Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Huy Đức (kỳ 2)

Với ai chả biết, chứ riêng tôi, sự khoe mình là bạn của Huy Đức, có chơi với y, thì đó là trò lố, cú mượn lông công, dựa hơi mượn tiếng, chả hay ho. Mình chẳng là chi so với Huy Đức, dù thỉnh thoảng gặp nhau. Bạn danh tiếng của Huy Đức có hàng trăm hàng nghìn khắp trong nam ngoài bắc, mình là cái thá gì mà định chen vào chốn ấy.

Tôi vào đời bằng nghề dạy học. Dạy mãi đến… phát chán. Thực ra thập niên 80 có người này người kia rủ đi làm báo (báo Tuổi Trẻ, báo Tin Sáng) nhưng “lòng trẻ còn như cây lụa trắng”, quyết không bỏ nghề. Thời ấy, thỉnh thoảng người ta phát trên loa bài hát của cụ Nguyễn Văn Quỳ “Yêu đời bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu/Đời phơi phới vui, vui sách thơm thơm mùi giấy mới”. Năm 1982, tôi nói với anh Hồ Quang Hy làm ở báo Tuổi Trẻ khi anh rủ đào ngũ, em yêu nghề dạy lắm, em không đi đâu.

Người tính không bằng trời tính. Tới năm 1992 đói vàng mặt, tôi đành bỏ nghề đi làm thuê cho một công ty Hồng Kông. Năm 1996, công ty chuyển tới Thủ Đức, tôi đầu quân về báo Thanh Niên, chính thức tòng sự nghề báo, cái nghề đã đem cho mình nhiều niềm vui nỗi buồn. Giá như tôi nghe lời bác Hy thì còn về Tuổi Trẻ trước cả Huy Đức.

Thập niên 80, cái tên Huy Đức đã sớm vang. Bạn đọc trầm trồ những bài phóng sự, ghi chép, phỏng vấn của y. Nói không quá đáng, cái tên Huy Đức trở thành thứ thương hiệu của báo Tuổi Trẻ, hút người đọc. Đám dạy học chúng tôi cũng có chút ít chữ nghĩa, đọc những bài của Huy Đức, nể lăn. Thầy Nguyễn Văn Vy, thầy Nguyễn Thế Hùng đều học khóa 16 khoa văn Tổng hợp Hà Nội còn nắc nỏm thằng này tài, quá tài. Thày Hùng kể tài nhất là nó đi bộ đội về rồi chen ngang vào nghề báo chứ không tốt nghiệp đại học đại hiếc gì. Hình như cho tới giờ, Huy Đức vẫn không có mảnh thẻ tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng nào trong nước để lận lưng. Còn chuyện y tu nghiệp ở Mỹ, tự học tiếng Anh dùng được làu làu lại là chuyện khác.

Năm 1996, sau kỳ nghỉ lễ 30.4 tôi bắt đầu làm báo Thanh Niên, lính của anh Phan Bá Chức trưởng ban văn nghệ. Lụi hụi mò mẫm trên đoạn đường đoạn đời mới, nhiều lúc khó, nản, nghĩ tới “tấm gương” Huy Đức. Thầy Vy vẫn còn bám nghề dạy có lần động viên, thằng Huy Đức nó đéo học gì mà còn làm được, làm giỏi, sao mày phải nản. Lại vịn câu khuyên (chứ không phải thơ) mà đứng dậy.

Một hôm, không nhớ cụ thể ngày tháng nào, nửa cuối năm 96, tại 248 Cống Quỳnh quận 1, phía căn phòng nóng như lò nung của Ban Kinh tế xã hội do cụ Huỳnh Ngọc Chênh cầm trịch lao xao ồn ào như cái chợ vỡ. Cả cơ quan chỉ có hai chiếc máy điều hòa nhiệt độ, một cho phòng ban biên tập, một cho phòng ban cụ Chênh. Nó kêu hơn máy xay thóc, đứng nói chuyện gần nó cứ phải hét vào tai nhau. Vậy mà đám người kia còn át cả tiếng máy, chắc có sự chi ghê gớm lắm. Cụ Thế Vũ thư ký tòa soạn khều tôi (lúc này tôi đã chuyển qua Ban Thư ký), bảo sang xem có chuyện gì. Hóa ra cụ Chênh có lính mới, chẳng phải ai khác, mà chính là Huy Đức tên tuổi đã lẫy lừng. (còn tiếp)

Hôm nay, 21.6, phải kể tiếp ký ức về nhà báo Huy Đức, người đang đón lễ trọng trong nhà giam, một người có mấy chục năm là “nhà báo cách mạng”.

