Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Một thế hệ không có Kim Dung

Nhà văn Kim Dung, bậc thầy tiểu thuyết kiếm hiệp, không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới, qua đời hôm 30.10, nhằm ngày 22 tháng 9 lịch âm, khi đã 94 tuổi. Với đời người, theo niềm mong mỏi của nhân sinh đạt tới “bách niên, trăm tuổi” thì sống thế đã được coi là chạm ngưỡng.

Truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết kiếm hiệp-võ hiệp, được dân xứ ta gọi nôm na là truyện chưởng. Chưởng là võ, một môn võ, động tác võ đánh bằng tay. Chưởng môn tức là người đứng đầu đầu môn phái võ, lò dạy võ nào đó. Khi ta giận ai, buột mồm “tao cho mày một chưởng bây giờ”. Từ này (chưởng) ở miền Nam trước năm 1975 nghe rất quen, phổ biến, nhưng ở miền Bắc gần như không có trong từ điển và đời sống.

Bây giờ, nhắc tới Kim Dung và truyện chưởng, rất nhiều người biết, bất kể trẻ hay già. Kim Dung và tác phẩm của ông đã thành một phần trong đời sống nên với số đông là cực kỳ gần gũi. Điều rõ thấy nhất, sau khi ông qua đời ngày hôm qua, những thông tin về ông, tác phẩm của ông tràn ngập trên mặt báo và mạng xã hội. Nhiều người được dịp bày tỏ niềm say mê Kim Dung và truyện chưởng Kim Dung, hồi tưởng những kỷ niệm với ông, những ấn tượng về cuốn sách, nhân vật này nọ. Một trời thương tiếc, thương nhớ Kim Dung. Kiếp người, khi ra đi, để lại khoảng trống vắng và tình yêu vô hạn như thế, quả thật trên đời không dễ mấy ai.

Nhưng thú thực, nếu có ai cắc cớ hỏi tôi, rằng kỷ niệm về đại thụ văn chương Kim Dung, về truyện chưởng của ông thế nào, tôi tắc tị. Đó là sự thực. Dường như không chỉ có mình tôi, mà cả một thế hệ, thậm chí vài thế hệ. Tuy nhiên, phải nói rõ, đám ấy sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trong suốt mấy thập niên từ 50 tới 80 thế kỷ 20, và ở miền Nam một thời gian dài sau năm 1975. Chúng tôi là thứ sản phẩm lỗi, không hoàn chỉnh của một thời đại, một chặng đường dài khi đất nước bị chia cắt và chiến tranh, chịu một quan niệm văn chương bị chính trị tư tưởng chi phối, ràng buộc vô cùng chặt chẽ, thậm chí vô lý, nghiệt ngã.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Chuyện hầm đèo Hải Vân và hầm chui sông Sài Gòn

Việc ban quản lý đường hầm Hải Vân đang nợ tiền điện mấy tỉ đồng, không có tiền trả, dư luận bảo có nguy cơ đóng cửa hầm, v.v.., điều đó nói lên cái gì?

Trước hết, trong thời kinh tế thị trường, kinh doanh thế nào mà để nguy cơ lụn bại vậy, tức là những người quản lý rất kém.

Hầm đường bộ xuyên Việt Hải Vân không thể coi là thứ hàng đem ra kinh doanh lời lỗ mà là cơ sở vật chất thiết yếu của quốc gia, liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, làm sao có chuyện đóng cửa hầm được. Nhà nước cần phải xắn tay vào vụ này, đâu thể phó mặc cho những doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, dù đó là doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng không được lấy lý do bù lỗ cho hầm Hải Vân rồi tùy tiện đặt trạm thu phí ở Nam Hải Vân - quốc lộ 1, nơi không liên quan gì tới đường hầm. Đừng nghĩ cứ chỗ nào khó thì chỉ việc lôi dân ra mà hành, móc túi dân để bù lại.

Một đường hầm như hầm Hải Vân rõ ràng là cần thiết. Chui trong núi thì phải dùng điện, tốn chi phí điện là điều bắt buộc. Cần tính đúng tính đủ những chi phí để có mức phí qua hầm hợp với cả đôi bên (nhà đầu tư và người sử dụng), đồng thời nhà nước phải có sự hỗ trợ cho công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng-an ninh... này.

Từ vụ hầm Hải Vân nợ tiền điện, sực nhớ cái hầm qua sông Sài Gòn. Nhiều người thích cái hầm hiện đại ấy nhưng tôi cho rằng đó là thất sách. Nhật Bản viện trợ không hoàn lại toàn bộ chi phí làm hầm (chính vì thế xứ ta không được phép lập trạm thu phí lưu thông qua hầm), nhưng quá trình khai thác, sử dụng lại rất tốn kém, độ an toàn cũng không cao. Mỗi ngày tốn biết bao nhiêu là điện cho cái hầm chui sông hoạt động, nào thông gió, nào chiếu sáng, nào máy bơm, nào an ninh, nào vận hành này nọ. Nếu xây một cây cầu, chi phí chắc chắn sẽ ít hơn so với làm hầm, và nhất là quá trình sử dụng sẽ giảm chi phí rất nhiều, bởi gần như suốt ngày từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối không phải chiếu sáng, cũng không phải thông gió (thừa gió trời thì thông cái quái gì), chả cần bơm biếc, mà theo dõi an ninh cũng thuận tiện.

Nói chung, xứ ta cứ thích là nhích, chẳng cần tính chuyện lợi hại, các cụ nhỉ.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Sử và những góc khuất

-Khi đảng tiến hành cuộc cải cách ruộng đất "long trời lở đất" (1953-1956), người của đảng đều khẳng định đó là cuộc cách mạng vĩ đại, sáng suốt, đúng đắn, không thể đảo ngược.

Chỉ 1 năm sau, chính đảng phải thừa nhận đã phạm sai lầm, tiến hành sửa sai, phải cử người đứng ra sụt sùi khóc lóc, kỷ luật người này người khác, cách chức tổng bí thư của ông Trường Chinh...

Lúc tiến hành cải cách ruộng đất, ai cưỡng lại bị cho là thành phần chống đối, thậm chí bắn bỏ. Đảng không cho phép ai chê đảng sai, dù sau này họ thừa nhận rất sai.

-Để bịt mồm văn nghệ sĩ, dập tắt khát vọng tự do trong cuộc sống cũng như trong văn nghệ, đảng khởi động cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm (1956-1958), trừng trị oan sai biết bao nhiêu người chân chính, tài năng văn nghệ, đàn áp khốc liệt tư tưởng và tâm hồn con người, "đem bục công an đặt giữa trái tim người". Khi đó, ai phản đối chủ trương đàn áp của đảng đều bị quy kết là chống đối, bị ông Tố Hữu và đảng của ông ta gộp chung vào nhóm Nhân văn giai phẩm, kẻ thù của cách mạng, gọi họ là đĩ điếm, ma cô. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn hóa bị kết án, đi tù. Đảng tuyên bố đó là chủ trương đúng đắn để làm trong sạch văn nghệ dân tộc.

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Định hướng

Mấy ông lý luận bắc cho tôi hỏi: Các ông nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy "định hướng xã hội chủ nghĩa" là cái gì?

Nếu các ông giải thích đó là sung sướng, đầy đủ, hạnh phúc, vật chất dồi dào, xã hội công bằng... thì tôi lại hỏi các ông: Thế những nước làm kinh tế thị trường không có định hướng như Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ, Singapore... nó chỉ cốt cho dân nó khổ, nước nó nghèo chắc. Chỉ có các ông mới là tốt đẹp chắc?

Hãy mở to mắt nhìn ra ngoài, xem người ta không có định hướng thì người ta phát triển thế nào, dân chúng no đủ hạnh phúc ra sao, rồi nhìn ngoặt về xứ này, coi có định hướng chịu thảm cảnh khổ nghèo ra sao. Nhìn vào thực tế, đừng lý luận lý liếc nữa, chối bỏ mẹ.

Tôi nói thẳng, dẹp mẹ nó cái đuôi khỉ định hướng đó đi để rút ngắn thời gian cho dân được mau chóng no ấm. Đời người chỉ sống có một lần, cứ đem hết thế hệ này đến thế hệ khác ra thử nghiệm, tàn ác, vô nhân đạo lắm.

Cả thế giới đi trên đường lớn, riêng mình cứ chui rúc hẻm nhỏ chật chội tối tăm cùng đường, vậy mà cứ vác mặt vênh lên, chả giống ai.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Xứ này làm kinh tế

Tôi vừa đọc cái tin, rằng xe buýt ở Sài Gòn bị lỗ nặng. Mỗi năm lỗ hàng trăm tỉ đồng. Chủ các tuyến xe buýt kêu như vạc dù đã được bù lỗ phần nào. 

Tôi không nắm rõ ở Hà Nội thì thế nào, nghe nói có khá hơn, đông người đi hơn, chứ ở Sài Gòn thì chính mắt tôi nhìn thấy hằng ngày, nhất là các tuyến xe buýt 45, 91 chạy về bến xe quận 8. Tạo hóa gây chi cuộc hí trường, ngó những chuyến xe buýt lèo tèo vài khách, thậm chí cứ nhong nhong chạy không, thật cám cảnh.

Nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, nhưng phần lớn không đi xe buýt. Có nhiều lý do, sẽ phân tích sau trong một bài khác.

Mỗi chiếc xe buýt kềnh càng chạy trống không hoặc ít khách, không chỉ tốn công tốn sức con người, tốn xăng dầu, mà còn chiếm rất nhiều diện tích đường. Những nhà quản lý kinh tế xứ này cóc cần biết điều đó, với họ, cứ có xe buýt chạy trên đường là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Thậm chí có hồi các nhà sản xuất muốn được quảng cáo trên xe buýt, nhưng chính quyền vẫn nhất quyết không cho, bảo rằng xe là xe, đó không phải chỗ để quảng cáo. Thật hết biết.

Đường sá xứ ta chật chội, nhu cầu dân chúng đi lại rất linh hoạt, rất cao, cần có loại hình phương tiện chuyên chở phù hợp. Tôi cho rằng không thứ xe vận chuyển công cộng nào hợp hơn loại xe chục chỗ trở lại. Như xe lam Lambretta, xe khách nhỏ Daihatsu của miền Nam hồi trước năm 1975, hoặc như xe tuk tuk bên Thái Lan. Chạy như mắc cửi. Nhanh, thuận tiện, tới đâu xuống cũng được, không phải chờ đợi lâu. Vé rẻ, hợp túi tiền bình dân. Không chiếm đường. Phù hợp đô thị. V.v..

Nhưng các nhà cai trị cứ muốn tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phải to như xe buýt, thế mới xứng đáng. Họ thẳng tay dẹp bỏ xe lam bởi đó là tàn dư của "ngụy". Họ làm kinh tế theo kiểu thích thì làm, còn hay dở thế nào mặc kệ. Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi.

Xe buýt lỗ chỏng gọng. Vậy thì tại sao không rà soát lại, tuyến nào vẫn đông khách, đáp ứng được nhu cầu đi lại của đông đảo người dân thì duy trì; tuyến nào thưa thớt, lèo tèo, vắng khách, xe chạy không thì cần tổ chức lại. Hoặc bỏ, hoặc thay thế bằng xe phù hợp. Thế mà là tư duy kinh tế.

Cho những cái đầu ỷ lại vạch đường đi lên chủ nghĩa cộng sản, chắc đích cũng sắp tới nơi rồi, chỉ có điều đó là cộng sản nguyên thủy mà thôi.

Sao mà thương nhớ cái xe lam tôi từng đi trên đường phố Sài Gòn đầu năm 1977 đến thế.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Nên xem xét lại một cách toàn diện Luật An ninh mạng

TRƯƠNG HUY SAN (tức Huy Đức, nhà báo)

Khác với người tiền nhiệm, lãnh đạo mới của Cục An ninh mạng (A05 - nhập từ A68 và C50) đã lắng nghe ý kiến của Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) và của các bộ ngành hơn. Dự thảo mới nhất của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng (ANM), vì thế, đã bỏ khá nhiều quy định xâm phạm quyền tự do kinh doanh từng bị phản đối trong 2 dự thảo trước (3-10 & 11-10-2018).

Dự thảo mới cũng đã bỏ yêu cầu “doanh nghiệp kinh doanh online phải xin phép và có sự đồng ý của Cục ANM”(một biến trướng của giấy phép con); bỏ việc thành lập trung tâm dữ liệu và tiếp nhận dữ liệu doanh nghiệp chuyển giao… Dự thảo cũng không còn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu gốc, chưa mã hóa của người dùng cho cơ quan điều tra. Bằng cách không dùng các từ nhạy cảm như “thái độ, quan điểm…”, dự thảo có cho cảm giác thu hẹp phạm vi dữ liệu người dùng nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng. Thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp chuyển dữ liệu bây giờ là bộ trưởng bộ công an thay vì cục trưởng cục an ninh mạng như 2 dự thảo cũ.

Tuy nhiên, bản chất của dự thảo này vẫn chưa thay đổi. Phạm vi dữ liệu người dùng bị buộc phải lưu trữ ở Việt Nam vẫn còn rất rộng - gần như toàn bộ dữ liệu của mạng xã hội và các dịch vụ online - chi phí của nền kinh tế để thi hành luật là vẫn vô cùng lớn và vô lý.

Phận dân đen, luật kẻ cắp

Sau khi đọc cái tin chính quyền và công an TP.Cần Thơ bắt anh Cà Rê bán đô la, lão Maddox hàng xóm nhà tôi khủng khỉnh, kinh tế thị trường đéo gì, dân có trăm đô đem ra tiệm vàng bán, là thứ giao dịch dân sự thông thường, lại giở trò bắt phạt cả đứa mua đứa bán, tởm.

Tôi hỏi ông, nếu ông có trăm đô, hoặc vài chục đô, cần đổi ra tiền An Nam, ông có định tìm cái ngân hàng quy định chó chết nào để bán không, hay tạt vào tiệm vàng cho nhanh gọn, đỡ mất công, chả ảnh hưởng gì đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và hòa bình thế giới.

Lúc nào cũng giữ cái thói độc quyền, hơi tí là cấm, tinh dững vơ vét về nhà chúng nó chứ dân nước được lợi gì.

Chúng nó biếu nhau, đút cho nhau nghìn đô, vạn đô, thử hỏi thứ đô ấy ở đâu ra, sao không bắt? Con chúng nó được đưa ra nước ngoài, rửa tiền đem đô về cho chúng nó, có đứa ma bùn nào mang ra nơi quy định bán bao giờ chưa? Con cháu chúng nó đi xuất cảnh, nó lấy đô ở đâu để dúi cho con nó?...

Chỗ bắt đéo bắt, lại chỉ gõ vào đầu thằng dân đen. Túm thằng có tóc đéo túm, lại túm thằng trọc đầu.

Nó bảo bắt theo luật, xử phạt theo luật. Luật cái con tườu. Dẹp mẹ thứ luật cấm đoán vớ vẩn ấy đi.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Bài dành riêng cho K17 của Bá Tân


Thành trì K17 bất tử

BÁ TÂN (thành viên K17)

Thuật làm báo có điều cần tránh:tránh đặt tít rối rắm khó hiểu, sai lệch với nội dung bài viết.

Biết vậy nhưng tôi vẫn gọi tên bài này là "Thành trì K17". Sau khi biết được căn nguyên, bạn bè tôi, trước hết nhóm đồng môn K17, sẽ đồng tình cho rằng không những không khó hiểu, cái tít ấy quá chuẩn với K17, chỉ có K17 mới xứng đáng với tên gọi ấy.

K17 chúng tôi là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 17, cùng nhau’’mài sách’’ từ năm 1972 và "ra lò" năm1977. Không nhận mình là con rồng cháu tiên (thứ hư danh mạo muội), không phân đôi nửa lên rừng nửa xuống biển, K17 sau khi ra trường tỏa khắp bốn phương, lập thân chủ yếu bằng nghề mài-dát chữ nghĩa. Có những nghệ nhân cao thủ chuyên làm nghề dát vàng cho những sản phẩm đỉnh cao cả về nghệ thuật và giá cả (nếu đem ra bán). Chúng tôi, số đông của K17, làm nghề dát chữ cho những đứa con tinh thần phục vụ bạn đọc.

Ý tưởng bài viết nảy sinh vào thời điểm K17 chúng tôi rảo bước trên con đường ghép đá tại thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Tôi đã nhiều lần ghé qua thành nhà Hồ, nhưng hiện diện tại đây cùng số đông đồng môn K17 thì đây là lần đầu.

Được nghe giới thiệu tường tận, hướng dẫn viên là "chân dài’’ xinh đẹp tuyệt vời, giọng nói xứ Thanh như tiếng họa mi gây mê nao lòng người nghe, nhất là thứ đàn ông như tôi, thấy gái đẹp là tít cả mắt.

Không có vùng cấm

Những người cầm đầu chế độ-nhà nước này luôn rao rằng "chống tham nhũng không có vùng cấm". Khi lôi ra tòa xét xử ông Đinh La Thăng, họ đã bật đèn xanh cho bộ máy tuyên truyền, rằng hãy ca ngợi đó là biểu hiện rõ nhất của chống không vùng cấm, người dân hãy tin tưởng vào đảng và nhà nước.

Xung quanh "hiện tượng" Đinh La Thăng, có lẽ còn nhiều uẩn khúc chưa được bạch hóa, sau này lịch sử sẽ làm rõ, nhưng chuyện "chống không có vùng cấm" xét dưới góc độ nào đó thì cũng mới chỉ là lý luận (người Bắc ưa lý luận) chứ chưa hẳn là thực tiễn.

Điều thấy rõ nhất là vụ MobiFone - AVG. Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là vi phạm, ông Son rất nghiêm trọng, ông Tuấn nghiêm trọng, nhẽ ra đều phải bị xử lý nghiêm khắc, theo nguyên tắc nghiêm này phải sinh ra nghiêm kia. Tuy nhiên, bộ máy chuyên chế cũng chỉ dám lờn vờn vòng xa, đánh vào một ông đã về hưu, không còn chút quyền lực gì. Hôm qua 22.10 họ lại còn giở giói bày việc để quốc hội truất chức "nguyên bộ trưởng" của ông Son. Lôi cả quốc hội vào trò diễn, thật tội nghiệp cho cơ quan "quyền lực nhất quốc gia". Mấy thứ hình thức ấy, không biết còn lăng loàn trên xứ này tới bao giờ.

Đáng nói nhất là đúng ra phải "xử" ông Tuấn bởi ông ta đang nắm quyền hành, xử để làm gương, để chứng minh "chống tham nhũng không có vùng cấm" thì người ta lại lờ đi. Cố tình ém (theo quy trình), có phải vì sợ "xấu chàng hổ ai". Thử hỏi, một người đã vi phạm nghiêm trọng, bị kỷ luật rồi, nay vẫn cho ngồi ghế cao làm lãnh đạo, sẽ nói được ai, sai khiến được ai, làm gương cho ai. Đó là sự phỉ báng bộ máy chứ lãnh đạo cái gì.

Ông Tuấn đang giữ chức vụ trong đảng nên quốc hội không có quyền xử, vậy thì đảng hãy chứng minh lý luận "không có vùng cấm" của đảng đi. Đừng để thiên hạ bĩu môi, rằng rút cục cũng chỉ là tấn trò đời, rằng giữa lý luận và thực tiễn vẫn còn khoảng cách hố sâu, cách nhau một trời một vực.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Khuyên

Nhà hát giao hưởng và sân gôn (golf) có cần không? Cần, khi xã hội đã phát triển, hầu hết con người đủ ăn đủ mặc, khoảng cách giàu nghèo đã bị thu hẹp, nhu cầu nghỉ ngơi giải trí là nhu cầu của đại đa số chứ không phải riêng tầng lớp nào.

Khi không còn những tiếng oán hận từ chốn thị thành tới tận nơi thôn cùng xóm vắng, không còn những bi kịch thương tâm như gia đình 4 người tự tử do bế tắc ở Hà Tĩnh kia, không còn sự tức nước vỡ bờ tháo dép ném thẳng vào mặt quan chức như người đàn bà "khốn nạn" đối xử với người đàn bà khốn nạn ở Thủ Thiêm hôm qua... thì hãy tính tới việc làm sân gôn, xây nhà hát giao hưởng.

Nếu nhà nước này chỉ chăm chăm phục vụ "tầng lớp tinh hoa" thì cũng nên coi chừng những cơn sóng dữ trong lòng số đông dân chúng khổ nghèo có thể cuộn lên đánh chìm thuyền bất cứ lúc nào.

Việc đầu tiên, trả ngay cái sân gôn Tân Sơn Nhất cho dân để dùng vào việc mở rộng sân bay phục vụ cả cộng đồng. Và ra ngay cái quyết định sửa sai, hoãn việc xây nhà hát giao hưởng. Điều đó được gọi là an dân, lấy lại lòng dân khi niềm tin đổ vỡ.

Làm chính trị có khi chỉ cần nhận ra những việc tưởng đơn giản mà cực kỳ hệ trọng như vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Di sản bị lãng phí

Nhà hát TP.HCM (còn gọi là nhà hát lớn, nhà hát thành phố) ở trung tâm Sài Gòn, do người Pháp xây từ năm 1900, tới nay vẫn là một mẫu mực về công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc dùng cho hoạt động nghệ thuật.

Với hơn 1.000 chỗ ngồi (cả trệt lẫn lầu, ban đầu theo thiết kế của Pháp là 1.800 chỗ, sau bị sửa chữa, bớt dần), nhà hát đủ để tổ chức những hoạt động nghệ thuật, nhất là nghệ thuật hàn lâm, bác học, kinh điển bởi việc xây dựng đã đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu này. Nếu chính quyền muốn có một nhà hát cho việc thưởng thức nhạc giao hưởng thì thiết nghĩ hiện tại không nơi nào phù hợp và tốt hơn nhà hát này.

Đừng nghĩ phải có một nhà hát giao hưởng riêng. Xứ này đa phần là dân chúng cần lao, không ai rỗi hơi đêm nào cũng đi nghe giao hưởng. Mà ngay cả nếu có dàn nhạc giao hưởng, không phải đêm nào cũng diễn, diễn quanh năm suốt tháng.

Nhà hát hiện tại, tốt thế, đẹp thế, phù hợp thế, vị trí đắc địa thế, vậy nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, chập chờn sáng tối, lúc đóng lúc mở, chủ yếu chỉ cho thuê tổ chức sự kiện, hội họp, liên hoan không dính gì tới nghệ thuật. Đó là sự quản lý thiếu văn hóa, tùy tiện, lãng phí.

Đề nghị nhà cai trị hãy trả nhà hát lớn về đúng vai trò và chức năng của nó, tạm dừng ngay việc thực hiện dự án xây nhà hát bên đất Thủ Thiêm. Khi nào hội đủ điều kiện, cả về nhu cầu, tiền bạc, tâm tư dân chúng, v.v.. thì hãy tính đến xây cái mới. Cố tình nhắm mắt làm bừa, cũng chỉ là kiểu theo đòi trọc phú học làm sang mà thôi.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Nhà hát Thủ Thiêm và cái gốc của âm nhạc

Tôi muốn nói với ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thế này: 

Tôi hoàn toàn đồng tình với ông việc xây nhà hát và bồi thường cho dân là hai chuyện khác nhau.
Quá đúng, cái nào phải ra cái ấy, đừng có linh tinh.

Tôi cũng đồng tình với ông Nhân và cả ông Phong chủ tịch khi các ông bảo rằng dự án nhà hát đã có từ rất lâu rồi, hơn chục năm nay rồi, đến giờ mới triển khai cũng đã là chậm, là muộn.

Quá đúng, rất muộn là đằng khác, phải làm thôi.

Nhưng, vâng ạ, tôi có tí "nhưng", các ông cần nghe cho rõ: 

Cả việc xây nhà hát lẫn việc bồi thường có điểm giống nhau, đó là: Thủ Thiêm, và tiền.

Người dân ở Thủ thiêm bị cướp đất, đòi mà không được giải quyết rốt ráo những 20 năm nay rồi, đến bây giờ đang vẫn rất bức xúc, đang sôi sùng sục, sao không thấy nói? Dự án đòi đất này dài và lâu hơn dự án nhà hát nhiều.

Tiền trả cho dân, những đồng tiền chính đáng từ mồ hôi nước mắt, từ số phận cha ông họ, sao không thấy trả, cứ ngâm mãi, ngâm mãi, neo đến bao giờ? Tiền này cần kíp hơn tiền chi cho nhà hát nhiều.

Và cái chính là trong khi Thủ Thiêm còn vang tiếng khóc hờn oán ngất trời, chỉ thiếu điều dân và chính quyền hò hét lôi nhau ra ngã ba Cát Lái nện nhau "lành làm gáo, vỡ làm muôi", thì các ông lại định xây nhà hát vang những âm điệu du dương réo rắt cho át tiếng oán hờn kia. Ông có nhớ cụ Nguyễn Trãi xưa nói về cái gốc của nhạc là gì không, hở ông Nhân?

Tôi trích một đoạn cho ông ngẫm nhé: "Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật , khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”. (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 19).

Còn ông làm ngược lại. Chán ông như cơm nếp nát ăn kèm thịt mỡ, ông ạ.

Không làm gì được những điều tốt thiết thực cho dân, thì tụt mẹ nó xuống đi, cứ đứng bấm bấm điện thoại nhắn tin, ngứa mắt, dở hơi bỏ mẹ.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Chuyện mồ mả (kỳ 3)

Ở xứ ta, có lẽ do chịu ảnh hưởng những quan điểm về đời sống tâm linh từ Trung Quốc nên cả nghìn năm nay luôn tồn tại cõi âm ngoài cõi dương. Người sống có khi chỉ sống tạm bợ, vất vưởng nhưng khi chết lại được tiễn đưa khá hoành tráng rình rang. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Cái mộ có khi còn chắc hơn cái nhà. Tiền học cho con không có nhưng vẫn có thể đốt vàng mã linh đình gửi xuống âm phủ cho người chết có cái mà dùng…

Chỉ có điều, tất cả những cung cách ấy được cuộc cách mạng vô sản coi là biểu hiện phong kiến, lạc hậu, cổ hủ. Người vô sản giương cao ngọn cờ vô thần, muốn tiêu diệt hết những thứ mà họ không ưa. Phá đình phá chùa, thu đất nhà thờ, hạn chế cúng bái, hô hào bài trừ mê tín dị đoan… có một thời hoành hành khắp trong nam ngoài bắc. Dường như xã hội chỉ cần “cuộc sống mới, con người mới” phong cách xã hội chủ nghĩa là đủ, những thứ khác chỉ là rác rưởi. Họ kêu gọi toàn dân đả thực bài phong, chấp hành những luật lệ mới do chính họ áp đặt.

Chuyện mồ mả, tang ma cũng vậy. Nhà cai trị thỉnh thoảng lại vận động phong trào thực hiện đời sống mới hoặc ra những chỉ đạo mang tính đổi mới. Họ phân tích rằng đất đai càng ngày càng bị thu hẹp, và nhất là xu thế văn minh trong việc tang ma, vì vậy nên hỏa táng chứ đừng chôn cất, vừa hợp vệ sinh, vừa tiết kiệm, vừa hội nhập thế giới. Thậm chí có dạo họ còn định thực hiện quy chế người chết được quàn bao nhiêu ngày, quan tài phải làm sao, có được lắp ô kính hay không. Cùng với việc hiếu thì việc hỉ (đám cưới) họ cũng quy định chỉ được bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu người. Tất cả đều có vẻ có lý, người cộng sản nói gì mà chẳng có lý, bởi họ có lý luận.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Tròng

Có nhẽ không nên mất nhiều thời gian vào chuyện bàn cãi có phải là nhất thể hóa, là kiêm, là một người làm hai việc giữ hai chức, v.v.. không. Chẳng cần rỗi hơi đi sâu vào thứ vớ vẩn ấy.

Điều cần làm, thiết thực cụ thể là, hoặc đảng (đoàn thể) hoặc ủy ban (chính quyền), một trong hai phía phải trả lại các cơ sở vật chất đã chiếm dụng, chỉ sử dụng một trong hai cái thôi, cái còn lại đưa vào phục vụ cộng đồng, toàn dân. Ví dụ đã có trụ sở HĐND và UBND thì dẹp trụ sở cấp ủy. Đảng muốn giữ lại trụ sở để dùng thì đảng phải thuê, trả tiền cho nhà nước đem sung vào ngân sách, không có cái thói nghênh ngang chiếm dụng miễn phí như thế. Không chịu trả tiền thì nhà nước nên tịch thu, chuyển thành trường học, bệnh viện, nhà thiếu nhi, thậm chí cả nhà hát giao hưởng cũng được.

Nhân dân đã còng lưng nuôi một đống người chuyên "chỉ tay năm ngón", lại còn bị chiếm đoạt đất đai nhà cửa tài sản có được do công sức toàn dân, đó là điều không thể chấp nhận được.

Đáng buồn là sự vô lý ấy công khai tồn tại cả hơn nửa thế kỷ nay nhưng phần đông dân chúng cứ mặc nhiên tặc lưỡi chấp nhận mà không biết mình đang bị bóc lột.

Đánh đổ được thực dân, phát xít, phong kiến rồi, tưởng xóa được cảnh một cổ hai, ba tròng nhưng rốt cục lại đeo cái tai cái ách hai tròng, ba tròng, thậm chí bốn tròng suốt bao lâu nay.

Còn lâu thì dân tộc này, đất nước này mới ngóc đầu lên được.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Cuối cùng cũng chả biết mô tê mà lần

Trích một đoạn trên báo Thanh Niên điện tử ngày 7.10: "Trao đổi với cử tri về vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn sự ủng hộ của cử tri, song cũng nói rằng, đây là việc liên quan tới cá nhân nên không tiện nói. Tuy nhiên, ông cho biết, trước đây, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch nước đồng thời là Chủ tịch Đảng, nhưng sau đó thì bị cách ra.

“Còn việc T.Ư thống nhất giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thì không phải vì nhất thể hóa mà đây là tình huống. Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước mất đi đột ngột, mặc dù việc mắc bệnh hiểm nghèo đã được biết hàng năm trước nhưng đồng chí không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này thì phải có người làm ngay”, Tổng bí thư cho biết.
“Bộ Chính trị, T.Ư chuẩn bị nhiều phương án. Qua quá trình thảo luận dân chủ, trách nhiệm thì T.Ư thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư làm Chủ tịch nước. Không biết ra Quốc hội bầu có được không nhưng đây là ý kiến thống nhất của T.Ư”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, Tổng bí thư lưu ý, việc Tổng bí thư được giới thiệu làm Chủ tịch nước thì không nói kiêm vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau. Bên cạnh đó, cũng không nên nói đây là việc “nhất thể hóa” vì không phải nhất thể hóa mà chỉ là việc “bầu ông này làm 2 việc”. (hết trích)

Nhời bàn:
1. Cụ tổng nhắc chuyện hồi xưa cụ Hồ vừa là chủ tịch đảng, vừa là chủ tịch nước, để nói rằng kiêm chức là chuyện bình thường. Nhưng xin nhớ rằng chủ tịch đảng của cụ Hồ chỉ mang tính tượng trưng, một thứ chức vụ biểu tượng thôi, chứ quyền lực trong đảng hồi ấy vẫn là tổng bí thư (sau không gọi là tổng bí thư mà là bí thư thứ nhất). Mà xin nói thật, ngay cả chức chủ tịch nước của cụ cũng chỉ như một dạng Vietnam Idol, chả quyền hành gì.

2. Ông Quang dù mất đột ngột nhưng đã trọng bệnh trước đó cả năm, đã biết là rất dễ chết, thế nhưng cả bộ máy không hề có sự chuẩn bị trước, để rồi cuống quít cả lên, phải nói là cái tập thể lãnh đạo xứ này rất kém, chỉ "giỏi" nước đến chân mới nhảy.

3. Ông Trọng bảo "bây giờ khuyết chức danh này thì phải có người làm ngay", thế nên theo tôi, bà Ngọc Thịnh, nếu còn chút sĩ diện thì nên từ chức ngay. mà dẹp chức phó chủ tịch nước đi được rồi.

