Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Đêm đông, xa trông cố hương, buồn lòng chính... phủ

 ĐỖ TRUNG QUÂN


Tối 29 tết, chỉ còn vài giờ nữa là giao thừa, người bạn tôi từ Mỹ đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Hắn không phải là người về lần đầu. Hắn về lại, làm việc ở Việt Nam nhiều năm nay. Hắn tìm công việc  của một người freelance. Dịch sách, dạy tiếng Anh và bù khú với bạn bè quen ở Sài Gòn. Hết visa thì xin tiếp.

Vậy mà lần này khi đứng trước lằn ranh nhập cảnh hắn hồi hộp đến toát mồ hôi. Ngồi máy bay 23 tiếng, điều hắn sợ nhất là “được” mời lên lại máy bay…trở về Mỹ khi chỉ còn vài bước chân qua cái lằn ranh mỏng manh là hắn được ăn tết tại Việt Nam lần nữa.
Mùa xuân (ảnh: NGUYỄN THÔNG, chụp tại quê nhà Hải Phòng)

Vì sao kẻ đã về Việt Nam nhiều lần lại thấp thỏm lo âu vụ nhập cảnh đến thế? Chả là hồi 2007, hắn xuống đường phản đối vụ Trung Quốc vẽ Hoàng Sa vào bản đồ của Tàu. Hắn nhập vào đoàn biểu tình và chẳng may cho hắn, y như trong phim “Ánh sáng đô thị” của Charlie Chaplin. Hắn lọt ngay vào… top đầu của đám biểu tình, mặt mũi hắn chình ình trên clip cả…thế giới biết, tất nhiên các anh Ba , anh Tư cũng biết là chắc. 
Lần ấy hắn cũng bị gọi lên gọi xuống và phải làm cam kết không biểu tình biểu tiếc gì nữa nếu muốn còn ở Sài Gòn. Hắn chỉ hứa miệng mà không ký vào cái biên bản giấy trắng mực đen. Hắn bảo hắn không hứa “thôi” cái vụ chống bọn uy hiếp chủ quyền đất nước. Đấy là cái lý do khiến hắn hồi hộp trong lần nhập cảnh này. Lỡ mà tên hắn có danh sách thì thôi rồi Lượm! Lại ngồi máy bay miệt mài trên trời khi dưới đất đang tưng bừng tết . Cảnh ngộ này nhà phê bình, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc; nhà văn, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn; nhà “ai-ti” Hoàng Ngọc Diêu… cũng từng thay nhau được “mời” trở về Úc khi đã đứng trước cái lằn ranh nhập cảnh mong manh kia. May cho hắn, con dấu nhập cảnh đã đóng xuống passport. Chân hắn mọc cánh như Icarus của thần thoại Hy Lạp bay thẳng về nhà chỉ kịp gọi “Kwan ơi! tôi về rồi! tôi về nhà rồi!”.

Thương thằng bạn Việt kiều này quá.20 năm trước mà chú mi về thì oách vô kể. Cái thời “Việt Minh - Việt Cộng - Việt Kiều…Trong 3 Việt đó đảng yêu Việt nào…Việt Minh tuổi đã hơi cao…Việt Cộng ốm yếu (như tau) gầy mòn…Việt Kiều tuổi hãy còn son…đảng yêu đảng quí như con trong nhà” thì không vác mặt về. Giờ Việt kiều mất giá thảm thương thua xa đám Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc củ sâm …thì cứ bổ nhào về cho đáng đời chú mi nhá. Nhưng dẫu gì hắn cũng chưa bị “lưu danh” vào cuốn sổ đen ngòm. Câu ngắn gọn của tôi khi trả lời cú điện thoại trước giao thừa của hắn chỉ là “chúc mừng”, trong ngữ cảnh hồi hộp 

của hắn chả có câu nào ý nghĩa hơn.
 
Chùa Trà Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng) có hơn nghìn năm tuổi. Ảnh: N.Thông

Nhớ khi xưa bài hát “Quê hương” ra đời rồi thành ầm ĩ khắp cái bản đồ Việt Nam, còn tòi ra tới tận hải ngoại. Đấy là thời mà những cuộc vượt biên chưa thật sự chấm dứt. Nhà nước vớ ngay được một bài hát “có vẻ tiện lợi” thay cho lời vừa kêu gọi vừa mơn trớn Việt kiều về giúp đất nước (nhân chuyện này chỉ nói ngắn, bài thơ ấy đơn thuần chỉ để tặng cho cô bé con người bạn văn Nguyễn Nhật Ánh khi cô bé đầy năm mà thằng nhà thơ lại “ung thư ví, bóp” bèn đăng lên báo Khăn quàng đỏ thay cho quà tặng, thế thôi. Nó chả dính gì tới chính chị - chính em cả. Nhà nước xài nó là chuyện ngoài tầm tay 2 tác giả thơ lẫn nhạc (nó ầm ĩ tới nỗi trên tạp chí âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm ấy- 1988 có hẳn một bài nóng mũi “tẩn” tác giả thơ một trận. Đại ý rằng “quê hương kiểu này không thấy bóng dáng xã hội chủ nghĩa đâu cả, chả thấy nhà máy to đùng, thủy điện hoành tráng .Toàn thứ duy mỹ vớ vẩn. Tác giả thơ ở Sài Gòn miền Nam, tư tưởng cần xem lại”. Về sau tôi cũng được biết cái bút danh lạ hoắc trong bài viết bị “rơi tõm” vào im lặng ấy. Tác giả thật của nó là một nhạc sĩ hạng cây đa cây đề có giải thưởng Hồ Chí Minh hẳn hoi. Tiền bối “nện” kẻ hậu sinh mà không dám để tên thật kể cũng lạ. Nhắc lại chỉ vì nhân cái vụ gã bạn Việt kiều vừa kể ở trên. Khi gặp nhau ngày tết hắn nói  “ông ạ, xứ mình yêu nước khó quá, yêu đảng dễ hơn nhiều nhỉ! Tôi mà bị “mời về” thì từ nay chỉ còn ngồi trước thềm nhà bên Dallas vọng về cố hương mà ca bài “Đêm đông…xa trông cố hương buồn lòng chinh phu”, à mà không, buồn lòng …chính phủ mới đúng há.

Thôi cha nội . Đã về rồi thì ráng mà ngoan nhá. Để lần sau đứng trước an ninh cửa khẩu tim không uỳnh uỵch nữa. Đau tim thì bỏ mịa đấy.

Đ.T.Q

7 nhận xét:

  1. Ảnh minh họa cho bài này không có chú thích. Là địa danh nào đấy, rất "cố hương"...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn góp ý của bác, sửa sai ngay (thú thực lúc ấy nhiều việc quá)

      Xóa
  2. Cả Quỷnh Bolsalúc 03:11 2 tháng 2, 2012

    e he he he
    độc như … thịt dzịt

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện "quen" ở xứ thiên đường!

    Trả lờiXóa
  4. Người Sông Tiềnlúc 12:14 2 tháng 2, 2012

    Đúng "chất" của ĐTQ, không lẩn vào đâu được. Tôi mong được đọc bài của ĐTQ quá, nhưng hiếm khi.

    Trả lờiXóa
  5. Viết dài dòng cũng lại hết nửa bài kể lể về chùm khế ngọt, Kwan viết cái gì cũng nhét tý khế vào, thuộc luôn, nhàm phát chán

    Trả lờiXóa
  6. Ảnh nhà Thông Cào ở hải Phòng có hoa Đào Phai đẹp quá!(M.Đ.)

    Trả lờiXóa