Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Chuyện đặc công (phần 2)

Những năm chiến tranh, bộ đội đặc công được huấn luyện ở miền Bắc nhưng lại chủ yếu chiến đấu ở miền Nam. Chiến trường miền Bắc chỉ dành cho lính phòng không (cao xạ, tên lửa) và hải quân. Cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt kéo dài ngốn biết bao nhiêu sinh mạng. Lính bộ binh bình thường, được huấn luyện vài tháng ở vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh) hoặc Bắc Giang (Hà Bắc)... là được lệnh hành quân vào Nam. Ông anh ruột tôi cũng vậy, tháng 10.1969 nhập ngũ, sau tết ta Kỷ Dậu đã đánh thư nhắn về báo rằng sắp lên đường ra trận. Cả nhà non chục người đèo nhau xe đạp vượt gần 7 chục cây số từ Hải Phòng lên Yên Tử, gặp gỡ trò chuyện được chưa đầy tiếng đồng hồ lại lếch thếch đèo nhau về để anh tôi vào nghỉ ngơi, sáng mai hành quân sớm. Một ông anh họ, ông Ngô Duy Điệng hành quân vào Nam sau 3 tháng tập tành, mới tới Hà Tĩnh đã bị đánh bom và hy sinh. Nhưng đặc công thì khác, luyện tập, rèn giũa, thử thách rất kinh. Thạo sử dụng các loại vũ khí, súng đạn, dao găm, mìn, kìm cắt dây thép gai, hóa trang, bơi lặn, và đặc biệt võ nghệ cao cường. Ấy là tôi được nghe chú Xích cắt tóc kể vậy. Chú vào bộ đội đặc công được mấy năm nhưng bị yếu sức thế nào nên bị trả về. Hình như để có một chiến binh đặc công ra trò, thời gian huấn luyện và sự công phu chỉ kém đào tạo phi công lái Mig 17, Mig 21.

Thời thập niên 60 – 70, những bản tin chiến thắng thỉnh thoảng nhắc đến các trận đánh vào cứ điểm, kho tàng, trại lính của quân đội Mỹ hoặc Sài Gòn, chủ yếu là bằng đánh kiểu đặc công. Kể từ trận đánh căn cứ Núi Thành của quân đội Mỹ năm 1965, danh tiếng bộ đội đặc công ngày càng vang dội. Báo Nhân Dân, rồi đài Tiếng nói Việt Nam nhắc đi nhắc lại trận Núi Thành. Tôi còn nhớ có bài thơ, “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành”, hình như của ông Phạm Hổ (anh trai nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ), được đưa vào sách Trích giảng văn học lớp 10, viết ca ngợi ghê lắm, đại loại “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành/Mắt tìm thù sao bay rực rỡ/Rượt đuổi thù chân như chiến mã/Đâm chết thù sức núi dồn tay”… Thời ấy, thơ văn sắt máu như vậy được tuyên giáo của ông Tố Hữu xếp vào hạng 1, bởi ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tôi đọc nó từ năm 1970, nhớ mãi tới bây giờ. Cũng kinh. Thì còn cái gì cho mình đọc nữa đâu. Rặt một món, ngán cũng phải nuốt.

Để giấu hành tung của đặc công, các bản tin chỉ nói đó là do bộ đội địa phương đánh, mãi về sau, khi không cần giấu nữa thì người ta công khai bộ đội đặc công. Quân Mỹ trận Núi Thành ấy khá đau, chết hơn trăm lính, tinh bị đâm bằng dao găm, lưỡi lê. Quân Bắc Việt không thấy nói thiệt hại bao nhiêu. Mà có thiệt có chết cũng chả thể biết bởi đài báo nhà nước chỉ có nhiệm vụ loan truyền tin chiến thắng. Khẩu hiệu “trăm trận trăm thắng”, “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” dán đầy trên tường thì làm gì có thua. Những trận thua bị giấu biệt. Sau này, bạch hóa lịch sử chiến tranh, nhất là những trận đánh lớn, và khi tiến hành tìm hài cốt liệt sĩ, người ta mới biết quân cách mạng cũng thua quá nhiều. Chỉ riêng đồi A1 thời trận Điện Biên Phủ, bộ đội mất hơn vạn người. Mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972, quân giải phóng (chủ yếu là bộ đội Bắc Việt, đông nhất là lính trẻ sinh viên, học sinh lớp 10) hy sinh gần chục ngàn. Chỉ đánh một ngọn đồi Chư Tan Kra ở Tây Nguyên, trung đoàn mũ sắt toàn lính Hà Nội mất hơn 200 người, trận đánh cứ điểm K’Nak cũng ở Tây Nguyên, quân ta hy sinh hơn 400, v.v.. Chiến tranh thật kinh khủng.

Sau đà trận Núi Thành, ở miền Bắc còn được nghe nhiều về những trận đặc công đánh kho xăng Nhà Bè, kho xăng dầu Thành Tuy Hạ, tổng kho Long Thành, cảng Cửa Việt, sân bay Biên Hòa, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn… Đều lừng lẫy, hiển hách, đài chiến thắng lót bằng máu xương, sự hy sinh của bộ đội đặc công.

Có một dạo, làng Trà Phương (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi là nơi đóng quân của một đơn vị cực kỳ danh tiếng: Lữ đoàn đặc công nước 126. Lữ đoàn này 2 lần được phong anh hùng, bản thân vị lữ trưởng là ông Mai Năng cũng anh hùng. Ông Năng người cùng huyện tôi, ông ở xã Ngũ Phúc (tôi không nhớ cụ thể thôn nào, Mai Dương, Nghi Dương hay Xuân Dương), nơi có đền Mõ nổi tiếng linh thiêng thờ bà công chúa Quỳnh Trân thời nhà Trần. Đơn vị ông Năng tiếp thu cái trận địa tên lửa Mả Đò, tuy đóng ở đó nhưng bộ đội của ông thường giao lưu với dân làng tôi. Nhiều “bác” đặc công nước đã thành rể làng. Ông Năng còn chỉ đạo đơn vị xây cho xã hẳn một ngôi trường mầm non khang trang bề thế, về sau dân làng quen gọi là trường 126, hoặc trường ông Năng. Các chàng rể làng đôi hồi kể rằng chính họ đã cùng thủ trưởng Năng chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi lặn ngụp đánh tàu ở Cửa Việt (Quảng Trị), nửa đêm bơi tàu đi giải phóng hầu hết các đảo ở Trường Sa để khỏi bị rơi vào tay Trung Quốc. Ở được vài năm, lữ 126 rút về căn cứ địa của họ bên Quảng Ninh, trận địa Mả Đò giờ đây hoang vắng tiêu điều, chỉ còn lại ngôi trường cho trẻ thơ, dấu ấn kỷ niệm của lính ông Năng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Ông Thông không kinh qua khổ ải của những người thế này mà tường tận ra trò, chỉ có điều ít người biết là kiểu đánh trận của lính này thì hầu như không có thương binh, vì đã bị thương thì coi như.....

    Trả lờiXóa