Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Hội nghị đồ nhà

Sáng nay 30.9, ở Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội nhà văn VN (chắc chắn đã được sự cho phép của chính quyền) tổ chức "Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành-lần thứ nhất". Theo vài người bạn mà tôi chơi có tham dự, người đủ "tiêu chuẩn" được mời đều thuộc tuổi do cụ Đỗ Phủ quy định, nhân sinh thất thập.

Tuổi ấy nhìn chung già, có già thì mới được xem là lão thành. Người viết văn từ thời chống Pháp nếu còn sống thì chỉ thở cũng đã kỳ công, vậy nên chẳng mấy ai tới. Ngay cả những cụ viết từ hồi đánh Mỹ, trong số 300 người dự, có khi chỉ vài chục. Số còn lại, tuy lão nhưng chủ yếu chỉ thành trong hòa bình, tác phẩm thiên hạ không biết đến, chỉ trong giới trong nhà ngâm ngợi với nhau vui là chính. Còn họ và tác phẩm thơ văn của họ có phục vụ cho đất nước, dân tộc, nhân dân không, nói thật, nhà cháu rất nghi ngờ.

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Ngoại giao cây tre (kỳ 3)

Người cộng sản trên thế giới và ở Việt Nam, nhất là những năm xa khi chủ nghĩa cộng sản mới xâm nhập vào xứ này, thường ao ước, mong mỏi về một thế giới đại đồng không còn phe phái, tầng lớp tàn hại nhau, tất cả quốc gia trên địa cầu chỉ còn chính thể cộng sản, con người bình đẳng, mọi nước đều độc lập tự do. Tôi còn nhớ, hồi đi học, trong sách giáo khoa có bài thơ của nhà cách mạng Nguyễn Văn Năng người tỉnh Thái Bình, ông viết “Bao giờ thế giới đại đồng/Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân”. Một ước mơ thật đẹp, nhưng không tưởng, viển vông.
 
Thực tế đã cho thấy mỗi quốc gia có lối đi riêng của mình, nhiều quốc gia gần nhau về ý thức hệ thì tạo thành phe. Từ đầu thế kỷ 20 đã hình thành rõ rệt phe tư bản dân chủ và phe xã hội chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Hai phe kình nhau kịch liệt, gây ra chiến tranh, mà cuộc chiến tranh ý thức hệ ở Việt Nam là rõ nhất, cụ thể nhất. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, anh nào cũng cho mình cao cả, tốt đẹp, chính nghĩa. Phe xã hội chủ nghĩa khăng khăng có nhiệm vụ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Ngoại giao cây tre (kỳ 2)

Chỉ thoạt nhìn vào bụi tre khóm trúc là nhận ra ngay trúc tre luồng nứa vầu họ nhà tre đều mọc thẳng, thẳng tắp. Dân gian có câu “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng” (cây trúc dù có bị cháy thành than nhưng mỗi đốt trúc vẫn cứ ngay thẳng như vốn có chứ không hề xiên xẹo). Ông Thép Mới viết “Tre là thẳng thắn, bất khuất”. Bác nhà thơ Nguyễn Duy người xứ Thanh nơi nhiều tre nứa nhất nước tổng kết ngắn gọn “Nòi tre đâu chịu mọc cong/Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”, “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”. Dẫn thế để chốt lại: Tre là thẳng, thẳng đuột, không có cái trò uốn éo đu đưa. Đừng bôi bẩn, xuyên tạc, làm xấu hình ảnh cứng cáp hiên ngang từng là biểu tượng bao đời của con người xứ ta.

Những tác giả của “ngoại giao cây tre” mỗi lần nhắc tới cụm từ này đều có vẻ đắc chí lắm. Họ tự cho rằng đó là kết quả của trí tuệ siêu việt, bộ óc vĩ đại. Ông thủ tướng trong chuyến công du tận Brazil vừa rồi còn cất công đem bức tranh vẽ bụi tre tặng bà chủ tịch đảng cộng sản nước sở tại, khiến bà ta cứ tấm tắc khen ngợi ngoại giao cây tre, rồi chả biết có bắt chước không. Ai khen, chứ bà ni khen cũng bằng không bởi với một nước dân chủ như Brazil thì đảng cộng sản chỉ tồn tại cho vui cửa vui nhà.

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Ngoại giao cây tre

Cây tre là hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của làng quê, nông thôn Việt Nam thời vài chục năm về trước. Giờ nếu chạy xe máy vòng vèo khắp làng, bói cũng chả tìm được cây tre, chỉ còn những nhà bê tông, hàng rào bê tông, mái bằng mái chóp. Người ta gọi đó là nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Ai nặng tình với tre chắc chắn sẽ thất vọng.

Ngày xưa làng tôi rất nhiều tre, hầu như nhà nào cũng một vài bụi, có những nhà trồng tre bao bọc hết xung quanh, cả cái cổng cũng bằng tre. Họ nhà tre đủ loại, tre nứa trúc mai vầu luồng dùng, mỗi loại được dùng vào việc thích hợp nong nia cót thúng mủng giần sàng dậm lờ đó đăng đòn gánh rui mè kèo cột cái tăm đôi đũa cái giường chiếc chõng cái thang… Nói tới nông thôn, người đời thường dùng hình ảnh cô đọng “bờ tre gốc rạ”. Đời đứa trẻ nông thôn, ngoài mối gắn bó với ông bà, thày bu, anh chị em, xóm giềng, đồng ruộng, cây lúa củ khoai, thì “quan hệ” với tre nhiều nhất. Cho tới giờ, chấp chới tuổi già, tôi vẫn không hình dung nổi nếu ký ức của mình mất mảng tre sẽ trống như thế nào.

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Không ra hồn

Hồi còn bé, mỗi khi tôi làm việc gì bị hỏng, bu tôi cốc một cái lên đầu rồi bảo có tí việc thế mà làm cũng không ra hồn, không nên thân. Nếu đếm vết trên đầu chắc phải vài trăm cái. Nhờ bị cốc mà hơi thành người.

Giờ thấy tivi mậu dịch cũng như tôi lúc nhỏ. Trên kênh VTV2, cứ vào lúc 8 giờ kém 15 mỗi tối, nhà đài chiếu bộ phim dài tập (có nhẽ cả trăm tập) Thủy Hử của Trung Quốc. Phải nói thẳng, người TQ làm phim cực giỏi. Các đạo diễn, diễn viên ta chỉ đáng xách dép cho họ. Tôi nói thật. Họ diễn mà như không diễn, rất đời; còn ta phim chỉ như sân khấu í a ì a.

Phim hay, nhưng VTV đã làm cho người coi chán như chán cơm nếp nát ăn kèm thịt mỡ. Tôi mà là khách hàng quảng cáo giờ chiếu phim này, tôi dẹp ngay, chả quảng chả cáo thì đừng.

Ai đời, nhà đài (hoặc nơi phát hành phim) lồng tiếng, giọng đàn bà đọc (hồi xưa gọi là thuyết minh) lời nhân vật/diễn viên cũng tạm được, nhưng tiếng của nhân vật to hơn cả tiếng thuyết minh, không tài nào nghe được lời Việt. Nhẽ ra chỉ cần hạ âm thanh của nhân vật xuống mức nhỏ nhất thì sẽ rõ thuyết minh ngay, nhưng cái đám chiếu phim kia, việc đơn giản vậy cũng làm không ra hồn.

Theo thuyết âm mưu, hay là họ đang để người Việt quen dần với giọng Tàu, ngôn ngữ Tàu. Các nhà nghiên cứu gọi là cuộc xâm lăng văn hóa, đồng hóa.

Ai không tin, tối nay cứ mở VTV2 lúc 8 giờ xem tôi nói có đúng không.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Luật để làm gì?

Vụ chính quyền quận 5 Saigapore chịu bó tay, đầu hàng bọn dán quảng cáo nhăng nhít, xử lý phần ngọn bằng cách nhếch nhác bó cột điện nói lên điều gì?

Trước hết, đó là sự bất lực của một bộ máy làm việc không hiệu quả, mặc dù rất nhiều ban bệ, tổ chức, cấp này cấp nọ trong cái gọi là hệ thống chính trị. Nhẽ ra phải xử lý với biện pháp triệt để nhất, đúng luật nhất thì họ lại vẽ vời băng bó bằng cách rất luẩn quẩn, tốn kém, mắc cười.

Tiếp nữa là pháp luật xứ này chỉ để làm cảnh. Với những kẻ hủy hoại môi trường, làm xấu mỹ quan đô thị, bôi bẩn văn hóa, xứ ta có rất nhiều luật, nghị định để căn cứ vào đó mà xử lý, nhưng từ bấy tới nay chưa có vụ dán quảng cáo bôi bẩn, rao cho vay nặng lãi, rút hầm cầu, bán nhà bán đất...; chưa vụ vẽ bậy graffiti lên công trình công cộng, tường nhà phố, cửa nhà dân hoặc cơ quan, các đoàn tàu toa tàu, v.v.. bị xử phạt, ngay cả xử phạt hành chính cũng không chứ chưa nói khởi tố xử phạt theo luật dân sự.

Muốn chấm dứt tình trạng bôi bẩn đô thị, không khó, nhưng phải có bước đi cụ thể chứ không thể tiến hành cái rụp, hoặc bằng cách băng bó cột điện, gốc cây. Dân xứ này nhờn luật lâu rồi, khép vào luật cũng cần có bước đi, kẻo loạn. Tất nhiên phải là thứ luật tử tế, đàng hoàng, chứ không phải luật nào cũng đúng.

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

Bác Đào Trọng Khánh

Người bạn quê gọi Zalo cho tôi báo tin bác Đào Trọng Khánh qua đời đầu chiều nay 20.9. Vậy là đại thụ đất Phòng đã ngả về cội sau những năm sống chung với thói đời, trời ban cho 84 tuổi ta. Thế hệ những con người người nhất lại càng vắng thêm.

Bác Khánh sinh năm 1940, cùng quê tôi huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn nổi tiếng, một tên tuổi “cộm cán” đất cảng. Khi đám chúng tôi mới oe oe chào đời thì bác Khánh đã 15 tuổi, vừa học vừa làm công nhân cảng. Lúc đám oe oe học cấp 3 thì bác í đã nổi tiếng, bạn thân thiết của rất nhiều tên tuổi Hải Phòng như Nguyễn Viết Lãm, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, và nhất là thi bá Lưu Quang Vũ trên Hà Nội.

Nhớ đầu xuân Nhâm Thìn 2012, ngày 10.2 tây, tôi có may mắn được chen vào cuộc tụ bạ cực kỳ thú vị tại một quán ăn gần cảng ven sông Cấm. Mưa xuân lất phất giăng bụi, gió se se lạnh. Hai cây đào của quán bung hồng hết cỡ. Cuộc gặp gỡ nho nhỏ, đầm ấm, trao đổi trò chuyện thân tình. Ngoài lão tướng Phạm Chuyên tôi từng được biết, được gặp khá nhiều, quả tình tôi phải cám ơn ông bạn nghề đồng hương bởi có dịp được ngồi ngắm những nhân vật nổi tiếng, "người của công chúng" đất Phòng và cả nước, đạo diễn Đào Trọng Khánh và thi sĩ Thi Hoàng.

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Thua là cái chắc

Con người ta lúc thế này lúc thế kia, là chuyện thường tình. Chả mấy ai cả đời, từ khi oe oe tới lúc xuống lỗ vẫn chỉ duy nhất mình, họa có là thánh.

Ấy là tôi muốn nói tới ông cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông này có một thời nhiều người thích, trong đó có tôi. Thích bởi sự thẳng thắn, dứt khoát, rành mạch, rõ ràng, nói là làm, yêu ghét phân minh, tốt xấu rành mạch...

Tất nhiên ông ta cũng có những mặt dở, những điều không hay. Ai mà chả thế. Chẳng ai toàn thiện toàn mỹ trên đời.

Thời gian qua, ông ta tự biến mình thành một Trump khác. Nổ văng mạng. Lại còn khuyên những người yêu nước Ukraine nên nhường nhịn Nga, chấp nhận mất đất để đổi lấy hòa bình. Lại còn nói phét "nếu đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, tôi sẽ đạt được một thỏa thuận cho Ukraine - Nga trong vòng 24 tiếng đồng hồ", "Tôi sẽ mang Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đến bên nhau và sẽ giúp họ có được một thỏa thuận"...

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Văn hóa lùn

Nói ngay là tôi đã không định biên gì về những liên quan tới Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, bởi chuyện nhà chuyện đời với tôi bấy lâu đủ nhức đầu rồi, nhét thêm nữa thì vỡ mất. Tập thể hoặc cá nhân, ai chả có lúc sai. Ấy, cứ tặc lưỡi mềm lòng châm chước kiểu vậy.

Nhưng cái công văn của bộ đó do thứ trưởng Tạ Quang Đông ký như giọt nước tràn ly. Một điển hình của lề thói cai trị cầm quyền ở xứ này. Một dạng ngạo nghễ, kiêu ngạo cộng sản, thách thức tất cả. Tao cứ thế đấy, chỉ có đúng, không bao giờ sai, chúng mày cứ dờ thần hồn, v.v..

Rất nhiều người nhận xét công văn của Bộ Văn hóa điển hình cho thứ lý sự cùn, cãi chày cãi cối, vòng vo quanh quéo, đổ này đổ nọ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, cố tình không nhận cái sai của mình. Đã thế họ còn đổ lỗi cho người khác, gắp lửa bỏ tay người, dọa non dọa già, làm mình làm mẩy. Rồi họ còn lấy đảng, nhà nước ra làm bình phong, làm cớ để vu oan giá họa. Họ đang nghĩ mình là ông trời, nghĩ xã hội hiện tại đang ở thời vua chúa, vua bắt chết phải chết, cấm phê, cấm cãi.

Trong bộ máy nhà nước, nơi đâu cũng vậy, có nhiều bộ nhiều ngành quản từng lĩnh vực cụ thể. Bộ Văn hóa là thứ bộ không làm ra tiền nhưng nó mang thuộc tính đạo đức, thể hiện tinh thần, tâm hồn, văn hóa của dân tộc, nhân dân, đất nước. Người ngoài nhìn vào cách hành xử của cơ quan này, của những người cầm đầu bộ này sẽ đánh giá thể chế và đất nước mà nó đại diện về văn hóa tốt xấu, hay dở thế nào. Và thật đáng buồn, thậm chí phẫn nộ, thứ mà Bộ Văn hóa thiếu nhất lại chính là văn hóa.

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

Đấu giá

Trên mạng xã hội cũng như báo mậu dịch, không ít người ủng hộ việc đấu giá biển số xe "đẹp", rằng thu tiền từ nhà giàu về cho ngân sách tại sao lại không làm, có người còn bảo cứ công khai như vậy thì mới chặt được thói dấm dúi tự tung tự tác của công an lâu nay, v.v..

Có "chặt" được hay không thì tôi chẳng rõ, nhưng cho rằng thu về ngân sách thì là chuyện khó tin. Bao năm rồi, rất nhiều thứ thu về ngân sách nhưng lỗ hà lỗ hổng đầy. Kiếm tiền, cứ núp bình phong ngân sách là dễ được OK nhất.

Đành rằng tổ chức đấu giá công khai là theo luật định nhưng không phải cứ đấu giá công khai thì không có chuyện. Chắc nhiều người còn nhớ vụ đấu giá 4 lô đất "vàng" ở Thủ Thiêm hồi giữa tháng 12.2021, có đại gia trả tới 2,4 tỉ đồng/m2, một mét vuông bằng giá một căn nhà loại khá, cả 4 lô thu về hơn 37 nghìn tỉ đồng. Giá đấu thắng rất đáng ngờ, nhưng chính quyền lẫn không ít người vẫn hân hoan, tiền thu về cho nhà nước có chi mà ngại. Cuối cùng các đại gia xù hết, chả thèm nộp tiền nhận đất. Dững 2,4 tỉ đồng/m2, mà nộp tiền mấy chục nghìn tỉ cho lô đất ruộng, họa chăng điên khùng. Đại gia chỉ có âm mưu chứ đâu có điên khùng.

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Máu tham hễ thấy hơi tiền thì mê

Câu thơ cụ Nguyễn Du viết trong truyện Kiều không nhắc tới tiền, mà “hễ thấy hơi đồng thì mê”. Ngày xưa, đồng tức là tiền. Tiền thường được đúc bằng đồng. Người ta cũng thường nói đồng tiền, chẳng hạn đồng tiền Vạn Lịch. Bây giờ xứ này vẫn gọi tên tiền Việt là đồng, ngân hàng và doanh nghiệp khi tính tỷ giá hoặc buôn bán với nước ngoài đều theo Việt Nam đồng (VNĐ), cũng như nước khác gọi là đô la, yên, kíp, tệ, pê sô… Xin nhớ rằng VNĐ chứ không phải VND như đám nhà báo viết, đánh lộn sòng với tiền đô la.

Ham tiền, ai chả ham. Tôi cũng vậy. Không tiền, đất cũng chả có để cạp mà ăn. Nhưng tham tiền, mà lại cả một bộ máy tham tiền, thì cực kỳ đồi bại.

Hôm qua 15.9, cả xã hội ồn ào chuyện đấu thầu… biển số xe đẹp. Những chiếc biển số xe được dân gian phong 9 nút, tứ quý, ngũ quý, số tiến, tài lộc. Xưa nay mấy cái biển loại đó, hoặc công an dấm dúi với nhau, hoặc được cấp cho chủ xe theo kiểu bốc thăm. Giờ thì chúng trở thành nguồn tài nguyên, cũng như than, sắt, dầu khí, lúa gạo, kinh tế mũi nhọn.

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Lọt, bao gồm, mạnh thường quân, tối đa

Người làm báo, giỏi cái gì (nghề chẳng hạn) chưa cần bàn, nhưng trước hết phải giỏi, thạo về ngôn ngữ. Ngôn ngữ là công cụ chuyển tải những điều họ chứng kiến, suy nghĩ, bày tỏ thái độ. Cũng như người nông dân phải thạo dùng cái cày mới có đường cày sá cày thẳng thớm vậy. Nhà báo kém về ngôn ngữ không chỉ đẻ ra tác phẩm báo chí tệ, mà nguy hại nhất là làm hỏng ngôn ngữ - thứ sản phẩm tinh túy của con người.

Ông hàng xóm nhà tôi rất nhiều lần phàn nàn về trình độ tiếng Việt của các nhà báo xứ này, có lần còn nói tục (tôi xin phép ghi lại), đèo mẹ, làm hỏng, phá nát tiếng Việt không phải ai khác chính là đám nhà báo, bọn báo in, báo điện tử, bọn phát thanh, truyền hình.

Tôi nhặt ra rất nhiều trường hợp sai trong dùng từ hoặc diễn đạt trên các báo, sẽ lần lượt đưa lên cho thiên hạ tỏ tường.

Đầu tiên là từ “lọt”. Ta thấy nhan nhản trên các báo những cái tít, những dòng tin như “Lọt chung kết”, “Lọt top 5, top 10”, “Lọt nhóm quốc gia”, v.v.. Chẳng hạn: “Ông Phạm Nhật Vượng có thêm 1,5 tỉ USD, sắp lọt top 100 giàu nhất hành tinh” (VNN), “Việt Nam có 5 trường đại học lọt top hàng đầu thế giới” (báo Chính phủ), “Sa Pa lọt top những thị trấn đẹp nhất thế giới” (Tiền Phong), “Việt Nam lọt top 4 xuất khẩu châu Á chip bán dẫn vào Mỹ” (Tuổi Trẻ), “35 người đẹp lọt chung kết hoa hậu” (VTV), “Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới (báo Hà Nội mới)…, nhiều không kể xiết.
Những người dễ tính, xuê xoa, và tất nhiên không có ý thức về sự trong sáng của tiếng Việt thì tặc lưỡi chuyện nhỏ, viết sao cho người ta hiểu nội dung là được; thậm chí chê tôi hay bới móc. Tôi kệ, tôi chỉ làm theo lời cụ Phạm Văn Đồng, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

Trung ương không thiếu người, chỉ không có người rành tiếng Việt

Hầu hết các báo đài mậu dịch đều giấy trắng mực đen đưa tin "Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam", "Tổng thống Hoa Kỳ đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam", “Lễ đón chính thức Tổng thống Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam"..., đại loại đều lủng củng như vậy.

Những người trình độ tiếng Việt bình thường chứ chưa cần giỏi, nghe/xem cứ tức anh ách. Tức về mặt ngôn ngữ, chứ không phải tức ông Bi Đen. Ông ấy chỉ đáng yêu, chả có chi đáng trách.

Theo trật tự của câu tiếng Việt, nếu nói “thăm cấp nhà nước” hoặc “chuyến thăm hữu nghị” thì “cấp nhà nước”, “hữu nghị” để chỉ tính chất, bổ nghĩa cho “thăm, chuyến thăm”. Nhưng khi đã có đối tượng cụ thể của động từ “thăm” (làm vị ngữ) thì bổ ngữ phải đứng ngay sau động từ, ví dụ: thăm Việt Nam, còn thăm có tính chất như thế nào sẽ ở vị trí tiếp sau. Chính vì vậy, diễn đạt chuẩn phải là: “Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam cấp nhà nước”, “Lễ đón chính thức Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam cấp nhà nước” chứ không thể lộn tùng phèo, phá tiếng Việt như báo đã dùng.

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

Đổi

Thực ra, rụt rè nâng cấp quan hệ, nâng tầm nọ kia dù có mục đích tốt đẹp đến mấy cũng chỉ là kiểu anh mù khua khoắng gậy đi lòng vòng, mất thời gian.

Nếu đã đặt "dân giàu nước mạnh" lên tối thượng thì cứ bỏ ngay thứ mặc cảm của kẻ chọn sai đường, nói thẳng với "bạn" rằng chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian trên con đường nghèo đói, hãy chỉ cho chúng tôi cách đạt được dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh (thực chất) như các ngài.
Độc lập, tự chủ, kiên định đường lối cũ mà làm gì khi dân mãi chịu cảnh đói nghèo.

Đời con người ta chỉ sống có một lần, không ai có thể sống hết kiếp này sang kiếp khác để hưởng thành quả của hướng đi vô định, không biết nó ra sao.

Sĩ diện quốc gia bộc lộ ở tình trạng đói nghèo bất công chứ không phải việc chân thành học hỏi từ người hơn mình. Nếu người ta tới mình, hoặc mình tốn tiền đi tới người ta, những Mỹ, Nhật, Hàn, Israel, Sing..., cứ cầm cuốn sổ cây bút nhờ người ta chỉ dạy. Ông ơi, bác ơi, làm thế nào giàu có, hạnh phúc, hãy chỉ cho tôi với. Sĩ diện quái gì khi dân khổ nước nghèo.

Ăn miếng bánh vẽ lý luận mãi rồi, đã đến lúc người dân cần miếng bánh thực. Có thực mới vực được đạo, ngay cả thứ đạo xã hội chủ nghĩa. Nó chỉ hợp với một số người chứ không phải toàn dân.

Hì hục thí nghiệm mãi một đường lối, dù biết mười mươi một trăm năm nữa chưa biết có thành công hay không, thì đó không chỉ là làm chính trị, mà còn là tội ác với dân chúng.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

Điên khùng

Là người cực dốt ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, vốn liếng chưa đủ dính dầy đít giỏ, nói chuyện với Tây chủ yếu bằng tay, nhưng tôi cũng đủ hiểu từ "war" tiếng Anh có nghĩa là chiến tranh. Hai nước đánh nhau, nước này xâm lược nước kia thì là chiến tranh xâm lược (aggressive war), nước kia chống lại thì là chiến tranh vệ quốc. Đại loại dù kiểu gì chăng nữa thì cũng cứ phải gọi là chiến tranh.

Nghĩa phụ của từ war là xung đột, sự giải quyết tranh chấp về quyền lợi. Nghĩa phụ này chỉ dùng trong những trường hợp phạm vi hẹp, chẳng hạn giải quyết mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, nhóm này với nhóm khác, cao lắm là phạm vi làng xã, đơn vị, tổ chức này nọ.

Rất khốn nạn, phải nói là rất khốn nạn, cho tới lúc này, cuộc chiến tranh đẫm máu ở Ukraine do bọn Nga xâm lược gây ra, đã hơn 1 năm rưỡi, vẫn được nhà cai trị, giới cầm quyền, ban tuyên giáo, báo chí mậu dịch quốc doanh xứ An Nam gọi là xung đột. Chúng coi rẻ mạng người không bằng con sâu cái kiến, bất chấp cả luân thường đạo lý, công lý, sự thực; rất vô văn hóa, vô đạo đức, không còn tư cách con người.

Vậy nên cái ý định ném 350 nghìn tỉ đồng để xây dựng văn hóa, chỉnh đốn tư cách con người chỉ là thứ ý định điên rồ, rất vớ vẩn, cực kỳ vớ vẩn.

Nếu có giỏi, thực tâm, hãy bỏ ngay cái từ "xung đột" bị dùng một cách rất khốn nạn kia đi. Tự chỉnh đốn mình đi.

Người đọc tử tế hãy tẩy chay những báo đài nào cố tình dùng từ xung đột. Chúng không đáng được quan tâm.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Một cuộc đi xa

Chiều 6.9, chỗ nhà tôi mưa rả rích. Sài Gòn cũng như Huế vậy thôi, chiều mưa buồn lắm. Mới hơn 2 giờ, chuông reo, tiếng chuông sao có vẻ buồn. Chú em Như Thảo, phóng viên báo Thanh Niên sốt sắng báo, anh ơi, anh Đoàn Xuân Hải mất rồi, cách nay nửa tiếng. Rồi liên tục, hết người này người khác, tinh dững bạn bè, đồng nghiệp cũ nhắn tin, gọi điện, chỉ cái nội dung buồn ấy.

Lặng người. Cách nay vài tháng, ba anh em còn ngồi với nhau ở khu “ẩm thực đặc biệt”, một con hẻm đường Cống Quỳnh, trước trụ sở cũ báo Thanh Niên. Anh Nguyễn Khắc Nhượng bậc đàn anh cười bảo bữa nay ba ta đàn đúm chúc mừng Đoàn Xuân Hải từ cõi chết thắng lợi trở về. Ba anh em cụng ly cười he he. Vậy mà lúc này Hải đã mau mắn chọn một chiều mưa Sài Gòn ra đi cho mát.

Suốt gần tháng qua, tôi bận tối mắt tối mũi với cái bàn phím lạch tạch. Chả là nhận biên tập cho cuốn sách vài trăm trang, mà người nhờ vả, tin cậy đâu có phải ai xa lạ, là Lê Anh Đủ, bạn của cả tôi và Hải. Hồi mấy anh em còn cùng tòng sự chung ở báo Thanh Niên (mình và Hải lính cũ, Đủ từ Tuổi Trẻ sang, làm chung với Hữu Phú), trên 2 căn phòng bé tí tuốt lầu 5, í ới sang chơi với nhau, trà lá lúc thư nhàn, Hải gọi Đủ là đu đủ, Đủ kêu Hải là anh đường dây nóng. Mỗi ngày với những niềm vui nho nhỏ làm nhẹ bớt bao bận bịu lo âu trong cuộc mưu sinh vất vả. Đêm qua, sách đã xong, meo (mail) trả Đủ, mới có thì giờ biên mấy dòng về Hải.

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Người hoàn hảo

Ở xứ này, lâu nay cứ kỷ niệm ngày sinh ngày mất (nhất là dịp tròn năm) của ông to bà nhớn là người ta lại tổ chức lễ lạt linh đình, ra sách, dựng tượng, hội thảo, tuyên truyền để khen ngợi "công lao to lớn". Chả hạn, ông bà ấy từng ủng hộ khoán hộ, chủ trương đổi mới, mạnh dạn xé rào, mở đường cho kinh tế thị trường, chống quan liêu bao cấp, tư duy vượt thời đại, v.v..
 
Dường như trong cái bộ máy, chính thể mà những ông bà ấy là thành viên, thậm chí chủ chốt, họ không liên quan gì tới những tệ hại, thụt lùi, trì trệ, suy sụp, khốn khó của đất nước trong suốt bao nhiêu năm. Vậy thì do ai, tại ai?

Qua sự tung hô, chỉ thấy họ có công, là những con người hoàn hảo, đấng bậc, chứ không có tiền án tiền sự gì. Dường như họ vô can, không dính dáng tới hiện thực u ám của đất nước và dân tộc. Mọi điều dở, chắc chỉ bởi đám dân.

Lại nhớ câu thơ của cụ Việt Phương (tác giả tập thơ Cửa mở): Những gì xấu xa của tao thì thuộc về mày/Những gì tốt đẹp của mày thì thuộc về tao".

Ở xứ này, làm quan là sướng nhất, cả lúc sống lẫn khi đã chết.

Nguyễn Thông