Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Chuyện đổi tiền (2)

Lại nói chuyện nguồn ngân thu ngân sách của trẻ con. Dẫu có chơi đánh đáo, bật tường hoặc đánh tam cúc mấy chăng nữa thì cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài đồng xu teng, đứa này “bóc lột” của đứa kia chứ có bao nhiêu đâu. Khoản thu ngân sách riêng ra tấm ra món nhất chính là tiền mừng tuổi (miền Nam gọi theo cách của người Hoa là lì xì) dịp Tết Nguyên đán. Ngoài chuyện được ăn ngon (lần ăn duy nhất trong năm có giò lụa) thì một trong những lý do khiến tụi trẻ con nông thôn miền Bắc những năm 60-70 mong đến tết là được mừng tuổi. Mấy ngày tết, có người nhớn đến nhà chúc tết, hoặc theo thày bu đi chúc tết nhà ai, thế nào cũng được mừng tuổi. Cuối năm, tôi để ý thấy thày bu tôi thường giữ lại những đồng tiền mệnh giá nhỏ, loại 1 hào, 2 hào, sau này là 5 hào, còn mới, để dịp tết mừng tuổi cho con cái, tiền lớn hơn một chút thì mừng tuổi chúc tết ông bà. Ông bà nội tôi mất sớm, tôi không biết mặt, nhưng khi còn nhỏ năm nào cũng theo bu tôi lên chúc tết ông bà ngoại trên xóm núi (thôn Trà Phương. xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Đi bộ mỏi chân một chút nhưng thế nào cũng được ông bà ngoại mừng tuổi lại cho mấy hào.

Người nhà quê không có nhiều tiền nên tiền mừng tuổi cũng phải chăng, nếu không nói là ít. Đến khoảng mùng 4 tết, bọn trẻ đã hăm hở tính đếm, cộng lại coi mình được bao nhiêu. Những tờ tiền mới tinh sột soạt sao mà đáng yêu thế. Đếm mãi không chán, cứ giở ra giở vào suốt. Có tết, tính cả tiền 5 xu cộng lại, tôi được gần 3 đồng, một số tiền kha khá lúc bấy giờ (như đã nói, học phí học cấp 1 chỉ có 3 đồng 6 hào/năm). Lấy mảnh giấy báo cũ gói ghém kỹ lưỡng, khi đi ngủ cũng ôm “cục tiền”, chập chờn nghĩ đến những thứ mình sẽ mua, chẳng hạn đôi dép nhựa tái sinh, chiếc xanh tuya (thắt lưng) xanh, cái mấy ngòi bút, mấy quyển truyện Buổi sáng trong rừng dịch của Liên Xô, Người lão bộc của vua Quang Trung... Bao nhiêu là thứ, thứ nào cũng cần nên phải cân nhắc kỹ. Tiền mừng tuổi thường để dùng cho cả năm, không thể hoang phí được. Ôm tiền vào giấc ngủ sao mà ấm áp thế, quên cả rét mướt mưa phùn.


Không đủ tiền lên chợ huyện mua con lợn đất, tôi có sáng kiến lấy chiếc bình tích sứt vòi mà thày tôi bỏ, để giấu tiền. Bao nhiêu tiền xu, tiền hào tôi đếm thật kỹ, cẩn thận bỏ hết vào trong ấy. Còn đậy trên bằng mảnh giấy báo nữa. Để kín vào góc tủ, ngụy trang phủ lên vài thứ vớ vẩn. Thế nhưng vẫn không yên tâm, lén lúc nào không người lại lấy ra đếm. Không suy suyển gì mới thở phào.

Ấy thế mà vẫn hỏng. Một hôm, cô em gái tôi, cái Ngọt, mới học lớp 1, rất ngoan nhưng “tinh quái”, tự dưng nó nói vẩn vơ biết chỗ cất tiền trong nhà. Tôi lờ đi. Nó lại dấn sâu hơn, bảo có cái bình tích sứt vòi. Tôi giật mình, có nhẽ nó biết. Nếu chạy ra kho bạc ấy ngay bây giờ thì lộ quá, nhỡ nó chưa biết thì sao. Đang rối ruột rối gan lo cho số tiền, nó cười em biết anh giấu tiền trong bình tích rồi. “Chị ta” còn khai có bao nhiêu tiền cả thảy, mấy tờ 1 hào, 2 hào, 5 hào, nhưng rồi khẩn khoản đề nghị cho gửi nhờ tiền mừng tuổi vào đó với. Hóa ra nó cũng không có lợn đất, chưa biết cất tiền vào đâu. Tôi như trút được gánh nặng. Ngay hôm sau mở kho bạc, kiểm đếm lại, còn gần 4 đồng, đưa hết cho bu tôi, xin bu tôi đổi cho mấy đồng tiền chẵn. Tiền chẵn 1 đồng, 2 đồng cất giữ gọn hơn, dễ hơn. Tôi sang tên cái bình tích kho bạc cho em gái.

Đó là lần đổi tiền đầu tiên trong đời. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Cũng là một cuộc ĐỔI TIỀN.Mà sao ấm áp,nghe hiền như mơ.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu Đảng-Chính phủ có đổi tiền, kiến nghị Đảng-Chính phủ đăng bài này của bác Thông trên trang nhất của tất cả các báo Đảng . Vì bài này thơ mộng hóa đổi tiền. Quá hay!

    Trả lờiXóa
  3. Sao hồi nhỏ khổ thế, ông Thông ? Bi giờ già rồi, có để cho con cháu cũng khổ như mình khi xưa để .. rèn luyện chúng không ?

    Trả lờiXóa