Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Vật cản

Điều rất dễ nhận thấy, hầu như trăm phần trăm đám tội phạm từng là phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, đầu đảng tỉnh, quan đầu tỉnh, ủy viên trung ương, tướng lĩnh, thậm chí cả chủ tịch nước... đều có bằng chính trị cao cấp, nhiều đứa đi lên từ ngạch đoàn thanh niên.

Vậy thì cần rà soát, xét lại việc trồng người của cái gọi là học viện chính trị cao cấp. Nó đã dạy người ta thứ gì mà cuối cùng ra kết quả ấy.

Cần coi lại cái hệ thống đoàn hội. Nó cung cấp cho xã hội quá nhiều đứa mất dạy dạng Tất Thành Cang. Mà đã có đoàn thì dẹp hội đi, hoặc ngược lại, tốn tiền dân nuôi quá. Nếu chúng tồn tại như tổ chức hướng đạo của cụ Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu khi xưa thì dẫu có một trăm đoàn hội cũng chả ai thèm nói.

Cũng phải coi lại cái gọi là ban tổ chức trung ương. Chính nó cung cấp tội phạm cho nhà tù nhưng nó lại không hề bị rụng cọng lông nào. Nó trồng cây để cung cấp củi cho lò chứ chả phải ai khác. Vừa trồng cây/Vừa đốt lò/Chả phải lo/Bị thiếu củi.

Đã tới lúc nên nghĩ tới sự giải tán, dẹp bỏ trường chính trị cao cấp, đoàn hội, ban tổ chức, bởi những lý do trên. Những nước văn minh, phát triển, dân chủ, hạnh phúc, không nước nào có mấy thứ ba lăng nhăng ấy.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Ngoại ngữ

Chả giấu gì, tôi là trùm dốt ngoại ngữ, dốt đặc cán mai. Nói theo kiểu giang hồ vặt, nếu tôi dốt hạng 2 thì không ai hạng nhất.

Vậy nhưng cứ khó chịu. Mấy hôm nay tòa xử vụ Việt Á. Cả tòa (cáo trạng, chánh án, kiểm sát viên, thư ký tòa) lẫn báo chí, tivi, nhà này nhà nọ cứ một điều kit test, hai điều kit test, thậm chí lại còn lòng thòng kit test xét nghiệm. Như đục vào lỗ tai, văng bụi vào mắt.

Dốt như tôi mà còn biết: Kit nghĩa là dụng cụ, bộ dụng cụ, vật dụng; test là thí nghiệm, xét nghiệm, thử. Test kit là dụng cụ/bộ dụng cụ để thử, để làm xét nghiệm. Test đứng trước, kit đứng sau, đâu có cái thói cả làng cùng "đau mắt là tại hướng đình" như vậy.

Chỉ đơn giản thế thôi nhưng sai từ trên xuống dưới. Vậy mà người ta còn đòi bỏ tiếng Anh để chuyển sang tiếng Tàu trong trường phổ thông.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

Báo hại, báo cô, báo đời

Làm báo mấy chục năm ở xứ này, tôi biết chắc chắn rằng mỗi bài được xuất bản đều bị đám kiểm duyệt soi rất kỹ, tơ lơ mơ là phạt, thậm chí đình bản. Tôi nói từ thực tế khách quan, đừng cãi tôi.

Sợi dây trói ấy có tên gọi "đường lối của đảng và nhà nước", “quan điểm chính trị”.

Gọi là tự do báo chí, các ông bà ấy lúc nào cũng cãi xoe xóe với thế giới về thứ tự do lỏng mà siết chặt thật này, thực chất thứ tự do ấy thế nào?

Theo quy định, trong một cơ quan báo chí mậu dịch quốc doanh, tất cả cán bộ từ cấp trưởng-phó ban/phòng trở lên đều phải đảng viên (còn đảng nào vào đây nữa), ban biên tập thì đương nhiên. Tôi đố ông bà nào tìm được tờ báo đang hoạt động ở xứ này mà bộ máy không "đảng hóa" như vậy. Tôi nói thật, tổng biên tập tờ báo là đảng viên thì báo ấy chỉ là báo Nhân Dân phẩy, ai mà thèm đọc.

Nước này có gần 900 cơ quan báo chí, tức là gần 900 Nhân Dân phẩy, gần 900 loại gói xôi giấy và gói xôi điện tử. Cười ở chỗ, tên nó Nhân Dân nhưng nó là báo đảng, dân chỉ đóng vai trò bình phong.
Xứ ta gần 100 triệu người, trừ số đảng viên vài triệu đi (mà có khi đảng viên cũng chả thèm đọc giấy gói xôi), tôi đảm bảo hơn 95 triệu còn lại cả đời không biết mặt mũi báo gói xôi thế nào. Đơn giản là họ không thèm đọc. Phần lớn báo mậu dịch khác cũng chịu chung số phận.

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Kinh tế cộc đuôi

Tôi không phải người làm kinh tế, bằng chứng là rất nghèo, thường xuyên trong ví chỉ có giấy tờ tùy thân.

Coi tin tức, tự dưng thấy lo lo bởi cái nền kinh tế thị trường có đuôi ở xứ này.

Giá vàng sáng 26.12 lên sát 80 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới hơn 20 triệu. Ối cha mẹ ơi, kinh khủng khiếp. Dò trên mạng, vàng bên láng giềng Campuchia cũng chỉ khoảng 60 triệu, như giá chung thế giới.

Hôm trước đó, ngân hàng Vietcombank (số 1 trong bộ tứ ngân hàng quốc doanh) giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn chỉ còn 1,9% năm, tức là tụt xuống 0,158% tháng, tức là gửi 100 triệu sẽ lĩnh lãi 158 nghìn/tháng, mua được 5 ký gạo ST25 loại 2. Ngân hàng đang thừa tiền, tiền chết dí nằm đọng trong kho, nó đâu cần huy động thêm của những ông bà về hưu chắt bóp gửi để có tiền chợ để sống qua ngày làm gì.

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

Chuyện uống chè (kỳ 4)

Bài kỳ trước, nhà cháu nói chuyện uống nước vối thay chè, đọc lại sực nhớ quên một chi tiết. Nước vối nấu bằng lá tươi, lá khô và nụ vối đều được, nếu biết cách nấu/hãm, thậm chí còn thú vị hơn cả chè móc câu. Riêng lá vối khô hoặc nụ vối, cho thêm vài nhánh lá đăng cay khô vào thì có khi còn ngon hơn cả Coca-Cola, Pepsi bây giờ.

Từ dạo vào nam, tôi ít được uống nước vối, lại càng không có dịp nếm mùi lá đăng cay. Thứ lá nho nhỏ như chiếc ngòi bút lá tre, mọc dày hai bên nhánh, nhọn, từa tựa lá dương xỉ. Thày tôi mỗi lần nấu siêu nước vối chả bao giờ quên bỏ mấy nhánh đăng cay vào. Mùi vối đậm đà, thêm hương thơm và vị cay cay dịu nhẹ của lá đăng cay tạo thành thứ “ẩm thủy” khó tả. Gần nửa thế kỷ bặt vắng nó nhưng tôi vẫn cảm thấy mùi hương quê ấy quanh quẩn đâu đây.

Nước vối lá xanh nếu nấu không ngon bằng hãm. Tôi học được cách này khá tình cờ. Dạo cách nay mười mấy năm, đám đồng môn rủ nhau họp lớp, mà lại tận Đồ Sơn. Bọn cắm ở Hà Nội, Hải Phòng đi Đồ Sơn như đi chợ, với chúng nó chả có gì trở ngại, còn tôi phải vượt gần 2 nghìn cây số. Đồ Sơn vốn chỉ cách quê làng tôi chưa đầy chục cây số đường chim bay nhưng thú thực từ lúc bu tôi đẻ ra tới khi học xong cử nhân tôi vẫn không biết mặt mũi Đồ Sơn nó thế nào. Mãi đầu thập niên 80 mới mò ra, biết khu 1, khu 2, nhà Bảo Đại, bến Nghiêng…

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Chuyện uống chè (kỳ 3)

Miền Bắc, sống ở nông thôn, người ta uống nước vối quanh năm suốt tháng, nếu mua được gói chè “ngon” loại 2, loại 3 như chè Đại Đồng, Phú Thọ chẳng hạn thì phải để dành phòng khi có khách. Vối sẵn, hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây, góc vườn hoặc bờ ao. Uống lá tươi, cây nhiều lá quá thì bẻ cả cành vặt lá phơi nỏ cho vào bao uống dần. Nụ vối uống rất ngon, nghe nói chữa được cả bệnh liên quan tới thận, lợi tiểu, hợp với người bị bệnh đái dắt. Hồi tôi còn bé thường ăn quả vối chín, chua chua ngòn ngọt, “xơi” xong mồm miệng trông cứ như hộp đựng thuốc vẽ, lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Trẻ con nhà quê thứ chi cũng ăn, quả thèn đen, quả mây, quả sắn, quả bom bóp… chẳng bổ béo gì nhưng bớt được sự thèm bánh kẹo. Những năm 60 - 70 bánh kẹo là của hiếm, đường lại càng hiếm, hèn chi hồi ấy chả ai bị bệnh tiểu đường. Từ điển năm chưa xa không có các mục từ “bệnh tiểu đường”, “bệnh gút”, “mỡ máu”, “béo phì”. Thứ bệnh thường trực của dân bắc trước sau 1975 là bệnh… đói.

Có cây vối trong vườn, đủ uống quanh năm, chỉ có điều uống nó không oai vệ như uống chè, bởi nó bình dân quá. Trên đời, nghiệm thấy cứ hiếm mới quý, dù của hiếm chưa chắc đã tốt bằng thứ có sẵn. Chè và vối là vậy. Vả lại, người ta chỉ phân phối chè cho cán bộ chứ ai phân phối lá vối. Chè là thứ thang bậc, tiêu chuẩn để xếp hạng đẳng cấp, dù lá vối có ngon mấy thì thiên hạ cũng cứ nhất định phải phấn đấu lên thành phần được uống chè.

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Hang đá

Hôm nay đúng ngày 24.12, tối nay có lễ trọng của người theo đạo Thiên chúa - lễ Noel.

Cứ theo lịch sử Thiên Chúa giáo (còn gọi là đạo Gia Tô) thì Đức Chúa Jesus (Giê Su) sinh ngày 25.12, cách nay 2023 năm. Ngày sinh của ngài đã được cả nhân loại thừa nhận là khởi thủy, mở đầu cho công lịch, dù rằng thế giới cũng tồn tại song song Phật lịch (Phật đản) hoặc lịch Hồi giáo (ngày của thánh Muhammad)…

Dẫu trong đám chúng ta theo hay không theo đạo Gia Tô, không thờ Đức chúa Jesus thì đạo của ngài vẫn gắn bó với mỗi người, ít nhất là ngày tháng năm sinh được ghi trong giấy khai sinh, chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu, lý lịch, v.v.. đều căn theo lịch tính ngày tháng năm liên quan tới ngày sinh của ngài.

Hôm nay lễ Giáng sinh, mừng ngày ngài ra đời. Sinh có nghĩa là sinh đẻ, sinh ra; giáng nghĩa là từ trên hạ xuống, bay xuống. Tiên giáng trần là tiên từ trên trời hạ xuống trần gian, xuống cõi trần tục của người đời. Vua (bệ hạ) giáng lâm để nói về con người có uy như thần thánh xuống chốn nhân gian vậy. “Giáng thế” nghĩa là thánh thần tiên phật bụt xuất hiện trên thế gian cứu giúp chúng sinh. Chúa Jesus sinh ra ở trên đời bởi được Đức Chúa Trời cử xuống che chở cho con người, nên gọi cuộc sinh nở vĩ đại này gọi là Giáng sinh.

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Chuyện uống chè (kỳ 2)

Cần nói ngay điều này: Người bắc quen uống nước chè, còn người nam chuộng cà phê. Chè mang tính cổ truyền, truyền thống, dân tộc đậm đà; còn cà phê văn minh, hiện đại, mới lạ. Chỉ đồ uống đã phần nào thể hiện chất người vùng miền. Tôi cảm nhận được sự khác biệt ấy khi vào Sài Gòn nhận việc năm 1977. Hai miền tuy cùng một nước nhưng có lẽ do thời thế tác động nên quá nhiều sự khác nhau. Chẳng hạn, ngoài bắc mà mời ăn cơm thì nên hiểu đó là lời chào, còn trong nam đã mời là ăn, không phải mời “rơi”, đừng khách sáo từ chối. Nhiều nét riêng vậy lắm, để thong thả tôi sẽ kể. Vì vậy, tôi nhắc “chuyện uống chè” thì bạn hãy hiểu rằng đang nghe chuyện bắc, từ một ký ức cũng chưa xa lắm.

Miền Bắc thập niên 60 - 70. Nông thôn, nghèo, lại còn bị chiến tranh đòi “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Biết bao nhiêu gạo và người bị ném vào cuộc tương tàn. Sống được đã là sự phi thường bởi hầu như thứ gì cũng thiếu. Kể cả gói chè.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Bần cùng hóa và mất niềm tin

Công ty xổ số của các tỉnh thành năm nay 2023 bội thu. Theo báo chí mậu dịch, chưa khi nào "ngành" xổ số thành công tốt đẹp đến thế. Cũng như chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như ngày nay.

Kết quả ấy nói lên điều gì, nhất là trong bối cảnh năm 2023 kinh tế - xã hội xứ này xuống dốc thê thảm, gần như xuống đáy thấp nhất từ trước tới nay?

- Nó chỉ ra rằng sự bần cùng hóa, bế tắc, cùng quẫn đang phủ đầy cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Tình trạng mất việc, thất nghiệp, không công ăn việc làm, không thu nhập tối thiểu đã cung cấp nhân lực cho đội ngũ bán vé số đông chưa từng thấy. Càng đông "lao động vé số" thì các công ty xổ số càng phát hành được nhiều, càng bội thu. Đó là chưa kể không phải trả 1 xu lương cho đội ngũ lao động ấy.

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên, cả tổng biên tập dốt nữa): Hoạn lộ hay quan lộ?

Sau khi thằng đầu đảng ở Bến Tre là Lê Đức Thọ (nghe cái tên rất kinh, rất sáu búa) bị bắt, có những tờ báo mậu dịch nhìn ra ngay nội dung thời sự nóng sốt, câu được bạn đọc, kiếm viu (view) dễ, liền khai thác mở rộng, kể chuyện đời tư, chuyện y làm quan. Tờ Tiền Phong đăng bài “Đường quan lộ của ông Lê Đức Thọ”, còn tờ Người lao động thì “Quan lộ của ông Lê Đức Thọ”… Tiền Phong sau đó thấy chối tỉ quá, giật tít lại, bỏ chữ “đường”, giống như NLĐ, cứ nghĩ thế là ổn.

Lỗi dùng sai này trên báo mậu dịch dốt đã khá phổ biến và cũng từ lâu rồi chứ không phải bây giờ. Vừa nhầm lẫn, vừa cẩu thả, vừa dốt khi họ không phân biệt được “hoạn lộ” và “quan lộ”, phải dùng thế nào, trong trường hợp nào mới đúng…

Trước hết nói về cái từ “hoạn lộ” mà đám phóng viên, biên tập viên, thậm chí tổng biên tập mù tịt, ngu ngơ không hiểu gì. “Hoạn” có nghĩa là làm quan, quan. Cụ Ngô Thì Nhậm có câu “Cảnh khả nhàn thê kiêm hoạn ẩn” (cảnh khá thanh nhàn, vừa làm quan, vừa ở ẩn). Hoạn cũng có khi để chỉ viên thái giám trong cung (người đã tự thiến mình hoặc bị thiến, còn thiến cái gì thì ai cũng hiểu, nói ra đây ngại chết đi được) ở hẳn trong cung phục vụ vua, và nhất là hầu hạ hoàng hậu/công chúa (nhằm đảm bảo an toàn). Người này được gọi là quan thái giám, dân gian gọi là hoạn quan (từ hoạn là quan, đồng nghĩa với động từ hoạn trong tiếng Việt là xẻo cắt, chỉ đúng đối tượng, thế mới tài).

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Báo đểu

Hôm kia, nhiều tờ báo mậu dịch xúm xít đưa tin nóng, rút tít na ná nhau "Một thành viên quốc hội Ukraine cho nổ lựu đạn tại cuộc họp, 26 người bị thương".

Nếu tãi ra từng chi tiết thì không sai, bởi vì kẻ ném lựu đạn là nghị viên quốc hội, và có cuộc họp. Mới đọc tít, người ta nghĩ ngay Ukraine bị chia rẽ trầm trọng, ngay cả quốc hội cũng đã có vấn đề, tấn công ngay trong cuộc họp của quốc hội, v.v..

Đó là cách đưa tin, thông tin đểu của đám báo mậu dịch xứ này phò Nga, ai còn lạ gì. Thực ra, đó chỉ là cuộc họp của "hội đồng" một cái làng, như ở ta họp tổ dân phố, mà gã cho nổ lựu đạn kia tuy là đại biểu quốc hội nhưng là thành viên của... làng. Vậy thôi.

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

Bệnh ngáo thành tích

Ở xứ này, những trò giả dối, lừa mị đã thấm vào máu vào não đám cầm quyền, không chỉ bây giờ mà gần thế kỷ rồi. Tồn tại được chừng ấy thời gian, kể cũng ghê. Dân nước Nam ta, trước khi lề thói cộng sản xâm nhập vào, đâu đến nỗi vậy. Ông bạn tôi bảo giả dối lừa mị xứ ta thời cộng sản đã ăn thua gì, so với Liên Xô, Tàu, Cuba, Triều Tiên vẫn xách dép cho chúng nó. Chỉ riêng cái chuyện sống ngập trong nghèo đói, thích đánh nhau nhưng vẫn nhét vào tai dân CNXH là thiên đường, tương lai nhân loại, là yêu hòa bình thì đủ biết bụng dạ nhau.

Tôi không hung hăng như họ nhưng rất ghét những trò giả dối, lừa đảo, hình thức. Khi đánh nhau mà gian dối đã đi một nhẽ, bởi phải chấp nhận “binh bất yếm trá” (việc binh cho phép lừa dối), chứ đã hòa bình, làm kinh tế mà cũng gian dối thì không thể chấp nhận. Tự lừa mình, cứ thoải mái. Dối ai, lại đi dối dân.

Đó là tôi muốn nói tới cụm từ, một dạng thuật ngữ, phổ biến trong các văn bản tổng kết, báo cáo kinh tế, báo chí, và mồm quan lớn ở xứ này: “Tăng trưởng âm”. Ai chưa tin, cứ mở báo mậu dịch quốc doanh ra đọc, hoặc tra Gu gồ, lại chả cho hàng vạn kết quả.

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Thằng bí thư tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ (phải gọi hẳn như thế mới chính xác, chứ không có kiểu lòng vòng, lằng nhằng dây điện) bị kỷ luật, bị bắt, kể ra thì khí muộn.

Cứ phải làm tờ sớ dài kê toẹt những tội của nó, chứ đâu phải chỉ liên quan tới cái công ty xăng dầu kia. Xử lý thằng có tội mà cũng ỡm ờ, giấu như mèo giấu cứt.

Tôi có đứa quen từng làm ở Vietinbank, nó kể thằng Thọ hồi làm chủ tịch HĐQT băng này, như một ông vua, còn uy quyền hống hách ăn chơi hơn cả vua. Tiền nhiều hơn quân Nguyên. Ai cũng biết nhưng không ai làm gì được nó, bởi nó được đảng tin dùng, lại còn vào cả trung ương nữa. Trung ương là cái ổ chứa tội phạm.

