng. Hầu hết cứ đủng đà đủng đỉnh, tới mùa làm khóa luận, luận văn mới vắt chân lên cổ. Tôi nhận thấy phần đông như vậy, kể từ đám loi choi như tôi, thằng Bá Tân, thằng Bính, thằng Đồng, thằng Ba, thằng Tửu, tới những đấng bậc như các bác Trọng Cường, Huy Cờ, Nam Việt, Quang Thuật, Xuân Sang... Nói nhỏ, chính các đấng này ăn chơi mới khiếp, đàn em theo được còn mệt.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Quảng Bình và Bọ Vương

Hình như con người ta càng về già càng lẩn thẩn. Mà cũng có khi không hẳn vậy, biết đâu chỉ riêng mình thế thôi.

Chả biết các bác ra sao, chứ nhà cháu dạo này hay ngồi thừ ra, rất giống nhân vật trong “Nhật ký người điên”, lẩm nhẩm đếm, tính, rà soát lại những thứ những điều đã đi qua cuộc đời mình. Hôm vừa rồi chẳng hạn, bới móc thế nào tòi ra cái ảnh lớp K17 mình chụp từ hồi cách nay đã gần 44 năm, buổi chia tay chuẩn bị tan đàn xẻ nghé. Rồi ngẩn mặt tự bảo, trong lớp ta, đông nhất là dân xứ Thanh. Chỉ riêng các ông các bà Thanh Hóa đã hơn một tiểu đội. Thằng Bá Tân xứ Nghệ từng có lúc ghen tị rằng bên Tàu có đại học Thanh Hoa, bên ta có đại học Thanh Hóa. Mình an ủi nó, đám đồ Nghệ chúng mày cũng chả vừa. Nó cười khì. May ở chỗ, xứ Thanh có 23 huyện, nếu mỗi huyện chiếm một chỗ của lớp Văn K17 thì có khi đếch tới suất mình.

Vị trí thứ 2 sau tỉnh Thanh quê thằng Xuân Ba, cái Bé thuộc về Quảng Bình. Ai đời, đánh nhau chí chóe, bom đạn rầm trời dậy đất như thế mà vẫn học ra trò, rồi lũ lượt kéo nhau, đứa thì diện xe hỏa, đứa đi ô tô, đứa đạp xe đạp, thậm chí nghe nói có đứa lội bộ 600 cây số từ Quảng bọ ra Hà Nội, rồi lội tiếp qua Đông Anh, Yên Viên, Từ Sơn mò về đất Yên Phong huyện, Yên Trung xã, Sát Thượng thôn để nhập học. Mùa đông năm 1972 rét tê người, chỉ riêng việc chúng nó từ Quảng Bình bất chấp thời tiết và bom đạn đánh ra Bắc chiếm được một suất E72 (hộp thư khoa văn ký hiệu E) cũng đủ cho thấy chúng hơn người.

Cứ cái vệt nhớ của mình thì các con bọ gồm: trưởng lão Hoàng Sĩ Chiến, rồi Lương Ngọc Bính, Trần Ngọc Vương, Phạm Xuân Hoàng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Mét, Nguyễn Thị Nam, và có thể kể thêm mấy anh hùng Vĩnh Linh (coi như thuộc đất Quảng Bình bấy giờ) là trưởng lão Lê Tài Thuận, Nguyễn Đăng Thành, Hoàng Thanh Chương. Đông khiếp. Thời ấy, hầu như đứa nào cũng biết bài hát của Xuân Giao, “Khi bình minh đang lên hồng chân mây/Xóm chài ta vui lên đường ra khơi/Ta chào quê hương ngói đỏ ven bờ/Quê nhà thân yêu thôn xóm mong chờ… Ớ ơ Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình”. Bài Quảng bọ quê ta ơi của cụ Hoàng Vân lại càng nhiều đứa thuộc. Ông anh giai mình có cuốn sổ tay chép bài hát, chỉ riêng về bài Quảng Bình – Vĩnh Linh đã hơn chục, bài nào cũng hay. Quê thế mới là quê, đâu như quê mình, mãi mới tòi ra được bài hoa phượng đỏ.