Ở xứ An Nam ta, miền Bắc, hồi tôi học cấp 3 cuối thập niên 60 đầu 70, nói không ngoa, cả huyện chỉ có một người biết tiếng Anh, đó là thầy giáo dạy tiếng Anh của trường. Thầy giỏi tiếng Anh từ thời Pháp, sau 1954 đi dạy học, dạy cho trường Núi Đối, nhưng cũng ít học trò bởi chỉ có một hai lớp được học môn tiếng Anh, chứ hầu hết lớp khác học tiếng Nga, tiếng của Lenin, ông Sáu Nin (V.I.Lenin) đang là mốt. Năm 1968, thầy tiếng Anh bị điều đi phiên dịch cho hội nghị Paris, thế là chuyển hết bọn trò tiếng Anh sang học tiếng Nga, còn lại số ít học tiếng Trung. Cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, học xong quên tiệt.
Bây giờ thì khác, người ta, nam phụ lão ấu, vùng sâu vùng xa nói tiếng Anh nhoay nhoáy, líu lo như chim hót. Hôm trước tôi coi cái phóng sự về du lịch ở Sa Pa, ở mấy vùng biên viễn phía bắc, thấy các cháu bé dân tộc thiểu số nói tiếng Anh thạo hơn người Hà Nội, phục lăn.
Nói đâu xa, mấy đứa trẻ nít cháu họ tôi, chúng cứ ngồi với nhau, sau vài câu tiếng Việt mẹ đẻ là bắt đầu trổ tiếng Anh, tôi chả hiểu gì, vội rút lui. Nhỡ nó xin tiền mình thì sao, mà mình không có, ngượng chết.
Tôi ngu lâu về ngoại ngữ. Có học trong trường lẫn tự học cả tiếng Trung, tiếng Nga, rồi tiếng Anh nữa, tất tật tới nay vẫn trình độ i tờ. Riêng tiếng Anh, tôi đã dồn hết quyết tâm nghị lực học được cả thảy gần... chục lần, đều dừng ở cuốn 1 bộ Streamline English, Departures trong bộ 4 - 5 cuốn gì đó để thi chứng chỉ A, với mấy câu kiểu "What's your name?", "I am Thong", còn lại quên tiệt. Có hôm lên quận 1, một nhóm du khách ngoại tay cầm bản đồ đang ngơ ngác tìm đường, thấy tôi bèn ngoắc lại, chắc để hỏi đường. Tôi hiểu sự tình, vờ không nghe không thấy, rồ ga phóng mất dạng. Ngượng chết đi được.
Tôi ngu lâu, dốt ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, nhưng vẫn thấy rất buồn cười khi đọc báo quốc doanh xứ này, nhan nhản cụm từ "Make in Việt Nam". Nghe đâu nó do ông đương kim bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng sáng tạo ra. Ông ấy nói nguyên văn thế nào thì chưa rõ, nhưng các báo cứ biên lại thành "Make in Việt Nam", rõ cả dấu mũ chữ ê và dấu nặng.
"Make in" là thuần tiếng Anh, còn "Việt Nam" là thuần Việt. Tôi có thể ếch ngồi đáy giếng chưa hiểu hết quy tắc sử dụng ngôn ngữ, nhưng thấy nó cứ hổ lốn, tạp nham, nhí nhố, ông chằng bà chuộc thế nào ấy. Nếu thích dùng tiếng Anh, dùng ngoại ngữ cho có vẻ hiện đại, thời thượng, sao lại không là "Make in Vietnam". Thật quái lạ.
Báo chí thiếu gì người giỏi tiếng Anh, cớ sao cứ nhắm mắt nhắm mũi viết kiểu ông Hùng "Make in Việt Nam". Hay là cứ phải viết rõ "Việt Nam" cho có tinh thần dân tộc, niềm tự hào về đất nước, còn sai hay đúng, kệ. Có đứa kể ông ấy chỉ đạo phải viết thế. Thật chả ra làm sao.
Nhân tiện, nhà cháu cũng kể thêm. Trên tivi, trong phim ảnh họ chiếu, ta thường nghe những câu thoại khi nhân vật trong phim chào nhau, đại loại: chào buổi sáng, chào buổi trưa, chào buổi tối... Thật ra, trong tiếng Anh có những từ thể hiện lời chào. Ngôn ngữ Anh hơi tỉ mỉ, cặn kẽ nên vào buổi nào có từ chào riêng cho buổi đó, sáng riêng (good morning), trưa riêng (good afternoon), chiều riêng (good evening), tối riêng (good night, để chúc ngủ ngon khi tạm biệt), đại loại vậy. Chào nhau đương nhiên phải "good". Chả ai cám hấp, gặp nhau lúc sáng lại chào good afternoon, chào buổi trưa cả.
Dù có yếu tố thời gian trong từ thể hiện lời chào nhưng chỉ cần nói "chào" thôi, hoặc "xin chào", chào bác chào ông chào bà chào anh chào chị..., thế là quá đủ. Đếch ai khi gặp nhau lại chào "chào buổi sáng", chào bà buổi sáng, chào em buổi tối... bao giờ. Nói thật, chỉ có dở hơi, khùng, dốt tiếng Anh mới dịch thành chào kiểu như vậy.
Nguyễn Thông (trình độ 1/10 chứng chỉ A)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét