Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Có chút liên quan đến Valentine Day

Thời tôi học đại học (1972-1976) ở miền Bắc, thứ ngoại ngữ thịnh nhất là tiếng Nga. Suốt 4 năm rưỡi, tôi được học tiếng Nga từ 3 thầy cô: cô Ngô Anh Thơ, thầy Trương Quang Chế, thầy Trần Khuyến. Cô Thơ làm nhiệm vụ vỡ vạc, khai hoang cái đầu u tối của chúng tôi; thầy Chế đưa chúng tôi vào thế giới phức tạp của tiếng Nga, còn thầy Khuyến nâng cao lên ở bước cuối cùng. Nhưng rốt cuộc, đến giờ gần như cả đám trò hư quên tiệt thứ tiếng ấy (may mà còn 2 thằng Phạm Văn Bích, Nguyễn Huy Hoàng sử dụng Nga ngữ quá thành thạo), nhưng vẫn nhớ các thầy cô. Cô Thơ thật tình cảm, coi sinh viên như mấy đứa em ruột. Thầy Chế rất hiền lành, gần gũi, thầy ra bài tập dịch bài thơ Cánh buồm của Lermontov, thằng Bích dịch siêu nhất, thầy rất thích. Nhưng phải công nhận thầy Trần Khuyến giỏi nhất, bấy giờ thầy đã nổi tiếng với bản dịch bộ 3 tác phẩm tự thuật của Maxim Gorki (Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi). Thày Khuyến dạy rất gắt, buộc sinh viên học ngoại ngữ không phải chỉ biết tiếng mà phải biết cái hay cái đẹp của nó.

Hôm nay 14.2, thiên hạ gọi ngày này là ngày Lễ Tình yêu, theo kiểu Tây phương, tự dưng tôi nhớ tới thầy Khuyến. Có lý do. Thực ra, xứ ta suốt bao nhiêu năm, nhất là thời chúng tôi còn trẻ, làm gì biết ngày tình yêu tình iếc này. Chỉ biết hằng năm kỷ niệm ngày đảng ra đời, ngày thành lập đoàn, ngày sinh bác Hồ, ngày quốc khánh, ngày đẻ quân đội, thế cũng đủ mệt, đủ bận bịu cấn cá rồi. Yêu á, vớ vẩn. Yêu trong thực tế còn bị kiểm điểm, có đâu lại bày vẽ lễ lạt tình yêu cho rởm đời. Các cán bộ đoàn Lê Quốc Lập, Lê Xuân Sang… luôn quán triệt sinh viên phải sống cho đàng hoàng, đừng yêu đương nhăng nhít. Về sau bọn trẻ chúng tôi tìm hiểu, hóa ra các bác ấy có vợ cả rồi. Thế mới quái.

Tại sao thời ấy tôi vẫn biết có một cái lễ gọi là ngày Lễ Tình yêu? Nhớ một hôm, thầy Nguyễn Văn Khỏa dạy phần tác phẩm kịch của Shakespeare (hồi đó phiên âm đọc là Sếch Pia), trong vở Hamlet có nàng Ophelia, khi nàng thất tình, hơi chớm điên, nàng mặc chiếc áo hoa vừa đi vừa lẩm bẩm hát (thầy Khỏa diễn ngay đoạn này, đi đi lại lại trên lớp): “Ngày mai là hội thánh Va lăng tanh/Em mặc áo hoa đến cửa sổ phòng anh”. Thầy giải thích, hội thánh Va lăng tanh tức là ngày Lễ Tình yêu của người phương Tây, ngày Valentine 14.2. Giờ thì thầy Khỏa không còn nữa, thầy đi năm 1988, gần 30 năm rồi, nhưng chúng tôi vẫn nhớ thầy, người gần như suốt cuộc đời chỉ sống độc thân, nhờ thầy mà ngay từ cái thời ngăn sông cấm chợ về tình yêu ấy, chúng tôi đã biết thế nào là ngày Valentine – Lễ Tình yêu.

Trở lại chuyện thầy Khuyến. Có lần thầy đọc cho cả lớp nghe bài thơ ngắn tiếng Nga. Tôi không tìm được phông chữ tiếng Nga để gõ ra đây, nhưng rất nhớ, từng chữ một, bèn dịch nghĩa như thế này: Mặt trời để cho ban ngày/Mặt trăng dành cho ban đêm/Hoa hồng cho những cuộc gặp gỡ/Còn em thì dành cho anh.

Thầy Khuyến bảo từng đứa dịch. Tôi dốt tiếng Nga, lẻn tụt xuống hàng cuối lớp, cúi gằm mặt xuống cho thầy đừng thấy. Thằng Hoàng, thằng Bích, cái Nga, cái Huệ, cái Đạm… những đứa siêu tiếng Nga dịch hay lắm, tôi “ghét” chúng nó nên chả chép ra đây. Vài chục năm sau, tôi lẩn mẩn dịch thế này:

Thái dương dành để ban ngày
Chị hằng soi sáng đêm dài thế gian
Gặp nhau luôn có hoa hồng
Còn em, em chỉ nói rằng của anh.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét