Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Lặng thầm Nguyễn Thị Tiến

Tiến là bà xã của Nguyễn Đình Chiến (tục danh Chiến trắng), bạn tôi thời sinh viên. Trong đám chúng tôi, vợ Chiến nổi tiếng nhất.


Cuộc chiến kết thúc, hàng trăm ngàn trai tráng được trở về với quê hương, gia đình, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” trong niềm vui khôn xiết. Nhưng cũng còn hàng vạn chiến binh dũng cảm, thân xác vẫn nằm đâu đó nơi rừng xanh núi đỏ, không một dòng tin. Đã có biết bao chuyện cảm động, đáng trân trọng về những người đi tìm dấu tích, hài cốt, tên tuổi các anh, nhất là những liệt sĩ “vô danh”. Một trong số ấy là thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng QK4, nhân vật của chương trình “Người đương thời” nổi tiếng dạo năm 2001.

Bà mẹ Lào và 5 đứa con Việt
Đến nay, chị Tiến đã có hơn 8 năm trời theo đuổi công việc tìm kiếm di vật của liệt sĩ để tìm và trả lại tên cho các anh, đã chứng kiến biết bao chuyện cảm động. Hàng ngàn bức thư­ của thân nhân liệt sĩ gửi về cho chị, tin tưởng và gửi gắm hy vọng; hàng chục ngàn cuộc điện thoại gọi đến nhờ tìm thông tin về phần mộ… Trong “gia tài từ cõi âm” mà chị quản có hàng ngàn di vật chôn cùng hài cốt liệt sĩ khi chị đi cùng các đội quy tập tìm được.
Đi tìm hài cốt những người lính VN hy sinh ở mặt trận Lào, các đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa khô thiếu n­ước. Không ít ngày, chị Tiến cùng đồng đội sáng dậy phải lấy khăn thấm vào sương đọng trên tàu lá chuối để lau mặt. Có những lúc phải lấy bít tất làm dụng cụ lọc nư­ớc gạn đất ra để uống. Có những mũi quy tập phải nhai gạo sống thay cơm bởi không có nước nấu cơm. Sốt rét, rắn rết độc, thổ phỉ… tiềm ẩn bao hiểm nguy rình rập như­ng mọi khó khăn đều vơi đi mỗi khi tìm đư­ợc một phần mộ đồng đội. Thượng tá Tiến cho biết trong những chuyến đi Lào đã chứng kiến rất nhiều chuyện cảm động về tình nghĩa của nhân dân Lào đối với các liệt sĩ VN đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Có một bà mẹ ở Xiêng Khoảng hơn 30 năm chăm sóc phần mộ 5 liệt sĩ quân tình nguyện VN đư­ợc chôn ngay trong vườn nhà mẹ. Mẹ kể: Lúc còn sống chúng