Đừng vội tự ái, tôi chả nói sai. Cứ coi thử xem bao nhiêu đứa đã từng được "sáng suốt lựa chọn", được ban tổ chức nâng lên đặt xuống, được lãnh đạo cấp cao cân nhắc kỹ cho vào trung ương, đã mặc áo tù. Đếm không xuể.

Nếu thằng Thọ chỉ sau khi vào trung ương mới phạm tội đã đi một nhẽ, đổ cho nó bị suy thoái, hư hỏng nhất thời, đằng này nó có cả quá trình hỏng, chứ đâu phải dính vào công ty xăng dầu mới hỏng.

Hãy coi lại kết luận của ban bí thư, bộ chính trị:

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Chuyện uống chè

Chè là thức uống lâu đời ở nhiều quốc gia, nhất là những nước châu Á, trong đó có Việt Nam ta. Miền Bắc gọi là chè, miền Nam gọi trà, cũng do thói quen thôi, chứ đều chỉ một. Tuy nhiên, cách của miền Nam hợp lý hơn bởi phân biệt trà là thức uống, chè thức ăn. Năm 1977, hồi tôi mới vào Nam, tối pha ấm chè móc câu rủ mấy thầy người nam “tới uống chè”, gọi là làm cuộc ra mắt, thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán cười bảo chè thì ăn chứ uống gì mà uống.

Uống chè đủ trăm phương nghìn cách. Với người bình dân, chỉ cần cái ca sắt tráng men cũ kỹ và siêu nước sôi là có “bình” trà ngon cùng nhau khề khà ven đường trong một sáng mùa đông rét mướt. Tầng lớp trên thì cứ phải bày vẽ này nọ, thậm chí chè đã pha rồi còn mời mọc nhau mỏi mồm, cung cách trang trọng như đang uống thuốc tiên trường sinh bất tử, ngồi nơi bàn cao ghế đẹp, thậm chí phải có cây trúc cây tre uốn cong queo làm cảnh chả ăn nhập gì với chè, chẳng như bác thi sĩ Nguyễn Duy đúc kết “Nòi tre đâu chịu mọc cong/Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”. Uống như thế không phải uống chè, không thẩm được cái ngon của nó, mà làm màu, diễn là chính. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, chẳng thà uống Coca cho gọn.

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Phu nhân

Hai hôm nay, trên mặt báo mậu dịch, từ "phu nhân" xuất hiện hơi bị nhiều.

Trước hết cần xác định đây là danh từ chung, không cần viết hoa chữ "phu". Là danh từ chung, thì nó cũng chỉ như những danh từ chung khác chỉ người, ví dụ vợ, bồ, dì ghẻ, mợ... thôi. Ở xứ này, bệnh viết hoa tùy tiện đã nặng lắm rồi, thấm vào lục phủ ngũ tạng rồi, hết thuốc chữa.

Tại sao không chữa được? Tại vì kẻ có quyền đang lộng quyền, cứ thích viết thế nào thì lại bắt người khác phải viết như thế, không theo ý thì nó đánh, phạt. Rất vô lý khi tự dưng phải viết hoa Đảng, Thủ đô, Tổ quốc, Bác, Chính phủ, Nhà nước... khi những từ ấy đứng một mình. Mà ngay cả việc cưỡng ép như vậy, "nó" cũng rất bất nhất, bắt người ta viết "Thủ tướng Chính phủ" nhưng lại viết "Chủ tịch nước". Bắt viết hoa Đảng, Nhà nước, nhưng lại viết thường "nhân dân"... Nói chung rất linh tinh, chả ra thể thống quy tắc gì, hỏng tiếng Việt.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Giá trị và trị giá

Trình độ tiếng Việt của các nhà báo thời nay, không cần nói ra thiên hạ đều rõ. Mà chẳng riêng gì giới làm báo, rất nhiều loại “nhà” giỏi đông giỏi tây, thứ chi cũng rành, chỉ kém mỗn tiếng Việt.
 
Mở báo mậu dịch, nghe tivi, người đọc người nghe thường gặp cái sai về cách dùng 2 từ “giá trị” và “trị giá”.

Trước hết nói về từ “giá trị”. Nhà báo không phân biệt được “trị giá” và “giá trị” là 2 từ khác nhau, nghĩa khác nhau, dùng trong trường hợp khác nhau. Chẳng hạn họ viết “giá trị thiệt hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát lên tới hơn 1 triệu tỉ đồng”, mà nhẽ ra phải là “trị giá thiệt hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát lên tới hơn 1 triệu tỉ đồng”.

Theo từ điển tiếng Việt, “giá trị” là thứ (vô hình) làm cho vật chất có ích, có ý nghĩa, có tác dụng về mặt nào đó, chẳng hạn: giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng, giá trị tuyên truyền/giáo dục, giá trị nghệ thuật; giá trị giải thưởng không lớn nhưng rất quan trọng; định trị giá tài sản chưa đúng so với giá trị của nó; bàn thắng rất có giá trị… Nhìn chung, từ giá trị không đi với những con số cụ thể.

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Giản dị

Ca ngợi ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn Nvidia ngồi vỉa hè ăn phở, uống cà phê để nói rằng đó là người giàu có nhưng gần gũi, bình dị - điều này đúng. Tất nhiên nhìn những tấm ảnh chụp, thấy xung quanh đầy hảo hán sẵn sàng ra tay bảo vệ ông ấy, cũng đúng luôn, bởi ở xứ này không ai có thể biết trước chuyện gì xảy ra.

Vừa rồi cả chuyện ông thủ tướng Chính tiếp tay thủ tướng Belarus cũng có sự ngồi cà phê vỉa hè, các báo cũng khoái chí tương tự, nào giản dị, nào nơi an bình, đáng sống.

Tôi nói thật, chỉ có diễn, hoặc coi điều ấy là chuyện thần kỳ thì mới thấy lạ, háo hức, chứ nơi khác, người khác thì đó là "chuyện ngày thường ở huyện". Lãnh đạo cấp cao "nhất trụ, nhị trụ" người ta hằng ngày đi xe đạp tới phủ, hết nhiệm kỳ thì tự dọn đồ đạc giường tủ sách vở để về nhà, tự mua vé đi xe lửa về quê... không cần nhờ cậy bất cứ nhân viên nào. Về hưu rồi thì tự trồng trọt, chăn nuôi mà sống, vui thú bên bà vợ già, chứ không có cái thói cấp nhà cửa, xe sang, bác sĩ, tài xế, xăng dầu, cảnh vệ... đến hết đời, rồi lại còn quốc tang quốc tiếc nữa. Càng văn hóa văn minh, càng giản dị, lão thực, tuyệt đối không lợi dụng nhân dân, dù chỉ "cây kim sợi chỉ".

Ông Huang CEO nói trên rất đáng trọng, nhưng báo mậu dịch ơi, nếu ca tụng nhân cách thì còn có một người Đài Loan nữa hơn ông ấy một bực, là bà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhé. Làm tổng thống, đứng đầu "quốc gia" nhưng vẫn ăn cơm căng tin với mọi người, cơm hàng cháo chợ là chuyện thường tình, trang phục giản dị, hòa đồng gần gũi thân tình với dân chúng, yêu mến kính trọng binh lính hằng ngày bảo vệ tổ quốc... nói tóm lại là vĩ nhân trong một người bình thường. Sao chỉ ca ngợi khen ông Huang mà không dám khen người đồng hương của ổng. Nhất là lúc này.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

Ghi lại lời lão hàng xóm

Ông Maddox láng giềng nhà tôi cục mịch, thô lỗ, hay nói tục, nhưng được cái thẳng tính, thứ gì không nên không phải là sổ toẹt. Tôi chỉ ghi lại.

- Người làm kẻ phá. Ấy là tao nói chuyện điện. Một đằng là ông thủ tướng bươn chải đi khắp nơi đông tây mời mọc người ta đến nước mình đầu tư vào năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), vừa để khai thác tiềm năng trời cho, giải quyết bài toán thiếu điện, hạ giá thành điện cho dân nhờ, vừa nhằm thực hiện phát thải ròng về 0 như đã hứa với thế giới. Đằng khác, là đám quân của ông ấy, cụ thể bọn bộ công thương, bọn quản điện quốc gia, lâu nay chúng độc quyền, quát nạt, áp đặt quen rồi, giờ chúng tuyên bố ai muốn bán điện mặt trời thì chúng sẽ mua (chứ tới thời điểm này trên thực tế thì chưa có chủ trương mua), nhưng chỉ mua với giá 0 đồng. Mua, nhưng thực chất là ăn cướp, hoặc đéo mua.

Bọn ôn con ấy giải thích rằng phải mua như thế để đảm bảo an toàn hạ tầng điện, đèo mẹ.

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Tên đường (kỳ 6, cuối)

Cần phải coi đường, đường sá, phố xá, đường giao thông là tài sản chung của nhân dân, chứ không phải của riêng một tổ chức chính trị, đảng phái, đoàn thể nào. Nó cũng không phải của riêng nhà nước, chính quyền, bởi chính quyền chỉ thay mặt dân quản lý nó thôi. Vì vậy, đặt tên cho mỗi con đường, tiêu chuẩn tiên quyết phải là “dân”.

