Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Chính phủ thuế (phần 5 – cuối)

Không thể kể hết chuyện thuế khóa và tăng thuế của chính phủ, cũng như nỗi đoạn trường bởi thuế của người dân xứ này. Thuế quá dày, chướng quá, nhà chức việc bèn gọi tránh đi là phí cho nó nhẹ, đỡ gây cảm giác trầm trọng. Sâu xa còn là họ không muốn gợi lên tinh thần phản kháng đối với thuế khóa tiềm ẩn trong dân chúng mà trước kia họ đã khai thác, tận dụng thành công.

Trên đầu trên cổ trên lưng dân giờ đây là cả núi Thái Sơn thuế khóa và phí này phí khác. Không có sự sinh nở, phát triển nào nhanh bằng thuế. Đâu đâu cũng thuế. Thuế đất đai, thuế nhà cửa, thuế sản xuất, thuế tiêu dùng, thuế vui chơi, thuế đi lại, thuế kinh doanh, thuế thu nhập, thuế lợi tức, phí dịch vụ, phí môi trường, phí học hành, phí nhập cư, phí sinh đẻ, phí… linh tinh. Thấy chỗ nào có thể ngon ăn, bóp nặn được là người ta nghĩ ngay tới việc tăng thuế hoặc thu phí. Chẳng hạn vừa rồi giới cờ bạc xứ này xuất hiện trò may rủi Vietlott, thu hút người chơi dữ lắm bởi thiên hạ bảo rằng nó không ăn gian như xổ số truyền thống. Nhận thấy Vietlott ngày càng hấp dẫn nhiều con bạc do giải cao tiền lớn, nhà chức việc nghĩ ngay âm mưu tăng thuế thu nhập của người trúng số, đánh thuế thu nhập cá nhân lên thật cao, từ 10% (đang áp dụng) lên 20, 25, thậm chí 30%. Cây trồng chưa đủ lá cành, đã nhăm nhăm hái quả, hớt tay trên kẻ trồng trọt. Tăng thuế thu nhập cá nhân với người chơi Vietlott nhưng họ lại không hề đả động đến bên xổ số truyền thống, dù bên này người chơi có trúng bao nhiêu tỉ cũng mặc, chỉ 10% như lâu nay. Dư luận đồn rằng phe xổ số truyền thống xúi nhà nước ra đòn để trị bọn Vietlott. Dân ham cờ bạc may rủi sẽ chán chơi xổ số kiểu Mỹ. Thuế thu nhập tăng thì Vietlott ốm đòn, chả mấy ai thèm mua nữa.


Có một điều rất đáng nói: nếu nhà nước chỉ chăm chú vào “sự nghiệp tăng thuế” thì cũng đã quá khốn khổ cho dân rồi, đằng này họ đồng thời liên tục tăng những chi phí lãng phí, tăng xài tiền thuế của dân, tiền ngân sách do dân đóng góp một cách vô tội vạ. Ở xứ này giờ đây, miền ngược cũng như miền xuôi, thành thị lẫn nông thôn, nơi giàu cũng như nơi nghèo, chỗ nào cũng thấy công sở, trụ sở của đủ loại chính quyền, đảng, đoàn thể, đơn vị được xây cất hoành tráng, mênh mông thiên địa, phủ bóng vàng son lên cuộc sống cơ cực của dân. Xã đua với xã, huyện đua với huyện, tỉnh đua với tỉnh, bộ ban này đua với bộ ban kia, cứ phải nhà thật to thật khủng. Chính quyền có nhà to thì đảng cũng phải có, mà lại to hơn, khiếp hơn cho nó oách. Mỗi lần quan chức nhà nước, đảng, chính phủ tiếp khách, thôi thì bày vẽ rườm rà đủ kiểu, căn phòng tràn đầy hoa hoét, trên giời dưới hoa. Cùng tiếp một vị khách, cứ như người ta thì gộp lại một lần cho gọn, đằng này ông bà nào cũng muốn “ra riêng”, bắt tay bắt chân riêng, đón riêng gặp riêng, mà cuối cùng cũng chỉ nói dăm ba câu giống hệt nhau, kiểu bày tỏ này, bày tỏ nọ, khen nhau vài câu lấy lệ, tâng bốc dăm nhời cho sướng bụng. Rồi ông to bà nhớn xứ này đi tới đâu cũng tiền hô hậu ủng, xe cộ rầm trời, cờ phướn giăng đầy, tiệc tùng chiêu đãi, ăn uống phè phỡn, quà cáp phong bao, tốn kém tiền thuế của dân không biết bao nhiêu mà kể.

Quay trở lại chuyện ông Phúc. Ông ấy muốn có một chính phủ liêm chính, hiệu quả, ích nước lợi dân. Nhưng người tính không bằng "trời" tính. Biết bao nhiêu vụ việc động trời, quốc gia đại sự nghiêm trọng đổ quán xiêu đình như Formosa, Dầu khí, Vinashin, xả thải Bình Thuận, trạm BOT vô lý… ông Phúc không thể xử lý hoặc không xử lý được, bởi chúng đều ngoài tầm với của ông. Quyền mà không có thực quyền. Thật đáng buồn, chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo mà ông mong mỏi chửa thấy đâu, chỉ thấy hiện hành một chính phủ với điệp trùng thuế khóa đè nặng lên cuộc sống dân lành. Người xưa từ cách nay hơn 2.500 năm bên Tàu, ông Khổng phu tử từng than rằng “hà chính mãnh ư hổ” (chính sách hà khắc, tàn bạo còn dữ hơn cả hổ dữ). Giá như những người cầm quyền tỏ được điều ấy, khi chưa tạo lập được chính phủ liêm chính, hãy có một chính phủ liêm sỉ (biết xấu hổ), vừa cố gắng thanh lọc bộ máy cho trong sạch (liêm), vừa biết xấu hổ (sỉ) về những điều đã làm mà xóa bỏ nó đi để dân bớt khổ nghèo, thì chính phủ ấy còn được coi là chỗ nhờ cậy, đặt vào đó niềm hy vọng. Cái sỉ đầu tiên, theo tôi, có lẽ là thuế khóa.

Tôi đặt cho loạt bài này cái tên “Chính phủ thuế” là vì vậy.

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Thuế phí thu tràn lan,không biết chi vào đâu,còn các cháu học sinh và thầy giáo miền núi Nghệ an, ăn sáng bằng ổi đến lớp,thật sót xa cho thân phận cũng một con người cũng đóng thuế như ai,đến khi nào thì liêm chính đây,để ai cũng có cơm ăn,ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành,như lời ao ước của Cụ Hồ năm nao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. [ăn sáng bằng ổi] là còn may. Hồi 54-55 tôi đi "xem" đấu địa chủ thì ổi là bữa trưa của tôi đấy. Thế mà hình như còn sống đến giờ. Ổi tốt thật đấy.

      Xóa
  2. Có vị lãnh đạo khơ khớ nói rằng: Tăng thuế VAT không ảnh hưởng gì tới người nghèo; Tăng thuế(phí) BOT không ảnh hưởng đến người nghèo(vì chỉ đi xe máy nên không phải mua vé). Thật là não trạng của các vị này có vấn đề hoặc như dân gian nói-Óc bã đậu.

    Trả lờiXóa