Sẽ có người bảo dở hơi nó vừa vừa chứ. Đàn ông đàn ang lại đi nhắc đàn bà chuyện nội trợ, chợ búa, mua sắm, nấu nướng. Đúng là đồ dở hơi. Thì cũng đành chịu vậy, bởi ở nhà mình, tôi hay phải đi chợ.
Giờ đây, việc đi lại, vận chuyển dễ dàng, hàng hóa đặc sản vùng miền có mặt khắp mọi nơi. Ngày trước, sản vật theo vùng miền, cây trái theo mùa, mùa nào thức ấy, có chỗ ăn không hết, ứ thừa, rẻ rề nhưng cùng lúc thì chỗ khác vùng khác lại hiếm hoi, đắt đỏ. Nay thì khác, miền Bắc có cả dưa hấu (thường chỉ trồng vào mùa hè) bán suốt mùa đông mùa xuân, không trồng được xoài ngon nhưng ăn xoài thoải mái; còn miền Nam cứ mỗi mùa vải chín đất bắc vẫn tha hồ mua ngay tại nơi mình ở, chỉ đắt hơn vài ba giá. Cây khoai tây chỉ hợp với khí hậu ôn đới, mát mẻ nên chỉ có ở miền Bắc cữ trời se lạnh (đông - xuân) và đất Đà Lạt, tuy nhiên người tiêu dùng xứ nóng nhiệt đới có thể mua được củ này quanh năm. Ấy là do cuộc sống biến đổi, con người đỡ bị cảnh thèm nhạt. Tôi nhớ hồi những năm 80 trở về trước, chả bao giờ hình dung ra dân bắc được ăn dưa hấu ngày tết, dân nam mua vải thiều giá vừa với túi người bình dân.
Từ hồi giữa thập niên 90, sự mua sắm càng thuận tiện hơn cho người nội trợ khi xuất hiện hệ thống siêu thị. Mua bán theo kiểu tây. Đắt một tí nhưng tiện lợi, hàng hóa tập trung, sạch sẽ, thứ gì cũng có. Tất nhiên trong siêu thị có cả rau củ, khoai tây.
Điều dưới đây ít ai để ý, ngay cả những bà những chị nội trợ thâm niên dày dặn, kinh nghiệm đầy mình. Cũng có thể các bà các chị ấy biết cả, chỉ có tôi chưa biết. Tôi biên điều sau đây như một thứ kinh nghiệm rút ra được, còn chị nào chưa biết thì tham khảo.
Chả là đợt dịch COVID-19 này, tôi vẫn được giao đi chợ, lười ra chợ chồm hổm, chợ vỉa hè, chợ truyền thống, chỉ mắt trước mắt sau tót vào siêu thị, vừa mát mẻ, vừa ra vẻ ta đây có đeo khẩu rang. Thấy khoai tây ngon, lại trúng ngày hạ giá khuyến mãi, liều mua vài ký ăn dần. Củ nào củ nấy to tròn, tươi ngon, xách túi khoai về khoan khoái như vừa trúng vé số việt lốt.
Trời Sài Gòn nóng khiếp. Để túi khoai gầm bếp, mới ăn được một lần, lần sau mở coi thì đã mọc mầm cả. Mầm khoai trắng xóa, tua tủa như râu cằm. Lạ, bữa mua nào có thấy gì. Ngẫm nghĩ mãi, hóa ra khoai siêu thị được bảo quản trong môi trường mát lạnh, nó không sao cả. Nhưng bị đột ngột đưa ra ngoài chỗ nóng, môi trường khí hậu thay đổi, sinh mầm. Tôi không tin chắc lắm nên hôm sau ra chợ truyền thống mua thêm dăm củ. Để chục ngày vẫn không sao. Còn khoai siêu thị thì có thể đem trồng được rồi, mầm dài cả đốt tay.
Ai cũng biết khoai tây mọc mầm rất độc. Nó độc thế nào thì không rõ nhưng chỉ nghe lưu truyền là rất độc. Hồi tôi còn bé ở nhà, thày tôi dặn củ khoai nào mọc mầm thì phải khoét sâu cái chỗ mọc mầm bỏ đi, còn không thì bỏ cả củ, đừng tiếc. Ăn vào ngộ độc lại lăn quay ra. Tôi từng chứng kiến nhiều người trong làng bị ngộ độc khoai tây mọc mầm, bị đầy bụng, ỉa chảy, sốt, nôn ói, được cấp cứu ở trạm xá đối diện nhà tôi. Y sĩ nói rằng tại ăn khoai tây mọc mầm.
Vậy nên, nếu thấy siêu thị khoai ngon khoai rẻ cũng đừng tham mua nhiều. Còn đã trót mua thì về nhà để nơi thoáng, khô, đừng gần chỗ ẩm, chớ nơi ánh nắng. Để tủ lạnh ít ngày thì tạm được nhưng hơi đâu mà chứa khoai trong tủ lạnh, tốn tiền điện. Trót mua nhiều, ráng ăn cho nhanh cho sớm. Nếu khoai đã mọc mầm, người ít tiền thì khoét (như tôi đã kể), còn sợ ngộ độc, tốt nhất là bỏ. Đừng tiếc, các chị ạ. Kẻo một tiền khoai lại ba tiền thuốc.
Nguyễn Thông
nói chung là nên mua vừa đủ ăn thôi đúng không ạ !
Trả lờiXóaCảm ơn bác nhắc nhỡ nha, ham rẻ mua nhiều là tâm lý của chị em phụ nữ
có nhu cầu thì hãy mua
Trả lờiXóa