Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Hãy giúp những người lính từng đổ máu bảo vệ Trường Sa

Bài sau đây của nhà báo Dương Minh Phong (chủ blog Cu làng cát). Nghĩ rằng lời kêu gọi của anh Phong xuất phát từ tấm lòng biết ơn những người lính đã đổ máu hy sinh, hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, tôi đăng lại lên đây để bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng. Riêng cá nhân, tôi sẽ sớm gửi vào tài khoản của anh Phong số tiền 500.000 (năm trăm ngàn) đồng. Nguyễn Thông


         Mong bà con góp tiền làm nhà cho cựu binh Gạc Ma


Trong số 9 người lính Hải quân Việt Nam bị Trung Quốc bắt một cách trái phép tại trận chiến giữ đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988 thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chúng ta thì Quảng Bình có 3 người. Gồm anh Nguyễn Văn Thống (Nhân Trạch), Lê Văn Đông (Tây Trạch), Mai Xuân Hải (Liên Trạch) đều ở huyện Bố Trạch.
                          Vợ chồng anh Hải trước căn nhà nghèo của mình


          Tôi đã tìm gặp rất nhiều cựu binh Gạc Ma và thấy nhiều mảnh đời còn vật lộn mưu sinh. Nhưng với cựu binh Mai Xuân Hải là một số phận nghiệt ngã, cay cực. Một số phận éo le luôn giày vò anh mỗi ngày. Cái nghèo cứ cuốn lấy số phận người lính đảo. Trần ai cứ bám riết lấy anh.


          Anh bị bắt giam ở bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc. Đúng ba năm, năm tháng, mười lăm ngày được trả về qua con đường ngoại giao. Những tháng năm bị tù đày quả là cực hình. Bao nhiêu vết thương súng đạn khi lính Trung Quốc phẫu thuật, họ không dùng thuốc mê mà mổ thẳng, anh kể: “Lúc mổ lấy một số mảnh đạn, lính Trung Quốc kẻ cầm chân, người cầm tay, không cho thuốc tê, đau không chịu thấu”. Bữa bị bắt lên tàu: “Cả 9 anh em chỉ cho một cốc thủy tinh nước, mà nước chỉ tráng dưới phần đáy cốc, mỗi người chỉ thấm môi một tí rồi nhường cho đồng đội”, anh Hải hồi tưởng lại.
                               Anh Hải với người đồng đội cùng làng
           
       Bữa ăn cũng cực khổ: “Bữa sáng ăn mì với nước gạo, nước gạo không có muối, nhạt miệng nhạt mồm, ăn hoài thì người như phù thủng vì thiếu muối. Buổi trưa tối có cơm bị mốc”, anh Hải kể.


          Bị bắt giam, anh Hải cùng đồng đội thường bị dựng dậy hỏi cung suốt ngày: “Họ hỏi bao nhiêu lính, ai chỉ huy, vũ khí gồm những loại gì, khi nào thì quay lại. Tôi trả lời không biết, vì là lính nên chỉ biết nghe theo quân lệnh, trung thành quân lệnh, không khai gì, mà trăm bữa như một là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Việt Nam”, anh nhớ lại.
         Tấm bằng huân chương chiến công của Mai Xuân Hải sau cuộc chiến Gạc Ma



          Anh biết chính xác bị giam ba năm, năm tháng, mười lăm ngày là vì mỗi ngày đi qua, anh lại dùng chiếc thìa nhỏ vạch sâu trên bức tường nhà giam, vạch sâu mỗi ngày một vạch nên nhớ như in khoảng thời gian năm tháng tù đày.
                         Mời anh điếu thuốc, anh châm lửa như ngày con ở Gạc Ma



          Ở quê nhà, gia đình anh đã nhận giấy báo tử, xóm làng, dòng họ đã tổ chức lễ tang. Nhưng ngày anh về, cả làng vui như hội, họ mở cơm ăn mừng, có người còn lấy tay béo mạnh má anh xem có đúng người thật hay là “ma”. Nhưng họ vỗ tay cả làng, vì đó là người thật.
Rất mong rằng mỗi người chung tay giúp vợ chồng anh Hải


          Sau ngày đoàn viên với gia đình, anh Hải lao vào cuộc mưu sinh vất vả. Ba năm đầu còn sức trai tráng, anh cưới được vợ, lao động siêng năng. Nhưng sau đó, sức khỏe xuống dốc một cách không phanh. Trong người anh còn đến những 8 mảnh đạn, cứ trái gió trở trời lại đau nhức vô cùng.


          Ngày vui đoàn viên chưa ngớt thì cũng là tin không hay ập về, bỗng nhiên từ đâu một lời đồn cay nghiệt, rằng anh là tình báo Trung Quốc cài cắm về địa phương để phá rối. Anh nghe mà khụy ngã tinh thần. Cuộc đời sương gió với biển đảo cũng là một ý chí sắt son, thủy chung, một lý tưởng vì Tổ quốc cao đẹp, vậy nhưng người đới lắm kẻ thối mốm, ác nhơn.


          Thế nên, bao sự hỗ trợ từ trên về, gia đình anh gần như không được thôn xã chú ý mấy, anh vẫn không màng mà vẫn ra sức lao động. Rồi lời đồn cũng bị bạt đi, bởi người lính chất phác tự chứng minh mình là nòi giống Việt, chẳng phải là đặc tình, đặc tiếc gì. Người làng lại dần đến với anh.


          Nhưng anh càng cố gắng lao động thì dường như số phận lại càng buộc anh đến phận nghèo. Đến nay, nhiều đồng đội của anh đã có mái nhà ấm cúng, có người nhà hai tầng, thì anh vẫn ở trong cái nhà dột nát. Có người nói rằng; chẳng qua vu khống là nhà cho được chứ nhà đâu mà nhà như rứa!.


          Anh lấy vợ, mưu sinh vật lộn khó khăn, sinh được 4 đứa con thì 3 đứa phải bỏ học tự kiếm ăn, riêng cháu út đang được đi học. Anh hy vọng, rồi đứa bé út sẽ không bỏ học vì bố mẹ quá khổ.


          Viết bài này cũng là để tỏ một lòng kêu gọi bạn bè trên trang Cu Làng Cát ủng hộ anh Hải, gom góp mỗi người chút đỉnh để dựng cho người lính Gạc Ma còn khó khăn này liếp nhà ấm cúng.


          Trong lần kỷ niệm 25 năm trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, chúng ta nói được rất nhiều, tri ân bằng những ngôn từ sâu sắc và để nối dài những tấm lòng như thế, tôi xin kêu gọi bà con hỗ trợ anh Hải làm được căn nhà ước mơ. Bởi mỗi chúng ta ở phía đất liền được lớn lên đều có bóng dáng của của người ngoài biển đảo quê hương biển Đông đất nước.


          Tôi sẽ công bố mọi đóng góp của các bạn trên trang blog Cu Làng Cát như đã từng làm trong cuộc vận động gạo cho đồng bào Rục trước đây.


          Chúng tôi mở đợt kêu gọi này thực hiện trong vòng một đến hai tháng sẽ kết thúc với mong muốn có được 100 triệu đến 150 triệu để xây nhà cho anh Hải. Nếu nhiều hơn chúng tôi sẽ trích ra để hỗ trợ một số cựu binh khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình chút đỉnh vốn làm ăn.


          Địa chỉ ủng hộ anh Hải qua đầu mối nhà báo Dương Minh Phong
          Điện thoại: 0983194999
          Tài khoản số: 0161000185218


Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình. Khi gửi tiền, bà con nhớ gửi thêm email để tiện bề đối chiếu.


Xin trân trọng cảm ơn bà con


P/S: Đây hoàn toàn là vấn đề nhân đạo, rất mong bà con ủng hộ và không suy còm men chỉ trích chính quyền địa phương).

Cu Làng Cát

4 nhận xét:

  1. Ỏ QB có mỗi èng Lanh thuơng binh Anh hùng, còn mấy eng tê, eng thì chết, eng thì bị bắt.
    Đau dứt là mấy eng bị bắt và chết. Bởi họ đã bị lãng quên suốt mấy chục năm qua.

    Trả lờiXóa
  2. 25 năm trôi qua, đến hôm nay mới được nhắc đến tên các anh, mới lần đầu các anh được chính quyền cho phép giao lưu gặp gỡ lại đồng đội cũ.
    Là 1 CCB thời chống Mĩ, tôi ủng hộ lời kêu gọi giúp đỡ này của anh Dương Minh Phong đối với gia đình anh Hải với số tiền 500.000đ.

    Trả lờiXóa
  3. Nối lời với anh Phong, anh Thông: các anh chị ơi, ai có điều kiện hơn trong cuộc sống hãy quyên góp giúp cho vợ chồng anh Hải và sau này có điều kiện hơn nữa thì giúp cho các anh khác bớt khó khăn hơn. Đó là cách chúng ta chung tay xoa dịu vết thương trong lòng những người con đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ Quốc

    Trả lờiXóa
  4. Xót thay!
    Nam nhi hề, vai khoác chiến y,
    Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
    Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
    Đường sinh tử có ai không thác?
    Luận anh hùng ai kể bại thành,
    Xét chí khí nên coi cao thấp.

    Hôm nay,
    Thắp nén tâm hương ,
    Tưởng người tiết liệt.
    Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
    Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
    Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
    Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!

    Ô hô! Có linh xin hưởng!
    (blog Chimkiwi và xuandienhannom)

    Trả lờiXóa