Năm 1996 ấy, tôi mới chỉ tuổi nghề mấy tháng, còn Huy Đức đã được tính bằng những năm nổi tiếng, lừng danh trong làng báo. Vậy nhưng chả hiểu sao, đang là quân tiên phong của Tuổi Trẻ, y lại nhảy sang Thanh Niên. Tôi cũng chả có dịp tò mò hỏi, bởi một phần mình… sợ, kính nhi viễn chi, phần khác y thoắt chỗ này thoắt chỗ khác, mà tinh làm việc với các sếp Khế, Tịnh, Nhượng, Chênh, mình tuổi gì mà dám ngó nghía.

Huy Đức đầu quân về Thanh Niên được một thời gian chưa bao lâu, chẳng hiểu có sự rủ rê gì không, tôi bắt đầu được diện kiến những tên tuổi khá nổi tiếng trong làng báo lúc bấy giờ, ban đầu là Dương Minh Long, rồi Yên Ba, vài năm sau còn có cả Tuấn Khanh, Trần Việt Đức. Họ còn khá trẻ, nhưng sớm được xếp vào hạng lão làng, về chuyên môn như ngôi sao sáng, “vua biết mặt, chúa biết tên”, ít ai bì kịp.

Tổ ảnh khi ấy do Ngọc Hải vốn ở công an chuyển qua làm tổ trưởng. Chụp ảnh cũng thường thôi nhưng nói tục “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”, lái xe cũng khiếp, ai trót một lần ngồi trên xe do y cầm lái thì tởn cạch đến già. Nơi làm việc của tổ ảnh là cái gác xép ngang khoảng mét rưỡi, sâu vài mét, cạnh phòng kỹ thuật của Đoàn Mẫn, phòng kỹ thuật kế vách ban Thanh Niên cuối tuần của cặp Trịnh Đình Sĩ - Phạm Chu Sa. Tất cả ở trên gác của nửa căn biệt thự cũ tại 218 Cống Quỳnh quận 1, lúc nào cũng như chợ vỡ. Cơ ngơi tổ ảnh, nghe kể thời chủ cũ vốn là chỗ chứa chổi cùn rế rách, ngồi ở đó vài phút là phải vọt ra ngoài kẻo chết ngạt.

Hôm ấy tôi sau khi sửa mo rát cho mấy bài của bác Sĩ, bác Sa xong, rảnh, lê la sang tổ ảnh, để nghe Ngọc Hải nói tục. Đó cũng là thú vui, nhất là khi đang thiếu trò chơi. Thấy trong căn xép một anh trắng trẻo thư sinh, giọng bắc-Hà Nội đang nói gì với Hải, với Bình (lính của Hải), một điều đồng chí Hải, hai điều đồng chí Bình, tôi lạ lắm. Lâu mới lại được nghe từ đồng chí, gọi nhau bằng đồng chí. Chợt nhớ người ta từng kể với nhau, khi họp hành gọi nhau bằng anh chị em, thậm chí mày, thì không sao, nhưng đã lôi đồng chí ra thì thế nào cũng có án mạng. Hải nói với anh thư sinh kia, đồng chí, đồng chí đéo gì, cứ thế mà làm thôi.

Thấy tôi, y bảo, giới thiệu với ông, đây là lính mới, Dương Minh Long. Tôi giật mình, không ngờ gặp vĩ nhân dễ thế. Hồi còn dạy học, tôi đã nghe tên tuổi Long, tay chụp ảnh cự phách, từng lăn lộn bên Liên Xô suốt bao năm trời, nổi như cồn, gái theo hàng đàn. Giờ không chỉ nhìn thấy mà còn được bắt tay y. Long chìa tay ra rồi bảo “chào đồng chí Thông”, tôi suýt ngã ngửa. Hồi đầu năm nay (2024), tôi mò tới nhà bác Nguyễn Duy, tại bác bảo lúc nào rảnh tới uống chè. Bác Duy thường có chè ngon do bạn xứ Thanh của bác là cựu thứ trưởng Lê Tiến Thọ gửi cho. Tới nơi, thấy hai cụ Duy - Long (đầu tóc râu ria bác trắng) đang bàn chuyện chi say sưa, giống như hội kín thời chống Pháp. Long cười bắt tay tôi, chào đồng chí Thông, sau còn chụp cho ba anh em mấy kiểu ảnh. Tôi bảo, sống trên đời, được Dương Minh Long, Nguyễn Đình Toán, Trần Việt Đức chụp ảnh cho, dẫu chết cũng nhắm mắt vui vẻ như cày xong thửa ruộng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét