Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Đặt tên đường

Phải nói ngay từ đầu, tôi rất đồng tình, ủng hộ việc lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một đường phố ở Hà Nội. Chuyện đạo nghĩa như thế, nay mới làm là quá muộn.

Nhưng cần phải nói thế này:

Gia đình cụ Bô năm 1945 hiến cho chính phủ lâm thời hơn 5.100 lượng vàng để có ngân khố nuôi bộ máy nhà nước buổi ban đầu, hiến cả nhà cửa đất đai cho nhà nước (lấy chỗ mà viết tuyên ngôn độc lập). Tài sản ấy, công lao ấy gắn liền với cả hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Người xứ ta có câu "của chồng công vợ", "lệnh ông không bằng cồng bà", tức là đóng góp của cụ bà cũng rất lớn, thậm chí còn hơn cụ ông.

Ngày xưa, nhất nhất mọi việc trong nhà đều lấy theo tên người đàn ông, tên chồng. Những đóng góp của gia đình cụ Bô khi ấy đều lấy theo tên cụ Bô, và đương nhiên thiên hạ quên mất tên cụ bà Minh Hồ. Giờ phải trả lại tên cho cụ bà.

Một điều rất buồn cười, nay cụ bà mất, người ta mới sực nhớ đến cụ ông, đòi lấy tên cụ ông đặt tên đường. Nhưng lâu nay cái thói vô ơn nó vẫn cứ thường xử sự như vậy. Mà nó lại làm lãnh đạo nên mặc nhiên xã hội bị thống trị bởi thói vô ơn.

Tôi cho rằng, cách tốt nhất là đã đặt tên đường Trịnh Văn Bô (như đề xuất của HĐND TP.Hà Nội) thì gắn luôn tên cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, thành đường Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ; còn nếu suy nghĩ rộng rãi hơn, thì tìm 2 con đường, hoặc song song, hoặc liền nhau, hoặc gần nhau đặt bằng tên hai cụ.


Và điều quan trọng nhất từ chuyện đặt tên đường cụ Bô, tôi yêu cầu nhà nước này phải có thái độ dứt khoát chuyện cụ bà Nguyễn Thị Năm, nạn nhân nổi tiếng của thói vô ơn-tàn bạo của các vị. Cụ Năm là địa chủ yêu nước, hầu hết những ông to nhất thời cách mạng và kháng chiến chống Pháp đều được cụ nuôi, ăn mòn răng cơm nhà cụ. Công tích của cụ bà Năm không kém gì cụ Bô cụ Minh Hồ đâu, thậm chí còn hơn nhiều. Cụ xứng đáng được tưởng thưởng hơn nhiều. Nhưng các ông bà cách mạng trả ơn bằng cách đã lôi cụ ra xử bắn, rồi sau còn giả đò khóc lóc kiểu như "tôi không muốn nhưng đành phải làm vậy". Không trả nhà cho cụ Bô cụ Hồ, cố tình quên các cụ, là thói vô ơn; nhưng ăn cháo đái bát, xử bắn cụ Năm thì đó là tội ác. Phải lên án.

Nay các ông bà còn nắm quyền (còn nắm đến khi nào thì tôi không chắc), hãy cố làm điều tử tế, cụ thể là phục hồi danh dự cho cụ Nguyễn Thị Năm, trả lại mọi quyền lợi chính trị xã hội cho cụ, công khai xin lỗi cụ và gia đình cụ trước quốc dân đồng bào (đang họp quốc hội đó, làm luôn đi, việc cần làm là đấy chứ đâu), đến nhà con cháu cụ thắp nén hương thơm trước bàn thờ cụ xin cụ tha thứ cho.

Và điều có thể làm được ngay: Chọn con đường thật đẹp, khang trang ở thủ đô đặt tên Nguyễn Thị Năm. Đừng chần chừ, một việc làm đạo nghĩa thế này mà chần chừ, chỉ có những kẻ vô ơn mới vậy. Nếu chính quyền Hà Nội không biết cách tử tế, thì Sài Gòn (nơi cụ Năm từng nhiều năm sinh sống buôn bán, giúp đỡ cách mạng, với thương hiệu nhà buôn Cát Hanh Long), hoặc Thái Nguyên (nơi cụ lập đồn điền nuôi kháng chiến, cũng là nơi cụ bị cách mạng lôi ra đấu tố, xử bắn, chôn vùi rất tệ hại) mau mắn mà lấy tên cụ Năm đặt tên đường đi. Người dân sẽ yêu mến các vị khi các vị sống có đạo nghĩa. Tôi nói thật, nếu các vị chính thức công khai xin lỗi cụ Năm, lấy tên cụ Nguyễn Thị Năm ra đặt tên đường, dân mà không phấn khởi, cứ lôi tôi ra bắn, bắt tôi đi tù cũng được, tôi chấp nhận.

Nguyễn Thông

(Tái phím: Nếu có vị nào thắc mắc, lý luận rằng cứ ai cũng đòi đặt tên đường thì lấy đâu ra đường mà đặt, thì xin nhớ đặt tên đường chỉ là một cách trả ơn biết ơn thôi, chứ sống tử tế thì thiếu gì cách. Vả lại tên người đàng hoàng chưa được đặt cho đường còn nhiều, và tên những vị công-tội đầy mình đã được đặt tên đường cũng chả thiếu, hạ biển tên ấy xuống cũng được. Tôi đã hình dung thế nào cũng có ông bà dư luận viên đệ tử của Quang nùn, hì hì, vặn rằng đường đâu mà lắm thế, tôi sẽ giả nhời: đường trong lòng mình ấy).

4 nhận xét:

  1. Tui là tui không thể đồng ý với bác Thông được.
    Có đường mang tên cụ ông Trịnh văn Bô là được rồi,nếu lấy tên cụ bà đặt tên một con đường khác nhỡ mai kia con cháu nhà mấy ông có tên trên đường rồi cũng đòi phải có thêm những con đường mang tên bà cả,bà hai nữa thì lấy đâu ra đường mà đặt.
    Ấy là tui cứ lo xa vậy.

    Trả lờiXóa
  2. Công nhận anh nói hay . Mong sao họ nói và làm những chuyện được lòng dân .

    Trả lờiXóa
  3. Những điều anh nói là đúng nhưng chỉ đúng với suy nghĩ của một người bình thường, một người tử tế. Nếu họ đã nghĩ được như vậy thì họ đã không để điều đó xảy ra với bà Năm, ngay từ đầu.

    Trả lờiXóa
  4. Tục ngữ có câu:"Cưới quay ra. Ma quay vào". Hai sự kiện trọng đại của người phụ nữ, lên xe hoa và lên xe tang, hướng nhìn vẫn là nhà chồng(cưới) và hương án nhà chồng(tang ma). Nếp ấy đã ăn sâu trong suy nghĩ, tập tục người Việt. Thành ra, trong thiệp cưới, thiệp báo hỷ con cái, tên cha mẹ gọn và đúng nhất chỉ còn tên cha, mẹ cha là một. Ví dụ: Ông Bà Lê Bá Trung, Thị trấn Mỹ An, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cả khi chết, bia văn cũng thể hiện ý tưởng ấy. Ví dụ: Phần mộ Bà LÊ BÁ TRUNG(Nhũ danh Phạm Thị Thắm)...Thoạt thấy thì phong kiến nhưng rất chuẩn và gọn. Suy ra, chỉ cần một tên đường Trịnh Văn Bô là đủ rồi. Có qui định nhưng chưa thấy thực hiện, trên đường, tại vài nơi, có biển ghi vắn gọn tiểu sử danh nhân, trong ấy làm gì cũng có Ông Bà Trịnh Văn Bô. Tui đoán mò, đang kêu gọi doanh nhân, doanh nghiệp...nên các ông ấy không thể rút ván khi đã qua cầu.
    Chuyện Bà Nguyễn Thị Năm thì khó. Muốn hanh thông, an toàn, vô sự thì chỉ có thằng điên mới rút tăm ra khỏi miệng. Mong đạo lý nghĩa nhân ở những con người lấy thủ đoạn chính trị làm cách sống thì hoài công.

    Trả lờiXóa