Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Góp thêm vài ý nghĩ về câu chuyện đặc khu

VŨ ĐỨC NGHIỆU (Giáo sư, tiến sĩ, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội)

Vấn đề đặc khu (tôi xin được gọi tắt như thế) đang làm xao động tâm lý và tình cảm của cả nước. Có người trong số chủ trương đặc khu cảm thấy bị tổn thương trong lòng vì dân không chịu “NGHE” người có trách nhiệm “ở trên”. Xem cái cách trao đổi như nổi đóa lên, thậm chí vu lên là “chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc...” thì đủ biết. Còn DÂN thì thấy niềm tin bị tổn thương và lung lay trầm trọng.

​Nguồn cơn thì đã rõ rồi. Ba đặc khu dự định, chính là ba tử huyệt, đồng thời là ba tài sản hàng đầu trong số các tài sản “hương hỏa” “quốc bảo” của tổ tiên để lại.

​Dân lo ngại và cảnh giác về việc sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Luật về vấn đề lớn như vậy nhưng còn những sơ hở nguy hiểm hoặc chưa rõ ràng. Đặc khu ra đời với những điều dự định của chúng ta không thể ngăn được kẻ xấu, vì đó là sân chơi chung trong thế giới của thế kỷ 21 trong khi kẻ xấu thì lúc nào cũng chơi theo đủ loại từ xà quyền, hầu quyền đến hổ quyền, túy quyền và thế kỷ này có cả quỷ quyền nữa... Xin đừng chủ quan và cao ngạo nói rằng chủ quyền là của ta, ta sẽ ngăn cản được những thứ bất trắc nảy sinh. Xin đừng vội nói rằng “không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước chúng ta đang có chủ quyền”. Kẻ xấu và ngang ngược thì không biết thế nào đâu. Sông sâu còn có kẻ dò... Bài học đã quá nhiều mà vẫn chưa đủ để chúng ta tỉnh mắt ra hay sao. Khi họ cần, cái lá nho cuối cùng họ cũng đã từng lột vứt luôn đi rồi đấy.


​Một vị có trách nhiệm trả lời báo chí rằng trong dự luật không có một chữ nào nói đến Trung Quốc cả. Giả định rằng ông này nói chính xác đi thì tôi cũng xin thưa lại với ông ấy rằng, đấy là ông bàn về tờ giấy, về văn bản thôi; còn DÂN thì người ta nhìn từ phía cảnh giác từ thực tế hiện tại và thực tế lịch sử. Tôi nói là cảnh giác với những kẻ xấu, cái xấu. Người khác thì nói rõ rằng cảnh giác với Trung Quốc (được hiểu là những kẻ “không chơi được”. Điều này tuyệt đối không ám chỉ NHÂN DÂN Trung Quốc). Không ai có thể nhìn thấy hình, khối, màu của GIÓ; nhưng đừng vì vậy mà vội trợn mắt lên bảo rằng trên đời này không có GIÓ. Muốn biết có gió hay không có, một người có trí tuệ bình thường sẽ nhìn vào mây, vào lá, vào cây ... để có câu trả lời.

​Ngoài biển Đông Trung Quốc đã làm gì và đang làm gì? Ba tử huyệt của chúng ta đưa ra mời mọi người cùng vào (vì luật chơi phải thế), thì kẻ xấu chỉ chờ có vậy. Nói theo triết lý của người Trung Quốc thì “trời cho mà không lấy thì đắc tội với thiên địa”. Lúc ấy, gọng kìm vòng cung thứ nhất về mọi mặt, (không chỉ về mặt an ninh quốc phòng) ở phía đông, trên đất liền duyên hải chữ S được thiết lập xong.

​Gọng kìm thứ hai ở đâu? Ở nguồn nước của dòng Mê kông. Tình thế không khác được, vì vị trí tự nhiên của người ta ở đầu nguồn. Trời sinh ra đã vậy rồi thì phải chịu. Thủy điện Nọa trát độ và một số thủy điện nữa của người ta đã xong. Nguồn nước Mê kông thay đổi. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nước biển thâm nhập sâu dần. Nước Mê kông giảm thì nước mặn càng lấn sâu thêm. Người ta “giúp nhau” xây thêm vài cái thủy điện nữa để tiếp tục làm giảm nước nguồn dòng Mê kông là... xong. Nhân địch chủ động phối hợp với thiên địch. Đồng bằng sông Cửu Long thế nào đây? Ẩn họa đã bắt đầu hiện hình rồi. Làm chủ nguồn nước, chủ động cho khô hạn hay cho ngập lụt, là kế sách hạ thành khi có điều kiện, từ thời xưa của người Trung Quốc. Binh nhàn ngựa khỏe, không phải đánh cũng thắng là vậy.

​Trên đỉnh Đông Dương họ cũng đã có chỗ rồi. Các nơi khác, nếu thể hiện trên bản đồ, sẽ thấy cái thế tằm ăn dâu đã và đang hình thành rõ rệt.

​Hai gọng kìm sẽ dần dần siết lại. Song kiếm hợp bích dọc hai biên Đông Tây. Tằm ăn dâu giữa hai biên ấy đến mức tối đa có thể. Đấy là việc người ta đã và đang làm. Có tồn tại, phát triển được hay không, tồn tại và phát triển thế nào... tất cả là ở chúng ta.

​Chẳng may rơi vào tính thế ấy, dân tộc này cũng vẫn phải tìm lấy lối mà ra, nhưng buộc phải đối mặt với thiên nan vạn nan trong thế lưỡng đao. Không nhìn ra hay nhìn ra những nguy cơ và bất trắc này mà không tìm cách tránh sớm chừng nào hay chừng ấy thì còn gì để mà nói nữa. “Kiềng canh nóng, thổi rau nguội” bài học nghìn đời tổ tiên dạy rồi. Mà có vậy, đất nước này, dân tộc này mới còn lại được đến hôm nay. Cảnh giác, phòng tránh nguy cơ và bất trắc, khác với sợ hãi. Đừng vu lên như thế mà có tội với DÂN. Cụ Nguyễn Trãi dặn rằng “người chở thuyền cũng là dân, mà lật thuyền cũng là dân” đấy. Nghĩ về vận mệnh đất nước, không chỉ có các vị đại biểu quốc hội. Người dân bình thường, có trách nhiệm cũng không khỏi có những lúc “máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao” đâu. Nếu không tin tôi, cứ mạnh dạn làm một cuộc trưng cầu ý dân, thì sẽ thấy. (đến đây, tôi chợt nhớ đến vài câu trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, theo bản Kiều của Duy Minh Thị khắc in năm 1872. Chẳng lẽ đấy lại là lời nhắn cho hôm nay?):

​Ví chăng gieo cánh cao bay
​Rào cây lâu ắt có ngày bẻ hoa.

​Vị thế địa lý, quan hệ kinh tế chính trị của Thâm Quyến trong đất nước Trung Quốc hoàn toàn không phải là vị thế địa lý, quan hệ kinh tế chính trị của ba đặc khu chúng ta dự định. Mục tiêu chính mà kẻ xấu nhằm vào không phải chỉ là kinh tế và “đôi bạn cùng tiến” đâu. Họ nhắm vào việc bóp nghẹt cả đất nước này, dân tộc này, để lấy vị trí chữ S này mà khống chế một không gian địa chính trị kinh tế rộng lớn hơn nhiều. Của trời có hạn, lòng tham không cùng. Miệng rộng dạ sâu, muốn nuốt cả càn khôn thiên hạ. Họ không thể và cũng không muốn hủy hoại dân tộc này bằng đồ chơi nóng đâu. Họ muốn ta luôn luôn ở thế ngắc ngoải trong bàn tay nắm chặt của họ để rồi nếu không ngẩng mặt lên được thì thủ phận làm kẻ ăn cơm nguội nằm nhà ngoài, chầu rìa hút thuốc vặt trong các cuộc chơi của họ mà thôi.

​Sao lại bảo Trung Quốc có Thâm Quyến thành công được thì ta cũng lập đặc khu được. “Thấy người ta ăn khoai mình vác mai đi đào” mà không biết mình thế nào, láng giềng thiên hạ là ai, đào ở đâu, đào như thế nào, thì có ngày hối không kịp.

​Các vị đại biểu quốc hội chắc chắn đang rất đau đầu trước quyết định khó khăn vào ngày 15.6 này. Tôi thành tâm cầu mong anh linh những người đã ngã xuống cho đất nước này phù hộ cho các vị được mạnh khỏe, an vui và sáng suốt trước khi ấn nút. Không phải chỉ là vấn đề bao nhiêu năm cho thuê đất đâu. Chỉ cần sau 30 năm hoặc hơn tí chút thôi là sẽ kiến hiệu. Ý kiến giảm thời gian cho thuê đất mới chỉ là hành động “BỚT củi đáy nồi”. Binh pháp Tôn Tử là “RÚT củi đáy nồi”. Nếu các đại biểu yên tâm với chuyện giảm số năm cho thuê đi, rồi yên tâm bấm nút, thì tình huống sẽ được quy chiếu vào kịch bản “ve sầu thoát xác”.

​Ý Đảng lòng dân là lúc này đây. Cảm xúc và lý trí cũng chính là lúc này đây. Tôi nhớ đâu đó có lời của Phật nói rằng: con sư tử không chết vì đồng loại hay kẻ thù của nó, mà chết vì chính những con trùng trong thân nó.

​Tôi cũng muốn thưa với các vị đại biểu quốc hội rằng: Là người đại biểu của DÂN, thay mặt cho DÂN, lãnh đạo NHÂN DÂN, trực tiếp quản lý đất nước của tổ tiên để lại, NHÂN DÂN giao phó, hiểu được tâm tư tình cảm nguyện vọng của DÂN, làm việc vì họ, ấy là NHÂN vậy; trung thành với những lời mình hứa trước DÂN khi người ta tin cậy, bầu mình vào đảm nhiệm cương vị và trách nhiệm ấy, ấy là NGHĨA vậy; cùng trù tính, dự phòng trước để tránh đi những hiểm họa, bất trắc, đối với sự an nguy của đất nước, dân tộc, ấy là TRÍ vậy.

​Mấy lời thành thật nôm na xin trình bày cùng quý vị.

Vũ Đức Nghiệu

Theo Facebook Phạm Quang Long, https://www.facebook.com/long.phamquang.35/posts/2207479569267826

Ghi chú: Giáo sư Vũ Đức Nghiệu là đồng môn với tôi, chung khóa 17 (K17) Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, là người xuất sắc trong thế hệ tôi). Thông.

2 nhận xét:

  1. Đọc bài của T/g VŨ ĐỨC NGHIỆU thấy buồn cho số phận Việt Nam. Dự định không viết comment vì không muốn gây phiền lụy đến trang chủ Nguyễn Thông và bạn học của Thông là T/g VŨ ĐỨC NGHIỆU. Nhưng nước Việt là của chung, bất cứ người dân Việt nào cũng có phần trách nhiệm trong đó, vì vậy Dân Nam xin góp ý đôi điều.

    Như Dân Nam đã trình bày trước đây: “Khởi đi từ Miền Bắc, dân Việt theo chúa Nguyễn vào nam, suốt hàng trăm năm đổ mồ hôi, máu và nước mắt khai mở Miền Nam trù phú đến Cà Mau làm nồi gạo đầy nuôi sống cả nước. VN có vị thế địa chính tốt nhứt so với lân bang mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói :”Cường quốc số một Đông Nam Á phải là Việt Nam”.

    Dù bị Pháp đô hộ, nhưng trong cái rủi có cái may là thời Pháp thuộc mức độ dân trí và văn minh của Việt Nam không thua nhiều nước láng giềng, nếu không muốn nói là có phần hơn. Sài gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Người dân được làm chủ đất đai tài sản. Dù còn hạn chế, nhưng dân Việt thật sự có nhiều quyền tự do. Thí dụ tự do ngôn luận, đi lại, cư trú (chỉ ra khỏi miền mới xin phép), lập đảng, lập hội, báo chí, thông tin, biểu tình, giáo dục, v.v.

    Kể từ mốc lịch sử quan trọng nhứt là năm 1945, Nhựt trao trả độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Bảo Đại. Chánh phủ Trần Trọng Kim ra đời bắt đầu phục hưng nước Việt (xin xem thêm link 1). Nhưng ông HCM và cộng sản Bắc Việt bác bỏ cơ hội quá tốt này bằng cách nổi lên cướp chánh quyền TT Kim và phá bỏ nhà Nguyễn. Phát động 9 năm kháng chiến dẫn đến trận Điện biên phủ không cần thiết nếu không muốn nói là quá SAI LẦM và DẠI DỘT.

    Trong giai đoạn đó, Bảo Đại dù mang tiếng ăn chơi, nhưng là người khôn ngoan, thức thời, không muốn máu dân Việt bị đổ vô ích nên năm 1949, nhà vua đã thương thuyết và được Tổng thống Pháp chánh thức trao trả độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho VN (link 1). Đây là cơ hội tốt thứ hai, nhưng ông Hồ và cấp lãnh đạo cộng sản Bắc Việt bác bỏ cơ hội tốt này. Ông Hồ đã cấu kết với Pháp, mời Pháp trở lại Đông Dương để cùng với Pháp ký tên chia hai đất nước.

    Chiếm được nửa nước, VNDCCH, nếu ông Hồ và cấp lãnh đạo cs Hà nội thật sự yêu dân, thương nước thì đã đem hết khả năng giúp dân Bắc phục hưng Miền Bắc để cho Miền Nam – VNCH – được tự do phục hưng Miền Nam. Dỉ nhiên dân Việt hai miền không chết thảm, dân Bắc không bị đói nghèo tơi tả từ 1954 đến 1975 và Miền Nam đã phát triển vượt trội, bỏ xa Nam Hàn (Hàn quốc), Singapore, v.v. Giống như Trung cộng – Đài loan, Đông – Tây Đức hoặc Bắc – Nam Hàn.

    Dù bị chia hai, nhưng hai nhà Bắc – Nam bình an, lo làm ăn, học hành, cầu tiến, trở thành hai quốc gia, giống như hai anh em ruột có hai nhà liền vách, tương trợ nhau. Thế thì Tàu cộng có cơ hội chiếm Hoàng sa, Trường sa, biển Đông, thác Bản giốc, vịnh Bắc bộ, Cao nguyên Trung phần (bauxite) và sắp chiếm thêm ba “đặc khu” trọng yếu nữa không? Quan trọng nhứt là nếu Việt Nam Cộng Hòa còn, Tàu cộng có cơ hội phá nát vựa lúa lớn nhứt Việt Nam, nuôi sống cả nước, là đồng bằng miền tây do dòng nước sông Cữu Long cung cấp không?

    Công lao của nhà Nguyễn và dân Miền Nam đã bị ông Hồ và lãnh đạo cs Bắc Việt phá nát. Để rồi Hà nội bán, nhượng, cho “thuê” ... và sau cùng sẽ biến VN thành một tỉnh của Tàu.

    (xin xem tiếp phần 2 - kết)


    Trả lờiXóa
  2. Ttiếp theo phần 1: kết)

    Việt tộc từ thời Hùng vương luôn đoàn kết bảo vệ non sông, nhưng dưới thời ông Hồ và cs Bắc Việt thì cả nước đã, đang và tiếp tục tan tác khắp nơi. Thảm nạn đó ai chịu trách nhiệm? Câu hỏi này Dân Nam nhờ TBT Nguyễn Phú Trọng (“Miền Bắc giỏi lý luận”) trả lời giùm.

    Thêm một câu hỏi dành cho ông Trọng và phe “thắng cuộc”: Năm 1945, Nhựt đầu hàng, bị Mỹ cai trị, nhưng dân Nhựt không phế bỏ Nhựt hoàng, không trường kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ dựa vào Mỹ phục hưng nước Nhựt. Chỉ bảy năm sau (1952) Mỹ trao trả độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Nhựt. Nước Nhựt trở thành cường quốc Á châu (xin xem thêm link 2). Thế thì vua và dân Nhựt hèn nhát, dại dột và kém trí hơn ông HCM và cấp lãnh đạo cộng sản Bắc Việt nói riêng và dân Việt theo cộng sản nói chung?

    Sau cùng, Dân Nam xin bà con Miền Bắc bỏ đi hào“hào quang” “chiến thắng” (thật sự là bại trận trong hòa bình), “giải phóng” và “thống nhứt” đất nước. Thẳng thắn mời gọi nhau đứng lên dẹp bỏ cộng sản, chôn ông Hồ để quên đi quá khứ đau thương, quay về với Quốc gia Việt Nam/VNCH để toàn dân trong ngoài bắt tay nhau phục hưng nước Việt. Như thế chúng ta mới có đủ ba yếu tố pháp nhân, pháp quyền và pháp lý đưa Trung cộng ra Tòa án Quốc tế lấy lại lãnh thổ lãnh hải đã mất.

    Cám ơn trang chủ Nguyễn Thông và bài viết của T/g VŨ ĐỨC NGHIỆU.

    Dân Nam
    11/6/2018

    Link 1. Những mốc lịch sử quan trọng khởi từ thập niên 1940 – T/g Dân Nam
    http://www.trinhanmedia.com/2012/10/nhung-moc-lich-su-quan-trong-khoi-tu.html

    Link 2. - Chỉ giỏi cãi - T/g & bài chủ của Nguyễn Thông
    http://thongcao55.blogspot.com/2013/07/chi-gioi-cai.html

    - “So sánh Nhựt và Việt Nam” gồm nhiều comment của Dân Nam và bằng hữu dưới bài chủ (link trên) của Nguyễn Thông .
    http://thongcao55.blogspot.com/2013/07/chi-gioi-cai.html?showComment=1374466121281#c4361413285637877119

    Trả lờiXóa