Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Chủ nghĩa tư bản thân hữu

TS NGUYỄN SĨ DŨNG (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. Nó được biểu hiện bằng cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các doanh nghiệp thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn giảm thuế và các hình thức can thiệp khác.

Thế thì tình hình của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam chúng ta như thế nào? Dưới đây, không phải là sự khám phá ra Châu Mỹ, mà chỉ là những biểu hiện cụ thể ai ai cũng biết.

Trước hết, xây dựng mối quan hệ với các quan chức là rất quan trọng để có thể làm ăn dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp coi đây không chỉ là một sự cần thiết, mà còn là một cách đầu tư sinh lợi dễ dàng và hiệu quả. Dự án đầu tư vào các quan chức bắt đầu từ việc tài trợ cho chuyện chạy chức, chạy quyền. Theo dư luận, một số doanh nghiệp thậm chí còn trực tiếp đứng ra vận động và mua phiếu cho không ít các quan chức. Đây là mối quan hệ hai chiều: các doanh nghiệp có thể xin phép được tài trợ, mà các quan chức cũng có thể kêu gọi tài trợ. Nói thẳng ra hay không nói thẳng ra thì cả hai bên đều hiểu cam kết bất thành văn ở đây: “Bọn em giúp anh lên thì sau này anh hỗ trợ cho bọn em”; “Các chú giúp anh lên, thì sau này anh tạo điều kiện cho các chú”. Nhiều nơi sự việc nghiêm trọng đến mức nếu không được các doanh nghiệp ủng hộ thì ít ai có thể chiến thắng được các đối thủ cạnh tranh. Đây, có lẽ, đang là cách phổ biến nhất hình thành lên hệ thống các doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu.


Một cách khác để xây dựng quan hệ với các quan chức là chăm lo hết lòng cho các thủ trưởng và vợ con của họ. Được coi là dự án đầu tư, nên các doanh nghiệp rất chịu khó và rất tinh tế ở đây. Họ tìm hiểu không chỉ gu thời trang, món khoái khẩu của các ông anh, bà chị, các cậu ấm, cô chiêu, mà còn tất tần tật về ngày sinh nhật, ngày giỗ chạp, về lễ kỷ niệm ngày cưới, ngày khánh thành nhà… Không cần phải gợi ý, chỉ cần có cơ hội hoặc chỉ cần đoán ra ông anh, bà chị thích gì là họ khuân đến nhà ngay hoặc tìm cách đáp ứng ngay. Sự tận tụy được đáp lại bằng mối quan hệ thân hữu. Không chỉ người dân, mà nhiều khi các quan chức cấp dưới gặp được thủ trưởng còn khó. Thế nhưng cậu em/cô em bên doanh nghiệp X, Y Z… gọi điện là anh bắt máy liền; mời đến là anh đến liền.

Quan hệ thân hữu còn được hình thành lên theo một cách tự nhiên hơn. Đó là hiện tượng người nhà của các quan chức đứng ra thành lập doanh nghiệp. Khi có cha, anh làm quan to, thì vợ con, em út lập tức đứng ra thành lập doanh nghiệp. Họ kinh doanh rất nhàn hạ và giàu có lên một cách nhanh chóng nhờ mối quan hệ thân hữu không cần phải đầu tư mà vẫn có sẵn của mình. Những doanh nghiệp kiểu này chẳng cần vốn, mà cũng chẳng cần có kiến thức, kỹ năng kinh doanh, họ chỉ cần đón lõng và cắt phần trăm đối với tất cả các dự án mà người nhà của họ có quyền quyết định.

Với những biểu hiện cụ thể như vậy, nền kinh tế của chúng ta có phải là chủ nghĩa tư bản thân hữu không? Xin để điều này cho bạn đọc tự suy xét.

Tuy nhiên, cách làm ăn dựa vào quan hệ thân hữu đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước.

Trước hết, nó làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng cải cách hành chính sẽ làm được gì, nếu muốn làm ăn dễ dàng cứ phải đầu tư cho quan hệ? Không có quan hệ, có vẻ như mọi cơ hội đều đóng lại đối với các doanh nghiệp hoặc chi phí kinh doanh của họ bị đội lên đến mức không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phá sản. Ở một số địa phương, việc gia nhập thị trường là gần như là không thể đối với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thân hữu hoặc ở địa phương khác đến. Các doanh nghiệp không hiểu điều này sẽ được các cơ quan công quyền hoặc thậm chí xã hội đen “dạy dỗ” đến nơi đến chốn ngay.

Thứ hai, cạnh tranh lành mạnh như là một động lực thúc đẩy phát triển hoàn toàn bị triệt tiêu. Chất lượng cao ư? Giá rẻ ư? Chẳng quan trọng! Quan trọng là phải có quan hệ thân hữu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít đầu tư vào khoa học-công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ quả tiếp theo là năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng rất thấp.

Thứ ba, bất công và bất bình xã hội đang bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do nhóm thân hữu tận hưởng hết, thì cái gì sẽ còn lại cho những người dân? Không ai không nhìn thấy nhiều doanh nghiệp đang giàu lên nhanh chóng nhờ được hưởng chênh lệch địa tô, được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước, tiếp cận hợp đồng, tiếp cận thương quyền; các quan chức cũng giàu lên nhanh chóng nhờ được doanh nghiệp lại quả và cung phụng. Điều này quả thực đi ngược lại với những giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà chúng ta đã đổ máu xương ra gìn giữ.

Thứ tư, chủ nghĩa tư bản thân hữu dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng là gì nếu chẳng phải là lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư. Nhiều quan chức đã sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để ưu tiên, ưu đãi cho nhóm thân hữu và hưởng lợi từ sự lại quả của nhóm này. Chính vì vậy, chủ nghĩa tư bản thân hữu tràn lan cũng đang làm cho tham nhũng xảy ra tràn lan.

Cuối cùng, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu là rất quan trọng đối với sự tồn vong của chế độ. Chính chủ nghĩa tư bản thân hữu đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 làm cho xã hội ở Thái Lan bị mất ổn định nghiêm trọng, còn chính quyền ở In-đô-nê-xia thì bị sụp đổ. Với mô hình thể chế chỉ có một Đảng lãnh đạo như ở ta, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu có rất nhiều khó khăn, nhưng không phải là không có những thuận lợi. Khó khăn là vì không có lực lượng đối lập thì cơ chế giám sát từ bên ngoài là rất yếu, nhưng thuận lợi là vì khi đã quyết tâm thì không có một thế lực nào khác có đủ sức mạnh ngăn cản. Vấn đề là chế độ có thật sự quyết tâm chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu vì sự tồn vong của chính mình hay không.

Nguyễn Sĩ Dũng

1 nhận xét:

  1. Cộng sản Hung ga ri nợ 1 tỷ $ nay phải trả 20 tỷ $! Kiểu gì thì dân tộc này cũng phải trải qua? Có cơn đau đẻ nào mà bà mẹ không đau đớn??? 4 cuộc chiến tranh đã mất 5 triệu người? để cứu lấy dân tộc này theo tôi đổ thêm máu cũng phải trả thội.

    Trả lờiXóa