Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 4)

Khi nước ta chưa phổ biến internet, chưa có mạng xã hội, lùi hơn một chút nữa là chưa có tivi, thì tuyên truyền bằng khẩu hiệu có lẽ chỉ chịu đứng sau đài phát thanh. 

Đài do nhà nước nắm giữ, cai quản (tới giờ vẫn thế, vẫn độc quyền), cứ 5 giờ rưỡi sáng, cái loa kim trên tường ọ ẹ, khởi đầu bằng chương trình tập thể dục “động tác thở, một hai ba bốn, năm sáu bảy tám, hai hai ba bốn, năm sáu bảy tám…”; tới động tác điều hòa là xong. Đúng 6 giờ, sau tín hiệu báo bằng 5 tiếng tút và 1 tiếng tít kéo dài thì trỗi lên nhạc Diệt phát xít, rồi “đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” giọng trầm ấm của phát thanh viên Việt Khoa. Cứ thế, kéo tới tận tối mịt, đài nhà nước cứ rỉ rả rót vào tai dân chúng đủ mọi chủ trương, đường lối, chính sách, mệnh lệnh, ca ngợi ta “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”, phe ta đang ào ào bão táp cách mạng, phe đế quốc đang hung hăng cùng đường giãy chết… Các cán bộ thỉnh thoảng lại đi từng nhà nhắc nhở “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/Tin đài tin báo của ta/Đừng nghe tin địch ba hoa nói càn”, còn kêu đám thanh niên viết cả 4 câu thơ tuyệt ngôn ấy lên tường để đồng bào giác ngộ “ta bước tới chỉ một đường cách mạng”.

Ấy, đài đã làm nhiệm vụ tuyên truyền ghê gớm thế, nhưng hỗ trợ cho nó còn có biết bao nhiêu khẩu hiệu. Ở chừng mực nào đó, khẩu hiệu đánh vào lòng người hiệu quả hơn cả đài báo, nhất là khi điều kiện vật chất nghèo đói, thiếu thốn, loa đài không tới được mọi nơi, chứ nói gì báo phải mua bằng tiền. Còn khẩu hiệu, chỗ nào cũng đến được, ngự được, ngay cả trên tường chuồng lợn, bờ giếng, thân cây to, trên sườn núi. Chỗ nào có “sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân” thì chỗ ấy có khẩu hiệu.

Một hiện thực rõ ràng, người nhập hồn vào khẩu hiệu nhiều nhất là cụ Hồ. Thời cụ còn sống, khẩu hiệu về cụ đã chăng đầy, phổ biến nhất là câu “Hồ chủ tịch muôn năm”. Câu này có khắp mọi nơi, nhà riêng, cơ quan, trường học, hội trường, nhà ăn, doanh trại. Nhiều nhà dân, ngay cả những nhà khá giả, thay vào chỗ hoành phi, câu đối bị hạ xuống sau phong trào bài phong, thì thế vào đó, chính giữa là ảnh cụ Hồ (hoặc ảnh 3 người Mao Trạch Đông, cụ Hồ, Bulganin, tượng trưng cho tình hữu nghị Việt - Xô - Trung), bên trái là “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”, bên phải là “Hồ chủ tịch muôn năm”. Hầu như cái phom trang trí ấy nhà nào cũng rứa. Mới bảnh mắt đã trông thấy đảng bác, khi đi ngủ bác và đảng vẫn theo, làm gì mà không tin, không một lòng một dạ. Người lớn trẻ con, dù nghèo đói rách rưới, thèm cơm, rét cắt da cắt thịt, vẫn “ơn đảng, ơn bác Hồ” chúng cháu mới có được như hôm nay. Thi sĩ Chế Lan Viên viết “Cơm thơm ăn với cá kho/Công đức bác Hồ - Đảng, nhớ nghìn năm”. Chỉ có cơm với cá mà đã nặng ơn tình vậy, nói chi ăn ngon mặc đẹp.

Sau khi cụ đưa ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ giữa năm 1966, trong đó có câu 9 chữ nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” thì câu này đã trở thành hiệu triệu, mệnh lệnh, là hiệu kèn tiếng trống thúc giục, là cá cờ vẫy gọi. Tôi dám khẳng định mà không sợ sai rằng ở xứ ta, trong lịch sử cả nghìn năm sản xuất và đánh nhau, không có câu khẩu hiệu nào lừng lẫy, vô địch, uy quyền, phổ cập đến thế, ngay cả câu “Sát Thát” thời nhà Trần, hay câu “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của buổi đầu cách mạng vô sản hung hãn, cũng không mạnh mẽ, ghê gớm bằng. Không chỉ ngự trên tường, câu này còn phấp phới trên hàng triệu tấm vải đỏ giăng ngang đường, trên những chiếc bì thư (phong bì), mọi cuốn sổ tay. Người ta còn nắn nót kẻ vẽ nó lên vành mũ cát, mũ cối, lên bàn làm việc, cửa ca bin xe ô tô. Theo tôi, ở khía cạnh nào đó, cụ Hồ lúc ấy như vị thánh sống khi tuyên ngôn câu này bởi nó đánh trúng vào ý chí, tâm trạng, khao khát của hơn chục triệu con người. Sức mạnh của câu khẩu hiệu về tự do còn hơn cả máy bay MIG 17, MIG 21, hơn tên lửa SAM, hơn xe tăng T34, súng AK47, hơn mũ cối, quần áo Tô Châu, lương khô 702… Một mình cụ gánh được một nửa, nửa kia thì cả phe XHCN xúm vào gánh đỡ.

Xung quanh câu này cũng có nhiều giai thoại. Đáng kể nhất là chuyện hài hước, kể rằng những năm sau 1975, thời bao cấp, cả nước ngày càng suy sụp, nghèo đói, thiếu thốn. Ban lãnh đạo cầm quyền lúc bấy giờ bí quá, không biết làm cách nào để cải thiện đưa đất nước tiến lên, liền rủ nhau vào lăng xin ý cụ. Đại diện là 3 đồng chinh (các ông Lê Duẩn (anh Ba), Phạm Văn Đồng, Trường Chinh) mặt mũi gầy gò vêu vao rón rén vào. Sau khi nghe các chú trình bày, cụ hỏi vậy các chú thực hiện lời tôi dạy tới đâu rồi, cả ba học trò xuất sắc của cụ kính cẩn đồng thanh thưa “Thưa bác, chúng cháu làm được một phần ba rồi ạ”. Một phần ba (1/3) tức là “không có gì” trong câu nói bất hủ gồm 9 chữ nói trên. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét