Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Đặc sản cười của lớp ta

Từ chiều hôm 25 đến hết 27.11 vừa qua, các ông bà nội ngoại lớp văn khóa 17 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đã làm cuộc tụ tập đông người không xin phép chính quyền. Họ phớt lờ quy định sắt của nhà nước bởi họ chỉ cốt gặp nhau để cười, tán phét, ôn lại chuyện xưa sau 35 năm ra trường, chia tay nhau đi tứ phía. Mình ở tận Sè Goòng không ra được nhưng qua điện đàm với thầy cô, bạn bè cũng nắm được một số thông tin, đang viết dở, chưa xong vì mấy bữa ni bệnh tật đổ đốn. May mà có ông bạn Bá Tân chữa cháy cho.

Nguyễn Bá Tân là tay có "số má" của lớp văn. Hiện y làm báo ở báo Đại Đoàn Kết, hàm sĩ quan (nhưng mình chả dại gì khai ra đâu). Y và thằng Ba (Xuân) mà ở đâu thì ở đó bọn con gái cứ xoắn xuýt lại, bò lăn bò càng mà cười, phơi bung cả rốn. Mình cứ nghĩ, y là sự hội tụ những nét đặc sắc nhất của chú Tễu, trạng Quỳnh, lý Toét xã Xệ vào con người Bá Tân, thậm chí cả tí ti Xuân Tóc Đỏ, nhưng rất văn hóa.
Sau đây là một vài ghi nhận của y về cuộc tụ tập ấy. Mong nhận được thêm những ghi nhận của các bạn khác, à quên, những ông bà nội ngoại khác lớp ta.

Cuộc tụ tập năm 2006, hội quân tại nhà khách của báo Tiền Phong, theo thứ tự từ trái sang, đứng trước ngồi sau: Nguyễn Bá Tân, Lê Quốc Lập, Trần Triều Nguyệt, Ma Duy Giang; Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thanh Hương, Cao Kim Phương, Lê Thanh Nga.



Đặc sản cười của lớp ta


BÁ TÂN

Tôi có thói quen gọi những lớp đã học bằng cái tên lớp ta. Từ 1972 trở về trước, tôi có những “lớp ta” thời học phổ thông. Những năm học ở đại học tổng hợp có “lớp ta” là khoa ngữ văn, khóa 17. Sau đó tôi còn có thêm 2 lần “lớp ta” khi học đại học báo chí (khóa 4, trường tuyên huấn trung ương I) và lớp cử nhân chính trị. Lớp gối lên lớp, kỷ niệm giàu lên theo năm tháng được làm học trò. Lớp học thì nhiều nhưng sâu nặng nhất vẫn là lớp ngữ văn, khóa 17, đại học tổng hợp Hà Nội. Lúc gặp nhau cũng như khi trò chuyện qua điện thoại, hễ nhắc đến K17 khoa ngữ văn tôi luôn gọi bằng cái tên lớp ta.

Lớp ta có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách “khai thác” giá trị trên nhiều lĩnh vực. Riêng tôi, cách đây khá nhiều năm, phát hiện ra đặc sản cười của lớp ta. Đơn lẻ từng người thì không thấy. Chỉ cần một nhóm gặp nhau, nhất là những lần hội lớp, đặc sản cười của lớp ta lên cao đến mức như là…chỉ số lạm phát 2011. Lạm phát (CPI) của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới chứ đâu phải là vừa. Các bạn thấy chưa, đặc sản cười của lớp ta đạt tới đẳng cấp tốp đầu thế giới.

Trong 2 ngày 26, 27/11/2011, lớp ta gặp nhau tại Hà Nội để “ôn nghèo, khoe sướng” nhân kỷ niệm lần thứ 35 ngày ra trường. Trong 2 ngày đó, nhu cầu vật chất (ăn, uống, ngủ…) không thay được nhu cầu cười của lớp ta. Chưa kịp bắt tay đã cười. Thấy nhau từ xa đã cười. Cười trong bữa ăn. Cười trước khi ngủ. Tỉnh dậy sau giấc ngủ lại cười. Ngâm mình trong hồ nước khoáng vẫn cười. Cười liên khúc từ lúc lên xe cho đến khi xuống xe… Trên đời này, không chỉ Việt Nam mà kể cả thế giới, tìm đâu cho ra một tập thể giàu tiếng cười như là lớp ta. Tôi xin khẳng định: lớp ta là “tỷ phú” về cười. Tỷ phú tiền bạc bây giờ nhiều lắm, họ giàu vật chất nhưng nhiều khi vẫn thèm tiếng cười. Tỷ phú về cười thì duy nhất chỉ có lớp ta. Tỷ phú tiền bạc tiêu dùng mãi cũng hết. Tỷ phú về cười thì ngược lại, càng dùng càng giàu thêm. Đây là một phát hiện vĩ đại của tôi và của cả lớp ta.

Tại sao lại gọi là nàng thơ. Công bố điếu văn tại buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ. Gọi ấy của vợ bằng đồng chí. Đạm và Độ có chung tên gọi. Huy Cờ và Xuân Bối là 2 anh em. Triệu năm sau chưa được như... Kể cho nhau nghe những chuyện như thế, đố ai mà không cười. Giá như thế giới tổ chức cuộc thi cười, lớp ta nên cử đại diện dự thi. Không cần tra cứu trên mạng hoặc tìm kiếm trong các thư viện, cứ đưa những chuyện lớp ta kể cho nhau nghe thì ban giám khảo cuộc thi sẽ vỡ bụng vì cười. Nếu thế giới tổ chức cuộc thi ấy, tôi cam đoan 100% lớp ta đoạt giải đặc biết. Nghe những chuyện của lớp ta, đến người sắp chết cũng phải bật cười. Cười rồi mới chết, nụ cười ấm áp tình người theo linh hồn vào cõi vĩnh hằng. Chỉ lớp ta mới có “đặc sản” vô giá ấy.

Lớp ta có hai trong một: vừa thích cười vừa tạo ra “tài sản” cười. Đó là cái nhân văn đặc biệt của lớp ta. Không chỉ đơn thuần đón nhận tiếng cười, lớp ta còn “cung cấp”tiếng cười cho thiên hạ. Trên đời này không hiếm những kẻ tham lam, chỉ nhận mà không cho. Lớp ta thì ngược lại, sẵn sang “khuyến mại” tiếng cười ở mọi nơi, mọi lúc. Số đông trong lớp đã cận kề tuổi 60, một số anh chị đã vượt qua lục thập. Đã làm ông làm bà mà còn cười như con trẻ, sự sướng ấy thuộc loại đặc sản hiếm có. Cuộc đời có quy luật của nó: tuổi cao (thì) sức yếu. Hình như lớp ta có quy luật riêng, rất đặc thù: tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng năng lực cười lại khỏe hơn. Đó không phải là thứ trời cho, dù có bị trời đánh tôi cũng xin bảo lưu ý kiến này. Đặc sản cười của lớp ta do mỗi chúng ta góp lại mà thành. Đành rằng có người nhiều, người ít. Người ít phải nỗ lực nhiều hơn. Người đóng góp nhiều không được dừng lại. Nếu ai cần hỗ trợ, vì lợi ích chung của lớp, tôi, vâng cá nhân tôi, sẵn sàng trợ giúp kể cả lý thuyết và thực hành. Riêng tôi,tự nhận một cách khiêm tốn, phần đóng góp của mình đã được lớp ta ghi nhận. Thế là sướng lắm rồi. Được bạn bè thừa nhận còn khó hơn được cấp trên khen ngợi.

Dân gian đồn rằng: một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Cứ theo chỉ số ấy mà suy, lớp ta trao cho nhau và biếu tặng xã hội hàng triệu triệu thang thuốc bổ. Phải chăng vì thế mà mọi người trong lớp ta khỏe hơn lên sau mỗi lần gặp mặt. Nhiều người còn được vợ (hoặc chồng) thỉnh thoảng thúc giục tổ chức họp lớp để cho sức khỏe tăng lên. Tiếng cười của lớp ta thật là kỳ diệu. Muôn muôn năm tiếng cười của lớp ta.

B.T

Còn đây là ảnh của lớp, nhưng chụp hồi năm 2006, kỷ niệm 30 ngày ra trường, tất nhiên lớp đông nên số các cụ trong ảnh chỉ là một phần của cuộc tụ bạ bữa ấy thôi.

4 nhận xét:

  1. Bác Ma Duy Giang có câu thơ :"Lưng anh gù như dấu hỏi đời em ".Chị Nga vẫn tươi tắn , hồn hậu ,yêu chị- em Ngọt .

    Trả lờiXóa
  2. Công nhận "cười" là "đặc sản" của k17 lớp ta giờ mới phát tiết chóng cả mặt. Sao ngày xưa cô không biết nhỉ. Lẽ nào Tiếng Nga là "nỗi kinh hoàng" làm các em méo cả mặt không cười đươc? Hai ngày bên các em cô suýt bị ngộ độc vì được uống quá nhiều thuốc bổ đấy. Giờ ngấm thấy khỏe hẳn lên. Cảm ơn K17 Ngữ văn ĐHTH nhiều nhiều. :))

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa