Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Chính phủ thuế (phần 4)

Nói đến thuế má thời này, nếu ta thử hỏi ý 10 người thì có lẽ 9 người phải lắc đầu lè lưỡi. Thuế vừa là búa tạ, vừa là dao lam, đập đập cắt cắt, chả mấy ai tránh được nó. Nói đâu xa, chiếc xe máy ta sử dụng hằng ngày đã bắt ta cõng bao nhiêu thứ thuế. Khi mua xe thì phải nộp thuế hàng hóa giá trị gia tăng, rồi sau đó là thuế trước bạ, thuế (phí) lấy biển số, thuế cầu đường, thuế xăng dầu, phí bảo vệ môi trường… Cứ xách xe ra đường là đương nhiên nộp thuế cho nhà nước, chạy đâu cũng không thoát. Dân bị bóp nặn tàn mạt, vậy mà hơi một tí là người nhà nước lại hạch hỏi anh chị, ông bà “hãy tự hỏi đã làm được gì cho đất nước chưa?”, cứ như mình chỉ ăn không ngồi rồi, sống dựa dẫm, làm khổ, làm gánh nặng cho người khác (kiểu lý sự ấy cũng na ná có một dạo vị nào xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì bị nhà chúc việc vặn “có giỏi thì ra Trường Sa, Hoàng Sa mà đấu tranh”, tức là nhà cai trị luôn cho mình đúng mình hay, còn người khác sai). Đúng ra, các ông các bà ấy cần túm ngay tóc mình tự hỏi mình đã làm được cái gì cho nước cho dân trong khi hằng ngày sống bằng tiền thuế của dân. Ấy, xứ mình thường có kiểu ngược đời, hống hách như vậy.

Không chỉ bày ra muôn vạn thứ thuế phí, người ta còn luôn tìm đủ mọi cách tăng cho nó cao hơn nhằm thu về nhiều hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dân bị bóc lột thậm tệ hơn, mồ hôi sức lực bị chiếm đoạt nhiều hơn. Tăng thuế đã trở thành một chính sách quan trọng của chính phủ. Giá như họ chỉ xuân thu nhị kỳ, hoặc chỉ tăng trong trường hợp không thể không tăng (nói chữ là bất khả kháng, ví như vỡ quỹ bảo hiểm xã hội chẳng hạn) thì còn đỡ, đằng này người ta nhăm nhăm tăng bất kỳ lúc nào, nếu ai thắc mắc sẽ được giải đáp bằng đủ mọi thứ lý do “chính đáng”.

Ồn ào gần đây nhất là dự thảo của Bộ Tài chính về việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%. Những hòn đá được ném ra để thăm dò dư luận. Bị phản ứng dữ quá, có vị quan chức chính phủ lên tiếng trấn an rằng thuế này tăng nhưng không ảnh hưởng mấy tới người nghèo. Họ muốn lợi dụng chữ nghèo để lấy lòng dân. Cha mẹ ơi, ăn nói hay nhỉ. Xin thưa với ông, đất nước này còn nghèo, đại đa số dân chúng lao động là dân nghèo. Vậy ông nói không ảnh hưởng mấy là không ảnh hưởng thế nào? Thuế giá trị gia tăng được điều chỉnh tăng lên nó có chừa ai đâu bởi nó áp vào tất cả mọi sự tiêu dùng, mọi thứ hàng hóa, kể từ hột gạo, cái kim sợi chỉ, bó rau ký thịt, con cá con tôm, giọt dầu lít xăng, tiền điện tiền nước, cú điện thoại, kênh truyền hình… Ai cũng phải dùng, liệu có khâu mồm, chặt chân, bịt mắt lại để “không bị ảnh hưởng mấy” chăng. Với người giàu, thuế tăng mấy thì tăng họ chả sợ, nhưng người nghèo sẽ lên bờ xuống ruộng, nát đám cỏ gà ngay. Vậy mà lại bảo không ảnh hưởng mấy. Thuế tăng, càng nghèo càng chết, như các cụ xưa bảo, chả khác gì “chó cắn áo rách”, “nghèo gặp cái eo”. Tăng thuế, mà thuế gì cũng vậy chứ không chỉ thuế giá trị gia tăng, chỉ chết dân. Dân chết, chết trước, chứ đối với nhà giàu, với những kẻ có chức có quyền được ngân sách bao bọc thì chỉ như muỗi đốt.

Nhiều chính sách thuế của nhà nước đã bất chấp sự vô lý, chỉ nhằm thu được thật nhiều tiền cho ngân sách. Chúng ta thừa hiểu, việc nhà nước lâu nay áp thật cao thuế nhập khẩu xe ô tô là chỉ cốt đánh vào người dân mua xe (chứ cơ quan nhà nước nếu mua xe thì đã có ngân sách trả, mỡ nó lại rán nó, ông cán bộ ngồi trên xe có mất xu nào). Khi cả thế giới đã bắt đầu chán sử dụng ô tô thì chính phủ xứ này vẫn tìm mọi cách không cho dân sử dụng (họ lý sự lý luận kiểu bắc rằng để tránh ùn tắc giao thông, để bảo vệ nhà sản xuất trong nước). Nói trắng ra, chính phủ đã ăn chia với vài nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước duy trì thứ giá bán cao hơn rất nhiều giá trị thực tế của hàng hóa (ô tô) để cùng hưởng lợi. Chỉ có dân thiệt. Ăn chơi phải chịu tốn kém, ai biểu ham ô tô, cho chết (họ sẽ cười mỉm như vậy). Thật vô lý khi trong số tiền người mua xe phải trả, khoản tiền trả cho nhà sản xuất nước ngoài (với xe nhập khẩu) chỉ chiếm gần một nửa, số hơn nửa còn lại là tiền thuế do nhà nước áp đặt. Chả làm gì, chỉ thu thuế tiền cũng cao hơn nhà sản xuất, quá sướng. Người mua xe ngậm đắng nuốt cay mà chẳng làm gì được cái kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” ấy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Đường muốn to,mồm muốn rộng,cứt đái gì cũng muốn.Không có thuế lấy C..mà ăn hả anh Lý.Đừng mượn chuyện lăng nhăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cậu muốn còn được vào nhà tớ đọc để theo dõi tớ báo cho công an thì bỏ cái thói ăn nói du côn du kề vô văn hóa đó đi. Cho cậu cơ hội cuối cùng để sửa chữa, còn không thì tớ cấm cửa, hết vào ăn nói lăng nhăng. Tớ tôn trọng sự khác biệt về suy nghĩ nhưng không chấp nhận đã ngu trung lại vô văn hóa.

      Xóa
  2. Chắc các lãnh đạo nhà mình muốn thử nghiệm 1 nguyên lý trong chủ nghĩa Mác . Marx & Engels chỉ ra nghịch lý của tư bẩn là giới lao động không có đủ tiền để hưởng những gì do chính mình sản xuất ra . Từ nghịch lý đó Marx & Engels dự báo tư bẩn xụp đổ là vì lý do bóc lột, tư bẩn sẽ tăng giá sản phẩm . Không ai mua vì không đủ tiền mua, ngoại trừ tư bẩn mua đồ của nhau sẽ phải tăng giá tiếp, vì giá của đồ sản xuất sẽ cõng thêm giá của hàng tồn kho do không ai mua . Cuối cùng thì sụp đổ .

    Có vẻ tư bẩn đã giải quyết được nghịch lý đó nên cho tới giờ vẫn giẫy nhưng chưa chết . Không còn chỗ để thí nghiệm nên lãnh đạo nhà mình đem dân mình ra để thí nghiệm . Tăng thuế thì mọi thứ đều tăng, chỉ có lương là kiên định, lộn, lương học tập tư tưởng Hồ Chí Minh "dĩ bất biến (về lương) ứng vạn biến (về giá)". Giá cứ việc tăng, lương ta không cần biết .

    Kể ra là công dân xã hội chủ nghĩa cũng có lý do để tự hào; góp phần chứng minh tính chính xác của chủ nghĩa Mác bách chiến bách thắng!

    Trả lờiXóa