Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Đất đai

Người ta đang lật giở lại những chuyện sai phạm tai tiếng về đất đai ở Đà Nẵng, TP.HCM, có những vụ xảy ra từng hơn hai chục năm trước, có những vụ dăm bảy năm trở lại đây.

Chẳng hạn vụ Công ty Tân Thuận trực thuộc Thành ủy TP.HCM (lúc đầu là thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy) thu hồi đất của dân rồi móc ngoặc bán rẻ cho Công ty tư nhân Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Loan, dân thiệt, nhà nước thiệt, tiền vào túi cá nhân, xin nói ngay vụ này nhỏ như con thỏ. Hồi hơn 20 năm trước, tôi đã nghe râm ran những sai phạm của Thành ủy TP.HCM và ông Lê Thanh Hải trong việc liên doanh với tập đoàn Central Trading & Development (CT&D, Đài Loan) xây dựng khu Phú Mỹ Hưng. Tiền lại quả, bôi trơn, lo lót, chia chác thấy bảo nhiều như núi. Cuối cùng bộ máy quyền lực và tuyên truyền đã nói át đi, bao che sai phạm, bốc Phú Mỹ Hưng lên tận giời, còn đám kia thoát nạn, chả ai nhắc tới nữa.

Có thể nói rằng, từ khi chính quyền này thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, cho các nhà đầu tư nước ngoài vào, phát triển kinh tế tư nhân, thì cũng là lúc những cuộc chiếm đoạt cưỡng chế đất của dân diễn ra hằng ngày. Họ thu hồi chiếm đoạt, đền bù rẻ như bèo, nẩy sinh ra khiếu nại khiếu kiện, dân đội đơn tụ tập ra tận trung ương, tai ương oán hận ngất trời. Nhiều máu đã chảy, nhiều dân lương thiện lâm vào cảnh tù tội. Nhiều trang sử xã hội thấm máu và nước mắt cứ được biên ngày càng dày thêm. Nhà cai trị với công cụ chuyên chính vô sản dùng quân đội, công an, dân phòng, súng ống, lưỡi lê đã đàn áp nhân dân không thèm đếm xỉa tới pháp luật, đạo đức, công lý. Những vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, Hà Đông, Thái Bình..., những bi kịch số phận Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, Lê Đình Kình... là những vết nhơ khó gột rửa cho pháp luật, cho chính sách đất đai hiện hành.

Rồi sẽ còn phải phân tích nhiều, nhưng có thể thấy rằng, mọi sai phạm, bi kịch về đất đai đều xuất phát từ các nguyên nhân: Chính sách đất đai tàn bạo, mà cụ thể là Luật Đất đai với cái gọi là "quyền sở hữu toàn dân" cực kỳ vô lý; Đám lãnh đạo cai trị tham nhũng sử dụng quyền lực để vơ vét về cho bản thân, gia đình, dòng họ, bầy đàn; Sự coi thường nhân dân, coi dân chỉ là con sâu cái kiến, muốn bóp nặn sao cũng được.

Trước hết, phải xóa bỏ thay thế ngay thứ Luật Đất đai tàn tàn bạo kia thì may ra mới giải quyết được những đểu giả, ác độc và bi kịch về đất đai.

Hồi còn đi học, tôi có được đọc câu thơ đề từ trong cuốn tiểu thuyết "Những con đường đói khát" của nhà văn nổi tiếng Brazil J.Amado: "Đất hỡi, ngươi ăn gì mà quá khát/Sao uống nhiều nước mắt, máu tươi", nay thấy nó vận vào đất đai xứ này từng mét vuông. Đất xứ ta đang giãy giụa trong hàm răng sắc nhọn ròng ròng máu dân của đám cán bộ tham nhũng từ trung ương tới địa phương. Tiếng kêu oan, tấn bi kịch, nỗi căm hờn đang thấu tới tận trời.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Nhân đọc bài anh viết về đất đai nên tôi xin phép nói thêm về chuyện đất đai ở Hải Phòng ( HP )... dù gì thì cũng quê mình cả mà .
    Thế này anh ạ : Hiện nay ở HP có khoảng gần 10 ngàn trường hợp hộ gia đình đang ở các khu tập thể ( KTT ) của các cơ quan đơn vị nhà trường nhà máy xí nghiệp vv ... toàn các đơn vị của NN ( vì lúc đó đâu có tư nhân hay cổ phần )thời những năm 1991 - 1993 ( Thời điểm trước 15/10/1993 ) có đầy đủ giấy tờ của các cấp từ thành phố , sở XD, Viện thiết kế ... giấy cấp nhà đất cho CBCNV do đơn vị cấp trở xuống . Nhưng các giấy tờ này là phô tô , chỉ có QĐ cấp cho từng gia đình CBCNV là bản có dấu đỏ ( Cả cơ quan đơn vị chỉ có 1 bản chính của thành phố cấp cho đơn vị đó lại do văn phòng các đơn vị giữ ... ) . Cái thời đó pháp luật quy định giao quyền tự chủ cho cơ quan đơn vị được thẩm quyền về mọi việc trong nội bộ đơn vị ( Thông qua việc lập Hội đồng xét duyệt như : Hội đồng nâng lương, hội đồng kỷ luật, hội đồng thi đua , hội đồng thi nâng bậc, hội đồng các loại khi xét các tiêu chuẩn cho người lao động vv...và trong đó có hội đồng xét duyệt nhà hay đất ở khu tập thể ( do thành phố duyệt cấp ) cho các CBCNV của đơn vị . Sau thời gian đến những năm từ 2004 tiếp theo thì lãnh đạo các đơn vị làm tiếp việc cấp sổ đỏ giấy CNQSDĐ cho từng hộ gia đình ( Có nghĩa là từ sổ đỏ 1 chủ là cơ quan đơn vị đó nay tách thành sổ đỏ cho từng hộ gia đình .... kinh phí chỉ là LỆ PHÍ CẤP SỔ ĐỎ .
    Mọi việc cứ thế thì dần dần mối gia đình ở các KTT sẽ có sổ đỏ , nhưng đến 2007 - 2008 thì lại giao quyền quản lý các KTT về cho chính quyền địa phương ...Từ đó khi cá nhân làm sổ đỏ thì lập tức bị kết luận là đất cấp TRÁI THẨM QUYỀN VỚI BỘ HỒ SƠ CÁC GIA ĐÌNH ĐƯỢC CẤP TỪ BAN ĐẦU NHỮNG NĂM TRƯỚC 15/10/1993 !!! MUỐN ĐƯỢC CẤP SỔ ĐỎ THÌ PHẢI NỘP thuế sử dụng đất theo giá đất hiện hành ...Những hộ trước đây do đơn vị cũ làm sổ đỏ thì bây giờ nhìn lại những hộ cùng cảnh do chính quyền địa phương làm sổ đỏ mất thêm nhiều triệu - Bình quân mỗi hộ mất thêm một vài trăm triệu ( tuỳ theo vị trí đất ) .
    Những người được giao đất hay nhà ở các KTT ngày ấy đến nay đều ở tuổi cao 60 - 80 và đều là thành phần tiến bộ, có công lao nhưng có khó khăn về chỗ ở nên ngày ấy mới lọt vào danh sách cấp nhà đất của Hội Đồng xét duyệt của các cơ quan đơn vị . Nay rơi vào cảnh nhà đất ở bị quy kết là cấp trái thẩm quyền rồi bắt nộp tiền thuế sử dụng đất khi làm sổ đỏ ( Cái mà lẽ ra cơ quan cũ của họ phải làm tiếp giấy tờ cho họ khi chuyển các KTT về chính quyền địa phương quản lý ) . Thành ra chỗ ở của họ bây giờ là PHI PHÁP ???
    Sự bất mãn của lớp người ấy ( Sự mất lòng tin vào chính sách nhất quán của NN ) đã được truyền lại cho lớp cháu con vì bây giờ con cháu họ đang ở những căn nhà không có sổ đỏ !!! MỘT SỰ HỒI TỐ GÂY MẤT LÒNG TIN MỘT CÁCH CÔNG KHAI vào uy tín của NN lại do chính những công bộc của dân ngày nay hiểu và thực thi một cách nhẫn tâm !
    Vài dòng cùng anh ....

    Trả lờiXóa