Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Chuyện giun sán (kỳ 2)

Như đã biên trong bài trước, trẻ con ở miền Bắc, nhất là đám sống vùng nông thôn, thời hợp tác xã nông nghiệp, rồi những năm chiến tranh và bao cấp, chả mấy đứa thoát khỏi “nạn” giun sán. Điều kiện vật chất khổ sở thiếu thốn như thế, ăn uống lại không hợp vệ sinh, tránh đằng trời cũng không thoát khỏi bọn ký sinh trùng này. Bệnh giun sán phổ cập, đại trà tới mức không biết sợ nữa, mà cũng chẳng kinh, giống như “sống chung với lũ” bây giờ vậy.

Thời ấy có câu thành ngữ “bụng ỏng đít beo”. Đại loại đứa nào cái bụng to tròn nhưng người xanh như tàu lá quắt queo, nhất là cái mông (đít beo, đáng nhẽ phải nói là đít teo mới chính xác), không cần dắt tới bác sĩ, ai cũng biết nó bị giun hành. Người lớn, rồi nhà trường, các thầy cô giáo đều luôn nhắc nhở, dạy bọn trẻ phải ăn chín uống sôi, phải sạch sẽ nhưng chả mấy đứa thực hiện được. Khi đói là căn bệnh kinh niên thì giun sán chẳng là cái đinh gì.

Tôi lại nhớ bài học hồi lớp 1. Sau thời gian hơn 1 năm mài ghế 2 lớp vỡ lòng và tập chép thì thằng bé con như tôi cũng như biết bao đứa cùng độ tuổi lên 6 được “tuyển thẳng” vào lớp 1. Đã đọc thông viết thạo cả rồi, sách tập đọc (hồi ấy người ta gọi sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 như vậy) có những bài tương đối dài, không như sách Tiếng Việt của các cháu lớp 1 hệ 12 năm bây giờ chỉ dạy đánh vần. Có một bài rất khó quên, đại loại “Mẹ đi chợ về mua cho anh em Tý hai cái bắp ngô luộc. Em định ăn ngay. Tý thấy vậy bảo chúng ta đi rửa tay rồi hãy ăn, nếu không vi trùng theo đồ ăn vào miệng sinh ra nhiều bệnh tật”. Trong bài chả có chữ giun sán nào nhưng hình vẽ kèm theo thì có những con giun con sán trông rất khiếp. Sách học hồi xưa có những bài dạy về luân lý, đạo đức, lối sống, vệ sinh, cách ăn ở, v.v… rất giản dị mà thấm.

Cũng cần nói thêm, thế hệ sinh ra những năm nửa cuối thập niên 50 đến vài chục năm về sau đều biết cu Tý. Nó là nhân vật chính trong sách vỡ lòng, lớp 1, lớp 2. Tý đi xem xiếc, xiếc làm trò tài quá, có chị vừa phi ngựa vừa gảy đàn. Bố Tý làm công nhân/Ở bến tàu khuân vác/Vừa làm lại vừa hát/trong buổi sáng mùa xuân. Chú Kim đua xe đạp, chú đạp giỏi quá, Tý hoan hô chú Kim. Lứa học trò xưa, hình như đứa nào cũng tìm thấy bóng dáng mình trong thằng cu Tý hiền lành chất phác dễ thương.

Cũng nhân chuyện cu Tý khuyên em rửa tay sạch hãy ăn quà, chợt nhớ về một thời thật khó quên với bọn trẻ nghèo. Những bà mẹ đi chợ, khi về thường mua quà cho con. Còn con ở nhà, cứ đứng lên ngồi xuống mong ngóng mẹ về, thực ra ngóng mẹ thì ít mà ngóng quà thì nhiều. Quà thường chả phải thứ bánh trái đắt đỏ gì, có khi chỉ là đẵn mía, gói củ ấu, củ sắn luộc, củ đậu, bắp ngô, quả chuối, con tò he nặn bằng bột xanh đỏ, thậm chí quả dưa chuột. Sang lắm thì có đôi lúc được cái bánh phong (giống như bánh in ở miền Nam), vài chiếc kẹo bột. Thế thôi nhưng quý lắm. Hằng ngày chỉ trần sì hai bữa cơm, không có khái niệm ăn điểm tâm (sáng) hoặc lót dạ (tối). Quà mẹ mua từ chợ chính là sự bổ sung khẩu phần calo cần thiết cho những đứa trẻ luôn thèm thuồng mọi thứ. Hôm nào bu đi chợ, tôi cảm thấy sao buổi sáng dài thế, chốc chốc lại ngó coi bóng nắng trên sân, dòm lên con đường từ huyện về xem bu đi tới đâu rồi. Cái câu người ta thường quen miệng “ngóng như ngóng mẹ về chợ” đã ghi lại hình ảnh, dấu ấn của một chặng đường xã hội chưa xa, bây giờ nói ra bọn trẻ phần lớn không hình dung được, có lẽ sau này chỉ còn trong từ điển.

Nhân tiện nhắc tới những bài học liên quan đến chủ đề vệ sinh, chắc nhiều bác thế hệ thập niên 50 – 60 còn nhớ một bài thơ rất ghê, sau này chúng tôi hay đùa rằng viết theo phong cách chủ nghĩa hiện thực trần trụi. Lạ là thứ thơ tuyên truyền ấy lại vào sách giáo khoa để dạy trẻ con. Thơ rằng: “Con ruồi đậu ở chuồng phân/Rồi bay đến đậu thức ăn thức dùng/Mang theo bao giống vi trùng/Sinh nhiều bệnh tật vô cùng nguy nan/Thức ăn phải đậy lồng bàn”. Nó là dạng thơ Bút Tre, nôm na, thô thiển, nhưng phải công nhận dễ hiểu. Khi dạy bài này, các thầy cô giáo giác ngộ cho bọn học trò thò lò mũi xanh biết nguyên nhân truyền bệnh giun sán bởi con ruồi, nó dính ấu trùng giun sán ở chân, nó lại đậu lên mâm cơm, đĩa xôi, miếng thịt, ai ăn thứ ấy trứng giun sẽ nở trong bụng, rồi đầy bụng giun. Nhớ phải đậy lồng bàn nghe các em. Đứa nào nghe cũng rùng mình, chả cần thầy nhắc thêm, đều nghĩ ngay nhà mình chưa có lồng bàn, phải chặt cây tre chẻ nan đan ngay một cái mới được.

Nhớ hồi ông anh tôi khi hoàn thành nhiệm vụ của bên thắng cuộc, năm 1975 được giải ngũ về đi học. Thi đạt điểm cao, anh tôi được chọn sang Liên Xô. Những năm ấy có câu thành ngữ "Sướng như đi Liên Xô", chẳng hạn vợ hỏi chồng anh ơi có sướng không, chồng bảo sướng như đi Liên Xô. Sau này anh kể rằng tuy mấy nước xã hội chủ nghĩa chưa giàu có gì lắm nhưng so với Việt Nam ta thì một trời một vực. Quân lưu học sinh ta sang đó (Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary…) việc quan trọng đầu tiên không phải là học tiếng mà là xổ giun. Bọn Tây xã hội chủ nghĩa bảo chúng mày ở bẩn bỏ mẹ, thằng nào cũng đầy bụng giun, nếu xổ không ra thì chúng tao đuổi về. Nhiều lúc nghe nó chửi cũng ngượng nhưng chúng nó nói đúng. Trông ăn mặc đẹp đẽ com lê cà vạt thế kia nhưng bên trong người đầy giun. Đó cũng là hậu quả của sự thiếu thốn, đói khổ, và liều. Chắc nhiều người còn nhớ câu ca phổ biến thời đó “Việt Nam dân tộc cần cù/Thịt rơi xuống đất thổi phù ăn ngay”, giun cũng chẳng sợ. Mỹ còn không sợ, giun là cái thớ gì.

Nghe ông anh kể thì biết thế thôi chứ ở quê nhà tẩy giun dễ ợt. Cách phổ biến nhất và rẻ tiền nhất là dùng hạt cau khô. Bu tôi ăn trầu, hạt cau sẵn lắm, lúc nào cũng đầy một lọ. Lấy hạt cau khô tán nhỏ thành bột, hoặc sắc trong nước thật kỹ, sau đó nhịn đói uống thứ bột hoặc nước sền sệt ấy, bọn giun đũa, giun kim, sán dây cứ lũ lượt ra hàng, chả khác gì Tây ở Điện Biên. Nhưng dùng loại thuốc nam này cũng hơi ghê bởi có lần tôi nghe chúng nó kể mấy đứa con ông Nam lùn uống hạt cau bị say suýt chết. Thày tôi bảo hạt cau có chất kích thích, dùng nhiều quá sẽ gây hại.

Để trị giun cho trẻ con, các hiệu thuốc thường bán loại thuốc viên có tên thuốc giun quả núi. Gọi vậy bởi người ta chế nó to bằng đầu ngón tay, hình chóp nhọn giống quả núi, uống rất ngọt. Tôi thích uống viên quả núi này, không phải để trị giun sán mà bởi nó thay kẹo. Cứ mỗi lần hiệu thuốc của chú Bưng nhận hàng mới về, tôi lại xăng xái bưng bê giúp, thế nào cũng được chú đãi một viên giun quả núi. Kẹo bánh đồ ngọt hiếm, ít khi được ăn, thì lấy thuốc giun thế vào vậy.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Ngày nào cũng vào đọc Thông cào55. Không có bài mới thì đọc các trang thân hữu với chủ trang. Nhân bài này, góp vài ý, mong có thể giúp chút lợi ích cho bạn đọc:
    +Vận dụng thời sinh học vào trị giun thì hiệu quả và an toàn hơn. Giun đũa, giun kim sanh đẻ theo chu kỳ tròn trăng-14, rằm, 16 âm lịch mỗi tháng. Chúng rất thèm ô xy để bảo vệ trứng. Vùng có ô xy là gần ngoài hậu môn hoặc ngoài hậu môn. Trăng tròn, trẻ con ngủ thường ngứa hậu môn vì giun kim chui ra ngoài để đẻ.
    Thậm chí, đẻ xong đi vào, không theo đường xưa lối cũ mà nhầm lối âm đạo bé gái, gây viêm loét. Trăng tròn, giun đũa quay đầu xuống. Uống thuốc giun vào thời điểm này thì an toàn. Giun đũa thấm thuốc, đầu chúc xuống nên chạy hướng đường ruột để ra hậu môn. Không chạy lung tung như chui ống dẫn mật...nguy hiểm. Thuốc xổ giun thường chiết xuất ở hạt bí đỏ, hạt keo, lớp vỏ xanh mỏng cây xoan (sầu đông) để có levamisol. Ascaris là tên gọi loài ký sinh này. Tên thuốc levaris là diệt giun bằng levamisol hoặc décaris là diệt giun. Trong các loài giun, sán thì diệt giun móc, sán dây là vô cùng khó khăn. Giun móc thì cực nhỏ, miệng ngoặm sâu vào thành ruột, bài tiết ra chất chống đông máu. Chỗ ngoặm, máu không ra nhiều nhưng xảy ra xuất huyết trường diễn. Người bệnh xanh xao, gầy yếu. Xổ sán dây phải ngồi trên chậu nước ấm. Khi ra khỏi môi trường ruột, sán vẫn thấy ấm, tiếp tục chui ra. Nếu thấy khác thường thì tự đứt dăm ba đốt đã ra. Con nguyên thân thì nằm lại. hân chào mọi người!

    Trả lờiXóa