Từ lâu lắm rồi, ở xứ này, việc đặt tên đường bị chính trị chi phối. Lẽ dĩ nhiên đó không phải là sự áp đặt tuyệt đối nhưng gần gần như vậy. Phe nắm quyền, bên thắng cuộc, cụ thể là người cộng sản, cứ lấy những ai, những gì họ thích, họ đề cao, ca ngợi, có lợi cho họ để đặt tên đường. Mỗi con đường đều “làm nhiệm vụ chính trị”. Vì thế, dù tên cũ đã rất ổn rồi, ăn sâu bắt rễ vào đời sống rồi, được dân chúng tán đồng rồi, vẫn bị đổi thay. Những tên đường Điện Biên, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, 3 Tháng 2, Ấp Bắc, Chiến Thắng B52, 29 Tháng 3, 30 Tháng 4, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8… ra đời từ nguyên tắc đặt ấy. Rồi danh nhân, trước hết cũng cứ xét lý lịch có phải cán bộ đảng viên, anh hùng, liệt sĩ, lãnh đạo của bộ máy từ trước tới nay thì đặt, chứ nếu “người ngoài” dù lừng lẫy, nổi tiếng bao nhiêu chăng nữa, dân chúng biết kỹ mấy chăng nữa, cũng bị lờ đi.

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Xuống đáy rồi

Nước Nam ta từ khi có nền giáo dục tới nay, chưa bao giờ nó (giáo dục) lại xuống cấp tận đáy thảm hại đến thế.

Cả lớp xúm lại đánh chửi cô giáo, thì đạo đức của học trò đã được cắt giảm về 0. Trước khi hứa với thế giới giảm phát thải ròng carbon về 0 thì hãy cố vực đạo đức xã hội lên số dương đã, đảng ạ.

Dù thầy cô gây lỗi gì chăng nữa, nhà trường cũng đã mạt hết mức. Giờ thì thấy hệ quả của việc chê bai và tháo bỏ câu "Tiên học lễ, hậu học văn" thay bằng "Sống học tập, làm theo..." trong nhà trường.

Cô giáo buộc phải phản kháng, bằng cách... ném dép vào bọn học trò. Hành vi này chỉ đáng thương và thể hiện sự bất lực chứ không có gì là "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" như một số nhà đạo đức thiên tả.

Tất cả đều đã muộn, quá muộn, vô phương cứu chữa. Thuốc thánh cũng không chữa nổi.

(Nhân vụ cô giáo ở Tuyên Quang bị tập thể trò đánh chửi).

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nhân văn giai phẩm bis (kỳ 3, cuối)

Những tác phẩm gò đồng mà nhà thơ-người thợ tài hoa Phạm Xuân Trường đề nghị nhà chức việc xét duyệt là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải thứ chính trị thô thiển để rồi muốn cấm thì cấm. Mà ngay cả dưới góc độ chính trị-xã hội, sự cấm ấy cũng rất đáng lên án. Trong bản danh sách đã được sở duyệt, rất nhiều chân dung bị cấm treo lại là những tên tuổi lẫy lừng đã làm vẻ vang cho đất nước, dân tộc, nhân dân, người Việt, văn hóa Việt. Đám quan chức sở Văn hóa thủ đô và cả những quan thầy họ đã làm chính trị một cách rất phi chính trị.

Qua vụ “án treo” này, đã đến lúc nhà cầm quyền bỏ ngay cái thói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, lờ đi rồi cũng xong, đâu sẽ vào đấy. Phải làm rõ ngô khoai, phạt những kẻ cố tình làm sai. Cần sự giải thích rõ ràng của người, của cấp có trách nhiệm: Sở làm thế là đúng hay sai? Nếu đúng, vì sao đúng? Nếu sai, tại sao sai? Ai là người chịu trách nhiệm chính, cán bộ sở, giám đốc sở, hay còn cao hơn nữa, ban tuyên giáo trung ương chẳng hạn? Ban tuyên giáo Thành ủy HN, Ban tuyên giáo trung ương có chỉ đạo, cho ý kiến để thông qua danh sách cấm ấy không? Dư luận cho rằng, với “án treo” nhạy cảm như vậy, thách kẹo đám sở kia cũng chả dám tự ý làm. Phải truy tận gốc, tìm ra kẻ đang trốn trong đống rơm.

Nhân văn giai phẩm bis

Mấy hôm nay, dư luận xã hội, nhất là giới văn nghệ sĩ, văn hóa văn nghệ, dậy sóng vụ Phạm Xuân Trường và “án treo”. Xã hội nóng vậy nhưng tịnh không thấy một tờ báo mậu dịch quốc doanh nào hó hé nửa lời. Chắc còn chờ chỉ đạo. Làm thân phận “chim trong lồng” (tôi viết rõ là lồng) nó khổ thế đấy. Đó là thực chất của tự do báo chí ở xứ này.

Phạm Xuân Trường là ai? Bác ấy - nhà điêu khắc, nhà văn nhà thơ, cũng thuộc hàng danh sĩ ở đất Hải Phòng. Nhắc tới đất Phòng thời hiện đại đừng quên những Bùi Ngọc Tấn, Đào Trọng Khánh, Thi Hoàng, Nguyễn Thụy Kha…, dĩ nhiên có cả Phạm Xuân Trường. Tôi chỉ vinh dự là đồng hương bác Trường chứ chưa được gặp, trò chuyện bao giờ, còn các “cụ” kia thì mình từng hầu chuyện.

Là người ngoại đạo điêu khắc-hội họa, tôi không dám bàn sâu về tác phẩm của bác Trường, nhưng rất nể phục. Trên đời có những họa sĩ, chỉ vẽ bằng bút bằng cọ cái chân dung vào giấy vào vải cho giống cũng không vẽ được, đằng này bác Trường hị hụi gò mặt người ta lên mảnh kim loại đồng mà cứ như chụp lại bằng búa bằng đe, toát ra cả thần thái “đương sự” thì quá tài. Hình như trong giới làm nghệ chưa ai đạt được điều này. Tôi cũng chơi với họa sĩ Đỗ Đức, một bậc thầy về tranh khắc gỗ. Lão này chỉ cần vài ba nét quệt là thiên hạ nhận ra ngay khắc họa về ai. Coi cứ phục lăn.

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Thời gian

Thời gian là thứ tài sản vô giá ai cũng có, chỉ có điều nó được sử dụng như thế nào.

Gần 500 đại biểu quốc hội được thể chế tự nhận là tinh hoa của đất nước dành rất nhiều thời gian để bàn chuyện đấu giá biển số xe, đặt tên cái thẻ tùy thân là gì... thì thời gian bị họ biến thành rác, thậm chí không bằng rác bởi rác vẫn có ích (bón cây, đốt làm ra điện...).

Một vị hòa thượng, bậc cao tăng như Thích Tuệ Sỹ, đạo cao đức trọng, kiến thức thâm sâu, có thể nói là bác học, trên hiểu thiên văn dưới thông địa lý, nếu được sống bình yên một ngày thì đời lãi một ngày, xã hội lại cả vạn ngày triệu ngày bởi mỗi người đều nhận được "lộc" của cụ. 

Vậy mà kẻ tiểu nhân đắc thế bắt giam cụ tống vào ngục 17 năm trời. 17 năm của một đời người, với kẻ vô tích sự thì như gió thoảng, nhưng với con người phi thường thì khác. 17 năm ấy, nếu ngài được cống hiến phụng sự cho đời sẽ ra biết bao công quả cho nhân sinh. Tiêu hủy 17 năm ấy của thầy là hành vi tội ác, cực kỳ man rợ.\

Nói như bác Vũ Thư Hiên trong một bài đã khá lâu rồi khi viết về một bậc trí giả bị đày đọa: Thế mới thấy người ta đã phí phạm những tinh hoa của đất nước đến thế nào.

Không chỉ thầy Tuệ Sỹ mà nhiều lắm, nhiều lắm, ở nước này hơn 7 chục năm nay, bị phí phạm ác độc vậy. Buồn.

Nguyễn Thông

Tên đường (kỳ 5)

Nhân chuyện đặt tên đường có nhẽ phải nhắc ngay tới cụ Trần Văn Lai, người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong vụ đổi lại tên đường cho Hà Nội giữa năm 1945. Mà đã nêu tên cụ Lai thì lại nhớ ngay một nhân vật lẫy lừng khác, cụ Trần Trọng Kim.

Chính hôm nay 2.12, cách đây tròn 70 năm, cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim mất. Bữa trước, khi sang thăm Nhật Bản, ông trẻ Võ Văn Thưởng đã rủ rỉ lẫn cao giọng trước người Nhật rằng “nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là “lương duyên trời định”. Ta cứ tạm hiểu lời ông trẻ, như có duyên tiền định. Chả biết đứa nào gợi ý hay mách bảo mà ra câu lập ngôn ấy, nhưng đúng thực bức tranh Việt - Nhật từng có những nét chạm khắc đáng kể. Chẳng hạn cụ Sào Nam Phan Bội Châu và bậc thân vương Kỳ ngoại hầu Cường Để đã từng có thời gian khá dài ở Nhật để học hỏi, mở mang đầu óc, tìm cách phục quốc. Và không thể nhắc, chính người Nhật thời còn nắm quyền ở Việt Nam đã chọn cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng chính phủ, cái chính quyền sau đó bị Việt minh cướp mất.

Tam giác sân bay

Thiển nghĩ của tôi, cái này mới là thứ để quốc hội bàn và quyết:

Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không và sân bay toàn quốc 2021 - 2030 đã được chính phủ phê duyệt thì sân bay Biên Hòa sẽ là sân bay lưỡng dụng (dùng cho cả dân sự và quân sự).

Đương nhiên nước nào có tí máu đánh nhau đều phải có sân bay quân sự, mà khi có chiến tranh chuyển một sân bay dân sự thành quân sự cũng rất khả thi. Thời hòa bình, có đủ (chứ không phải nhiều) sân bay là điều tốt, phục vụ cho sự làm ăn, đi lại, sinh hoạt.

Tôi không rành về hàng không lắm, thú thật vậy, nhưng cứ lăn tăn điều này: Khu vực Đông Nam Bộ với 3 trung tâm Sài Gòn - Biên Hòa - Long Thành như cái tam giác, 3 góc là 3 nơi trên, mỗi cạnh tam giác theo đường chim bay chưa tới 3 chục cây số. Nếu 3 sân bay hoạt động, chả hiểu chúng sẽ tránh nhau ở tầm thấp thế nào, hở chính phủ.