Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Chấp bút chứ không phải chắp bút

Nhớ lại dạo Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5.2016, nhân những sự kiện ông Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng "ai đã chắp bút cho ông Obama?".

Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là "chấp bút". Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp chính là ai hoặc một tổ chức, lực lượng nào nó nắm giữ chính quyền; chấp đơn là nhận lấy cái đơn của người khác; chấp hành là chịu trách nhiệm thi hành những chương trình, kế hoạch đã định, đã được đặt ra, thông qua…

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể một nhóm người. Bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969 không phải do ông Duẩn viết mà do một nhóm cố vấn (các ông Đống Ngạc, Đậu Ngọc Xuân) chấp bút.

Hầu hết các tác phẩm hồi ký đều có người chấp bút. Người làm nhiệm vụ ghi lại, hệ thống lại những lời kể của ai đó để ra thành cuốn sách thì đó là người chấp bút. Nhà văn Hữu Mai nổi tiếng trong văn giới không phải chỉ bởi ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Vùng trời, Ông cố vấn... mà còn bởi ông đã chấp bút thành công hầu hết những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là cuốn Từ nhân dân mà ra.

"Chấp" còn là từ thuần Việt, có nghĩa là cho ai đó được điều kiện lợi hơn mình, ví dụ “chấp hai đánh một, chấp cả làng…”, trường hợp này không có liên quan gì đến nghĩa chấp của chấp bút.

Còn “chắp” là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại. Truyện Kiều có câu "Trong khi chắp cánh liền cành/Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên" để nói về tâm trạng của cô Kiều sau 15 năm mối tình Kim - Kiều gãy đổ, đứt đoạn, sợ chàng Kim không đủ cao thượng quên đi được quá khứ. Nhà thơ thiếu nhi Cẩm Thơ khi tưởng tượng ra hình ảnh tên lính Mỹ đầu hàng chú giải phóng quân có chi tiết rất tếu "Chắp tay lạy má xin cơm/Em mà có đói chả thèm thế đâu". Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay...

Còn viết là "chắp bút" rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Có những từ, khi sử dụng, chỉ chịu khó nghĩ một tí thôi thì sẽ không sai.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Sau tháng 4/1975, miền Nam đột ngột thay từ vựng Hán-Việt trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết bằng từ vựng thuần Việt. Các cửa hiệu Điểm Tâm-Giải Khát thi nhau tháo gỡ biển bảng xuống, thay bằng Ăn-Uống cho dễ hiểu, bình dân và gọn rõ. Chừng một năm sau, vài vị cán bộ có chút chữ nghĩa và lịch duyệt chê "Ăn-Uống" nghe nó phàm phu tục tử, không thanh tao, đề nghị và được đổi lại thành "Ăn-Giải Khát". Hơn 6 tháng tồn tại, không rõ từ ai, từ đâu, có thể biển bảng vẻn vẹn 3 từ, nhưng vừa thuần Việt và Hán Việt
    song song tồn tại nên được đổi thành "Cửa hàng phục vụ Ăn, Uống". Đến khi ngành thương nghiệp giải thể các công ty cấp 3, theo chủ trương xóa bỏ bao cấp, biển bảng "Cửa hàng Phục vụ Ăn, Uống" cũng tự "diễn biến" rồi xếp xó luôn. Nghĩ lại, ai đó, dùng "Điểm tâm"(ăn lót dạ) nghe nó nhẹ nhàng và thanh lịch làm sao.
    Bút- từ Hán-Việt. Bút lục, bút tích, bút phê, bút đàm, bút danh...Chấp-từ Hán-Việt. Chấp pháp, chấp nhận, chấp hành, chấp chính...Chấp bút là nhận nhiệm vụ khởi thảo văn bản theo đề nghị, gợi ý, chủ ý của một người hoặc một tổ chức, mà, người ấy, tổ chức ấy, không đủ điều kiện hoặc thời gian, hoặc hiểu biết, hoặc văn tài để thực hiện.
    Còn "chắp bút"? Cả đến cái nghĩa nối gắn cái cán viết bị gãy lìa cũng không thể chọn dùng được.
    Hằng ngày, trên truyền thông, sách báo, gặp không biết bao nhiêu trường hợp làm cho tiếng Việt càng ngày càng lệch, tối. Tiếc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có được những điều bác kể một phần nhờ đóng góp không gì so sánh được của các trí thức "đảng viên hoạt động nội thành" -không phải từ của tớ, 1 trong đám họ tự khai- cho công cuộc giải phóng miền Nam . Mọi người tử tế & nhân văn sẽ luôn ghi nhớ công lao to nhớn này .

      Xóa