4. Cụ nói "không biết quốc hội bầu có được không nhưng đây là ý kiến trung ương", cụ nói câu này là giả dối, không thật lòng bởi cụ thừa biết chả quốc hội nào dám phản đối. Nói với cử tri mà còn giả dối thì chán lắm.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Nhất thể hóa

Vấn đề cơ bản không phải là nhất thể hóa hai chức danh thành một (chả giải quyết được gì bởi chỉ như thứ cách mạng nửa vời) mà là đừng có duy trì cái bộ máy lãnh đạo song trùng (thậm chí tam trùng, tứ trùng) từ trung ương tới địa phương nữa. Quá tốn kém, cồng kềnh, không giống ai.

Nếu đảng tự thấy đủ sức lãnh đạo, đủ khả năng làm việc trực tiếp (chứ không phải chỉ có chỉ đạo mồm) thì nhận luôn phần nhiệm vụ của nhà nước, gánh luôn đi. Ngồi vào ghế của chính quyền, sẽ giảm bớt được hàng trăm vạn ghế; dùng trụ sở của chính quyền, sẽ trả lại cho dân cả vạn trụ sở để phục vụ công ích; chưa nói đâu xa đã tiết kiệm tiền khủng cho ngân khố quốc gia.

Đó mới là điều cần làm chứ nhất thể hóa ngôi vị kia chả là cái đinh gì. Và dẹp ngay cái của nợ chủ nghĩa mác-lê nin đi, chủ nghĩa xã hội đi. Làm việc lớn chứ đừng loay hoay với chuyện cò con luẩn quẩn.

Đó cũng là lý do tại sao tôi không quan tâm tới nhất thể hóa.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Vì sao ông ấy ngủ?

ĐỖ NGỌC THỐNG

Mấy hôm nay dư luận xôn xao về tấm ảnh quan chức Việt Nam sang họp Đại hội đồng LHQ khóa 73 ở New York nhưng lại nằm nghẹo cổ, ngủ ngon lành. Ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Tấm ảnh do phóng viên Don Emmert của AFP chụp lại và được đăng tải trên nhiều tờ báo quốc tế ở Pháp, Đức, Mỹ và Trung Đông như Le Monde, CNN, Al Bawaba… Báo ta có bài thanh minh: đây là ngủ lúc giải lao, do lịch trình làm việc căng thẳng, trái múi giờ, rồi còn viện ra cả tổng thống các nước cũng ngủ trong cuộc họp…để coi đó là chuyện bình thường, cần thông cảm.

Ban đầu tôi cũng thấy buồn cười, buồn bực, rồi sau thấy buồn thương. Vì dù thế nào đi nữa, một khi để báo chí nước ngoài đưa hình ảnh ấy lên thì cũng là một thất thố ngoại giao, một lỗi rất không đáng có, làm hỏng cả hình ảnh đất nước, có người còn coi là làm nhục quốc thể. Nhưng sau đó nghĩ kĩ lại thấy thương và có thể thông cảm với vị quan chức này. Có điều, lí do thông cảm không như bài báo của ta đã nêu.

Tôi nghĩ nên thông cảm vì ông ấy ngủ chẳng qua chỉ là do thói quen. Mà thói quen này có được là do đi họp ở nhà chuyên ngủ rồi. Sở dĩ đi họp ở nhà chuyên ngủ là vì có ngủ cũng chẳng sao cả, thức cũng chẳng để làm gì, nghe hay không nghe đều như nhau. Giống hệt như cảnh họp hành ở Trung Quốc mà ông Bá Dương đã viết: “Cái bản lĩnh ghê gớm của tôi là có thể ngủ trong hội nghị. Ngủ xong tỉnh dậy thì hội nghị cũng vừa kết thúc. Tại sao thế? Vì trong hội nghị mọi người đều nói những chuyện mà chính bản thân họ không hề tin, nghe hay không nghe đều như nhau.” (Người Trung Quốc xấu xí).

Ông cán bộ của ta ở nhà đã quen thế rồi, nay sang họp ở Hoa Kỳ, tôi nghĩ là ông ấy nhầm, tưởng là đang họp Quốc hội nước ta vì thế cứ ngủ quách cho xong như mọi lần. Họp ở ta thiếu gì người cũng ngủ ngon lành, có ai trách mắng gì và cũng có ảnh hưởng gì đâu; các nghị quyết vẫn ra đều đều; đất nước vẫn đang quyết tâm phấn đấu tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH đấy thôi.
Nên mọi người đừng phê phán ông ấy nữa, nhầm tí thôi mà…

HN 30-09
Đỗ Ngọc Thống (Phó giáo sư)