Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Ghế nào người nấy

Cứ mỗi lần coi tivi thấy họ ngồi trên những chiếc ghế ấy là tôi không chịu được. Tâm trạng khó tả. Ngứa mắt lắm. Giận vô cùng.

Ghế thì có gì mà giận? Bạn sẽ hỏi tôi thế.

Họ là những ông to bà nhớn, đang cai trị đất nước này. Họ thi nhau chứng tỏ sự oai vệ, quyền thế, vinh hiển của mình trước mắt mọi người. Họ là những trọc phú của một nước đang nghèo nát, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc. Dân đang vất vưởng với thu nhập còm cõi. Nông dân đánh vật với giá nông sản rẻ mạt. Thanh niên, đàn bà con gái kéo nhau đi tha hương viễn xứ để kiếm sông bằng đủ hình đủ kiểu. Trẻ con thất học bởi trường không ra trường lớp không ra lớp, cha mẹ nghèo nàn. Những con sông con suối đang cần cây cầu cho người qua lại an toàn mùa nước lũ. Công nhân lay lắt với đồng lương chết đói. Trẻ con cần cơm có thịt. Án oan sai tùm lum. Thiếu giường bệnh đến mức phải nằm xếp lớp lên nhau. Khắp nơi khiếu kiện đòi ruộng đất bị cướp trắng tuồn cho lũ nhà giàu. Đạo đức xuống cấp. Tham nhũng hoành hành… Vậy mà họ cứ oai vệ hãnh diện trên những chiếc ghế trọc phú. Ngồi đó mà không thấy xấu hổ.


Những chiếc ghế họ ngồi, thiên hạ lúc nào rảnh mắt dòm xem sẽ phải giật mình. Chả kém gì ngai vàng của vua chúa phong kiến (đối tượng mà họ đã diệt cho bằng được), của tổng thống chính quyền Sài Gòn ở dinh Độc Lập (mà họ từng không tiếc lời lên án sự xa hoa). Những chiếc ghế to lớn, hoành tráng, chạm trổ rồng phượng, hoa hoét cầu kỳ, chạm khắc tinh xảo, và chắc chắn phải làm bằng những thứ gỗ cực tốt. Đứa cháu họ tôi nhà nó 3 đời thợ mộc, bảo rằng những chiếc ghế như thế thường được đặt ở những cơ sở uy tín về nội thất, Đồng Kỵ chẳng hạn, giá mỗi chiếc bét nhất cũng cả chục triệu đồng. Loại vừa vừa, số lượng nhiều như ở hội trường Bộ Quốc phòng mượn tạm để họp quốc hội (khi đang xây nhà Ba Đình) cũng phải vài triệu một chiếc.

Nước nghèo, dân đói, nhưng sự xa hoa có thừa. Tôi không cực đoan đến mức xem thường bộ mặt quốc gia. Tiếp khách, nghi lễ, hội hè kỷ niệm, họp hành, tất nhiên cũng phải đạt sự đàng hoàng, long trọng nhất định. Còn quan trên trông xuống người ta trông vào nữa chứ. Nhưng các nhà cai trị xứ ta mắc cái bệnh thích ném tiền qua cửa sổ. Nói một đằng làm một nẻo. Miệng xoen xoét hô hào tiết kiệm, tiết kiệm là quốc sách nhưng xài tiền thì vô tội vạ. Ông nào cũng đòi nhà to sở đẹp, xe sang tiền tỉ, đến cái ghế ngồi cũng phải nhung lụa phượng múa rồng bay. Hơn cả hoàng đế Trung Hoa. Năm nao cũng vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sơ kết, tổng kết, tìm gương điển hình, nhưng chính các ông bà ấy lại khăng khăng không học cụ. Cụ là điển hình về tiết kiệm, giản dị, không bày vẽ, từ căn nhà ở, chỗ ăn chỗ ngủ, nơi làm việc, cái ghế ngồi… Còn con cháu cụ bây giờ cứ làm ngược lại. Vậy thì học cụ ở chỗ nào?

Chả phải chỉ cái ghế họ ngồi, cứ coi nơi họ tiếp khách mà xem. Hoa hoét xanh đỏ tím vàng bày ngập tràn từ trên xuống dưới. Dường như cái bệnh hình thức lòe loẹt đã ăn thâm căn cố đế vào máu của họ rồi. Chả biết những vị khách nước ngoài được họ tiếp có sung sướng không hay lại cười thầm, chê cái thói trưởng giả học làm sang của họ. Xem những tấm ảnh chụp nguyên thủ, lãnh đạo xứ người ta tiếp khách mà thấy ngược hẳn với mình. Còn nơi đâu giàu như Mỹ như Nhật, vậy mà cái bàn cái ghế cũng hết sức giản dị bình thường, chả cần hoa này bông nọ. Họ cốt ở cái thực chất, đâu màng tới phù hoa giả tạo.

Coi tivi, nhìn vào nhà quốc hội – hội trường Ba Đình mới, chợt giật mình. Không phải vì tiếc cái hội trường Ba Đình cũ, cũng không phải vì công trình tốn mấy nghìn tỉ, mà vì cái khác. Chắc chắn trong tòa nhà đồ sộ nguy nga này có cả nghìn chiếc ghế, chí ít cũng sang hơn, đắt hơn, tốn tiền hơn những chiếc ghế quá hoành tráng mà các vị đại biểu vừa đặt đít ngồi trong cái hội trường của Bộ Quốc phòng. Biết bao nhiêu tỉ đồng đổ ra, chỉ cho cái chỗ ngồi. Chỉ có điều, chả ai dám tin những chiếc ghế làm từ mồ hôi nước mắt người dân ấy tác động tích cực được vào tình cảm tư tưởng vị nước vì dân của những quan phụ mẫu trong chế độ này.

Chiếc ghế thế nào, con người thế ấy. Phù hoa, kệch cỡm, vô nhân.

Nguyễn Thông
Chú thích ảnh: Theo thứ tự từ trên xuống:

 Những chiếc ghế trong kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 tại hội trường Bộ Quốc phòng.

 Tổng thống Mỹ Obama tiếp chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng

 Thủ tướng Nhật Bản tiếp thủ tướng VN tại dinh thủ tướng Nhật

 Chủ tịch nước VN tiếp thủ tướng Nhật Bản

 Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp đại diện Ngân hàng Thế giới

3 nhận xét:

  1. Người nghèo thì tiêu pha như người giàu có vì họ tự ti và không biết sử dụng đồng tiền đúng cách

    Trả lờiXóa
  2. con người việt nam ta là thế đó các bạn ạ,nghèo mà làm phét,như tôi đây con cái xin mấy đồng ko cho mà thấy mấy em chân dài cũng ra vẻ ta đây còn ăn hết nhịn,tại sao tôi nói thế,tại vì từ khi cái thuyết ngoại lai cs nhập vào việt nam chúng ta,thì coi như những thành phần bần cố nông lên làm lảnh đạo nó phá tan những gì về phong tục tạp quán,về bản sắc dân tọc,nó ngồi trên cái quyền hành tự tung tự tác cho minh là người giàu sang phú quí biết ăn chơi,cho nen mọi người dân chúng ta phải quì lụy chúng đem ra bị nhiệm như tôi đay đó là sự thạt,

    Trả lờiXóa
  3. Những biểu hiện thường thấy ở người cán bộ VC sau 1975:
    -Thích ôm cặp da. Nhìn màu cặp da có thể đoán tầm của cán bộ. Đỏ: bự. Đen: vừa. Bao cát Mỹ: cấp cơ sở. Đi vào ca dao hẳn hoi:" Cán bộ to mang xách đỏ. Cán bộ nhỏ mang xách đen. Cán bộ lằng xằng thì mang bao cát".
    -Thích đội mũ nồi bằng dạ. Không râu núm ở đỉnh mũ: Cán bộ vừa. Có râu núm ở đỉnh mũ: Cán bộ bự.
    -Thích ngồi ghế dáng ngai vàng: Từ cao đến thấp, tất tật đều sắm ghế
    dáng ngai vàng.
    Những sự thật đó nói lên điều gì? Người VC thích làm lại, lập lại cái mà họ đã chủ trương chống, lật đổ. Và việc làm lại, lập lại ấy chỉ được phép dùng trong hàng ngũ họ, trừ nhân dân. Ngẫm đi. Đúng không?

    Trả lờiXóa