Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

Quyền lực và ngôn ngữ

Cũng chưa lâu, độ dăm sáu năm trở lại đây, các văn bản của nhà nước, bài trên báo chí quốc doanh thường biên/ghi là "phòng, chống tham nhũng", có dấu phẩy giữa hai chữ phòng và chống.

Tôi có nghe, đó là ý chí của ông trùm tổng, khi hăng hái đốt lò, ông đã chỉ đạo các lực lượng thi hành và báo chí rằng không thể nói chung chung phòng chống tham nhũng mà phải là phòng, chống tham nhũng. Nghĩa là phân biệt 2 nhiệm vụ phòng và chống cho rõ rệt.

Ông ta, tôi để ý, rất thích dùng từ này nọ, thích chế biến, để lại dấu ấn riêng. Thường những anh học và theo đòi văn chương, lại chuyên về lý luận vẫn có thói lập dị như vậy. Đúng hay sai, bản thân đương sự không cần biết, bởi luôn cho mình là đúng. Còn kẻ dưới vừa sợ vừa nịnh, cứ răm rắp tuân chỉ, cấm dám hó hé cãi lại. Ngu gì cãi, mất phần xôi thịt.

Trong tiếng Việt, kể từ khi có chữ quốc ngữ tới giờ, khi viết "phòng chống" thì ai cũng hiểu nội hàm của nó gồm phòng và chống, có cả phòng lẫn chống, không coi nặng hoặc xem nhẹ việc nào. Chỉ cần viết "phòng chống" là đủ ý đủ nghĩa, đếch cần dấu phẩy vô duyên. Tôi muốn hỏi các ông các bà định cãi lại tôi, vậy khi viết "phòng chống" thì có phải chỉ nhấn vào phòng hoặc chống không, hay nhấn cả hai, có xem nhẹ việc nào không?

Tiếng Việt vẫn có những từ ghép đôi động từ, như phòng ngừa, phòng thủ, phòng vệ, phòng hộ, ngăn chặn..., hoàn toàn không dùng dấu phẩy ngăn cách. Và nên nghĩ tới việc đặt tên cho luật, "Luật Phòng chống tham nhũng" có dễ coi hơn là "Luật Phòng, chống tham nhũng" không. Xin nhớ là tên các luật rất kỵ dùng dấu câu, càng ít càng tốt, không có là tốt nhất.

Ngay rất nhiều cơ quan đơn vị của chính phủ, nhà nước đang tồn tại, có cần dấu phẩy đâu. Ví dụ: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; Cục Phòng chống tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội, v.v.. (về sau, những cơ quan này sợ uy ông cụ, thỉnh thoảng cũng xé rào, thêm dấu phẩy cho lành).

Cứ có quyền thì ăn hiếp ngôn ngữ, làm cho khốc hại chẳng qua bởi quyền.

Lạ là chẳng thấy các nhà ngôn ngữ lên tiếng, hay các vị còn bận nghiên cứu những thứ cao siêu.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét