Cuối bài kỳ trước có nhắc tới nhà thơ Hải Như. Nói cho công bằng, trong việc quảng bá, PR cho địa danh Hải Phòng, công của ông Hải Như rất lớn. Người đời biết tới đất Phòng nhiều hơn, thậm chí kỹ lưỡng, tỉ mỉ hơn là nhờ bài thơ của ông. Hải Phòng một thời lừng danh những tên Quán Bà Mau, bến Bính, Sáu Kho, Thượng Lý, Sở Dầu, Tam Bạc, vườn hoa đưa người… trong trang viết Nguyên Hồng. Rồi tới lượt Hải Như, người ta biết thêm về Xi Măng, cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên, sông Lấp. Ngay cái tên bài thơ, “Thành phố hoa phượng đỏ”, thành thứ tên riêng, cũng đủ để ghi công lao của ông với thành phố cảng miền duyên hải này. Tôi không biết những vị lãnh đạo, các quan cai trị đất Phòng suốt từ năm 1970 (năm bài thơ ra đời) tới nay đối xử với Hải Như khi còn sống và Hải Như sau khi đã khuất như thế nào, nhưng với người có công thì cần có cách gì đó cụ thể biết ơn. Chả hạn, đặt cho một con đường mang tên ông, phố Hải Như, trồng trên đó những hàng phượng, bung nở đỏ rực mỗi hè. Cũng vậy, tỉnh Quảng Bình cần có đường Hoàng Vân, tỉnh Bến Tre có đường Nguyễn Văn Tý, Nghệ An có đường Đinh Quang Hợp, Thanh Hóa có đường Xuân Giao hoặc Hoàng Đạm…
Cũng cần biên thêm, nếu chỉ tồn tại dưới dạng thơ, dù đăng trên báo Nhân Dân (báo Nhân Dân thời ấy còn có người xem chứ bây giờ thì nói làm gì) bài thơ của cụ Hải Như cũng chỉ giới hạn ở đám đông vừa vừa chứ không đông lắm. Nó chỉ thăng hoa khi được âm nhạc chắp cánh. Xứ ta lạ lắm, nhiều bài thơ nôm na như vè nhưng nhờ thầy son phe mà bay chấp chới khắp miền. Thôi, chả nói ra đây sợ đụng chạm. Mà cũng không ít nhạc sĩ gần như rất vụng soạn lời (trên đời không có mấy ai đặt lời (ca từ) giỏi như Trịnh Công Sơn, nếu cần kể thêm tới người thứ nhì thì đó là Hoàng Vân), tuy nhiên cực giỏi trong chuyện kết hôn thơ với nhạc. Hai vị Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu là ví dụ cụ thể. Cũng có những nhà thơ, tầm cỡ làng nhàng thôi nhưng hình như thơ họ chứa nhiều chất nhạc nên các nhạc sĩ rất ưa thích. Có thể kể ra vài cái tên: Hải Như, Tạ Hữu Yên, Xuân Sách, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Xuân Quỳnh. Trong số ít ỏi ấy, theo tôi, Xuân Sách là nhất. Bài thơ “Đường chúng ta đi” của ông Sách là thứ quý hiếm trong nền văn học thời chiến tranh, không phải thi sĩ nào cũng chạm tới được. Ông Tạ Hữu Yên được phổ nhiều nhất nhưng phần lớn chỉ là những bài đáp ứng yêu cầu tuyên truyền nhất thời, hát một hồi rồi im luôn, chẳng mấy ai nhớ. Cụ Hải Như thì nhỉnh nhao hơn một tí về chất chứ không phải về lượng, bằng chứng là bài “Thành phố hoa phượng đỏ”, tuy nhiên người ta hơi chờn chợn thấy khó gần khi cụ được phong là nhà thơ viết nhiều về… cụ Hồ nhất. Không phải bài ca ngợi nào cũng hay (khổ nỗi ca ngợi theo chỉ đạo thì hay làm sao được), nhặt ra trong đám láo nháo thì cũng có bài ổn, như bài “Chúng cháu canh cho Bác ngủ, bác Hồ ơi”.
Cuối bài kỳ 1, tôi nhắc chuyện từng có những ý cho rằng chính cụ Hải Như là người đầu tiên phong cho Hải Phòng danh hiệu cao quý Thành phố hoa phượng đỏ. Bài thơ của cụ và bài hát cùng tên phổ thơ cụ của nhạc sĩ tỉnh lẻ Lương Vĩnh (thời ấy, Phòng tuy là thành phố lớn thứ 2 ở miền Bắc nhưng người sống và công tác ở đất Phòng đều bị coi là dân tỉnh lẻ) ra đời vào năm 1970, rồi Trần Khánh, Kiều Hưng… lần lượt hát trên đài phát thanh, thiên hạ dễ nghĩ rằng bản quyền tấm huân huy chương ấy phải thuộc cụ thi sĩ Như chứ còn ai nữa. Tôi cũng có thời tin như thế. Nhưng ngẫm kỹ, giật mình, chả phải cụ Hải Như là người đầu tiên nghĩ ra cụm từ “thành phố hoa phượng đỏ” bởi đã từng đọc đâu đó từ dạo những năm trước 1970, câu thơ của ai trong nhóm thi sĩ Phòng, hồi ấy họ hăng và trẻ lắm, những Đào Cảng, Thi Hoàng, Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng, rồi cả Đào Trọng Khánh nữa, ít nhất họ đã từng nói về quê hương họ, âu yếm rằng “thành phố hoa phượng đỏ” thân mến ơi. Họ từng viết như thế, mấy năm trước, trước khi nhà thơ Hải Như chốt thành bài thơ riêng. Nhiều người trong số các bác ấy còn sống, cứ hỏi vài câu là rõ ngay. Các bác ấy đều tử tế, chả tranh đoạt này nọ làm gì. Chỉ có điều họ từng tuyên ngôn “thành phố hoa phượng đỏ” không chính thức thôi, nên đành chịu thiệt.
Về hoa phượng đất Phòng, có nhẽ phải nhắc tới thi sĩ Thanh Tùng. Ông là nhà thơ công nhân đúng nghĩa trăm phần trăm, một dạng na ná Tạ Vũ trên Hà Nội. Xù xì thô ráp thế, mà lại bất chợt bừng lên tuyệt phẩm “Thời hoa đỏ”. Hình như sắc hoa phượng đất Phòng linh thiêng đã ám vào một số người, hoa ban cho họ những giây phút thăng hoa, đẻ ra đứa con để đời. Lẩn mẩn nghĩ, sao Thanh Tùng viết nhiều mà làm gì, chỉ cần màu hoa phượng ấy trong thơ cũng quá đủ rồi. Những câu thơ như nước mắt chảy dài trên khuôn mặt thợ thuyền sạm đen vất vả đau đớn,
“Mỗi mùa hoa đỏ về,
hoa như mưa rơi rơi,
như tháng ngày xưa ta dại khờ,
ta nhìn sâu vào trong mắt nhau”.
Thanh Tùng đã giỏi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cũng chả vừa. Phổ nhạc bài thơ của thi sĩ đất Cảng, ông đã khiến cho bao nhiêu đứa con trai con gái tuổi biết yêu dù không được sinh ra và lớn lên trên đất Phòng vẫn có cảm giác trong đời mình lúc thiếu lúc thừa sắc hoa đỏ mà người ta gọi là phượng. Người Phòng càng thấm đẫm sắc hoa. Người ấy đã từng hát “cái màu hoa như lửa cháy khát khao” trong mỗi lần tôi về thăm quê. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Hải Phòng rất đẹp
Trả lờiXóa