Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

3 câu hỏi, 1 câu trả lời


"Thực tiễn là thước đo kiểm định mọi giá trị của chân lý" (Lênin)

1. Hồi mình còn trẻ, độ tuổi dưới 40, lúc ấy đi học và sau đó dạy học, nhìn và xét mọi việc hầu như chỉ một chiều, theo kiểu mà nhà thơ Việt Phương từng tổng kết "ta quả quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ". Ngồi trên giảng đường nghe các thầy chính trị Mác-Lênin nói thế, dù không hắn tin vẫn cứ cố tin; rồi đứng trên bục giảng mình cũng nói với trò như thế, chúng có tin hay không thì mình không biết. Nhưng mỗi cuộc tụ bạ, đàn đúm vài ba anh em với nhau, sau những chuyện đời thường lại hắn lên thắc mắc: Tại sao cứ những nước theo phe XHCN đều là nghèo đói, chậm phát triển, khổ hết đời nọ sang đời kia, xung đột sắc tộc, đánh nhau liên miên...; còn bọn tư bản giãy chết thì hàng hóa dồi dào, mức sống ngày càng cao, kinh tế phát triển, ăn sung mặc sướng, hàng hóa của nó luôn thuộc loại cao cấp mình chỉ có trong mơ... Vấn nhau chán, đứa nào cũng gút lại: vậy tại sao cứ phải theo CNXH? Không đứa nào đưa ra câu trả lời.

2. Đến lúc đi làm, lăn vào cuộc mưu sinh, chỉ lo cơm áo gạo tiền cũng đủ mệt, mình chả mấy khi nghĩ đến những chuyện khác. Nhưng (lại nhưng) cứ văng vẳng điều gì ghê gớm lắm, khi bình tâm tìm hiểu, mới ngộ ra rằng cuộc sống quá ngột ngạt, cái gọi là "dân chủ gấp nghìn lần thứ dân chủ tư sản" hình như chỉ lờ mờ, loáng thoáng, nhợt nhạt. Cả một nước, một dân tộc được một nhóm người đứng ra tự nhận quyền lãnh đạo, nếu họ tài giỏi, làm hay, đức tốt thì cộng đồng có phận nhờ, ngược lại thì ráng chịu. Mấy anh em, lúc này đã lớn cả rồi, lại ngơ ngác hỏi nhau: ở nhiều nước người ta có cần độc tôn như thế đâu mà cuộc sống hết sức dễ chịu, quyền của con người được tôn trọng, không khí dân chủ cởi mở, sao ta lại khăng khăng từ chối. Làm gì để dân chủ thành hiện thực như không khí, cơm ăn áo mặc hằng ngày? Cả mấy anh em, ai cũng sắn câu hỏi, ai cũng có thể trả lời, mà không ai trả lời.

3. Có thể vài năm nữa, hoặc vài chục năm nữa, các con cháu mình sẽ hưởng cuộc sống khác hẳn bây giờ, hy vọng là dễ chịu hơn, chất lượng đích thực hơn. Chúng sẽ thắc mắc tại sao cha ông lại cam chịu kéo dài sự khổ sở, thiếu thốn, ngột ngạt, mất quyền... như vậy. Chúng không hiểu vì sao.

4. Câu trả lời: Ngu!

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Chuyện về ngôi trường... mắc cười

Rất nhiều tờ báo mậu dịch ra ngày 17.12 đăng bản tin ngắn nếu độc giả không để ý rất dễ bỏ qua: tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành ngôi trường mới tại huyện Điện Bàn, mang tên Hoàng Sa.
Trước hết, hãy nói về điều lạ (mắc cười) thứ nhất của trường này. Theo thông tin trên báo, đây là trường gồm cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT; ta quen gọi cấp 1, cấp 2, cấp 3. Có lẽ bói mỏi mắt trên cả nước Nam này không kiếm ra nơi nào ngôi trường lạ vậy. Hình như tỉnh Quảng Nam có cách tổ chức cơ sở giáo dục riêng, bất chấp những quy định của Bộ GD-ĐT. Thực tế chỗ này chỗ khác ta có thể gặp dạng trường ghép cấp 1-cấp 2 hoặc cấp 2-cấp 3 bởi giữa hai cấp học liền mạch ấy có nét chung, dung hòa chấp nhận được, nhưng nay Quảng Nam lại tiến xa hơn rộng hơn là ghép những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch đánh vần abc vào đồng môn với các cô cậu chuẩn bị thi tú tài thì quả là tréo ngoe, lộn xộn. Cứ hình dung buổi chào cờ nhấp nhô cao thấp, đa hệ tuổi tác đã thấy mắc cười. Mô hình mới của xứ Quảng chăng? Chả biết Bộ GD-ĐT có lưu ý chuyện chẳng giống ai này?
Nhưng đó chưa phải điều đáng bàn. Như trên tôi đã nói, trường được đặt tên Hoàng Sa. Thời gian qua cái danh này có vẻ thời thượng, thậm chí hấp dẫn. Theo báo CAND ngày 17.12, “việc trường được đặt tên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo này”. Nghe thì có vẻ nghiêm túc nhưng tôi chỉ thấy buồn cười cho cách nghĩ, suy luận ngây thơ ấy. Dường như không ít người nghĩ rằng làm sao trên dải đất Việt càng nhan nhản Hoàng Sa (và Trường Sa) thì càng khẳng định chắc chắn chủ quyền của Việt Nam. Cần kể thêm chăng, Đà Nẵng cách đây chưa lâu từng đặt cho tuyến đường ven biển dài 27 kilômếch nối Sơn Trà đến Điện Ngọc là Hoàng Sa-Trường Sa. Tại Sài Gòn cũng có đường ven kênh Nhiêu Lộc mang tên Hoàng Sa và Trường Sa. Gì nữa, thời gian qua khá nhiều nơi trên cả nước, từ những xứ thâm sơn cùng cốc đến vùng khỉ ho cò gáy chả liên quan gì đến biển đảo cũng bắt chước nhau đặt viên đá chủ quyền Hoàng Sa ra vẻ khẳng định chủ quyền. Cứ cái đà này khắp từ nam chí bắc đi đâu cũng sẽ chỉ thấy Hoàng Sa, Trường Sa; gặp nhau ở đâu chỉ nghe mở miệng Hoàng Sa, Trường Sa cho mà xem.
Xưa nay ban Tuyên giáo được dân tình đánh giá có nhiều sáng kiến, mưu mẹo nên tôi nghĩ những vụ này chắc cũng sản phẩm của mấy ông chuyên cai trị về tư tưởng, tinh thần. Lẩn thẩn rằng, vậy nếu ta đặt tên cho vùng đất Việt nào đó là Bắc Kinh, Hải Nam thì có nghĩa ta khẳng định chủ quyền với 2 nơi ấy chăng, Trung Quốc sẽ lo sợ chăng? Bày đặt hình thức như thế, liệu ta có khiến kẻ đang âm mưu chiếm đất chiếm đảo của ta phải nản chí, run sợ? Chắc là không! Các nhà lãnh đạo thử đặt mình vào vị trí người dân để xác định kiểu tuyên truyền lỗi thời như thế có tác dụng đến đâu. Và thanh niên sinh viên kéo nhau đến cổng tòa đại sứ nó biểu tình hô vang “Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam” nó còn chả sợ, huống hồ cái tên. Và đừng ngây thơ cho rằng những cái tên ấy thành chứng cứ, thành hồ sơ pháp lý để tranh cãi. Họa may cả ngàn năm nữa, lúc ấy thì biết thế nào?
Trời của ta, đất của ta, biển của ta, cha ông suốt hàng ngàn năm từng đổ bao xương máu ra gìn giữ, thì cháu con phải quyết giữ. Nhưng giữ gìn, bảo vệ bằng cách nào đó chứ không phải đặt cái tên vu vơ như vậy.

Chiều 17.12.10