Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Chuyện giun sán

Không ít bạn bè chân tình “mắng” tôi, này, dạo ni hết việc hoặc đầu óc lú lẫn u mê hay sao mà viết gì không viết, lại đi viết chuyện nước mắm, phân bón, nuôi lợn, khoai lang... Họ còn khuyên, đời đầy những cái hay cái đẹp, nhân vật điển hình, tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình (ấy là họ gợi lại thời xưa học văn, đứa học trò nào cũng phải thuộc lòng thứ lý luận về điển hình khi phân tích cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa), sao không nhắc tới, chứ toàn biên cái đâu đâu. Tự dưng tôi đâm ra nghi ngờ mình, hay là mình “có vấn đề” thật.

Nghĩ mãi, đắn đo mãi, đêm nằm vắt tay lên trán cố tìm cái hay cái đẹp để mai viết, cũng tòi được vài thứ, mà vẫn sường sượng thế nào. Hay tạng mình chỉ hợp với những vụn vặt tầm phào đời thường, những chuyện xưa tích cũ, những món bình dân, hay mình chưa theo kịp thời đại. Trong lúc chưa giác ngộ, chuyển mình kịp, thôi thì “nghĩ gì ghi nấy” để khỏi đứt đoạn.

Suốt mấy tuần nay, nói không quá đáng, cả nước lo lắng chuyện… giun sán. Ban đầu chỉ mấy chục học trò ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (vùng đất Kinh Bắc thơ mộng ngày xưa) ăn cơm trong nhà trường, nhiễm ấu trùng sán. Từ vài chục em, lên tới hàng trăm, rồi vọt hàng nghìn, chả biết kết quả “dương tính” có nhiễm thật không nhưng báo chí xớn xác vào cuộc, cả nước lo âu. Con sán bỗng dưng được quan tâm đặc biệt, thậm chí còn gây chú ý hơn vụ lùm xùm ở chùa Ba Vàng, hay vụ dịch tả lợn châu Phi. Cũng là một dạng “nhân vật” điển hình trong hoàn cảnh điển hình, khiến xã hội tốn bao nhiêu là chất xám, giấy mực.


Hồi tôi còn bé, sống ở nhà quê miền Bắc, cuộc sống nông thôn nghèo khó, vất vả, thiếu thốn nên vấn đề “vệ sinh”, chả nói giấu, không được tốt lắm. Những bệnh chốc đầu, chấy rận, ghẻ lở hắc lào, toét mắt, thò lò mũi xanh, bụng ỏng… là thường xuyên. Đứa nào cũng mắc, cũng bị. Tắm rửa, tinh tắm kênh tắm cừ, có hôm nước đục ngầu cũng thi nhau lặn ngụp, chán chê lại mặc cái quần đùi ướt ấy chạy khắp nơi, khô lúc nào không biết. Ăn mới khiếp, cái gì thấy ăn được là bỏ vào mồm. Ra đồng gặp lúa đòng đòng, lén ngồi sụp xuống bờ tuốt đòng đòng nhai ngấu nghiến. Hạt thóc non ngậm sữa, sao mà ngon ngọt mềm đến thế, ăn no căng bụng. Đi bới khoai lang, chọn củ vừa mắt, rửa qua loa bằng nước dõng khoai, có khi chỉ chùi sơ sơ vạt áo, rồi xơi sống ngay. Nông thôn miền Bắc hồi xưa có cụm từ “ăn khoai sống”. Đám trẻ con đói quanh năm nhìn quanh quất chỗ nào cũng thấy “đặc sản”, ăn được tất. Thỉnh thoảng tôi kể cho bọn trẻ trong nhà nghe, ngày xưa tao ăn nhiều món “đặc sản” lắm, nào quả vối, quả sung, quả sắn, quả mây, quả thèn đen, quả bom bóp, quả rau muống, mút mật hoa dong riềng, v.v.., chứ đâu như chúng bay bây giờ chỉ quanh quẩn táo, lê, xoài, nho. Chúng trố mắt lên, tị nạnh ngày xưa bố sướng thật, đâu khổ như chúng con chúng cháu, chế thèm chết nhạt cũng chả kiếm đâu ra thèn đen, bom bóp…

Ăn uống tầm bậy tầm bạ, linh ta linh tinh, bẩn thỉu nên trăm đứa thì hơn 99 đứa bị bụng giun. Tức là chỉ cái bụng căng tròn, còn người thì gầy như que củi. Đứa nào bị sán còn ghê nữa, da xanh lét. Cơm đã chẳng no, thức ăn đạm bạc, nạp được bao nhiêu vào người, cúng cho bọn giun sán hết cả. Nhiều khi nghĩ, cái mồm mình, bản thân mình chỉ là thứ công cụ phục vụ bọn giun sán bóc lột, mình ăn đâu phải cho mình mà cho chúng nó.

Trong mấy con thù địch ở nông thôn hồi xưa, tôi ghét nhất 3 giống: đỉa, muỗi, giun sán. Sở dĩ con đỉa bị xếp hàng đầu bản cáo trạng bởi thằng này đã hút quá nhiều máu của nông dân, trong đó có tôi. Và trâu bò cũng thành “nạn nhân” (đúng ra thì phải dùng chữ nạn ngưu) của nó. Bọn đỉa rất quái. Chúng thường nằm im một chỗ, khi nước bị rung động chúng mới bơi ra bởi biết thế nào cũng có mồi. Đỉa săn mồi bằng đánh hơi, hễ hơi người hoặc hơi trâu bò ở gần là chúng lao tới, cái giác của nó bập vào da thì có mà trời kéo. Nhiều con đỉa hút máu no tròn mà vẫn tham không chịu nhả buông khỏi mồi, hình như để tiêu hóa máu xong lại hút tiếp. Những con đỉa trâu bám vào chân trâu, bụng trâu, no tròn lủng lẳng trông phát khiếp. Đám bạn tôi đi tắm kênh máng gần núi Trà, có thằng bị đỉa chui vào mũi, con chết tiệt cứ nằm trong mũi hút máu, mấy ngày mới biết, mới khều ra được. Anh tôi có lần căng con đỉa trên đường, lấy hai chiếc gai bòng ghim hai đầu, phơi nắng cho nó khô, cứ tưởng nó chết, ai ngờ vứt xuống nước nó lại sống. Chặt làm mấy khúc, nó vẫn sống. Chả thế mà người ta bảo “sống dai như đỉa”. Để trị đỉa, mấy bà thợ cấy (thường bị đỉa bám nhất), ông thợ cày bừa, và đám trẻ con đánh dậm chúng tôi, ngoài quấn xà cạp (một miếng vải diềm bâu dài quấn quanh chân), thường chặt một đoạn ống dùng hoặc lấy ống sữa bò, đổ nước điếu, vôi, ớt vào trộn đều, xỏ chiếc quai đeo bên người. Gặp con đỉa nào kéo mãi không ra liền lấy que nhúng thứ dung dịch ghê gớm kia chậm vào giác nó, nó vội nhả ngay. Bây giờ, làm ruộng nhàn hơn, máy móc thay người, vả lại đỉa cũng ít, có nơi tiệt hẳn, hay là phun thuốc trừ sâu nhiều quá, sống dai như đỉa cũng không chịu nổi.

Xếp hàng bị ghét thứ hai là bọn muỗi. Hồi xưa nhà tranh vách đất mái rạ, lè tè, ẩm thấp, xung quanh vườn cây cối rậm rạp, ao tù đọng…, đó là môi trường lý tưởng của muỗi. Đi ngủ đương nhiên phải nằm màn (mùng), nhưng học bài ở góc học tập thì đến khổ với nó. Đập phành phạch mãi chúng cứ lăn xả vào, tôi bèn lôi đèn vào trong màn làm nốt bài tập. Thầy Bài dạy môn hình học chuyên ra bài tập khó, mà tôi dốt toán, cắn bút nghĩ mãi không ra. Lơ mơ, lơ mơ nghĩ, rồi ngủ quên. Đang chập chờn, nghe bu tôi la “cháy màn”, hóa ra đèn dầu đổ, cháy luôn một góc màn. Màn sợi bông, cháy nhanh lắm. Trốn được con muỗi nhưng cháy mất cái màn, suýt bị bỏng. Từ bấy bu tôi cấm tiệt, bao giờ học xong thì tắt đèn đi ngủ, không tái diễn trò học trong màn nữa.

Trẻ con xưa, hầu như đứa nào cũng biết soi muỗi. Thả màn xong rồi, vẫn bị đám muỗi tinh ranh chui vào. Không biết chúng lọt vô bằng lối chi. Anh tôi giải thích, có những con nhập màn từ hôm trước, mình vắt màn lên không để ý, nó đậu trong màn cả ngày, tới tối khi mình thả màn nó lại bay ra. Lấy chiếc đèn dầu, đưa lại gần con muỗi đang bám vách màn, chao nhẹ lỗ bóng đèn chỗ con muỗi, nó bay trúng ngay ngọn lửa chết luôn. Nhiều hôm chỉ một màn nhưng chục con muỗi làm mồi cho bà hỏa, phủ kín trong đèn. Đêm nào cũng vậy, thành thói quen, lâu lại hỏi nhau “hôm nay soi muỗi chửa”, gớm, chưa soi có mà ngủ yên với chúng nó.

Hồi học lớp 2, sách tập đọc có 2 bài thơ về muỗi. Một bài rằng “Đêm khuya hóng mát ngoài hiên/Có anh bạn Tú ngủ quên mắc màn/Họ nhà muỗi rủ nhau sang/Giương vòi ra đốt anh mang bệnh liền/Thế rồi sốt rét liên miên”. Bài kia còn tếu hơn, dạng lời tự sự của… con muỗi: “Em là muỗi a nô phen/Vì anh không biết em bèn xưng tên/Tính em vốn thích ban đêm/Đến khi nhập nhoạng lên đèn bay ra/Hồ ao nước đọng là nhà/Thích vào bụi rậm bay ra xó vườn/Khi bay em rất nhẹ nhàng/Không kêu như chị muỗi thường ấy đâu/Khi em đốt chẳng thấy đau/Chúc đầu chổng vó đằng sau lên trời/Em thích gần các anh lười/Ngủ màn không mắc em thời đốt ngay/Rồi a anh sốt có ngày”. Cả hai thi phẩm này, tôi chịu không nhớ tên tác giả. Thứ “thơ thẩn” chỉ nhằm chốt lại lời khuyên: ngủ phải mắc màn kẻo muỗi đốt. Giá cứ nói toẹt ngắn gọn vậy lại hay hơn, rườm rà thơ phú làm chi bắt con người ta phải thuộc tới giờ.

Tên tội đồ thứ ba là giun sán. Kể về nó, cáo trạng chắc cũng khá dài. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Ôi những kỉ niệm quả thật nếu ông không viết lại chúng tôi dân Bắc ai mà chả như ông .Cảm ơn ông.

    Trả lờiXóa
  2. Hồi bé mình nhiều giun quá, đang đi học về bị giun nó bò ra từ trong quần. Về nhà kể cho mẹ, mẹ sợ quá phải tẩy giun cho mình gấp. Hồi bé tẩy giun toàn ra giun to, sợ không dám đi vệ sinh

    Trả lờiXóa