Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Chuyện cúng rằm

Cho tới bây giờ, xứ ta vẫn xài lịch Tàu, âm lịch, mặc dù lịch Tây phổ biến hơn, được áp dụng hằng ngày.

Âm lịch do người Trung Quốc căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện về thời tiết, khí hậu, đất đai, phong tục của họ để chế ra, nhưng khi nhà cai trị Tàu kéo xuống phương nam thì đem theo mọi thứ của họ, trong đó có lịch, bắt bản địa phải tuân phục. Điều khá may mắn là vùng miền bắc nước Việt có khí hậu gần giống bên Tàu, đủ cả 4 mùa xuân hạ thu đông nên dùng âm lịch cũng không bị chỏi lắm.
Điều dễ thấy nhất khi dùng âm lịch là người ta rất coi trọng ngày giữa tháng, còn gọi ngày rằm. Theo quan niệm phương đông, mặt trời đồng nghĩa với ban ngày, là dương, còn mặt trăng ban đêm, là âm. Người tây dùng lịch tính theo chu kỳ mặt trời, dương, nên chả chú ý tới rằm riếc gì, ngày nào cũng như ngày nào, nếu có hơi kiêng một tí thì họ chỉ quan tâm ngày 13 trong mọi tháng, liên quan tới Chúa chứ cũng không dính gì tới mặt trời, khí hậu. Ngày duy nhất trong suốt 12 tháng mà họ quan tâm là ngày 1 của tháng đầu năm, đó là tết năm mới, cũng chỉ nghỉ vui chơi ngày ấy rồi sau đó đi làm. Những ngày như lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh - Noel… chỉ liên quan tới người theo đạo Thiên chúa Jesus chứ không phải tất cả dân mắt xanh mũi lõ. Còn những lễ tình nhân, ha lô uyn… chỉ lẻ tẻ, không đáng kể. Ngẫm cứ đơn giản, gọn nhẹ thế mà lại sướng.
Phe xài âm lịch thì căn vào mặt trăng méo hay tròn mà đặt thành lễ thành tục. Mặt trăng khi mới xuất hiện bé tí những ngày đầu tháng được gọi là trăng thượng tuần (còn có tên khác là thượng huyền), những ngày cuối tháng thì hạ tuần (hạ huyền). Trăng thượng tuần trăng non, trăng hạ tuần trăng già trăng xế. Ca dao có câu “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”. Các cụ ngày xưa ý nhị, chơi chữ, bởi ta thường nói núi non vùng này, núi non vùng kia, thế mà chuyển phắt thành núi non (chưa già), rõ khéo tán tỉnh nhau, chứ như bọn trẻ bây giờ chỉ giỏi dùi đục chấm mắm cáy, chưa chi đã... đã...

Ngày giữa của mỗi tháng trăng được gọi trung tuần, là rằm. Từ tháng giêng tới tháng chạp, cứ ngày 15 hằng tháng đều rằm tất. Mở đầu là rằm tháng giêng, nguyên tiêu. Báo chí truyền thông bây giờ, rồi cả rất nhiều tổ chức, cơ quan nhà nước đàng hoàng, đã có sự nhầm lẫn về 2 loại lịch âm dương. Theo lịch dương, tháng được đánh số từ tháng 1 tới tháng 12, nhưng lịch âm lại bắt đầu từ tháng 10, tiếp theo là... một, chạp, giêng, hai, ba, tư… tới tháng 9, kết thúc một năm theo lịch ta. Nhiều người do ít hiểu biết cứ nhầm lẫn giữa tháng 1 dương lịch với tháng giêng âm lịch.
 
Trong bài trước tôi có nhắc, đoàn thanh niên có ngày kỷ niệm truyền thống sinh viên học sinh, theo dương lịch là 9.1. Nguyên do vào hôm ấy năm 1950 học sinh sinh viên Sài Gòn xuống đường bãi khóa, đấu tranh chống lại chính quyền tay sai Pháp, chịu sự đàn áp, anh Trần Văn Ơn học sing trường Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký), nay là trường Lê Hồng Phong, bị bắn chết. Từ đó giới trẻ còn đi học thuộc phe cách mạng lấy ngày 9.1 làm ngày truyền thống. Ở Sài Gòn hiện có đường phố mang tên Trần Văn Ơn, trường học Trần Văn Ơn. Tuy nhiên, mấy anh chị lãnh đạo đoàn thanh niên không hiểu lịch, lập ra thứ giải thưởng “Sao tháng giêng” để khen người đi học, trao vào ngày 9.1 dương lịch. Chắc họ nghĩ tháng 1 là tháng giêng. Tôi thời còn đi làm trong hệ thống đoàn hội, đã góp ý mấy lần, họ kệ, chẳng chịu sửa, tôi cũng chả buồn nhắc nữa.

Xài âm lịch nên trong năm có nhiều lễ tết lắm. Có thể kể ra đây, mở đầu là Tết Nguyên đán, bây giờ ta gọi là tết cổ truyền, nghĩa là do người xưa (cổ) truyền lại, to nhất trong năm. Cùng trong tháng giêng có Tết Nguyên tiêu, tết này vào đúng ngày rằm. Vừa mới ăn tết to xong, lại ăn ngay tết rằm này, kể cũng bận rộn bấn bíu phết. Sang tháng 3 có Tết Hàn thực (ăn thức ăn (thực) nguội lạnh (hàn), kiêng nấu nướng bếp núc củi lửa; Tết Thanh minh nhân dịp tiết Thanh minh, chủ yếu đi tảo (dọn dẹp) mộ. Sang tháng 5 thì Tết Đoan ngọ, vào ngày mùng 5, để giết sâu bọ. Tới tháng 7, lại đúng rằm là Tết Trung nguyên. Khi còn bé tôi đã nghe người nhớn bảo nhau “cả năm mới có một rằm tháng bảy”, tết này to lắm, chỉ kém Tết Nguyên đán, tổ chức ăn uống linh đình. Những nhà nghèo nhất ở nông thôn cũng phải cố soạn được mâm cơm cúng, bởi theo quan niệm xưa, đây là khoảng thời gian âm phủ xá tội vong nhân, phải có đồ cúng dâng để tổ tiên ông bà về ăn khi chính phủ dưới âm tạm nghỉ. Trần sao âm vậy, cũng phải cho cán bộ công nhân viên triều đình Diêm vương nghỉ xả hơi chứ. Sang tháng 8, Tết Trung thu cũng trùng vào ngày rằm. Ngay cái tên, trung thu tức là giữa (trung) mùa thu, đúng ngày trăng tròn thì ăn tết. Ban đầu tết này chỉ của trẻ con nhưng dần dà người nhớn lấn át, gạt tụi con nít ra ngoài rìa (chuyện này sẽ nói kỹ sau). Tháng 9, vào đúng ngày 9 luôn, có Tết Trùng cửu (tức là lặp hai số 9). Dân gian có chuyện chị vợ lính nhớ chồng ngoài biên ải, viết thư cho chồng vẽ hai con dê (con dê là số 9). Quan nghi có gì mờ ám, quát hỏi khai mau không thì chết đòn. Chị chàng run sợ thú thật, đó là nhà con thèm... ấy quá, hẹn chồng con tới tết trùng cửu ráng xin về để chúng con được... đánh chũm chọe (gần gũi nhau). Quan cười, có thế mà cũng giấu, thôi, để ta cho phép nó về vài ngày, tha hồ mà... đánh. Tháng 10 có Tết Trùng thập, hai số 10, tức là mùng 10 tháng 10. Tới tháng cuối cùng năm âm lịch, cứ tưởng hết các loại tết để chuẩn bị đón năm mới, ai dè vẫn còn Tết Táo quân, ngày 23 tháng chạp, còn gọi là cúng ông táo chầu giời. Nhiều người đùa bảo tết ông táo là tiền tết, tết nháp, tết tiền trạm. Vẫn chưa hết, tới tận ngày 30 tháng chạp còn phải có cái lễ trọng nữa, đón giao thừa, gọi tên chữ là trừ tịch, trừ (loại bỏ) hết năm cũ (tịch) để sang năm mới. Trừ tịch là thứ lễ tết riêng chứ hoàn toàn không gắn gì với Tết Nguyên đán như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.

Nói tóm lại, hầu như tất cả thứ lễ tết cổ truyền ấy đều do người Tàu bày vẽ, người xứ ta cứ thế làm theo, cả cái hợp lẫn cái không hợp. Mà không chỉ lịch pháp, lễ tết, cúng bái, còn có bao nhiêu cái khác nữa những năm sau này, kể cả thời cộng sản nắm quyền, thờ Mao chẳng hạn. Nó bảo cái cách ruộng đất thì cũng cải cách, nó bảo tính tỷ lệ địa chủ theo cách của nó cũng tính răm rắp, nó bảo giết bà Năm cũng ngu si lôi bà Năm ra bắn, v.v.. Mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật. Cứ cắm đầu nghe theo, làm theo, còn hơn cả mê tín dị đoan, chả chịu xem xét loại trừ gì cả.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: