Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Vạch bức màn che về Cải cách ruộng đất

Nhà văn nữ không trẻ lắm Phan Thúy Hà (sinh năm 1979) vừa ra mắt cuốn sách mới, nóng hổi, sau một loạt cuốn để lại nhiều rung động trong đời sống xã hội và văn chương, như “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Qua khỏi dốc là nhà”... Với ai thế nào thì tôi không biết, chứ riêng mình, sau khi đọc xong mấy cuốn vừa kể, thầm nghĩ đã lâu lắm trên văn đàn bàng bạc nhàn nhạt xứ này, lại có cái đáng để ta bỏ thời gian và sự say mê vào mà không uổng phí. Có thể xem đây là hiện tượng, sự khởi sắc giữa buổi chợ chiều văn nghệ kéo dài đã quá lâu.

Tôi có may mắn được tác giả cho đọc sớm, khi sách đang còn trong thời gian nộp lưu chiểu, cơ quan quản lý xuất bản đang thẩm định lần cuối cùng trước khi ra đại trà. Cũng từng rụt rè góp ý với tác giả, cái tên cuốn sách hiền lành quá - “Gia đình”, dễ làm cho người mua sách lơ đễnh, lướt mắt lướt chân vụt qua, dễ gây hiểu nhầm là thứ văn chương ngôn tình đang phổ biến của bọn trẻ 8X, 9X, nhất là thời buổi vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được giá trị “văn dĩ tải đạo”.

Vậy thì phải nói ngay, cuốn sách trang nhã, độ dày vừa phải, 274 trang, mang cái tên “Gia đình” nhẹ bẫng ấy lại chứa trong nó tấn siêu bi kịch của một thời đại bi thảm cách nay đã gần 70 năm, mang tên Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Một cụm từ mà những người đã chứng kiến, đã trải qua, và con cháu họ, chỉ nghe lại thôi đã rùng mình khiếp sợ.

Sự có mặt của “Gia đình” khơi chuyện CCRĐ vào thời điểm này dù là chậm muộn, thậm chí cực muộn nhưng lại vô cùng cần thiết. Thông tin về CCRĐ bấy lâu nay bị nhà cầm quyền che giấu, bưng bít, cố tình lờ đi khiến tấn bi kịch thời đại rơi vào vòng mù mờ hư thực, nửa có nửa không, nửa sai nửa đúng. Dòng thời gian trôi đi cuồn cuộn, kiếp người mong manh, phận người như chiếc lá, chỉ mươi năm nữa thôi những nhân chứng, người trong cuộc sẽ rơi rụng dần, CCRĐ sẽ rơi vào quên lãng. Thế hệ trẻ lớn lên ngơ ngác không biết CCRĐ là cái gì mà sao cha ông chúng ngày xưa từng hãi hùng làm vậy.

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Kể chuyện phần trăm

Phần trăm tức là thứ phết phẩy, hoa hồng, chênh lệch, ăn chia… khi hai bên mua bán, giao dịch. Món hàng đáng giá chỉ 100 nhưng hai bên “giao thiệp” với nhau, cứ nâng mẹ nó lên, 500 chẳng hạn, chia cho thằng bán 100 nữa thành 200, còn lại 300 thằng mua đút túi. Cả hai cười như nghé. Về làm quyết toán, cứ đơn giá 500 mà tính, làm gì nhau. Cao gấp 5 lần là còn nhẹ đấy, lần sau chúng ông cứ nhân lên gấp 10 cũng chả ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới.

Phải nói rằng, cái thói móc ngoặc phết phẩy ấy phần lớn chỉ xảy ra ở cơ quan, đơn vị nhà nước. Tiền nhà nước là tiền chùa, không hà lạm cũng thiệt. Mình không lấy thì đứa khác lấy. Chính vì thế, có hiện tượng, trong cơ quan nhà nước, vớ bẫm nhất là nhóm thằng thủ trưởng, thằng vật tư và thằng tài vụ. Ba đứa này mà liên kết với nhau thì tiền bạc giàu như bà chúa Kho cũng sớm nhẵn. Có những cơ quan nhà nước, thằng vật tư còn giàu hơn cả thủ trưởng, ai cũng biết nhưng… đéo làm gì được nó. Tuy nhiên, khi nó ăn đủ rồi, phải xê ra cho thằng khác thế vào, bám mãi ăn mãi có ngày phải đòn.

Nhưng đơn vị kinh tế sản xuất tư nhân thường chặt chẽ hơn. Đứa chủ biết thừa thói ăn bớt ăn xén của cấp dưới nên nó kiểm chặt, tính toàn chi li từng đồng. Vậy mà vẫn không yên tâm. Đồng tiền liền khúc ruột. Tốt nhất là giao cho người nhà. Lọt sàng xuống nia, chả mất đi đâu, dù vẫn tiếc.

Trong vụ thằng Nguyễn Nhật Cảm giám đốc ở Hà Nội, chắc chắn thằng Cảm không ăn một mình. Nó có cả bộ sậu ăn tiền. Chúng nghĩ, tiền nhà nước, tiền chùa, lấy được chút nào hay chút ấy. Lấy bất cứ dịp nào, chẳng liên quan gì tới dịch. Đừng bảo là nó vô đạo đức, ngay cả khi dịch bệnh như thế vẫn làm bậy. Nó có đạo đức đâu mà vô mí không vô. Thế nhưng biết đâu nó từng được khen là điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM không chừng. Đám cán bộ thời nay đa phần là vậy, cả thằng to lẫn thằng bé. Mà chẳng phải chỉ chúng nó, ngay cả thằng bán máy cho nó cũng dính. Cứ lôi tất ra mà trị. Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam quảng niếc… cứ ra tay một mẻ tóm về đầy nơi, đừng tha chúng nó, tha hồ củi đốt lò tôn.

Sự nhầm lẫn đáng tiếc

Trên địa chỉ phây búc của một người tử tế, kiến thức sâu rộng, vừa có cái tút (status) về thực chất của nền kinh tế Việt Nam cộng hòa, kinh tế miền Nam trước ngày 30.4.1975. Phải công nhận tác giả đã chịu khó mày mò, lục tìm, trích dẫn những tư liệu để khẳng định sự phát triển, giàu có, no đủ của miền Nam trong những năm chiến tranh chỉ là thứ phồn vinh giả tạo, dựa hơi Mỹ, được Mỹ viện trợ, bơm hơi cho. Nó (Mỹ) mà cắt một cái, chết ngay tức tưởi. Nó nuôi chiến tranh chứ nuôi gì dân chúng… Nói tóm lại, quan điểm của tác giả không khác gì quan điểm của bên thắng cuộc, tức là miền Nam rên xiết trong bộ máy kìm kẹp của Mỹ “ngụy”, nếu đời sống có được thế này thế kia chẳng qua cũng chỉ là phồn vinh giả tạo, kiếp đời bơ thừa sữa cặn. Cắt viện trợ là chết. Cả quan lẫn dân chả làm được thứ gì ra trò, chỉ ăn chơi thì giỏi. Đại loại vậy.

Tôi không dám vào đó ý kiến ý cò bởi thấy những người đồng tình hăng lắm, chả khác chi đám đông sau khi nhà lãnh đạo hô “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã rùng rùng giương rừng cánh tay “Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm”, mình mà xớ rớ, tan xác chẳng chơi. Nhất là đang kỷ niệm tháng 4 rực lửa.

Để củng cố cho quan điểm, tác giả còn nêu những con số mà hai miền được nước ngoài viện trợ, rằng của miền Bắc chỉ gần bằng ¼ miền Nam, đã thế do bên thắng cuộc chủ yếu dùng mua vũ khí, còn chính quyền Sài Gòn trích ra phần đáng kể để “ăn chơi”, nên bắc nghèo, nam giàu, không có gì lạ. Có nhẽ tác giả quên một điều, chính có lần trả lời phỏng vấn, cựu phó thủ tướng Vũ Khoan từng thừa nhận viện trợ của bên ngoài cho hai miền trong thời kỳ chiến tranh chẳng chênh nhau bao nhiêu, cũng ngang ngang nhau.

Là người sống trải suốt thời kỳ lịch sử khốc liệt ấy, sau 1975 một thời gian lại sống ở miền Nam cho tới tận bây giờ, tôi thấy tác giả đã nhầm.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Chờ tin vui từ... kẻ độc tài

Thiên hạ đang mải bận bịu chống dịch COVID-19 nhưng vẫn không bỏ được thói tò mò (bởi tò mò là bản tính khám phá tốt đẹp của con người), quan tâm đến thằng bé làm vua xứ Triều Tiên. Từ ngày nó chễm chệ lên ngai vàng, ngồi một ghế, giữ một chức - chức vua, nó đã để lại quá nhiều điều tiếng.

Các cụ nhà ta xưa bảo “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”. Lành của nó, cu Ủn, tức Kim Jong-un, ở đâu thì chưa biết, nhưng dữ người ta được nghe được chứng kiến hằng ngày. Trông cái mặt phì phị, tưởng cũng chỉ ngố sế hiền lành, ai ngờ giết người như ngóe. Cứ ngứa tay, buồn buồn, lại lôi tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân ra thử, báo chí xứ An Nam ta gọi là “phóng vật thể lạ” ra biển, hướng về phía Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả Mỹ. Ra cái điều chúng mày đừng đùa với ông.

Người thì bảo nó tay chơi, dám thách cả Mỹ, Nhật, Tàu. Người thì mạnh mồm nói thằng này điên, sớm muộn cũng ăn bài học. Người thì kết luận làm vua thì nó phải thế, vừa tay chơi vừa điên. Vua nào chả điên.

Chưa thấy ai cho nó bài học gì thì mấy hôm nay đã nghe phong thanh trời có mắt, trời trị thằng gian. Thấy bảo nó sắp chết. Khổ nỗi, đừng vội tin, bọn phong kiến Triều Tiên này cũng lắm mưu mẹo tiểu nhân, vậy mà không phải vậy. Biết đâu đồn nó bệnh nó chết nhưng cu em lại đang sống nhăn ôm thị nữ hát karaoke trong cung Kumsusan gì đó thì sao, mai nó lại vác ống nhòm ra thị sát phóng tên lửa thì sao, xung quanh nó lại vẫn mấy chục thằng sổ sách bút biếc ghi ghi chép chép thì sao.

Nhắc nhở các chị nội trợ nhưng phải làm cả việc của đàn ông

Có nhẽ chưa bao giờ người lao động, người bình dân bị nghỉ nhiều ngày như trong đợt dịch Cô Vít này. Các cô giáo, viên chức, công nhân, thậm chí những người làm công, những chị osin, giúp việc cũng không tránh khỏi dịch, phải nghỉ dài ngày. Ít nhất cũng là từ sau Tết tới giờ, mà không biết sự nhàn nhã bất đắc dĩ ấy kéo dài tới bao giờ.

Người nghỉ thì xe cũng nghỉ. Ấy là tôi nói tới chiếc xe máy, phương tiện đi lại phổ biến của người lao động, người nghèo. Hồi xưa, ai có xe máy đều là người khá giả, được coi giàu đằng khác. Bây giờ cái xe máy là đôi chân, nghèo cũng phải sắm, không có nó khác gì bị cụt chân, trói chân.

Khổ nỗi nó khác xe đạp. Xe đạp nếu chủ nghỉ 1 năm nó cũng chả sao, có khi chủ còn lau lọt bóng ngời treo lên như đồ kiểng. Còn xe máy, nhất là loại xe thông thường, xe cũ, xe rẻ, nếu không chạy một tuần là chết ặt, bởi nó có… cái bình ắc quy.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Chuyện Xuân Ba xài in tơ nét

Nói gì thì nói, y là một trong vài đứa giỏi nhất lớp văn K17. Nhưng giỏi không có nghĩa không có dở, thậm chí cực dở. Y cũng vậy. Điều may mắn cho y là không phải dở về tư cách đạo đức lập trường cách mạng lý tưởng cộng sản… mà về trình độ tin học in tơ nét (internet).

Cứ so sánh thế này. Nếu cả nước bây giờ đang hăng hái làm cuộc cách mạng 4 chấm 0 theo chỉ đạo của ông Phúc (chả biết lão Phúc ấy có biết tí gì về công nghệ thông tin không, hay cũng cỡ thằng Ba), những đứa nhì nhằng nhất cũng phải đạt 2 chấm hoặc 2 phảy rưỡi chấm 0 thì thằng Ba nhà K17 mình tôi nghĩ mới lấy bằng hoặc chứng chỉ trình độ 0 phẩy 5 chấm 0. Thế mà cứ… nhơn nhơn coi trời bằng vung.

Thực ra, y là một trong số rất ít của K17 ta tiếp cận sớm nhất lĩnh vực công nghệ thông tin. Hồi năm 90 gì đó, tôi đã đọc trên báo Tiền Phong một vệt bài y viết về chuyến đi Mỹ và mấy nước châu Âu, ngồi poọc ba ga “xe” của ông Phan Văn Khải. Làm báo ở nhà thì muốn viết lách tác nghiệp sao cũng được, chả ma nào thèm để ý, nhưng ra ngoài thì hơi lăn tăn chút thể diện, và bất tiện nhất là ôm theo mớ bút giấy lách cách trong thời đại kỹ thuật số. Y kể, thằng con giai, tôi nghĩ chắc thằng Việt Đông, vừa đi Úc về, nó bảo thày nó, thày ơi để con mua cho cái láp tốp (laptop). Y vặn thằng con, láp tốp là thứ chi chi, cu con giải thích là cái máy vi tính xách tay ấy, để thày đi tác nghiệp cho tiện. Thày chỉ việc gõ bài rồi gửi về ngay trong ngày, cả ảnh iếc nữa, không cần phải đợi tới cuối chuyến về tới Hồ Xuân Hương mới nộp. Y sướng quá, giục con mua ngay. Nó lại huấn luyện cho vài đường cơ bản, thế là y chính thức bước vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật then chốt.

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Chuyện đúng 48 năm trước (kỳ 2, cuối)

Như đã biên ở phần đầu, đúng 48 năm trước tức là vào ngày 16.4.1972, Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc trở lại sau 3 năm tạm ngưng từ vĩ tuyến 18 trở ra. Dân phố lục tục làm cuộc sơ tán lần thứ 2, cũng gần giống như đận trước, ai về nhà nấy, vùng nông thôn nấy từng về hồi năm 1964, chỉ có điều những đứa trẻ đi đợt 1, bước sang đợt này đã thêm 8 tuổi, chững chạc hẳn lên.

Từ sau Tết, Trường cấp 3 Kiến Thụy đã tổ chức việc trực trường. Chả biết nghe phong thanh nó sẽ đánh lại, ban giám hiệu liền sắp xếp khối lớp 10 (cuối cấp) trực chung với thầy cô giáo. Tiếng là trực nhưng chả có súng ống gì, chỉ thay nhau thức khuya đi rảo quanh trường coi xem có trộm đạo phá phách không, nếu xảy ra đám cháy thì đánh kẻng kêu làng nước tới cứu chữa. Chẳng mấy ai tợn nghĩ máy bay nó sẽ đánh lại. Suốt từ năm 1964 tới 1968 bom đạn tàu bay khiếp lắm rồi. Thường thì các thầy cô trực chỉ ngó qua buổi chập tối, sau đó phó mặc đám học trò. Tôi nhớ vài lần trực chung với thầy Phùng Quán (trùng tên với một nhà văn nổi tiếng) dạy toán, thầy Dừa dạy tiếng Trung, thầy Tòng dạy văn, cô Tâm dạy sinh, cô Thanh dạy hóa… vui lắm. Gặp phải ca những thầy cô yêu nhau, chỉ một loáng “các thủ trưởng” đã mất hút, bọn trò tha hồ quậy phá. Có lần thầy Duyên dạy chính trị chả biết nghe ai mách, buổi chào cờ nói xa xôi rằng các thầy cô và các em đã được phân công trực trường phải có ý thức bám trận địa, phải coi mình như chiến sĩ, chứ đừng đào ngũ như vừa qua. Mấy thầy cô vốn người nội thành nhìn nhau tủm tỉm, biết là ổng ám chỉ mình.

Tối 16.4, chả thấy thầy cô nào, chỉ nhõn có 4 đứa lớp 10B là tôi, thằng Thành, cái Nga và thằng Cự. Thằng Thành và thằng Cự đều khôn ngoan, dẻo miệng, đẹp giai, cực giỏi toán, nhanh nhẹn tháo vát khỏi chê. Trực cùng ca với chúng nó, tôi chẳng cần làm gì, chỉ làm bài tập xong rồi lăn ra ngủ. Từ trường về nhà bác Mẳn nơi trọ cũng chỉ độ vài trăm mét, có trốn về cũng được, nhưng ngủ ở đây mát hơn, chỉ tội muỗi nhiều. Vả lại tôi với thằng Thành cùng chung nhà trọ, về một mình chi cho buồn. Cái Nga, Phạm Thị Nga người Thái Bình, anh nó là thầy Linh làm ở Phòng Giáo dục huyện nên nó theo sang đây học. Hơi lùn béo nhưng xinh lắm. Tóc xoăn như tây. Lúc tôi cắm cúi làm bài, một thằng đi tuần, còn hai anh chị cứ rủ rỉ rù rì trò chuyện. Tôi ngố, thỉnh thoảng lại hỏi sao chúng mày không làm bài rồi còn đi ngủ, thay phiên nhau đi tuần, kẻo thầy Duyên mà bắt được “bỏ trống trận địa” thì chết. Hai đứa chả thèm để ý. Về sau mới giác ngộ, hiểu ra rằng chúng nó còn mong mình đi ngủ sớm là đằng khác. Ngố đếch chịu được.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Thái Bình không thái bình

Người xứ ta đang xôn xao chăm chú tới vụ bắt bớ băng đảng Đường Nhuệ (theo như công an và báo chí, đó là đám xã hội đen) ở tỉnh Thái Bình. Hóa ra quê lúa hiền lành, tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có đồi núi, lại gớm thế, sóng ngầm thế. Nói kiểu nhà văn Lê Lựu, là sóng ở đáy sông.

Vụ Đường Nhuệ có thể ví như vụ Năm Cam Thái Bình. Chỉ hơi khác tí, hồi những năm thập niên 90, vụ Năm Cam Sài Gòn do báo chí phanh phui, điều tra trước (công đầu thuốc về báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ, than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu), còn vụ Năm Cam Thái Bình thì phú lít công đầu, báo chí chỉ biết lẽo đẽo chạy theo phú lít, xin xỏ thông tin, phú lít xì ra được tí nào thì nhận “hồng ân” tí ấy.

Điều cần nói thẳng ra rằng, với thể chế này, kiểu cách quản lý xã hội như thế này, thì không chỉ ở Sài Gòn, Thái Bình mà bất cứ nơi nào trên xứ ta cũng có Nam Cam, Đường Nhuệ, chỉ có điều nó đã xuất lộ ra chưa mà thôi. Bịt chỗ này sẽ xì chỗ khác.

Đám Năm Cam, Đường Nhuệ, nếu không có kẻ chống lưng, nuôi dưỡng, quan hệ qua lại, cộng sinh, thì bố bảo chúng cũng không dám hó hé, chứ nói gì tung hoành ngang dọc như ở chốn không người. Tội chúng một, thì tội đám quan chức bảo kê phải mười, thậm chí trăm, nghìn, vạn. Lôi chúng ra, chả khác gì mới chỉ vặn tháo được mấy con ốc vít nhỏ trong cỗ máy tội phạm.

Chuyện đúng 48 năm trước

Hôm nay 16.4.2020. Chuyện tôi kể là ngày 16.4.1972, mà chính xác hơn thì vào đêm hôm ấy. Tàu bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc sau hơn 3 năm nghỉ giải lao. Lần này, đám miền ngoài chúng tôi mới biết thế nào là B52. Thật kinh khủng.

Năm 1972. Vừa qua cái Tết Nhâm Tý có chút không khí hòa bình. Rét kinh. Sao mấy năm nay trời rét thế. Quần áo chăn mền hiếm hoi thiếu thốn nên càng lạnh thấu xương. Tôi đang học lớp 10, cuối cấp hệ 10 năm, chuẩn bị thi tốt nghiệp, từ nhà lên tới trường huyện cách 3 cây số, đi bộ, ăn mặc phong phanh, nhiều hôm lết về tới núi Trà đầu làng chỉ muốn khuỵu xuống, kiếm cái khe đá khuất mà ngồi tránh rét, ngủ một giấc, muốn ra sao thì ra. Có mỗn cái áo sợi Cự Doanh giặt phơi mãi không khô. Chân quanh năm xỏ dép cao su không chống được lạnh, bị nứt nẻ, cổ trâu sùi lên nhưng bận học bận làm chưa có thời gian ra bờ cừ lấy cái búi rơm cọ cho bớt dày. Cảm giác như gió lạnh lùa vào từng khe nứt không khác gì dao cứa.

Dạo sau Tết, chả biết từ đâu, từ ai mà người ta truyền nhau câu “sấm”: Đầu năm mưa đá, giữa năm giặc phá, cuối năm hòa bình. Câu này, người nhớn trẻ con đều thuộc. Những ai đã sống qua thời điểm ấy tới giờ chắc vẫn còn nhớ. Hồi cuối tháng 2 tây 1972, trên mạn Lào Cai, Yên Bái có mưa đá, hỏng biết bao nhiêu là mái nhà, ruộng nương, hoa màu. Thiên hạ bảo nhau, thế là đã ứng điều thứ nhất của lời tiên tri. Ai cũng hồi hộp, vừa mong vừa lo sợ những điều sắp đến.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Chuyện dịch bệnh (kỳ 3, cuối)

Dịch hạch chỉ nghe nói, chưa tận mục lần nào nhưng bệnh đậu mùa và bệnh tiêu chảy (còn gọi là ỉa chảy), hai thứ này rất dễ thành dịch, thì diễn ra thường xuyên, nhất là tiêu chảy.

Hồi tôi còn bé (những năm đầu 1960) ở quê, vẫn gặp người nhớn bị đậu mùa. Bệnh đậu mùa để lại hậu quả xấu xí trên khuôn mặt, đầy những vết rỗ, rỗ chằng rỗ chịt. Chính vì thế, người ta còn gọi nó là bệnh rỗ. Loại đậu mùa thông thường (bởi còn có đậu mùa ác tính) không gây chết người nhưng khiến “nạn nhân” tủi thân, mặc cảm về diện mạo, hình thức. Đàn ông bị rỗ đã đi một nhẽ, đàn bà mà bị còn tủi gấp mấy lần. Làng Trà quê tôi thời tôi còn ở nhà có anh Mùi con bà Múi ông Mài, có chú Thiệu con cụ Kèo, cả thằng Phúc chú tiểu chùa Trà học cùng lớp tôi… bị rỗ chằng chịt, chả biết mắc từ hồi nào. Vậy nhưng tôi chỉ thấy họ cứ coi như không, kệ, ai đẹp mặc ai. Chú Thiệu rất tay chơi, áo su mi bỏ trong quần, diện dép nhựa Tiền Phong trắng, đi bát phố huyện như đi chợ, con gái các nơi theo hàng đàn. Anh Mùi cũng phớt tất, đến tuổi nghĩa vụ thì vào bộ đội, đánh nam dẹp bắc tung hoành, sau phục viên về quê làm trưởng công an xã, chuyên bắt những đám đánh bạc, tổ tôm, số đề. Năm xửa xưa, cỡ gần chục niên rồi, tôi về quê, gặp anh, mời bác vào nhà uống nước. Hỏi, bác Mùi còn khỏe nhỉ, còn đi bắt bạc không? Bác Mùi cười, dạo ấy được giao nhiệm vụ thì phải thế thôi, không hăng cũng không được, nhưng nghĩ lại, thấy mình cũng quá đáng. Ở quê buồn bỏ mẹ, đánh bạc là thứ giải sầu, giờ tao cũng thỉnh thoảng làm vài ván, lại có thằng khác như mình ngày xưa nó đi rình bắt mình. Nói xong cười khơ khớ, rất vô tư.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Chuyện dịch bệnh (kỳ 2)

Miền Bắc những năm 1950 - 1970. Suốt tuổi thơ và thanh niên tôi không phải chứng kiến trận dịch bệnh nào bởi khi mình được sinh ra thì đã hòa bình. Cuộc sống mới dù còn nghèo, thiếu thốn nhưng đã dần vào nền nếp, cả chuyện vệ sinh, ăn uống, y tế, phòng bệnh. Không còn đất cho dịch phát triển, và con người cũng có nhiều điều kiện để tránh dịch, chống dịch hơn. Nhưng những thứ bệnh có thể gây thành dịch thì vẫn còn, chỉ sơ sẩy lơ mơ là sẽ biến thành dịch.

Lúc bé, tôi vẫn nghe người nhớn kể về dịch. Thứ dịch nguy hiểm nhất là dịch hạch. Cũng chả hiểu sao thứ bệnh này lại có tên gọi như thế. Người nhớn nói dịch hạch dễ làm chết người nhất, mà lại lây lan nhanh lắm. Thủ phạm là bọn chuột. Chúng truyền vi trùng dịch hạch (hồi ấy không dùng từ vi rút, tất tật đều gọi là vi trùng). Con chuột mang vi trùng dịch hạch nhưng nó không chết, chỉ có người lây vào thì chết. Mà chuột là cái giống ở gần con người, chung với người. Nhà nào cũng có chuột. Chúng sục sạo khắp nơi, chui vào bồ thóc, vào thùng gạo, cắn quần áo, và tệ nhất là quậy chạn thức ăn. Lâu lâu nhà tôi mua được tí mỡ lợn rán lên để ăn dè, phải đổ vào ngăn cạp lồng nhôm treo tít lên xà nhà, vừa tránh kiến, vừa tránh chuột. Bọn chuột rất ghê, chúng biết thò mõm hoặc lấy chân bẩy mép lồng bàn lên để chui vào đánh chén. Bất cứ thứ gì chúng dính tới đều phải bỏ, đổ đi. Nhà tôi có lần buổi tối luộc nồi khoai lang, không dám ăn hết, cất đi để sáng mai có cái ăn sáng, lót dạ ra đồng. Sáng mở lồng bàn thấy bị chuột chui vào cắn ăn nham nhở. Mình đói không có gì bỏ bụng mà đành phải vứt bỏ. Thày tôi thấy con chần chừ, bảo bệnh dịch hạch chủ yếu từ đám chuột mà ra, đừng tiếc làm gì. Từ bấy tôi ghét chuột vô cùng. Quân khốn nạn tranh cả củ khoai của người nghèo. Nhà nuôi mấy con mèo mà vẫn không trị nổi đám giặc truyền dịch hạch này.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Chuyện cụ Tạ

Người ấy là Tạ Văn Thông, nhà ngôn ngữ, đồng môn với tôi.

Tôi với y có duy nhất điểm giống nhau (y là chuyên gia ngôn ngữ nên tôi rất cẩn thận, không dám viết liều như người ta “có một điểm duy nhất”, y lại mắng cho) là… trùng tên. Còn lại thì khác tuốt tuồn tuột, tất tần tật, kể từ cái họ. Tất nhiên trong đó khác cả thày bu, ngày tháng sinh, quê quán, tính cách, người yêu, thói xấu, nết hơi tôn tốt, tiền bạc, địa vị… Chứ nếu giống nhau hết thì còn nói làm gì.

Y họ Tạ, một cái họ hơi hiếm ở xứ An Nam ta, tuy nhiên cũng không ít yếu nhân làm vẻ vang dòng họ, chả hạn ông Tạ Đình Đề nổi tiếng biết bắn súng hai tay, ông Tạ Quốc Luật chui vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát, bộ trưởng Tạ Quang Bửu thời chúng mình còn sinh viên, anh hùng thời chống Mỹ Tạ Quang Tỷ, cô Tạ Bích Loan trên tivi, phó giáo sư Tạ Văn Thông K17. Đó là chưa kể bên Tàu có Tạ Tốn trong Thần điêu đại hiệp, hay nghe đâu ông Trần Độ chỉ là bí danh, chứ ông ấy cũng họ Tạ, người Thái Bình.

Y quê Vĩnh Phúc, nơi có vùng Hương Canh lừng lẫy về… vại. Ai về mua vại Hương Canh/Ai lên mình gửi cho anh với nàng. Đó cũng là niềm tự hào, chứ như quê tôi chẳng hạn, chả có cái gì để vênh, chả nhẽ lại khoe biết ăn mắm cáy. Hồi xưa, đứa nào trong K17 chúng ta chả hát “Quê em miền trung du, đồng xuôi lúa xanh rờn, giặc tràn lên thôn xóm. Dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ…”. Tôi dám chắc khi y đi tán gái, tán bọn lớp Ngữ K17, thế nào y cũng hát bài này cho thị của y nghe, bởi cứ từ chính mình mà suy ra thôi, tôi có lần hát “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, lim dim mắt say sưa hát xong, mở ra đã thấy con mụ chạy xa tít về gần tới cổng Mễ Trì, từ bấy cạch hát.

Cả nước dùng sai một từ

Từ ấy là “cách ly”. Nó được nhắc đến thường xuyên, liên tục kể từ khi xảy ra dịch Covid-19. Nói rằng cả nước thì hơi quá, hơi oan cho những người dùng đúng, dùng chính xác, nhưng quả thật, ngay chính phủ, bộ y tế, chính quyền các địa phương, nhất là báo chí và cơ quan truyền thông mậu dịch, rồi thậm chí cả ông thủ tướng, ông phó thủ tướng trong vài phát biểu chỉ đạo gần đây, đều dùng sai từ này.

“Cách ly” là từ Hán Việt (từ có gốc Hán), ghép từ hai chữ “cách” và “ly”. Cách nghĩa là ngăn, ngăn ra, làm cho lìa xa. Cách biệt là xa cách mỗi người một ngả. Cách chức là tước bỏ chức vụ của ai đó (khiến người nào đó phải xa chức vụ, ngăn không cho giữ chức nữa). Ly nghĩa là lìa ra, rời ra. Ly biệt là chia lìa cách nhau, chia xa mỗi người một nơi. Ly hương là rời bỏ quê (hương) đi đến chỗ khác.

Cách và ly khi được ghép tạo thành từ “cách ly” thì nó có nghĩa là ngăn ai đó, nơi nào đó trở thành riêng biệt, không cho liên lạc, quan hệ, tiếp xúc trực tiếp với người khác, nơi khác. Ví dụ: Chính quyền Hà Nội đã tiến hành cách ly toàn bộ phố Trúc Bạch; Tỉnh Vĩnh Phú đã cách ly xã Sơn Lôi 14 ngày theo quy định, v.v..

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Đối tượng

Mươi năm trở lại đây, trên mặt báo (cả báo in và báo điện tử), trên tivi, sóng phát thanh, và nhất là từ mồm và văn bản của công an, từ “đối tượng” xuất hiện với tần suất dày đặc.

Điều rất dễ thấy, với sự tung hứng của công an và phóng viên, từ “đối tượng” gần như chỉ dùng khi nói về những người xấu, kẻ xấu, chẳng hạn bọn cướp giật, đám buôn ma túy, những kẻ gây án giết người, bọn đua xe lạng lách, bọn buôn người, đám bị truy nã, v.v.. Dưới mắt và trong suy nghĩ của nhà báo và công an, cứ nói tới đối tượng thì cầm chắc đó là kẻ xấu.

Dẫn tới tình trạng chữ nghĩa oái oăm ấy, trước hết là công an. Chả biết vị sếp ngành nào đưa ra từ ấy trong chỉ đạo, trong văn bản, từ đó hầu hết văn bản điều tra đều dùng từ “đối tượng” chỉ bọn tội phạm.

Mấy phóng viên nội chính (trong giới báo chí mấy “nhà” này khiếp lắm, tự coi mình như thứ đẳng cấp, ra cái điều tao chơi được cả với công an, với viện kiểm sát, tòa án) do mối quan hệ, được công an cung cấp tài liệu, thế là chả cần suy xét, cứ về văng thiên địa, theo nguồn tin riêng, theo tin độc quyền, đối tượng A như thế này, đối tượng X như thế kia, cũng chả cần biết công an dùng từ ngữ, chữ nghĩa như thế có đúng hay không.

Chuyện dịch bệnh

Lẩn mẩn đọc lại sử, thấy cả trên thế giới lẫn xứ An Nam ta đã nhiều lần vướng chịu dịch bệnh. Có những trận dịch, người chết la liệt, nước này nước nọ tan hoang. Nhiều trận dịch xóa sổ cả quốc gia, làm biến mất nhiều đơn vị hành chính tỉnh thành châu quận. Cụ nào muốn rõ, cứ vào Gu gồ (Google) gõ chữ “dịch bệnh” hoặc “đại dịch” là ra hàng trăm nghìn kết quả, chứ nhà cháu kể ra đây lại kính chả bõ phiền, làm mất thời gian quý báu của mọi người.

Người xưa thường nói những mối nguy đến với con người ở 2 dạng: thiên tai và địch họa. Xin nhớ, địch chứ không phải dịch. Khi đi kèm với từ “thiên tai” thì phải là “địch họa”. Vừa rồi nhà cháu có sửa bài cho một bác kính mến, bác í toàn viết thiên tai dịch họa, bởi bác đang viết về dịch COVID-19. Giá như chỉ để dịch họa đứng một mình sẽ chẳng sao, tạm hiểu dịch họa là thứ tai họa do dịch bệnh đem lại. Nhưng đi cùng thiên tai thì lại sai lại chỏi. Mà không chỉ bác ấy, rất nhiều người nhầm, cứ nói là “thiên tai dịch họa” bởi quen mồm. Vừa rồi tôi đọc một bài trên tờ báo Giác Ngộ của mấy bác thầy chùa, một vị thượng tọa mình đầy chữ nghĩa cũng cứ đăng đàn giải thích thế nào là dịch họa. Chết cười.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Thơ thời vi rút

Vụ thơ vi rút đã làm toác ra những lỗ hổng sự thật chết người:

-Văn phòng chính phủ, đứng đầu là ông Mai Tiến Dũng, rặt một lũ nịnh và ngu dốt. Đã không biết thế nào là thơ hay vè, hay hay dở, lại còn rất mau mắn tham mưu nịnh để đến nỗi chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó cả bộ máy rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, đăng bài rút bài láo nháo cả lên không ra thể thống gì. Mấy ông này còn làm trợ lý, làm tham mưu cho chính phủ, dân còn chết.

-Ông thủ tướng lâu nay cũng tỏ ra thích thơ, nhưng đến cái bài vè này mà ông không phân biệt được nó có phải thơ không, thậm chí còn khen thì chính ông đã lấy mực nho đen kịt bôi một nhát chí tử vào cái trình độ thẩm thơ của mình.

-Báo chí cũng phải có trách nhiệm, nhất là tờ báo nào đã "có công phát hiện" ra thứ hàng mã thơ này. Xưa nay, ông thủ tướng và Văn phòng chính phủ chả quan tâm gì tới mạng xã hội, thậm chí chỉ bới móc nói xấu về nó, nên nếu nó có đăng thơ thì họ cũng chẳng quan tâm. Nhưng họ tin báo quốc doanh một cách mù quáng, thấy báo khen hay thì cũng nức nở khen hay.

Chờ câu trả lời

Trong bộ máy cầm quyền, cai trị nước này, đảng là độc quyền, đứng đầu, ôm trùm, nói theo ngôn ngữ của đảng thì "đảng lãnh đạo toàn diện", mọi chuyện lớn nhỏ, xa gần, hiện tại tương lai, vi mô vĩ mô, vật chất tinh thần, đói khổ sung sướng, giàu nghèo, hay dở..., tuốt tuột đều do đảng.

Đã độc quyền thì phải nhận tất mọi thứ, chứ không thể theo cái kiểu sàng lọc, đẹp nhận về, xấu xua tay, "đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" mà chẳng thấy thất bại bao giờ.

Phải thừa nhận một điều, đảng có bộ máy và hệ thống rất rộng khắp, ăn sâu, chặt chẽ, chỗ nào cũng mò vào. Riêng mảng lý luận, không ai bằng đảng. Có ban chấp hành trung ương, có bộ chính trị, có ban bí thư, có ban tuyên giáo, có hệ thống tuyên truyền độc quyền, có hội đồng lý luận trung ương, có học viện chính trị quốc gia, có... vô thiên khênh. Tất cả chỉ để phục vụ cho đảng nhưng xài ngân khố quốc gia, nhà cao cửa rộng, xe cộ bạt ngàn đều từ tài sản quốc gia. Chừng ấy vẫn chưa đủ, mỗi lần chuẩn bị đại hội, đảng còn lập hẳn ra ban soạn thảo văn kiện, do người cầm đầu làm trưởng, đưa những cây lý luận có sừng có mỏ vào để "vạch đường chỉ lối" cho dân tộc, mà cái anh vừa bị kỷ luật Hoàng Trung Hải mới được bổ làm phó trưởng tiểu ban là ví dụ cụ thể nhất.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Nhắc nhở những ông bà ở nhà chống dịch bằng phây búc

Thủ tướng đã chỉ thị ai cũng phải ở nhà để "cách ly xã hội" góp phần cùng chính phủ chống dịch, vậy thì ở nhà thôi cho nó lành. Đừng có lớ ngớ ra đường, chưa kịp dính con cô vít thì đã có thể chịu phạt này phạt nọ. Người người ở nhà, nhà nhà ở nhà, ta nhất định thắng, cô nhất định già.

Nhưng ở nhà cũng không hẳn là điều dễ dàng, nhất là với những ông bà lâu nay thích ngao du ngoài đường, rộng chân rộng cẳng, quảng giao, nhiều chuyện. Giờ tự dưng bị nhốt, quanh đi quẩn lại 4 bức tường, nói chuyện với vợ/chồng mãi cũng chán (mà thực ra chán từ lâu rồi). Nhà nào có cháu, có chó mèo thì còn chơi với cháu, chó mèo, cũng chỉ được vài hôm. Bà bạn tôi mấy hôm đầu còn cười rinh rích khoe cháu, cháu tôi thế này, cháu tôi thế nọ, giờ thì đang than thở gắt gỏng um lên kia kìa, bảo tao thà chịu con cô vít còn hơn chịu chúng mày.

Nhiều thời gian nên không ít vị tức cảnh sinh tình làm thơ, vẽ tranh, viết bài hát. Nào là thể hiện tâm tư nỗi buồn thời cuộc có dịch, nào ca ngợi anh Đam, đề cao thủ tướng, nào hỏi mấy người dính dịch bị cách ly đã làm gì cho tổ quốc, cứ um cả lên. Nói chung, tùy tài năng, năng khiếu văn nghệ của mỗi người, ta vẫn tôn trọng thôi, nhưng nhớ rằng có khi dập dịch cô vít xong, cả dân tộc lại lao vào cuộc trường chinh ròng rã dập dịch thơ thì bỏ bà.

Xí phần

Trên mạng đang loan truyền cái danh sách những ông to bà nhớn sắp tới, rằng ai là ủy viên bộ chính trị, những ai ủy viên trung ương (204 người)… Tôi không rảnh để quan tâm đến chuyện đảng. Việc riêng của họ mặc họ, hơi đâu mình để ý làm gì cho mệt.

Có điều nếu như họ chỉ chia mâm bát, xếp chỗ góc chiếu giữa đảng với nhau thì không nói làm gì, nhưng họ lại lấn sân đòi làm chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng… thì thật quá đáng. Dân chưa bầu ra quốc hội mới, họ đã vội chễm chệ giành ghế này nọ, quả là họ tham lam khí sớm.

Thế thì xứ này có khi không cần quốc hội nữa, cho tinh giản thủ tục cai trị đi bởi giả dụ cái danh sách “bị vô tình lộ ra” kia là thật, tôi đảm bảo tất cả những vị ấy sẽ được mặt trận tổ quốc hiệp thương giới thiệu là ứng viên đại biểu quốc hội, tất cả sẽ có tên trong danh sách bầu cử, tất cả sẽ trúng làm dân biểu, tất cả sẽ thành ông nọ bà kia theo sự định trước, không sót người nào. Xưa nay họ quen làm thế và dân ta ngậm ngùi chấp nhận vậy. Thế thì bầu làm gì?

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Góp ý với chính phủ

Chả ai như tôi. Liều. Vuốt râu hùm. Có thể góp ý với học trò, với vợ (đừng dại góp ý gì với người yêu bởi người yêu bao giờ cũng đúng), với đồng nghiệp, với hàng xóm… đều được, nhưng chớ với chính phủ. Chả bao giờ họ nhận sai, trừ khi đã sai lè lè. Chính phủ cũng giống như tình nhân, giống thủ trưởng cơ quan, chỉ có từ đúng giở lên. Hồi xưa còn đi làm, mỗi lần cuối năm nhận bản bình xét thi đua, phần góp cho thủ trưởng, tôi chỉ dám nhận xét thủ trưởng có mỗn khuyết điểm nóng tính, làm việc quá sức không biết giữ gìn sức khỏe. Đụng vào chỗ khác, chết.

Cách nay 3 hôm, chính phủ ban lệnh “cách ly xã hội”. Tưởng rằng cứ thế mà thực hiện, ai ngờ ông chằng bà chuộc, mỗi người mỗi nơi một phách, rất lằng nhằng. Nhiều nơi còn cấm không cho đi lại, nội bất xuất ngoại bất nhập. Có nơi kiểm soát rất gắt gao, quá thời bao cấp ngăn sông cấm chợ. Hải Phòng không cho xe nơi khác vào đất mình. Sài Gòn cũng vậy. Có nơi như ở thành phố Hạ Long vùng Quảng Ninh còn dựng chiến lũy, đào chiến hào, chăng dây thép gai, con ruồi bay qua không lọt, chỉ thiếu điều đứa nào vượt lũy là bắn. Ghê hơn cả hồi chiến tranh đánh du kích. Nói túm lại, do cách hiểu bị vênh, trình độ hiểu biết của cán bộ địa phương có hạn, nhưng không thể bỏ qua nguyên nhân: văn bản, lệnh của chính phủ lửng lơ, không rõ ràng, ỡm ờ, kiểu như muốn hiểu sao thì hiểu.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Chuyện bánh mì

Sáng 24.3, khi hầu hết bàn dân thiên hạ dành sự quan tâm, chăm chú vào cơn dịch “Cô Vít” đang diễn ra toàn cầu, ít để ý tới những điều khác, thì thật bất ngờ, trang chủ Google đã có động thái đặc biệt: Tôn vinh bánh mì Việt Nam. Xin nhớ rằng, trên trang chủ của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới này, một năm 365 ngày, mỗi ngày một sự tôn vinh hoặc tưởng nhớ, được hiện lên cho cả thế giới tỏ tường suốt 24 tiếng đồng hồ không phải dạng vừa đâu, bởi đó là siêu quảng cáo cho hàng tỉ lượt người xem. Xứ Việt ta cũng không ít lần có những danh nhân, sản phẩm được ngự lên ngai Google Doodle vinh quang ấy, chẳng hạn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Xuân Quỳnh, Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, ca trù, áo dài…, nay là bánh mì. Các nhà quản lý Google thật đáng yêu, thật dễ thương, đứa cháu tôi bảo vậy.

Theo dòng thời gian dài dằng dặc, người Việt ra nước ngoài nhiều, mà người xứ khác tới xứ ta cũng rất nhiều. Người đi đem theo bản sắc, đặc trưng, đặc sản của dân tộc, mà người đến cũng luôn có ý tìm tòi, thưởng thức những thứ ấy. Món ẩm thực đặc sản được tôn vinh, được quan tâm nhất là phở. Nói tới phở, nghĩ ngay tới thức ăn Việt khiến người ta chóp chép miệng, thòm thèm. Phở Việt tỏa khắp thế giới, in dấu ấn ăn uống ở cả những nơi cách xa cội nguồn của nó hàng vạn cây số. Cứ chỗ nào có người Việt thì nơi đó có phở, dù Âu, Mỹ, Úc, Phi châu. Nhìn cái cảnh người Tây xếp hàng dài chờ mua bát phở ở nhà phở Bát Đàn danh tiếng đất Hà thành mà không khỏi ngầm tự hào về món ăn Việt. Phở như thứ quốc hồn quốc túy xét về mặt ẩm thực Việt, ai chả hãnh diện.

Trao đổi với ngài cựu vụ trưởng Hà

Tối hôm kia, trên tivi nhà nước, bất chợt thấy một ông nói hăng hái sùi bọt mép (sùi thật chứ không phải là cách diễn đạt). Tôi buông bát cơm, tò mò coi ổng phát ngôn cái gì. Nhìn kỹ dòng chữ chạy phía dưới, đề tên Nguyễn Đức Hà, vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương. Đành rằng cán bộ cấp vụ lương cao ở nước này nhiều như lợn con nhưng đã leo lên tới chức ấy cũng không phải dạng vừa. Tức là xét về mặt logic, phải có tài, giỏi giang, hơn người…

Ông ấy đang nói (lúc tôi ăn cơm) về chống dịch cô vít. Nhưng bàn về dịch lại không nhằm vào dịch, mà chủ yếu phân trần giãi bày cho đảng. Thôi thì ăn cây nào rào cây ấy, ăn cơm chúa múa tối ngày, phải thế thôi, chỉ có điều nghe ngang ngang, trái tai, khó vào.

Ông Hà nêu chuyện thời gian qua dư luận có ý thắc mắc tại sao dịch bệnh căng thẳng bùng phát ngày càng nghiêm trọng như thế mà chỉ thấy thủ tướng, phó thủ tướng xuất hiện, làm việc, chỉ đạo nọ kia, không thấy đảng đâu cả. Ông Hà cười, nụ cười ngạo nghễ đắc thắng muôn thuở của mấy nhà lý luận, họ nghĩ thế là không hiểu gì, bởi thủ tướng, phó thủ tướng tức là đảng rồi, còn đảng đâu nữa mà đòi. Ở ý này, tôi xin thưa với ông rằng, nếu dư luận có yêu cầu đảng xuất đầu lộ diện thì cũng chỉ nhằm nói tới vị đứng đầu đảng, cụ tổng bí thư kiêm chủ tịch nước thôi. Giá như cụ ấy không làm hai việc, giữ hai chức, ngồi hai ghế, chỉ đảng đơn thuần thì người ta cũng kệ, chả đòi phải ra, đằng này cụ ấy lại chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, người nắm bắt trông coi lãnh đạo mọi điều mọi việc. Lúc nước sôi lửa bỏng, một ngày bằng hai mươi năm, không thấy chủ tịch thì họ phải đòi, ông Hà nhá.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Tháng 3

Cách nay 45 năm, 1975, cũng vào tháng 3, cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, chiến tranh ý thức hệ đi tới chặng chót, và kết thúc vào cuối tháng 4.

Trên thế giới, không phải chỉ có An Nam nồi da xáo thịt, củi đậu nấu hạt đậu. Nước Mỹ cũng từng phải chiến tranh nam bắc chết biết bao người rồi mới thống nhất. Người Ý chia làm hai phe hai miền bắn giết hơn 3 chục năm trước khi hàn gắn thành nước Ý bây giờ. Người Đức suốt từ năm 1945 tới 1991 đông tây mới chính thức hòa hợp, bắt tay nhau chấm dứt sự phân rã hận thù. Ngay cả Tàu cộng cũng đánh nhau chí chết từ bắc xuống nam, từ đông sang tây rồi mới như bây giờ. Nói thế để thấy rằng “đường vinh quang xây xác quân thù” đâu phải chỉ được đầu tư ở xứ ta.

Nhưng... Vâng, xứ ta vẫn khác biệt. Ngạo nghễ. Tất cả những nước kia, kể cả Tàu cộng “anh em như môi với răng”, nó làm gì ta cũng bắt chước, thế nhưng đánh nhau xong là… xong. Không ngạo nghễ “thế ta là thế đứng trên đầu thù” nữa, buông súng là cho qua mọi giận hờn, khác biệt, cùng gác lại quá khứ, cùng sống với hiện tại, cùng nhìn về tương lai. Không còn hơn thua, tôi thế này anh thế kia, tao thắng cái này mày thua cái nọ. Không khoét vào nỗi đau của nhau nữa. Không rầm rĩ hét hò say chiến thắng, cái sự say cuồng chẳng khác gì khoét sâu vào vết thương của kẻ khác, chẳng khác gì miệng thì bảo hòa giải hòa hợp, tay thì nắm chặt lưỡi lê thách mày cứ vào đây ông đâm lòi ruột mày.

Nhớ lại thời ‘Thái Thanh cũng bị cấm’

Từ sáng sớm, thứ tư 18.3.2020, nếu tính theo lịch ta thì trùng với ngày 25.2 Canh Tý, gần như đồng loạt trên các báo tiếng Việt, tất nhiên là bản điện tử chứ bản giấy phải đợi tới sáng hôm sau, xuất hiện bản “cáo phó”, đăng cái “tin buồn”, rằng nữ ca sĩ Thái Thanh từ trần.

Vẫn biết luật tự nhiên và cũng là luật đời, sinh lão bệnh tử, dù có bậc thánh nhân hay hoàng đế vĩnh cửu, dù có là “giọng hát vượt thời gian”, là Thái Thanh chăng nữa, cũng không thoát được, nhưng khi nghe tin bà ra đi, thọ 86 tuổi (bà sinh năm 1934), vẫn thấy buồn, vì nhiều lẽ.

Có nhẽ chưa khi nào một ca sĩ hải ngoại (cách gọi quen thuộc để chỉ những ca sĩ người Việt bỏ nước ra đi, hành nghề ca hát ở nước ngoài) được báo chí trong nước nhanh nhảu đưa tin nóng sốt, mến mộ, tiếc thương như vậy. Thử điểm nhặt trên các báo, đủ dạng thông tin, nào là bài, tin, là chuỗi ký ức, kỷ niệm xưa, là những câu chuyện kể, và nhiều nhất là hình ảnh nữ danh ca lừng lẫy một thời. Tất cả đều gắn với cái tên đã bám chặt, đi vào cuộc sống âm nhạc xứ ta: Thái Thanh.

Lứa chúng tôi, sinh giữa thập niên 1950, lại ở miền Bắc, lớn lên trong thời chiến tranh đối địch bắc - nam nên càng ít biết về Thái Thanh. Nguồn thông tin thì thào, kín đáo, loáng thoáng chỉ hé ra rằng nữ danh ca vốn là con gái Hà thành, theo nghiệp cầm ca từ hồi kháng chiến 9 năm, rồi cùng gia đình bỏ kháng chiến, bỏ cách mạng di cư vào Nam. Những người hiểu biết hơn về thời ấy, về những con người ấy thì ‘hé” thêm Thái Thanh là em vợ Phạm Duy, một nhân vật mà cách mạng rất ghét, họ nói xong còn đưa ngón tay lên miệng suỵt suỵt, chỉ biết thế thôi, đừng nói ra mà lụy. Mở rộng hơn nữa, chị của Thái Thanh là ca sĩ Thái Hằng, vợ Phạm Duy (lại nhắc Phạm Duy, lại suỵt suỵt), em của nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Đình Chương. Chỉ cần biết tới bấy nhiêu thôi là có vẻ đã có kiến thức hơi bị nhiều về thứ văn nghệ bên kia chiến tuyến.