Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Ta thắng địch thua

3 sĩ quan công an, trong đó có một đại tá, hy sinh khi vây bắt kẻ buôn bán ma túy- đó là sự thật đau buồn, một tổn thất đáng kể của lực lượng công an. Thời bình, đổ máu là điều không ai muốn, nhưng máu vẫn đổ, chúng ta càng thương những chiến sĩ an ninh chân chính biết quên thân mình vì hạnh phúc người dân.

Nhưng trong vụ việc tổn thất này cũng có điều mà những ai biết suy nghĩ đều thấy “lăn tăn”. Cả trung đội công an, chưa kể lực lượng phối hợp, vây bắt một tên mua bán ma túy Vàng A Khua, dù là trùm đi chăng nữa, suốt nửa ngày trời không có cách nào tiếp cận được nó, dù nó chỉ ở trong nhà. Theo giải thích của công an, tên Khua dùng người nhà làm bình phong, vật cản (chứ không phải con tin) nếu ta tấn công ắt hại đến người vô tội. Thế cũng phải thôi. Nhưng tai hại nhất là khi con nó (Vàng A Của) thoát ra, chắc có sự đồng ý của thằng bố, thì xảy ra chuyện. Ông giám đốc công an Hòa Bình lý giải lúc công an ta tiếp cận để đưa thằng con ra khỏi nhà cho an toàn thì thằng bố Khùa chạy vụt ra, bắn búa xua. Bốn người tử thương, ba công an và cả A Của. Lạ ở chỗ, nếu con hắn ra, tốt nhất là cứ để nó thoát tự nhiên, có gì đâu mà phải tìm cách này cách nọ giúp cho an toàn, chẳng lẽ thằng bố bắn theo. Nếu cần bắn con nó, nó bắn từ tám hoánh nào rồi. Bản chất sự việc là công an lợi dụng thời điểm đó để tiếp cận thằng bố, nhưng có lẽ chuyên môn nghiệp vụ non kém quá, bị nó phát hiện, nó cùng đường bắn cả công an lẫn con mình. Tôi tin 99% sự thật như thế. Ba sĩ quan chết, một số khác bị thương, chỉ diệt được nhõn một tên buôn ma túy, rõ ràng thất bại thê thảm. Khổ nỗi xưa nay chúng ta chỉ quen ngợi ca chiến thắng, bộ máy tuyên truyền lúc nào cũng ra rả “ta thắng địch thua”, còn thất bại, dù lớn hay nhỏ, cử ỉm đi cho xong chuyện. Chỉ riêng trận đồi A1 chiến dịch Điện Biên Phủ, một vạn lính nằm lại quả đồi nhỏ này (nếu tính toàn chiến dịch, chắc khiếp lắm), mười hai ngàn anh bộ đội trẻ măng nơi thành cổ Quảng Trị mùa hè 72, hàng chục vạn lính ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân 68…, xưa nay chính sử có bao giờ nhắc tới đâu. Hồi chúng tôi đi học, đố tìm được một dòng trong sách giáo khoa. Hiến pháp ghi rõ “Đảng là người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, vậy thừa nhận thất bại kể cũng hơi khó, nếu bảo tại Đảng thì không phải vì Đảng chỉ liên quan đến thắng lợi, thành công, còn bảo không tại Đảng thì cũng không phải nốt vì mọi điều trên xứ sở này đều do Đảng chỉ đạo. Bộ máy tuyên truyền bảo rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta chỉ có đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dứt khoát không thua. Nhưng thực tế lại khác, phải có thắng có thua. Thua ư? Cách tốt nhất là cứ ỉm đi, hoặc đổ cho dân, dân có cãi cũng chẳng đến đâu. Theo tôi, trong vụ việc nói trên phải cách chức, kỷ luật phạt nặng mấy vị lãnh đạo công an tỉnh Hòa Bình. Nghiệp vụ cán bộ chiến sĩ quá dở, chỉ giỏi lúc hội thao diễn tập, khi lâm trận thì bộc lộ hết yếu kém, chả trách một tên ma túy mèng cũng đối đầu được suốt chục giờ, gây thiệt hại quá nặng cho đối phương.

Thua thì cứ nói là thua, thế mới là người biết thắng. Mọi sự che giấu, bao biện chỉ thêm kéo dài chuỗi thất bại mà thôi. Thương 3 liệt sĩ rời trần thế trước thềm năm mới, giận những người lãnh đạo các anh năng lực kém cỏi mà cứ khư khư giữ ghế ông nọ bà kia, lại cười cái tên tội phạm Khùa dám lật lại cả một triết thuyết:

Ta thắng địch thua

Tên Vàng A Khua

Dám chứng minh bố láo

Địch thắng ta thua.

3 nhận xét:

  1. bà Khoắn:từ ngày tôi lớn đến giờ, nước mình nó chỉ như vậy và ngày càng quá hơn nữa.Thày bảo nói thật mất đầu!

    Trả lờiXóa
  2. 3 mạng thì nói làm gì. Tôi đi theo một đoàn làm phim của Nhật lên được Núi Đất, tiếng Tàu bây giờ nó gọi là Lão Sơn sau hiệp định biên giới Việt -Trung thì chính phủ VN cắt giao luôn cho Tàu rồi. Cả một ngôi mộ tập thể khổng lồ chôn các binh sĩ Việt nam mà người Tàu ở đó nói là chôn 3700 binh sĩ VN chết trận trong trận đánh bảo vệ Núi Đất năm 1984 mà nhà văn Phạm Viết Đào cũng có một người em hy sinh trong trận đánh đó. Một trận đánh nướng quân thua thê thảm mà cho đến bây giờ lịch sử VN có thằng viết sử ăn lương nhà nước nào dám ghi được một chữ biết ơn những người đã nằm xuống ở đó đâu.Có dám hó hé nhắc đến địa danh Núi Đất trước 1984 là lãnh thổ của VN đâu.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa