Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Tìm hiểu câu thành ngữ Trọng nghĩa khinh tài

Có một bạn trẻ, sinh viên đàng hoàng, hỏi tôi chú ơi sao lại “trọng nghĩa khinh tài”, trọng nghĩa thì được chứ khinh tài là làm sao, tài, tài năng cũng rất đáng trọng chứ, v.v.. Bạn ấy hỏi một lèo khiến tôi hiểu rằng cái thành ngữ tưởng như khá rõ nghĩa này hóa ra vẫn có người hiểu sai hiểu lệch.

Điều đầu tiên cần nhắc ngay, câu thành ngữ nói trên thuần dùng từ Hán Việt. Vậy ta nên vỡ vạc chút ít từng từ để nắm được cái cốt lõi (có liên quan đến nội dung thành ngữ) của mỗi từ.

“Trọng” có nhiều nghĩa, trong đó 2 nghĩa chính là nặng, coi là nặng; tôn kính, tôn quý. Về nghĩa thứ nhất, ta thường nói trọng lượng, tức là vật gì đó nặng bao nhiêu. Trọng bệnh là bệnh nặng (trái nghĩa với bệnh nhẹ, dễ chữa), trọng thương là bị thương nặng, trọng trách là trách nhiệm nặng nề, trọng phạm là kẻ phạm tội nặng… Trọng cũng có nghĩa là tôn trọng, tôn kính, nể vì, chẳng hạn “Cha mẹ tôi rất trọng bác ấy bởi bác luôn quên mình, chỉ nghĩ đến mọi người”. Trong thành ngữ nói trên, trọng nghiêng về nghĩa “nặng”.

Đối ngược với trọng là “khinh”. Khinh nghĩa là nhẹ, xem nhẹ, coi nhẹ. Khinh khí tức là khí nhẹ (chẳng hạn khí hydro), khinh kỵ là lực lượng kỵ binh (lính cưỡi ngựa) tác chiến nhanh nhẹn, khinh thân là xem cái thân của mình là nhẹ, không đáng kể… Xưa truyện tiếu lâm kể về anh chàng hay nói chữ một cách máy móc. Bị đánh mấy roi vào một bên mông, anh ta vừa xoa chỗ đau vừa than thở “nhất bên trọng, nhất bên khinh” (một bên nặng, một bên nhẹ; một bên có, một bên không), quan nghe vậy bèn sai lính nọc ra đánh thêm vào bên mông kia vài roi nữa cho cân, khỏi thắc mắc trọng khinh, nặng nhẹ. Ngoài ra, mở rộng từ nghĩa “xem nhẹ” nói trên, khinh còn có nghĩa là sự bày tỏ thái độ không hài lòng với ai hoặc điều gì đó, chẳng hạn khinh thường, khinh bỉ, khinh miệt, khinh mạn. Trong câu thành ngữ mà chúng ta đang nhắc tới, nghĩa chính của khinh là nhẹ, xem nhẹ.

“Nghĩa” là từ Hán Việt có nội dung rất rộng. Nghĩa của từ này là: Một việc phải làm, việc đúng, việc nên làm bởi hợp đạo lý; một chủ trương đúng; sự hào hiệp. Chúng ta thường nói việc nghĩa, sống có nghĩa. Đối với người theo học thuyết Nho giáo ngày xưa, con người phải có nhân có nghĩa. Làm điều lớn hoặc điều nhỏ đều cần nghĩa. Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp không phải bởi cô ấy đẹp mà là “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải người có dũng-sức mạnh). Cứu nước cứu dân là việc lớn phải làm, nên người ta dựng cờ đại nghĩa. Những chàng trai ăn cơm nhà tự nguyện săn bắt cướp được coi là những người nghĩa hiệp (hiệp sĩ làm việc nghĩa)…

Từ cuối cùng là “tài”. Đây là từ trong câu thành ngữ mà một số người hiểu sai nghĩa của nó. Nghĩa Hán Việt của “tài” là: Tài năng, năng lực vượt trội của ai đó so với người khác; của cải, vật chất; sự trồng trọt… Nguyễn Du viết “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cụ Hồ dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, tài trong những câu ấy có nghĩa là tài năng, khả năng tốt để làm việc. Nhưng chúng ta thường nghiêng về nghĩa tài năng của từ “tài” mà quên đi nghĩa chỉ vật chất, của cải. Ta vẫn thường đọc: tài nguyên (nguyên là nguồn) tức nguồn của cải, tài trợ (trợ là giúp) tức giúp của cải cho ai đó, gia tài là của cải của gia đình, tài phiệt (phiệt là nổi tiếng) để chỉ ông trùm về của cải, về sự giàu có vật chất. Trong câu thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” thì tài nhấn vào nghĩa vật chất của cải.

Như vậy, bạn sinh viên mà tôi nhắc ở đầu bài đã hiểu nhầm “tài” là tài năng, người có tài, mà đúng ra phải hiểu đó là của cải, vật chất. “Trọng nghĩa khinh tài” tức là luôn coi nặng (coi trọng) làm việc nghĩa (nặng chứ không phải nặng nề), làm những việc lớn lao, quan trọng, cần thiết, đương nhiên phải làm; đồng thời coi tài lợi vật chất là nhẹ, phù du, không đáng quan tâm. Đem cái nghĩa (cao quý) đối lập với cái tài (tầm thường), coi nặng nghĩa, xem nhẹ của cải, câu thành ngữ này nhằm xây dựng một mẫu người biết vượt lên trên vật chất tầm thường để hướng tới sự cao đẹp.

Gần nội dung với câu trên còn có câu “khinh tài hào nghĩa” tức là xem nhẹ, coi thường của cải, chỉ ham làm việc nghĩa, làm những điều tốt đẹp.

Nguyễn Thông



6 nhận xét:

  1. Chưa thể tin được cách giải thích của bác Thông.
    Phải tìm hiểu xem cụ Nguyễn Lân có giải thích khác không đã.
    Nếu cụ Nguyễn Lân giải thích khác có nghĩa là bác Thông đúng và ngược lại.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh Thông.
    Rất hay.
    Anh có thời gian thì "làm trong sáng tiếng Việt cho bà con nhờ"


    Trả lờiXóa
  3. Đùa 1 tẹo

    Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp không phải bởi cô ấy đẹp mà là “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải người có dũng-sức mạnh)

    Kiều Nguyệt Nga đẹp là bonus, thánh nhân đãi kẻ khù khờ . Câu kế là nếu hổng có sức mạnh thì nên tránh những việc nghĩa .

    Tớ tối dạ nên mỗi thứ hiểu 1/2, biết mình hổng có sức mạnh nên thấy người đẹp mới làm việc nghĩa . Hổng có người đẹp thì phải có "tài", không "tài" nhất quyết không làm .

    Giỡn nhiêu đó đủ gòi

    Cứu nước cứu dân, có điều dân có muốn mình cứu không ? Nếu dân không muốn mình cứu mà mình vẫn nhào vô cứu đại vậy mình dại hay dân điên ? Và điều kiện nào mới đánh giá là dân cần cứu ? Dân đang sống trong "phồn vinh giả tạo", có cần cứu để chuyển qua "đói nghèo thật sự" không ạ ? Nhưng vẫn "bị" cứu thì phải kêu những người "nghĩa hiệp" đó là gì ạ?

    Xin lỗi trước, vì những câu hỏi của tớ không những không làm trong sáng hơn tiếng Việt, mà coi bộ quậy tiếng Việt cho đục ngầu lên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ônh Thông chỉ chua ngữ NGHĨA & TÀI trong bối cảnh xã hội tùy thời, cũng có thể ám chỉ bây chừ. Chỉ có buồn là, ngay lúc này, cái rối ren, nhiễu nhương của thời buổi ai cũng biết và thậm chí nhiều người quá biết nhưng coi như không biết. Mọi người đều hiểu muốn trở thành cơn Bão thì phải góp Gió vào.

      Xóa
  4. Quèn tôi hiểu hạn hẹp song cũng không mặn mà với lí giải chữ tài bao gồm cả tài sản. Ví dụ: Chữ tài đi với chữ ta một vần" - ND, thì không có nghĩa tài sản. Hoặc "tiền tài danh vọng ai mà chả ham" thì không có nghĩa tài sản, bởi tiền chính là tài sản rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Lâu quá mới bắt gặp ở anh Thông một bài viết dở. Nghĩa của thành ngữ anh nói không sai nhưng diễn ý, xin lỗi anh, nó vòng vo, rối rắm. Chắc anh Thông viết lúc bị phân tâm. Anh đọc lại sẽ thấy lời tôi chân thành. Kính!

    Trả lờiXóa