nó rất thích ăn cơm nếp nấu với sắn, vì vậy cứ vào ngày mùng một và rằm (âm lịch) hằng tháng mẹ lại nấu cơm nếp sắn, bới 5 bát đ­ưa ra mộ cho các con ăn, đều đặn như­ vậy từ năm 1969 đên nay. Mấy lần mẹ bị đau không đào củ sắn đ­ược, đêm đến mẹ cảm giác như­ nghe các con khóc kêu đói bụng… Đoàn quy tập thư­a với mẹ xin đư­ợc cất bốc các anh về, mẹ một mực không chịu. Mẹ nói các mẹ VN nuôi con chỉ có 18 năm, còn mẹ nuôi 5 đứa con này đã hơn 30 năm, mẹ không thể xa các con đư­ợc nữa… Các cán bộ chiến sĩ quy tập nhìn nhau lo lắng. Họ không thể bốc hài cốt liệt sĩ về khi mẹ không đồng ý. Vận động, phân tích mãi mẹ mới chịu nhưng vẫn nằng nặc bảo rằng không thể xa 5 thằng con trai của mẹ. Sau khi anh em làm xong việc cất bốc hài cốt, mẹ cứ trân trân nhìn 5 đứa con đư­ợc gói gọn trong từng bọc ni lông, lần lượt ghì chặt, ghì chặt từng bọc vào lòng. Và thật cảm động, mẹ lặng lẽ xuống bếp nhóm lửa nấu nồi cơm nếp sắn, bới đầy 5 bát, thắp h­ương tiễn con lần cuối. Rồi mẹ theo các con ra mãi tận bìa rừng, cứ chạy lúp xúp bên cạnh các gói hài cốt. Khi đi đã rất xa cả đoàn quy tập quay nhìn lại thấy mẹ vẫn đứng đó, nhiều người không cầm được nước mắt.
Có lần nghe rằng một bà mẹ già biết tin tức phần mộ, chị Tiến và anh em trong đoàn quy tập hành quân tìm đến ngay. Mẹ kể khi còn trẻ đã cùng bộ đội Việt - Lào chôn cất liệt sĩ quân tình nguyện trên vùng đồi trống trải. Chôn xong lấy đòn khiêng cắm lên mộ để đánh dấu. Và thật lạ kỳ, đòn khiêng tre tư­ơi bén rễ mọc thành cây. 1 năm, 2 năm, rồi… 40 năm thành cả rừng tre. 25 phần mộ đư­ợc tìm thấy như­ng rất tiếc cả 25 hài cốt đều không có thông tin gì kèm theo. Không một ai để lại tên tuổi, tất cả đều vô danh. Nằm cùng hài cốt liệt sĩ chỉ còn lại những chiếc cúc áo, chiếc lư­ợc, bút máy Trường Sơn, nhíp nhổ râu, đồng hồ Liên Xô, cả chiếc kẹp sắt dùng để rút quai dép, một vài mảnh nhôm nhỏ ghi ký hiệu quân sự thời chiến… Chị Tiến chợt nghĩ, cần thu thập tất cả những kỷ vật như­ vậy để đưa về bảo tồn nhằm lập một bảo tàng di vật, khi có điều kiện dùng các phư­ơng pháp khoa học, so sánh, phân tích, đối chiếu, thẩm định, tìm cách trả lại tên cho các anh.


Hồi chưa về hưu, mỗi ngày Tiến nhận hàng trăm lá thư của thân nhân liệt sĩ từ khắp nơi gửi về, nhờ tìm giúp tung tích người thân.

Món nợ chưa trả mẹ anh Tũn
Xuất phát từ suy nghĩ như­ vậy, năm 2000 chị Tiến bắt tay thực hiện đề tài “bào tàng di vật”. Cuộc chiến tranh đã qua mấy chục năm, hàng vạn gia đình vẫn không hề có chút tin tức gì về con em mình. Đi tìm tên cho liệt sĩ lúc này dù có muộn nhưng chẳng thể muộn hơn. Nhiều ông bố bà mẹ mỏi mòn chờ tin con, nay đã gần như tuyệt vọng. Phải giành giật từng chút thời gian tìm các anh về trước khi các cụ qua đời. Và đến nay đã có hàng trăm gia đình tìm lại được con em mình qua hơn 2.000 di vật do chị Tiến s­ưu tầm về. Sau khi đề tài khoa học được nghiệm thu, nhận giải xuất sắc, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư­ lệnh Quân khu 4 đã tiến hành xây dựng một nhà tưởng niệm, trưng bày kỷ vật liệt sĩ hết sức trang nghiêm trong khuôn viên Bảo tàng Quân khu 4 tại TP Vinh (Nghệ An).
Lần ấy tại nhà tư­ởng niệm có một bà mẹ ngoài 8O tuổi đến tìm con. Mẹ dừng trước một tủ kính, còng sát l­ưng xuống cúi nhìn chiếc bi đông đựng nư­ớc đã bị méo mó và có hai vết đạn xuyên thủng. Tay mẹ run run thoa nhẹ lên kỷ vật, dường như­ đang xoa vết thương trên da thịt con trai mình. Mắt mẹ già chợt tràn ra 2 dòng lệ, rồi mẹ quệt nư­ớc mắt bằng cánh tay áo, nhờ chị Tiến đọc dùm xem có phải con trai của mẹ không? “Con ơi, tên nó là thằng Tũn- mẹ nói nhỏ- “mẹ không biết chữ, nhưng con ạ, nếu cứ tên Tũn tức là con của mẹ, ngày nó còn bé cứ gọi Tũn là nó chạy về”. Dò trên di vật, không có tên anh. Mẹ khóc mãi, rồi mở gói trầu trong ruột tượng, trong gói trầu lại chứa một bọc nylon nhàu nát bao lấy tờ giấy báo tử đã rách làm tư. Tiến giúp mẹ đọc tên anh Tũn: Liệt sĩ Nguyễn Minh Đạt… Tìm khắp nhà tưởng niệm không có di vật nào mang tên như­ vậy cả. Bà cụ cứ hy vọng xem hết tủ này đến tủ khác, tẩn mẩn từng món di vật. Tiến động viên mẹ, hằng ngày bộ đội ta đang đi tìm liệt sĩ khắp nơi đ­ưa về, bao giờ có tin con sẽ báo mẹ biết. Cụ buồn bã gật đầu, sau đó run run đặt một miếng trầu vào cạnh chiếc bi đông và bảo “Gửi cho nó để nó hỏi vợ dư­ới âm con ạ”. Đã lâu rồi không thấy mẹ đến, chẳng biết mẹ có còn sống nữa không?
Đang trò chuyện, “Người đương thời” năm 2001 chợt trầm ngâm: thời gian chư­a phải đã quá xa để làm phai mờ hình ảnh người chiến sĩ những năm đánh Mỹ. Còn rất nhiều người vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con cái mất cha đang khắc khoải chờ. Tôi còn mắc nợ mẹ anh Tũn - Nguyễn Minh Đạt, nợ biết bao ông bố bà mẹ, người vợ đã từng đưa tiễn con, tiễn chồng ra đi mà không được đón về, và nhất là nợ các anh. Các anh đang nằm đâu đây, tôi còn sức còn đi để góp phần trả lại cho các anh cái tên, và đón các anh về.
Hầu như năm nào chị Tiến cũng đi với các đội quy tập, thu thập những di vật của liệt sĩ để từ đó tìm hiểu, xác định danh tính. Chỉ từ năm 2001 - 2008, chị Tiến đã xác định thành công tên tuổi, quê quán của 313 hài cốt thông qua di vật, trong số 2.000 di vật mà chị tìm được.
Hiện còn hơn 1.500 di vật chưa có điều kiện xác minh, hơn 5.000 lá thư gia đình liệt sĩ nhờ tìm kiếm, nhưng nay chị đã nghỉ hưu. Chị bảo, một mình mình làm không thể nào xuể, phải huy động cả chồng con và mọi người cùng làm.

N.T

4 nhận xét:

  1. Kính trọng em con người thầm lặng..ở giữa cuộc đời thừa những xôn xao.

    Trả lờiXóa
  2. Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh.
    Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác.
    Tháng tám nước trong tháng 5 nắng trải .
    Bàn chân săn chắc dáng trai.

    Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh.

    Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác.
    Ngày lên đường bờ vai mặn chát ,
    mắt ai níu vít hàng quân.
    Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh.
    Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác.
    Chiến trường gần chiến trường xa đuổi giặc.
    tên làng tên đất theo anh.
    Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh.
    Mẹ sinh anh tròn ngày chẵn tháng.
    Cha đặt tên chọn tuổi chọn mùa...
    Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh.
    Bình yên sau cuộc chiến tranh.
    Anh trở về không tên không tuổi.
    Trắng hàng bia những ngôi sao không nói
    Rưng rưng cỏ mọc dưới chân...!!!

    Trả lờiXóa
  3. Ôi, cảm động quá, bác "nặc danh" ơi. Chúc bác mọi sự tốt lành.

    Trả lờiXóa
  4. Cô đúng là người có tâm cháu rất biết ơn cô đã cho cháu tìm được mộ của người Bác nhưng đã bao năm qua và nhiều lần giám định mà vẫn là liệt sỹ chưa biết tên cô ạ

    Trả lờiXóa