Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Bài đầu tiên

LỜI ĐỀ NGHỊ TRƯỚC NĂM SỬU
(Đây là bài tớ thích nhất, kiểu như "ta là ta mà ta cứ say ta")


Có thể với không ít người thì đây là “lời đề nghị khiếm nhã”, thậm chí xúc phạm đến phong tục, truyền thống của dân tộc. Bao đời đã thế, hà cớ gì phải thay đổi, người ta sẽ bắt bẻ như vậy.
Điều mà chúng tôi đặt ra trong bài viết này là tục đâm trâu, chọi trâu, mở rộng ra chút nữa là tục chém đầu lợn. Dù có được người đời sau nâng lên thành hội, lễ hội, khoác cho chúng những mỹ từ như phong tục truyền thống, nét đẹp đặc sắc văn hóa dân gian… thì xét cho cùng cũng chỉ là tục lệ, mà không hẳn tục nào người đời trước truyền lại cho đời sau đều tốt cả.
Suốt bao thế kỷ, trong nền kinh tế lấy nông nghiệp làm chủ đạo, con trâu đã gắn bó thân thiết với người nông dân VN, thậm chí được coi như thành viên không thể thiếu của mỗi nông gia. Hình ảnh “trên đồng cạn dưới đồng sâu/chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” đậm sâu vào lòng hết thế hệ này đến thế hệ khác. Lúc nhỏ, ta là chú trẻ mục đồng vắt vẻo lưng trâu giữa bao la trời đất; lúc trưởng thành con trâu vẫn theo ta “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/cả ba việc ấy đều là khó thay”, trâu chia sẻ với nông dân sự đói nghèo vất vả “bao giờ cây lúa còn bông/thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Còn nhớ hồi chiến tranh Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, lứa thiếu nhi chúng tôi chẳng mấy ai không thuộc bài hát về con trâu, có câu như lời tâm sự “trâu ơi, ta nhất định sẽ thắng, quân thù nhất định thua”. Giữa đêm đông buốt giá, nghe gió bấc réo ù ù qua khe cửa, mẹ tôi cứ thương con trâu chịu rét ngoài chuồng, nhắc các con đem tấm bao tải đay ra khoác lên lưng cho trâu bớt lạnh. Tôi cũng nhớ như in chuyện ông Mởi, một người làm “ba-toa” chuyên mổ trâu mổ lợn ở quê tôi, lần ấy cầm chiếc vồ lại gần chú trâu già định hóa kiếp nó, nhìn nước mắt con trâu bao năm gắn bó với mình chảy dài thành dòng, ông đã quăng vồ ôm mặt khóc hu hu, từ đó bỏ nghề luôn.
Nhà trường vẫn dạy các em học sinh phải sống nhân ái, biết yêu thương loài vật (yêu con người thì đương nhiên rồi). Trong nhiều bộ phim hoạt hình, con trâu, con bò, con mèo, con chó…, thậm chí cả con chuột, con sâu cũng có nét đáng yêu. Lòng ta khi đã ngập tràn yêu thương thì sự hận thù không còn chỗ chen vào. Những hành vi tàn bạo với con vật, ở góc độ nào đó, là mầm mống cho hành vi độc ác với con người.
Vậy mà báo chí, truyền hình… lâu nay cứ vô tư thông tin về các lễ hội đâm trâu, chọi trâu, chém đầu lợn. Bỏ qua mọi phạm trù giáo dục nhân cách, đạo đức, người ta còn ca ngợi, tung hô những “nét đẹp, đặc sắc” từ những lễ hội đâm trâu của nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên; hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phú); chém đầu lợn để đón xuân ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, H.Tiên Du (Bắc Ninh)… Tivi quay cận cảnh những con trâu hăng máu chọi nhau máu me bê bết, con lợn bị trói cả 4 chân được tắm rửa sạch sẽ, mình khoác giấy điều bị “đao phủ” chém một nhát đứt phựt cái đầu, con trâu ở Tây Nguyên còn thảm thương hơn, cột chặt vào cọc có chạy đằng giời, mấy anh thanh niên đóng khố cởi trần nhảy tưng tưng xung quanh lao giáo nhọn vào khắp thân thể cho đến khi nó gục hẳn. Trong khi đó, con người đứng vòng trong vòng ngoài, nét mặt hân hoan, phấn khích tràn trề trước sự chết chóc tang thương. Trời ạ, không biết người ta vui cái gì trước cảnh máu me ấy nhỉ? Tôi dám đoan chắc rằng bất cứ nhà sư phạm nào dạy cho học trò tính lương thiện, lòng yêu thương loài vật đều sẽ thất bại khi các em cứ phải thường xuyên chứng kiến cảnh thế ấy. Lòng nhân từ dần chai sạn đi, sự lạnh lùng, dữ dằn ngày một tăng thêm, thử hỏi ta có thể đòi hỏi gì hơn ở họ trong việc tạo dựng một xã hội văn minh. Đấy là chưa nói, như một người bạn tôi bảo, hết sức bất công, không công bằng khi mấy anh chàng lực lưỡng lăm lăm giáo nhọn xông vào đâm con trâu bị trói. Nếu giỏi, cứ tháo cũi sổ lồng cho nó, đấu tay đôi với nó như xứ Tây Ban Nha đấu bò tót ấy, sự chê trách cũng đỡ đi phần nào. Một giám đốc công ty du lịch lớn ở TP.HCM kể rằng có lần nhân viên của ông đưa du khách nước ngoài lên Tây Nguyên, nhân gặp lễ hội đâm trâu mời họ ghé xem, cả đoàn dứt khoát từ chối với lý do: dã man.
Năm Kỷ Sửu, nói về con trâu nhưng để cất lên tiếng kêu tha thiết về con người. Hãy ráng giữ lòng từ bi bác ái trong mỗi con người, nếu chưa tạo thêm được những điều tốt đẹp thì trước mắt hãy nên bớt, nên bỏ những điều có thể hủy hoại tâm hồn. Mong mỏi lắm thay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét