Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Nỗi buồn của Thịnh

Thịnh là Nguyễn Thế Thịnh, bạn tôi, cùng nhiều năm gắn bó ở báo Thanh Niên.

Tờ báo mang tên tre trẻ này là bản báo duy nhất trong hàng mấy trăm tờ báo có 2 tòa soạn, một tại đầu não thủ đô Hà Nội, một tại Sài Gòn. Báo Thanh Niên cũng là tờ báo “cơ quan trung ương” duy nhất đặt tòa soạn chính ở Sài Gòn. Ngoài ra, khu vực nào quan trọng trên cả nước cũng được bắt chặt án ngữ ở đó một văn phòng đại diện, đố tin tức nào thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của nó. Trong các tư lệnh vùng (văn phòng đại diện), tôi quý và phục nhất Nguyễn Thế Thịnh.

Hơn nhau tí ti tuổi, tôi đậm hơn Thịnh 2 năm, chỉ là lính bền vững, Thịnh hơn tôi chức quyền và tài năng, nhưng chúng tôi bình đẳng, trọng nhau, thân thiết. Mỗi lần họp cuối năm, hoặc trong năm y vào họp thường kỳ, có khi chỉ gặp chớp nhoáng, nói với nhau dăm ba điều, thế là thỏa, không cần phải nhậu nhẹt, nâng ly chén chú chén anh. Lão Nguyễn Việt Chiến mỗi lần từ Hà Nội du nam cũng thế, hai thằng ngồi một buổi ở hành lang buôn mỏi miệng rồi bắt tay nhau chia tay mà tình vẫn đậm đà.

Thịnh giỏi, tài hoa. Tôi từng nhiều lần bảo với các bạn cùng cơ quan, ở báo mình, ngòi bút phóng sự - ký sự của Thế Thịnh là số 1, nếu y số 2 thì những người khác số 3, 4… Bằng chứng, y có rất nhiều giải báo chí, văn học, cả giải trung ương (hội nhà báo, hội nhà văn) cỡ toàn quốc, lẫn giải tỉnh, giải ngành, giải cơ quan... Nếu mỗi giải được xác nhận bằng một chiếc huân chương, y đeo sẽ giống như tướng lĩnh bên Triều Tiên, có khi còn hơn, phải gắn tận gấu quần. Bài nào đọc cũng hay, cũng thích.

Thịnh quản lý giỏi. Sau khi hai anh tiền nhiệm lần lượt rời ghế, Thịnh về tiếp quản Văn phòng miền Trung, đặt tại Đà Nẵng, y làm cuộc tái sinh, lột xác cơ quan này. Lượng phát hành tăng vùn vụt, uy tín tờ báo tại miền Trung nghèo khó ngày thêm vững chắc, những phong trào từ thiện, giúp đỡ người nghèo nhờ có Thịnh khơi mào mà lan tỏa càng sâu rộng. Tất nhiên công là công chung của tập thể, nhưng Thịnh đóng vài trò đầu đàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất phải là từ anh Nguyễn Công Khế. Vị tổng biên tập khi ấy đã nhìn thấy những tố chất tiềm ẩn ở Thịnh khi y chỉ là anh chàng phóng viên quèn từ báo Quảng Bình nhào ra Hà Nội để thử sức, tìm vận hội. Con mắt xanh tinh tường của anh Khế đã đem về cho báo Thanh Niên một mỏ quặng quý khai thác mãi vẫn không hết.

Nhưng tôi quý Thịnh nhất ở… 2 điều. Đáng nhẽ nói nhất thì chỉ có 1 điều, nhưng với tôi thì Thịnh phải là hai. Thứ nhất là y rất thẳng tính, bộc trực. Trong mọi cuộc họp, bao giờ y cũng là kẻ tiên phong lôi tuốt tuồn tuột những thứ mà người ta tính giấu, tính che đi. Y phanh ra luôn, cụ thể, thuyết phục, chẳng mấy ai cãi được. Những nhận xét, phát biểu của Thịnh bao giờ cũng là những ý đinh trong cuộc họp, chốt lại, đóng cái phập vào biên bản, các sếp thường phải chịu. Ở báo Thanh Niên, tôi chứng kiến có 4 anh “liều, ngang như cua” nhất, đó là Nguyễn Thế Thịnh, Nguyễn Xuân Anh, Đoàn Xuân Hải, Nguyễn Hoài Nam. Tôi cũng thỉnh thoảng rụt rè ý kiến ý cò, cũng ra vẻ ta đây bộc trực thẳng thắn không biết sợ nhưng tôi nói thường chỉ đám lính lác thích chứ các sếp chả quan tâm, bởi tay lính trơn nói đâu có giá trị gì. Tuy nhiên, tôi và Thịnh hợp nhau ở cái nết bộc trực, dễ chơi với nhau.

Điều thứ nhì, và quan trọng nổi bật hơn điều thứ nhất, là Thịnh rất yêu vợ con. Tôi mà ở vào hoàn cảnh của y, thua y là cái chắc. Chị Trần Thị Cúc Phương, vợ Thịnh, là một phụ nữ tài hoa, yêu chồng thương con. Khi chị còn khỏe, chưa mắc trọng bệnh, chị viết rất đều cho báo Thanh Niên, cả báo ngày lẫn tuần san. Hai vợ chồng xứng nhau cả tài lẫn tình. Điều không may là Phương mắc ung thư, kéo dài, xuống sức trông thấy. Thịnh đưa vợ đi khắp nơi chạy chữa, cứ nơi đâu có thầy giỏi là tìm tới. Thịnh vẫn gánh vác việc cơ quan nhưng hở chút thời gian nào còn lại đều dành cho vợ. Đưa vợ đi chỗ này chỗ kia cho quên nỗi đau bệnh tật; cười đùa, động viên, khen ngợi, chiều chuộng vợ, còn hơn cả chàng trai trẻ đối xử với vợ mới cưới trong tuần trăng mật. Khẩn trương làm nhanh nhà cửa cơ ngơi sau nhiều năm tích cóp, có cả hồ sen, cảnh quan cho vợ lấy chỗ thư giãn, nghỉ ngơi. Luôn chụp những bức ảnh đi bên nàng, tay trong tay, đầu ghé đầu, cười tươi, chú thích “hạnh phúc” đưa lên phây búc. Tất cả những điều ấy, tôi biết, với bạn tôi, Nguyễn Thế Thịnh, đều xuất phát từ tâm hồn yêu thương, sự chân thực, thực lòng, nhưng tôi cũng hiểu, để làm Cúc Phương vui, để chị gạt đi những lo lắng, buồn phiền. Họ đã sống với nhau đẹp hơn cả những điều đẹp nhất. Và mỗi lần coi những tấm ảnh như vậy, tôi hiểu rằng cái điều bạn tôi không muốn thì nó đang tới gần.

Nhưng, con người có số mệnh. Bạn bè báo cho tôi, và tôi cũng nhận được thông báo từ Thịnh, nàng đã đi, đi mãi sau thời gian dài kiên cường chống chọi, lúc hơn 4 giờ chiều nay 8.1. Một buổi chiều buồn vô hạn với bạn tôi, với chúng tôi.

Chỉ lẩm nhẩm thầm nguyện cầu nàng Cúc Phương, người vợ yêu quý của bạn tôi, hãy bay đi nhẹ nhàng thanh thản, bỏ lại tất cả những buồn vui, đau đớn, muộn phiền, cả Thịnh và các con. Nhưng tôi biết Thịnh vẫn luôn ở bên nàng.

Viết trong một chiều buồn
Bạn Thịnh

3 nhận xét:

  1. Xin chia buồn cùng Anh Nguyễn Thế Thịnh. Nguyện cầu linh hồn Chị Trần Thị Cúc Phương thong dong miền lạc cảnh. Thấy mình có lỗi khi gần 01 tháng nay Anh Thịnh không có bài trên blog Thinhbabel, đôi lúc, miên man nghĩ sai về Anh.

    Trả lờiXóa
  2. Đây là bài viết chia buồn với một đồng nghiệp của chú Thông nên xin cảm thông với tác giả và cũng không bình luận thực chất con người của Thịnh!

    Trả lờiXóa
  3. Thinh tráo trở và trở cờ.

    Trả lờiXóa