Ba vị tiên chỉ, từ trái sang: NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh; thiếu tướng Phạm Chuyên; nhà thơ Thi Hoàng (ảnh: Nguyễn Thông, chụp 10.2.2012)
Khi biết tôi đang ở Hải Phòng, lại vừa đi Tiên Lãng về, ông bạn tôi, một quan năm an ninh nhưng rất đàng hoàng gọi điện bảo có đi nữa không. Tôi rằng Tiên Lãng lúc này tới bao nhiêu lần cũng chả đủ nhưng hôm nay mưa rét, quan anh tính sao. Bạn tôi nói, thế thì cùng đi với anh Chuyên nhé, sẽ có dịp gặp một số nhân vật đặc biệt đấy, chỉ cần ông trả phí bằng sự thông thạo đường đi lối lại đất Tiên Lãng thôi.
Đầu chiều 10.2 xe bác Phạm Chuyên xuống tới Phòng. Cũng may bữa qua mưa rả rích sụt sùi, hôm nay chỉ loáng thoáng đúng kiểu "mưa xuân lất phất bay". Theo điện đã hẹn trước của gã đại tá, mấy anh em tôi vừa tới thì các vị thành hoàng đất cảng cũng có mặt. Cuộc gặp gỡ nho nhỏ, đầm ấm trong một quán ăn giản dị, trao đổi trò chuyện thân tình. Ngoài anh Phạm Chuyên mà tôi từng được biết được gặp, quả tình tôi phải cám ơn ông bạn tôi bởi cuộc diện kiến những nhân vật nổi tiếng, "người của công chúng" này, nhất là với sự xuất hiện của đạo diễn Đào Trọng Khánh và thi sĩ Thi Hoàng.
Từ trái sang: Thiếu tướng Phạm Chuyên, nhà thơ Thi Hoàng
Cũng nên giới thiệu sơ qua cho phải đạo. Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội gặp một lần thì khó quên. Ông làm tướng, mà lại tướng công an, tuy nhiên chả dáng con nhà võ tí nào, chỉ toát lên dáng vẻ và phẩm chất một trí thức đúng nghĩa. Hiểu biết sâu sắc sự đời. Nhỏ nhẹ, từ tốn, không đao to búa lớn nhưng khi cần làm rõ điều gì thì nhiệt thành kiên quyết dứt khoát lắm.
Cái ông đạo mạo mà tếu tếu kia, đã lâu tôi chỉ gặp trên hình ảnh, bữa nay lại thân tình nắm chặt tay tôi. Nhiều người, rất nhiều người biết ông, nể trọng ông, nhà đạo diễn phim tài liệu lừng danh, NSND Đào Trọng Khánh, cùng quê Kiến Thụy (Hải Phòng) của tôi. Chỉ cần nghe ông nói một châp là bạn như bị thôi miên, không dứt ra được. Không hẳn bởi cái duyên ăn nói của một nghệ sĩ quảng giao mà chính là sự hiểu biết gần như vô tận, sâu đậm, tinh tế thông qua cách diễn đạt cực kỳ dí dỏm, thông minh. Tôi thì thầm với bác Chuyên, anh ạ, giờ thì em hiểu hơn cái câu đúc kết của các cụ ngày xưa mà em hay phê phán "một ngày tựa mạn thuyền rồng/còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài", bên bác Khánh có nửa buổi mà em tỉnh hẳn ra, bội thu bác ạ.
Nhà thơ Thi Hoàng
Vị tiên chỉ thứ ba, tôi nghe tên đã lâu nhưng cũng trực diện lần đầu, nhà thơ quê tôi, Thi Hoàng. Rất hiền lành. Bác cùng thời với Đào Cảng, Thanh Tùng, giọng thơ gân guốc chất chứa tình người đất cảng. Anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng quý bác lắm, bác mà ngồi đâu thì họ xúm đến đấy để được nghe những nhời chậm rãi nhưng chắc như đinh đóng cột và cực vui. Cô em gái tôi chơi với nhà thơ Vũ Thị Huyền kể rằng khi rảnh rỗi mấy đứa đến thăm bác, nghe ông cụ đưa đẩy vài câu là đã cười nghiêng cười ngả. Duyên dáng và hóm hỉnh lắm. Nhìn Thi Hoàng, tôi ngớ ngẩn tự hỏi trong cái thân thể nhỏ thó giản dị kia sao mà chứa nhiều sức hấp dẫn lạ lùng đến thế.
Tôi là cái thằng liều, tự biết mình chả là thứ đinh gì nhưng cứ gọi các tiên chỉ bằng anh tuốt. "Các anh" chả thèm chấp, thấy thằng em chịu khó hóng chuyện nên không nỡ đuổi mà còn cho cụng ly rôm rốp. Chuyện các anh giữa chiều mưa phùn đất cảng lại xoáy vào chủ đề Tiên Lãng. Nhiều lắm, hay lắm, tôi chỉ biên ra đây mấy ý.
Thiếu tướng Phạm Chuyên trên đống đổ nát của căn nhà anh Quý, anh Vươn (chụp chiều 10.2.2012)
Nhà thi sĩ đất cảng Thi Hoàng nhỏ nhẹ, ngắn gọn: Vụ Tiên Lãng chả cần bàn nhiều, các ông ạ, chỉ cần gút lại thế này: Mấy cha lãnh đạo Hải Phòng và cả trung ương nữa hãy bỏ thói sĩ diện, tự ái đi. Làm sai thì nhận, thì sửa, càng sớm càng tốt, cứ quanh co che đậy gian dối chỉ tổ làm cho dân ghét.
Thiếu tướng Phạm Chuyên nhân nhắc vụ Tiên Lãng bèn kể lại mấy vụ cưỡng chế thời ông làm giám đốc Công an Hà Nội, trong đó có vụ sân golf Uy Nỗ. Không ít vị lãnh đạo cấp cao hồi đó đã "có ý kiến" khi ông không điều quân trấn áp những người dân, thậm chí có người quá khích khi ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Theo ông "chả có gì phải xấu hổ khi thua dân", mấy đứa công an Hải Phòng không biết thế lại còn rùm beng việc cưỡng chế nhà Vươn bảo là trận hợp đồng lực lượng tuyệt đẹp, đó mới là xấu hổ, nhục nhã. Chiều nay (10.2) thủ tướng kết luận vụ việc ra sao, xin cứ chờ, nhưng theo tôi để hạ nhiệt, giảm bức xúc trong dân, giữ nghiêm phép nước, hãy rút ngay 3 thanh củi trong cái bếp rừng rực đó ra mà trị, cách chức ngay bí thư, chủ tịch và giám đốc công an thành phố này; tiếp nữa là tha ngay, tha bổng cho Đoàn Văn Vươn.
Những vật dụng còn sót lại trên đống đổ nát chứng minh rằng đây là nơi cư ngụ của một gia đình chứ không phải cái lều coi cá, nhà chòi như ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành rêu rao (ảnh Nguyễn Thông chụp ngày 10.2.2012)
Bác Khánh dẫn câu của đức thánh Trần, nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Nhất trí với ông Chuyên, phải cách chức 3 thằng củi ấy ngay, để ngày nào hại ngày ấy. Vụ thằng Vươn đó chính là cơ hội vàng để nhìn nhận và chỉnh đốn lại cái bộ máy cai trị này. Không làm, sẽ hối tiếc. Cá chép vượt vũ môn chính là lúc này đây, phải mạnh dạn dứt bỏ bọn cá làng nhàng nheo nhệch giói giếc ra thì mới có cơ lên được. Cứ bảo thằng Vươn có tội, đúng ra là nó có công, không biết ơn nó thì thôi, sao lại bắt tội. Đúng như ông Chuyên nói, tha thằng Vươn có nghĩa là mày vẫn có tội nhưng tội mày không đáng, tao bề trên, đàng hoàng tao tha cho mày. Như thế có phải ân uy không nào.
Vết đạn từ ngoài bắn vào còn hằn rõ trên bức tường gạch nhà Vươn đã bị phá
Ngồi nghe các cụ rôm rả, tôi cứ lo muộn về Tiên Lãng theo kế hoạch. Rồi chúng tôi cũng chia tay nhà đạo diễn và nhà thơ đáng kính cùng một số bạn bè để lên đường. Mưa, mặc, chúng tôi cứ đi. Lần này là lần thứ 3 trong vòng 4 ngày tôi đến đầm Vươn, tuy nhiên đi cùng vị sĩ quan an ninh kỳ cựu nên tôi biết thêm được khá nhiều. Trên nền nhà Vươn-Quý, bác Chuyên đã làm tôi sửng sốt khi bới ra một đống dép nhựa, đủ loại người lớn trẻ con, đàn ông đàn bà, lại lôi ra cả khẩu súng nhựa đồ chơi, mảnh gỗ bàn thờ, một tấm ảnh cưới và nhiều thứ khác nữa trong đống xi măng bê tông đổ nát. Bác Chuyên bảo, đây là những bằng chứng hùng hồn cho thấy căn nhà của Vươn là nơi sinh sống, sinh hoạt hằng ngày của một gia đình chứ không phải nhà chòi, lều coi cá như chúng nó lếu láo. Và rất tinh, bác còn chỉ cho tôi xem mảnh tường gạch đầy vết đạn từ ngoài bắn vào, bảo tôi chụp làm chứng tích, nhưng trầm ngâm không nói gì thêm.
Tôi hiểu nỗi lòng của vị tướng già khi ấy.
Bác Phạm Chuyên trầm ngâm bên những vật dụng còn sót lại của gia đình Vươn - Quý sau cuộc cưỡng chế tàn bạo
Tiết xuân 2012
Nguyễn Thông