Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Chuyện vệ sinh (kỳ 4, cuối)

Những năm 60 - 70 ở miền Bắc, tôi từng chứng kiến cảnh “nhà vệ sinh” mà bây giờ cứ nhắc tới lại rùng mình. Quê tôi cũng vùng đồng bằng Bắc Bộ, cái nhà vệ sinh đắp bằng đất lợp rơm rạ nơi góc vườn đã là quá tệ, nhưng so với thứ tôi thấy thì quả chưa là cái gì. Ai ở miền Bắc những năm ấy đều nghe từ “cầu tõm”. Xuất xứ của nó là vùng đất tỉnh Hà Nam, thời đó là Nam Hà (do gộp tỉnh với tỉnh Nam Định).

Năm 1974 đám sinh viên chúng tôi đi thực tế sưu tầm văn học dân gian tại tỉnh Nam Hà. Gọi là thực tế nhưng chủ yếu làm cái công việc nhặt nhạnh tư liệu về cho các thầy. Mỗi đoàn vài chục đứa, đoàn tôi do thầy Mã Giang Lân mới tốt nghiệp được giữ lại khoa làm trưởng đoàn, chia thành từng nhóm về các làng xã, cứ hai đứa ở một nhà dân. Phải nói nông dân thời ấy thật tốt, rộng cửa đón bọn sinh viên tếu táo quậy nghịch như quỷ. Và rất nguy hiểm đối với con gái họ. Tôi và anh Lê Văn Sơn bộ đội đi học cùng ở nhà bác Trần Văn Sửu, huyện Mỹ Lộc. Huyện này không ở Hà Nam mà thuộc đất Nam Định. Bác Sửu có người con trai lớn đi bộ đội đã hy sinh tại “mặt trận phía nam”, một anh là bộ đội phòng không đang bảo vệ cầu Hàm Rồng. Dưới nữa là cô con gái tên Tho, xinh xắn, học hết lớp 7 thì nghỉ ở nhà giúp bố mẹ, cậu em út tên gì tôi lâu quá cũng quên đang học lớp 5. Anh Sơn đe tôi, chú không được tán tỉnh gì con Tho (khi chúng tôi về thực tế, nàng khoảng 16 - 17 tuổi), nghe chửa. Ông Sửu mà biết, chắc bọn ta bị đuổi khỏi nhà. Tôi chấp hành nghiêm chỉnh, ngày hai buổi vác giấy bút đi từng nhà có người già, đề nghị các cụ hát dân ca, đọc thơ, ca dao, kể chuyện dân gian, còn mình cắm cúi ghi ghi chép chép.

Ngày hai bữa, ăn nhà bác Sửu, bác tài trợ tất, nhà có gì ăn nấy, cơm no hơn cơm sinh viên bếp của anh Nghề KTX Mễ Trì, thức ăn cũng nhiều rau cỏ cá tôm hơn. Có hôm hợp tác xã thịt con trâu què, bác Sửu đem hơn ký thịt trâu về xào rau cần đãi hai anh em, ngon quắt tai. Cứ nhớ mãi bữa thịt trâu mùa đông năm 1974 ấy trong cái thời sinh viên khốn khó, thèm nhạt. Tho thỉnh thoảng rủ tôi nấu cơm, xuống bếp ngồi cho ấm. Tôi mau mắn giúp rửa rau, vo gạo, còn việc đun nấu thì Tho giành tất, chỉ cho ngồi chầu rìa, chuyện gì hay thì kể. Có hôm buổi tối nàng luộc khoai cho cả nhà ăn thêm, tôi đang ngồi bàn việc ngày mai với anh Sơn, nghe Tho ới một tiếng, bảo xuống bếp cho ấm, tôi ngần ngừ liếc anh Sơn rồi vụt xuống bếp. Đồng chí chính ủy Sơn hừ một tiếng, lườm đe, kiểu rằng chú liệu hồn. Sau này khi trở về trường, chính ủy bảo tôi nhìn là biết con Tho nó thích chú, tôi mà không ráo riết chặn thì chú toi ngay. Quả thật tối luộc khoai ấy cô em cứ đỏ mặt định nói gì, còn tôi thỉnh thoảng lại nghe chính ủy dặng hắng trên nhà nên câm như hến. Khoai chín, dỡ ra rổ bưng lên nhà, không kịp nói với nhau câu nào nữa. Cũng chả biết nên cảm ơn bác Sơn hay oán bác ấy.

Được Tho giao nhiệm vụ rửa rau, vo gạo nên tôi khiếp. Cái ao cạnh nhà bác Sửu rất rộng, mấy gia đình khác ở bờ bên kia. Cũng không hỏi là ao chung hay của riêng nhà nào. Phía bên bác Sửu chỉ có cầu ao và cây vối, còn phía bên kia có cả mấy cây cầu tre quây cót hoặc giấy dầu phía trên. Bên này rửa rau, bên kia cũng rửa rau vo gạo nhưng cả… nuôi cá nữa. Tôi bê rổ rau về kể với Tho, eo ôi kinh quá. Cô nàng cười phá lên, cầu ao nhà mình chỉ để rửa chân thôi, chứ rửa rau vo gạo thì ra cái giếng sau bể nước kia kìa. Tôi liền thắc mắc vậy thì quê mình là xứ cầu tõm hở, Tho bảo không phải, Mỹ Lộc không phải vùng cầu tõm, chỉ vài nhà tõm thôi, bây giờ giếng nhiều rồi. Cầu tõm bên đất Hà Nam cơ, mạn Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên…, anh đừng nói xấu quê em như thế.

Cũng ở miền Bắc những năm ấy, các khu tập thể dù cao 3, 4 tầng nhưng mỗi tầng chỉ có một phòng vệ sinh chung, nằm giữa dãy hoặc cuối dãy. Mà phòng toa lét công cộng đó cũng chẳng mấy khi hoạt động bởi nước không lên tới tận nơi nên dần dần nó bị chiếm dụng biến thành nơi ở. Dạo đám sinh viên chúng tôi ở nhà C2 ký túc xá Mễ Trì, nhà vệ sinh chỉ đơn giản là nhà tắm chứ không dùng cho vệ sinh tiêu tiểu. Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) cùng khóa K17 là học sinh miền Nam nên được ưu tiên ở hẳn căn phòng vệ sinh không có nước trên tầng 4. Y trải chiếu ngủ trên nóc phòng tắm, sách vở, va li bày trên bệ tắm bằng xi moong. Một lần thằng Tửu rủ tôi lên chơi với y. Y sống khép kín, học chữ nho (ngành Hán Nôm), nên chả thích chơi với đám đông. Tay này kỳ tài, đọc gì nhớ nấy, chỉ đọc một lần là thuộc, Tửu bảo chả khác gì Trương Tùng, Dương Tu trong truyện Tam quốc. Hôm ấy y đọc cho hai thằng tôi nghe bài “Tiếng địch sông Ô” của thi sĩ Phạm Huy Thông, dài dằng dặc, không sót một chữ, kể cả câu đề từ. Tôi nghe mà phát khiếp, phục lăn. Nhưng khiếp nhất là y kiếm đâu ra cái đầu lâu trắng hếu để ngay ngắn trên tấm gỗ dùng làm bàn học. Hai hốc mắt thò lõ, kinh chết đi được. Nhiều chục năm sau này, cùng Tửu tới thăm nhà y ở Sài Gòn, tôi nhắc lại điều ấy, y chỉ cười, còn Tửu bảo những thằng kỳ tài thì thường dị nhân như vậy.

Do nhà vệ sinh không có tác dụng, lại bị phân cho đối tượng chính sách như ông Thanh nên tất tật thầy cô giáo lẫn sinh viên “khi có nhu cầu” đều phải tụt xuống đất lội bộ ra khu nhà vệ sinh được xây tách biệt cách xa nhà ở. Đó là dãy cầu tiêu khoảng 2 chục “căn” liền nhau, chia nam riêng nữ riêng, ở góc giáp lối đường vào trường dân tộc trung ương. Đầy chuyện dở khóc dở cười xung quanh cơ chế vệ sinh này. Khổ nhất là thầy trò gặp nhau trên đường hành quân. Chính vì thế, nhiều đứa tinh ranh láu lỉnh phải dậy thật sớm, hoặc đợi tối mịt mới dám hành sự, tránh sự quá tải, gặp gỡ. Vậy nhưng đâu phải chỉ có mình nó thông minh sáng suốt như thế. Cứ nghĩ cảnh xếp hàng nôn nao chờ đợi một cái cửa “căn” nào bật mở để dấn bước tới tranh giành mà vẫn cảm thấy rùng mình. Sao cái kiếp con người lại khốn nạn khổ sở thế không biết. Sao con người ta lại chịu đựng được những sự kinh khủng như vậy.

Thời bao cấp, người ta truyền nhau truyện tiếu lâm, có tay kiến trúc sư thiết kế nhà cao tầng, các căn hộ không có nhà vệ sinh. Hỏi vặn tại sao, y cười bảo rằng nếu công nhân viên ở thì cần gì nhà vệ sinh bởi họ có quái gì ăn đâu mà vệ sinh vệ siếc, còn cán bộ ở thì cũng chẳng cần nhà vệ sinh bởi họ ỉa trên đầu nhau rồi… Biết là bịa, nhưng quả thật xót xa cho một thời.

Nhắc chuyện vệ sinh mà không đả động gì tới giấy phục vụ nhu cầu vệ sinh quả là thiếu sót. Bây giờ đủ loại giấy mềm mịn, trắng tinh, thậm chí còn có mùi thơm, vẽ hoa văn, hình ảnh bắt mắt. Giấy chỉ chuyên dùng cho đi cầu, nhưng nó đạt chuẩn vệ sinh cao cấp tới nỗi nhiều quán xá, nhất là quán ăn vỉa hè mặc nhiên coi là giấy… ăn, dùng để lau bát đũa, lau mồm. Nhiều lúc dòm cái quán phở, quán hủ tiếu, bún bò người ta vứt ngổn ngang “giấy ăn” dưới đất, cũng kinh kinh, tự dưng có cảm giác không phải đang bước vào hàng ăn mà là… chỗ khác.

Chê thế thôi, chứ ngày xưa làm gì có giấy vệ sinh “đặc dụng”mà chê. Đã có thời, những tờ báo của nhà nước, nhất là báo Nhân Dân, sau khi đọc xong còn được giữ lại như của quý, để dành dùng khi hành sự. Làm gì có chuyện báo đem bán ve chai, cân ký đồng nát như bây giờ. Chỉ cán bộ mới có loại giấy “cao cấp” ấy, chứ phần đông dân chúng dùng giấy vở học trò. Sau năm 1975 người ta đem ra miền Bắc không chỉ tivi, tủ lạnh, xe máy, xe đạp mà cả những cuộn giấy vệ sinh do nhà máy ở miền Nam sản xuất, thì dân Bắc mới biết thế nào là sự văn minh trong vấn đề vệ sinh. Rất nhiều thứ hàng hóa cực kỳ bình dân, đơn giản, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày nhưng với người Bắc lại vô cùng xa lạ. Ngẫm lại, thấy rất buồn.

Mà thôi, chuyện đã qua rồi, buồn cũng chẳng thay đổi được gì. Nhắc chuyện vệ sinh cũng chỉ gợn lại một thời đã qua, ai chưa biết thì biết, không biết cũng chả sao. Bất giác nhớ bài đồng dao rất tếu táo hồi trẻ thơ, cũng không hiểu vì sao lại thuộc, nhưng hầu như đứa con nít nào thế hệ chúng tôi cũng thuộc. Nó bậy bạ nhưng buồn cười lắm. Lần ấy, dẫn đầu đám con nít đánh dậm chúng tôi kéo nhau lên cánh đồng xã Đại Hà, lão Xuyến con ông Thám vừa đi vừa hát “Một phát rắm bằng nghìn viên thuốc bổ, bằng một rổ quế chi, bằng một ly cam thảo, bằng một sảo táo tầu, bằng một bầu rượu ngọt, bằng một sọt cá tươi. Tôi xin các bạn đừng cười, để tôi đánh rắm cho đời nở hoa”, cả đám vừa đi vừa cười hô hố, mấy bà Tú Đôi đi chợ nhìn lắc đầu, chắc bọn đánh dậm kia bị điên.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét