Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Hương Big đi biểu tình

Hương Big ngoài cùng bên phải, người đứng cạnh là GS Nguyễn Huệ Chi, trên thềm Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc biểu tình yêu nước ngày 17.7.2011.

Nguyễn Thông blog:
"Mụ" này cứ như con chim, nay đây mai đó, mới chiều thấy ở Sài Gòn, thoắt sáng sau đã từ Hà Nội phôn vào. Bạn bè cùng lớp thân ái đặt cho "mụ" biệt danh Hương Big, Hương lớn Nguyễn Thị Hương để phân biệt với một "mụ" khác cũng đáng yêu không kém (mà bọn con gái lớp mình khóa 17 Văn khoa Tổng hợp đứa nào cũng đáng yêu, nếu được cưới chúng nó thì mình xin lấy hết) là Hương con Nguyễn Thanh Hương. Đời "mụ" lớn là cả một bản tình ca lãng mạn. Mình cũng thích nó.
Bấy lâu không gặp, tình cờ thấy "mụ" ngồi trò chuyện với Nguyễn Xuân Diện trong buổi gặp mặt cà phê chủ nhật 31.7 nổi tiếng tại 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội, mình liên lạc, Hương bảo "không biết à, tớ đi 4 cuộc biểu tình rồi, nhiều cái hay lắm". Thằng Xuân Ba mới tham gia 2 cuộc, còn Hương gấp đôi, được đấy, âm thịnh dương suy.
Hôm qua Hương meo cho mình bài (dưới đây) bảo là để đọc chơi cho biết. Mình cũng đang có mấy bài, nhưng hơi lấn cấn tí "lý do kỹ thuật" nên bài vở bỏ trống hơi lâu, bèn xin phép bà bạn cho chia sẻ bài này về blog của mình. Thích nhất là những cái tít nhớn tít nhỏ đặt theo kiểu Những người khốn khổ của Victor Hugo.
Hương bảo hai người phụ nữ xinh xinh trong bài là 2 cô con gái của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tác giả Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Cô em Phương Chi hiện cán bộ nghiên cứu viện Văn học. Hai chị em nhà này cũng phải mẹo mực lắm mới lẻn được vào quán cà phê này đấy. Vậy mà mình cứ nghĩ là Kim Anh nữ sĩ.
Còn đây là nguyên văn, không sửa chữa tí ti gì bởi mình tôn trọng bạn Hương.

Mấy mẩu chuyện nho nhỏ lượm được bên cái xe cứu hỏa to to vào ngày có phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ

Những con phố hôm nay khác lạ

Mưa do ảnh hưởng từ cơn bão ngoài biển Đông vẫn kéo dài mấy ngày qua. Sáng sớm 2/8, tôi và cô bạn sà vào hàng bún vỉa hè. Ăn xong, chúng tôi lững thững đi bộ ra phố Hai Bà Trưng. Bỗng tôi nhìn thấy rất nhiều công an áo vàng, bảo vệ đeo băng đỏ trên tay và hàng tá những người mặc thường phục đứng chặn khắp các ngả đường dẫn đến Tòa án nhân dân TP Hà nội. Chúng tôi phải nghĩ mãi mới tìm được cách đánh lừa mấy chú công an trẻ để ra uống café ở một quán vỉa hè Lý Thường Kiệt. Đập vào mắt chúng tôi lúc đấy là cảnh con đường chợ Âm phủ cũ, các góc phố Lý Thường Kiệt, phố Dã Tượng đều đầy ắp công an. Bên cạnh góc đường chợ Âm phủ còn thấy một chiếc xe cứu hỏa to lù lù đang đỗ. Những con phố quanh tòa án hôm nay bỗng trở lên khác lạ, thay vào dòng người qua lại thân quen là những đốm vàng đốm xanh di chuyển, là tiếng tuýt còi và tiếng quát tháo.

Quán vỉa hè chúng tôi lựa chọn để uống café đã có đến chục khách mặc thường phục, toàn đàn ông. Khi cô chủ quán đem café ra, tôi xin phép người đàn ông ngồi bên cạnh để đặt cốc café lên cái ghế nhựa được dùng làm bàn trước mặt anh ta và tiện thể hỏi chuyện luôn xem anh ta có biết tại sao hôm nay khu vực này lại nhiều công an như vậy không? Anh ta ậm ừ: “có việc trong tòa án”. Tôi hỏi tiếp:”việc gì trong tòa án hở anh?” anh ta không trả lời. Tôi vờ vịt, anh ta ậm ừ. Thôi vậy, không hỏi nữa. Anh ta chắc không tin câu hỏi của tôi là chân thành. Còn tôi, sau vài phút quan sát tôi đã đoán được những người đang ngồi chung quán với mình là ai. Họ đang làm nhiệm vụ rất chân thành. Tôi nói với cô bạn nhưng chắc mấy anh bên cạnh đều nghe thấy hết: có mỗi ông Cù Huy Hà Vũ, một công dân yêu nước bình thường thế mà phải huy động ngần ấy lực lượng để ngăn cấm dân đến gần tòa án thì rõ hành động này là tôn vinh ông ấy thật rồi còn gì.

Ngừng lời, tôi tiếp tục nhìn ra mặt phố thì thấy một bác giai trung tuổi phóng xe máy đến, không chờ cho mấy anh công an quát bác ấy đã dừng lại quát trước:” Mưa gió thế này đứng ở đây làm gì? Về đi!” mấy anh công an bị bất ngờ chưa kịp định thần thì bác ấy quát tiếp:”Về!” xong rồi bác ấy rồ ga phóng mất hút trên đoạn đường Lý Thường Kiệt không bị cấm. Tôi và mấy người trong quán hô to :”Ô, bác giai này đâu ra mà được thế nhỉ”.

Nhổ răng không gây tê

Chúng tôi ngồi đau đáu nhìn về phía sân tòa án. Và rồi bên cạnh chúng tôi, dưới lòng đường liên tục có tiếng tuýt còi, tiếng quát tháo của các anh công an và bảo vệ mỗi khi có xe trườn tới, khi thì cái xe máy, lúc cái ô tô.

Nghe tiếng quát tháo và nạt nộ thô lỗ để xua đuổi người đi đường của bảo vệ và công an, tôi không chịu được lâu hơn bèn “tâm sự” với cô bạn nhưng cũng cốt để những người xung quanh nghe thấy: “này cậu, tớ thấy mấy anh công an này nói năng với dân thiếu lễ độ quá, nếu lực lượng công an mà thế này thì gay nhỉ! Họ nghĩ gì trong đầu mà tự cho mình quát tháo nạt nộ dân nhỉ! Không chấn chỉnh thì rồi người nhà hay họ hàng của anh công an này sẽ bị anh công an kia nạt nộ hỗn láo thôi, làm gì có nhiều gia đình làm công an cả nhà, làm gì có họ nào làm công an cả họ, mà làm công an ở tỉnh này thì lại bị công an ở tỉnh khác hành chứ chả chơi.” Cô bạn tôi tiện thể “tâm sự” lại: hồi trước tớ ra lệnh cho nhân viên của tớ cứ thấy cậu công an nào đến chữa răng thì cứ theo phương châm “nhổ răng không gây tê” cho biết thế nào là làm cho người khác đau. Cô bạn tôi là một bác sĩ giỏi, rất hiền lành và nhân hậu, ngay cả khi cô ấy nói chuyện này cũng bằng một chất giọng êm như lụa, mượt như nhung chả có ác ý gì. Cô ấy chỉ muốn kể một câu chuyện về nhân quả.

Tôi có một số bạn là công an, tôi rất quý họ và hy vọng là họ chưa bị nhổ răng mà không được gây tê.

Nói chuyện 2 người lâu cũng chán, nhất là xung quanh lại đang có rất nhiều người thú vị. Tôi quay sang anh bên cạnh rào trước đón sau: “anh cho tôi hỏi một câu nhé, nếu anh thích thì trả lời nếu anh không thích thì anh có quyền từ chối”. Anh ấy không từ chối, thế là tôi hỏi:”anh thấy thay vì quát tháo và tuýt còi inh ỏi mấy anh công an và bảo vệ kia có nên ôn tồn nói với người dân là hôm nay đoạn đường này bị cấm mời các bác các anh chị vui lòng quay lại đi đường khác hay không?” anh ấy trả lời: “thì họ đang làm nhiệm vụ mà”. Tôi lại hỏi:”à hóa ra thế ạ, công an khi làm nhiệm vụ có quyền quát ạ? Các anh công an bây giờ có biết lời dạy của bác Hồ là “đối với dân phải kính trọng lễ phép” không anh?” anh ta chưa kịp trả lời thì có anh trẻ hơn ngồi cạnh vội nói “nhưng người dân có lúc cũng chửi công an, gọi công an là thằng, là oắt con”. Tôi nói “thế để đề phòng tình huống dân phản ứng như anh vừa nói thì các anh công an cứ quát phủ đầu dân trước đi đúng không ạ?”. Im lặng. Tôi đánh giá im lặng là đồng ý và chắc anh ấy thấy tôi nói có lý. Tôi tiếp:”Chắc anh mà bị quát thế anh cũng cảm thấy bị xúc phạm nhỉ? Tôi đoán những người dân vừa bị các anh công an quát tuy không phản ứng nhưng họ sẽ giận lắm, công an không tôn trọng họ chắc họ cũng không tôn trọng công an”. Lại là những giây im lặng rồi cơn mưa ào ào trút xuống, các anh công an và bảo vệ chạy nháo nhào tìm nơi trú mưa. Tôi đưa mắt về phía sân tòa án, một chiếc xe bịt bùng nhỏ chạy từ trong sân ra cổng và trốn vào giữa làn mưa giăng mù trắng xóa.

Tôi phản ánh

Tạnh mưa và cũng đã trưa rồi, tôi và cô bạn chuẩn bị đi về thì thấy 2 người phụ nữ xinh xinh ngồi cùng quán chạy ra nói chuyện, chúng tôi nhận ra nhau vì trước đây học cùng khoa trong trường đại học. Chúng tôi hẹn nhau chiều quay lại khu vực này để uống tiếp café rồi chia tay. 2 chúng tôi đi về phố Hai Bà Trưng theo con đường Hỏa Lò. Công an và bảo vệ vẫn chốt 2 đầu của phố này. Tôi mắc bệnh hay quan sát, không để mắt yên nên tôi bị quả báo, thấy ngay một anh bảo vệ mặc áo trắng đeo băng đỏ đang trong tư thế thắt lưng quần chưa cài, đứng ngay bên cạnh tường rào tòa án và đối diện cổng vào khu tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò. Tôi bất bình với hành vi này. Tôi chạy ngay lại quầy bán vé để kiểm chứng thì cô nhân viên bán vé nói ngay: anh giai kia vừa đái bậy cô ạ. Tôi hỏi: thế cháu có phản ứng gì khi nhìn thấy không? Cô ấy bảo: cháu kêu rất to là Ơ cái đồng chí kia’, rồi cô ấy tiếp: kinh quá cô ạ, đây là khu di tích mà họ thế đấy, anh ấy lại còn là bảo vệ chứ lị. Anh bảo vệ cứ thế nhởn nhơ chưa cài thắt lưng vội. Giời ạ, cô bạn tôi cười khanh khách chỉ vào cái bảng có mũi tên đề rất rõ: nhà vệ sinh cách 200m, bảng này cách chỗ anh bảo vệ đái bậy chỉ có mấy bước chân.

Tôi đi tìm hỏi thăm xem ai là người chỉ huy nhóm công an bảo vệ đang chốt ở phố Hỏa Lò này. Người ta chỉ cho tôi 2 anh đang đứng rất nghiêm chỉnh trong tư thế 2 tay chắp ra phía sau. Tôi lại gần và nói: xin 2 anh cho tôi phản ánh một sự việc: nhân viên dưới quyền chỉ huy của các anh có hành vi kém văn minh ảnh hưởng đến môi trường, làm xấu hình ảnh người Hà nội giữa khu di tích có nhiều khách nước ngoài thăm viếng, rồi tôi trình bày sự việc mà tôi nhìn thấy cùng lời đề nghị các anh nên giáo dục nhắc nhở nhân viên. Một trong 2 anh trao đổi với tôi và nói là các chốt khác nhau nên các anh ấy không có trách nhiệm. Tôi thất vọng quá nhưng kiên quyết không bỏ cuộc, tôi bảo phải đi hỏi thăm mãi họ mới chỉ cho tôi người chỉ huy mà các anh lại nói thế thì tôi phải phản ảnh vấn đề này với ai đây. Lúc này anh ấy mới vội an ủi tôi bằng câu: thôi được, để chúng tôi nhắc nhở. Tôi nhìn vào bảng tên anh ấy đeo trên ngực và bảo : anh Th. hứa với tôi rồi nhé. Tôi hy vọng là anh ấy giữ lời.

Kết

Tôi và vài người bạn đã tìm đến khu vực tòa án hôm 2/8, âm thầm theo dõi một phiên tòa nín lặng với lòng cảm phục đối với Cù Huy Hà Vũ. Chúng tôi không được biết những gì diễn ra bên trong phòng xử án. Làm sao biết được khi mọi ngả đường đều bị phong tỏa. Nhưng nếu ngồi nhà ngay cả những mẩu chuyện nho nhỏ bên trên tôi cũng không có để kể lại cho các bạn. Tôi tin các bạn còn biết nhiều hơn những mẩu chuyện tôi vừa kể. Mỗi người chắc đều muốn một tương lai tươi đẹp cho con cháu mình.

3 nhận xét:

  1. Bài viết đúng chất giọng Bắc, rất dễ thương, nhẹ nhàng và ý nhị! Mong có dịp làm quen bạn Hương!

    Trả lờiXóa
  2. Đi biểu tình yêu nước là gặp Hương big ngay.
    Từ bây giờ Trung tướng Tổng cục phó Tổng cục an ninh - phụ trách an ninh nội địa - Nguyễn đức Nhanh đã - theo tôi hiểu - cho gọi là biểu tình yêu nước rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện kể của người đi dự phiên tòa xử công khai vui thế !

    Trả lờiXóa