Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Bộ Văn hóa dốt đặc cán mai

Sáng 30.1.2019 ở thành phố Hải Phòng diễn ra lễ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà tưởng niệm một nhân vật cách mạng, ông Nguyễn Đức Cảnh. Dự lễ này có cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chính ông Phúc đã cắt băng cho công trình mới toanh.

Tôi không nói gì về ông Cảnh, bậc tiền bối của đảng cầm quyền; cũng không nói gì về ông Phúc. Tôi chỉ nói về cái dốt của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, một thành viên trong bộ máy hành pháp xứ này do ông Phúc đứng đầu.

Nhà tưởng niệm nói trên được xây hoàn toàn mới, kể từ cái nền đất cho tới viên gạch viên ngói. Tính tới hôm nay, ngày ông Phúc cắt băng khánh thành, nó mới được 1 ngày tuổi. Có thể nó sẽ tồn tại qua năm tháng thời gian, chục năm, trăm năm hay nghìn năm, chưa biết được. Nhưng rất buồn cười là đám láo nháo ở Bộ Văn hóa vội vã cấp cho nó cái bằng “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, trao ngay trong ngày nó mới 1 tuổi.

Có lẽ tôi phải phân tích cho những vị ấy hiểu. “Di tích” là từ Hán Việt. “Di” là để lại. Những thứ mà người xưa, cha ông để lại gọi là di. Tức là phải trải qua thời gian lâu dài, thường là vài chục năm, trăm năm, thậm chí nghìn năm. Di sản là tài sản (sản) để lại. Di huấn là lời dạy (huấn) của ai đó để lại cho con cháu. Di chúc là chúc thư, lời dặn dò (chúc) của người sắp qua đời hoặc đã qua đời để lại. “Tích” có nghĩa là dấu vết, thứ gì đó còn tồn tại. Biệt tích là mất (biệt) dấu vết. Tung tích là dấu chân (tung). Người ta đi thường để lại dấu chân, muốn truy tìm thì căn cứ vào dấu chân coi xem đã đi những đâu. Cổ tích là dấu vết từ xưa (cổ) còn lại. Chứng tích là dấu vết làm chứng (chứng) về điều gì đó…

Như vậy, di tích phải là những dấu vết, những thứ đã trải qua thời gian, do các thế hệ trước, cha ông, tổ tiên, quá khứ để lại. Nó là một phần của quá khứ, của lịch sử đã trôi qua. Hình ảnh của di tích thường gắn với màu thời gian, rêu xanh, cũ kỹ, phong sương, cổ kính; nếu mới thì ít nhất nó cũng phải được phục dựng lại dựa trên cái cũ.

Một công trình hoàn toàn mới, chưa có lấy một tuần tuổi, thế mà mấy ông bà ở Bộ Văn hóa, cái cơ quan được coi là hiểu biết về văn hóa nhất, tinh những giáo sư tiến sĩ, lại làm một việc rất ngớ ngẩn, vô học, hoàn toàn không hiểu gì về di sản.

Đau nhất là họ có quyền, nên họ bắt thiên hạ phải ngu theo.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Chuyện ngày 23 tháng chạp

Đang có một sự nhầm lẫn trong dư luận chê. Hôm nay thiên hạ thả cá (chép) là để ông Táo ông Công có phương tiện cưỡi phi lên giời, chứ không phải là thả cá phóng sinh.

Cá cho ông Táo, theo "luật giao thông cổ" phải thả đúng vào ngày hôm nay, 23 tháng chạp, để ông bà Táo khi tạm ngưng nhiệm vụ 1 tuần, rời nhà bếp ra tới cửa là có tàu xe ngay, giống như ta gọi xe Grab vậy. Thả sớm quá, như "ông hai việc" hôm trước (21 tháng chạp) thả thì chả có tác dụng gì bởi các táo lúc ấy còn bận bịu, đâu dám tự dưng cưỡi cá chép nhong nhong đi vớ vẩn, Ngọc hoàng phạt bỏ mẹ. Không nắm được luật mà cứ diễn, là rất dở, thậm chí phải bị phạt.

Nhà nào tin vào chuyện cúng ông Táo ông Công thì cứ tin, cứ cúng, cứ đi thả cá. Còn người đời, nếu có ai đó neo sẵn thuyền, chuẩn bị sẵn lưới, thấy cá thì bắt, cũng là bình thường. Cá các vị thả ra đã thành cá nước chim trời, người ta bắt để ăn để bán là chuyện của người ta, có chi mà báo chí lên án, mỉa mai "cá chép vừa thả ra đã có người giăng sẵn lưới bắt". Ông Táo không lên án thì thôi, mắc mớ chi báo chí.

Mà này, những người thả cá nếu họ đứng tuốt trên cầu cao đổ xuống sông, cá có chết cũng là chuyện của người ngu thôi, khi đã tin vào Táo mà lại cho Táo cưỡi cá chết thì chỉ có anh ngu mới làm vậy, khuyên họ cũng bằng thừa.

Tôi cũng thấy chả hay ho gì chuyện những thanh niên xung kích chờ sẵn ở bờ sông bờ hồ nói người thả cá đưa túi ni lông cho mình, đừng vứt xuống sông hồ gây rác rưởi, ô nhiễm. Cứ cái thói osin hầu hạ, làm thay như vậy, thì muôn đời dân xứ này không khá được. Chỉ mỗi việc cỏn con, thả cá xong thì vo viên cái bịch đựng cá đem về bỏ vào giỏ rác cũng không biết, không làm nổi, dân trí như thế, mà cứ đòi dắt họ tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Còn chuyện phóng sinh, đầu têu là mấy ông thầy chùa. Bắt rồi lại thả, thả rồi lại bắt, cái vòng luẩn quẩn, cũng diễn mãi được. Tôi không nói phải dẹp chuyện phóng sinh, ai ra chợ mua mớ cá tươi sống, mua con chim còn sống, rồi đem ra sông, đem vào rừng thả (để chuộc cái tội lỗi mà mình gây ra, để làm cái việc tu nhân tích đức, để có "lý lịch tốt" trước khi về cõi phật, v.v..) thì cứ việc. Nhưng mấy ông sư thì nên kết hợp với chuyên chính vô sản dẹp ngay đám bán chim lồng cá chậu ở cửa chùa hoặc trong chùa. Ngó chối bỏ bà. Mấy người mua thứ chim thứ cá này đi phóng sinh, thực chất là tiếp tay cho kẻ ác, phóng sinh chẳng những không rửa được tội mà còn chất chồng thêm tội.

Ngày 23 tháng chạp Mậu Tuất, ông táo chầu giời
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Đảo chính

Trong vụ Venezuela, đám "ngụy quân tử" Nga, Trung, Cuba, và cả báo chí An Nam nữa, hay nhắc tới từ "đảo chính", theo nghĩa xấu, giống như làm loạn, cướp quyền, phi pháp...

Theo bản tin của TTXVN, "Cũng trong ngày 27.1, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã bác bỏ cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Cuba "là thế lực nước ngoài can thiệp vào tình hình Venezuela". Trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Rodriguez nhấn mạnh Mỹ "dàn dựng" một cuộc đảo chính chống lại chính quyền của Tổng thống Venezuela Maduro. Ông Rodriguez nêu rõ Cuba kịch liệt bác bỏ những cáo buộc mà Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời khẳng định sự công kích của quan chức Mỹ nhằm vào giá trị pháp lý của hiến pháp của Venezuela cuối cùng sẽ thất bại" (báo Tin Tức/TTXVN, 27.1.2019).

Cần nói thẳng rằng, nếu đảo chính là cuộc lật đổ bọn cầm quyền độc tài, hủ lậu, cố sống cố chết đẩy dân đẩy nước vào cuộc sống nghèo đói, bất hạnh, kìm hãm sự phát triển của đất nước; thủ phạm của tình trạng tham nhũng, bất công, phản dân chủ... thì cuộc "đảo chính" đó cần được ca ngợi chứ không phải là lên án, dè bỉu.

Hợp hiến cũng cần, nhưng trước hết và trên hết, đó là hợp lòng dân. Cái thứ "hiến" chỉ do một nhóm người đặt ra phục vụ cho chính nó thì chỉ đáng vứt vào sọt rác.

Nhân loại cần nhiều cuộc "đảo chính" như thế để xóa tan hết sự độc tài, nghèo đói, bất công, tham nhũng, giả dối.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Khách quan

Báo Tin tức của TTXVN đăng tin "Nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ chính phủ hợp hiến của ông Maduro" ở Venezuela. Đọc kỹ thì thấy số nhiều đó chỉ gồm Cuba (đương nhiên rồi), Nga (mới bán được mớ S300 cho Venezuela), Mexico (bị Mỹ xây tường biên giới không cho dân tràn vào nên tức). Cuba còn cao giọng tố cáo "chính quyền tay sai Guaido" do đế quốc Mỹ giật dây, một cách nói không khác gì 60-70 năm trước trong khi nhân loại đã đi được bước dài, đã thay đổi quá nhiều.

Họ ủng hộ nhà độc tài Maduro, có thể vì nhiều lý do, như ngu lâu (Cuba), lợi dụng để gây thanh thế, đục nước béo cò và bán vũ khí (Nga, như đã từng làm ở Syria), dỗi (Mexico), chứ chẳng đứa nào vì nhân dân Venezuela cả. 

Đưa tin quá "khách quan", lờ đi bao nhiêu nước đồng tình với lực lượng dân chủ chống lại chính quyền độc tài, chỉ nhặt ra 3 nước và gọi là "nhiều", đó là thủ thuật dối trá xưa nay của nền báo chí tự do trong khuôn khổ.

Ủng hộ một chính quyền cai trị đã đưa đất nước từ quốc gia giàu có bậc nhất khu vực Mỹ Latinh thành nước nghèo đói khổ sở bất hạnh nhất thế giới, chỉ riêng sự ấy đã đủ nói lên tư cách của những kẻ "bỏ phiếu". Cần nhắc thêm rằng, để "đạt" được sự nghèo đói ấy, đám cai trị Venezuela đã kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đi ngược lại xu thế phát triển của nhân loại.

Trung Quốc chưa lên tiếng chính thức, nhưng bọn Tàu xưa nay thâm như đít nồi, chứ chúng sẽ đánh Mỹ tới người Venezuela cuối cùng.

Xứ An Nam cũng ra vẻ khôn ngoan, theo cái thói gió chiều nào che chiều ấy, phù thịnh chứ không phù suy, lên tiếng theo kiểu nước đôi, đợi bên nào thịnh sẽ phù. Thiên hạ gọi đó là khôn vặt, ngày xưa có thể lừa được vài kẻ dại khờ, nhưng bây giờ thế giới tinh những người khôn, chả lừa được ai nữa, chỉ gây trò cười.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Không quên

Dù say với chiến thắng trên đường đi tới của đội tuyển bóng đá, dù bận rộn với việc tạm biệt năm cũ và chào năm mới, đón tết (âm lịch), nhưng mọi người đừng quên rằng bọn bóc lột đang ráo riết chuẩn bị để từ ngày 14.2 (sau Tết) sẽ thu phí trấn lột trở lại ở bốt (BOT) Cai Lậy.

Tái bóc lột trấn lột vào đúng ngày lễ Tình nhân 14.2, quả là sự lựa chọn không tồi của nhà cai trị.

Tôi tò mò hỏi thằng cháu là tài xế, y ngày nào cũng phải đi qua bốt Cai Lậy này, rằng chúng mày đã có đủ tiền lẻ chưa, cứ vào các siêu thị, nhà chùa để đổi tiền từ hòm công đức, hòm từ thiện, lại chả đầy. Nói cười, cách trị bọn bóc lột ấy xưa rồi, chúng cháu không cần, bây giờ cứ xác định bọn đểu đó đặt trạm vô lý, bất công là hiên ngang qua thôi. Không sợ nữa. Không rụt rè nữa. Cần gì tiền lẻ.

Nó hát: "Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại vì ngày mai" không còn BOT trấn lột trên cả nước.

Sực nhớ nhà thơ đỏ Tố Hữu khi xưa có câu thơ có thể vận vào chuyện này: "Đường ta đó tự do cuồn cuộn/BOT đồn tây đã cuốn sạch rồi". Bốt đồn bóc lột ở miền Tây Nam Bộ sẽ bị cuốn phăng thôi.

Đừng đùa với người Nam Bộ. Họ dại vài lần, họ tỉnh ra rồi.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Chuyện con lợn nhân năm Hợi

Con lợn ở miền Bắc, dân Nam gọi là con heo. Nó là vật nuôi trong nhóm gia súc gia cầm thân quen gần gũi người nhất, cùng hạng với gà, trâu, mèo, chó. Ở nông thôn miền Bắc thập niên 50 - 70, hầu như nhà nào cũng nuôi lợn. Vì sao nuôi, cứ thủng thẳng tôi sẽ kể.

Năm nay 2019, nếu tính theo lịch âm, là năm con lợn. Người Tàu cổ xưa đặt ra lịch tính ngày tháng năm căn cứ vào tuần trăng, gồm 10 can và 12 chi, mỗi chi ứng với một tháng trong năm, được gọi tên theo con vật. Trong hàng chi, con lợn (heo) xếp cuối cùng, gọi là Hợi. Đám chúng tôi hồi nhỏ, ngoài việc thuộc bảng cửu chương, thì hầu như đứa nào cũng biết tính năm kiểu âm lịch, thuộc làu 10 can “giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quý” và 12 chi “tý sửu dần mão thìn tỵ ngọ mùi thân dậu tuất hợi”. Cứ hết một hồi tròn 60 năm thì trở lại tên năm cũ, ví dụ năm âm lịch sắp tới là Kỷ Hợi-2019 thì sau 60 năm nữa mới lại có Kỷ Hợi-2079 . Các cụ gọi là lục thập hoa giáp (tròn một vòng 60 năm), xem đó như một đời người. Phần thời gian được sống tiếp sau hoa giáp này coi như phần lãi, trời cho.

Thời trước, các cụ sinh đẻ con vào năm nào thì thường đặt tên con bằng tên năm ấy. Cả 12 chi đều thành tên, dễ nghe dễ gọi, lại dễ nhớ tuổi. Trong truyện “Tắt đèn” của cụ đầu xứ Tố (Ngô Tất Tố), nhân vật chính là anh Dậu (sinh năm con gà), em trai là anh Hợi (sinh năm con lợn), các con là Tý (chuột), Dần (hổ), chỉ có cái Tỉu chưa được đặt tên chữ. Nhưng đó là những năm ở vài thập niên đầu thế kỷ 20, chứ càng về sau thì người ta không thích đặt như vậy nữa. Cứ hình dung cả làng có vài chục anh Sửu, mười mấy chị Tỵ dễ bị lẫn lộn lung tung lắm. Làng tôi bớt những chị Mão, chị Ngọ, chị Mùi thì lại thêm nhiều tên nôm na dân dã của các cô các chị như Lộn, Són, Vén, Gầu, Nhỡ, Vớ, Khỏe, Khoắn, Khợi, Hểu, Ga… Chả như ngoài thành phố, tinh tên nghe réo rắt dễ thương, kiểu “Nào xem thử đoán tên con gái/Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi” (thơ Nguyễn Bính). Cô em gái tôi, sinh năm con lợn nhưng thày bu tôi chắc cũng bị ảnh hưởng lối Âu hóa nên không đặt là Hợi mà là Ngọt. Tôi nghiệm từ thực tế, thấy hầu hết những phụ nữ sinh năm Hợi đều rất dịu dàng, hiền thục, giỏi giang, đảm đang, được mọi người quý mến. Em tôi là một cô Hợi như vậy.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Mỹ

Là một công dân, tôi đề nghị chính phủ, nhất là bộ ngoại giao nước này bỏ ngay, không dùng từ "Hoa Kỳ" để chỉ nước Mỹ (USA, hoặc America) nữa.

Hoa Kỳ là cách gọi nôm na, đùa cợt, không nghiêm túc, không thể hiện sự tôn trọng trong quan hệ quốc tế. Nó cũng giống như ta thường diễn đạt nôm na: xứ kim chi (để chỉ Hàn Quốc), xứ củ sâm (Triều Tiên), cảng thơm (Hồng Kông), đội bóng phố núi (Gia Lai), gái đất cảng (Hải Phòng); thậm chí miệt thị như: quê rau má (Thanh Hóa), đất cầu tõm (Hà Nam), nhà máy cháo (Thái Bình), dân cá gỗ (Nghệ An), địa đạo chỉ cu (Củ Chi)...

Khi trò chuyện với nhau, thân mật, gọi đùa thì được, còn dùng "Hoa Kỳ" trong ngôn ngữ ngoại giao, quan hệ nghiêm túc thì chả khác gì trò đùa. Ngay trong nước, chẳng ai nói, chẳng hạn năm nay tỉnh rau má thu được bao nhiêu ngân sách, xứ Nghệ có mấy trường đạt chuẩn...

Thấy lá cờ (quốc kỳ) của nước người ta có nhiều ngôi sao, nói trẹo thành hoa, gọi là cờ hoa là đã đùa cợt, nôm na rồi; lại còn tới mức đặt thành tên nước là "Hoa Kỳ" thì quá thể, nhố nhăng.

Đừng bảo lâu nay từ thời các cụ đã gọi thế quen rồi có sao đâu, không bỏ cũng chả chết ai, v.v.. Đúng là không chết ai, nhưng nó như trò cười, bị khinh, bị coi thường. Tại sao không dùng tên gọi chính xác, phổ biến trên thế giới, và nhất là người Mỹ đang dùng để gọi tên chính nước của họ. Nếu thấy đổi sẽ gây nhiều phiền phức thì cứ gọi ngay là Mỹ (phiên âm kiểu từ Hán Việt xưa kia, Mỹ Lợi Kiên, gọi tắt là Mỹ), có phải nghiêm túc hơn không nào.

Chả dẫn đâu xa, cụ Hồ khi viết hoặc nói về đối phương đều dùng từ "Mỹ", chẳng hạn đế quốc Mỹ, nước Mỹ, nhân dân tiến bộ Mỹ, tổng thống Mỹ, "đế quốc Mỹ là con hổ giấy"; còn khi dè bỉu chê cười Mỹ thì gọi là Hoa Kỳ, Huê Kỳ, ví dụ cụ làm thơ "Cồn Cỏ nở đầy hoa chiến thắng/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ". Rất rõ ràng.

Ngay trong rất nhiều văn bản của nhà nước, bài phát biểu của các ông bà cai trị xứ này, lúc thì Hoa Kỳ, lúc thì Mỹ, cứ tùm lum tà la, chẳng ra làm sao.

Vậy tại sao chính người Mỹ lại dùng từ "Hoa Kỳ" chỗ này chỗ khác (Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đài tiếng nói Hoa Kỳ...)? Đơn giản bởi họ tư duy theo kiểu phương Tây, thoáng, ít quan tâm tới thứ vụn vặt, vả lại khi quan hệ với Việt Nam, thấy người Việt cứ gọi mình là Hoa Kỳ thì tặc lưỡi chấp nhận dùng cái tên ấy cho xong.

Ông ngoại trưởng Phạm Bình Minh nên gương mẫu đổi trước đi, để những ông bà kia thấy chối mà đổi theo.

Một việc như thế mà không làm được, lại cứ đòi thành hổ thành rồng.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Từ chuyện xe

Thỉnh thoảng ta lại đọc được trên vài tờ báo những bài có nội dung rằng ở xứ này nếu thả lỏng việc mua bán ô tô thì không còn chỗ mà chen chân chứ đừng nói gì đi lại. Theo họ, siết ô tô là đúng, thậm chí nên siết cả xe máy thì may ra giao thông mới hết cảnh ùn tắc.

Tôi cam đoan, một trăm phần trăm những đứa đề nghị siết ô tô, đánh thuế phí thật cao để dân chúng không mua được ô tô chính là những đứa đang ngồi chễm trệ trên ô tô, thậm chí trên xe công được mua bằng tiền ngân sách. 

Lạ cho xứ này, những đứa chỉ biết ve vuốt tỉa tót chính bộ lông của nó lại là đứa dài mỏ rao giảng khuyên dân chúng cần phải thế này thế nọ.

Mà ngay cả cái nghị định của chính phủ vừa được ban hành, quy định cán bộ cỡ nào cấp nào được sử dụng xe công bao nhiêu trăm triệu, bao nhiêu tỉ cũng là thứ quy định ngang ngược, cực thối. Không chỉ họ tự cho mình quyền ngang nhiên chiếm đoạt tài sản công, mà còn tự phơi bày thực chất những lời rao giảng giả dối xưa nay. Một ông vừa chỉ thị không được xa hoa, hoang phí, thì một ông đồng bọn ngay lập tức ban quy định những ai được đi xe mấy tỉ, xe không cần báo giá.

Nói chung đó là một xã hội rất hài với dàn cai trị, rất bi với dân chúng.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Nợ xấu

Trong thuật ngữ kinh tế xứ này có từ "nợ xấu".

Đây là thứ nợ khó đòi, khó trả, dây dưa kéo dài, càng ngày càng lớn, nói chung là đéo giải quyết được ngay, thậm chí mất trắng. 

Nợ xấu hình thành và phổ biến nhất thời 3X Nguyễn Tấn Dũng làm tể tướng 2 nhiệm kỳ, y đẻ ra các tập đoàn kinh tế, dồn cả vốn liếng vào đấy, chúng càng ngày càng lụn bại, ăn cả vào vốn, nhà máy trùm mền đắp chiếu, nợ ngân hàng ngày càng chồng chất, nguy cơ phá sản hiện rõ từng giờ. Chả nói đâu xa, cứ nhìn vào thực trạng của 3 tập đoàn "quả đấm thép" là dầu khí, hàng hải (công nghiệp tàu thủy), than-khoáng sản thì thấy ngay. Ba Dũng có công phá nát nền kinh tế, không biết đến bao giờ mới hồi phục được, nhưng cha con nhà X thì giàu nứt đố đổ vách, chưa đứa nào dám động đến lông chân.

Vẫn biết đương kim tể tướng Bảy Phúc còn đang vất vả loay hoay nhức đầu xử lý đống rác do tiền nhiệm và chính ông ta để lại, nhưng tôi cũng xin nhắc với ông, còn những món nợ xấu liên quan tới ông, không trả cho xong thì còn lâu mới "ngồi trên vòng nguyệt quế" được. Nợ này dứt khoát phải trả, chẳng thể coi nó như đám nợ xấu đơn thuần kinh tế kia. Đó là:

-Bỏ lập tức cái quyển sổ hộ khẩu cực kỳ cổ lỗ sĩ, vớ vẩn, một thứ tai ách trói buộc dân chúng đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.

-Trả ngay cái khu đất sân gôn về cho sân bay Tân Sơn Nhất, không lý sự lôi thôi.

-Dẹp hết BOT trấn lột. Dự án đường mới chỗ nào, thì đặt BOT chỗ đó. Cái nào đặt không đúng nguyên tắc ấy, dẹp ngay. Dẹp cả bọn bộ giao thông được dân nuôi nhưng chỉ cúi đầu phục vụ quân bóc lột.

-Trả đất về cho người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế giải tỏa oan ức, rẻ rúng, đừng nghe lời lão Nguyễn Thiện Nhân nữa.

Bốn món nợ xấu này đã, rồi còn nhiều món sẽ tính sau.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Chống xa hoa, xài lãng phí tiền thuế của dân

Trên báo Tin tức của TTXVN hôm qua (13.1), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn, có ý rằng: "Những "ông quan" nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân". (trích nguyên văn).

Ông Trọng nói có đúng không? Đúng quá đi chứ, nếu xét về mặt lý luận. Một ông trùm lý luận chả nhẽ lại sai.

Về mặt thực tiễn, tôi chỉ đề nghị ông Trọng và các bề tôi của ổng nêu gương bằng hành động cụ thể. Không cần gợi ý xa xôi, chỉ xin các ông chống xa hoa trong việc dùng xe công. Thanh lý hóa giá hết những cái xe xa hoa đắt tiền vài tỉ, thậm chí chục tỉ đi, dùng xe năm bảy trăm triệu cũng ổn quá rồi. Tất cả những xe tỉ tỉ ấy đều là xe công, mua bằng tiền thuế của dân, quá xa hoa lãng phí. Ngự trên chiếc xe trị giá hàng nghìn con trâu ấy, các ông không thể làm gương cho ai cả.

Mất uy tín của đảng bao nhiêu, tôi không quan tâm, nhưng mất niềm tin trong dân thì quá nhiều rồi đấy, có khi chỉ còn vài lạng.

Hãy bắt chước những người cầm đầu ở nước ngoài, ví dụ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, họ nêu gương chỉ xài hàng nội, đi xe do nội địa sản xuất, tuyệt đối không dùng hàng Đức, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Anh... dù xe của mấy nước này tốt hàng đầu thế giới (chỉ xe Nhật mới đọ được). Thế thì hãy xài xe Trường Hải, Vinfast của VN đi, vừa tiết kiệm, vừa gương mẫu dùng hàng nội, "người Việt dùng hàng Việt". (hai tập đoàn sản xuất xe hơi này, nếu đề xuất của tôi được thực hiện, phải trả công gợi ý của tôi đấy nhé).

Và cũng nói thêm, cứ đi loại xe thường, đừng chống đạn chống điếc, bọc thép bọc thiếc làm gì. Chả ai thèm lấy mạng các ông đâu. Dân ta vốn hiền lành, không thích bị coi là thế lực thù địch, các ông cứ yên tâm. Chỉ ngại các ông với nhau thôi.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

Lỗi chính tại ai?

Vụ "vườn rau Lộc Hưng" ở quận Tân Bình (TP.HCM), nếu dân lỗi 1 thì chính quyền lỗi 10. 

Gần nửa thế kỷ, nắm cả bộ máy pháp luật, hành chính trong tay mà để diễn ra tình trạng vô pháp như thế thì chính quyền để làm gì. Nếu dân không có quyền sở hữu hợp pháp hoặc quyền sử dụng khu đất ấy thì nhà nước phải sớm thu hồi; còn nếu đã để dân sinh sống ở đó và sử dụng thì phải hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận sổ đỏ sổ hồng cho họ. Không chịu cấp nên dân buộc lòng phải xây dựng nhà cửa không phép bởi chẳng thể nào sống cảnh màn trời chiếu đất giữa xã hội xã hội chủ nghĩa tươi đẹp.

Nay mới thực hiện cưỡng chế giải tỏa là quá muộn, muộn mấy chục năm. Và cưỡng chế giải tỏa thời điểm này cũng quá sớm bởi chỉ còn chưa đầy tháng là tết cổ truyền. Đẩy hàng trăm hộ dân "vui xuân đón tết" trong cảnh màn trời chiếu đất thì quả là bất nhân chứ không phải thiện nhân.

Trước khi trách dân, hãy tự trách mình. 

Chính ông Tố Hữu từng có câu thơ vận vào thời nào cũng được: "Bạn ơi nguồn thảm sầu kia bởi/số phận hay do chế độ này?".

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ, nhưng chiến thắng thuộc về Trung Quốc

Nhớ lại sau 40 năm ngày Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ, nhưng rất rõ ràng Trung Quốc là người chiến thắng.

Sáng ngày 7 tháng giêng, 1979 một đơn vị Quân đội Việt Nam lao thẳng vào Phnom Penh mà không tốn nhiều súng đạn, để lật đổ một triều đại tàn ác Khmer Đỏ. Quả thực, đây là một cú đánh trời giáng vào Trung Quốc. Việt Nam chiến thắng, nhưng, đó chỉ là một chiến thắng rất hẻo cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vài giờ trước đó, những lãnh đạo Kampuchea Dân Chủ đã chuồn ra khỏi thủ đô trên những đại lộ rợp bóng dừa. Tiếng gầm rú của xe tăng, xe jeeps Việt Nam vang vọng vào những tòa nhà đã bỏ trống bốn năm nay từ khi Khmer Đỏ giành được chính quyền. Một số quan chức, lính, và gia đình của Khmer Đỏ đã kịp lên xe lửa để đào thoát về hướng Battambang. Trong chuyến xe lửa này có mang theo Ieng Sary người em rể của Pol Pot. Vài xác người đã thối rữa trên đường phố và những vựa cá đã ươn xình. Người dân chẳng còn cơ hôi nào để chế biến cá đang giữa mùa đánh bắt từ Biển Hồ.

Hương vị của một thủ đô không bóng người mà Việt Nam tiếp quản 1979 cũng chẳng khác hơn so với Sài Gòn náo nhiệt mà những quân đoàn của Hà Nội tiến vào bốn năm về trước. Thật mỉa mai, cũng chỉ sau vài tuần Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh. Trưa 30 tháng Tư, 1975 tôi chứng kiến cảnh xe tăng Bắc Việt húc đổ cổng Dinh Tổng thống rồi treo cờ của cộng sản.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Lại nói về BOT

Để giải quyết dứt điểm sự lằng nhằng về BOT giao thông, chỉ cần:

-Nhà nước phải dứt khoát định vị: Làm đường nào thì thu trên đường đó. Tuyệt đối không ỡm ờ nhập nhèm chuyện cho nhà đầu tư bỏ vài đồng tiền "sửa chữa, nâng cấp" đường cũ rồi đặt trạm trên đường cũ thu cho cả hai nơi, cũ và mới (thực ra đây là thứ mưu mẹo, mưu ma chước quỷ, cố tình lừa dân, lừa dư luận).

-Nhà đầu tư khi bỏ tiền ra phải hỏi kỹ sẽ được thu ở đâu. Đừng cố ý tham lam, đặt sai vị trí trạm, sau này bị dân phản đối, thất thu, đóng cửa (như trạm BOT trấn lột Cai Lậy hiện thời) có kêu la cũng chẳng ai thương. Biết sai từ đầu vẫn nhắm mắt lao vào, tự chuốc họa vào thân, kêu rêu nỗi gì.

-Dân chúng cần xác định, đã chấp nhận đi trên đường mới mở do nhà đầu tư ngoài quốc doanh bỏ tiền làm, để được nhanh hơn, tiện hơn... thì phí cao bao nhiêu cũng phải chịu. Đó là kinh tế thị trường. Nhưng với những trạm BOT đặt sai, kiên quyết không trả một xu, không chấp nhận cái sai, không dung túng sự bóc lột.

-Năm 2019 mà chính phủ không giải quyết được vụ BOT cho tử tế thì đừng hy vọng nguyệt quế nguyệt kiếc, lòng tin lòng tiếc gì.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

BOT giả và nợ thật

Các vị lãnh đạo và báo chí của xứ ta luôn nhắc nhở dân chúng rằng BOT là một chủ trương đúng đắn của đảng và nhà nước nhằm tận dụng, thu hút mọi nguồn lực tham gia vào phát triển kinh tế đất nước.

Đúng, chứ có ai bảo sai đâu. Nói đến BOT là nói tới những nhà đầu tư ngoài quốc doanh, họ bỏ vốn liếng, tiền bạc của họ ra làm các dự án hạ tầng, nhất là giao thông, để nhà nước có thể dùng ngân sách công vào việc khác, nên họ được quyền thu phí đối với người sử dụng. 

Nhưng ngân sách (tiền thuế do dân đóng góp, do doanh nghiệp nộp, tiền bán tài nguyên, vốn vay ODA sau này sẽ do dân trả...) mà dùng để thực hiện những dự án hạ tầng (đường sá, cầu cống, bến cảng) thì đó là vấn đề nhà nước đem tiền của dân phục vụ nhân dân, kiến thiết đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Không phải là BOT, thì không được thu phí, dù có là làm hẳn con đường mới tinh.

Ít ai lưu ý rằng, con đường cao tốc đầu tiên ở miền Nam, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương được thực hiện từ vốn vay ODA, trị giá gần 10.000 tỉ đồng, sau này dân phải trả, các thế hệ con cháu dân phải trả. Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án này, và họ đã biến nó thành BOT, thu phí bằng cách bán quyền thu phí cho công ty tư nhân.

Người dân sử dụng cao tốc Sài Gòn - Trung Lương ngoài phải chịu nộp phí thì còn phải gánh món nợ ODA và trả cho tới khi xong thì thôi.

Cái gì cũng đổ vào đầu dân, thế mới tài.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Kỳ nhân xứ Thanh

Mấy bữa nay trời trở lạnh. Thường cứ vào cữ Giáng sinh ông trời lại mau mắn tụt nền nhiệt xuống rất nhanh, cả trong nam lẫn ngoài bắc. Coi bản tin dự báo thời tiết của khí tượng thủy văn Trung ương thấy bảo ngay tại thủ đô rét xuống dưới 10 độ C. Lại hình dung ra cảnh trong gió bấc căm căm như thế vẫn có những cặp tình nhân ngồi ủ ấm tay nhau trên ghế đá bờ hồ Gươm, mặc những con sóng nhỏ lăn tăn tấp vào chân tháp Rùa. Cái rét xứ bắc thường làm kẻ xa quê nghĩ ngợi.

Vậy mà từ cuối tháng 10 tây tôi đã run và thích thú trong cái lạnh đầy kỷ niệm. Khi ấy thủ đô còn nóng rẫy. Chả là được lang thang trên đỉnh Pù Luông cao 1.500m xứ Thanh. Mấy ông bạn vàng bảo mày kêu vé giá rẻ Jetstar hoặc Vietjet ra đi, cứ tới sân bay Thọ Xuân chúng tao đón, còn đưa đi đâu, gặp ai thì mặc chúng tao.

Con đường lên các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Quan Hóa… vòng vèo qua những trập trùng đồi núi. Sông Mã nổi tiếng hung dữ nhưng ở thượng du mùa này cạn nước, hiền khô. Mấy chục cây số bạt ngàn xanh, những mía và luồng. Ông bạn đồng hành, tay thổ công xứ Thanh, nhà báo Xuân Ba bảo mày biết không, tỉnh Thanh có thế mạnh 4 lờ (L) là lúa, lợn, lạc, luồng. Nhưng y dặn thêm, mình lên với Pù Luông, Bá Thước một ngày thôi, rồi mau về, còn nhiều việc, kẻo Nguyễn Xuân Phi nó chờ.

Nghe thổ công nhắc, trong đầu chợt hiện lên cuộn phim quay chậm, tua từng đoạn, mấy ngày ở Thanh Hóa mới cách đấy 2 tuần. Chả là đám đồng môn rủ nhau họp lớp, một kiểu dối già, “vui xuân cho hết xuân đi/cái già xồng xộc nó thì đến nơi”, điểm đến là Sầm Sơn. Khi cả bọn đang ồn ào cụng ly, tán hươu tán vượn, bồi hồi với những kỷ niệm cũ thì Phi đến. Giản dị, nhũn nhặn, hiền lành, thật tình cảm, Phi bảo biết các anh chị về Thanh nhưng cuối năm cả núi công việc, giờ mới gặp nhau, cũng là duyên vậy. Đám chúng tôi, nhiều người chưa biết vị khách (thực ra là chủ) kia là ai, tuy nhiên với những dân xứ Thanh (lớp tôi thời sinh viên rất đông kẻ từng ngụp lặn trên sông Chu, sông Mã quê nhà) thì Nguyễn Xuân Phi không phải người xa lạ. Nhìn Xuân Ba, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh, Trần Triều Nguyệt… ôm vai bá cổ, trò chuyện với Phi như người nhà, thì rõ. Tôi cũng đã biết Phi, qua những bài báo, thời “y” làm chủ sự của cái đơn vị ăn nên làm ra nổi tiếng đất Thanh Hóa, Công ty Sông Mã. Suốt một thời gian dài, Sông Mã (cái tên doanh nghiệp chỉ nghe đã thấy đậm chất Thanh) nổi như cồn, có nhiều công trình đẹp tạo nên điểm nhấn cho thành phố, chả kém gì Đường Lam Sơn của ông Lê Văn Tam, Thuốc lá Thanh Hóa của ông Lê Viết Dược. Xứ Thanh lâu nay cứ đôi khi lại cung cấp cho đời những kỳ nhân, làm ăn cực giỏi, sống rất tình, đầy nét độc đáo. Nguyễn Xuân Phi, tôi hiểu, là một người như vậy.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Nhớ Ba sàm

Có một dạo, suốt thời gian khá dài, biết bao người xứ này, không chỉ dân chúng mà cả cán bộ đảng viên, bắt đầu ngày mới bằng việc mở internet để vào Ba sàm "xem hôm nay có gì mới không". Khi hàng trăm tờ báo giấy và trang thông tin điện tử vất vả lắm mới có thêm người đọc thì ở “Ba sàm” cứ tự nhiên nhi nhiên, người ta chen vai thích cánh ùa vào chẳng khác gì đi hội. Thế nên càng hiểu bất luận chính thống hay không chính thống, nếu cứ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân thì sẽ được yêu mến, phát triển, chẳng cần hoa hòe hoa sói, núp bóng mượn danh. Ba sàm đã đánh bạt cả hệ thống báo chí truyền thông nhà nước vốn chỉ chuyên thông tin “phải đạo”, một chiều, nịnh nọt, ca ngợi. Lại nhớ câu người đời hay nói “muốn biết tin thời sự thì xem hài, muốn coi hài thì xem tin thời sự”, ngoài câu “ba sàm thông tin chính thống, chính thống nói chuyện ba sàm” đã nêu.

Theo lẽ thường tình, có người yêu thì cũng chả thiếu chi kẻ ghét. Ba sàm (cả con người lẫn trang tin) được lòng dân thì mất lòng chính quyền. Bi kịch ở chỗ, người yêu mến chỉ có lòng yêu mến, trân trọng, kính phục, nên khi Ba sàm gặp nạn không biết làm cách nào để sẻ chia, giúp đỡ; còn kẻ ghét thì lại thừa thủ đoạn, dã tâm, mưu ma chước quỷ, sự tàn độc, tiền bạc, sức mạnh... để triệt hạ đối thủ đến cùng. Điều ấy được chứng minh rất rõ trong những ngày bộ máy quyền lực lôi Ba sàm ra đấu tố chẳng khác gì thời cải cách ruộng đất, tuyên cái án 5 năm tù sau một thời gian dài nhốt trong ngục. Nhà cai trị với việc bắt, khởi tố và thành án Anh Ba sàm đã nhằm đưa ra lời cảnh báo dân chúng rằng họ muốn làm gì cũng được, đám dân đen đừng có ho he, ngọ nguậy, hãy liệu cái thần hồn, “chưa đến lượt chúng bay đấy, nhìn gương Ba sàm mà lo cho thân mình”...