Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Vĩnh vẽ phía sau màu

Mấy bữa ni miền Trung mưa bão liên miên. Sài Gòn phương nam vẫn nắng ráo nhưng ngại bước ra ngoài. Biết đâu ông giời nghĩ lại, cân đối thiên tai cho công bằng, đổ vài trận mưa ngập đường ngập sá lại chẳng vất vả bì bõm ư. Chiều, nhận được tin nhắn của Vĩnh, anh à, nếu anh rảnh ghé triển lãm Vọng, tối nay, 6 giờ, tại Mai House đầu đường Ngô Thời Nhiệm, anh nhé.

Bận bịu là thế, y còn nhớ tới mình. Tổ chức triển lãm ghi dấu một chặng đường nghệ thuật, quy mô không nhỏ, cực tốn kém, phải để mắt tới từng li từng tí, đâu phải chuyện chơi. Nhưng Vĩnh trẻ, sức trẻ ngông cuồng, mọi thứ cứ băng băng. Lại được sự giúp đỡ tận tình từ bạn bè, từ các đàn anh tri kỷ, nhất là Lý Đợi và Lê Hải, cuộc trưng bày Vọng, theo lời người dự mà tôi nghe lỏm được, trên cả tuyệt vời. Tôi định ghé tai Vĩnh thì thầm, kiểu như người ta hay nói về các đại hội đảng, rằng Vọng ngay từ phút mở màn đã “thành công tốt đẹp”, nhưng rụt lưỡi kịp, bởi dùng cái câu thành ngữ sáo mòn ấy dễ bị sái cho gia chủ.

Tôi gặp Vĩnh lần đầu tại nhà đàn anh Nguyễn Khắc Nhượng. Cụ Nhượng (bọn đầu bò chúng tôi hay lếu láo gọi thân mật anh bằng cụ) là sếp trực tiếp của tôi hồi còn làm báo TN. Hôm í, nhân cơ hội vàng bà xã đi vắng sang chơi với cháu nội, cụ có mấy món đặc sản miền Trung người nhà vừa đem vô, rượu ngon hơi bị sẵn, liền thổi còi triệu tập vài anh em thân tín. Tôi tham ăn, nhanh nhảu tới sớm nhất. Một lát sau là Lê Hải, nhìn thoáng là nhận ra ngay bởi đã… nhẵn mặt trên phây búc. Kẻ cuối cùng là cậu thanh niên da ngăm đen, lún phún tí ria mép, mặt chữ điền can trường quắc thước, giọng trọ trẹ vùng ngoài, ôm một hộp giấy dẹp rõ to. Tôi ngượng nghịu bắt tay chào (tính tôi vốn thế, cứ gặp người lạ, dù đàn ông hay đàn bà, nhất là người trẻ, là ngượng nghịu lúng túng), cụ Nhượng giới thiệu đây là Thông, còn đây là Vĩnh, họa sĩ Trần Thế Vĩnh. Mọi ngăn cách được xóa bỏ thật dễ dàng.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp

Con người ta, phàm làm việc gì luôn muốn đạt kết quả theo ý mình. Việc lớn việc nhỏ đều vậy. Cái kết quả ấy được gọi là thành công. 

Thành công là từ gốc Hán Việt. Thành có nghĩa xong, kết thúc. Thành tựu là xong việc (tựu), hoàn thành là xong xuôi trọn vẹn (hoàn). Công nghĩa là việc, công cụ là đồ dùng (cụ) để làm việc, công hiệu để chỉ kết quả (hiệu) của việc làm. Thành công, hiểu ngắn gọn và chính xác, tức là một công việc được làm, được tiến hành có kết quả như ý. Kết quả đầy đủ, trọn vẹn thì được coi là thành công tốt đẹp.

Đối lập với thành là bại (thua, hư, hỏng). Bại trận là thua trận, bại tướng là tướng thua trận, bại vong có nghĩa không chỉ bị thua mà còn mất, chết (vong). Văn cổ có câu “bại liễu tàn hoa”, tức cây liễu đã héo, đóa hoa cũng tàn. Cô gái đẹp ngày xưa được ví với cây liễu, bông hoa, vì vậy bại liễu tàn hoa để chỉ đời người con gái gặp sự không may, ê chề, đời bỏ đi, những cô ca kỹ - lầu xanh. Người ta cũng thường nói với nhau thành bại là sự thường, có khi thành, có khi bại, chớ lấy thành bại mà luận anh hùng. Chả ai có thể thành công cả đời, cũng như không ai cả đời thất bại. Đó là thứ quy luật, lẽ tự nhiên, vấn đề ở chỗ có dám nhìn thẳng vào nó hay không.

Người xưa suy nghĩ về thành bại rất tỉnh, rõ ràng, hiểu cơ trời và ý chí con người. Đạt được thành công, cổ nhân không nông cạn vơ tất cả về mình. Cụ Nguyễn Trãi kết bài “Cáo bình Ngô” bằng lời rất đáng suy ngẫm “Muôn thuở nền thái bình vững chắc/Nghìn thu vết nhục nhã sạch làu/Âu cũng là nhờ trời đất tổ tông linh thiêng âm thầm phù trợ mới được như vậy”.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Giáo dục loạn sứ quân

Hôm 23.10, báo chí ồn ào thông tin vụ Tổng liên đoàn Lao động cách chức hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng của ông Lê Vinh Danh. Đây là cái kết đã được báo trước, với sự toa rập của các thế lực đang nắm quyền. Nhiều tờ báo mậu dịch cũng hả hê với kết quả này bởi không nịnh chính quyền thì nịnh ai.

Sự đúng sai của vụ việc có khi phải mất nhiều thời gian, thậm chí vài chục năm, mới rõ ràng. Xứ này đã quá nhiều chuyện nay đúng mai sai, nay được tung hô, mai bị dập vùi, nay chịu xử tệ, mai lên đài vinh quang. Đó là biểu hiện của thời loạn, không có chân lý, chỉ có bạo quyền.

Điều tôi muốn nói liên quan tới vụ “trường Tôn Đức Thắng” là về sự tồn tại phi lý trong giáo dục đã kéo dài quá lâu, chung quy cũng bởi quyền và tiền, chứ không phải cho mục đích giáo dục.

Trong một chế độ, một nhà nước pháp quyền, mỗi lĩnh vực đều có cơ quan trung ương được lập ra để làm nhiệm vụ tổ chức, quản lý, điều phối, nắm mọi hoạt động, chịu trách nhiệm trước chính phủ. Về y tế có bộ y tế, về xây dựng có bộ xây dựng, về giao thông có bộ giao thông, về pháp luật thì bộ tư pháp, về quan hệ với nước ngoài thì bộ ngoại giao, về giáo dục có bộ giáo dục…

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Nghị định còng số 8

Một số ông bà quan chức, đại biểu quốc hội, lãnh đạo mặt trận hoặc hội chữ thập đỏ... cứ loanh qua loanh quanh, không nhìn thẳng vào sự thật. Họ nói lấy được, như xưa nay đội ngũ của họ vẫn làm thế.

Họ biết là không thể phủ nhận những hoạt động từ thiện cứu trợ rất đáng ca ngợi của cô Thủy Tiên (họa có là kẻ khùng mới làm vậy) nhưng lại không dám vạch ra sự lỗi thời, vô lý, bất nhân của cái nghị định 64/2008. Họ sợ mất lòng nhà cai trị, hay nói đúng hơn họ sợ mất cái ghế của mình. Đám ấy lý sự cùn bảo rằng trường hợp Thủy Tiên nằm ngoài quy định của nghị định.

Xin các ông bà quan chức đọc lại điều 5 của nó xem nào. Đây này:

"Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Nhân tai

Ghét thủy điện (bởi nó gây không ít tai họa cho xứ này), không có nghĩa ghét bỏ cả những người đi cứu dân lao động làm thủy điện đang gặp nạn.

Lúc thiên tai địch họa, mạng người tính bằng phút bằng giờ, treo đầu sợi tóc, đừng đòi hỏi người đi cứu phải có kinh nghiệm, chuyên nghiệp, dù rằng nếu có vẫn tốt hơn.

Cũng đừng lấn bấn nghĩ tướng, chủ tịch huyện mà vào đó làm gì. Nếu không vào, sẽ bị nhận ngay nhiều lấn bấn khiếp gấp bội: Tại sao tướng không vào, cán bộ to không vào, lại chỉ để lính xông vào chỗ chết, v.v..

Thôi thì thiên hạ chín người mười ý, nhưng qua vụ 13 nhà chức việc (11 sĩ quan quân đội, trong đó có cả tướng phó tư lệnh; cả chủ tịch huyện) hy sinh thương tâm khi thi hành công vụ (nhân đây tôi cũng góp ý với T.Ư đoàn rằng, tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" thì cứ tặng, nhưng đừng nêu cái lý do "lập công xuất sắc", ở đây chỉ có chết tang thương chứ không kịp lập công quả gì mà xuất với chả sắc, đang ngủ mà lập công với ai), phát lộ rõ ra điều cực kỳ đáng buồn:

-Chưa bao giờ con người thiếu lòng tin vào con người (nhất là người nhà nước) thê thảm như bây giờ, thiếu sự trân trọng điều tốt đẹp như bây giờ.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Chuyện đi học đầu đời

Nhân thế gian đang um xùm vụ học lớp 1, sực nhớ ngày xưa cũ.

Hồi xưa ở miền Bắc, lứa sinh từ giữa thập niên 50 trở về sau tới thập niên 70, trước khi vào lớp 1 (hệ 10 năm theo kiểu Liên Xô) đều phải mất 1 năm tới lớp hẳn hoi để vỡ vạc chữ quốc ngữ (tiếng Việt). Khóa đào tạo đặc biệt ấy được gọi là lớp vỡ lòng. Ông anh họ tôi vốn hiệu trưởng trường cấp 1 xã, đùa bảo là lớp vỡ thình, ví như con chim non suốt tháng đầu được bố mẹ bón ăn, tới khi vỡ bọng cứt (thình là cái bọng cứt) thì mới có thể ra ràng bay khỏi tổ được. Nửa năm đầu học vần (tên gọi vỡ lòng), nửa năm cuối học viết chữ (tập chép).

Gõ đầu bọn trẻ ranh là thứ việc cực kỳ vất vả. Chúng là loại đối tượng rắn mày rắn mặt, còn khó dạy hơn cả thế lực thù địch bây giờ. Đứa nào đứa nấy mắt đầy dử (trong Nam gọi là ghèn), mũi thường trực thò lò hai dòng xanh lè, chốc đầu tinh những gầu và chấy, hay đánh gãy bút chì, uống nước lã thành thần, có đứa còn lén giấu khoai sống đem vào lớp ăn. Ngủ gật hơn cả đại biểu quốc hội. Trốn học như ranh. Gần như không đứa nào tử tế, mà dính đầy phốt, thậm chí quá nhiều tiền án tiền sự (đánh nhau, vặt trộm ổi táo nhà người ta, ném nhãn đình, tuốt đòng đòng ruộng hợp tác, mải chơi để trâu ăn mạ, đi rình ngó trộm các đôi trai gái ngắm trăng bên bờ cừ…).

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Tự chủ đại học

Ở xứ này, đã thành thứ lệ ngầm, khi “người ta” nói cái gì, chỉ cần hiểu ngược lại sẽ có kết quả đúng. Chẳng hạn họ nói dân chủ gấp ngàn lần, sống và làm việc theo pháp luật, tự do báo chí, quyền của người dân được tôn trọng, nói công cuộc chống tham nhũng ngày càng thắng lợi, người dân tuyệt đối tin yêu đảng, v.v.., cứ hiểu theo cách ấy, chả cần phải lăn tăn nghi ngờ gì.

Chuyện họ rao giảng về tự chủ đại học, có nhẽ cũng nên nhìn như vậy. Nói tự chủ mà không phải tự chủ, thế vẫn là tự chủ. Triết học An Nam quẩn quanh tù mù khiến thiên hạ chả biết đâu mà lần.

Các ông các bà ấy, ý tôi muốn chỉ các đương sự, từ bộ chính trị, trung ương, chính phủ, bộ học tới các trường… gần đây luôn ra rả về tự chủ đại học. Sau bao năm trói chặt, thực hiện cơ chế bao cấp ngành giáo dục nói chung, đại học nói riêng, họ làm như đã phát kiến, khám phá ra chân trời mới, hô hào phải tự chủ đại học, cởi trói cho đại học, đưa đại học lên tầm cao mới. Tuy nhiên họ chỉ nói nhưng không làm, nếu có thí điểm một chút thì, như lão hàng xóm nhà tôi nhận xét, vừa đéo vừa run. Cái tâm thức, thói quen lệ thuộc, sợ sự đổi thay (không biết đổi thì sẽ như thế nào) bám chặt vào bộ não khô cứng rồi, dễ gì mà dám tự chủ, cởi trói.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Quốc pháp

Tỉnh ủy Tuyên Quang, nhất là ông bí thư tỉnh, và những đảng bộ địa phương nào khác đã và đang có ý định may đồ vía, "áo quan" cho các đại biểu dự đại hội đảng (cứ nghe đến đại hội đảng là đã sởn gai ốc rồi) cần thành khẩn khai báo đã đôn giá lên bao nhiêu phần trăm, tham nhũng chiếm đoạt bao nhiêu tiền. Cả vụ 11 chữ ở Hòa Bình nữa. Cả vụ cặp da ở Quảng Bình, vụ bình tài lộc ở Quảng Trị, vụ quà ở Hà Tĩnh...

Cứ hình dung mà coi, trên mạng, cụ thể là trên phây búc này, những nhà may nổi tiếng (như một địa chỉ có tên OMEN chẳng hạn) mời mọc khách may nguyên bộ complet thật xịn, vải ngoại cực tốt, may cực đẹp, giá hàng trao tay chỉ 990.000 đồng (tức chưa đầy 1 triệu), lại tặng thêm chiếc cravate xịn nữa. Còn giá "áo quan" của Tuyên Quang những hơn 6 triệu, thế thì chúng ăn trắng trợn còn gì mà chẳng chửi.

Công an cần vào cuộc điều tra những vụ tham nhũng trắng trợn như thế, chứ đừng để dư luận, báo chí (như tờ báo Một Thế Giới chẳng hạn) phát hiện, phanh phui, lên tiếng, rồi để họ lí nhí vài câu này nọ là xong. Quốc pháp đâu phải chỉ đem xử đám dân đen ăn cắp con vịt, cái bánh mì, chiếc mũ, mà chính phải đem áp dụng với bọn tham nhũng này.

Đảng và đảng viên cũng chỉ là một bộ phận của xã hội, đừng coi đó là vương quốc riêng, bất khả xâm phạm, đóng cửa trong nhà bảo nhau. Phải bình đẳng trước pháp luật. Khi đã coi quốc pháp có khe hở thì dân sẽ chẳng xem quốc pháp là cái đinh gì nữa.

Nguyễn Thông

Nền giáo dục thụt lùi

Thỉnh thoảng dư luận xã hội lại rộ lên những chuyện về giáo dục, đủ mọi buồn vui, nhiều điều cười ra nước mắt. Nào quan chức quản lý giáo dục chẳng khác chi bụt đất, lúng ta lúng túng trong chiếc áo cơ chế, không có cách nào đột phá, thay đổi được những trì trệ hủ bại đã tồn tại suốt mấy chục năm. Nào trường không ra trường, lớp chả ra lớp, thầy chẳng ra thầy, trò cũng không ra trò. Nào thi cử lằng nhằng tốn công tốn của mà tiêu cực vẫn hoàn tiêu cực. Nào chương trình lạc hậu, sách giáo khoa độc quyền bòn rút túi tiền dân, giáo sư tiến sĩ giấy nhiều như lợn con vẫn chẳng nên cơm cháo gì… Bao nhiêu thứ xám xịt bôi lem bôi luốc bộ mặt giáo dục nước nhà, kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Đôi khi ta nghe chút ai đó ngậm ngùi khi so sánh nền giáo dục của chế độ này với giáo dục thời thuộc Pháp hoặc thời Việt Nam cộng hòa. Cũng khó nói bởi “không có cái gì là toàn vẹn”, nhưng phải thừa nhận giáo dục cộng sản thua kém rất nhiều, nhất là so với thời Pháp. Nền giáo dục vốn bị cộng sản coi là thực dân, vong bản, mất gốc ấy đã tạo nên những cột mốc tày tặn, giá trị vững chắc cho đất nước này, mà không biết đến bao giờ mới lập lại được. Học vấn của những người ngồi trường Pháp, có nhẽ chả cần bàn cãi nhiều. Nền tảng đạo đức được tạo dựng ở mỗi con người, cũng không cần bàn. Tôi chỉ đưa ra một tiểu tiết để thấy cách giáo dục thời Pháp rất tuyệt vời: tất cả những ai học trường của nhà nước khi ấy, dù ở bất cứ đâu trên đất Việt, đều giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, và độc đáo nhất là chữ viết đều rất đẹp, giống nhau y đúc, bất kể do thầy nào dạy. Tôi cam đoan, nền giáo dục bây giờ, với những ông trùm như ông Nhân ông Nhạ, thì một tỉ năm nữa cũng không thể làm được “tiểu tiết” ấy.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Ghét và thương

Cụ Nguyễn Đình Chiểu từng viết “Ghét đời U Lệ đa đoan/Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần/Ghét đời Ngũ bá phân vân/Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn”.

Tình trạng tham nhũng trong xã hội, xét cho cùng do chính bộ máy cai trị, cầm quyền. Đó là tầng lớp cán bộ hư hỏng, đặt cái tôi ích kỷ lên trên tất cả. Dân và nước không là gì đối với chúng. Đáng buồn ở chỗ loại này hơi bị nhiều, càng ngày càng nhiều, chống không xuể.

Đành rằng nước nào chẳng có tham nhũng, thời nào chẳng có tham nhũng, nhưng tham nhũng thành quốc nạn, thành dịch như ở xứ ta và bên Tàu thì ít nơi có. Để cả bộ máy cầm quyền hư hỏng thối nát như thế, trách nhiệm thuộc về “đảng lãnh đạo toàn diện”. Dân đâu có quyền, mà dân cũng chả có điều kiện tham nhũng. Chỉ những người mơ hồ, nhẹ dạ mới khen công cuộc chống tham nhũng của thể chế. Đúng ra phải lên án, rằng tại sao lại sinh ra những kẻ khốn nạn như vậy. Chúng là con đẻ của thế chế chính trị, đẻ ra quái thai mà lại còn được khen là sao.